Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

TAM QUỐc CHÍ Trần Thọ
[Tiếp Theo]
THÁI QUỐC MƯU
B. Bộ Tấn Thư của Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ.



- Tấn thư (晋書) là 1 trong 24 Bộ Chánh Sử của Trung Hoa, do Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ biên soạn năm 648, do lệnh Đường Thái Tông Lý Thế Dân.


Đường Cao Tổ (唐高祖), 566 đến 25 tháng 7 năm 635, tục danh là Lý Uyên (李淵), tự Thúc Đức (叔德), là vị hoàng đế khai quốc của triều Đường. Ông ở ngôi trên 8 năm (618-626). Trước, Lý Uyên là tôi thần Nhà Tùy, cai quản khu vực tỉnh Sơn Tây ngày nay.

Lợi dụng khi triều đại Nhà Tùy mục nát, Năm 617, Lý Thế Dân khuyên cha là Lý Uyên chống lại Nha Tùy. Khởi đầu đánh chiếm kinh đô Trường An. Xong, Lý Uyên tự phong là "đại thừa tướng", hưởng tước Đường Vương. Để che dấu ý đồ, Lý Uyên tôn Dương Hựu lên ngôi làm hình nộm, tức là Tùy Cung Đế. 

Tùy Cung Đế 隋恭帝 605-14 tháng 9 năm 619, tên húy là Dương Hựu (杨侑), là hoàng đế thứ 3 của triều Tùy. Theo truyền thống, ông được xem là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại do là người đã chính thức thiện nhượng cho Lý Uyên- hoàng đế khai quốc triều Đường, mặc dù sau đó, Dương Đồng đã xưng đế và tiếp tục tại vị cho đến năm 619.  (Theo Tùy Thư  Dạng Đế Truyện chép rằng”: “Ban đầu Dương Hựu được phong là Trần vương và sau được cải phong là Đại Vương, song trong Cung Đế Bản Kỷ cải chính rằng Dương Hựu ngay từ lúc đầu đã được phong là Đại Vương. Tức là Dương Hựu không có thọ chức Trần Vương).

Sau khi cướp ngôi Nhà Tùy, Lý Uyên xưng đế hiệu là Lý Cao Tổ, phong vợ là Đậu thị làm Thái Mục Hoàng Hậu. Con trưởng là Lý Kiến Thành làm Đông Cung Thái Tử.

Đậu Thái Mục Hoàng Hậu ở với Đường Cao Tổ Lý Uyên, có 4 người con trai và một người con gái, theo thứ tự: Lý Kiến Thành, Bình Dương Chiêu công chúa, Lý Thế Dân, Lý Huyền Bá và Lý Nguyên Cát.

Lý Thế Dân nghĩ mình có nhiều công lao với vua cha, nên giành ngôi vị Thái Tử với anh trưởng là Thái Tử Lý Kiến Thành. Vào ngày 2 tháng 7 năm 626, Lý Thế Dân cho phục kích tại Huyền Vũ Môn giết chết người anh ruột của mình là Thái tử Lý Kiến Thành và người em trai ruột là Lý Nguyên Cát.

Biết rõ tâm địa của Lý Thế Dân, Đường Cao Tổ Lý Uyên (có lẽ sợ chết mà cũng không thể bắt tội con) bèn truyền ngôi cho Lý Thế Dân.

Đường Cao Tổ Lý Uyên lên làm Thái Thượng Hoàng, an hưởng tuổi già đến cuối đời. Lý Thế Dân tức vị, xưng đế hiệu là Đường Thái Tông. Đường Thái Tông (唐太宗), trị vì từ 23 tháng 1-598 đến 10 tháng 7-649. Ông là con trai thứ 2 cũng là người nối ngôi Đường Cao Tổ Lý Uyên.

Đường Thái Tông là vị vua thứ 2 của triều đại Nhà Đường. Ông trị vì được 24 năm (626-649) niên hiệu là Trinh Quán (貞觀). Suốt thời gian tại vị Đường Thái Tông chỉ dùng duy nhất niên hiệu nầy.

Thuở nhỏ, Lý Thế Dân đã biểu lộ tài hoa, giỏi thư pháp, âm nhạc, tinh thông thâp bát ban võ nghệ, có tài cầm quân, thạo binh pháp, rất can đảm, không nề những việc hiểm nguy. Khi tấn công thì như thác trào nước lũ, ào ạt như vũ bão,… đối phương luôn kiêng dè, nể sợ.

Lúc 18 tuổi, đã nắm binh quyền, được nhiều danh tài tìm đến đầu phục. Có những kẻ giàu khả năng, thiện chí như Lý Tĩnh, Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công, Trình Giảo Kim… Ông được xem là Khai Quốc Hoàng Đế, đồng sáng lập nhà Đường với vua cha là Đường Cao Tổ Lý Uyên.

Đường Thái Tông là một vị vua tài ba, đem cường thịnh tột đỉnh đến Nhà Đại Đường. Ông được coi là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong đất nước Trung Hoa, không kém gì các vì vua như Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, Hán Cao Tổ Lưu Bang, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

Bộ Tấn Thư có 132 quyển gồm Mục Lục 1 quyển, Đế Kỷ 10 quyển, Chí 20 quyển, Liệt Truyện 70 quyển, Ký Tái 30 quyển. Phần Mục Lục có 2 quyển, bị mất. Hiện nay chỉ còn lại 130 quyển. Sách kể về lịch sử các sự kiện bắt đầu từ Tư Mã Ý thời Tam Quốc đến khi Lưu Dụ phế Tấn Cung Đế lập nhà Lưu Tống năm 420, đồng thời sách còn bổ sung thêm hình thức "Ký Tái" (ghi chép thêm), dùng để tường thuật tình hình chính quyền của 16 nước.

Nhóm tác giả "Tấn Thư" tổng cộng có 21 người bao gồm:

- Ba người trông coi việc tu sửa: Phòng Huyền Linh, Chử Toại Lương, Hứa Kính Tông.

- Tác giả của ba chí Thiên Văn, Luật Lịch, Ngũ Hành: Lý Thuần Phong

- Thể lệ tu sử đã định: Kính Bá (chú thích: không có lưu truyền lại)

16 người khác: Lệnh Hồ Đức Phân, Lai Tế, Lục Nguyên Sĩ, Lưu Tử Dực, Lư Thừa Cơ, Lý Nghĩa Phủ, Tiết Nguyên Siêu, Thượng Quan Nghi, Thôi Hành Công, Tân Khâu Ngự, Lưu Dận Chi, Dương Nhân Khanh, Lý Diên Thọ, Trương Văn Cung, Lý An Kỳ và Lý Hoài Nghiễm.

Ngoài ra Đường Thái Tông Lý Thế Dân còn viết thêm bốn thiên bàn luận lịch sử trong phần Tuyên Đế Kỷ Tư Mã Ý, Vũ Đế Kỷ Tư Mã Viêm, và hai phần liệt truyện là Lục Cơ, Vương Hi Chi, cho nên mới có tựa đề là “Ngự Soạn” (do vua soạn thảo).

Tam Quốc Chi của Trần Thọ ra đời cùng lúc Hạ Hầu Trạm biên soạn cuốn Ngụy Thư. Sau khi ông đọc Tam Quốc Chí của Trần Thọ rồi, tự thấy không bằng liền tự đem đốt bản thảo của mình. Điều nầy cho chúng ta thấy, sự xuất hiện tác phẩm Tam Quốc của Trần Thọ đã khiến nhiều học giả đương thời nể trọng. Còn giới quan lại Thục Hán chê Trần Thọ là kẻ vô tình, bất trung, tuyệt Hán!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét