Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Chân Dung Nhà Văn NGUYỄN ĐÔnG A

Cải cách tiếng Việt và dự cảm chia rẽ
NGUYỄN ĐÔNG A




“Tiếng ta còn nước ta còn”. Tiếng và chữ như hồn và xác của người Việt. Tiếng Việt là văn hóa, là truyền thống, là lịch sử của quá trình phát triển dân tộc. Là thiêng liêng ở mỗi con người Việt.
Tôi chợt nhớ vào năm 1990, người ta cải cách chữ viết, nói là để viết chữ được nhanh chóng, tiện lợi, hiện đại, khoa học, biến chữ viết Việt có nét đậm lợt thẩm mỹ thành chữ lùn tịt, thô kệch, giống như mấy cọng mì ăn liền. Hệ lụy khiến một số năm, con nít viết chữ xấu hoắc.

Gần đây tôi nghe đến đề án sửa đổi chữ viết của PGS TS Bùi Hiền, biết được một phần đề xuất là “thay đổi giá trâm vị của 11 chữ cái hiện có: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.”
Để rõ vấn đề, trước hết cần phân biệt “âm vị” và “chữ cái”.
Tôi không định nghĩa dài dòng khái niệm. Đại khái hiểu nôm na, “âm” là từ miệng mình phát ra. Còn “chữ” là ký tự ghi lại âm, xưa ta ghi bằng chữ Nôm, nay ta ghi bằng ký tự la tinh. Tạm thời cái gì thuộc về âm, tôi ghi trong gạch chéo / /, bằng tiếng Việt cho dễ hiểu, không theo kiểu ghi chuẩn, phiên âm quốc tế.
“Thay đổi giá trâm vị” là một vấn đề lớn. Mỗi âm vị, phụ âm tiếng Việt có quá trình phát triển lâu đời, đều khác nhau, được mô tả rõ ràng, đâu là phâm tắc, đâu phâm xát, bật hơi hay không bật hơi, khu biệt bởi họng, môi, răng, lưỡi...
Ở đây, người đề xuất lại gộp những âm khu biệt vào một con chữ. Ví dụ như /chờ/ và /trờ/ vào con chữ c, hoặc /dờ/, /rờ/ vào con chữ z,...
Như thế người lớn muốn viết, họa may phổ cập, như đi học ngoại ngữ mới, còn con nít, chắc là rắm rối hơn, vì chưa đúc rút ra qui tắc nhận biết, để phân biệt được âm khác nhau trong cùng một con chữ.
Đánh vần nữa, trước nay có hai cách. Ví dụ: âm tiết “thành”, xưa là “thờ-a-tha-nhờ-thanh-huyền-thành”, hoặc nay, tách phâm đầu và phần vần, là “a-nhờ-anh, thờ-anh-thanh-huyền-thành”. Còn mới, đánh vần ra sao, trời biết... Nhưng chắc là tốn bộn tiền cho in sách học vần mới và hướng dẫn người dạy.
Người nêu đán hơi vọng ngoại, gán ghép rặp khuôn, máy móc khi dùng ký tự la tinh, mà quên đi đặc điểm về tiếng mẹ đẻ, cùng tâm lý sử dụng của người mình. Sao tự làm khó mình, khi đang có 38 chữ cái, dù có vài chữ cái ghép, dùng cho 38 âm, khá tách bạch (đếm 38 thực ra là có sự nhập nhằng giữa chữ cái và phâm ghép, thì cứ tạm vậy đi). Thêm nữa trên thế giới có thiếu gì nước dùng ký tự la tinh, từng thêm vài chữ cái cho phù hợp với tiếng nước họ, chuyện bình thường mà.
Chữ tiếng Việt, công đầu từ nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes đến nay đã có bước phát triển. Phát triển theo qui luật tiếng Việt, theo tâm lý người dùng, tự gạn lọc, đào thải qua số đông người sử dụng, chứ không từ cá nhân nào sáng chế, đặt ra, rồi buộc tất cả cùng theo. Ta dễ thấy điều này ở văn bản tiếng Việt cách trăm năm trước, người ta có dùng con chữ f và z, nhưng hiện nay lại dùng ph và d hoặc gi. Hoặc i hay y (mỹ hay mĩ, thúy hay thúi) tiếp tục quá trình hoàn thiện. Tất cả đều có lý do của nó.
Không thể nhân danh khoa học, chắc gì đúng, hoặc quyền lực, chủ quan tùy tiện thay đổi.
Nếu những người có thẩm quyền thông qua đán này, chính thức thực hiện thì là một tai họa, có thể ảnh hưởng nhiều thế hệ, tốn kém vô số tiền của, văn hóa tồn giữ bị ảnh hưởng.
Không phải không có những nhà ngôn ngữ Việt chuyên sâu, biết chuyện và không loại trừ khả năng họ không theo. Vô hình chung hình thành số đông người, có thể rất đông, không dùng loại chữ mới. Còn người Việt ở nước ngoài, dĩ nhiên không, có thể rồi sẽ tạo nên một dòng chữ viết Việt giữ từ nền cũ. Chữ viết của người Việt sẻ đàn, không còn tính thống nhất.
Ai nỡ để hồn mình trong một cái xác biến tướng.
Dự cảm chia rẽ
Bài 3
Cải cách tiếng Việt – cái áo chật dị hợm

Bài trước, tôi có viết:““Tiếng ta còn nước ta còn”. Tiếng và chữ như hồn và xác của người Việt. Tiếng Việt là văn hóa, là truyền thống, là lịch sử của quá trình phát triển dân tộc. Là thiêng liêng ở mỗi con người Việt.”.
Đó là nhìn theo chiều dài, bề dày của sự phát triển. Tiếng Việt hình thành từ xa xưa, được bổ sung dần dần từ đại chúng qua nhiều thế hệ. Đến nay, đúc rút được thành hệ thống chữ viết, hoàn thiện, ổn định, dù chưa 100%. Nhưng nó là một chiếc áo đẹp, vừa vặn, phù hợp, gần gũi, gắn bó với mỗi người Việt.
Tôi lại thử nhìn “cải cách” ở bình diện ngôn ngữ.
Người đề xuất nói “lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn mực”. Điều này làm từ lâu, nhưng không có nghĩa là buộc mọi người phát âm theo người thủ đô. Tính thống nhất chỉ thể hiện khi người ta viết ra chữ, chứ không phải về phát âm. Phát âm thuộc về thói quen lâu đời, theo từng vùng, miền. Là sự đa dạng, phong phú trong tiếng Việt.
Nay tác giả lại gộp chung nhiều âm vị vào một ký tự, như [ch] (“chờ”) và [tr] (“trờ”) vào con chữ c, hoặc [d], [r] (“dờ”, “rờ”) vào con chữ z,... nói rõ là: “thay đổi giá trâm vị”. Thực ra, âm vị, phụ âm tiếng Việt, mỗi âm đều khác nhau, được mô tả rõ ràng, đâu là phâm tắc, đâu phâm xát, bật hơi hay không bật hơi, khu biệt bởi họng, môi, răng, lưỡi...
Gộp chúng lại, gián tiếp dẫn đến một số âm vị trong tiếng Việt sẽ dần dần mất đi, không còn nữa, mai một. Với hệ chữ viết mới, nếu vẫn có ý thức lưu dùng, người sử dụng sẽ nhầm lẫn âm, khó hiểu đúng nghĩa chúng trong ngữ cảnh, bởi chưa có qui tắc nhận biết. (( “no ca’n” là “nó tránh” hay “nó chánh”(tránh né hay chính yếu), hoặc “no zôi” là “nó dỗi” hay “nó rỗi” (dỗi hờn hay rảnh rỗi)). Trái khoáy hiện tượng khác nhau về bản chất âm lại đồng âm, dĩ nhiên chúng khác nghĩa.
Về phụ âm ghép (ghép hai, ba con chữ lại với nhau), nét đặc sắc của tiếng Việt. Khi đọc, chẳng qua là đọc nhanh âm, như đánh vần nhanh, “nh” thì “nờ”-“hờ”- “nhờ”, “ng” thì “nờ”-“gờ”-“ngờ”…Trên thế giới thiếu gì nước, dùng nhiều con chữ ở phụ âm, đơn giản như “thanks”, “snow”,…Thực tế sử dụng, theo thói quen bản địa, khi phát ra người ta thường chỉ để một âm rõ, nghe lớn, còn lại lướt…
Đâu phải người Hà Nội (cũng như nhiều địa phương khác), âm nào trong tiếng Việt cũng đều phát âm được. Dù sống vùng nào, không thể phát đúng vài âm nào đó, nhưng khi viết, bằng thói quen, “cảm quan bản địa”, bề dày học tập, đều có thể viết đúng chính tả, chuẩn, thống nhất.
Cũng vậy, người Canada nói tiếng Anh giọng khác, người Úc giọng khác, Anh chính gốc giọng khác, Mỹ giọng khác, thậm chí Mỹ phía Nam, phía Bắc giọng khác, Mỹ da đen giọng khác, Mỹ gốc Tàu khác, gốc Việt khác…Nhiều khi giao tiếp, rất khó nghe, phải lặp lại mới hiểu. Khác đó thuộc về “âm tố”, “ngữ điệu”…Nhưng khi viết thì lại gần như chỉ một loại chữ Anh thống nhất.
Tôi chỉ dựa vào những gì được công bố từ người đề xuất, giản lược phần phụ âm. Chứ thêm đến phần nguyên âm, nếu cũng kiểu gộp và gán giá trị như vậy, tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Người học, người viết càng khó nhận biết, nhất là hiểu đúng nghĩa về mặt từ ngữ. Bởi tiếng Việt khi đưa nguyên âm vào tiếng (âm tiết, có thể có nghĩa hoặc chưa), ta lại có nguyên âm đôi, âm đệm [o], [u]. Do khó như vậy nên khi dạy học vần lớp 1, người dạy thường chia âm ra thêm, thành nhiều nguyên âm ba để tiện dạy các cháu đánh vần, phân biệt được rõ chúng trong tiếng, dù điều này chưa được thống nhất, giới ngôn ngữ tán đồng.
Tôi lại xin lấy một ví dụ tiếng Anh. Như cùng một con chữ o, nhưng tùy theo, lúc thì phát âm [o], lúc phát [ô], lúc [ơ], lúc nửa [ă], [â] rút lưỡi lại…Như vậy, trong tiếng Việt, khi chưa tìm ra được qui luật, xây dựng nên những qui tắc nhận biết về sự khác nhau nhiều âm trong một con chữ, để viết đúng, hiểu đúng nghĩa, người học, trẻ con, cả người lớn phải thế nào, rối.
Lược bỏ con chữ, dù nhìn chữ mới đọc theo âm cũ, cũng có khả năng sẽ đọc lộn, đọc lệch khiến mất âm, biến âm, lạc âm. Giữa mới và cũ, dễ nhầm, khiến câu chữ khi đọc trở nên ngọng ngịu, khó nghe, lạ lẵm, âm sắc ngoại lai.
Các nhà ngôn ngữ có thể tìm ra được qui luật, từ đó đề ra các qui tắc, không tìm ra thì là bất qui tắc (số ít) cho lối viết lạ kỳ của ông, nhưng phải mất thời gian dài, nhiều năm, có đáng không. Trong khi điều này, thường phù hợp ở ngôn ngữ đa âm tiết ( “international”, “beautiful”,…), ở Châu Âu.
Đặc điểm tiếng Việt là đơn âm tiết (mỗi tiếng là một âm tiết, tách bạch).. Âm tiết tiếng Việt là “tiếng” lại gần như trùng với hình vị (đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất có nghĩa hoặc chí ít liên quan tới nghĩa – Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp). Như vậy từ âm vị, âm tiết đến hình vị, ta thấy có gắn với yếu tố nghĩa chứ không đơn thuần như ông ấy nghĩ, cứ gộp và phiên thẳng âm thành ký tự cho gọn, chẳng ảnh hưởng gì.
Đó chưa kể là với lối phiên âm như vậy, khi vào câu, thì ngữ pháp chính thống chủ - vị, được sử dụng trong nhà trường, sẽ chịu tác động, thay đổi mức nào và người đề xuất giải quyết được đến đâu. Hệ quả về mặt ngôn ngữ sẽ dẫn đến hàng loạt rắc rối, rối rắm. Do vậy, bài viết trước, tôi mới nói “rập khuôn”, “máy móc” theo phương Tây.
Và những thiệt hại, mất mát lớn lao, có thể ảnh hưởng nhiều thế hệ, nếu nhìn ở bình diện khác.
Hệ quả về kinh tế. Ừ, thì như ông ấy nói, tài liệu chữ viết cũ đã có, lưu trữ, cứ để đó. Nhưng khi cần thì cũng phải chuyển dịch chứ. Mà nhanh nhất, nếu có sẵn trong máy tính, chí ít cũng phải nhờ một phần mềm chuyển mã để dịch. Còn những gì hiện hành thì sao, tài liệu, văn bản pháp lý, hành chính, sách giáo khoa trong phạm vi cả nước in ấn mới, tiền sẽ lên đến con số có mấy chữ số…
Hệ quả trong giáo dục đào tạo, toàn dân sẽ phổ cập chữ viết, trong khi cách thức tiếp cận chữ viết thì chưa có gì (chỉ mới biết chuyển dịch về mặt hình thức, chưa có qui tắc nhận biết để hiểu đúng nghĩa…). Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ mài mò tìm tòi, khái quát. Giáo viên mệt mỏi đi học, đào tạo lại. Còn học sinh…
Hệ quả về văn hóa, trong đời sống…, câu chuyện dài nhiều tập.
Do vậy đã dẫn đến phản ứng của quần chúng và phát biểu của một ít người nhân danh khoa học.
Quần chúng, người ít học và có học, mỗi người một tính, người thì bức xúc, phát hoảng, tức giận, phẫn nộ, bộc lộ ngay thái độ bất bình chửi bới, nhạo báng... Có người khó chịu, bực bội, bức bối, nhưng thâm trầm hơn. Người có học, nhận ra vấn đề. Người còn lơ mơ, nhưng tiếng Việt vốn thiêng liêng, như máu thịt, bằng cảm quan, họ cũng biết không đúng, đâu thể chấp nhận.
Mặt khác, lệ thường, một số vấn đề, người có thẩm quyền hay tung ra thăm dò dư luận, hễ thấy êm êm thì quyết. Quần chúng nhạy bén, khi thấy ví dụ minh họa đề xuất lại là một phần của văn bản “Luật giáo dục”, mới đây thêm quan chức giáo dục đề nghị thí điểm ở đại học, Sài Gòn.
Cho nên phản ứng gay gắt của quần chúng là cần thiết, cần dứt khoát dẹp bỏ ngay. Phản ứng là tiếng nói của ý nguyện.
Và không ai được quyền coi thường quần chúng.
Gần đây có bà PGS TS văn học lên tiếng bênh vực, cho rằng “đám quần chúng” vô học , mang tâm lý “bầy đàn” hùa theo chửi bới. Lại thêm một ông GS TS nữa (nhà ngôn ngữ nghiên cứu về ngữ pháp trên câu, sau nghiên cứu về văn hóa), cho rằng “ném đá”, đó là “cách ứng xử này gần như đã trở thành "đặc sản" tính cộng đồng làng xã…”, đáng chê trách. Đã qua rồi thời kỳ “ăn lông ở lỗ”. Hoặc “cộng đồng làng xã” với “lũy tre” khép kín, trong nó có dở, vẫn có cái hay, là truyền thống… Sao lại nhân danh khoa học, người có học, tầng lớp trên nỡ mắng mỏ, miệt thị quần chúng. Đó là những từ ngữ xúc phạm, thâm, trên cả chửi rủa.
Về mặt ngôn ngữ.
Mỗi hiện tượng ngôn ngữ thường hình thành tự nhiên, do nhu cầu thực tế sử dụng, xuất hiện ở đâu đó từ một ít người, được lặp đi lặp lại, nhiều người dùng, rồi nhân rộng ra đại chúng thành phổ biến, có tính qui luật. Theo đó nhà ngữ học tổng hợp, khái quát, xây dựng nên qui tắc để mọi người dễ biết cách thức dùng, học theo. Hai điểm quan trọng, căn bản trong nghiên cứu là tính khách quan và đại chúng.
Xét cho cùng, quần chúng mới chính là chủ nhân thật sự của tiếng Việt.
Quần chúng, danh thuận, trước nay luôn được coi trọng, là nhân tố quyết định nên mọi chuyện. Trong lịch sử không phải từng có một “Hội nghị Diên Hồng” chống ngoại xâm sao. Thời cận đại, hiện đại, không phải quần chúng chính là nhân tố quyết định thắng lợi, các cuộc cách mạng hay sao…
Chính quần chúng mới là sáng suốt nhất, không thể khác.
Đâu ai muốn bó thân mình trong cái áo chật, dị hợm.


NGUYỄN ĐÔNG A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét