NẾU CÓ MỘT NGÀY NÀO
Truyện Ngắn
MANG VIÊN LONG
Quay lại nhìn, Thược thấy chiếc xe Lam đã nổ máy, trên xe chỉ có vài
ba người, mấy người lính vẫn còn ngồi trên nền lều chợ, trước cổng trụ sở ấp
lui tới những bóng áo đen, ánh nắng buổi trưa mùa hè khiến cho tất cả trở nên
yên lặng, lười biếng, và có chút gì như là buồn bã.
Chiếc xe đã rời khỏi khu chợ, tiếng máy nổ rú lớn, kéo dài nhỏ dần, nhỏ dần tan biến rời rạc yếu ớt trong bầu không khí oi gắt, tĩnh mịch. Chiếc xe đã chạy, không còn một âm vang nào vọng lại chỗ Thược, chiếc xe quay đầu trở lại thị xã để đón những khách bộ hành trở về muộn màng; Thược bỗng dưng thấy sự vắng vẻ ngột ngạt bao trùm. Nàng bắt đầu cắm cúi bước, giục những bước chân cùng lúc những ý tưởng lơ mơ hiện rõ dần trong đầu.
Chiếc xe đã rời khỏi khu chợ, tiếng máy nổ rú lớn, kéo dài nhỏ dần, nhỏ dần tan biến rời rạc yếu ớt trong bầu không khí oi gắt, tĩnh mịch. Chiếc xe đã chạy, không còn một âm vang nào vọng lại chỗ Thược, chiếc xe quay đầu trở lại thị xã để đón những khách bộ hành trở về muộn màng; Thược bỗng dưng thấy sự vắng vẻ ngột ngạt bao trùm. Nàng bắt đầu cắm cúi bước, giục những bước chân cùng lúc những ý tưởng lơ mơ hiện rõ dần trong đầu.
Qua khỏi ngã rẽ qua Long Tường, Thược dễ thấy đồng ruộng hai bên
đường thực quang đãng, trống trải vắng ngắt trong ánh nắng chói tháng tư. Cánh
đồng mênh mông, trơ gốc rạ cháy nham nhở, chỗ vàng chỗ đen, cánh đồng trông
bằng phẳng. Đồng thời nàng cũng nhận thấy rằng con đường đất trước mặt nàng
cũng thật là thấp, chỉ cao hơn mặt cánh đồng một chút. Con đường lồi lõm gập
ghềnh, nhưng so với những đường quê khác thì đó là một con đường khá rộng. Hèn
gì tới mùa mưa, chỉ mưa vài ngày, con đường lầy lội và có những quãng ngập
nước. Bây giờ con đường đã khô khốc, đất sét mầu vàng, thỉnh thoảng có vài cơn
gió làm bụi thốc bay vụt lên. Gió từ hướng Tây Bắc, phía núi, gió khô nóng làm
cho da mặt se se khô rám khó chịu.
Thược tình cờ quay lại nhìn quãng đường đất phía sau: một người
lính vác hai cây mía trên lưng đang bước tới, có vẻ vội vã, lật đật như chạy.
Thược lại ngó mông ra cánh đồng phía trái, những đám ruộng đã gặt gốc rạ cùn
thấp có nhiều trũng cháy, đám trẻ lố nhố bu quanh một khúc mương cạn, bờ lau
không còn bóng tối hay rườm rà của mấy tháng mưa. Không còn màu xanh nào trên
khắp cánh đồng ngoại trừ hai cụm núi ở giữa đồng như những gò đất cao. Ngó lâu,
Thược tưởng tượng hai cụm núi như hai con rùa bò lồm cồm trên mặt nước đục
vàng. Tiếng lũ nhỏ mò cá ở khúc mương chốc chốc vẳng lại nghe mơ hồ và không
tạo được một vang động nào lâu dài. Buổi trưa vẫn nắng. Bầu trời xanh cao. Con
đường cũng vắng tênh. Tuồng như ánh nắng chói gắt của tháng hạ đã khiến cho
cảnh vật trở nên im sững khô đọng một cách dễ sợ.
-
Cô, cô à …
Tiếng người lính gọi phía sau, Thược nghe nhưng chân cứ bước xuống
trũng mương. Mấy tấm vỉ sắt bắt qua dòng nước đục, đoạn đường gồ ghề, bờ lau
hai bên mương khô vàng ngã rạp, chỗ đất dưới mặt mương khô nứt nẻ. Hồi tháng
mưa, tới chỗ này Thược đã phải cuốn quần lên trên vế mà cứ bị ướt, có kẻ sợ
phải chờ ghe. Hai thằng em nàng hận khúc mương này lắm vì mẹ lấy lý do khó đi,
lỡ sẩy chân nước cuốn ra giữa đồng mênh mông nước thì sao, nên dầu ức mà chúng
vẫn không có cách nào hơn là buồn bã ngó theo Thược. Lần nầy thì bà kêu nắng, ở
nhà học thi vào lớp sáu cho đỗ, đỗ rồi mày muốn
đi bao nhiêu lần thì đi. Thược rất muốn đem chúng cùng đi cho vui khi
nghĩ tới chặng đường dài vắng vẻ, sẽ rủ chúng ghé qua Mậu Lâm mua mía, thăm
thím Tím xin bắp về nướng; nhưng không muốn làm phiền mẹ và mất giờ học của em
nên đành ra đi một mình. Thược đã nghĩ, nếu vắng chúng, nàng sẽ không ghé qua
Mậu Lâm, đi thật nhanh để trở về trước buổi chiều.
-
Cô, cô à …
Thược quay lại :
-
…
Người lính đã qua khỏi mấy vỉ sắt, bước lên trũng mương thấp, hai
cây mía vẫn còn vác trên vai như lúc nãy. Trông bộ anh ta như mệt. Thược nhớ
tới tiếng kêu của anh lần đầu khi nàng bắt đầu qua mương. Nàng cắm cúi bước,
bước, bước, bước. Nắng đổ chếch từ trên đầu, bóng nàng gãy gập, nhỏ, chập chờn
trên mặt đường đất gồ ghề.
Người lính kêu :
-
Cô về đâu? Cô sợ tôi à?
Tự dưng Thược đi chậm lại. Nàng tỏ không sợ. Ngước nhìn lên dãy núi
trước mặt, nàng quay nhìn cánh đồng hai bên đường như thể là không chú ý gì tới
tiếng kêu của người lính đi sau. Thược lại nghĩ tới ý định đem theo đứa em, giá
có đứa nào ở đây chắc là nàng không bối rối quá như thế.
Người lính nhìn nàng, cười – nụ cười tự nhiên niềm nở quá: “Cô về Mậu Lâm chắc?”
-
Không.
-
Cô lên Ngọc Đồng à?
-
Không.
Người lính lại cười – lần này thì tiếng cười anh vang lên một cách
vui mừng:
-
Không về Mậu Lâm,
không lên Ngọc Đồng, chắc là cô tìm lên rừng, lên núi?
Thược cười. Nhìn. Nàng chợt nhận thấy nét hiền hậu dễ thương trên
đôi môi cười cợt của người lính lạ. Dầu chỉ nhìn một thoáng, khuôn mặt, nụ
cười, ánh măt kia tự dưng tạo cho nàng một nỗi tin tưởng nhanh chóng đến nàng
cũng ngạc nhiên. Ở khuôn mặt, vóc dáng, lời nói của anh ta như bốc tỏa ra một
sự chân thực khác lạ, dễ gây cảm mến tin yêu nơi Thược. Nàng băn khoăn tự hỏi,
sao lại có thể dễ để lòng tin tưởng vào một người chưa hề biết mặt một lần?
Nàng nhìn. Người lính cười: “Cô thăm ai
trên ấy chứ gì?”
-
Tôi thăm ai ông hỏi
chi?
-
Tôi xin lỗi vì quá tò
mò, nhưng hỏi để quên nắng mà, nắng khó chịu quá…
Thược nhìn lơ đãng tới dãy núi Miếu phía trước, những cụm đá trắng
nổi trên màu đen sậm của cây lá dầy, ngôi mộ nằm trơ trụi bên đường phía xa,
chân bước phân vân. Nàng đã làm cho khuôn mặt người lính nóng đỏ, bộ áo quần
mốc trên người anh thêm xốc xếch, hai cây mia lắc lư trên vai anh trông nặng
nề. Họ đi bên nhau một quãng đường. Con đường nắng.
-
Quê cô ở trên đó chắc?
-
Không, ở dưới chợ.
-
Cô về thăm bà con?
-
Thăm bà con.
-
À, cô nói ở dưới chợ,
ở dưới chợ sao tôi không biết?
-
Ông làm như ai ai ông
cũng biết hết.
-
Biết chớ.
-
Quê ông ở đâu?
-
Quê tôi ở đây.
-
Tôi không nói chuyện
với ông nữa, nghe giọng nói cũng biết ông ở đâu rồi, hỏi là hỏi vậy thôi.
-
Cô giận tôi là phải,
nếu cô ở vào hoàn cảnh như tôi thì sẽ nói như tôi: Xưa nay tôi đổi tới đâu đều
cho là quê của mình. Nếu không nghĩ vậy thì buồn chịu không nổi. Giờ thì biết
tới khi nào tôi được trở lại quê nữa?
Thược quay nhìn người lính, đôi mắt có vẻ gì thương xót. Nàng nghĩ
tới nhận xét tin tưởng lúc đầu, thấy mình không hời hợt hay nghĩ sai lầm. Ở
giọng nói như lơ đãng, như buồn bã kia, Thược tìm thấy rất nhiều lòng thành. “Giờ thì biết tới khi nào tôi được trở lại
quê nữa”, Thược chợt ngước lên nhìn người lính, thật lâu. Nàng hỏi : “Ông có nhớ quê không? “.
-
Không.
-
Sao lạ vậy?
-
Tôi đã nhớ quá nhiều
rồi nên giờ không còn nhớ được nữa. Ở cái cảnh tôi mà thêm một sự nhớ thương
nào cũng khổ. Chắc cô chưa lúc nào nghĩ vậy?
-
Chưa – Thược cười. Quanh
quẩn mãi ở nhà thì làm sao biết nhớ thương gì?
-
Cô nói chuyện nghe hay
quá.
-
Ông đừng có nhạo tôi
à.
-
Không, tôi nói thiệt.
Có lẽ cô còn đi học?
-
Nghỉ học lâu rồi, ông
có nghĩ là con gái học hành chi cho nhiều không?
-
Không. Tôi chắc không
có ai nghĩ vậy đâu.
-
Có chứ, mẹ tôi nghĩ
vậy, tôi cũng nghĩ vậy nên nghỉ học, để cho hai thằng em trai học. Con trai thì
nên học hơn.
Hai người đi gần tới ngôi mộ cổ. Ngôi mộ khá lớn, xây tường bao bọc
cẩn thận, có chiếc cổng vôi dẫn vào bên trong. Cỏ cây mọc lan tràn, quạnh quẽ.
Sau lưng ngôi mộ là dãy núi Miếu đá trắng lởm chởm, cỏ cây ít màu xanh, màu
nắng ở đó trông thực chói mắt.
Người lính bỗng dừng lại, mặt hướng nhìn ngôi mộ, quan sát một cách
thích thú. Anh quay lại hỏi Thược: “Cô
biết ngôi mộ nầy của ai không?”
-
Nghe mẹ tôi nói của
dòng họ Tạ nào đó, tôi không biết nữa.
-
Chắc là giàu lắm mới
dựng được ngôi mộ thế nầy?
-
Mẹ tôi kể lại dòng họ
nầy giàu lắm, chỉ thua ông Bang Liềm một chút.
-
Sống có cái nhà, chết
có cái mồ. Được cái mồ thế này là nhất rồi phải không?
Thược bỗng thở dài:
-
Lúc còn sống thì còn
thứ nầy thứ nọ, chứ chết rồi mà cần chi nữa, cho khổ?
Người lính nhìn thực nhanh lên mặt Thược, có vẻ xúc động vì câu
Thược vừa nói. Anh nhìn lơ đãng ra cánh đồng : “Tôi cũng nghĩ như cô vậy”, rồi cung tay bẻ gãy cây mía.
-
Mời cô ăn cho vui…
-
Cám ơn, tôi không khát!
-
Đâu phải khát mới ăn,
ăn cho vui mà.
Thược đỡ khúc mía từ tay người lính, đôi mắt hơi bỡ ngỡ, và như
nàng cũng đang e ngại điều gì nữa. Người lính thản nhiên xiết từng lóng mía,
nhai ngoàm ngoàm, trông anh ta dửng dưng và sung sướng. “Ăn đi, còn một cây nữa”, người lính thúc.
-
Ông đến đây lâu chưa?
-
Gần một tháng, tới để
thay cho tiểu đoàn trước phải dời đi Pleiku.
-
Chắc ông đi lính đã
lâu rồi?
-
Cũng lâu rồi.
Thược cười ngập ngừng:
-
Đi lính khổ nhỉ
Người lính cũng
cười:
-
Khổ .
Dừng một lát, anh hỏi:
-
Cô có sợ khổ không?
Thược nhìn người lính với đôi mắt trìu mến, vui thích:
-
Mẹ tôi thường nói có khổ mới nên thân.
-
Cô ngoan ngoãn quá.
Tôi nghe cô cứ nói “mẹ tôi nói” chớ
ít khi nghe “cô nói.”
-
Tại tôi còn nhỏ –
Thược che tay lên miệng cười. Còn nhỏ phải nghe người lớn nói chớ?
-
Biết nghe lời vậy tức
là ngoan ngoãn rồi, còn gì?
Họ đã ăn hết hai cây mía, cả hai cùng muốn bước đi một lúc khi thấy
sự im lặng trở nên nặng nề. Đi được vài bước người lính thấy tiếc những giây
phút dừng lại trước ngôi mộ, nửa muốn tìm cách dừng lại một lần nữa, nửa thấy
ngại ngùng. Anh nghĩ tại sao không rủ cô gái vào nấp dưới cổng ngôi mộ một lúc
cho đỡ nắng? Được vậy, có lẽ, anh sẽ gần gũi hơn với cô ngoài những câu nói xa
xôi xa cách. Giờ thì biết còn dịp nào có thể đi trở lại đoạn đường êm ả nầy một
lần nữa?
-
Ông đi Mậu Lâm à?
Người lính chợt ngẩng lên, trước mắt anh chiếc cổng gỗ nhỏ có viết
“Ấp Mậu Lâm”, phía trên có hàng chữ
xanh viết trên nền sơn trắng “Chào Mừng
Quan Khách”. Anh cười : “À, tôi đi
Mậu Lâm”.
-
Thôi ông đi …
Thược nói vừa đứt câu, nôn nã bước lên dốc núi rẽ qua Ngọc Đồng.
Đoạn đường dốc đá trắng, nắng chói lòa, hơi nóng ngột ngạt khó chịu. Ấp Ngọc
Đồng, những căn nhà tranh trét đất nhỏ xíu, vùng đất cát cằn cỗi, những cảnh
đời lận đận, người dì góa bụa với bầy con nheo nhóc lam lũ, núi đồi bốn phía
hoang vu bất trắc; Thược cảm thấy lâng lâng buồn với những hình ảnh sắp hiện ra
trong mắt nàng. Nàng ngước lên nhìn chiếc cổng gỗ một cách vô tình : “Chào mừng Quan Khách”, nghĩ rằng có con
ma nào chịu quá bước đến đây đâu – chỉ có những người khách như nàng mới bước
qua chiếc cổng, để tìm thăm một người bà con đang khốn đốn mà thôi.
-
Có chị Thược ở nhà không Nguyên?
-
Dạ không. Chị Thược
mới đi Tuy Hòa rồi.
-
Tuy Hòa với má hả?
-
Đi với má với anh Tín.
-
Chi vậy Nguyên?
-
Chi em cũng không biết
nữa.
-
Bộ má không nói gì sao?
-
Má có nói ở nhà coi
nhà một chút má về.
Toàn nhìn lên mặt đồng hồ, một giờ mười, anh nghĩ sẽ đợi Thược cho
tới hai giờ, còn năm mươi phút nữa. Anh ngồi ở tấm phảng kê ngoài hiên, bồn
chồn nhìn ngó khắp sân nhà: Chiếc lẫm đất kín mít chứa lúa, những chậu hoa vạn
thọ, những cột rơm cao, bầy chim sẻ chập chờn, chiếc võng mắc dưới hai cây dừa,
nắng hanh vàng buồn bã. Anh ngồi dựa lưng lên vách, lấy thuốc hút, đặt cả bao
thuốc và chiếc máy quẹt Zippo lên phảng. Anh nghe rõ sự hối hả, buồn phiền mỗi
lúc một dâng lên lồng ngực nặng, đôi mắt hoa mờ, đầu óc quay cuồng những ý
tưởng nhập nhằng rối loạn. Thược đi Tuy Hòa làm gì, bao giờ mới về kịp? Nhiều
lần anh định kêu thằng Nguyên lại hỏi, nhưng cũng vừa chợt nhớ là nó cũng không
biết: “Chi em cũng không biết nữa”.
Thược với khuôn mặt bầu bầu đôn hậu, mớ tóc cột bằng một sợi dây vải hoa, những
lời lẽ né tránh tội nghiệp với câu mở đầu “mẹ
tôi nói, mẹ tôi…” trong buổi sáng đầu tiên tìm tới nhà, những quyển tiểu
thuyết của Võ Hồng, những tập báo quay ronéo cũ lúc còn đi học với những bài
thơ sầu tình, những nụ hôn bột chạc giấu giếm phía sau bờ giếng, mơ ước theo
chuyến tàu lửa đầu ngày chạy thẳng vào Nam theo chân người tình với một đứa con
tình nghĩa (…); anh nhớ lại hết thảy những hình ảnh mơ tưởng rời rạc quanh
Thược với một tâm hồn yên tĩnh, đắm chìm vào một cõi mộng mơ hồ.
Thược đã nói:
-
Em mơ hồ thấy đời em
giống như Thanh Phương trong truyện “Đôi
Ngã”, em có một tâm trạng như cô ấy: “Số
em long đong lắm. Yêu nhằm những người không thể cưới mình được. Người yêu mình
thì mình không yêu lại nổi.”
-
Không có điều gì là
chắc chắn em sẽ như vậy cả. Đừng có để cái cảm tưởng hay định kiến theo kiểu
tiểu thuyết để làm khổ đời mình. Cái số của em, theo cái tài coi tướng của anh,
thế nào rồi em cũng sung sướng.
-
Anh vin vào cái gì?
-
Cứ nhìn vào khuôn mặt,
với lại ngoan ngoãn hiền hậu như em mở miệng ra là “mẹ tôi nói, mẹ tôi dạy…” thì chắc hẳn phải sướng…
-
Thầy tướng như anh thì
kỳ cục hết chỗ nói. Ai lại vin vào mấy cái cớ mơ hồ đó mà bói?
-
Vậy mà anh còn hơn em.
Bây giờ Toàn mới thấy rõ điều mà Thược “mơ hồ thấy” trước kia, nay đã dần trở thành một sự thực: Chuyến di
chuyển đột ngột bằng trực thăng hai giờ chiều nay đã bắt đầu cho cái số long
đong, phiền muộn của nàng. Không ngờ, những gì thuộc về linh tính của đàn bà,
đều có thể xảy ra. Xảy ra thực tình cờ và gọn gàng như một cái lệnh ngắn, một
buổi chiều.
Toàn đột nhiên đứng dậy, rời phảng bước vào nhà. Căn nhà ẩm thấp
hơi tối, hai chiếc bàn thờ với ảnh hình khung gỗ phủ vài đỏ lư đèn yên tĩnh,
chiếc ghế bố gần cửa sổ bầy lộn xộn những tập báo cũ, tấm áo ngắn tay mầu xanh
sửa từ chiếc áo dài thời còn đi học đã cũ bỏ cạnh giường, bình hoa trên kệ sách
đã khô héo. Anh bước tới ngồi ở ghế bố, chỗ nằm của Thược, cầm một tập báo cũ
lên xem: Những tập báo quay renéo của những năm còn trọ học ở Tuy Hòa, những
bài thơ Thược làm với những cuộc tình buồn, mấy đoạn văn viết cho tuổi nữ sinh
thơ mộng. Tự dưng Toàn thấy tình yêu thương Thược ngập tràn trong hồn anh. Nghĩ
tới dĩ vãng xanh mộng và hiện tại cô quạnh của nàng, anh nghe tim mình se sắt,
quặn buốt. Rồi những ngày kế tiếp nàng bước tới sẽ như thế nào?
Một tấm giấy có viết bài thơ đang còn dang dở rơi xuống mặt vải
giường, Toàn cầm lên – chăm chú đọc:
“Ngồi nhìn những đốt
tay dài
Cuộc đời tẻ lạnh hai vai trắng gầy
Môi hồng nhuộm thắn
men say
Như hồn rữa nát đắng
cay tuổi đời
Tương lai không nói
nên lời
Ngàn năm giấc ngủ giữa
trời cô đơn…”
Anh xếp tờ giấy bỏ vào túi áo, đứng dậy rời khỏi cửa sổ, đi lững
thững ra phía sau vườn, đi quanh thềm giếng rộng, ngước nhìn những tổ chim sẻ
treo lủng lẳng trên cành tre, nhìn ngó vu vơ ra cánh đồng bên kia hàng rào, đầu
óc miên man nhớ Thược quay quắt: Thược của buổi trưa bên ngôi mộ cổ với hai cây
mía xa lạ kín đáo, Thược của buổi sáng đầu tiên gặp lại bỡ ngỡ sợ hãi, Thược
của những lần riêng rẽ sau bờ giếng nồng nàn, Thược của những nụ hôn sôi nổi
nhưng ngậm ngùi, Thược của hy vọng một ngày nào theo chuyến xe lửa vào Nam (…)
Thược bây giờ sao chưa thấy về?
Toàn vội vã trở vào nhà - Anh lấy một tờ giấy trong vở học của
Nguyên viết cho Thược một cái thư. Chỉ còn cách đó. Đã hai giờ mười phút.
“Bạch Thược yêu dấu,
Có lẽ em sẽ buồn khi
nghe anh báo tin này: Anh phải rời xa đây ngay buổi chiều hôm nay. Đó là một sự
tình cờ đã khiến anh khổ sở, Anh đã nói với em hôm gặp trên đường đi Mậu Lâm
rằng ở cái cảnh anh mà thêm một sự nhớ thương nào cũng khổ. Bây giờ phần anh,
anh đã nhận sự khổ đau này như một an ủi để luôn luôn nhớ tưởng em dầu ở phương
trời nào. Còn em, điều anh muốn nhắn nhủ sau cùng là em đừng để cái định kiến
long đong hay buồn bã gì đó của Thanh Phương làm em buồn rầu, khổ sở thêm. Hãy
để cho sự đau khổ nung nấu thành sự hy vọng, và hãy coi sự xa cách là để bắt
đầu cho một ngày nào gần gũi tha thiết. Cũng sẽ có một ngày nào xe lửa khởi
hành. Xa anh, em hãy cứ viết những bài thơ gửi cho anh đọc như bài thơ anh vừa
đọc được chiều nay. Đó là một cách bày tỏ, an ủi nồng nàn để em không còn thấy
rằng chuyến ra đi của anh là biền biệt. Anh sẽ trở lại, một ngày nào, em hãy cứ
tin như vậy. Anh muốn em có nhiều niềm tin tưởng hơn là sự buồn phiền. Em có
nghe anh?
Gấp gáp quá, Bạch
Thược yêu dấu, anh chưa thể nói hết cùng em nỗi lòng anh trong giờ phút xáo
trộn đột ngột nầy. Anh sẽ viết tiếp cho em những cánh thư, những cánh thư dài
đầy ánh nắng của con đường đi Mậu Lâm, Ngọc Đồng; những ánh mắt nụ cười ngây
ngất, và những nụ hôn kỳ cục nhưng quá hân hoan sau bờ giếng. Cho anh gởi lời
từ giã má, Tín và Nguyên. Lần chót: Mong em buồn nhưng đừng bao giờ thất vọng.”
Toàn xếp thư, gọi Nguyên vào dặn: “Chị Thược về, em đưa cho chị Thược cái thư nầy giùm anh, nghe chưa?” – Nguyên
hỏi lại:
-
Đưa cho chị Thược à?
-
Cho Chị Thược.
-
Có nói gì nữa không?
-
Thôi, khỏi nói gì nữa,
có dặn cũng dài dòng em không nhớ hết đâu.
-
Em nhớ mà.
-
Biết rồi, thôi anh đi
nghe Nguyên, em ở lại mạnh giỏi.
Ra khỏi vuông sân, chợt anh hối hả chạy vào trong nhà. Anh đi thẳng
tới chiếc giường bố cạnh cửa sổ. Anh cầm tấm áo ngắn tay mầu xanh của Thược
lên, vội vàng xếp bỏ vào trong túi quần. Quay đi…
Tuy Hòa, tháng 6 năm 1970
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét