Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

TIỂU TỰ
Của Tác Giả Nhân Ngày Hoàn Thành
CÁT BỤI #10 Của Toàn Bộ KINH VÔ THƯỜNG.

KINH VÔ THƯỜNG là lời kêu thương bi thống của một kiếp nhân sinh bi lụy trong cõi trần bi ai. Đó là lời ca cùng tột bi tráng chứa đựng ngậm ngùi chất ngất đau thương của những tâm hồn vươn lên từ nỗi bi thiết thường hằng.


Từng chữ trong KINH VÔ THƯỜNG là từng bước chân rời rạc rã riêng của hành trình đi vào tâm thức, một tâm thức tuyệt đối cô đơn khép kín riêng tư. Từng chữ, từng lời là những bước chân hành giả trên đường hành hương, ngơ ngác dọ dẫm đi vào tự thức để tìm lại chính mình.

Nhìn lại cho rõ chính mình, cái bản lai diện mục, là nhận diện nỗi bi thương to lớn của kiếp nhân sinh. Nỗi bi thương to lớn ấy chính là con người đã đánh mất bản thể từ lúc chưa sinh. Từ đó, con người hoang mang và miệt mài tìm kiếm chính mình trong huyễn vọng.

Trong suốt cuộc hành trinh đơn độc đi vào tiểu ngã để tìm kiếm đại ngã, con người vừa hân hoan bắt gặp, vừa ngậm ngùi chua chát cho thân phận. Đó là hình ảnh ngậm ngải tìm trầm giữa rừng thiêng nước độc của non ngàn bát ngát.

Giữa đoạn đường tìm kiếm đó, con người chợt mê chợt ngộ, chợt tỉnh chợt say, chợt ngủ chợt thức, chợt mừng chợt tủi, chợt mù chợt sáng. Càng mê càng băn khoăn, trăn trở, thao thức. Càng (tiểu) ngộ càng chập chờn, khắc khoải, mất ngủ, nghi hoặc.

Đông Thiên, Tây Trúc và miền Đất Hứa… càng đi càng lạc, càng đến gần càng giạt xa. Đứng sát bên Linh Thứu vẫn thấy mình trôi giạt, lạc lõng, quạnh hiu. Quỳ dưới chân núi Sinai chợt biết mình mất hướng, bồng bềnh, vong lạc.

Đó chính là nỗi bi tráng, nhục nhằn, thống hận, lạc hướng, hoang mang, khắc khoải, bất lực, ngờ vực… của kiếp người, của từng kiếp người, của muôn thuở, của muôn nơi, của bất cứ không gian hoặc thời gian nào.

Có lẽ, thái độ khôn ngoan duy nhất mà con người có thể là nên khiêm nhượng lựa chọn cho chính mình, qua khuôn thước mà cha ông đã vạch sẵn, đó là: Gần với trời, hòa với đất, vui với đạo, yên với đức, bằng lòng với mệnh, chấp nhận an bài.

Như thế cũng có nghĩa là: Không xa đời, không lánh người. Đối với đời cũng như đối với người: không oán, không ghét, không giận, không hờn… mà, chỉ thương, chỉ nhớ, nên vui, nên mừng… để tích hợp diệu nghĩa, để biểu đạt lương duyên.

Từ đó, từ trong nỗi quạnh hiu tuyệt đối, con người nhận chân Đấng Tạo Hóa để điềm nhiên cười cợt với cô đơn hiện hữu, ve vuốt khổ đau thường hằng, mơn trớn những bất hạnh chung quanh, chiêm nghiệm lẽ sắc không vô thường từng niệm, kết thân với sự chết đang rình rập phút giây.

Từ đó, cùng với đức khiêm hạ chân cần thiết, lấy thiên nhiên làm thầy, lấy sương khói làm bạn, lấy trăng nước làm vui, lấy lá hoa cây cỏ làm sản nghiệp, lấy bốn mùa làm của riêng tư, lấy sắc không vô thường làm thi nghiệp, lấy niềm tin tôn giáo làm thần hứng đầy mãnh lực sáng tạo.

Từ đó, con người biết thực là thực, biết hư là hư, biết hư là thực, biết thực là hư; biết có là có, biết không là không, biết có là không, biết không là có; biết còn là còn, biết mất là mất, biết còn là mất, biết mất là còn; biết tụ là tụ, biết tán là tán, biết tụ là tán, biết tán là tụ, biết hợp là hợp, biết tan là tan, biết hợp là tan, biết tan là hợp…

Bởi vì cuộc sống biến động vô thường, từng giây, từng phút. Do đức hiếu sinh của Tạo Hóa mà cuộc sống sinh hoại dị diệt xảy ra từng sát na, từng niệm… Cho nên, cây lá phải rã mục cho hạt nẩy mầm. Con người muốn trổ hoa cũng phải tự vác thập giá đi lên đỉnh Golgotha, phải bước qua sa mạc để đến Đất Hứa, phải chết đi để được phục sinh.

Từ đó, từ hiểu biết và thái độ lựa chọn trên đưa con người đến sự thức tỉnh. Với tinh thần thức tỉnh, con người sẽ vừa rong chơi, vừa ca hát nghêu ngao… để an nhiên thư thái đi hết chặng đường thánh giá nghiêu khê như một cái nghiệp phải trả trong kiếp nhân sinh hữu hạn để bước vào thế giới vô hạn mai sau.

Viết tại Phù Hư Am
Vùng Bắc Vịnh, Mùa Đông năm 2000.
VÕ THẠNH VĂN




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét