Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Ảnh Tác Giả

* THÁI UNG THÂN PHỤ CỦA THÁI DIỂM:
THÁI QUỐC MƯU



Thái Ung (蔡邕 132-192) tự Bá Giai (伯喈),  người quận Trần Lưu, Hà Nam (nay là huyện Kỷ, Hà Nam) Trung Quốc, là danh sĩ, thời Hán Hoàn Đế. Cha mất sớm, thờ mẹ chí hiếu. Mẹ qua đời, ông được người chú đem về nuôi dưỡng. Rất được mọi người thương yêu, quý mến.

Ông là người có dị tướng, học cao, thông minh, biết nhiều, thấy xa, hiểu rộng. Thời niên thiếu, bái Thái Phó Hồ Quảng làm thầy. Giỏi âm nhạc, kinh thuật và từ chương, thiên văn, âm luật, tiếng tăm vang dội khắp nơi, người người ái mộ. Giới sĩ tử cùng thời tìm đến kết giao có hàng vạn người.


Vốn chẳng thích chốn quan trường, khi Hán Hoàn Đế chiếu chỉ cho Thái Thú Trần Lưu, truyền ông về Lạc Dương, ông buộc phải lên đường, trên đường đi ông cáo bệnh, xin quay về.

Năm 168, Hán Hoàn Đế Lưu Chí băng hà, không có con, Đậu Thái Hậu bèn cho Lưu Hoằng, là con Giải Độc Đình Hầu Lưu Thường (), là cháu 5 đời của Hán Chương Đế lên nối ngôi vua, xưng là Hán Linh Đế (汉灵帝), tự Lưu Hoằng 156-189).

Sau khi lên ngôi, Hán Linh Đế phong Mẹ là Đổng phu nhân (董夫人) làm Hoàng Thái Hậu. Hán Linh Đế là vị vua thứ 12 của Nhà Đông Hán, và là Hoàng Đế thứ 27 của Hán trào. Linh Đế có người con thứ là Lưu Khai (). Lưu Khai sinh Lưu Thục (劉淑), Lưu Thục sinh Lưu Thường, Lưu Thường sinh Lưu Hoằng.

Còn Hán Chương Đế, tục danh là Lưu Đát (), sinh vào tháng 2 năm 57, là con thứ 5 của Hán Minh Đế Lưu Trang. Mẹ là Giả quý nhân (贾贵人). Khi còn nhỏ, Hán Minh Đế đã giao Hán Chương Đế Lưu Đát cho người vợ đang sủng ái là Mã quý nhân nuôi nấng, cực kỳ yêu thương.

Năm 170, Hán Linh Đế, cho triệu Thái Ung vào cung làm việc cùng Tư Đồ Kiều Huyền, được Kiều Huyền trọng dụng. Ít lâu sau ông lần lượt được phong làm Hà Nam Bình Trưởng, Triệu Bái Lang Trung, Hiệu Thư Đông Quán rồi tiếp tục thăng Nghị Lang.

Thời Đông Hán thực hiện chế độ Tam Hỗ, nghĩa là hai nhà thông gia của hai châu không được làm quan tại nơi cư trú của nhau. Do các nhà thế tộc có nhiều quan hệ họ hàng nên quy định này gây khó khăn cho việc bổ nhiệm quan chức, khiến một số nơi như U châu và Ký châu không đủ quan lại. Vì vậy Thái Ung bèn làm sớ trình lên Hán Linh Đế bỏ chế độ Tam Hỗ. Nhưng Hán Linh Đế không chấp thuận.

Thời đó, Hán Linh Đế buông lỏng kỷ cương, không dùng người tài. Đổng Thái Hậu và những người trong hoàng tộc cùng ăn chơi xa xỉ. Đổng Thái Hậu đã giục con bán quan chức thu tiền. Năm 178, ông cho áp dụng chính sách mua bán quan chức. Chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Tào Tung cha Tào Tháo đã bỏ tiền ra mua được chức Thái úy trong dịp này.

Do vua cho mua quan bán chức, những người mua được chức quan lại bóc lột của dân nặng nề để thu lại tiền bỏ ra. Triều đình thu sưu cao thuế nặng nên đời sống nhân dân rất nghèo khó, cực khổ… người người ta thán.

Ít lâu sau ông lại dâng sớ lên Hán Linh Đế xin cải thiện tình hình chính trị đang xuống. Sớ của ông có 7 điểm:

1. Cẩn trọng giữ mình trong sạch
2. Bổ nhiệm rộng rãi người có tài đức,
3. Mở rộng ngôn luận cho bề tôi trung kiên được can gián, khen thưởng người dám    nói thẳng
4. Tăng cường sát hạch quan lại.
5. Xóa bỏ những kẻ tiểu nhân trong hàng ngũ bộ máy chánh quyền.
6. Bổ nhiệm, bãi miễn quan lại phải dựa trên công trạng mà có thưởng phạt rõ ràng
7. Xem xét nhân sự những người trong cung thái tử, không dùng những người mạo nhận là "Tuyên Lăng Hiếu Tử" không có thực tài, buộc họ về quê làm ruộng.

Sớ của Thái Ung thống thiết dài vài ngàn chữ, được Linh Đế coi trọng. Linh Đế chuyển những người giúp việc cho Thái Tử không có thực tài sang làm Thái Tử Xá Nhân Vu Úy - chức nhỏ ở địa phương. Vì việc này, nhiều người bị động chạm quyền lợi nên thù hằn Thái Ung.

Năm 176, Hán trào có nhiều điềm tai dị xảy ra, khiến vua Linh Đế lo lắng. Linh Đế triệu Thái Ung cùng các đại thần Mã Nhật Đê, Dương Tứ, Trường Hoa, Đan Cấu cùng hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ vào hỏi nguyên nhân. Linh Đế ban đặc chiếu cho Thái Ung, kiến giải những chuyện tai dị vì ông là người có học thức sâu rộng.

Thái Ung cảm động, tự mình soạn một bản tấu, thẳng thắn vạch ra những điểm chưa tốt của nền chính trị lúc đó, ông cho rằng do xây cất cung thất quá nhiều gây tốn kém, có nhiều tiểu nhân đắc chí làm quan lớn, tham nhũng nhiều; nên ông đề nghị bãi miễn những người nầy, bổ nhiệm người tài đức.

Việc cải tổ của Thái Ung đụng chạm tới nhiều người, nên ngày càng có thêm nhiều người thù ghét ông. Trong đó, có bọn Dương Cầu, Tào Tiết thù oán không đội trời chung ông. Chúng bèn chủ mưu kết hợp cùng đám hoạn quan làm hại ông.

Ít lâu sau, hoạn quan Trình Hoàng sai người trình bản tấu, kể tội Thái Ung đang có ý định cùng chú là Thái Chất muốn trả thù Tư Đồ Lưu Lân vì nhờ một việc riêng tư không được. Thái Ung dâng biểu phân trần nhưng không được chấp nhận, ông bị tống giam vì "kết oán với người làm việc công, hãm hại đại thần", chuẩn bị mang xử tử.

Việc nhà vua khép tội Thái Ung rất nhiều người không phục. Trung Thường Thị Lã Cường tâu Hán Linh Đế rằng Thái Ung vô tội và xin tha cho ông. Linh Đế xem lại án nhưng chỉ tha cho ông khỏi tội chết nhưng lại đày ông đi Sóc Phương ở biên cương phía bắc, vĩnh viễn không cho trở về.

Dương Cầu chủ mưu giết ông, bèn thuê thích khách đuổi theo để giết ông. Nhưng thích khách biết ông là người thẳng thắn chính trực nên không cam tâm hạ thủ. Dương Cầu thấy ý định không thành bèn hối lộ cho quan địa phương nhờ hãm hại ông, nhưng viên quan này cũng không làm theo mà còn mật báo cho ông biết để đề phòng. Do được những người ngay thẳng giúp đỡ, Thái Ung giữ được tính mạng, đến sống tại Sóc Phương.

Lâu sau, Thái Ung dâng thư lên Hán Linh Đế xin được trở về quê để viết nốt bộ sách Hậu Hán Ký mà trước đây khi ở Đông Quán ông đang cùng Lư Thực, Hàn Thuyết soạn chưa xong. Linh Đế thấy ông có tài, bèn nhân kỳ đại xá năm 177 cho ông được trở về quê.

Thái Thú Vương Trí thấy ông được tha bèn bày tiệc đãi ông. Vương Trí vốn là em trai hoạn quan Vương Phủ trong triều, ngày thường kiêu ngạo, vì vậy Thái Ung coi thường. Vương Trí tức giận quát mắng Thái Ung, ông liền phẩy tay áo bỏ về.

Vương Trí bèn viết thư về triều nói rằng Thái Ung bất mãn trong lúc bị lưu đày, thường phỉ báng triều đình. Thái Ung biết mình đã gây thù oán với nhiều đại thần trong triều, không thể dâng thư biện bạch mà còn có thể bị bức hại, nên ông không trở về quê nữa mà đi sang vùng Ngô Việt (Triết Giang). Cuộc sống lưu lạc của Thái Ung kéo dài 12 năm dài như cuộc lưu lạc trên xứ người của Thái Diễm, con gái ông.

Năm 189, Hán Linh Đế mất, con là Hán Thiếu Đế lên thay. Đổng Trác vào triều cầm quyền, phế Thiếu Đế lập Hiến Đế. Để thu phục nhân tâm, Đổng Trác cho gọi Thái Ung về kinh phong chức. Thái Ung bị hại nhiều lần trên quan trường nên dâng sớ cáo ốm. Đổng Trác nổi giận hạ lệnh sẽ tru di cả họ Thái Ung, ép ông phải trở về. Thái Ung bèn trở về Lạc Dương.

Đổng Trác rất quý trọng Thái Ung, chỉ trong 3 ngày đã phong ông làm các chức Tế Tửu, Thị Ngự Sử, Thượng Thư, rồi Thị Trung.

Đến năm 190, chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu nổi lên thảo phạt Đổng Trác vì tội giết vua Thiếu Đế. Cùng lúc, thủ hạ của Đổng Trác muốn tôn Trác làm Thượng phụ. Đổng Trác bèn hỏi Thái Ung. Ông khuyên Đổng Trác chưa nên xưng hiệu vì thiên hạ đang rối ren không phục. Đổng Trác nghe theo ông.

Thái Ung biết Đổng Trác trọng dụng ông, nhưng họ Đổng tàn bạo chuyên quyền, mất lòng người, ông sẽ bị liên lụy khi Đổng Trác bị diệt vong. Ông định bỏ trốn đến Ký châu. Nhưng em ông là Thái Cốc khuyên rằng ông có tướng mạo khác thường, rất dễ bị nhận diện. Vì vậy Thái Ung bèn thôi ý định bỏ trốn.

Năm 192, Đổng Trác bị tư đồ Vương Doãn và tướng Lã Bố giết chết. Thái Ung lại tỏ ra buồn bã. Tư đồ Vương Doãn bèn sai bắt Thái Ung hạ ngục. Thái úy Mã Nhật Đê thấy vậy vội nói với Vương Doãn rằng Thái Ung là người có tư cách và tài năng, nên để ông sống để viết nốt sử thư Nhà Hán. Nhưng Vương Doãn không đồng tình, dẫn gương Tư Mã Thiên viết Sử ký phỉ báng triều đình, vì vậy quyết không tha cho Thái Ung. Năm 192 Thái Ung chết trong ngục tù Vương Doãn. Thọ 60 tuổi dương lịch, 61 tuổi âm lịch.


Sử sách không chép rõ, khi chết, Thái Ung có bao nhiêu người con. Duy trong bộ Chánh sử Tam Quốc Chí, của Trần Thọ, chỉ chép về một người con gái của ông tên Thái Diễm. Sau, Thái Diễm là một trong 11 người của nền văn học Kiến An Thập Nhất Tài Danh (bao gồm cả tam Tào: Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực). Và được truyền thuyết dân gian gọi là Tài Nhân Chiêu Cơ (tên tự của Thái Diễm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét