MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Truyện ngắn
NGUYỄN THỊ THÚY
NGÂN
Con nhỏ chảnh
chọe đó là hàng xóm và còn là đồng môn của tôi. Mỗi sáng đến trường nó phải qua
hai trạm gác chấn ngữ. 1/ - Nhà tôi ở đầu con phố. 2/- phải chịu sự giám sát
chặt chẽ của tay gác barie lớp cũng là tôi luôn. Tôi ghét nó bởi cái tính sãnh
sẹ và cái giọng “ Tám” chanh chua như hèm.
Đi học chứ có phải đi xem xi-nê hay đi
biểu diễn thời trang đâu mà lúc nào nó cũng làm bộ điệu đàng thục nữ. Con gái
cả trường đều mắc áo dài chứ đâu riêng gì mình nó, thế mà nhìn nó cứ thấy xốn
xang con mắt. Đã vậy cái bản mặt lúc nào cũng vênh vênh kênh kiệu ra cái điều
ta con nhà giàu có. Mà nhà giàu thiệt đó. Nó sống với mẹ trong căn nhà một
trệt, hai lầu to tướng cuối dãy phố. Muốn vào nhà nó phải qua một cái cổng bề
thế sơn đen cao bằng hai người chồng lên. Cổng được làm bằng những thanh sắt
vuông to như ngón tay cái khe nhỏ, đi ngoài đường khó thấy ở bên trong. Không
biết nhà nó giàu cỡ nào nhưng nghe đám bạn trong lớp bàn tán tôi cũng thấy tò
mò muốn khám phá. Không sao, tôi sẽ vào một dịp gần đây nhưng phải vào một cách
trang trọng.
Nó mới vào lớp tôi đầu năm 11,
chứ năm lớp 10 lớp tôi vẫn giữ nguyên sĩ số 40 cái đầu và cô nàng chắc còn đang
ở ẩn đâu đó. Hôm điểm danh đầu tiên, cô Hoàng Lan chủ nhiệm gọi: “Hoàng Khả
Uyên” làm 40 muơi cái đầu quay lại chiêm ngưỡng dung nhan nhân vật mới. Nó
không đẹp nhưng nhìn kỹ cũng dễ coi, nhất là cặp mắt cứ phảng phất buồn. Đôi
mắt ấy chẳng ăn nhập gì với cái bản mặt kên kên như con kền kền của cô nàng.
Nó học trung bình các môn. Nói như thế thì cũng có phần bất công bằng
một chút. Có nghĩa là nó cũng giỏi một vài khiá cạnh khác như vẽ chẳng hạn và
“Tám” có căn cơ. Nó vẽ khá đẹp nên có dịp làm sổ sách hay trang trí báo tường
của lớp thì thằng Hải Linh lớp trưởng hay con Ánh Huyền lớp phó văn thể mỹ phải
huy động đến nó. Mà nó làm đâu ra đó rất đẹp là đằng khác. Cái giỏi thứ hai là
“ Tám” chua như giấm và đôi khi như thủ thế hoặc đang sẵn sàng tấn công ai đó
có ý nhắm vlào nó. Nhiều lúc tôi cũng thấy tồi tội. Xong không hiểu vì lý do gì
mà cứ thấy mặt vênh vênh như bố vợ phải đấm của nó là tôi lại nảy ý định “phá”,
cho cô nàng chu cái mỏ nhọn hoắt lên tức tối. Ôi! Thấy mà hả dạ làm sao?
- Nè bà Uyên, bà cho tui mượn đôi gióng của
bà đi? Tôi khơi mào.
- Gióng nào, nhà tui đâu có mấy thứ đó - Nó
quay xuống trả lời.
- Có, tui vẫn thấy bà quảy nó mà. Bà cho
tui mượn gánh thử coi? Tui nói tưng tửng với bộ mặt như thật làm mấy thằng ngồi
cùng bàn bắt đầu cười hí..hí.
- Đã nói nhà tui hổng có mà, hay để về tui mượn bà già hàng xóm cho ông – Nó trả lời
thân thiện.
- “Chời ơi là chời” Mượn mấy bà thì nói làm
gì. À….Má tui! Ý không ..Tôi gãi đầu làm bộ đau khổ. Thằng Trương Ù thấy vậy
đía nhào vô: “ Ê, Khánh, mày mượn của bà làm gì trong lớp còn đầy đó. Hay mày
muốn mượn luôn: “ Em ơi đưa anh quảy giúp cho, chứ bên to bên nhỏ í..ì,..i chứ bên to bên
nhỏ.. anh tò mò xem chơi...” Thằng Trương cất giọng quan họ nhái làm
hai thằng trời đánh kế bên cười ồ lên. Bà chảnh chọe quay xuống lấy thước đánh
Trương ù. Nó né được, cái thước đánh xuống bàn nghe cái rầm. Cô Lan đang giảng
bài thấy vậy hỏi:
- Chuyện gì vậy Uyên?
- Không có gì đâu cô, em mượn cây thước nhỏ
Uyên không cho còn làm dữ. Thằng Trương đứng lên lấp liếm.
- Đúng không Uyên, các em không thấy cô
đang giảng bài sao? – Cô không tin hỏi
lại với giọng hơi bực.
- Không phải đâu cô, bạn Khánh đòi mượn
gióng nhỏ Uyên. Bạn Uyên không cho nên nổi quạu…Thằng Đông Gioăng chưa nói hết
câu bị thằng Khánh thúc cho một cái thật đau kèm theo câu: “Đồ cù lần”.
- Khánh, em mượn gióng làm gì, sao không để
giờ nghỉ rồi hỏi bạn mà làm ổn trong lớp. Các em không tôn trọng gì cả - Cô nói
với giọng hơi gắy gắt.
- Không phải cô à, Thằng Khánh đòi mượn đôi
gióng nhỏ Uyên mang trên vai ý. Thằng Đông Giăng bị thúc đau điếng tức mình
khai ra cả lớp quay sang nhìn, làm tôi quê dễ sợ. Mấy thằng ngồi dưới “xóm nhà
lá” bắt đầu nhao nhao… hiểu ý chúng phá lên cươi. Cô Lan cũng tủm tỉm. Mấy bà
dãy bên được đà chọc theo: “ Khánh ơi, mình cho bạn mượi nè, bạn chịu quảy hông…”?
Giữa tiếng cười vô tư của đám bạn, bà chảnh chọe mắc cỡ cúi gằm đầu còn tôi
nhăn răng cười trừ.
Bàn tôi có 4 thằng: - Tôi, đến thằng Đông “gioăng”, tiếp thằng Trương ù,
cuối bàn thằng Thái “duối” Bốn đứa tôi khá hiền so với đám con trai trong lớp.
Điều đặc biệt lớp tôi đứa nào cũng có một biệt danh. Cái biệt danh này có khi
được gọi thay tên cúng cơm cha mẹ đặt. Chúng cứ réo í ới cái biệt danh ấy như
ngày mở cửa mả. Nhiều đứa dễ tính cho qua. Còn đứa nào không chịu thì la lối om
sòm, lại còn rượt đuổi nhau tóe ống kèn nữa chứ. Đám gà cồ đang mùa trổ giò háu
đá và tán gái quần nhau dữ dội có khi còn gây ẩu đả. Nói vậy thôi chứ đám trai
phổi bò này hết hồi lại rủ nhau đá banh, tắm biển, lại trêu chọc mấy đứa con
gái trong lớp, chọc luôn cả đám nữ sinh các lớp lân cận nên bị đám con trai lớp
khác hăm he hoài. Chúng bầy nhiều trò phá phách, tuần nào cũng bị ghi vào sổ
“thành tích” để cuối tuần tuyên dương hay sáng thứ hai lại đứng ê mặt dưới cột
cờ.
Trong lớp còn một nhân vật nữa mà tôi không bao giờ muốn đụng tới. Đó là
“ Nàng tiểu thư” Nàng tiểu thư cũng là biệt danh lớp đặt cho. Vừa hợp với hoàn
cảnh và vóc dáng. Tiếu thư có thân hình cao dong dỏng, da trắng trẻo có phần
hơi xanh xao. Vì nàng được gia đình chăm chút kỹ càng, nhất là không cho ra
ngoài nhiều. Tiểu thư thật hiền, thật dịu dàng. Nhìn vào đôi mắt hồ thu ấy tôi
cứ như bị chết chìm trong đó. Không phải riêng tôi mà đám con trai trong lớp, khối A – B dãy dối diện cũng
mê nàng đắm đuối. Nàng mong manh như sương khói, hơi tí là nước mắt vòng quanh.
Nàng có trăm ngàn lý do để được ưu tiên. Cả Thầy Ngộ dạy thể dục cũng cưng nàng
như trứng mỏng, vì chẳng bao giờ thầy bắt nàng chạy hay lăn, lê, bò toài như
các bạn khác. Lúc nào cũng Thầy ơi, thầy à… “ Hôm nay em đau bụng cho em nghỉ
nha Thầy” Nàng nũng nịu xin: - Ừ, con gái thì hay đau bụng bất tử mà. Nhìn nàng
xanh xao thầy còn quan tâm nói: “ Em vào trong mát ngồi nghỉ đi…” làm mấy bà
cùng cánh ganh tỵ. Nói thầy đối xử không công bằng. Tôi có cảm tình đặc biệt
với Tiểu thư nhưng chỉ đơn phương thôi. Nhưng rồi bí mật ấy cũng bị phanh phui.
Chẳng là bài thơ “Tương Tư” tồi viết cho nàng để hơ hênh sao đó hay bị đám
thằng Trương quỷ quái lục trong cặp táp mà nó biết được. Chúng bày đủ trò để
trêu trọc. Chúng đọc vè, chúng viết, chúng vẽ cả tranh biếm họa lên bảng. Tiểu
thư khóc thút thít một thời gian. Tim tôi đau như xát muối. Mà có thằng đàn ông
nào cầm lòng trước nước mắt của đàn bà, con gái nhỉ. Đến cả mấy ông tướng trong
lịch sử còn chịu thua thì thằng tôi có là gì. Tôi biết lỗi nên không dám ho hé
thêm kệ đám quỷ ấy bầy trò. Cứ thấy nàng xút xa xút xít tôi chỉ dám len lén
nhìn chứ không dám nói một lời an ủi hay có biểu hiện khích lệ dù nhỏ nhất.
Thật lòng mà nói tôi chỉ muốn đến bên nàng nói lời xin lỗi và thổ lộ luôn lòng
mình để nói được “ba từ” mà tôi dấu kỹ trong tim. Đã vậy lại thêm cái bà Thủy “ Cải lương” cứ
rêu rao hát đủ thứ bài tự chế khi có dịp thụân lợi. Có lẽ nàng hết chịu nổi trò
đùa dai của đám quỷ thứ ba nên giờ sinh
hoạt lớp cuối tuần nàng mét với cô chủ nhiệm:
- Thưa cô, các bạn trong lớp cứ cắp đôi em
với bạn Khánh “ lé” em hổng có chịu đâu – Nàng thỏ thẻ, chưa dứt lời cả lớp đã
ồ lên thích thú…wao..wa…
- “ Chời ơi”- Tôi than thầm trong bụng. “Nàng
không chịu thì thôi, có thưa với cô thì nói tên tôi được rồi, sao còn réo luôn
cái dị tật bẩm sinh của tui ra chi cho thêm tủi thân vậy cà”. Chẳng là, cửa sổ
tâm hồn của tôi hơi bị xiên xiên chút xíu nên mới có biệt danh là “Khánh lé
kim” đó. Tôi rủa thầm: “ Nàng ngây thơ
quá, tưởng rằng cắp đôi với tôi - là tôi với nàng dính nhau không bằng. Nàng như công chúa, còn tôi thì giống mấy tay chăn
ngựa cao bồi trời Tây làm sao hạp, nàng lo chi cho mệt. Rồi làm như trên thế
gian này chỉ có mỗi nàng không bằng, cứ tưởng tôi thèm lắm vậy”- Tôi tự trách
mình- “Ai biểu mi mơ mộng cao sang để rồi thua một bàn công khai trông thấy.
Mặc kệ, thua ai chứ thua người đẹp thì nhằm nhò gì” Tôi nhe răng cười như mếu
và quay qua cầu cứu đám bạn cùng hội cùng thuyền thế mà chúng lại giả lơ. Tôi
ước đất nứt ra làm hai ngay tức thì cho tôi trốn cho đỡ xấu hổ. Bữa đó cái “mặt tiền” của tôi chắc bị xơ cứng
toàn phần. Nhất là cơ mắt và cơ mồm, nó mở to hết cỡ và trông giống hề Saclo
lắm hay sao mà tụi trong lớp càng nhìn càng cười, cười đến nghiêng ngả, cười
chảy cả nước mắt. Giờ sinh hoạt bị biến thành sân khấu ca nhạc, kịch, tấu hài
tổng hợp. Dư âm của nó kéo dài cho đến khi mùa phượng bắt đầu hé nụ.
Rồi
năm 11 qua đi êm thấm. 41 cái đầu vẫn cùng nhau vui đùa hay đành hanh nhau. Đám
con trai hình như trưởng thành hơn. Thằng Hải Linh đột nhiên thay giọng eo éo
như con gái. Mấy thằng dãy bên như cao
lên vài phân, vạm vỡ. Cũng có vài thằng râu mọc lún phún trên cằm nữa chứ.
Nhưng phải nói đám con gái mới là trung tâm của vũ trụ. Chỉ có mấy tháng hè mà
các cô nàng như đẹp hẳn ra. Mắt các nàng long lanh hơn, dịu dàng hơn, nói năng
cũng ý tứ hơn. Ôi! Đúng là thế giới thiếu đàn bà thì cỏ cây hoa lá cũng chết
hết, cả đàn ông cũng trở thành vô tích sự. Các nàng đã làm cho nhiều chàng trai trồng si
sau mỗi buổi tan học. Tôi còn phát hiện chúng viết thơ tình hẹn hò dúi vào tay
nhau, hay giả bộ kẹp vào tập vở như vô tình. Bà sãnh sẹ cũng thay đổi đến ngạc
nhiên. Nó không còn gai góc hay xù lông nhím như xưa. Đôi mắt nó cứ làm tôi
thắc mắc: “ Với cái bản mặt ấy sao tạo hóa lại vẽ thêm hai cái cửa sổ che rèm
làm chi hổng biết…” Nó cũng làm tôi suy nghĩ ít nhiều, nhưng chỉ một thoáng
thôi. Một vài lần tôi bắt gặp nó len lén khóc không biết có chuyện gì, mà từ
cọp cái biến thành thỏ con bé nhỏ. Lạ thật - Hôm nhận được thiệp mời sinh nhật
nó tôi cũng háo hức chuẩn bị món quà nhỏ để tặng, chứ không lẽ đi ăn sinh nhật
lại vác cái mỏ đi không. Tôi nói rồi mà: “ Tôi vào nhà nó một cách trang trọng,
tức là có thiệp mời đàng hoàng nha” Quả là nhà nó đẹp và rất sang, Vật dụng
toàn đồ đắt tiền, Nhưng tôi thích nhất vẫn là dàn tường vi với những cánh hoa
màu hồng bé tí xíu mới đáng yêu làm sao. Tiệc tan, khi các bạn về tôi nấn ná ở lại muốn
khám phá dinh thự nhà nó, nhưng tôi nghe
đâu đó có tiếng khóc nho nhỏ. Tôi đi theo lên sân thượng thì thấy nó đang thút
thít.
- Có chuyện gì vậy Uyên – Đây là lần đầu
tiên tôi gọi nó bằng tên với giọng quan tâm.
- Uyên nhớ Mẹ - Nó trả lời
- Ủa, mẹ không về thăm Uyên sao? Tôi tiếp
- Không. Ba. Mẹ Uyên chia tay nhau lúc Uyên
học lớp 10. Mẹ con Uyên dọn về đây ở. Bà mải lo làm ăn giao Uyên cho bà vú chăm
sóc từ nhỏ. Uyên sống với bà vú nhiều hơn sống với mẹ. Nhưng thật tình Uyên nhớ
mẹ nhiều lắm… – Nó tâm sự giọng vẫn đầy nước mắt. Tôi không biết nói gì hơn là
nắm lấy bàn tay mềm mại của nó. Nó để yên tay nó trong tay tôi, nhìn tôi như cảm ơn. Tôi chợt
phát hiện ra nó cũng đáng yêu biết bao.
Thế là chẳng còn bao lâu là đến ngày thi tốt nghiệp. Mọi người chúi đầu
vào học, vào ôn thi. Bận rộn quên cả chọc ghẹo nhau. Nhìn đám bạn như chăm chút
nhau hơn, thân tình hơn, yêu thương nhau thấy rõ. Cứ nghĩ chỉ còn một thời gian
ngắn nữa moị người phải chia tay, tâm trạng tôi thấy nôn nao khó tả, vừa hồi
hộp, vừa nuối tiếc. Cả các bạn khác cũng thế. Cả cô chủ nhiệm cũng nói vậy.
Những tập lưu bút truyền tay ghi laị bao kỷ niệm tuổi học trò…
***
Hè
đến phượng cháy đỏ sân trường. Tiếng ve râm ran từ lúc bình minh rực rỡ cho đến
khi chiều nghiêng nghiêng bóng. Tan trường mà chẳng ai muốn ra về. Chúng cứ nấn
ná ngồi lại bên nhau từng tốp năm, ba đứa. Có tốp đông hơn. Các bạn rỉ rả
chuyện trò không dứt. Có tốp còn ngồi dưới gốc phượng nắm tay nhau nước mắt
rưng rưng. Chúng làm như sau hè này là sẽ không còn cơ hội để gặp nhau vậy. Còn
một số bạn có tâm hồn thi sĩ cứ đi quanh trường nhặt từng cánh phượng mân mê,
thẫn thờ nhìn trường, nhìn lớp đầy lưu luyến. Đàn chim chuẩn bị xa bầy bin rịn
chia tay. Sắp tới mỗi người sẽ tiếp tục theo đuổi những ước lớn hơn của riêng
mình. Một tương lai đang rộng mở phía trước.
Xin chào đón các bạn mùa phượng tới với sân trường giảng đường.
Tạm biệt mùa ve xôn xao.
Thúy Ngân
Bưu điện tỉnh Bình Thuận
ĐT:
0917 137.333
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét