Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Tác Phẩm của THÁI QUỐC MƯU

* Hán Hoài Đế Lưu Thiện:
THÁI QUỐC MƯU



Lưu Thiện (刘禅), 207-271, tự A Đẩu (阿斗), tước An Lạc Tư Công (安樂思公), tự là Công Tự (公嗣), thụy là Hán Hoài Đế (懷帝), là con của Lưu Bị với Cam phu nhân, là hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của Nhà Thục Hán.

Lưu Thiện cho lập Trương thị trẻ tuổi, hiền hậu. Trương thị là con gái của Trương Phi, người em kết nghĩa cùng Lưu Bị làm hoàng hậu và sai Thượng Thư Lang Đặng Chi sang giảng hòa với nước Ngô sau mấy năm chiến tranh. Từ đó hai nước lập lại hòa hảo.


Năm 292, Đặng Ngải đưa quân phá tan quân Thục ở Hầu Hòa, quân Thục bị tổn thất nghiêm trọng. Sau đó, Khương Duy dùng chiến thuật “Dương Đông Kích Tây”, đánh bại Đặng Ngải, chiếm được 9 trại Kỳ Sơn, đồng thời chuẩn bị quân mã tấn công Trường An.

Thấy tình thế bất lợi, Đặng Ngải sai người đem châu báu mua chuộc Hoàng Hạo, Hạo khuyên Lưu Thiện triệu Duy về. Hoàng Hạo khoe tài muốn ra thay Khương Duy nên Lưu Thiện sai sứ hai ba lần đến thúc giục Khương Duy lui binh. Khương Duy đành phải lui về. Hoàng Hạo sau đó lại xin Lưu Thiện rút lại lệnh xuất quân. Khi Khương Duy về triều thì không được Lưu Thiện cho gặp.

Khương Duy thấy Hoàng Hạo chuyên quyền, xin Lưu Thiện giết đi. Lưu Thiện nói: “Hạo chỉ là đứa tiểu thần để sai khiến, trước đây Đổng Doãn cứ nghiến răng căm tức, ta vẫn hận việc ấy. Ngươi cần gì phải để ý”. Rồi sai Hoàng Hạo đến tạ tội Khương Duy, Nhưng, Khương Duy sợ Hoàng Hạo sau nầy sẽ trả thù, để tránh hậu hoạn Khương Duy xin Lưu Thiện đến Đạp Trung lập đồn điền để dưỡng già. Cuộc Bắc chinh chấm dứt.

Năm 263, Tướng nước Ngụy là Tư Mã Chiêu muốn đánh Thục Hán, bèn sai Đặng Ngải cùng Chung Hội dẫn đại quân đánh Thục. Khương Duy đang ở Đạp Trung được tin, bèn viết biểu về triều, đề nghị Lưu Thiện điều động Trương Dực, Liêu Hóa bảo vệ Dương An và Âm Bình. Nhưng Lưu Thiện tin theo Hoàng Hạo, không nghe theo Khương Duy, nên không phòng thủ. Khi quân Đặng Ngải sắp đến Đạp Trung, Chung Hội sắp vào Lạc Cốc, Thục Hán mới truyền cho Trương Dực, Đổng Quyết sai Dương An lập trại ngăn chận.

Tháng 10 năm 263, Đặng Ngải cho tiến quân theo đường núi Âm Bình, vượt qua Cảnh Cốc, đánh nhau với tướng Thục là Chư Cát Chiêm (con trai của Chư Cát Lượng) và con của Chư Cát Chiêm là Chư Cát Thượng ở Miên Trúc. Ngải đem quân đi lẻn về phía Âm Bình Sơn, một vùng núi non hiểm trở, nơi mà quân Thục không phòng bị.

Quân Ngụy vượt qua khỏi 800 dặm đường núi hoang vắng, xuống đồng bằng phá thành Miên Trúc. Đặng Trung và Tư Mã Sư Toản đưa hai cánh quân tả hữu ra giao chiến với Chư Cát Chiêm, gặp bất lợi định quay về. Đặng Ngải không chịu và phái trở lại tham chiến. Lần này quân Ngụy giết chết cha con Gia Cát Chiêm vào thẳng Thành Đô.

Một dặm Tàu cũ có 444.00 mét x 800 dặm = 355.52 km. / Về sau, 1 dặm Tàu có 500 mét x 800 dặm = 400 km. / Còn 1 dặm Anh có 1.609.3 mét x 800 dặm = 1.287.44 km. Người viết không biết La Quán Trung viết chiều dài của dặm nào và thời gian hành quân bao lâu mới vượt qua 800 dặm đường dài?
Tại Thành Đô, Lưu Thiện nghe theo lời của Tiều Chu và Đặng Lương, muốn ra hàng quân Ngụy. Bắc Địa Vương Lưu Kham cầu xin tiếp tục giao chiến nhưng Lưu Thiện không chịu. Lưu Kham tuyệt vọng, giết cả gia quyến rồi tự sát.

Lưu Thiện, Trương Thiệu, Tiều Chu và Đặng Lương mang thư đến doanh trại Đặng Ngải xin hàng. Nước Thục diệt vong.

Đặng Ngải bái Lưu Thiện làm Phiêu Kỵ Tướng Quân và cho đưa ông về Lạc Dương. Ông viết thư khuyên Khương Duy đầu hàng. Khương Duy trá hàng và dụ Chung Hội tạo phản để chống lại Tư Mã Chiêu, nhưng không thành rồi bị giết.

Lưu Thiện được đưa về Lạc Dương, kinh đô Nhà Ngụy. Triều đình Nhà Ngụy phong cho ông làm An Lạc Huyện Công. Tuy vậy, Tư Mã Chiêu vẫn đề phòng Lưu Thiện.

Theo Hán Tấn Xuân Thu, một hôm Tư Mã Chiêu mời Lưu Thiện  cùng các quan viên cũ của Thục, đến phủ mình dự tiệc. Trong buổi tiệc, Tư Mã Chiêu cho cung nữ múa các điệu múa ở nước Thục, nhiều quan lại trước kia của nước Thục cảm động khóc. Nhân đó, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện, “Có còn nhớ đất Thục không?” Lưu Thiện đáp: “Ở đây rất vui! Tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa.”

Khước Chính ngồi nghe thấy lời của Lưu Thiện thì không hài lòng và khuyên Lưu Thiện, nếu Tư Mã Chiêu còn hỏi thì nên nói rằng: “Mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Lũng Thục, chẳng ngày nào mà không nhớ!”

Lát sau Tư Mã Chiêu lại hỏi, Lưu Thiện đáp y như vậy. Chiêu bèn bảo: “Sao giống lời Khước Chính thế.” Tư Mã Chiêu đúng là người xét việc như thần.

Lưu Thiện thất kinh, thú thật! Mọi người xung quanh đều chê cười tên vua sớm mất nguồn cội nầy! Năm 271 đời Thái Thủy Nhà Tấn, Lưu Thiện mất.

Lưu Thiện chết để lại hai người vợ và 8 người con. Hai bà vợ của Thiện là: Vương Quý Nhân và bà vợ thứ hai là Lý Chiêu Nghi. Đặc biệt, bà Lý Chiêu Nghi, tự sát khi nước Thục Hán đầu hàng Nhà Tấn. Thời nào cũng có những vị nữ anh thư tiết liệt. Cái chết của bà Lý Chiêu nghi đáng quý làm sao!

Đến sau thế kỷ thứ III, Nhà Tấn rối loạn bởi Tám vị vương vốn là tôn thất Nhà Tấn tranh quyền, gây bạo loạn (gọi là Loạn Vĩnh Gia), gồm: Sở Vương Tư Mã Vĩ (con thứ 5 của Tấn Vũ Đế) / Nhữ Nam Vương Tư Mã Lượng (con thứ 4 của Tư Mã Ý, vào hàng chú của Tấn Vũ Đế, ông của Tấn Huệ Đế) / Triệu Vương Tư Mã Luân (con thứ 9 của Tư Mã Ý, em của Tư Mã Lượng) là người tham vọng nhất, từng phế Huệ Đế Tư Mã Trung để làm vua, nhưng bị các vương khác xúm lại đánh, buộc phải tự vẫn năm 301 / Tề Vương Tư Mã Quýnh (con của Tư Mã Du – em của Tấn Vũ Đế. Du từng được Tư Mã Chiêu cho Tư Mã Sư làm con nuôi) / Thường Sơn Vương Tư Mã Nghệ (sau là Trường Sa Vương – cháu thứ 6 của Tấn Vũ Đế) / Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (con thứ 16 của Tấn Vũ Đế) / Hà Gian Vương Tư Mã Ngung (cháu của Tư Mã Phu – em của Tư Mã Ý) / Đông Hải Vương Tư Mã Việt (cháu của Tư Mã Ý).
Vì “Loạn Vĩnh Gia”. Dòng Thục Hán bị dứt điểm. Tuyệt tự!

* Khước Chính:

Khước Chính (郤正), có tài liệu chép là Khích Chính (hay Chánh) tự Lệnh Tiên, tục danh là Toản, người Yển Sư, Hà Nam, mất Cha sớm, mẹ tái giá, phải sống tự lập, nghèo mà hiếu học, đọc đủ các sách. Lớn lên được vào triều làm thư lại (như thơ ký ngày nay), rồi Lệnh Sử, thăng chức Lang, rồi làm Lệnh. Khích Chánh không tham danh lợi, phú quý, thích văn chương, tìm tất cả sách nổi tiếng mua đọc, dù vất vả thế nào cũng cố tìm cho được. Có lần đến tận Ích Châu để tìm sách mua.

Khước Chính làm việc ở triều Thục Hán 30 năm, biết Hoàng Hạo từ khi ông ta còn là tên hoạn quan tầm thường. Đến khi Hạo lộng quyền, Hạo không ưa thích Khước Chính mà cũng không ghét.

Năm Cảnh Diệu thứ 6 (263), Khích Chính nhận lệnh Lưu Thiện viết thư xin hàng Ngụy. Năm sau, Hậu Chúa Lưu Thiện theo Tư Mã Chiêu về Lạc Dương, chỉ có Khích Chính và Điện Trung Đốc Trương Thông, người Nhữ Nam, bỏ vợ con ở lại đất Thục, đi theo hầu vua cũ (Lưu Thiện) đến Lạc Dương. Hậu thế đều ngợi khen Khích Chính và Trương Thông về lòng trung thành.

Trên đường sang Ngụy, Lưu Thiện được Khước Chính chỉ dẫn nhiều điều hay, nên than thở: “Phải chi ta sớm biết nghe lời ông thì đâu có bị như ngày hôm nay.” người đương thời nghe được khen ngợi Khước Chính vô cùng.

Ở Lạc Dương, Khích Chính được ban tước Quan Nội Hầu, rồi An Dương Lệnh. Năm Thái Thủy thứ 8 (273) có chiếu thư rằng: “Khước Chính xưa ở Thành Đô, giữa buổi nhiễu nhương mà vẫn giữ nghĩa, không mất trung tiết, đến khi được dùng, tận tâm làm việc, có thành tích trị lý, nên ban cho (Khước) Chính làm Ba Tây Thái Thú.”

Năm Hàm Ninh thứ 4 (278), Khước Chính mất, để lại đời sau nhiều trước tác đến vài trăm thiên văn chương.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét