Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017


  • “Lộc Vàng” tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
    “Lộc Vàng” tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

    Theo lời yêu cầu của khán giả, Lộc Vàng hát thêm một bài nữa của Đoàn Chuẩn, là bài “Tâm Sự Người Yêu.” Theo Lộc Vàng, bài nhạc này gần như là tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ông sáng tác năm 1956, nhưng không xuất bản.

    “Trước năm 1968, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã cho tôi bài này, tôi thấy bài này là đỉnh cao cuối cùng trong những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, vì nói lên tâm trạng của nhạc sĩ yêu bà Thanh Hằng, bà ngày xưa cùng hoạt động với Đoàn Chuẩn trong một đoàn ca nhạc ở Hà Nội. Ông rất yêu bà, nhưng vì nghe lời bà Thanh Hằng nên cuối cùng ông phải ở lại Hà Nội. Mãi đến năm 1956, thì ông sáng tác bài nhạc này để tặng riêng cho người mình yêu,” Lộc Vàng kể lại.

    Lộc Vàng hát bài này rất hay, vì có lẽ ông hát thay nỗi đau quặn thắt của Đoàn Chuẩn, khi đã bắt đầu yêu Thanh Hằng.

    “Khi mùa Thu đến nhanh
    Hoa Phù Dung im cành
    Từng đàn bướm trắng bay nhanh, mong manh
    Tiếc nhớ thương vay giận hờn bướm trắng có hay
    Yêu có khác gì lúc chàng say
    Thuở ấy, tâm hồn chưa vướng lưới
    Thời gian chưa đủ xóa niềm tin
    Đôi môi chưa gợn men ân ái
    Bướm lả lơi nhìn trong mắt xanh
    Rồi có hôm nào không nhớ rõ
    Hình em đến tận đáy lòng anh
    Hoa kia không ngủ trăng thao thức
    Bướm đã vướng mình, chim cứ bay…”
     
    Rồi ông tiếp tục hát như lời tâm sự của một chuyện tình bị dở dang, đã khiến Đoàn Chuẩn ở lại trong khung trời Hà Nội để còn gặp người mình yêu.

    “Em muốn nói gì lúc về Thu
    Một phút yêu lầm Cô Tô mất
    Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai
    Nên anh ghê sợ cho đôi mắt
    Giấc mộng đêm nào trong Liễu Trai.”

    Đoàn Chuẩn vì yêu nên không thể rời xa Hà Nội, để rồi có một hôm nào không nhớ rõ, thuyền xưa đã rời bến mà đi… Lộc Vàng kết thúc đoạn cuối của một mối tình lãng mạn và đã tan vỡ của người nhạc sĩ tài hoa.

    “Rồi có những chiều im tắt nắng
    Người ta nhớ lại quãng ngày đi
    Hoa xưa phong nhụy sen trong trắng
    Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi?”

    Lộc Vàng nói với Người Việt, ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc, lý do người ta gọi ông là “Lộc Vàng” là từ năm 1954, tại Hà Nội bị cấm hát nhạc vàng. Thời đó, ở miền Bắc chỉ có một dòng nhạc gọi là dòng nhạc cách mạng, và còn được dân gian gọi là “nhạc đỏ.”

    “Nhưng mà chúng tôi gồm vài anh em bạn cứ tụ tập với nhau hát ở trong nhà và hát toàn những bài nhạc trước năm 1954. Đến tai nhà nước và họ bắt bọn tôi, vì họ bảo bọn tôi là tuyên truyền chủ nghĩa trụy lạc của đế quốc. Rồi sau đó tôi bị ở tù 10 năm vì tội hát nhạc vàng. Sau khi ở tù về còn phải chịu bốn năm mất quyền công dân nữa,” Lộc Vàng chia sẻ.

    Cũng theo ông, đến năm 1987, thì nhà nước bắt đầu cho hát lại một số bài nhạc trước năm 1954, mà người ta còn gọi là nhạc tiền chiến, gồm những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý…

    Lộc Vàng cho biết thêm, “tại Hà Nội, năm 1991, tôi mở một quán cà phê ca nhạc, bị cấm. Đến năm 1994 tôi mở thêm một quán nữa, cũng bị cấm. Đến 1997 mở một quán nữa thì cũng bị họ cấm. Tại vì tất cả quán cà phê phải có giấy phép của nhà nước, và họ không cấp giấy phép cho tôi mở quán là vì quán của tôi chỉ toàn hát nhạc vàng. Mãi đến năm 2008, thì tôi bắt đầu tiếp tục mở thêm một quán cà phê nữa ở Hồ Tây, và tôi lấy tên quán là quán cà phê Lộc Vàng, vì một số nhạc vàng đã được cho phép hát. Thế từ đó cho đến bây giờ, quán Lộc Vàng vẫn mở và mỗi tuần gồm ba buổi tối có ca nhạc cho mọi người nghe, mà chủ đề chỉ có hát nhạc vàng mà thôi.”

    Theo ông Lộc Vàng, quán cà phê này do ông thuê chỗ. Từ ngày mở quán cho đến nay đã tám năm, ông bị lỗ sạch vốn, và phải bán nhà để bù đắp lại cho những chi phí của quán cà phê này. Lý do ông lỗ vốn là những ngày thường thì vắng khách, chỉ có khách vào những đêm ca nhạc, và chỉ lấy giá rất bình dân, vì lấy giá cao thì khách không đến.

    Quán này là chỉ để có nơi cho ông được thỏa niềm đam mê âm nhạc, vì thế, ông không có ý kinh doanh vào tiếng hát của mình, mà chỉ muốn tạo một “sân chơi” cho những ai thích nghe những dòng nhạc trữ tình hay còn gọi là nhạc vàng hoặc nhạc tiền chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét