Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

TÀI NHÂN CHIÊU CƠ THÁI DIỄM

Thái Quốc Mưu




* THÁI DIỄM:

Thái Diễm (蔡琰) (177–?) tự Chiêu Cơ (), do Chiêu Cơ trùng với húy của Tấn Văn Đế là Tư Mã Chiêu (司馬昭), nên người đời sau đổi thành Văn Cơ (),. Thái Diễm là con của Thái Ung, người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam).

Được sinh ra trong một gia đình có người cha tinh thông bác học, giỏi âm luật, thạo văn chương, còn là Nhà Thơ có tên tuổi đương thời. Từ nhỏ Thái Diễm đã giỏi cầm kỳ, thi họa. Đặc biệt, từ khi 8 tuổi, biết chơi đàn, 13 tuổi có biệt tài viết được cả hai tay, sang năm 14 tuổi thì viết cả chữ ngược. (chữ viết ngược, phải nhìn từ phía sau tờ giấy mới đọc được).


Tương truyền, khi Thái Ung còn sống, một hôm Tào Tháo (曹操) 155–220) tự Mạnh Đức (孟德) đến nhà chơi, Thái Diễm chào hỏi xong rồi trở lại bàn, tiếp tục cầm bút cặm cụi viết viết... Thấy nàng chăm học, Tào Tháo ngỏ ý cùng thân phụ nàng đến xem. Thái Diễm vội vàng đứng lên… Khi xem, Tào Tháo khẽ nhíu mày, bởi thấy nàng đang làm thơ, nhưng những gì nàng đang viết Tháo đều không đọc được, liền đưa mắt nhìn Thân phụ nàng tỏ ý hỏi. Thái Ung mỉm cười bảo Tháo: “Xin Tào huynh, lật tờ giấy lại đọc ở phía sau.”

Tào Tháo làm theo rồi vô cùng kinh ngạc, buột miệng khen: “Tiểu nhi đây, đúng là kẻ kỳ tài trong thiên hạ! Sau nầy, tiếng tăm sẽ lừng lẫy.” (Đọc thêm: Trước 4/75, ở Mỹ Tho ông chủ tiệm bánh ngọt hiệu Nguyên Nguyên trên đường Nguyễn Huệ, người Triều Châu cũng có biệt tài viết ngược Hán văn. Còn ở ấp An Bình, Xã An Qui, Quận Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre, có ông Bộ Nho (chức danh Chánh Lục Bộ, tên Nho, gọi tắt là Bộ Nho), có biệt tài cùng lúc viết cả hai tay, một tay viết Hán văn, một tay viết Pháp văn. Ông Bộ Nho là em của ông Lê Văn Chánh (tức Hội Đồng Chánh, Hội Đồng Tỉnh Bến Tre, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa).

Năm 1952, (thời còn thuộc Pháp), Thiếu Tá Võ Văn Mưu, mới nhận chức Quận Trưởng Quận Thạnh Phú, nghe tiếng ông Bộ Nho viết cả hai tay cùng lúc, muốn kiểm chứng hư thực, Thiếu Tá Mưu cho mời ông Bộ Nho lên Quận đường, viết trước mặt để ông Thiếu Tá kiểm chứng tin đồn.
Chánh Lục Bộ là một chức danh cấp xã thời thuộc Pháp. Khoảng đầu năm 1956, nền Đệ Nhất Cộng Hòa, đổi thành Ủy Viên Hộ Tịch. Thời điểm 1956 có thể tác giả nhớ không chính xác).

Tiếp nối tinh anh của phụ thân mình, Thái Diễm cũng tinh thông bác học, giỏi văn thơ và âm luật, nhưng cuộc đời rất bất hạnh. Năm mười sáu tuổi được gả cho Vệ Trọng Đạo (衛仲道), một người có tiếng tăm trên văn đàn thời đó! Họ Vệ là một gia tộc giàu có, thuộc tầng lớp quý tộc lớn ở Hà Đông.

Tình chồng vợ giữa Thái Diễm với Vệ Trọng Đạo gắn bó chưa bao lâu thì Trọng Đạo qua đời! Sau khi chồng chết, Thái Diễm bị mẹ chồng đuổi về nhà cha mẹ ruột, với lý do “khắc tinh” và không con nối dòng giống.

Khoảng năm 189 Đổng Trác (董卓) lộng quyền, gây náo loạn cung đình, Thái Diễm bị quân Đổng Trác bắt về làm hầu thiếp, nhưng rồi năm 192 bà bị Trác đem gả cho Tả Hiền Vương (左賢王) ở Nam Hung Nô, từ đó Thái Diễm lưu lạc trên vùng Nội Mông ngày nay.

Mười hai năm ở Nam Hung Nô nàng sinh cho Tả Hiền Vương hai người con.

(Về cách Thái Diễm đến Nam Hung Nô, so với sách Hậu Hán Thư, ở phần Liệt Nữ truyện, chép có sự khác biệt, như: “Năm Hưng Bình thiên hạ đại loạn, Văn Cơ bị quân Hồ bắt nộp cho Tả Hiền Vương. Hưng Bình (194–195) là niên hiệu đời Hán Hiến Đế, Thái Diễm bị quân Đổng Trác bắt vào năm 192, thời gian ba năm sau đó lưu lạc ra sao không thấy đâu chép. Căn cứ theo sử sách, tháng 11 năm Hưng Bình thứ 2 (195), Lý Thôi, Quách Dĩ bị Tả Hiền Vương của Nam Hung Nô đánh bại, bắt Thái Diễm về làm vợ).

Vốn là bạn tâm giao của Táo Tháo, sau khi Thái Ung chết, một hôm Táo Tháo tìm đến nhà thăm bạn, mới biết thân phụ nàng (Thái Ung) đã bị Vương Doãn bắt hạ ngục và chết trong tù. Còn Thái Diễm bị Đổng Trác đem về làm thiếp một thời gian, rồi đem gả cho Tả Hiền Vương ở xứ Nam Hung Nô.

Thương tình người bạn xưa gặp vận không may, Tào Tháo liền sai sứ giả đem vàng ngọc tới Nam Hung Nô chuộc Thái Diễm về nước. Song, Tả Hiền Vương chồng nàng, không cho Thái Diễm đem hai con của nàng theo về Trung Hoa.

Sự việc trên cho ta thấy Tào Tháo là người có thủy có chung với tình bằng hữu. (Vào cuối thời Đông Hán. Tào Tháo trở nên nhà chính trị, quân sự kiệt xuất).

Tác phẩm của Thái Diễm nay còn lại hai bài BI PHẪN THI (悲憤詩), trong đó một bài theo thể ngũ ngôn, một bài thể Sở Từ. Ngoài ra còn có một thiên "Hồ Già Thập Bát Phách” (胡笳十八拍) tương truyền cũng là của nàng.


Bi Phẫn Thi, gồm hai bài, dưới đây là bài thứ nhất, tất cả có 108 câu, gồm ba đoạn. Đoạn thứ nhất kể về việc Văn Cơ (Thái Diễm) bị quân của Đổng Trác bắt đi. Đoạn thứ hai kể thời gian nàng ở Nam Hung Nô và cảnh chia tay trở về và đoạn thứ ba tả cảnh nàng thăm lại nhà cũ nhưng không còn ai trên đời. Bài thơ này được coi là một kiệt tác thi ca đương thời, cùng với Tiêu Trọng Khanh Thê (焦仲卿妻) được coi là hai viên ngọc sáng trong thể loại thơ tự sự thời loạc lạc đó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét