Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

 Chiều Thu Ấy, 68 Năm sau…
(Hồn Ngất Ngây Theo Tiếng Hát Lời Ca Tuyệt Vời. ..
Dòng nhạc Lam Phương, nhạc sĩ đã sống cả một đời cho âm nhạc
)
Lê Mộng Hoàng



Thật là một chương trình nhạc thính phòng đặc biệt, xuất thần với sự hòa hợp kỳ diệu giữa việc chọn lựa 40 bản nhạc tiêu biểu từ thuở ban sơ--mới 15 tuổi Chiều Thu Ấy đến lúc nổi danh Duyên Kiếp, Kiếp Nghèo, Chiều Tây Đô đến lúc hòa đồng cùng nỗi đau của cả một dân tộc khi đất nước bị chia đôi Bắc Nam cách xa ngàn trùng Sầu Ly Hương, Chuyến Đò Vĩ Tuyến với các giọng ca điêu luyện nổi tiếng hát hay của 3 nam: Anh Dũng, Mạnh Quỳnh, Thế Sơn và 5 nữ: Thanh Tuyền, Diễm Liên, Hà Thanh Xuân, Ngọc Hạ, Hồ Hoàng Yến cùng với sự cộng tác của ban nhạc Hoàng Thi Thi và Âm thanh Việt Anh đã cống hiến cho hơn 800 khán giả vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn một Chương Trình nhạc Lam Phuơng chủ đề Tình Người Tình Quê tuyệt vời, khó quên tại Schlesinger Concert Hall - NOVA ALEXANDRA CAMPUS. Hai MC trẻ Hoàng Vi Kha , Nguyễn Thu Thủy và anh Đào Trường Phúc đã điều hợp chương trình suốt 5 tiếng đồng hồ rất nhịp nhàng, không có sơ hở, thật đáng phục!

            Vì đã quá tuổi "Thất Thập Cố Lai Hy" nên tôi thường từ chối không tham dự những buổi ca nhạc vào các dịp lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán có mời ca sĩ ở California về hát mà chỉ đến dự các dạ tiệc có gây quỹ giúp thương phế binh hoặc của các hội đoàn bạn buộc lòng phải đi đáp lễ.Khi ngỏ ý mời tôi tham dự  Chương Trình Âm Nhạc Lam Phương 68 năm Tình Người -Tình Quê này, anh Phước, Trưởng Ban Tổ Chức, có nói : "Cô cứ đi nghe, rồi cô sẽ thích, con cam đoan như vậy..." Xin cảm tạ lòng tốt của anh Phước, mà đúng như vậy, mọi người  từ ban tổ chức, đến ca sĩ, nhạc sĩ, các vũ sinh phụ diễn, âm thanh, ánh sáng đều tận tâm, tận lực dốc lòng tạo nên một chương trình ca nhạc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao như là "Món Quà Tình Nghĩa" một Kỷ Niệm Nhớ Đời để mừng sinh nhật 80 tuổi của Lam Phương và để đền đáp công ơn to tát,  "gia tài âm nhạc phong phú" mà ông đã dành suốt cuộc đời mình đóng góp vào kho tàng âm nhạc chung của người Việt.
Luật sư Phạm Đức Tiến được giới thiệu như là "người bạn thân" của nhạc sĩ Lam Phương lên giới thiệu Lam Phương như là "một nghệ sĩ đã có quá trình đóng góp to lớn vào nền âm nhạc Việt Nam..." Ông  Tiến nói:
“Nhạc của Lam Phương được đón tiếp nồng nhiệt cũng vì nó đã cất lên chính tâm trạng của những người lưu vong như chúng ta.Sinh năm 1937 tại Rạch Giá, nhạc sĩ Lam Phương đã lên Saigon học, và ông sáng tác ca khúc đầu tay  Chiều Thu Ấy  khi mới 15 tuổi. Ông đã tự in, và tự thuê xe chở đi bán khắp Saigon. Ba năm sau thì mọi người đều nhắc tới tên Lam Phương với hai sáng tác “Kiếp Nghèo”, và “Khúc Ca Ngày Mùa”. Từ đó tên tuổi ông gắn liền với nền âm nhạc miền Nam.
Những tác giả lớn luôn mang theo sứ mạng của một người sáng tác; đó là mỗi tác phẩm phải phản ảnh kỷ nguyên của mình, và phải chia sẻ tâm trạng của những người sống cùng thời mình, những người chịu chung biến cố lịch sử với mình.
Lam Phương đã là một trong những tác giả đó. Ông trải lòng mình theo chiều dài lịch sử. Nhạc của ông đã chuyên chở những tâm tình, vui buồn của thời đại ông sống. Ông không chỉ là chứng nhân, ông là một phần của lịch sử, thực sự dấn thân vào những thăng trầm của thời đại mình. Khi đất nước chia đôi năm 1954 ông đã ghi lại tâm sự người di cư với “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, “Sầu Ly Hương”.
Rồi khi miền Nam đang hưởng thanh bình, chúng ta có niềm vui rộn ràng trong “ Nắng Đep Miền Nam”, “Khúc Ca Ngày Mùa”, “Trăng Thanh Bình”, cùng bao tâm sự được ông đưa vào ca khúc làm say mê bao thế hệ như “Ngày Tạm Biệt”, Kiếp Nghèo”, “Duyên Kiếp”
Khi chiến tranh mở rộng, những thanh niên của thời ông đều lên đường nhập ngũ, Lam Phương cũng theo dòng lịch sử, gia nhập quân đội, chia sẻ tâm tình với những người cầm súng qua bao nhiêu ca khúc về chiến tranh như “Biết Đến Bao Giờ”, “Chiều Hành Quân”, “Tình Anh Lính Chiến”
Rồi biến cố 75 đưa bao người phiêu bạt khắp thế giới. Mang cùng tâm sự của người lưu vong Lam Phương đã lại ghi lại những cay đắng, buồn vui qua những ca khúc mới như : “Người Di Tản Buồn”, “Lầm”, “Say”, “Bài Tango Cho Em”, “Cho Em Quên Tuổi Ngọc”, Có thể nói người ta đọc được lịch sử Miền Nam qua từng thời kỳ, từ 1954 tới 1975, với nhạc Lam Phương.
Nhưng có lẽ cõi nhạc lớn nhất của Lam Phương vẫn là cõi nhạc tình. Lồng trong tâm tình thời đại là tâm tình của chính ông. Mỗi khi có một mối tình đi qua đời ông, chúng ta lại được nghe vài bản nhạc mang dấu vết cuộc đam mê, hay niềm hạnh phúc, hoặc nỗi đắng cay, chua xót của cuộc tình đó.
Qua mối tình đầu với Bạch Yến, Lam Phương đã cho ra đời “Chờ Người”, “Thu sầu”, “Tình Chết Theo Mùa Đông”. Rồi sau mối tình với ca sĩ Minh Hiếu ông có ““Thao Thức Vì Em”, “Biển Tình”.  Khi cuộc tình với nghệ sĩ Hạnh Dung tan vỡ ông có “Giọt Lệ Sầu”, “Thành Phố Buồn”  Với người vợ Túy Hồng khi đang nồng ấm ông có “Ngày Hanh Phúc”, và khi chia tay trong đắng cay có ca khúc “Lầm”. Vài năm sau, khi tìm lại được niềm vui mới với ca sĩ Cẩm Hường bên Paris chúng ta được nghe “Bài Tango Cho Em”, “Mùa Thu Yêu Đương”
Chính những tình khúc đã đưa Lam Phương vào hàng đầu của nền âm nhạc trữ tìnhViệt Nam. Giai điệu trong nhạc của ông không cầu kỳ, lời nhạc của ông không bóng bẩy. Nó như phát ra từ trái tim chân thật. Đó là điều làm cho nhạc Lam Phương gần gũi với mọi người. Và đó là điều làm ông thành một trong những nhạc sỉ đươc nhiều người nghe nhất.
Có thể nói không sai là nhạc sĩ Lam Phương là đại biểu lớn của âm nhạc Miền Nam từ sau khi đất nước chia đôi năm 54 tới năm 75. Nhạc của ông là nhạc của đại chúng. Bình dị, chân phương, nhưng cũng rất tha thiết giống như đặc tính của người miền Nam…” Rồi ông Tiến kết thúc lời giới thiệu rất chân thành và chính xác:
“Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 80 của ông, xin cám ơn những đóng góp lớn lao của nhạc sĩ Lam Phương vào kho tàng âm nhạc Việt. Xin cám ơn nhạc sĩ đã chia sẻ tâm sự với chúng ta, đã cho nguời thưởng ngoạn những cảm xúc chân thật, và cho người nghe thấy được tâm sự của chính mình qua những dòng nhạc của ông.
Với một di sản âm nhạc đồ sộ, Lam Phương thật xứng đáng có một chỗ ngồi riêng biệt trên chiếu hoa của nền âm nhạc Viêt Nam cận đại.”
Cả hội trường rộng lớn lặng yên lắng nghe từng lời giới thiệu, từng giọng ca dạt dào cảm xúc. Tôi thích nhất là liên khúc Tình Bơ Vơ, Trăm Nhớ Ngàn Thương với đôi song ca Hồ Hoàng Yến- Anh Dũng bài” Say” với giọng ca trầm trầm như đang say thật của Thế Sơn và bản “Hạnh Phúc Mang Theo” do Hồ Hoàng Yến hat cuối chương trình.
 Bà khán giả ngồi gần bên tôi thì thích thú giọng hát Thanh Tuyền, cô thuộc làu các bản nhạc của Lam Phuơng, đặc biệt nhất là bản Kiếp Nghèo, bà này vỗ tay thật lâu và nói to:"Thanh Tuyền hát hay lắm!".
Ban nhạc Hoàng Thi Thi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thi dương cầm, Trung Nghĩa Guitar, Peter Pfiefer trống và Hoàng Công Luận vĩ cầm đã góp một phần rất quan trọng cho sự thành công rực rỡ, trọn vẹn của buổi ca nhạc “Chiều Thu Ấy”. Tất cả các nhạc sĩ đều trang trọng say sưa trong lời ca, tiếng nhạc từng phút, từng giây. Vì ngồi hàng đầu nên tôi được dịp quan sát các vị nhạc sĩ nổi danh này, đặc biệt nhạc sĩ Huỳnh Công Luận khi ông đánh đàn vĩ cầm thì mở mắt ra, mà lúc ông không đàn, lắng nghe tiếng hát của ca sĩ thì ông nhắm nghiền mắt lại- như để chú ý hoàn toàn theo nhịp điệu của lời ca. Em trai tôi rất thích Hoàng Thi Thi đã bảo rằng : « Ban nhạc Hoàng Thi Thi và âm thanh Việt Anh thì khỏi chê, they are the best !” tôi đồng ý hoàn toàn với nó, thật quá điêu luyện!
Rất nhiều khán giả ngồi nán lại đến màn cuối, khi Ban Tổ Chức đẩy xe lăn đưa nhạc sĩ Lam Phương ra gặp những người yêu thích nhạc của ông và hâm mộ tài năng thiên phú của ông. Toàn thể hội trường không ai bảo ai đồng tâm đứng lên CHÀO MỪNG NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG và vỗ tay vang dội thính phòng. Mọi con tim Việt Nam yêu chuộng nhạc Lam Phương đã cùng rung một nhịp giống nhau vào giây phút đặc biệt này!  Đứng trên sân khấu nhìn xuống cảnh cử tọa đứng lên tỏ bày Tình thân thương, lòng mến mộ “người nhạc sĩ hiền hòa, đa tài, khiêm cung “ của họ, tôi cảm động vô chừng, chắc chắn nhạc sĩ Lam Phuơng khó mà quên được giây phút tuyệt vời nầy!
Nhà văn Mỹ Helen Keller đã nói:” The best and most beautiful things in the world can not be seen or touched but are felt in the heart” (Điều tốt và đẹp nhất trên đời này không thể nhìn thấy hoặc sờ mó mà phải được cảm nhận bằng con tim)
Anh Nguyễn Thành Công, phóng viên đài truyền hình SBTC-DC lên tiếng giới thiệu các phần tử của gia đình nhạc sĩ Lam Phương: cô em gái đã từng chăm sóc, lo nuôi nấng ông lúc ông bị tai biến mạch máu não (stroke), con gái của nhạc sĩ tên ÁnhHằng và mời mọi người xem một đoạn phim ngắn có hình ảnh lúc nhạc sĩ Lam Phương còn trẻ, trông đẹp trai như tài tử Hồng Kông.
Tiếp theo người viết bài này đã được ban tổ chức giao nhiệm vụ thay mặt đồng hương vùng Thủ Đô DC, thế hệ thứ nhất yêu thích nhạc Lam Phương và cảm phục tài ông,  trao tặng bức thư họa của họa sĩ Vũ Hối để CẢM TẠ gia tài âm nhạc to tát ông đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Xin cảm ơn anh Công đã mau lẹ đọc dùm các câu thơ của thi sĩ Phan Khâm vinh danh nhạc sĩ Lam Phuơng trên bức Thư Họa ấy :
Bến bờ hạnh ngộ LAM PHƯƠNG
  Cung đàn muôn điệu,du dương tiếng lòng,
  Sáu tám năm , triệu đóa hồng
  Khoe màu hương sắc theo dòng luân lưu.”
(Thơ Phan Khâm, Thư họa Vũ Hối)
- có lẽ vì xúc động nên tôi không nhớ phải làm gì nữa!  Cô Thủy đại diện thế hệ thứ 2 dâng tặng một bó hoa tươi cho người nhạc sĩ đa tài mà cũng đa tình này.
Kế tiếp cô Thanh Tuyền thay mặt các ca sĩ nói đôi lời chúc mừng nhạc sĩ Lam Phương đã khiến cử tọa bùi ngùi khi cô vừa hát vừa quàng tay ôm "người Anh Cô thương mến" mà rưng rưng giòng lệ!Phút cuối,  nhạc sĩ Lam Phương lên tiếng CẢM ƠN khán giả, những tình cảm thân thương từ mọi người hiện diện hôm nay đã khiến ông vô cùng sung sướng, tuy nhiên lúc nghe ông nói:  "Đây có thể là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau!" thì những tiếng cười nói ồn ào trước đó bỗng dừng lại, lắng xuống rồi lặng yên buồn!
NS Lam Phương & gia đình , ca sĩ Thanh Tuyền, Hồ Hoàng Yến và Lê Mộng Hoàng lắng nghe anh Công đọc thơ Phan Khâm trên bức Thư họa của Vũ Hối.
Để thay đổi không khí, lúc này trưởng ban tổ chức Bác sĩ Nguyễn Tấn Phước-người cháu có “bồ đề tâm” vị tha, bao dung của NS LAM PHƯƠNG mới xuất hiện cảm tạ sự tham dự đông đủ của đồng hương, sự góp công, góp sức hết lòng của các nhạc sĩ, ca sĩ, vũ sinh, chuyên viên âm thanh, ánh sáng, tiếp tân, để hoàn tất một chương trình âm nhạc LAM PHƯƠNG 68 năm độc nhất vô nhị , ghi dấu ấn tuyệt vời trong tâm hồn  “người cậu mà anh kính phục, yêu thương”cùng  những ai đã từng ham mê hát nhạc Lam Phương lâu nay một chương trình ca nhạc xuất thần cả về lượng lẫn  về chất, không tìm lại được lần thứ hai ở đâu cả!
Ân Cần Cảm Tạ Ơn Người
Lời ca tiếng hát tuyệt vời lắm thay!

Chiều Thu Ấy 10/15/2017 - VA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét