Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017


Nghĩ rời về tuyển tập ”40 năm thơ Việt hải ngoại” 

của Nguyễn Đức Tùng
Nguyễn Hàn Chung
(Văn Việt – Người Việt book xuất bản 2017)



blank


Tôi đọc tuyển tập thơ “40 năm thơ Việt hải ngoại" từ khi còn đăng từng phần trên Da Màu, Văn Việt với sự háo hức chờ đợi, có hơi một chút ngạc nhiên vì nghĩ rằng những người chủ biên Nguyễn Đức Tùng, Hoàng Hưng, Ý Nhi không phải là những tác giả trước 1975 của văn học thời Việt Nam Cộng Hòa, sẽ rất khó kêu gọi các nhà thơ hải ngoại từng chiến đấu trong hàng ngũ những người chiến sĩ Cộng hòa chống Cộng cộng tác và cũng rất lo cái tiêu đề tuyển tập hơi lớn không biết các tác giả có đủ dũng lực sàng lọc tuyển chọn các tác giả các lứa tuổi có tài thơ tiêu biểu đại diện cho một dòng văn học của người Việt ngoài đất nước hay không? Tôi linh cảm có một sự bất hợp tác của một số nhà thơ và như vậy trong tuyển sẽ thiếu những nhà thơ mà tên tuổi của họ xứng đáng có mặt trong tuyển tập hơn một ai khác. 

Những linh cảm ấy hôm nay đã thành sự thật khi tôi đọc tuyển tập, một số nhận định của anh Phan Nhiên Hạo trên facebook, email của  anh Trần Kiêm Đoàn và nhất là ”Lá thư chủ biên tháng 7/2017” của chị  Lê Thị Huệ trên Gió O. Tôi đã đem những điều ấy trao đổi với anh Nguyễn Đức Tùng và anh trả lời tựu trung gồm 2 ý:
- Một số nhà thơ danh tiếng ban chủ biên đã mời nhưng họ không hợp tác.
- Một số nhà thơ tài hoa đã khuất không thể thiếu mặt họ trong tuyển, song vấn đề liên lạc với những người thừa kế bản quyền tác phẩm có nhiều khúc mắc .

Vậy là đã rõ bởi đọc bốn mươi năm thơ một thời gian đời người mà văn học hải ngoại không đề cập đến những tài danh: Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Hà Huyền Chi, Viên Linh, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Cao Đông Khánh, Nguyễn Tất Nhiên, Quỳnh Thi, Lâm Hảo Dũng, Hạ Quốc Huy, Phương Tấn, Hoàng Lộc, Sương Biên Thùy, Dư Mỹ, Quan Dương, Trần Yên Hòa… và những tác giả có đóng góp nhiều tác phẩm rất có giá trị cho văn chương hải ngoại như: Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Lê Văn Tài, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Khánh Minh, Chân Phương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Tranh, Chim Hải, Lê Đình Nhất Lang, Đỗ Lê Anh Đào, Pháp Hoan, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Thị Trọng Tuyến, Hứa Hiếu, Tôn Nữ Thu Dung, Võ Quốc Linh, Phan Thùy Trâm…chúng tôi thấy hụt hẫng thế nào. 

Rất mong khi tái bản hoặc tập tiếp theo các tác giả chủ biên cố gắng bổ sung cho đầy đủ hơn. Chúng ta còn 8 năm nữa để có thể cho ra đời 40 năm VHHN tập 2, tâp3 công phu và chắt lọc hơn. Rất mong các nhà PBVH và các nhà thơ, nhà văn hải ngoại cao niên cộng tác để giữ được ngọn lửa văn chương không ngừng ngún cháy trong tâm thức những người Việt xa quê mong ngóng quê nhà.


Trước đây viết về dòng Văn học hải ngoại cũng có một số tác phẩm mà sự chuẩn bị khá công phu như: Sưu tầm và tiểu luận ”Trong dòng cảm thức văn học miền Nam - Phân định thi ca hải ngoại của Trần Văn Nam (Tác giả xuất bản), Nhìn lại 30 năm Văn-Học Hải-Ngoại của Nguyễn Vy Khanh (Tạp-chí Văn Học CA,225, 5&6-2005). Nghĩ về văn học hải ngoại của Nguyễn Mộng Giác, Hai mươi lăm năm Văn học hải ngoại của Thụy Khuê, Tình trạng lão hóa của Văn học hải ngoại (Nguyễn Văn Lục), Vài suy nghĩ về văn học chính thống Việt tại Hải ngoai (Nguyễn Văn Sâm –Tin Văn), Phỏng vấn Nhật Tiến về VNVN HN 30 năm qua (Hoàng Khởi Phong), Văn học Hải Ngoại từ giấy lên mạng của Nguyễn Hưng Quốc, Nhà văn VN và VHVN Hải ngoại (Nguyễn Tà Cúc) vv..


Nhìn chung hầu hết các tác giả đều biểu hiện sự quan tâm lo lắng đến sự tồn vong, lão hóa của văn học hải ngoại khi lớp nhà văn rời tổ quốc từ sau 1975 đã lớn tuổi sự lão luỵện trong văn nghiệp thì còn, song sự nhạy bén tinh anh có chiều giảm sút. Vì thế “Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại” ra đời năm 2017 này rất sát hợp với tình hình chung của văn chương hải ngoại khi hầu như các báo giấy đã đình bản, nhường chỗ cho các trang mạng Damau.org, Tiền Vệ, Sáng tạo, Diễn Đàn thế kỷ, Ăn mày văn chương, Vuông Chiếu, Bạn văn Nghệ, dutule.com, Chim Việt Cành Nam, Tương tri, Văn nghệ Boston, Bản Sắc Việt…vv… và các blog như nấm mọc sau mưa cộng với những tác phẩm văn chương update hằng ngày trên Facbook và ta bắt gặp những tên tuổi cũ một thời vang bóng trên chiếu văn chương miền Nam trước 1975, song hành với các tên tuổi mới xuất hiện. Lê Mai Lĩnh, Dư Mỹ, Đặng Phú Phong, Phạm Hồng Ân , Hứa Hiếu, Haj thij, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Lý thừa Nghiệp, Dung Nham, Đặng Toản, Tiffany Nguyễn, Nghiên Long Trọng Nghĩa, Nguyên Lạc, Hư Vô, Châu Hồng Thủy…góp phần làm nên một dòng văn học hải ngoại facebook đông đảo đa thanh, đa sắc…

Hầu hết các tác giả sáng tác theo hướng tổng hợp trữ tình tự sự có nhiều yếu tố truyện tâm lý lẫn triết lý, các cảm xúc riêng tư thường được đặt trong liên hệ với những chấn động lịch sử lớn. Trước hết văn học hải ngoại bây giờ hiển lộ tất tật đời sống những vận động bí ẩn thể hiện trong hình tượng ngôn từ những xúc cảm trầm sâu về thế giới bên ngoài trở thành mô hình tâm hồn của người sáng tác. Dòng hoài niệm vẫn tiếp tục nhưng sự bi thiết lại xoay qua một chiều kích khác hướng về tổ quốc với những nỗi buồn lo cho vận mệnh của tổ quốc dưới bàn tay nhào nặn của giới cầm quyền độc tài khóa chặt tự do dân chủ và kẻ thù phương bắc hàng ngày gậm nhấm quê hương.

Cám ơn nhà thơ nhà PBVH Nguyễn Đức Tùng các nhà thơ Hoàng Hưng, Ý Nhi đã  tập hợp được một số lượng đông đảo các nhà thơ khắp nơi trên thế giới tự do. Dù vẫn còn thiếu sót những tên tuổi rất xứng đáng tiêu biểu cho VHVNHN qua một thời gian dài hơn 40 năm, nhưng dù sao tuyển tập đồ sộ này cũng khởi đầu cho các tuyển tiếp theo sẽ bổ sung những thiếu sót nhất định phải có, đồng thờ bổ sung một đội ngũ những người làm thơ trẻ tiếp tục khơi gợi và lưu giữ nguồn mạch văn chương Việt nam ở ngoài đất nước.


Nguyễn Hàn Chung
(tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét