Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Chân Dung Nhà biên Khảo THÁI QUỐC MƯU

SỰ SAI BIỆT GIỮA BỘ TIỂU THUYẾT TAM QUỐC DIỄN NGHĨA CỦA LA QUÁN TRUNG VỚI BỘ CHÁNH SỬ TAM QUỐC CHÍ CỦA SỬ GIA TRẦN THỌ.

Thái Quốc Mưu



Lời giới thiệu của Giáo sư, Hiệu trưởng La Ngạc Thụy:

Tam Quốc bao quát cả một thời kỳ lịch sử gần một thế kỷ (từ 184 đến 280 sau công nguyên), tại đó, ba nước Ngụy, Thục, Ngô đã hình thành thế chân vạc trong quá trình đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân và trong cuộc chiến tranh giữa các chư hầu với nhau. Bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa của ba anh em Trương Giốc mà lịch sử gọi là cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn vàng) cho tới khi Tư Mã Viêm, cháu Tư Mã Ý, tướng Ngụy, thống nhất được Trung Quốc để lập nên nhà Tấn và chấm dứt cục diện tam quốc phân tranh.


Căn cứ vào bộ tiểu thuyết giả sử Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và bộ Chính sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, nhà văn, nhà nghiên cứu Thái Quốc Mưu đã phân tích, lý giải với quan điểm hoàn toàn mới để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về những nhân vật chủ chốt của bộ Tam Quốc Chí.


La Ngạc Thụy
(Giáo sư, Hiệu trưởng trường trung học Tây Ninh
Chủ nhiệm trang nhà datdung.com)

huy ba 6 Tháng Chín, 2016 at 6:46 chiều
Tơi mong cĩ nhiều bậc trí nhân nghiên cứu về lịch su63 Việt Nam sâu như bài này. Học người một , học mình mười.

***
Tác giả Bộ Chánh Sử Tam Quốc Chí là Trần Thọ (陈寿), tự Thừa Tộ, sanh năm 233, mất năm 297, nguyên quán ở quận Ba Tây (nay thuộc đô thị Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên), làm quan Nhà Thục Hán, khi Thục Hán diệt vong, ông làm quan Nhà Tây Tấn. Trần Thọ thuở nhỏ hiếu học, bái Tiều Chu làm thầy, sau đó giữ chức Quan Các Lệnh Sử triều đình Thục Hán.

Trần Thọ vốn người ngay thẳng, trung thực được người đương thời tôn là bậc chính nhân quân tử, không theo phe phái nào, nhất là bọn hoạn quan Hoàng Hạo.
Trong thời gian đó, Trần Thọ khi làm Trước Trác Lang bắt đầu biên soạn Thục Tướng Gia Cát Lượng Tập dâng lên triều đình, nhờ đó được thăng chức Trung Chính ở quận Dương Bình. Từ đó, Trần Thọ dồn hết tâm huyết để biên soạn tác phẩm Tam Quốc Chí, ghi chép lại lịch sử Trung Quốc thời kỳ Tam Quốc, tổng cộng 65 thiên, trở thành một trong 24 bộ chính sử lớn của Trung Quốc.

Dưới đây là danh sách Nhị Thập Tứ Sử Trung Hoa, gồm có:
1. Sử ký, của Tư Mã Thiên, 130 cuốn.
2. Hán thư, của Ban Cố, 100 cuốn.
3. Hậu Hán thư, của Phạm Diệp, 120 cuốn.
4. Tam quốc chí, của Trần Thọ, 65 cuốn.
5. Tấn thư, do Phòng  Huyền Linh chủ biên, 130 cuốn.
6. Tống thư, của Thẩm Ước, 100 cuốn.
7. Nam Tề thư, của Tiêu Tử Hiển, 59 cuốn.
8. Lương thư, của Diêu Tư Liêm, 56 cuốn.
9. Trần thư, của Diêu Tư Liêm, 36 cuốn.
10. Ngụy thư, của Ngụy Thâu, 114 cuốn.
11. Bắc Tề thư, của Lý Bách Dược, 50 cuốn.
12. Chu thư, do Lệnh Hồ Đức Phân chủ biên, 50 cuốn.
13. Tùy thư, do Ngụy Trưng chủ biên, 85 cuốn.
14. Nam sử, của Lý Diên Thọ, 80 cuốn.
15. Bắc sử, của Lý Diên Thọ, 100 cuốn.
16. Cựu Đường thư, do Lưu Hú chủ biên, 200 cuốn.
17. Tân Đường thư, của Âu Dương Tu và Tống Kỳ, 225 cuốn.
18. Cựu Ngũ Đại sử, do Tiết Cư Chính chủ biên, 150 cuốn.
19. Tân Ngũ Đại sử, do Âu Dương Tu chủ biên, 74 cuốn.
20. Tống sử, do Thoát Thoát chủ biên, 496 cuốn.
21. Liêu sử, do Thoát Thoát chủ biên, 116 cuốn.
22. Kim sử do Thoát Thoát chủ biên,         135 cuốn.
23.Nguyên sử, do Tống Liêm chủ biên, 210 cuốn.
24. Minh sử, doTrương Đình Ngọc chủ biên, 332 cuốn.

Ngoài 24 bộ chánh sử nêu trên, về sau còn có thêm 2 bộ sử nữa:
- Tân Nguyên sử, do Kha Thiệu Văn chủ biên, 257 cuốn.
- Thanh sử cảo, doTriệu Nhĩ Tốn chủ biên, 529 cuốn.

Trong Tấn Thư chép, khi Tam Quốc Chí ra đời được đánh giá rất cao. Đương thời và cùng lúc với Hạ Hầu Trạm biên soạn cuốn Ngụy Thư. Khi Hạ Hầu Trạm xem Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Hạ Hầu Trạm thấy mình viết không bằng Tam Quốc Chí của Thọ, liền tự tiêu hủy tác phẩm của mình.

Lưu Hiệp, người thời Lương (Nam, Bắc triều) trong cuốn Văn Tâm Điêu Long, tại mục Sử Truyện chép rằng: “Duy Trần Thọ Tam Quốc Chí, văn chất biện hiệp, Tuân, Trương tỷ chi ư Thiên, Cố, phi vọng dự dã” (Dịch: Tam quốc chí của Trần Thọ thấm nhuần chất văn, như Tuân, Trương so sánh với Thiên, Cố, chẳng phải khen quá lời).

Tam Quốc Chí của Trần Thọ không những chỉ chép khái quát tình hình chính trị, kinh tế, quân sự thời Tam Quốc mà còn đề cập đến nhiều nhân vật xuất sắc trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kỹ thuật..., đồng thời ghi chép về một số dân tộc thiểu số ở Trung Hoa và viết thêm về các nước láng giềng của Trung Quốc (như Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam...)

Tính trung thực của Trần Thọ khi viết bộ Tam Quốc Chí cũng có nhiều ý kiến phê bình khác nhau.

Theo Tấn Thư chép lại, thì Trần Thọ từng nói với Đinh Nghi, tự Chính Lễ, Đinh Hạo, tự Đinh Dị, có sách chép là Đinh Dự (con của Đinh Xung, bạn thân của Tào Tháo), cả hai người đều có tiếng tăm ở nước Ngụy, rằng: "Khả mịch thiên hộc mễ kiến dữ, đương vị tôn công tác giai truyện" (Dịch: Nếu tìm cho ta được nghìn hộc lương - khoảng 10 ngàn kgs gạo, ta sẽ vì tôn phụ mà viết truyện cho hay). Kết quả bị từ chối, Trần Thọ cũng không viết truyện về người cha của hai anh em họ Đinh nữa.

Câu chuyện cho rằng Trần Thọ ra điều kiện với anh em họ Đinh hoàn toàn bia đặt, sai sự thật, vì Đinh Nghi (), tự Chính Lễ, làm quan Ngụy Tào, mất năm 220, trong khi Trần Thọ sanh năm 233, nghĩa là Đinh Nghi chết trước khi Trần Thọ chào đời 13 năm. Còn Đinh Hạo, tuy trong sách sử không nói rõ ràng, nhưng ta có thể hiểu Hạo cũng thuộc tầng lớp trước Trần Thọ thì lấy ai để Trần Thọ đặt điều kiện như trên mô tả? Điều nầy có thể bởi những kẻ cùng thời với Trần Thọ vì ganh ghét nhân cách, đố kỵ tài năng mà ngậm nọc độc phun vào tên tuổi Trần Thọ? Thời nào, ở đâu mà chẳng có loại người vô liêm sỉ?

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, do cha của Trần Thọ bị Khổng Minh GIA Cát Lượng xử tội, nên trong quyển 35 Tam Quốc Chí phần viết về “GIA Cát Lượng Truyện”, Trần Thọ đánh giá Chư Cát Lượng là “danh quá kỳ thực” (Dịch: tiếng tăm vượt quá sự thật) là Thọ dùng việc công để báo thù riêng. (thực tế, Khổng Minh không phải họ GIA Cát mà là họ CHƯ Cát. Từ đây, đến kết thúc bài nầy, khi đề cập đến họ GIA Cát – tôi viết lại là CHƯ Cát – để chỉnh lại cho hoàn chỉnh và đúng với nguyên tác).

Để quý độc giả biết rõ vì sao từ họ GIA Cát, tôi (TQMưu) chỉnh thành họ CHƯ Cát, người viết xin mạo muộâi nói về nguồn gốc của họ “Chư Cát”. Có 2 thuyết:

(1). Trong cuốn "Phong Tục Thông Nghĩa" của Ứng Thiệu đời Đông Hán (25-220), phần “Dật văn” nói về các tên họ, như sau:

- Chư Cát thị: “Cát Anh vi Trần Thiệp tướng quân, hữu công phi tội nhi tru, Hiếu Văn đế truy lục phong kỳ tôn Chư huyện hầu, nhân tính thị yên.” Dịch: “Họ Chư Cát: Cát Anh là tướng của Trần Thiệp, có công, không có tội mà bị giết, Hiếu Văn đế truy tìm những ghi chép trong sách vở (về sự việc đó), rồi phong cháu nội của tướng Cát Anh cai trị huyện CHƯ, nhân đó ghép tên huyện với tộc họ chính với địa danh CHƯ thành ra họ CHƯ Cát.

(2). Trong phần chú thích tiểu sử (GIA) CHƯ Cát Cẩn (bào huynh CHƯ Cát Lượng), trong bộ Chính Sử “Tam Quốc Chí”. Sử gia Bùi Tùng Chi (372-451) ghi về nguồn gốc họ "CHƯ Cát" ở chú thích như sau:

- Ngô Thư viết: “Kỳ tiên Cát thị, bản Lang Nha CHƯ huyện nhân, hậu tỉ Dương Đô. Dương Đô tiên hữu tính CÁT giả, thời nhân vị chi Chư Cát, nhân dĩ vi thị. / Tam Quốc Chí. Qu. LII - Ngô Thư. Qu. VII.

Dịch: Ngô Thư nói: “Tiên tổ của (GIA) CHƯ Cát Cẩn vốn là người huyện CHƯ, quận Lang Nha, về sau dời đến (huyện) Dương Đô. Ở huyện Dương Đô, trước đó đã có họ CÁT, người thời đó gọi tiên tổ của GIA Cát Cẩn là “CHƯ Cát”, nhân đó lấy địa danh CHƯ làm họ chính.

Để rõ hơn, người viết xin giải thích một chút về câu “người thời đó gọi tiên tổ của CHƯ Cát Cẩn là “CHƯ Cát” - tức câu “Thời nhân vị chi CHƯ Cát”.

Trước đó ở lãnh thổ huyện Dương Đô đã có giòng họ CÁT, bây giờ tiên tổ của (GIA) Cát Cẩn cũng họ CÁT từ huyện CHƯ dọn tới, để phân biệt gốc gác của hai nhánh họ CÁT người huyện Dương Đô mới thêm tiếng CHƯ trước chữ CÁT của giòng họ (GIA) CÁT Cẩn là "CHƯ CÁT", ý nói rằng giòng họ CÁT này từ huyện CHƯ dọn tới, chứ không phải là giòng họ CÁT có gốc tại Dương Đô. Tóm lại, có đến 2 thuyết về họ CHƯ Cát của CHƯ Cát Lượng như tôi đã dẫn ở trên.

Tuyệt nhiên không có nói gì đến họ GIA. Vì sao từ họ CÁT của tướng CÁT ANH (Nội tổ của Khổng Minh) bỗng nhiên có chữ “GIA” đứng trước chữ CÁT để tạo thành họ GIA CÁT? Phải chăng do người dịch bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa đầu tiên do nhận mặt chữ sai lầm? Tôi (TQMưu) không lý giải được.

Thân phụ của Trần Thọ là Trần Thức (陳式) làm tướng của Hoàng Trung, sau chiến dịch Hán Trung và trận Hào Đình, Trần Thức được phong làm Đại Tướng Quân, phục vụ dưới trướng Lưu Bị. Trần Thức (Cha của Trần Thọ) làm Tham Quân cho Mã Tốc. Mã Tốc trái lệnh làm mất Nhai Đình bị Gia Cát Lượng xử chém.

Sau khi Đinh Xung mất, Tào Tháo nghe con của Xung là Đinh Nghi có tài, định gả con gái là Tào Thanh Hà (sau là công chúa Thanh Hà) cho Nghi. Nhưng Tào Phi vin cớ, mắt phải của Đinh Nghi bị dị tật, “tướng mạo bất giai” ngăn cản. Sau cùng, Tháo gả Thanh Hà cho Hạ Hầu Mậu.

Để giữ tình nghĩa với Định Xung, Tháo phong cho Đinh Nghi làm Tây Tào duyện.

Bởi hụt làm rể của Tào Tháo, Đinh Nghi cùng em là Đinh Dị quyến định kết thân với người con thứ ba của Tào Tháo là Tào Thực. Mỗi khi đối diện với Tào Tháo, anh em Đinh Nghi thường nói tốt Tào Thực trước mặt Tào Tháo. Đồng thời dâng ý kiến lên Tháo nên chọn Tào Thực làm thế tử. Còn Tào Phi lên làm Ngụy công. Do đó, khi Tào Tháo mất, Phi lên làm Ngụy Vương, nhớ lại chuyện nầy bèn xử trảm hai anh em Đinh Nghi cùng gia đình vợ con của anh em họ Đinh.

Phần Tào Thực, tự Tử Kiến, thụy là Trần Tư Vương, sanh năm 192 mất 27 tháng 12, 232. Thọ 40 tuổi. Tào Thực có tên trong Văn Học Kiến An là nền văn học bộc phát thời Hán Hiến Đế, nên dùng niên hiệu Kiến An của Hán Hiến Đế. Đặt tên cho nền văn học nầy. Hán Hiến Đế là vị vua cuối cùng của Hán trào.

Ban đầu nền Văn Học Kiến An có bảy văn, thi nhân nổi danh, được xưng tụng là Kiến An Thất Tử, gồm có:

1. Vương Xán (177-217), tự Trọng Tuyên, người Cao Bình, Sơn Dương, nay ở Tây nam huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông. Vương Xán hình dung bên ngoài xấu xí, cao khoản 1.50mét, nhưng ông nổi tiếng hay chữ, là người uyên bác, giỏi văn học, giỏi toán, đặc biệt trí nhớ rất tốt. Vung bút thành văn, múa bút thành thơ, sau khi viết rồi không hề sửa một chữ. Trong Kiến An Thất Tử, Vương Xán là người nổi tiếng nhất, làm thơ nhiều nhất, và tiêu biểu nhất. Tác phẩm của ông để lại có thi, phú, luận gồm 60 thiên; trong số đó có bài phú Đăng Lâu, danh rền thiên hạ.

2. Khổng Dung (153 - 208) nhiều tuổi hơn cả, là người giao thiệp rộng, hay châm chọc Tào Tháo, nên bị Tào Tháo vừa ghét vừa ghen tài nên tìm cách giết ông chết. Sau khi Tào Phi tức vị, cho gom góp những di văn của ông được 25 thiên.

3. Trần Lâm (? -217): lúc đầu phục vụ cho Viên Thiệu, ông đã làm bài hịch mắng Tào Tháo. Bài hịch này rất nổi tiếng trong văn học cổ đại Trung Quốc. Về sau, khi về với Tào Tháo, vì yêu tài ông, Tào Tháo đã bỏ qua chuyện cũ.

3. Lưu Trinh (170 - 217) làm thơ tỏ lòng tiết tháo, không thoả hiệp với thế lực đen tối, biểu hiện chân tính “Phong Cốt Kiến An.”

Ngoài ra còn có ba người nữa, là Nguyễn Vũ (?-212), Từ Cán (170-217) và Ứng Sướng. Đáng tiếc người viết chưa tìm được sử liệu của ba nhân vật nầy.

Về sau ba cha con Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực cũng nằm trong nền Văn Học Kiến An và được gọi là Tam Tào. Từ đó người ta gọi là, Kiến An Thập Nhất Tài Danh.

Nói về Văn Học Kiến An, Học giả Dịch Quân Tả viết trong thiên “Luận văn”, trong “Điển luận” của Tào Phi, đều có phê bình Kiến An Thất Tử. Chẳng hạn, Tào Phi viết: “Vương Xán sở trường về từ phú, Từ Cán có phong khí... Trần Lâm, Nguyễn Vũ là những nhân tài xuất chúng. Ứng Sướng hòa mà không tráng, Lưu Trinh tráng mà không mật, Khổng Dung thì thể cao khí diệu có chỗ hơn người”...

Sau khi Tào Tháo mất (220), Tào Phi được thừa kế chức Ngụy Vương của cha. Không lâu sau, Phi soán ngôi Hán Hiến Đế (189-220) và tự xưng Ngụy Hoàng Đế. Đồng thời cùng con trưởng là Tào Tuấn (205-239) tìm mọi cách đè bẹp, áp đảo Tào Thực. chỉ phong cho Tào Thực các chức vụ cai quản ở những vùng đất xa xôi kinh thành. Từ năm 221, Phi cùng trưởng nam là Tào Tuấn thay đổi chức danh và và địa điểm cai quản của Tào Thực 10 lần:
1. Bình Nguyên hầu (平原侯; 211 - 214).
2. Lâm Tri hầu (临菑侯; 214 - 221).
3. An Hương hầu (乡侯; 221).
4. Quyên Thành hầu (鄄城侯; 222).
5. Quyên Thành vương (鄄城王; 222 - 223).
6. Ung Khâu vương (雍丘王; 223 - 227).
7. Tuấn Nghi vương (仪王; 227 - 228).
8. Ung Khâu vương (雍丘王; 228 - 229).
9. Đông A vương (东阿王; 229 - 232).
10. Trần vương (陈王; 232).

Khiến học giả Trung Quốc là Dịch Quân Tả, phải than: “Tội nghiệp Tử Kiến (Tào Thực) phải chạy ngược chạy xuôi, lo buồn tiều tụy, không có được một ngày yên tĩnh, nghỉ ngơi, và ông chết trong sự uất hận đó khi tuổi vừa 40.”

Mã Tắc (馬謖 – thường gọi Mã Tốc), tự Ấu Thường (幼常), người Nghi Thành, Tương Dương, là tướng của Thục Hán, sinh 190, mất 228, ông có 5 anh em trai, tất cả đều học cao, hiểu rộng, nhưng người giỏi nhất là Mã Lương, anh của Mã Tắc. Mã Lương đi theo Lưu Bị, khi Lưu Bị đang trấn giữ Kinh Châu. Mã Tắc theo người anh đến phục vụ dưới cờ Lưu Bị. Ông được bổ nhiệm làm Tòng Sự Kinh Châu.

Năm 214, Lưu Bị đánh chiếm Tây Xuyên của Lưu Chương, Mã Tắc được gọi vào Thục giữ chức Thành Đô Lệnh, Thái Thú quận Việt Tuyển.

Mã Tắc là người tài cao, học rộng, thấy xa, thích bàn luận mưu mô, chiến lược, chiến thuật. Ông được Khổng Minh Chư Cát Lượng rất trọng vọng. Nhưng, Lưu Bị trước khi mất (223) lại khuyên Chư Cát Lượng không nên trọng dụng Mã Tắc, vì, theo nhận xét của Lưu Bị thì Mã Tắc vốn là kẻ hay cường ngôn (nói quá trớn).

Chư Cát Lượng bỏ ngoài tai lời Lưu Bị, thăng Mã Tắc làm tham quân, và thường gọi ông đến thảo luận việc quân cơ, thường Mã Tắc bàn luận rất sâu sắc. Khổng Minh tỏ ra trọng nể và tỏ ra rất hợp ý nhau. Nhưng lòng luôn e ngại tài của Mã Tắc tương lai sẽ làm lung lay đia vị, quyền lực của họ Khổng.

Năm 225, Chư Cát Lượng xua quân đánh lực lượng quân nổi dậy của Ung Khải tại Nam Trung (đã phản Thục theo Ngô). Mã Tắc ở lại Thành Đô. Trước khi chia tay lên đường, Chư Cát Lượng hỏi kế sách, Mã Tắc khuyên Chư Cát Lượng:

- “Hôm nay ngài dùng vũ lực dẹp họ, thì mai có cơ hội họ lại làm phản. Muốn diệt sạch chúng để trừ hậu họa thì kẻ nhân từ không nên làm thế, mà trong lúc vội vã càng khó làm được. Đạo dùng binh nên, công tâm là thượng sách, công thành là hạ sách; tâm chiến là thượng sách, binh chiến là hạ sách, hy vọng ngài có thể khiến chúng tâm phục, Nam Trung tự nhiên yên định.” (hai chữ công tâm trong đoạn trên, không có nghĩa là ngay thẳng, nên hiểu là dùng tấm lòng của ta để lay chuyển đối phưong.)

Khổng Minh trố mắt ngạc nhiên, trong lòng vô cùng e ngại lẫn thán phục, nhưng ngoài mặt vẫn giữ nét điềm nhiên.

Trong cuộc Bắc phạt lần thứ nhất, Mã Tắc là người đã bày kế ly gián để Ngụy Đế Tào Duệ cách chức đại đô đốc của Tư Mã Ý, khiến quân Ngụy thua hết trận này đến trận khác. Điều này, khiến Chư Cát Lượng càng nể trọng, tin cậy nhưng không khỏi lo ngại về tài năng của Mã Tắc sẽ đe dọa đường danh vọng của ông ta.

Năm 228, Chư Cát Lượng mang quân đánh Ngụy lần thứ nhất. Ngụy Minh Đế Tào Tuấn sai Tư Mã Ý và Trương Cáp mang quân ra chống địch.

Để chống với danh tướng Trương Cáp, mọi người đều cho rằng nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ý vì họ đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng Chư Cát Lượng lại quyết định chọn Mã Tắc làm tiên phong. Mã Tắc được lệnh cùng Vương Bình cầm quân khẩn cấp trấn thủ Nhai Đình. (Sự kiện nầy cho ta thấy, Khổng Minh cố ý sai Mã Tắc là người giỏi mưu lược nhưng không có kinh nghiệm chiến trường. Việc Khổng Minh buộc Mã Tắc cầm binh ra trận với ý đồ mượn tay giặc giết Mã Tắc, vì Khổng Minh đã biết chắc người như Mã Tắc không thể nào thắng được danh tướng lão luyện chiến trường như Trương Cáp của Ngụy.)

Đến Nhai Đình, Mã Tắc làm ngược lại chiến lược của Chư Cát Lượng đã dặn. Mã Tắc không đóng quân ở nơi đường cái, gần sông là chỗ có nước cho quân sĩ dùng, trái lại mang 2 vạn quân trấn giữ trên núi với chiến thuật “Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre”. Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tắc không nghe. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tắc cho 5.000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi.

Trương Cáp theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tắc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan quân Mã Tắc. Cánh quân Mã Tắc bỏ chạy tán loạn. Nhai Đình thất thủ. Đại quân Thục không thể tiến nữa, buộc phải lui về Hán Trung.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quan Trung viết: “Để giữ nghiêm quân pháp, Chư Cát Lượng hạ lệnh bắt giam Mã Tắc vào ngục đợi ngày xử tử hình. Trước khi bị chém, Mã Tắc viết thư cho Gia Cát Lượng, xin hãy nâng đỡ cho vợ con mình. Tướng sĩ nước Thục đều thương xót ông. Khi bị chém, Mã Tắc mới 39 tuổi. Sau nầy, Chư Cát Lượng giữ lời hứa với Mã Tắc vẫn trợ cấp cho gia đình Mã Tắc như lúc ông còn sống.” (Việc Khổng Minh cho trợ cấp nuôi dưỡng vợ con của Mã Tắc chẳng khác nào hành vi của Tào Tháo. Sau khi giết Dương Tu, Tào Tháo bèn cho cấp dưỡng nuôi nấng con cái của Dương Tu. Mục đích là để cho người đời “thấy ta rất yêu mến họ nhưng buộc lòng phải giết họ để răn đe hầu bảo vệ quân pháp.” Hành động của Khổng Minh, chỉ xảy ra ở hạng người ngụy quân tử, luôn giả nhân, giả nghĩa, để che dấu dã tâm.)

Sau khi Mã Tắc chết rồi, Tưởng Uyển thắc mắc hỏi Chư Cát Lượng: “Lẽ ra nên để Mã Tắc sống để có ngày lập công chuộc tội.” Chư Cát Lượng nói rằng, “Bản thân ta cũng rất thương xót Mã Tắc, nhưng vì giữ nghiêm mệnh lệnh nên phải thực thi.” Khổng Minh, nói: Giết Mã Tắc là để giữ nghiêm mệnh lệnh, mà cái mệnh lệnh “làm không đúng sẽ bị tử hình”, Khổng Minh không công bố cho bất cứ người nào trong cuộc chiến đó biết. Điều nầy, chứng tỏ Khổng Minh đã có ý định giết Mã Tắc từ trước.

Về việc Mã Tắc bị xử tử, sử gia Tập Tạc Xỉ không đồng tình với Chư Cát Lượng. Ông dẫn trường hợp vua nước Tấn không giết tướng Tuân Lâm Phủ khi bại trận, nên về sau có ích cho nước. Còn Sở Thành vương không biết tài năng của Thành Đắc Thần vì một trận thua mà xử tử, nên sau nầy thất bại.

Sau đó Tập Tạc Xỉ phân tích thêm: “Nước Thục hẻo lãnh một phương, nhân tài vốn ít hơn nước khác mà lại giết kẻ tuấn kiệt, coi minh pháp quan trọng hơn nhân tài… muốn thành đại nghiệp há chẳng phải rất khó sao? Huống hồ Lưu Bị vốn đã nói rằng Mã Tắc không nên trọng dụng, Chư Cát Lượng không nghe vẫn dùng ông, bản thân điều này đã cho thấy Mã Tắc là nhân tài không thể xếp xó, không thể khinh sát.”

Đồng thời, Tập Tạc Xỉ phê phán: “Chư Cát Lượng là người điều khiển thiên hạ mà không lượng tài tiết kiệm, trái lời răn của minh chủ, quyết đoán sai lầm, đặt người sai vị trí, giết người tài ba, hữu ích.”

Qua lời của Tập Tạc Xỉ, chứng minh cho ta thấy Khổng Minh giết Mã Tắc chỉ vì muốn bảo vệ danh vọng và quyền lực của y.

Và căn cứ theo lời của Khổng Minh trả lời Tưởng Uyển (trên đây): “Bản thân ta cũng rất thương xót Mã Tắc nhưng vì giữ nghiêm mệnh lệnh nên phải thực thi.”

Thực ra, lời nói nầy chứng minh họ Khổng chỉ là kẻ ngụy quân tử, hoàn toàn giả dối để che đậy lòng dạ hiểm độc của kẻ giả nhân, giả nghĩa, hầu che dấu dã tâm. Đã thương tại sao giết? Không còn cách nào khác sao? Còn cho rằng giết để giữ nghiêm quân lệnh thì đó chỉ là cái cớ trong ý đồ thực hiện dã tâm cùng tham vọng chánh trị của Khổng Minh.

Trong khi ngay bản thân Khổng Minh Chư Cát Lượng, cũng đã trái lệnh Vua, khi Lưu Bị răn đe Khổng Minh không nên dùng Mã Tắc. Lưu Bị trước khi mất (223) khuyên Gia Cát Lượng “... không nên trọng dụng Mã Tắc vì ông (Mã Tắc) là người hay cường ngôn” (nói quá trớn).

Nhà vua (Lưu Bị) đã nói trước. Khổng Minh đã trái lệnh vua, còn bất chấp lời khuyên can của các hạ tướng “là nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ý để chống Trường Cáp, vì họ đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc.” Rồi tự dùng Mã Tắc theo ý ông ta.

Việc dùng một kẻ chưa có kinh nghiệm chiến trường như Mã Tắc, vô hình trung Khổng Minh đã gián tiếp qua tay Mã Tắc đã làm tan rã gần hai mươi vạn quân Thục bởi tay Trương Cáp giết chết. Thử hỏi, tại sao Khổng Minh không thấy được cái lỗi nầy của y?

Vì vậy, sau cái chết của Mã Tắc, Nhà Sử Học Tập Tạc Xỉ phê phán và Tưởng Uyển đã “chất vấn” Khổng Minh như trên, ta có thể hiểu Tạp Tạc Xỉ và Tưởng Uyển đã biết rất rõ lòng dạ sâu hiểm của Khổng Minh trong việc ông ta giết Mã Tắc!

Khổng Minh e ngại Mã Tắc, vì biết Mã Tắc là kẻ tài ba xuất chúng, lại trẻ tuổi, đường tương lai sẽ xán lạn hơn, rất dễ dàng thăng tiến trên đường danh vọng, trong tương lai có thể sẽ lấn át quyền lực và làm giảm địa vị, danh vọng, uy quyền của Chư Cát Lượng, cho nên, nhân dịp Mã Tắc thi hành sai quân lệnh bèn giết trước để giữ thế đứng chánh trị cho bản thân y.
Suy cho cùng cái tội của Khổng Minh bất chấp lời khuyên của vua không nghe lời khuyên của Lưu Bị, còn nặng gấp trăm ngàn lần hơn khi so sánh với tội của Mã Tắc chỉ vi phạm quân lệnh của quân sư. Trong khi về chiến thuật, thì tướng ngoài trận địa đôi khi cũng không thể tuân hành lệnh vua.

Trong đời sống của con người, chúng ta vẫn thấy có những kẻ bề ngoài cố tình tạo dáng đạo mạo, tập tành cốt cách của nhà mô phạm, nói năng chắt lọc, chừng mực, nghiêm chỉnh, đôi khi còn một kính hai thưa, nhưng trong lòng khát khao danh vọng, chất chứa gươm đao chẳng phải là ít!

Cái chết của Mã Tắc, cách hành xử của Khổng Minh, chẳng những cho ta chiêm nghiệm, hiểu biết thêm lòng dạ của con người... Về phần Khổng Minh, hắn ta rất hoàn chỉnh trong vai trò của ngụy quân tử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét