CÂU THỜI…
Truyện ngắn của Võ Quốc Tuấn
…
Đã mấy lần, tôi muốn lấy cất đi những
tấm giấy khen của mình là mấy lần ông tôi đều can ngăn:
-
Cứ để đấy cháu ạ!
Để… Để mà kỉ niệm của một thời chăm chỉ.
- Nhưng mỗi lần nhìn thấy nó, cháu nhụt lắm ông ạ!-
Tôi đáp – xuất sắc thời sinh viên thì được ích gì, khi mà giờ đây con là thằng
thất nghiệp. Trong khi ấy, bạn cháu, khối đứa không có nó vẫn ngành nghề đàng
hoàng, có đứa tài hèn lắm mà vẫn chễm chệ ngồi ghế cao, thì sao mà chẳng buồn!
- Đấy là thời cơ chưa đến con ạ! Một khi có đủ thiên
thời, địa lợi, nhân hòa thì dẫu không muốn thành đạt cũng không được con à!
Tôi biết, đấy là ông tôi lấy những câu trong “ tủ sách
vàng” để khuyên tôi. Rồi, ông bảo:
- Hôm nay, đẹp trời, ông con mình đi câu! Câu cá cũng
là một nghệ thuật đấy! Nó sẽ rèn con lòng kiên nhẫn, rồi con sẽ biết thế nào là
thiên thời, địa lợi. Còn nhân hòa, khi nào được đi làm, con sẽ ắt biết.
- Dạ!- Tôi đáp cho có, vì ở chốn quê này biết làm gì
hơn. Được thả hồn theo sông nước cũng thấy nhẹ lòng…
***
Sau vài lần đi câu với ông, phải thừa nhận: ông rất có
khiếu về “ đường câu”. Đã đi thì không bao giờ ông về tay không. Vì vậy, mỗi
lần ông xuất hiện ở điểm câu nào thì chắc chắn rằng, dăm phút thôi, nơi ấy sẽ
có vài ba kẻ tham gia buông cần, bởi họ tin rằng ông rất giỏi trong việc lựa
chọn địa lợi, thiên thời nên nơi ấy, chắc chắn sẽ câu dính được cá. Những lúc
ấy, ông rất khó chịu. Vì họ quá ồn ào, trong khi ông cần sự yên tĩnh; họ quá
thực dụng, ông thì kiên nhẫn đợi thời cơ, câu để làm khuây thôi, dính hay không
với ông không quan trọng. Chính vì vậy mà ông rất ít đi câu. Hôm nay, ông đi là
vì tôi vậy.
Ông có thói quen uống trà đặc, mà phải là trà Bắc. Lúc
đi câu cũng vậy, phải có khai trà bên cạnh, bằng không, ông cứ ngáp hoài, trông
tội lắm! Vì lẽ ấy, mỗi lần đi câu, tôi đều mang theo khai trà cho ông.
Trước khi đi, ông bảo: “ Hôm nay, trời đẹp, sau mấy
ngày mưa dầm nước lũ, ra quân sẽ kiếm được vài con tra đấy”. Nói rồi, ông đi
làm mồi câu, tôi thì pha trà, chuẩn bị cần...
Tháng 9 âm lịch, trời chiều, sông nước mênh
mông. Lẫn vào trong gió là mùi của hương đồng cỏ nội, mùi của nước đỏ phù sa,
của hương bần, hương điên điển, của hoa dại ven sông,… làm cho lòng tôi dịu lại, mênh mang khó tả. Đúng
như ông nhận định, có lẽ lũ về, những con
cá tra ở ao nuôi được dịp thoát ra ngoài, thỏa sức vẫy vùng trong sông nước.
Chúng thi nhau vẫy đuôi trắng toát, ục như trong ao nuôi vậy. Ông đứng trên
cầu, quan sát khắp lượt hai bên bờ, rồi bảo tôi ghé sang bờ Đông. Thấy lạ, tôi
hỏi:
- Sao phải chọn bờ Đông hả ông?
- Nơi ấy trên gió, không có rác, cá sẽ tập trung về
bên ấy con ạ!
- Vậy mình sẽ chọn bãi nào, ông nhỉ?
- Chỗ bờ đá kè, gần búng nước xoáy ấy. Nơi ấy là địa
lợi đó.
…
Tôi thật phục sát đất lòng kiên nhẫn của ông: suốt
buổi câu, ông chỉ quăng câu duy nhất một chỗ, ngồi bất động hàng giờ, chờ đợi. Tôi thì đã dời không biết bao nhiêu là chỗ mà
chỉ được mỗi con tra hàng cháu chắt. Trong khi ấy, ông được bốn con tra cụ, con
to nhất là cỡ bắp chân tôi, làm cho các cần thủ chiều nay không khỏi khâm phục,
ghen tị. Đúng là một nghệ thuật khi đưa được một con cá to lên bờ với một cần
câu mà dây nhỏ như vậy: không thể vội được, vội sẽ thất bại, mất cả lưỡi lẫn
chì; phải thả nhợ, chiều theo khi nó chạy, và chỉ thu lại khi nó đã mệt lữ,
không còn sức để kháng cự. Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc:
- Liệu sông này có cá bông lau nặng bốn, năm kí như
lời những người câu hôm qua nói không ông? Và ông đã câu được con bông lau nào
chưa, ở bến sông này?
- Chưa...Mà ông cũng chẳng tin sông này lại có bông lau.
Nó chỉ ở sông lớn còn nhánh sông nhỏ này thì…không thể. Ông cũng muốn xem cao
thủ ấy câu mồi gì mà được bông lau bốn năm kí?...
…Chiều nay, chúng tôi có dịp được tận mắt
nhìn thấy cao thủ ấy như mọi người đồn đại: cần câu mạ vàng trông thật thích
mắt. Ông ta vừa câu vừa nằm ghế dựa, dưới chân là thùng heineken đã bật nắp vài
lon, hai bên là hai người tùy tùng cũng đứng câu, nhưng có vẻ phục vụ người
giữa là chính. Tất cả họ vừa câu vừa uống vừa nói chuyện, thật là ồn ào, khó
chịu. Kẻ đứng bên cạnh ông ta tâng bốc:
- Xếp đúng là sát cá, là cần thủ bậc thầy.
Ra quân là phải có, mà phải là cá cụ. Cá
lạ nữa chứ! Mấy ngày qua, xếp lên mấy con bông lau, con bớp làm mấy tay câu ở
bến này phục sát đất.
- Ừ ! Mà cũng nhờ tài xác định địa lợi của chú em đấy,
cứ bảo anh câu duy nhất đúng chỗ này… Còn mồi nữa, đúng là mồi đặc biệt, có sầu
riêng phải không?
- Dạ!..Dạ!
Ông tôi cười ngất vì tháng này, sầu riêng mới có bông
mà, lấy đâu ra trái chứ! Nhưng cười còn vì một lẽ khác: cá bớp chỉ sống ở nước
lợ- những cửa sông gần biển- sông mình nước ngọt thì làm gì có? Họ ngồi ở bờ Đông
cùng với chúng tôi mà lại thẩy dây câu qua bờ Tây, hai bờ cách nhau vài mươi mét mới
sốc chứ. Tôi định hỏi ông sao lạ vậy thì ông ra hiệu cho tôi im lặng, chờ đợi. Tiếng
họ xì xào, tiếng bóc bia, tiếng chì mà câu họ quăng như quăng lựu đạn ấy, càng
thêm bực. Tôi toan bước đi thì ông xếp ấy bổng ngồi dậy, giật mạnh, tiếng máy quay
thu dây câu nghe rè rè, cần câu uốn cong vút như sắp gãy. Hai kẻ tùy tùng mừng
quýnh, hô to: “Dính rồi! Dính rồi!… Kình ngư đó!” . Ông cháu tôi và những người
câu chiều nay không khỏi ngạc nhiên, có người bỏ cả câu, chạy qua xem .. Hai kẻ
tùy tùng liền bỏ câu, cầm vợt, chờ thu chiến lợi phẩm. Từ dưới lòng sông, bọt
sôi ùng ục, nhợ giật liên hồi, ông ta tì gốc câu vào giữa háng mà kéo, mà thu
dây. Cuối cùng cũng kéo đến mặt nước. Chúng tôi lại một phen kinh ngạc: dính
vào lưỡi câu không phải là cá mà là bàn
tay người. Rồi hiện nguyên hình trước mắt chúng tôi là một người mặc đồ thợ lặn
đang cố bò lên, thở hổn hển. Gả xếp sau phút kinh hãi, giờ định thần, hét to:
-
Mầy làm gì ở dưới
đó thế? Định ăn cắp lưỡi câu mạ vàng của tao à?
Vừa hét, hắn vừa giật mạnh làm cho người kia đau đớn, ngã
nhào, đáp:
-
Tôi không ăn cắp.
Tôi đang làm việc.
-
Việc gì?- Tên xếp
hỏi.
-
Mấy ngày nay, có
người thuê tôi mắc những con cá bông lau, cá bớp vào lưỡi câu mạ vàng ttại chỗ
này.
-
Ai thuê mày?
-
Dạ…Anh Tâm –Trưởng
phòng tổ chức nhân sự ở công ti XYZ.
-
Tâm trưởng phòng?
Tâm XYZ…
Ông ta quay sang hỏi tên tùy tùng cùng đi câu:
-
Thằng Tâm đâu
rồi?
-
Dạ…Dạ…Không thấy…Ảnh…mới…
ra xe rồi thì phải!
Như hiểu ra được chuyện gì, ông ta mặt không còn tí
máu, giằng cả cần câu xuống đất rồi đùng đùng ra xe.
…
***
Giờ thì tôi đã hiểu rõ vì sao họ lại làm như thế rồi.
Anh thợ lặn kia cam tâm làm việc nguy hiểm ấy, vì ngoài việc được khoản thù
lao, anh cũng mong được Trưởng phòng Tâm chiếu cố; còn trưởng phòng Tâm chịu
tốn công làm mồi câu lại phải tốn tiền mua cá, cốt để làm vui lòng xếp đẻ được
mong lên ngôi cao; mà cũng biết đâu xếp câu cá là để làm quà cho xếp trên …? Tất cả đều có thể lắm chứ!
Giá như tôi
đừng chứng kiến buổi câu ấy, đừng hiểu ra mọi việc thì tôi đã không buồn như
hôm nay. Chao ôi! Vì công danh, người ta lại thủ đoạn đến thế sao? Bao tâm
huyết, hoài bảo, khao khát, kì vọng của một chàng trai trẻ mới ra trường đã bị
mai một ít nhiều trong tôi. Càng nghĩ tôi càng thấy cơ hội để có việc làm của
tôi càng mỏng manh.
Nhưng không. Một lần nữa, ông tôi lại đúng. Nghe lời
ông, tôi kiên nhẫn đợi chờ và 6 tháng sau, tôi được gọi vào làm ở một doanh
nghiệp, mặc dù công việc ấy không đúng chuyên ngành của tôi. Nhưng dẫu sao đi
nữa thì tôi cũng đã mãn nguyện rồi vì ít ra, tôi cũng không phải là thằng thừa
trong xã hội.
Một thời gian sau, ông hỏi tôi:
-
Thế nào, ở cơ
quan con có lắm người thích đi câu cá không?
- Con chưa
biết nữa ông ạ! Nhưng con nghĩ: người ta sẽ không đi câu nữa khi trên đời không
còn cá hoặc nếu còn nhưng cá không tham mồi. Nhưng cá nào lại không tham mồi,
ông nhỉ? Thế là người ta sẽ câu thôi ông ạ! Chỉ có điều người ta có biết câu
như thế nào để không phải bị gọi là chủ nghĩa cá nhân, vô cảm, thủ đoạn; nghĩa
là không biết đến liêm sỉ nữa hay không mà thôi!
- Đúng. Cháu đã biết thế nào là nhân hòa rồi đấy. Muốn
có nó, cháu phải biết và hơn thế nữa cháu phải sống, cư xử, hành động của một
người trọng liêm, sỉ. Liêm sĩ với chính mình.
Võ Quốc Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét