Nữ danh ca Kim Tước tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Kim Tước hát vẫn còn hay lắm, hát như lời chia sẻ tình người, nhất là trong những ai đang đi trong hoàng hôn của mùa Thu đầy lá vàng rơi rụng.
Trên sân khấu của Lạc Cầm, Hoàng Trọng Thụy giới thiệu một nhân chứng sống của lịch sử âm nhạc Việt Nam, đó là Lộc Vàng.
Lộc Vàng từ Hà Nội sang, trước tiên là đi dự đại hội Hội Thơ Tài Tử của nhà thơ Lê Quang Sinh và Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng tổ chức. Sau đó được bè bạn đưa đi thăm viếng chỗ này chỗ nọ ở Little Saigon và nhiều nơi khác. Nhân tiện ông gặp nữ danh ca Tâm Vấn, và bà “rủ” ông đến Hội Quán Lạc Cầm đêm nay để “cùng hát cho nhau nghe.”
Theo danh ca Tâm Vấn và Hoàng Trọng Thụy kể lại, Lộc Vàng là một người nghệ sĩ đã hy sinh cả đời trai trẻ của mình, một người mê nhạc vàng đến độ phải bị ở tù mười năm ở Hà Nội trước năm 1975, chỉ vì nỗi đam mê âm nhạc. Và ông mê nhạc từ lúc mà nhiều người khác chưa biết ‘nhạc vàng’ là gì. Và theo ông Lộc Vàng, ngày xưa, tại Hà Nội không có nhạc tiền chiến, mà chỉ có nhạc vàng mà thôi.
“Tại sao không gọi là nhạc tiền chiến mà gọi là nhạc vàng?”, Hoàng Trọng Thụy đặt câu hỏi.
“Theo tôi hiểu, trước năm 1954, những nhạc sĩ Việt Nam mới bắt đầu viết những bài tân nhạc vì được thừa hưởng nền âm nhạc của người Pháp dạy cho họ, mà chỉ có những người con của nhà giàu mới được học, và học những nốt nhạc như Đồ, Rê, Mi… Thời gian sau đó, các ông mới bắt đầu sáng tác những bài nhạc Việt Nam. Và những nhà nhạc sĩ đó mượn danh những nốt nhạc mà người ta quý như vàng, cho nên các ông đặt tên là dòng ‘nhạc vàng’, tại vì vàng là vật rất quý giá. Nhưng đến sau 1954, từ chính phủ này đổi sang chính phủ kia, thì các ông trong chính phủ miền Bắc định nghĩa vàng là vàng vọt, vàng là màu lá úa, vàng là ủy mị,” Lộc Vàng trả lời.
Ông cho biết thêm, “Ở miền Bắc, nhạc từ trước năm 1945 chỉ có vài bài thôi. Và sau năm 1945 đến năm 1954 thì có nhiều bài nhạc Việt ra đời. Cho nên nhiều người bảo rằng, nhạc tiền chiến có trước chiến tranh, là tại vì họ đã cộng những bài nhạc đó cho đến năm 1954, mà người ta vẫn gọi là nhạc tiền chiến. Ở một đất nước, người ta thích đặt tên nào thì mọi người nghe theo cái tên đó, nhưng theo tôi, đó là dòng nhạc trữ tình của Việt Nam, được quý như vàng, chớ không có nhạc tiền chiến hay hậu chiến gì cả.”
Tiếng hát của Lộc Vàng trong bài “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, một bài nhạc rất quen thuộc với những người thích dòng ‘nhạc vàng,’ lời bài nhạc được ông thả hồn theo tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Huy Cường. Lời nhạc trữ tình qua dòng nhạc êm dịu, gọi là dòng ‘nhạc vàng’ thật đúng theo ý nghĩa của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét