Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Chân Dung Tác Giả

 LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG
KHẨU VĂN CỦA NGUYỄN QUANG LẬP
Nguyễn Ngọc Kiên
(Phần 2)

CÁC CÁCH BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG KHẨU VĂN CỦA NGUYỄN QUANG LẬP
1. Khoa trương ở cấp độ từ / ngữ và câu
1.1. Khoa trương ở cấp độ từ / ngữ
1.1.1.   Sử dụng động từ biểu thị khoa trương
Ví dụ:
(47) Anh Đỉnh nói to hơn, gay gắt hơn, nói ơ kìa anh Châu mất rồi mọi người không nghe à. Có người nhăn mặt cáu kỉnh, nói biết rồi, và lại dán mắt vào ti vi.
(48) Nói cười thong dong vừa kể vừa bịa nước Tây trọng vọng mình như thế nào. ai biết ông đang ở tâm trạng như vừa thoát khỏi âm ti, mừng hơn cha chết sống lại. hết phố lại phéo, tăng dít với tăng dót, sợ lạc máy bay mất ăn mất ngủ, thèm thuốc đến phát cuồng, mồm khâu cả chục ngày nay mới được há.
Qua các ví dụ trên có thể thấy, động từ biểu thị khoa trương có thể đem lại những giá trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí độc giả. Tuy nhiên, đối với một số động từ nội động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh, hoặc trong những điều kiện sự việc xảy ra, thì mới có thể thực hiện khoa trương. Ví dụ:
 (49) Rồi cầm mobile gọi đến cháy máy mấy ông bạn vàng ở Huế.
(50) Một tuần anh có vài chục cuộc bạn gọi kiểu này, tuỳ theo bạn nhậu nào mà nói mình đang ở nhà hay đang ở Sài Gòn , không thì chết mất ngáp.
(51) Từ chính trị gia đến ông trọc phú, từ kẻ vô danh đến văn nghệ sĩ thật lắm chuyện oái oăm, cười đến muốn chết.
(52) Có đến hàng mấy trăm buổi, đêm cũng như ngày, hai anh em với chai rượu trắng nắm nem Huế, anh uống và nói, mình uống và nghe, cứ thế cứ thế mưa dầm thấm đất, dần dần đầu óc mình sáng sủa dần lên, bốn năm ở Huế mình xơi tái cả tủ sách quí của anh, thế là thành người tài, he he.
(53) Mỹ nhân Hà thành không cô nào không dán mắt vào gáy họ.
(54) Anh lừ lừ nhìn cả hội, nâng điếu cày vếch mày rít một hơi, nói nghe nói chúng mày đều là văn tài cả, có văn tài tao mới nhận làm trưởng trại, không thì có các vàng tao cũng thèm vào.
Trong các ví dụ trên, tác giả đã dùng các cụm động từ  “cháy máy” “cười muốn chết” “chết mất ngáp” “xơi tái” “dán mắt” “các vàng” để thực hiện khoa trương.
Có những chuyện anh có cách kể cứ tưng tửng, người đọc không biết là anh đang khoa trương hay đang “bịa”, vì khoảng cách giữa hai niệm rất gần nhau. Chẳng hạn:
(55) Thằng D. rỉ tai nói bà khô rang rồi, khi nào hành sự thì phải nhổ nước miếng bôi trơn.
(56) Mình nói hồi sáng bà còn kêu ông Khoa (Trần Đăng Khoa) bẩn nổi tiếng mà, khéo không phải lấy đũa gắp chim ông ấy đấy.
1.1.2.   Sử dụng danh từ biểu thị khoa trương
+ Sử dụng danh từ  riêng (tên nhân vật nổi tiếng) để khoa trương
Chẳng hạn, tác giả ca ngợi những người làm sách cho thiếu nhi:
(57) Trẻ con nước này quên ai thì quên, có 3 người không thể quên, đó là Bác Hồ, Tô Hoài và Xuân Sách.
Tác giả ca ngợi tài đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
(58) Thế gian có ba người dân Quảng Bình thờ phụng đó là Chúa, Phật và cụ Võ (Võ Nguyên Giáp)
Tác giả còn sử dụng tên nhân vật trong tiểu thuyết, nhất là những nhân vật đã được tính từ hóa. Ví dụ,  “rất Chí Phèo” hoặc “xấu như Thị Nở”:
(59) Cũng có cô xấu, xấu mấy thì xấu, dù xấu ngang tầm Thị Nở cũng không đến lượt mình.
+ Sử dụng danh từ chung để khoa trương
Ví dụ:
(60) Trần Bình Minh hút thuốc lá bố bảo cũng chẳng ai dám mắng.
(61) Làng Đình Bảng thì coi anh là công dân số 1 của làng mọi thời đại, hỏi nhà văn nước Nam này có ai được cả làng tôn thờ đời đời kiếp kiếp như anh không?
Khi một cô gái chửa hoang khẳng định “sẽ chẳng có ai thèm lấy em đâu”, cô ta có cách nói:
(62) L. nói gái chửa hoang, chó nó thèm lấy em.
Trong truyện “Thằng cu Hó” một lần nữa NQL không ngần ngại khi xếp chó “ngang hàng” với người:
(63) Nó bảo cái tên Hó tối mò, quê một cục, nghe cái tên chó nó muốn làm việc với tao.
Ta nghe lại anh  ca ngợi tài, đức của Đại tướng:
(64) Cụ nói nhỏ, người nghe thì đông, hầu hết chẳng ng he thấy gì nhưng hễ cụ nói xong thì ai nấy đều hân hoan như nghe xong thánh chỉ.
Trong tiếng Việt có danh từ sử dụng như một tính từ (có thể đi với phó từ rất):
(65) Khi đó mới ngã người ra, anh bị bắt vì lí do rất củ chuối, chính vì những người mà xưa nay mình vẫn tưởng là tử tế.
Tác giả còn dùng cụm danh từ để khoa trương thời gian khi diễn tả thời gian diễn ra quá nhanh. Chẳng hạn:
(66) Phạm Xuân Nguyên có tài đọc sách, nó đọc nhanh kinh hoàng, nói như Đoàn Tử Huyến là đọc từng mảng chứ không đọc từng câu, nó cầm cuốn sách lật trang roạt roạt lướt rất nhanh, y chang con nít đọc truyện tranh, nhoáng cái là xong cuốn sách mấy trăm trang.
(67) Ở đâu không biết chứ ở ta thời này chuyển sang thời kia nhanh như chớp mắt, không thể lường trước được.
Đôi khi dùng cụm danh từ diễn tả thời gian diễn ra quá chậm. Ví dụ:
(68) Thể nào cô cũng dừng lại khẽ gật đầu, nói về được vài ngày rồi lại đi, suốt đời lênh đênh trên biển vất vả lắm.
(69) Từ ngày vợ nó bỏ, giá nó lên kinh khủng, gái gọi suốt ngày, đến nhà nó giờ nào cũng có vài ba em nói cười toe toét.
(70) Nhiều nhà một vợ hai con đúng pháp luật lại cãi nhau đánh nhau suốt ngày.
1.1.3. Sử dụng tính từ biểu thị khoa trương
Biểu thức: S + Adj.
Trong biểu thức này, tính từ đóng vai trò làm vị ngữ trong câu. Ví dụ:
(71) Từ ngày bà nghỉ bán, Viện văn bỗng rỗng hẳn đi.
(72) Anh ra đi năm 1989, đúng năm đất nước đổi mới thế giới đổi thay, suốt đời viết văn khóm róm chỉ mong có một ngày nhìn thấy cái sướng nó méo hay tròn, đúng lúc sướng rồi thì anh lại ra đi, nghĩ mà ứa nước mắt.
Biểu thức: N + Adj = NP
Biểu thức này thực ra là ngữ danh từ do tính từ làm  định ngữ thực hiện khoa trương. Bởi thực tế, yếu tố khoa trương nằm ở tính từ. Chẳng hạn:
(73) Gớm chưa, thời đại internet mà bịp nhau như thời mông muội.
Biểu thức: Adj  + N (O). Trong biểu thức này, cũng như trong tiếng Việt nói chung,  O chính là tân ngữ của tính từ. Ví dụ:
 (74) Nó làm gì mình cũng ngứa mắt, mình làm gì nó cũng khó chịu
(75) Dăm ba người lịch sự ra bắt tay, nói nịnh đôi câu, ông cố tình tưởng thật về hoắng huýt dọa đồng nghiệp nước nhà một phen sợ xanh mặt.
(76) Vẫn sung sướng tự hào ca hát ngây ngất nhưng mà đói vàng mắt.
Biểu thức: V + Adj hoặc V + Adj + Adj. Trong biểu  thức này, tính từ đóng vai trò làm bổ ngữ cho động từ. Điểm này khác với các ngôn ngữ châu Âu, chỉ có trạng từ mới có thể làm bổ ngữ cho động từ. Ví dụ:
(77) Trong làng cô nào lấy được chồng lái xóm làng xóm bàn tán mê man cả tháng,  chẳng khác gì con gái xưa vớ phải trạng nguyên.
(78) Năm 1978-1980 có hai trường ca mình thích mê man, cho đến bây giờ vẫn thích, đó là trường ca.
(79) Còn tán được em Nga chân dài miên man, ngực to bằng cái rổ, đã đời.
Ở ví dụ  (76) “ngây ngất” cũng là tính từ bổ ngữ cho động từ “ca hát”.
1.1.4. Sử dụng số từ biểu thị khoa trương
Ví dụ:
(80) Chẳng biết ông chồng này rồi sống được bao lâu, có khi mai mốt lại mua trăm hecta khác xây cung điện khác để cưới chồng khác cũng nên.
(81) Ở nước ta nhiều bồ như ông Xu Qiuyao cục trưởng cục xây dựng Trung Quốc có tới 146 bồ có lẽ không có, chứ năm bảy chục bồ thì cầm chắc phải dăm bảy anh.
(82) Đến khi hết thời, cả tháng không được sô diễn nào, ra đường chẳng ai thèm ngó, cũng 4 ông vệ sĩ cặp kè, rất chi là chướng mắt.
Mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Trong khi số học phương Tây (hay còn được gọi là hệ thống Pytago) kết nối những con số với tính chất cốt rễ của nó thì số học phương Đông lại dựa trên âm thanh của con số (theo tiếng Trung Quốc) khi ta phát âm. Nếu một con số phát âm giống một từ được cho là tiêu cực hay thiếu may mắn, con số đó cũng được xem là tiêu cực hay thiếu may mắn. Tuy nhiên, may mắn lại là một khái niệm không đóng vai trò gì trong số học phương Tây. Thay vào đó, mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Tùy với mỗi người mà năng lượng mạnh nhất của con số sẽ được phát huy.
 Nói ngoa bằng cách dùng những con số lớn hơn hay ít hơn nhiều lần để  nói lên sự hơn kém về sự việc hiện tượng. Những con số này chỉ là ước lệ, có tính chất ngụ ý. Chẳng hạn, tác giả nói về một ông chồng ghen vợ:
(83) Ông nhổ bãi nước, nói cô không được đi quá bán kính 12 mét kể từ bãi nước bọt này. Thất kinh.
(84) Nói vậy thôi, đàn ông mười ông thì có đến chín ông rưỡi ghen vợ.
Như  vậy các số lớn dùng để khoa trương phóng to, còn các số nhỏ để khoa trương thu nhỏ. Ví dụ, trong “Niệu liệu pháp”, anh viết:
(85) Mình xem qua, thấy lối tuyên truyền tào lao, đức Phật nói sao, Giê su nói sao, ông thủ tưởng nước nào sáng sáng uống một ca nước đái mà chữa được bệnh tiểu đường, bà Thị trưởng phố nào đó ở Pháp ung thư giai đoạn cuối, uống một trăm ca thì khối u tan, thêm trăm ca nữa thì các ổ di căn biến mất.
Rồi anh kể chuyện bạn anh, khéo léo đến mức:
(86) Cái thằng văn hóa cho toàn đến nỗi chưa bao giờ nói hớ nửa câu để người khác phải mếch lòng.
1.1.5.   Sử dụng đơn vị từ biểu thị khoa trương
Đơn vị từ là từ biểu thị đơn vị số lượng sự vật; trong đoản ngữ danh từ khi có số từ kết hợp với danh từ (gọi là danh trung tâm) phải thông qua đơn vị từ, trừ những danh từ có tính chất như đơn vị từ.
+  Dùng đơn vị từ chuyên chức.
Đơn vị từ chuyên chức là những đơn vị từ đích thực (chuyên làm đơn vị từ) trong tiếng Việt. Chẳng hạn, ta không nói 2 sách, mà phải nói 2 quyển sách; không nói 1 bò mà nói 1 đàn bò.
Chẳng hạn, NQL đã viết:
(87) Người yêu lí tưởng có một nhúm, con gái có cả đàn, phân phối làm sao cho đủ.
(88) Thời mình đi lính chơi thân với thằng Q. Thằng này cực đẹp trai lại hát hay đàn giỏi, đi đâu gái chạy theo cả đàn.
+ Dùng đơn vị từ tạm mượn.
Đó là những từ vốn là danh từ đích thực, tạm mượn  làm đơn vị từ. Chẳng hạn, danh từ bát, tạm mượn làm đơn vị từ: 1 bát cơm, 2 bát tiết canh. Trong tác phẩm của mình NQL cũng hay dùng đơn vị từ tạm mượn để khoa trương. Ví dụ:
(89) Ông có sáu chục đứa  con, 123 cháu. Qủa là đại đội con, tiểu đoàn cháu.
Ở đây, đại đội con, tiểu đoàn cháu là rất nhiều con và cháu.
(Xin xem thêm mục Sử dụng danh từ biểu thị khoa trương)
1.1.6. Sử dụng đại từ biểu thị khoa trương
Đại từ “mấy” “ vài”. Ví dụ:
(90) Anh nói muốn tiến sĩ thì phải đi học, tôi mà đi học, ngồi nghe mấy thầy trẻ nói mấy câu đã nổi khùng rồi, học làm sao được.
(91) Bóng lăn được nửa trận đã tán xong cả thế trận, hết hiệp 2 biết kết quả tán thêm vài ý, viết vài câu kết thật có cánh coi như xong một bài. Nhược bằng kết thúc trận đấu có nhiều bất ngờ thì phải khôn ngoan xoay trở sao cho không phải viết lại mà vẫn đúng y như thế trận.
Trong 2 ví dụ trên đại từ vàimấy chỉ số lượng ít / không nhiều và có thể thay thế cho nhau. Ở ví dụ (60) tác giả dùng đại từ mấy ca ngợi tài đọc của Phạm Xuân Nguyên loáng cái là xong cuốn sách mấy trăm trang” để chỉ số lượng “rất nhiều”.
Dùng linh hoạt đại từ phiếm chỉ “đâu”, “đấy”
Đại từ để hỏi “đâu”, “đấy” khi dùng linh hoạt nó có chức năng nhấn mạnh. Điển hình là cấu trúc “…đâu …. đấy…”, chỉ cùng một đối tượng. Chẳng hạn:
(92) Từ đó đi lên, kinh doanh khách sạn, làm đâu thắng đấy
   1.1.7. Sử dụng thành ngữ biểu thị khoa trương
          Theo “Từ điển giải thích ngôn ngữ học” thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.”
                                                     [6, tr.237]
Ví dụ:
(93) Khổ thân, tiêu chuẩn của mình mà mỗi khi mua được thì mừng hơn cha chết sống lại.
(94) Em thứ hai ở Quảng Ninh, em là cô giáo cấp 1, cao ráo trắng trẻo, xứ than đá đen sì lại sinh ra con gái trắng như trứng gà bóc, đặc biệt là gái Cửa Ông.
(95) World cup 1998 báo Thể Thao văn hoá của TTX có sáng kiến ra tờ Tin nhanh world cupra hằng ngày, bán chạy như tôm tươi, tiền nhiều như quân Nguyên.
(96) Có ông giám đốc sở ngoại vụ tỉnh Y. tiền nhiều như quân Nguyên, gái theo như chuồn chuồn sắp mưa, thế mà canh vợ điên cuồng như canh chừng bọn khủng bố.
(97) Có tuần ăn đúng một món, chán phát điên, vợ nó cứ gắp cho liên tục, nó nuốt không nổi, chực trào ra. Vợ nó bảo, anh ơi con trai... nó vội vàng gật gật phùng mang trợn mắt nuốt đánh ực.
1.2. Khoa trương ở cấp độ câu
1.2.1. Sử dụng câu điều kiện: “Nếu… thì….” hoặc câu giả thiếtGiả sử / giá…. thì…và các biến thể .
Câu phức điều kiện không phải là loại câu chuyên biệt để biểu thị khoa trương. Nhưng trong lối nói khoa trương có thể sử dụng câu phức điều kiện như một phương thức biểu đạt hữu hiệu. Trong loại câu này, phân câu phụ biểu thị điều kiện, phân câu chính biểu thị kết quả.
Biểu thức:  Chỉ cần / giả sử / nếu…. thì….
Trong loại câu này,  “chỉ cần” chỉ ra điều kiện cần và đủ, chỉ có điều kiện như vậy thì mới có kết quả hoặc hậu quả nêu trong câu chính; trong phân câu chính thường có sự tham gia của phó “thì”. Ý nghĩa khoa trương của câu nằm ở cả hai vế. Ví dụ:
(98) Nó ngồi im hồi lâu, nhìn ra xa bãi cát sau làng, con ni mà tao không lấy được thì tao tự tử.
Câu này có thể viết lại:
…nếu tao không lấy được con ni thì tao sẽ tự tử.
Các ví dụ khác:
(99) Vẽ xong, nó ngồi lọt thỏm vào đấy, tay bó gối nhìn đăm chiêu, nói cho tao lấy con Thủy thì sai tao ăn cứt tao cũng ăn.
Trong câu phức giả thiết nói chung, phân câu phụ nêu ra một giả thiết, phân câu chính nói rõ trong tình huống như thế này thì kết quả mới xuất hiện. Trong khẩu ngữ, nếu viết đầy đủ thường có các từ nối.
Cấu trúc này dùng nhiều để thề nguyền, cam kết. Ví dụ:
(100) Anh Ngô Minh nốc cạn chén rượu dằn mạnh cái chén, nói đ. mạ, thằng trọng tài ở đây tao đấm nát mặt.
(101) Anh cười, nói mình chỉ liều mạng đánh Mỹ thôi, hồi ở rừng đã có khi mơ giá ông Bụt hiện lên nói mi ăn hết rổ cứt ni rồi tao cho đất nước hoà bình thì mình ăn liền.
(102) Nếu trong nhà có ti vi neptune, tủ lạnh Saratop thì có thể cưới được hoa hậu.
(103) Anh lại tức, lại cãi, lại say, nói mẹ, tôi không làm phim nhựa tôi bằng con chó nhà ông.
Rồi anh kể có lần nhà văn Nguyễn Khải khen Nguyễn Quang Lập:
(104) Ông có cái miệng tươi kinh. (Giá/ nếu) tôi mà đàn bà (thì) tôi  đã có chửa với ông lâu rồi.
+2.1.2. Sử dụng cấu trúc nhấn mạnh “…đến nỗi mà…” và các biến thể
(105) Đạo diễn X đem phim đi dự liên hoan, chẳng được cái giải gì, người ta lịch sự trao cho cái bằng lưu niệm vẽ cái biểu tượng liên hoan, liền giả ngây giả ngô về nước réo lên mình được giải. Ti vi một phen bị hố, thiên hạ được một bữa cười vỡ bụng, hóa ra lắm kẻ khát danh đến tâm thần!
Câu này có thể viết lại:
…. hóa ra lắm kẻ khát danh đến  nỗi  hóa tâm thần!
Các ví dụ khác:
(106) Mình quen anh chẵn hai chục năm, lần nào gặp nhau cũng chỉ một mực đòi anh đọc thơ chân dung. Buồn cười chết đi được vì đúng quá, hay quá
(107) Từ chính trị gia đến ông trọc phú, từ kẻ vô danh đến văn nghệ sĩ thật lắm chuyện oái oăm, cười đến muốn chết.
(108) Nuôi được đứa con trai từ khi nhỏ đến khi cho ra ràng thật mệt bở hơi tai.
2.1.3. Sử dụng cấu trúc “… đừng nói…  ngay cả đến… cũng…” và các biến thể
(109)  Mấy người lại nói đúng đúng không có Tinh Tuý tụi mình bốc cát mà ăn. Mấy người lại nói đúng đúng, đừng nói cát, cứt cũng không có mà ăn.
Câu này có thể viết lại thành:
…đừng nói cát, mà ngay cả cứt cũng không có mà ăn.
(110) Con gái sĩ diện hão, mày không nói (ngay cả khi) nó có thèm đến chết, cũng không cho mày đâu.
3. Sử dụng các phương pháp tu từ và biện pháp tu từ biểu thị khoa trương
3.1. Sử dụng hoán dụ biểu thị khoa trương
Tác giả Trần Vọng Đạo trong “修辞学发凡(Tu từ học phát phàm) lần đầu tiên đã đưa ra định nghĩa về phép hoán dụ: “Sự vật được nói tới tuy rằng không có điểm tương tự với sự vật khác, giả sử khi giữa chúng còn có quan hệ không thể tách rời, tác giả có thể mượn tên của sự vật có quan hệ đó thay cho sự vật được nói tới. Cách mượn như vậy gọi là phép hoán dụ tu từ” [93]. Nghĩa là, không nói thẳng ra tên người hoặc sự vật mà mượn tên của sự vật có quan hệ mật thiết với nó thực hiện phép thay thế. Ví dụ:
(111) Thế mà (năm 1978) anh Mạnh Đạt đem Ái Vân về nhà mấy ngày lượn đi lượn lại khắp thị trấn. Một vạn dân thị trấn suốt ngày nức nở.
(112) Buổi tối anh ra đi ti vi đang phát phim Đơn giản tôi là Maria, phim này một thời hút hồn cả nước, đám nhà văn cũng bị hút hồn theo.
Ở trên là phép hoán dụ, tác giả lấy “vật chứa đựng” là thị trấn cả nước thay cho “vật bị chứa đựng” là dân thị trấn dân cả nước. Cũng như vậy, tác giả còn hoán dụ cả làng cả tổng rồi cả phố, cả huyện. Ví dụ:
(113) Nhà nào có người được một suất đi tàu viễn dương thì cả phố cả huyện đều biết, nhà đó được tôn lên bậc vương giả.
3.2. Sử dụng so sánh tu  từ biểu thị khoa trương
          So sánh theo cách hiểu phổ thông là “nhìn vào cái này mà xem xét cái kia để thấy sự giống nhau hoặc khác nhau hoặc sự hơn kém”.[4, tr. 861]
         Theo Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”.[3, tr.14]
Cấu trúc: như + NP
Ví dụ:
(114) Có lần tôi về Nghệ An, người ta nói mãi mình cứ chối thì người ta cho mình kiêu, nhận lời rồi thì lo mất ăn mất ngủ, không biết nói cái gì, cái đầu khi đó như cục vôi sống, không nghĩ ra được cái gì, khỉ thế.
như + S – V – (O)
(115) Bảng C là bảng có Liên Xô tất nhiên mọi người quan tâm nhất, mỗi lần Liên Xô đá vào quả nào là mọi người la hét ầm ĩ, nhảy cà tẩng, mừng như cha chết sống lại.
(116) Bà nói anh Nập không biết chứ Viện này từ xưa đến nay giống chùa Bà Đanh, anh Thưởng về cái nà anh em đến thường xuyên, ông nhỏ ông to vào ra tấp nập, mừng nắm. Mình đùa, nói chị em trong viện cũng tươi tắn hẳn lên bà nhỉ, như thài lài gặp cứt chó.
(117) Sau mới biết tính anh vậy, ngồi đâu cũng rụt rè cả thẹn như gái mới về nhà chồng.

 (118) Mình được giáo dục cẩn thận, ghét nhà giàu như nhà nông ghét cỏ, cứ ghét như thế cho đến chục năm sau mới biết mình ngu.
(119) Giáo sư Tây hỏi ngu như bò còn ông văn hóa 8/10 thì trả lời hay như Thánh phán.
như V + O / S + V hoặc hơn + V + O
 (120) Từ xưa đến nay giới nào cũng hâm mộ bóng đá, có người nghiện còn hơn nghiện thuốc phiện, giới văn nghệ cũng thế.
(121) Ai biết đôi ba tiếng Tây thì còn phúc chứ đằng ấy cũng như đây tiếng Tây chỉ mỗi how are you thời mặt lúc nào cũng như ngỗng ỉa. May người Tây vừa lịch sử vừa nhiệt tình nếu không thì lạc giữa mê cung, chết đói giữa trời Tây cũng không biết chừng.
(122) Sang đó mới ngao ngán, cả trăm người vào vào ra ra chào hỏi ông cứ mặt đực như ngỗng ỉa.
Các biến thể của như : X y chang/ chẳng khác nào / có cảm tưởng / ngang tầm / khác gì Y. Ở đây X là vật so sánh Y là vật chuẩn so sánh. Ví dụ:
(123) Đến khi đá với Argentina thua, đá với Romania thua tiếp ai nấy thất thần như người mất sổ gạo. Trận đá với Romania, thua 2 quả rồi mà Liên Xô rề rà như là đang thắng, có cảm tưởng đá tảng đang đeo chân họ.
(124) Vào cuộc người ta nói đông nói tây, anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp  sợ người ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài.
(125) Anh nhoẻn miệng cười, cái mặt đỏ kè xấu hổ, y chang ông con rể chuẩn bị ôm vợ bỗng gặp ông bố vợ.
(126) Lấy được mấy cô này khác gì chuột sa chĩnh gạo.
Trong câu này, thực ra có chứa thành ngữ “như chuột sa chĩnh gạo” tác giả đã biến tấu “chẳng khác gì chuột sa chĩnh gạo”. Một ví dụ khác:
(127) Đang ăn thì em thấy một đoàn mười mấy đứa bạn cùng khoá đang rong ruỗi vỉa hè, em bèn chạy ra gọi tất cả vào quán phở. Tim mình thắt lại, cuống tim teo lại chỉ bằng sợi tóc.
3.3. Sử dụng so sánh tu từ với biểu thức S là P biểu thị khoa trương
Trong khẩu văn của Nguyễn Quang Lập, hệ từ  “là”  có thể được thay thế cho những từ so sánh, và đó là câu biểu thị so sánh thuần túy.
  Trong câu, “là” vốn là một động từ phán đoán, cho nên khi được sử dụng trong cấu trúc này, cả cấu trúc còn mang sắc thái khẳng định vốn có của động từ. Tuy nhiên, hình thức so sánh tu từ dùng “là” cũng khác với phán đoán logic có công thức “ S là  P” . Chính vì vậy, có người không cho rằng “là” là thành tố trong phép so sánh. Tuy nhiên căn cứ vào ngữ nghĩa chúng tôi cho rằng là” không những có khả năng biểu đạt so sánh mà còn có khả năng biểu đạt khoa trương.  Ví dụ:
(128) Mình học Bách Khoa năm cuối, đọc xong hai trường ca này thì mặc nhiên coi hai ông này là trời, suốt ngày mơ làm sao mình có được dăm câu thơ hay như thơ họ.
(129) Chẳng phải nó đá hay, có cú sút phạt thần sầu mà vì là thằng cha hay cãi, có lẽ nó cầu thủ hay cãi nhất thế giới túc cầu.
(130) Thế mà từ năm 1981 anh Tạo đã dám viết những câu thơ bỏng rát, nhức nhối đến như vậy, quả là gan trời.
3.3. Sử dụng ẩn dụ biểu thị khoa trương
Theo tác giả Hữu Đạt [3, tr.302] thì Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc 
Như vậy theo chúng tôi hiểu, ẩn dụ là so sánh không có từ so sánh. Chẳng hạn anh viết về thằng bé 7 tuổi con của Trung Trung Đỉnh :
(131) Thằng Cún nói mới hiệp một sao bố bảo thua, anh nhăn nhó nói thua, con ơi thua, Brazil mạnh như trời làm sao thắng được nó. Đến khi Hà Lan thắng Brazil 2-1 anh nằm dạng chân tay giữa sàn nhà cười khà khà, nói tóm lại thằ ng Cún nhà tao vẫn thiên tài.
Câu trên có thể hiểu là thằng Cún nhà tao vẫn là (như) một thiên tài.
(132) Nếu trong nhà có ti vi neptune, tủ lạnh Saratop thì có thể cưới được hoa hậu.
Câu này có thể viết lại: Nếu/ giả sử trong nhà có ti vi neptune, tủ lạnh Saratop thì có thể cưới được vợ  xinh / đẹp như hoa hậu.
(Còn nữa kì sau đăng tiếp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb   Giaó dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh Việt, NXB Khoa học Xã hội
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
Nguyễn Quang Lập, (2009), Kí ức vụn, Nxb Hội nhà văn
Nguyễn Quang Lập, (2011), Chuyện đời vớ vẩn, Nxb Văn học
Nguyễn Quang Lập, (2011), Bạn văn, Nxb Trẻ

Kì sau
Sử dụng thành ngữ khoa trương trong khẩu văn

của Nguyễn Quang Lập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét