THI HÀO DÂN TỘC NGUYỄN KHUYẾN
TRONG MẮT NHÀ THƠ CHU VƯƠNG
MIỆN
(MẤY CẢM
NHẬN NHÂN ĐỌC
CHÙM
THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỂ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ)
NGUYỄN BÀNG
Từ trước tới nay, trên thế giới và ở nước ta đã có rất nhiều người viết
chân dung văn học, viết về một nhà văn nhà thơ nào đó, có người đang còn sống
và có cả người đã mất. Với người đang còn sống, đó là những bài viết có tính
cách thông tin, giới thiệu hoặc một phỏng vấn, trò chuyện với họ. Với nhà văn
nhà thơ đã mất, đó có thể là những bài viết về tiểu sử và văn nghiệp và cũng có
thể là những cuộc phỏng vấn trò chuyện giả tường. Nhờ những bức tranh ngôn từ ấy
mà người đọc hiểu về con người và giá trị văn thơ của cácn tác giả được nói tới.
Những bức tranh chân dung ấy có thể là một bài báo, một áng văn xuôi, một
bài thơ hay chỉ là một vài câu thơ phác hoạ một nhà văn nhà thơ với hình dáng
và văn nghiệp đồng thời cũng làm bật lên tính cách riêng của tác giả ấy, qua đó
thể hiện tình cảm và cách đánh giá nhà văn nhà thơ của người viết.
Gần đây, những người yêu văn chương thấy xuất hiện trên mạng qua những
trang blog được đông đảo người đọc mến mộ như Chu Vương Miện, Hải ngoại phiếm
đàm, Trang Đặng Xuân Xuyến, Văn Nghệ Quảng Trị những chùm thơ viết về các thi
hào Việt Nam của Chu Vương Miện, cũng là cách viết chân dung nhưng hoàn toàn
khác lạ cách viết của nhiều người đi trước từ Lê Ta (Thế Lữ). Tứ Linh (Hoàng Đạo),
Tú Mỡ thời Tự Lực Văn đoàn đến ông đồ tân thời Xuân Sách hồi thập kỷ 60 của thế
kỷ trước và gần đây nhất Nguyễn Khôi, Đức Hoàng.
Nó khác lạ là ở chỗ nó là một chùm thơ từ dăm ba bài đến cả chục bài
không chỉ dừng lại ở chỗ phác hoạ vài nét đặc sắc về tác giả và tác phẩm mà đọc
xong cả chùm ta thấy hiện lên những đoạn đường đời đặc trưng nhất của tác gia ấy
trong bối cảnh xã hội của thời ấy và thông qua đó, người viết là Chu Vương Miện
bầy tỏ những cảm xúc cùng những liên tưởng của mình về một kiếp người, một thời
cuộc.
Tôi chỉ lấy một chùm thơ làm ví dụ:
THƠ
CHU VƯƠNG MIỆN VỀ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ.
Chùm thơ này của Chu Vương Miện gồm 9 bài, mỗi bài có một tên
riêng.
Bài mở đầu Tam nguyên Yên Đổ
dựng lại đoạn đời khi Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ
nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông
không thực hiện được. Vì vậy, đã làm đến Tổng đốc Tam tuyên nhưng bất lực vì
không làm được gì để thay đổi thời cuộc và cũng không cam tâm làm tay sai cho
Pháp nên ông xin cáo quan về ở ẩn:
tổng đốc ba tỉnh
Sơn Hưng Tuyên
gặp lúc đất nước
điêu linh
tiến thoái lưỡng
nan
đành từ quan
về làng
Hai bài Tam nguyên và Lão cai tù là đoạn đời Nguyễn Khuyến phải sống trong cảnh
éo le khó xử khi đã xuất thế, phải giả vờ đau mắt, từ quan để được rút lui về
chốn điền viên, để giữ cho toàn danh tiết.
Nhưng sau đó lại bị Hoàng Cao Khải, Kinh lược sứ Bắc Kì mời ông đến nhà
dạy học, rồi Lê Hoan - Tuần phủ Hưng Yên tổ chức Thu vịnh Kiều cũng mời ông làm
giám khảọ. Hoàng Cao Khải, Lê Hoan là những kẻ cộng tác với thực dân Pháp. Từ
chối lời mời của họ, ông biết sẽ sinh chuyện lôi thôi nên đành miễn cưỡng nhận
lờị.
Thực dân muốn trọng dụng ông, lợi dụng thanh thế của ông để thu phục
nhân tâm, đã nhiều lần ủy Kinh lược Hoàng Cao Khải mời ông ra làm quan nữa, với
một chức vụ quan trọng, nhưng ông nhất định chối từ, và đã trả lời Hoàng Cao Khải
bằng bài thơ chữ Hán có diễn nôm đủ rõ tư tưởng và ý chí bất khuất của ông (Lời
người gái góa không ưng tái giá nữa).
Biết là không thể lấy mồi phú quý lay chuyển được lòng son sắt của ông,
thực dân liền giao cho Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải kiểm soát gắt gao mọi hành động
của ông. Vì thế sau này ông phải nhận lời mời tới dạy học tại nhà riêng Hoàng
Cao Khải cho tiện bề kiểm soát:
nhà giam là cơ
ngơi của lão Hoàng
lão vừa là cai tù
vừa là quan
kẻ tù duy nhất là
Nguyễn Khuyến
Lê Hoan, quan tuần phủ Hưng Yên muốn tổ chức cuộc thi vịnh Kiều, mời
Nguyễn Khuyến và Dương Lâm làm giám khảo là để y khoe khoang thanh thế của
mình, thu phục uy tín trước dân chúng. Cực chẳng đã, Nguyễn Khuyến cũng đành phải
chống gậy ra:
thằng bán tơ Lê
Hoan dở dói ra
làm cho liên lụy đến
lão Vương
Nguyễn Khuyến ta
nửa khách nửa là
tù giam lỏng
vịnh Kiều dặn mãi
cõi Bắc Hà
Những bài khác như Thu điếu, Thu
điếu đóm, Tiến sĩ giấy, Nghè Và, Gió Tây bạt gió Đông, Bạn vàng Vân Đình
cũng vẫn nói về cuộc sống của Nguyễn Khuyến khi cáo quan nhưng nhiều câu chữ
hơn được dành cho viết về cái "chân dung" bên trong, chân dung tinh
thần của thi hào dân tộc.
Nổi bật trong chân dung tinh thần ấy:
Là vẻ đẹp của một tâm hồn giàu cảm xúc yêu thương, luôn quan tâm lo lắng
cho đất nước trong con người Nguyễn Khuyến:
vua chèo thêm một
lũ quan chèo
một sân gà vịt lẫn
chuồng heo
một lũ bồ câu tìm
kiếm thóc
bên cọc cầu ao một
vạt bèo
vàng thau lẫn lộn
thời thương hải
mắt nhòa ngấn lệ đứng
nhòm theo ?
Là nỗi đau lòng trước cảnh xã hội nhố nhăng giả dối. Nguyễn Khuyến là một
nhà nho đã từng làm quan nên đã thấy khá rõ cái xấu xa của xã hội đương thờị.
Ông chú ý trước hết đến cái xấu của đám nho sĩ, của bọn quan lạị. Đi thi, làm
quan trong thời buổi nước mất nhà tan thì có gì là thực chất, thì làm được việc
gì? Ông gọi họ (trong đó có ông) là "tiến sĩ giấy":
nước mất nhà tan
bị ngoại quốc xâm
lăng
vô học cũng ngang
tiến sĩ
bày nơi hàng mã
toàn là giấy
toàn là giả
tiến sĩ giờ là tiến
sĩ giấy
thân phận ngang
hàng cá lòng tong
Khi Chu Vương Miện viết những dòng thơ trên, tôi đồ rằng ông không thể
không liên tưởng tới các “lò ấp tiến sĩ” ở Việt Nam sau Nguyễn Khuyến cả trăm
năm. Vô học cũng có bằng tiến sĩ! Ấy là các tiến sĩ được ấp từ các lò của Nhà
nước. Ngoài ra còn vô số các tiến sĩ được làm từ các đường dây làm bằng giả
ngoài đường phố.
Vì thế, các tiến sĩ giấy ấy (cả xưa và nay) khi ra ngoài xã hội nom
cũng chẳng khác gì lũ hề chèo:
ê a đứng giữa đám
phông tuồng
râu ria hia mão
sao mà chán ?
mặt đen vẽ trắng
cũng i uông
vua chèo thêm một
lũ quan chèo
Là một tấm lòng thiết tha yêu thiên nhiên và cảnh vật Việt Nam trong
tâm hồn Nguyễn Khuyến:
cá chả ăn câu núp
dưới bèo
lá rơi lác đác
trên mặt nước
thu về mây núi vẻ
buồn hiu
Là tình cảm chân thật không khuôn sáo cầu kỳ với bạn bè:
chả bấy lâu bác tới
chơi nhà
cà fê không có, chả
có trà
ao cá cũng vừa vét
tháng trước
cá con lái cá thả
hôm qua
gà qué dịch lan
tràn chết tốt
chỉ dàn bầu bí mướp
đương hoa
cao đường cao mỡ
kiêng đủ thứ
bác đến chơi nhà
chơi với ta
Dương Khuê bạn hỡi
về Yên Đổ
giường treo hạ xuống
chốn thâm tình
mỗi người dùng tạm
ly nước lạnh
ngó mắt làm lơ buổi
chiến tranh
Như đã nói qua bên trên, Chùm thơ Chu Vương Miện về Tam nguyên Yên Đổ
không chỉ nói về thi hào của dân tộc. Mà mượn lối vẽ chân dung cuộc sống và
tinh thần của thi hào Nguyễn Khuyến trong một số đoạn đời, Chu Vương Miện đã lồng
ghép vào những cảm xúc, những suy tư, những tình cảm riêng biệt của mình về con
người và xã hội không chỉ của một thời Nguyễn Khuyến đã sống qua mà còn hàm ý cả
sự liên tưởng tới xã hội hôm nay.
Cảm xúc sâu sắc nhất trong lòng nhà thơ hậu sinh Chu Vương Miện là một
lòng kính phục, xót thương thi hào Nguyễn Khuyến.
Ông so sánh nhân cách nhà nho Nguyễn Khuyến khi cáo quan với hai nhân vật
trong sử sách Trung Quốc:
Khương Tử Nha
câu cá nơi sông Vị
chờ thời
Hàn Tín
câu cá chợ Hoài Âm
chờ chức
Nguyễn Khuyến lỡ cỡ
câu cá ở ao nhà
chờ chết
Ông day dứt thương xót một hiền tài nhưng đã đầu thai nhầm kiếp sinh
nên đã phải hứng chịu những cảnh đau lòng:
đương tròn hoá
vuông
đương quan hóa dân
quèn
đương sang chuyển
qua hèn
đang uống rượu trà
chuyển qua uống nước
sông
xưa quan
giờ bần cố nông
làm quan tổng đốc
kiêm ba tỉnh
về hưu ôm mãi một
cái nghèo
Con người thanh liêm chính trực ấy không khác chi một dàn hoa đẹp bị đổ
cho bìm nó leo:
Tam Nguyên Yên Đổ
nay đã đổ
bìm bìm leo tuốt
luốt dàn hoa
Chu Vương Miện đau xót hình dung ra cảnh Nguyễn Khuyến để tránh chuyện
lôi thôi, phải miễn cưỡng ngồi dạy học trong nhà Hoàng Cao Khải và nhận làm
giám khảo vinh kiều do Lê Hoan tổ chức:
nửa khách nửa là
tù giam lỏng
vịnh Kiều dặn mãi
cõi Bắc Hà
thơ thoét đúng là
đồ ba vạ
lẩn thẩn bước chân
gậy chống già
bốn mắt sao mà
nhòa ngấn lệ
Nhà thơ hậu sinh tự hỏi và rồi cũng xót xa tự mình trả lời:
cụ Đồ Chiểu
cụ Tam Nguyên
hai người sinh ra
đủ cả hai mắt
không dùng làm gì
? đành để mù
Nhà thơ hậu sinh lại thương nhà thơ tiền bối thêm khi Nguyễn Khuyến đã
phải chịu cảnh bệnh tật dày vò, khi đã bị loà cả hai mắt lại bị án sát Hưng Yên
Chu Mạnh Trinh xỏ lá cho người mang đến biếu thi hào một chậu hoa trà chỉ có sắc,
không có hương:
phong thấp nên thường
xuyên chống gậy
người thường hai cẳng
mình lại ba
thế thời thôi trả
cho thời thế
gay go chi đến mấy
lão già ?
hôm trước có thầy
Chu Án Sát
biếu chơi ngay hai
chậu hoa trà
mắt mờ mờ toét nom
chả rõ
hữu sắc vô hương
chả nhận ra
bốn tay bằng hữu cầm
cho chặt
ngoài trời thánh
thót hạt sương sa
Bên cạnh tấm lòng yêu kính, xót thương Tam nguyên Yên Đổ của Chu Vương
Miện là nỗi hận cái thời nước mất nhà
tan buổi ấy. Họ Chu vạch mặt bọn quan lại hèn nhát và thối nát, chỉ lo cho túi
mình đầy ắp “rặt những phường Ưng Khuyển”’;
bọn cơ hội, tùy thời lúc đầu còn rụt rè, về sau thì công khai ra cộng
tác với giặc chẳng khác gì “đò dọc đò ngang”:
triều đình rặt những
phường Ưng Khuyển
trên dòng đò dọc lại
đò ngang
tham chánh vương
vào buổi nhiễu nhương
ê a đứng giữa đám
phông tuồng
râu ria hia mão
sao mà chán
mặt đen vẽ trắng
cũng i uông
Và lớn tiếng chửi rủa chúng:
đứa được làm vua kẻ
thua là giặc
bọn Tú Bà, Mã Giám
Sinh, Sở Khanh
Lê Hoan, Hoàng Cao
Khải
đúng là một bầy khốn
nạn
Rồi ngậm ngùi liên hệ đến cảnh cái đêm Đỗ Mục neo thuyền ở bến Tần
Hoài, trách người ca nữ trong quán rượu là không biết mối hận mất nước, vẫn vô
tình đem bài ca từng bị coi là đưa tới sự mất nước của nhà Trần ra ca hát giúp
vui cho đám khách uống rượu:
xác Đỗ Mục nổi lềnh
bềnh trôi
theo sau rác rưởi
và bèo củi
trên bến Tần Hoài
bên sông gái đĩ
còn vang hát
tiếng trống kèn
còn ròn rã
giữa đất trời
nghiêng ngả
giữa cuộc đổi thay
Khi viết những dòng này, tôi đồ rằng họ Chu không thể không nghĩ tới cảnh
ngày nay ở Việt Nam: Chuyện ca hát thì Viêt Nam không có bài Hậu Đình Hoa để vọng
từ bên kia sông sang, nhưng bọn hát xướng thời nay còn tệ hơn cả đứa ca nhi
trong thơ Đỗ Mục. Chúng vẫn nhởn nhơ ca hát như con ve sầu trước những chuyện
cá chết ở Vũng Áng, về phán quyết của tòa án quốc tế liên quan đến tham vọng của
Bắc Kinh, về thân phận của những ngư dân khốn khổ, về môi trường đang bị tàn
phá một cách có hệ thống, Chúng vẫn đàn ca hát xướng như không có gì đang xẩy
ra ở đất nước Việt Nam hôm nay. Cục Điện Ảnh Việt Nam duyệt theo tiêu chí phim
“có nội dung đúng với đường lối, chủ trương, chính sách” thì mới được phát
hành. Nhưng chính Cục này đã cho chiếu bộ phim Điệp vụ biển Đỏ trong đó có cảnh
cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây “một chiếc tàu nước ngoài” và liên tục
phát loa yêu cầu tàu này phải rời khỏi vùng biển “South China Sea” (Biển Đông)
vì đây là “lãnh hải Trung Quốc khiến cư dân mạng nổi sóng giận giữ đã phải ngừng
chiếu.
Mặc dù yêu thương, kính phục, cảm thương Tam Nguyên Yên Đổ và căm ghét
xã hội nhiễu nhương đương thời đã đầy đoạ thi hào nhưng khác với hầu hết mọi
người khi nói về Nguyễn Khuyến, do lòng kính trọng và yêu mến một bậc thi hào
đã luôn coi cụ là một thần tượng không một chút tì vết, Chu Vương Miện đã mạnh
dạn nêu lên những hạn chế trong con người nhà nho thanh liêm chính trực khả kính
ấy.
Trước hết là cái học từ chương trong Nguyễn Khuyến khi không gặp thời
đã đưa thi hào thành con người “dễ làm/
khó bỏ”:
cái học từ chương
thuộc làu sách sử
kinh điển
thủa xửa thủa xưa
đậu đạt làm quan
rớt làm vườn
kiến thức trình độ
có chừng đó
dễ làm
khó bỏ
Nhà thơ hậu sinh không ngần ngại hỏi bậc thi hào tiền bối, người đã từng
ba lần đứng đầu thiên hạ ba kỳ thi lớn, không làm quan về quê nhà để ngồi trên
thuyền câu, câu gì:
Tam Nguyên Yên Đổ
kỳ thi nào cũng đứng
đầu
nửa chừng loạn lạc
cút
ngồi trên thuyền
câu ?
câu gì ?
Và trả lời bằng một câu xem ra có phần uất hận:
câu để quên
Chu Vương Miện cũng không ngần ngại nói rõ suy nghĩ của mình về việc cụ
Tam từ quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn, rằng
cũng vì cụ không có mưu lược gì giúp dân giúp nước:
nhất, nhị, tam
nguyên
thời thịnh làm một
lúc
ba tổng đốc
Sơn Hưng Tuyên
giặc tới
không mưu không kế
từ quan
Và cho rằng, cáo quan để giữ liêm chính, về ở ẩn cũng chỉ là một cách
chờ chết tiêu cực:
có mợ chợ cũng
đông
không mợ cũng chả
ai trông mợ về
hết nhà này làm
vua
qua nhà khác làm
vua
thiên hạ là của
chung
thay nhau mà làm
vua
thay nhau mà làm
quan
có kẻ thanh liêm
có kẻ tham tàn
đến rồi đi
mạnh vì gạo
bạo vì tiền
nhưng không có ai
ngồi chờ chết
Sự mạnh dạn “phê bình” Tam Nguyên Yên Đổ của Chu Vương Miện không hẳn
là không có lý. Nếu cả dân tộc, trong hoàn cảnh nước mất, ai cũng dễ làm khó bỏ,
ai cũng tìm cách quên hết mọi sự đời, ai cũng sẵn lòng ngồi chờ chết thì còn ai
sẽ khai dân trí, sát cánh cùng nhau cứu nước cứu dân và cũng là cứu mình?
Chùm thơ Chu Vương Miện về Tam nguyên Yên Đổ là một chùm thơ hay nhưng
không dễ đọc, không chỉ vì thể thơ không còn là tự do mà là rất phóng túng với
những câu thơ dài ngắn, không thèm tính 4, 5 chân hay 7, 8 chân hoặc 12 chân
hay thể loại thơ gì mà đoạn này như lời nói bật ra từ gan ruột, đoạn kia là đôi
ba câu tứ tuyệt, đoạn khác lại là mấy vần lục bát. Cũng chẳng cần chú ý đến vần
điệu nhưng nghe rất trơn tru và đậm đà những ý thơ sâu sắc. Đọc chùm thơ này của
Chu Vương Miện, ta có cảm giác như đang đi trên một con đường đông người bỗng
nghe phát ra từ miệng một con người phóng khoáng, có một chút ngông nghênh với
những bước chân khật khưỡng có đôi chút bất cần thiên hạ: Văn chương hạ giới rẻ
như bèo. Nhà văn An Nam khổ như chó. Làm thơ là quyền của mọi người. Ta nhớ cụ
Tam nguyên, ta thương ta cảm phục cụ thì ta làm thơ về cụ. Cụ viết Thu điếu với
những câu thơ nức danh:
Ao thu lạnh lẽo nước
trong veo,
Một chiếc thuyền
câu bé tẻo teo
thì Chu Vương Miện ta bắt chước cụ, làm bài Thu điếu Thu đóm:
thu điếu thu đóm
đất nước loạn ly
người chết nơi
thành
người chuồn người
đi
quan cũng như tốt
cởi áo cùng quần
chỉ còn thân không
trà trộn với dân
thăng mất
Thời cụ Tam làm gì đã có cà phê . Nhưng ta thương cụ thanh bạch quá, bạn
đến chơi nhà mà không có gì để tiếp bạn thì ta viết:
chả bấy lâu bác tới
chơi nhà
cà fê không có, chả
có trà
...........................................
bác đến chơi nhà
chơi với ta
Đọc thơ cũng là quyền của mọi người. Thơ nào ngưới ta thích thì người
ta khen. Thơ nào người ta không thích thì người ta chê. Cần gì lý luận.
Những người đang chen chân trên đường đi, có một số như không nghe thấy
gì vẫn hối hả bước chân nhưng xem ra có
khá nhiều người dỏng tai nghe thích thú và có vài ba người gật gật đầu tán thưởng.
Ấy là tôi hình dung như thế về Chu Vương Miện khi viết chùm thơ về Tam
nguyên Yên Đổ. Và vì thế, tôi nghĩ Chùm
thơ Chu Vương Miện về Tam nguyên Yên Đổ không phải là kỳ lạ nhưng cũng độc
đáo. Tôi tin rằng nó sẽ có cuộc sống riêng của nó.
Tuy nhiên, tôi có phần tiếc khi Chu Vương Miện không nhắc tới tình cảm
đối với gia đình, bà con làng xóm của cụ Tam. Đó là lòng yêu thương rất đậm đà
và chân thành đối với vợ (Câu đối khóc vợ), là lòng thương yêu và quý trọng các
con, lo lắng khuyên nhủ các con sống làm người hữu ích cho xã hội, khuyên các
con không lơ là việc đèn sách (Ngày Xuân dặn các con, Di chúc), là lối sống rất
chan hoà với bà con làng xóm (câu đối, làm thơ để tặng bác thông gia, bác hàng
xóm, một anh hàng thịt, một chú thợ nhuộm, thợ rèn...)
Nếu có thêm được một hai bài thơ nữa về các tình cảm ấy, chùm thơ Chu
Vương Miện về Tam nguyên Yên Đổ chắc chắn sẽ, không chỉ chụp đầy đủ và đậm nét
bức chân dung một thi hào dân tộc mà còn thể hiện sự tròn đầy một tấm lòng tôn
kính, cảm thương của một nhà thơ hậu sinh viết về một nhà thơ bậc tiền bối.
NGUYỄN BÀNG
Sài Gòn 04/ 5/
2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét