Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Văn chương Công giáo 
và Nguyễn Ngọc Ngạn
 
Image result for nhà văn thế uyên
Nhà văn thế uyên

 

Văn chương Công giáo

Chữ quốc ngữ sử dụng mẫu tự La-tanh do các nhà truyền giáo Tây phương đặt ra để dễ giảng và truyền đạo. Bởi thế các nhà văn/nhà thơ đầu tiên sử dụng thứ chữ mới này thay cho Hán và Nôm, đương nhiên là những người Công giáo. Căn cứ những tài liệu xưa được đọc trong kho thư tịch của Gs Nguyễn Văn Trung, những bài thơ quốc ngữ đầu tiên thường của các linh mục và đề tài thông thường là ca tụng Chúa và đạo của Chúa. Thể thơ được chọn là thất ngôn bát cú Đường luật. Những bài thơ này thường chỉ có giá trị văn học sử, ít giá trị văn chương.
Về văn xuôi, không kể những bài giảng đạo, nhà văn đầu tiên dùng chữ quốc ngữ để viết ký là Petrus Trương Vĩnh Ký với ký sự khá hay là “Chuyến du hành ra Bắc kỳ năm Ất Hợi“ (1876), trong đó tác giả có vài nhận xét đáng kể lại, như tại sao thường chỉ có phụ nữ lao động ngoài đồng, còn đàn ông túm tụm nơi quán nước tán gẫu với nhau. Ông cũng kể lại một lễ hội trong đó có trò bày một cô gái ăn mặc hở hang tối đa ngồi trên một sàn gỗ giữa ao, con trai tham dự trò chơi phải cởi truồng để trọng tài dán cho một tấm giấy bản loại tồi và mỏng nhất để che chim. Từng cậu tiến ra tấm ván bắc cầu ra sàn gỗ có cô gái đang nhúc nhích một đường strip-tease. Cậu nào bung giấy bản trước bụng ra, phải nhẩy xuống ao, cậu nào ra tới sàn gỗ giấy còn nguyên vẹn, kể như thắng cuộc (và chắc sẽ ế vợ sau đó).
Người đầu tiên dùng quốc ngữ viết truyện là Nguyễn Trọng Quản, một công giáo Nam kỳ đã được du học tại Algier (Bắc Phi ). Truyện ngắn đầu tiên được viết nhan đề “Thầy Lazaro Phiền” kể lại một truyện tình bộ ba cổ điển, với những chủ đề yêu đương ghen tuông giết oan người tình và lòng sám hối, dĩ nhiên theo kiểu Công giáo. Vì cái tên có vẻ sách đạo, truyện vừa đầu tiên viết bằng quốc ngữ này sớm bị chìm vào quên lãng, chỉ được đăng lại và nhắc tới trong hai thập niên vừa qua vì giá trị văn học sử nhiều hơn là văn chương.
Tiện đây xin nói luôn thơ văn tải đạo Chúa trước thế kỷ 20 cũng khá phong phú, cung cấp nhiều dữ kiện cho đời sau. Thí dụ 1: Sử gia Trần Trọng Kim khi viết về sự kiện Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc đánh quân Thanh, có dừng lại Nghệ an 10 ngày để chỉnh đốn quân đội và tuyển thêm được rất nhiều quân. Đoạn văn này được cụ Trần viết với giọng “hồ hởi phấn khởi”, làm như dân miền đó yêu mến lãnh tụ Tây sơn đến nỗi nô nức tự nguyện đầu quân. Thực ra theo nhà truyền giáo Bỉnh (tên Việt, còn tên thực là gì không nhớ) có mặt tại chỗ thì Nguyễn Huệ cho quân sĩ cầm dáo dàn hàng ngang vào các làng lùng sục, bụi bờ đống rơm rạ nào cũng xọc dáo vào kiếm người. Dĩ nhiên Nguyễn Huệ dùng đạo quân “bắt lính” ô hợp vào hai việc: thứ nhất là dân công, thứ hai là khi đụng trận, đứng ngoài hò hét thật to để đàn áp tinh thần quân địch. Truyền thống la ó này của quân đội Tây Sơn đã có ngay từ thời kỳ ba anh em khởi quân để tranh bá đồ vương: ‘Quân ó là quân hoàng tôn” (ca dao), ó là la ó thật to, chỉ quân Tây sơn chọn phe hoàng tôn Dương để phò lên ngôi chúa Đàng Trong. Bảo rằng Tây Sơn là nông dân khởi nghĩa vì dân nghèo, chỉ là một huyền thoại.
Thí dụ 2: Đọc sự tích tử đạo của cha Du (tên thực Marchand), được biết dưới triều Nguyễn những nhà truyền giáo ngoại quốc được kêu là “Tây dương đạo trưởng”, có lối xử tử bằng cắt từng miếng thịt được kêu là xử “bá đao” (bá: một trăm), nghĩa là cắt tới miếng thứ 99 mà chưa chết, đao phủ chặt đầu. Cha Du bị cắt miếng thứ hai đã chết vì những tra tấn trước đó, cha bị nghi là đồng mưu với Lê văn Khôi nổi dậy chiếm thành Gia định. Các tội nhân miệng bị gang ra từ trước để khỏi chửi bới.
Cũng vì đọc những sách tử đạo viết bằng quốc ngữ thế kỷ 19, được biết việc cấm đạo ở Việt nam không tàn bạo tru diệt như tại Nhật bản. Ai thuận “quá khoá” (bước qua thập tự để trên đất), sẽ được tha, ai không chịu bước, chỉ bị đầy biệt xứ, chứ không bị giết như ở Nhật. Các Tây dương đạo trưởng bị bắt nhốt, đợi có tàu ngoại quốc ghé bến, trục xuất về nguyên quán. Vị nào bị trục xuất nhiều lần vẫn cứ lén trở lại, mới bị xử tử. Chính quyền Pháp hồi đó thất bại trong việc chiếm Ấn độ, cũng đang muốn chiếm Đông dương, nên toa rập với các nhà truyền giáo làm to chuyện cấm đạo để lấy chính nghĩa xuất quân chinh phục.
Đến cuối thế kỷ 19, quốc ngữ đã ra khỏi cộng đồng giáo dân, trở thành phổ biến tại Nam kỳ, khá nhiều sĩ phu cũ và mới (biết quốc ngữ, Pháp ngữ) đã sử dụng thứ chữ viết mới này để làm văn thơ như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Biến Ngũ Nhi, Tân Dân Tử…rồi Hồ Biểu Chánh. Không có một thống kê nào để lại cho biết những vị này ai Công giáo, ai không. Căn cứ vào nội dung truyện, thơ mà suy đoán, những người theo Công giáo chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi. Sự kiện này là tự nhiên thôi vì tỷ lệ giáo dân so với dân số cả nước chỉ khoảng 5 tới 7%. Và mọi sự cứ là như thế cho tới thời hiện đại.
Ngoài vấn đề dân số, gần đây có người cắt nghĩa sự hiếm hoi của các nhà văn/nhà thơ Công giáo bằng các lý do tâm lý và đạo giáo. Khác với đạo Phật thường tôn trọng tâm lý tâm linh, và ngay cả sinh hoạt hàng ngày của người tín đồ (trừ phi họ xuống tóc vào chùa làm tăng ni), đạo Công giáo có tính chiếm hữu cao độ một cách rất phụ hệ tâm hồn lẫn thể xác người tín đồ, gần như ít để khoảng trống tự do nào cho cá nhân và tính sáng tạo. Bởi thế những ai muốn du di một chút giáo lý, gần như chỉ có cách thoát ly khỏi xóm đạo hay giáo xứ của mình. Thí dụ cụ thể như trong Xóm Đạo của Nguyễn Ngọc Ngạn, nhân vật chính là một nhà giáo trẻ muốn lấy một cô gái có chồng ở lại ngoài Bắc, xin phép cha xứ, cha không cho, đành chịu. Yêu cô khác vậy…Trai ngoại đạo lỡ yêu phải một cô gái công giáo, kể như tình yêu sẽ lỡ dở, trừ phi theo giải pháp xoay xở mà ca dao đã diễn tả: “Tôi quì lạy Chúa trên trời, Tôi lấy được vợ tôi thôi Nhà Thờ”.
Nhà văn/nhà thơ đâu có đóng kịch, giả trá như vậy được, nên thường chỉ có một cách rời bỏ xóm đạo ra đi, sống trà trộn với dân vô đạo tà đạo bên ngoài, hay bằng cách kêu ầm lên như ở Âu châu một thời nào đó, là “Chúa đã chết rồi, chúng tôi tự do”, hay tối thiểu cũng bằng cách thôi không đến nhà thờ nữa, thôi giữ đạo trong mọi sinh hoạt thường nhật. Nhưng bỏ đạo công khai , đối với mọi cộng đồng giáo dân, là truyện to lớn, không mấy người muốn làm và làm được. Bởi thế cách hay nhất vẫn là giữ im lặng, tìm cách ra khỏi xóm đạo một cách nhẹ nhàng, như trong Xóm Đạo của Nguyễn Ngọc Ngạn, con trai thì xin nhập học trường Võ Bị Đà lạt, con gái kiếm chỗ nội trú bên ngoài để học may…Ra khỏi vòng kiểm soát của cha xứ và giáo dân.
Trong thế kỷ 20 Việt nam có nhiều biến cố lịch sử lớn lao, đưa người dân ra khỏi lũy tre làng cũng như giáo xứ nơi sinh trưởng, giảm sự tác động và kiểm soát của cha xứ, chức sắc giáo hội đối với giáo dân. Giảm bớt thôi, chứ không phải là hết, vì đã theo đạo chẳng khác bao nhiêu Tôn Hành Giả bị chụp cái vòng kim cô lên đầu, chỉ có chết mới được giải thoát. Cuộc di cư của giáo dân miền Bắc vào Nam, mới đầu còn được tập hợp theo giáo xứ (truyện dài Xóm đạo của Nguyễn Ngọc Ngạn được đặt trong khung cảnh này), sau dần dần tản mát bớt vì nhu cầu, nếp sống thành thị. Cuộc di tản, di cư, tị nạn từ 1975 trở về sau ra nước ngoài làm giáo dân dễ tản mát hơn nữa. Vẫn biết các giáo xứ vẫn còn, nhưng tầm ảnh hưởng giảm nhiều, những cha xứ kiểu “lãnh chúa áo đen” xưa kia kể như ít tồn tại. Người giáo dân tự do hơn, và có lẽ đó là một nguyên nhân làm cho nhà văn/nhà thơ Công giáo xuất hiện nhiều hơn xưa.
Ở hải ngoại, không phải chỉ có Nguyễn Ngọc Ngạn là nhà văn công giáo có tài có tiếng, mà còn có Hà Thúc Sinh, Thảo Trường, Hoàng Nga (Tin lành)…và nhiều nhà biên khảo khác (nhiều hơn số nhà văn/nhà thơ sáng tác). Không phải như thời tiền chiến, đốt đuốc đi tìm mới thấy một nhà thơ Hàn Mặc Tư làm thơ hay và có nội dung Công giáo…
 
 Về nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn


Image result for nhà văn nguyễn ngọc ngạn

 
Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 4 tháng 5, 1946 tại Sơn Tây, Bắc Việt, cùng gia đình di cư vào miền Nam 1954. Theo học Nguyễn bá Tòng rồi Chu văn An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài gòn, ông thường dạy học, năm 1975 bị bắt đi cải tạo tập trung. Năm 1978 được tha về, vượt biên tới Mã lai và viết tác phẩm đầu tiên “Những người đàn bà còn ở lại” trong trại tạm cư. Mới đầu định cư tại Vancouver, Canada, đến 1985 chuyển sang Toronto cho tới hiện nay.
Ông người cao to so với người Việt trung bình, ngoại hình dễ coi, có tài ăn nói nên dễ thành công trong đời sống. Bởi thế văn nghiệp cũng đa dạng, có thể chia làm 3 loại:
 
Loại để đọc :
 Đã viết khoảng 25 truyện dài và tập truyện, một số thuộc loại best-seller hải ngoại. Ngày nào chính quyền Cộng Sản bãi bỏ lệnh cấm sách tiếng Việt hải ngoại, chắc sách của ông cũng sẽ bán chạy, ít nhất là thời kỳ đầu, trong nước. Lý do ông là một người kể truyện có tài, dùng một bút pháp của đời thường dễ hiểu nên sách ông đặc biệt thành công với độc giả đa số.
 
Loại để nghe: Ô
ng là nhà văn Việt đầu tiên đi vào đia hạt sách để nghe, audio book, đã sản xuất khoảng 60 sách loại này, với sự cộng tác của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Ái Vân, Thanh Lan…, có số bán cũng cao như loại sách để đọc. Ông là cứu tinh cho mấy đứa cháu đã chán việc ngồi đọc sách cho ông bà nghe, và là bạn đường cho mấy người phải lái xe nhiều giờ mỗi ngày.
 
Loại nghe và nhìn: 
Năm 1992 ông cộng tác với Thúy Nga Productions, làm MC cho các tape “Paris By Night”, nâng cao số bán loại video này nên được trả thù lao đủ sống không cần nguồn lợi tức nào khác. Điều đó không ngăn cản ông trong việc viết lách. Ông cũng như những nhà văn ăn khách các nước, như Delly của Pháp trước đây, Danielle Steel của Mỹ, bà giáo Rowling với Harry Potter ở Anh hiện nay mỗi đầu sách in cả triệu bản, mỗi đầu sách Nguyễn Ngọc Ngạn thường bán được ba bốn ngàn cuốn và nhiều cuốn đã tái bản tới lần thứ hai, như Nắng qua phố cũ, Xóm Đạo…(như thế kể là nhiều cho một cộng đồng Việt hải ngoại khoảng 3 triệu người).
Giới độc giả khoa bảng và thưởng ngoạn chọn lọc thường coi trọng những cuốn tiểu thuyết có chủ đề triết học hay “làm mới văn chương”, đổi mới chữ nghĩa hay thể loại văn chương, dù những cuốn này đọc thường chán lắm, ít ai mua. Nhưng cuộc sống là dịch, là thay đổi không ngừng, thí dụ Stephen King, một tác giả chuyên môn best-seller của Mỹ, trước vẫn bị coi là nhà văn hạng B viết truyện giải trí lảm nhảm, gần đây bắt đầu được nâng cấp, gia nhập hàng ngũ các nhà văn loại A, tuy chưa được như các vị trưởng lão miệt vườn William Faulkner, John Steinback… Vậy nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn của hải ngoại cũng xứng đáng được gọi là nhà văn như …ai. Vả lại đâu có luật tắc nào bắt phải viết lãng đãng, khó hiểu, dẫn chứng đủ loại nhà văn/ triết gia cổ kim Đông Tây …hoặc viết như …hoặc giữ cho ngòi bút không tụt xuống dưới rốn trai hay gái như …(nhà văn/nhà thơ tự kiểm duyệt bỏ danh sách này), mới thành văn chương đâu.
  
Trong nửa dưới thế kỷ 20, có một sự kiện nổi bật là : Đã là người Công giáo, đương nhiên chống Cộng. Thậm chí đến nỗi có một nhà văn thích viết sử, là Nguyên Vũ gần đây viết cả một bộ sách hai cuốn, gọi cuộc chiến vừa qua ở Việt nam là “Cuộc thánh chiến chống Cộng”. Câu hỏi đương nhiên cần đặt ra, là tại sao vậy?
Nguyễn Ngọc Ngạn đưa ra giải thích nhìn từ bên trong các xóm đạo lớn nhỏ của Việt nam:

Đối với người Công giáo, chống Cộng không phải là một chọn lựa, mà là một tín điều. Không phải là một lời khuyên, mà là sự bắt buộc! Thư Chung của các Giám Mục Đông dương gửi các tín hữu ngày 5 tháng 10 năm 1951 mà mới đây chính cha Hảo đọc cho mọi người nghe, có đoạn mở đầu như sau:

“Vì tinh thần trách nhiệm quan trọng trước Thiên Chúa, vì mối tình tha thiết yêu quí anh em, chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ quan hệ phải loan báo cho anh em biết đề phòng nạn Cộng sản duy vật, một nguy cơ trầm trọng nhất thời nay. Chủ nghĩa Cộng sản xung khắc tuyệt đối với Công giáo đến nỗi Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng: Không bao giờ có thể vừa theo Cộng sản vừa theo Công giáo được, và người Công giáo nào gia nhập đảng Cộng sản thì lập tức bị khai trừ khỏi Giáo hội. Chẳng những không được nhập đảng Cộng sản, mà anh em không thể cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào.”
 

Cũng tương tự như Thư Chung năm 51, các Giám Mục miền Nam sau này lại phổ biến thêm một lần nữa, ngày 2 tháng 3 năm 1960 một Thư Chung khác có đoạn: “Người Công giáo phải phủ nhận lý thuyết Cộng sản và những áp dụng của nó đến tận cùng. Chúng ta phải dứt khoát bài trừ chủ nghĩa Duy vật vô thần và những áp dụng sai lạc của nó. Đức Giáo Hoàng Pius XI đã minh bạch tuyên bố kết án thuyết Cộng sản Duy Vật vô thần trong thông điệp Divini Redemptoris…”

Và để giáo dân không quên điều này, Kinh Tôn vương đọc hàng đêm trong mỗi gia đình trước khi đi ngủ, có câu tụng niệm rất cụ thể : “Gia đình con xin nguyện không theo thuyết Cộng sản vô thần!”
 
Như vậy trong cuộc chiến tranh Việt nam vừa qua, yếu tố những người Công giáo quyết tâm chống cộng rõ ràng phát xuất từ trên xuống (Giáo hội La mã), một yếu tố từ bên ngoài đưa tới, cũng như đảng CS miền Bắc quyết tâm đánh chiếm miền Nam, cũng là do các yếu tố bên ngoài đưa tới: chủ nghĩa Mác Lê từ Âu châu, chủ thuyết chống Mỹ đến người Việt nam cuối cùng của Mao Trạch Đông, để chia lại quyền lợi và ảnh hưởng tại miền Đông châu Á, nhất là phía đông nam giàu tài nguyên đủ loại.
 
Chỉ có một vài vấn đề phụ hơi khó hiểu. Thí dụ thứ nhất là sau khi giáo hoàng Pius XI và Staline qua đời, sự đối kháng giữa Cộng sản và Công giáo trên bình diện thế giới giảm bớt với chủ thuyết sống chung hoà bình của cả Krouchev lẫn hai Giáo hoàng kế tiếp, tại sao Gíáo Hội Công giáo VN và giáo dân vẫn tiếp tục giữ thái độ không đội trời chung với Cộng sản? Cứ tiếp tục tuân theo thánh lệnh của một Gíáo Hoàng đã qua đời lâu rồi, chứ không tuân theo lệnh Gíáo Hoàng đương nhiệm? Hồi đó có một người bạn Công giáo nói đùa: Là một con chiên, tôi phải tuân theo vị chủ chiên cao nhất là Giáo Hoàng, chấp nhận sống chung hòa bình với Cộng sản. Nhưng nếu vậy thì tôi sẽ bị không thiếu gì giáo dân VN chụp cho cái nón cối to bự, khó sống. Nhưng mâu thuẫn đó còn có thể hiểu và bao dung được khi quân Cộng sản còn đang tấn công tới tấp trong thời kỳ nội chiến ở Việt nam…
Vấn đề phụ khó hiểu thứ hai, là sau 1975, sau khi đã tái định cư an toàn ở các nước Tây phương, nhiều nhất ở Mỹ-Canada, không còn bóng dáng Cộng quân nào, trừ vài nhân viên sứ quán và thương mại, tại sao vẫn tồn tại không ít những hội đoàn và báo chí chống cộng hăng say hơn cả thời Việt nam Cộng hoà? Đã có nhiều lý giải được đưa ra: có một số người mắc bệnh hoang tưởng loại nhẹ, thấy những kẻ mình không ưa đều có vẻ như đang đội nón cối. Có người thích bộ môn phân tâm học, thì cho rằng có một số người thuộc loại sadistic, dùng chống cộng như một chiêu bài một võ khí để làm khổ, để chửi rủa những đồng hương khác, cho thoả mãn cái ngã cái ego “tôi chửi vậy tôi hiện hữu” (bạn đọc nào giỏi la-tanh xin dịch giùm câu này, nhại theo câu “Je pense donc je suis”, “Ego cogito, ergo sum, sive existo” của Descarte. Dĩ nhiên có những người chống cộng vì vendetta cho hả nỗi căm thù đã bị CS làm khổ, hành hạ khi còn ở trong nước mà trước sau không một ai nói lời xin lỗi. Hoặc chống cộng vì chút lòng yêu quê hương cũ, và thương dân Việt (như nhà văn/nhà thơ bài này và nhiều người khác), không muốn dân quê tiếp tục thiếu ăn như đã từng thiếu cả ngàn năm nay rồi, không muốn quốc gia cũ của mình lụi đụi, chậm tiến hoài …
 

Vấn đề tình dục trong Xóm Đạo

Có thể có những độc giả thấy chữ “tình dục’, là lắc đầu chép miệng than: Lại tình dục…Làm thế nào được một khi Chúa tạo dựng ra ông Adam bà Eve, Chúa đã thảo chương, lập trình ngay từ trong nhiễm thể hai người những bản năng cơ bản, basic instincts, như bản năng sinh tồn và bản năng truyền giống – chẳng cứ loài người, bất cứ loài sinh vật nào cũng đều được trang bị hai bản năng này. Vậy nhắc, bàn tới tình dục, tới sex, hay là để những vấn đề đó ám ảnh, cũng là truyện tự nhiên thôi, là vâng theo ý Cha ý Chúa hay một đấng Tạo hoá, một đấng Tối cao, hay một ông Trời nào đó.
Bởi thế những ai, như các đấng giáo chủ (cũng là người) sáng lập các tôn giáo hay các chế độ chuyên chính vô sản như Cộng sản hay Xã Hội Chủ Nghĩa, chuyên chính hữu sản như vua chúa thời xưa, hay Quốc Xã Phát-xít thời nay, đều tìm cách nắm giữ, quản lý, chi phối hai bản năng đó, nhất là bản năng truyền giống vì bản năng này đi kèm một khoái lạc vô biên (sự kiện này cũng được đấng tối cao thảo chương sẵn, để khuyến khích giao hợp, nếu không loài người đã hoặc sẽ tuyệt chủng). Điều đầu tiên các vị giáo chủ sáng lập thường làm, là tìm cách thu lại trong tay mình quyền cho hay không cho giao hợp, hay hạn chế hành động này bằng cách đặt ra thêm các điều kiện. Thô sơ thì bằng cách dùng bạo lực thuần tuý, cách này chỉ khống chế được một số ít người, thua xa cách dùng một ý niệm, một lý tưởng nào đó. Hay nhất là sáng chế ra một sự vô nhiễm nguyên tội, và ý niệm tội lỗi (khi không còn vô nhiễm nữa), ở những nơi không có một ý niệm nào về vấn đề này, thí dụ dân các hải đảo nam Thái Bình Dương thế kỷ 18, 19, hay các bộ lạc bán khai núi rừng Amazone hiện nay. Nhà văn Anh Somerset Maugham trong một truyện đã để cho nhân vật chính than: Chính các nhà truyền giáo Tây phương đã nhập cảng tội lỗi vào những “hòn đảo thần tiên” ở đại dương này, và trùm cái áo ngủ xấu xí của tu viện nữ tu lên thân hình vốn tự do như sóng và gió từ thủa khai thiên lập địa, của phụ nữ miền này.
 

Cha xứ


T
heo Nguyễn Ngọc Ngạn trg 14 Xóm Đạo : “Vào thời này (1955 và kế tiếp), khi mà giáo hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của xã hội phong kiến, các linh mục thường vẫn xử xự với tín hữu như một ông quan đối với dân đen, mà nói đúng ra thì có khi hơn cả một vị quan nữa. Bởi vì quan chỉ có thế quyền, còn cha thì nắm cả thế quyền lẫn thần quyền. Giáo dân sợ cha hơn sợ quan, bởi vốn người theo đạo thì linh hồn trọng hơn thể xác, cuộc sống đời sau quí hơn cuộc đời hiện tại.”
 
Khi cha Xuân, cha xứ trong Xóm Đạo, biết Quyên, một cô gái có chồng nhưng ở lại ngoài Bắc, muốn lấy Thông, một giáo viên, nhân vật chính của truyện, cha tức tốc đuổi Thông ra khỏi phòng việc, cho lệnh gọi Quyên lên “bắt nằm xuống đánh năm roi vào đít và ra lệnh từ nay không được tiếp xúc với Thông nữa”. Không những việc tình yêu và hôn nhân, những tội như trộm cắp đánh lộn, cũng đưa đến cha xứ xử, không cần nhờ đến cảnh sát.
Khi Mai, cô gái hoa khôi của xóm đạo và thầy Phán, một đại chủng sinh còn có hai năm nữa tốt nghiệp làm linh mục, yêu nhau, cả xóm đạo ồn lên, nhiều giáo dân biến thành các Peeping Tom nhìn qua khe cửa khe vách để tìm bằng cớ, như vụ tổng thống Clinton để cô sinh viên tập sự Lewinsky bú chim. Mặc dù về mặt đạo, thầy Phán có quyền bỏ không tu nữa để lấy vợ, về mặt đời Clinton có con chim muốn để cho ai bú cũng được, thứ truyện khuê phòng giữa trai gái trưởng thành, đâu có thể làm đổ bức tường nào trên Capitol mà Lưỡng viện Hoa kỳ cứ ồn lên, chúi đầu vào xem mấy giọt tinh khí đã khô trên áo cô Monica… Nói theo kiểu người Mỹ trắng: là sick rõ ràng. .. Ngay cả nhà giáo Thông cũng nhìn qua khe vách để thấy quang cảnh như sau: “Anh nín thở theo rõi cảnh tượng bên trong mà anh thấy được khá rõ nhờ ngọn đèn đặt ở bàn viết. Trên chiếc giường nhỏ kê sát vách, thầy Phán ngồi dựa lưng vào tường, duỗi thẳng hai chân. Mai ngồi trên lòng thầy, dạng hai chân ra, đưa lưng lại phía Thông. Hai cánh tay cô vòng qua ôm lấy cổ thầy Phán. Chiếc quần đen của cô máng trên nóc mùng, thòng hai ống xuống một khoảng dài cỡ hơn gang tay. Thầy Phán cúi xuống, úp mặt vào ngực Mai, hai bàn tay bấu lấy mông cô. Mai hơi ngửa cổ, nhắm mắt lại và rên nho nhỏ.”
 

D
ù chứng kiến cảnh như thế và bất đồng ý với hai người chưa có phép cha xứ đã “nam nữ quan hệ bất chính” (thành ngữ CS thường dùng để chỉ nam nữ liên hệ với nhau mà không báo cáo và được phép của “ban ngành đoàn thể” dưới thời bao cấp), nhưng là nhà giáo, anh chỉ nghĩ dến truyện can ngăn hai người trước khi quá trễ. Nhưng anh chưa làm được gì thì các bà giáo dân mộ đạo đã ra tay: “Xé xác nó ra! Đuổi cổ nó ra khỏi nhà thờ! Nó dám quyến rũ thầy! Làm ô danh Chúa!,,,Cùng với những lời chửi mắng, hàng chục bàn tay xúm vào, xé toang hết quần áo của Mai. Mai vừa khóc vùa cố thoát thân. Tất cả đồng ý với nhau là phải trừng trị đứa con gái khốn nạn đã quyến rũ thầy Phán khả kính của họ, làm thầy lung lay con đường tu hành! Từng miếng vải tung lên. Chiếc áo dài trắng, cái quần đen, cái áo lót, trong nháy mắt biến thành những mảnh vụn quăng đầy chung quanh!…Mai thì ngồi thụp xuống, hai tay che ngực, toàn thân chỉ còn cái quần lót nhỏ xíu. Một bà giơ chân đạp mạnh vào lưng, khiến cô ngã lăn ra. Các bà khác xúm lại, người thì chửi, người thì nắm tóc, rít lên đay nghiến…”(trg 42 Xóm Đạo)
 
Đến đây là vượt quá mức dạy dỗ bằng biện pháp mạnh, mà dám là gây thương tích nặng, thầy giáo Thông thương cô học trò cũ, bèn xông vô đám đông, miệng can ngăn, tay cởi áo đang mặc khoác cho Mai, mở đường cho nàng chạy thoát về nhà. Ai cũng nể ông thày nên đám đông tự động giải tán khỏi nhà thờ. Nhưng bạo động như thế dễ mang lại phản ứng ngược: Mai xấu hổ bỏ giáo xứ lên Sai Gòn học may, thầy Phán bỏ luôn con đường tu hành, đầu quân vào trường Võ bị Đà lạt. Rút kinh nghiệm vụ này, khi có kẻ phao đồn một cô gái xinh đẹp khác tên Phương dan díu với cha phó xứ Hảo, nhà giáo Thông vội tìm ngay mọi cách để minh oan cho hai người.
Có phải chỉ trong một giáo xứ Bắc kỳ di cư mới có những truyện như trên không? Chắc là không vì trong phim “Ryan’s Daughter” đã chiếu ở Việt nam trước 1975, cô gái cưng của chủ quán rượu lấy chồng là giáo viên, đã ngoại tình với thiếu tá người Anh trưởng đồn binh dịa phương, cũng đã bị phụ nữ trong giáo xứ xúm lại xé đánh cho một trận tơi tả, như cô Mai trong Xóm Đạo. Để rồi có một kết cục buồn: viên sĩ quan tự sát, trường mất thày dạy, hai vợ chồng nạn nhân phải rời giáo xứ ra tỉnh trong sự ghẻ lạnh của tất cả. Gần đây nhất trong truyện ngắn “Nghĩa trang Đồng nhi” của nhà văn trẻ Lynh Bacardi, Sài gòn (báo điện tử Tiền Vệ), một cô gái điếm thuộc phe pro-life theo lệnh Giáo hoàng đã gia nhập một hội thiện nguyện do môt “sơ” thành lập, chuyên đi nhặt những thai nhi bị phá bỏ, đem chôn cất tử tế. Khi các bà trong giáo xứ biết truyện làm điếm của cô, các bà tổ chức ngay một vụ đánh và xé cô gái bất hạnh này, cho rằng làm điếm là quá xấu xa để còn có thể làm việc thiện nguyện. Chưa hết, hôm sau còn triệu tập các ông chức sắc, kể cả công an khu vực, đến tận nhà cô gái, bắt ép cô một là từ bỏ làm điếm, hai là bị trục xuất ra khỏi nhà, giáo xứ…
Trở lại với Xóm Đạo, không còn nàng Quyên để yêu vì cha xứ đã cấm, nhà giáo Thông lần này đi quan hệ với Trâm, cũng xinh đẹp nhưng thuộc một gia đình Phật tử lạc lõng trong giáo xứ nhưng gần nhà. Rất nhanh, đôi trẻ đi đến chỗ thân mật:
Thông xoa nhẹ bàn tay trên lưng Trâm, bên ngoài lớp vải lụa dịu mát. Bàn tay anh vô tình đưa dần xuống và đặt trên mông Trâm. Cô vội vòng tay ra phía sau, lôi bàn tay Thông lên bắt trở lại vị trí cũ. Một lúc sau, Thông lùa bàn tay vào trong áo Trâm, cô cũng lại kéo bàn tay anh ra, làm Thông chợt mỉm cười trong bóng tối…Thông có thể nằm bên cô, có thể ôm ấp cô, nhưng tuyệt đối không được cởi quần áo và thậm chí lùa tay vào trong áo cũng không được! Với Thông như thế cũng là tốt rồi, anh chẳng đòi hỏi thêm. Mấy tháng chung giường với Quyên, anh còn dằn lòng không xâm phạm xác thịt, huống chi giờ này chỉ ở bên Trâm trong khoảng khắc!” (trg 444 sdd).
Khi nàng Mai trở về giáo xứ thăm gia đình, nàng ghé nhà thầy Thông xin ngủ nhờ. Nhà có một giường và nhiều muỗi nên : “Hai người ngồi hai đầu giường, xa hẳn nhau. Mai phủ tấm chăn ngang bụng, tựa lưng vào vách. Thông ngồi bó gối, tay cầm quạt nan liên tục phe phẩy cho đỡ ngượng. Nói chuyện thêm khoảng một tiếng nữa thì Mai mệt quá lăn ra ngủ thiếp đi. Cô nằm ngửa, mái tóc đen dầy xoã sang một bên. Trong ánh sáng lờ mờ, Thông vẫn nhìn thấy ngực Mai nhấp nhô lên xuống theo nhịp thở đều đặn. Anh quay đi, cố xua đuổi những tư tưởng vẩn đục vừa chợt ùa tới làm trái tim anh xao xuyến. Anh nhẹ nhàng đổi thế ngồi, lùi xuống phía chân Mai, tựa lưng vào vách…Rồi anh làm dấu Thánh Gíá, đọc vài câu kinh ngắn trước khi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.” (trg 496 sdd).
 
Đọc Xóm Đạo đến đây nhà văn/nhà thơ mới hiểu cái tiêu chuẩn bất thành văn khá phổ biến trong giới văn nghệ, kiểm duyệt và phê binh, là không được để ngòi bút tụt xuống dưới rốn người đàn bà. Xuống dưới là mặn, là dâm, văn chương mất hết giá trị, không thể vượt không gian và thời gian…Trước kia cứ tưởng tiêu chuẩn đó, cách thế yêu đương không ai cởi áo cởi quần nhau, là do Nhất Linh vẽ ra lần đầu trong cuốn Giòng sông Thanh Thuỷ khi cho nhân vật chính, một đàn ông trưởng thành sang miền Nam Trung hoa để làm cách mạng, đã nằm cạnh một phụ nữ trẻ đẹp qua một đêm chỉ nói truyện suông. Không giống nhà cách mạng Mỹ Jordan sang Tây ban nha giúp phe du kích đỏ, mới gập cô đồng chí gái Maria, đã mắt la mày lét và trời vừa tối đã rủ con gái nhà người ta chui vào túi ngủ với mình, làm đủ thứ truyện, trong tác phẩm For Whom The Bells Toll của Ernest Hemingway…
Bây giờ thì hiểu, mong là không sai cho lắm, rằng tiêu chuẩn văn chương không được ở dưới rốn người đàn bà, có lẽ phát xuất từ các xóm đạo Việt nam chăng? Vấn đề như thế còn nhiều tranh cãi, bây giờ hãy trở lại với anh chàng Thông ngoan đạo của chúng ta. Cứ mải tuân theo giáo luật, vâng ý cha mãi nên đến cuối cuốn tiểu thuyết 612 trang này, các cô gái anh đã yêu không ai chờ đợi được, rủ nhau đi lấy chồng hết, để mặc chàng:
Thông vẫn lảo đảo bước đi, dù chẳng biết đi đâu. Sài gòn đô hội này hình như chẳng phải là đất dung thân của anh. Nhưng ngay cả mái ấm đã năm năm cưu mang anh là Tân Hạ, tự dưng lúc này anh cũng chán ngấy, không còn muốn quay trở lại nữa”.
(tạm hết)


thế-uyên
(từ: damau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét