Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

PHIẾM CHỮ NGHĨA MÀ CHƠI

VĂN HÓA ĐẶT TÊN.

Thái Quốc Mưu

Người Tàu, xưa nay rất tôn trọng cái tên, trước khi sanh con, họ đã soạn sẵn một cái tên “rất ngầu”. Thậm chí, có những kẻ, soạn sẵn những cái tên cho con cháu đời sau, bằng một danh sách dài lê thê hằng… cây số. Và, dặn con cháu cứ thế tiếp tục mà đặt tên con cháu. Nhờ đó, người trong dòng tộc ấy, khi nghe cái tên đó, biết ngay kẻ ấy thuộc thế hệ thứ mấy của dòng tộc mình. Các triều đại vua chúa nước ta, không thấy sử sách nào viết lại truyền thống như vậy, ngoại trừ triều Nguyễn Gia Long cận đại.

Chính vì thế, người Tàu có một câu nói, “rất dễ mất lòng nhau”. Xin viết ra để chứng minh, không hề ám chỉ ai cả. Trường hợp có trùng hợp đến vị nào là ngoài ý muốn của người viết. Xin lượng tình tha thứ. Nguyên văn lời nói như sau:


Xin phiên âm chữ Việt bằng âm tiếng Quan Thoại:

Câu trên: “Quò thinh nị tơ mỉnh chư quò khở dì tùng ni tơ ba bà”
(Khi nói “ba bà” (nghĩa là Cha), nếu theo cách viết trong văn chương thì dùng “phu chin” (là, phụ thân)
Tạm dịch: “Nghe tên họ của ông tôi biết (kiến thức) cha của ông như thế nào!”

Câu giữa:
“Thinh nị ba bà tơ mỉnh chư quỏ tùng nị yẻ yè tơ quẻn hoa.
(wẻn hoa= văn hóa học vấn) CÒN, chữ quò là tôi nhưng khi đứng kế một tiếng cùng âm dấu huyền thì đổi giọng thành quỏ)
Tạm dịch: “Nghe tên cha của ông, tôi biết được học vấn của ông nội của ông ra sao!

Câu dưới: “Rủ cò nị chèng cậy quò nị yẻ yè đợ xiòng mỉnh sing chư quò khở dì tùng nỉ shầu shen shu sẩn mơ?”
Tạm dịch: “Nếu như ông nói tên anh em của ông nội ông, tôi sẽ biết dòng tộc ông như thế nào!

Sau đây là một vài chuyện “chẳng khó tin chút nào”.

Khi đi thanh tra Các Dự Án Thuộc Chương Trình Tự Túc Phát Triển, ở một xã thuộc Quận Xuân Lộc, Long Khánh, tôi biết ở địa phương đó có một vị đặt tên cho 4 đứa con trai theo thứ tự như vầy: Cặc, Sết, Cà, Bắp. Nhờ đặt tên con đặc biệt như vậy, nên ông “rất nổi tiếng”. Hỏi đến ông, ai cũng biết!

Một người bạn láng giếng của vợ tôi, ở Phường 25, Quận Bình Thạnh, gần Thanh Đa, đặt tên con: Tèo, Tẻo, Tẹo, Téo. May mà ông ấy không đặt, Đèo, Đẻo, Đẹo,… éo.

Lúc làm Quyền Chủ Sự Phòng Nhân Viên Chánh Ngạch, Tòa Hành Chánh Long Khánh, khi duyệt lại hồ sơ thăng ngạch trật cho nhân viên của Sở Học Chánh (hậu thân của hai Ty Trung Học và Tiểu Học), trước khi trình Tỉnh Trưởng duyệt ký, để gởi về Trung Ương phê chuẩn, tôi xét hồ sơ cá nhân của một vị giáo viên có khai sanh, như sau:

Họ và ten dua tre: HO BAY.
Ho ten Cha: HO CAC.
Ho ten Me: NGUYEN THI LON
(khai sanh trích lục thời máy chữ chưa có dấu).

Tôi liền gọi vị ấy đến để xác nhận rõ lý lịch. Vị ấy đáp CAC là…, LON là… “LỜ” (“Lờ” là chữ của cụ Trần Văn Hương, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa)

(Thời trai trẻ hai ông bà gặp nhau, ráp lại thành vợ chồng sao mà hay thế? Có những sự ngẫu nhiên thật là lùng!)

Tôi đề nghị, hay là để tôi bỏ thêm dấu cho CAC là CÁC, LON là LỚN thầy chịu không? (Khai Sanh thời máy không dấu vẫn hay bỏ dấu bằng bút mực) Vị ấy đáp, “Nếu thầy chỉnh được tôi rất biết ơn. Nhưng còn sổ bộ (chữ viết tay, tức là có để dấu hẳn hoi) và còn căn cước của tôi thì người ta viết đúng chữ rồi thì làm sao?” Tôi nói:

Trước hết, thầy về địa phương xin trích lục khai sanh, khi làm đơn, thầy kèm theo bản chánh mình đã bỏ dấu nầy, bây giờ, máy đánh chữ có dấu, người ta sẽ căn cứ vào bản chánh nầy, mà đánh lại bản mới có bỏ dấu đàng hoàng, tôi biết chắc chắn có bản chánh trích lục nầy kèm theo đơn họ không hề lục lại sổ bộ, điều nầy tôi rành lắm, thầy đừng lo. Sau khi có bản trích lục khai sanh mới, thầy làm đơn, đến nơi cấp thẻ căn cước, xin họ điều chỉnh lại, rất dễ dàng.

Thế là, ông thầy giáo đó, toại nguyện. Còn tôi thì được một chầu “ăn không nhậu”. (cười)

Hồi ở bậc tiểu học, tôi có thằng bạn tên Lê Văn CHƠI. Giờ ra chơi, ngoài trò đánh đáo, bắn bi,… còn trai gái cùng nhảy dây, nó nhảy hay lắm, mấy trò gái đứa nào cũng giành bắt bồ với nó: “Ra chơi, mầy chơi với tao nha Chơi!”, nó ừ hử, nhưng do tính ba xạo, láu cá, giờ chơi nó lại chơi (với) đứa khác. Giờ tan học, trên đường về, trò gái kia bực tức trách, “Hồi nãy, tao biểu mầy chơi (với) tao mà mầy chơi (với) nó!”

Sau nầy lớn lên, vào Trung Học, chẳng biết nghĩ sao, nó “chế biến” tên nó thành thằng “Lợi Chơi”, giờ ra chơi bọn học sinh trai vốn “nhất quỷ nhì ma, thứ ba…” mà, bèn chọc, “Ê, Lợi Chơi, con nhỏ “A” nó kêu mầy “lợi chơi” kìa!”

Sau nầy nó bỏ học, đi vô rừng và chết trong đó. Chẳng biết thời thanh niên, gặp lại những nữ sinh thời Trung Học, có cô nào dám gọi nó “Lợi Chơi” không? (cười)

Qua mấy câu chuyện trên, có lẽ có vài vị rất “tức cái mình”, song chẳng phải chuyện bịa, mà là chuyện thật 100%. Những người đặt tên con như thế thì… “giết” cả cuộc đời con cái mình. Khi giao tiếp với ai, đối tượng rất ngại gọi tên của họ. Nhất là khi trực diện với những “bông hoa biết nói.”

Do chú trọng đến đặt tên con, người Hoa mới “sáng tạo” những câu nói trên. Nghe có vẻ khó chịu, nhưng có lẽ khá chính xác. Xin minh chứng, “người thật, việc thật”, “ai xạo chết liền!”

Thân phụ của vợ tôi bây giờ, là anh em con nhà cô nhà cậu với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Ông Nội của vợ tôi chắc chắn kiến thức không bằng Thân phụ của Tướng Ngô Quang Trưởng. Bởi, tất cả, các con của Ông Nội vợ tôi đều là Tống văn… hay Tống thị… Trong khi người chị của Ông Nội vợ tôi là vợ Thân phụ của Trung Tướng Trưởng là một ông Hội Đồng (gọi là Hội Đồng Sáu (nhóm Cty. Savon Trương Văn Bền, bên hông chợ Kim Biên, Chợ Lớn), các con của ông đều có chữ lót ngon lành.

Giả sử, một người có tên Nguyễn văn Ổi, mà có vợ tên Tô Bích Lan, thì chắc chắn phụ mẫu ông Ổi, không thể nào có kiến thức bằng Cha, Mẹ bà Bích Lan. Ông Ổi lấy được bà Bích Lan, chẳng qua sau nầy nhờ sự tiến thân của ông ta.

Có những cái tên rất dễ bị người khác đặt trùng lập, như: Hùng, Dũng, An, Bình, Lan, Cúc, Hoa, Ngọc, Châu, Hường, Diễm… Nếu tránh được ta nên tránh. Hãy cố nghĩ ra một cái tên, để nó trở thành cái tên độc nhất vô nhị. Chẳng hạng, như Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Nhật Thăng…Cũng nên tránh những cái tên, có mẫu tự mà khi lập danh sách thì tên nó “đội sổ”, như Vũ, Vinh, Xuân, Xinh,…

Có lần tôi đến nhà Nhà thơ Hà Trung Yên chơi và để “trắc nghiệm” mấy câu nói của người Hoa dẫn trên. Trước khi vào đề tôi bèn đem chuyện văn thơ ra nói một hồi cho “nóng máy”. Sau đó, bất chợt tôi hỏi: “Ông Cụ thân sinh anh, là một vị Đồ nho đúng không?” Nhà thơ Hà Trung Yên cười nói: “Đúng vậy, thuở nhỏ, tôi luôn mài mực và căng vải để Bố tôi viết câu đối. Nhưng sao anh biết?” Tôi thuật lại mấy câu nói nêu trên mà tôi đã đọc được. Nhà văn Lê Nhật Thăng (Nhà thơ Hà Trung Yên) tâm đắc, gật đầu. Tôi tiếp, “Chẳng hạng, khi mới quen nhà văn kia, tôi chẳng biết gia thế ông ta giàu nghèo ra sao, nhưng nghe tên ông, tôi chắc chắn thân phụ ông ấy là người có kiến thức”. Nhà thơ Lê Nhật Thăng gật đầu, tôi tiếp, “Bởi vì một người không có kiến thức thì không thể nào đặt tên con của mình như vậy!”

Giới chóp bu Cộng sản Tàu, thân phụ Lâm Bưu kiến thức không thể bằng thân phụ của Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Diệp Kiếm Anh, Châu Ân Lai… Những vị vua chúa của dân tộc ta như Lê Lợi, Nguyễn Huệ xuất thân từ giới bình dân, nên thân sinh của những vị ấy không tìm được cho con mình một tên lót “gồ ghề”… Còn Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Giư,… chỉ là bậc tôi thần nhưng xuất thân thân từ nơi có học vấn, giàu kiến thức nên tên lót của họ nghe rất “quạu”.

Thời nay, thân sinh của quý vị như, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Bộ Trưởng Bùi Văn Lương,… không thể có kiến thức nhiều, trong khi cụ Phan Khắc Sửu, Phạm Đăng Lâm, Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì ngược lại.

Chuyện dễ hiểu, bởi do kém kiến thức không thể tìm ra chữ để đặt tên cho con cái mình.

Người Hoa, có cái hay và cũng có cái dở. Phụ nữ sinh ra từ giới bình dân thường không có tên, mà chỉ có họ kèm theo chữ “thị” mà thôi, ví dụ: Tô thị, Lương thị, La thị,… Giới tỳ nữ, nô tỳ, gia nhân, hầu như gần hết đều mang tên Thể Vân, Thể Hà,… Đó chỉ là những cái tên do chủ nhân của họ đặt để gọi họ cho thích hợp với những nhà quyền thế mà thôi.

Trong khi giới bình dân ít học như vậy, thì giới có kiến thức đặt tên cho con gái rất “thơm”. Chẳng hạn như: Anh Thư, Lan Đài, Cát Dung, Tinh Hoa,… còn trong nước hiện nay có nàng Thục Vy rất đởm lược, chí khí can trường. Rất đáng cho mọi người ngưỡng mộ. Thân phụ Thục Vy không thể là kẻ ít học.

Thường thì nam lấy chữ lót là “Văn”, nữ dùng chữ “Thị”, nhưng lịch sử Tàu có hai người phụ nữ lót chữ “văn”. Nàng Văn Khương và nàng Trác Văn Quân. Sự lạ lẫm ấy khiến cho cuộc đời hai nàng vào thời đó cũng không kém, “chẳng giống ai”.

Nàng Văn Khương, người nước Tề, thời Chiến Quốc (Đông Chu Liệt Quốc), nổi tiếng dâm đãng, loạn luân.

Trác Văn Quân, con của phú ông (viên ngoại) Trác Vương Tôn, người Thành Đô, sắc nước hương trời, giỏi cầm kỳ thi họa, mười bảy tuổi bị góa chồng. Thờ chồng được nửa năm, một hôm đang ngồi trên vọng lầu nghe Tư Mã Tương Như (hiệu Tràng Khanh) gẩy Khúc Phượng Cầu Hoàng, sanh tương tư. Hai người yêu nhau, Trác Văn Quân say đắm tiếng đàn của Tư Mã, không nghe lời khuyên của Trác Ông, bỏ gia đình trốn theo tình nhân, lang bạc khắp nơi. Đến khi Hán Vũ Đế nghe tiếng Tương Như bèn vời về triều trọng dụng. Trong lịch sử yêu đương của Tàu, có lẽ Trác Văn Quân là người phụ nữ đầu tiên “làm cuộc cách mạng” bỏ nhà theo trai.

Cũng như việc đặt tên con, người Hoa rất quan trọng trong việc viết và giữ gìn gia phả. Người Việt ta dường như ít chú trọng đến việc nầy. Cho nên, khi đối diện với một người cùng máu mủ lâu gặp, người ta phải giới thiệu với con cháu, đại khái: “Ông cụ đây là con của người anh ông Nội của Cha con, con phải gọi ông bằng… bằng…” Người nghe, nghe là nghe vậy, mà chẳng biết vai vế thế nào, cứ dạ lia, dạ lịa, song chẳng hiểu gì hết (cười). Trong khi có gia phả chỉ cần lật ra là biết ngay vai vế của người ấy đối với mình ra sao?

Những vị có cái tên như, Mít, Xoài, Ổi, Ghe, Bướm,… mà “Nổ cho xôm trò”, “gia thế tôi như thế nầy, thế nầy,… Cha tôi từng là như vầy, như vầy,… người nghe mà “tin chết liền”.

Chính cái tên tự nó “tố cáo” gia thế của mình, chẳng phải là vô lý. Cho nên đừng dại dột mà làm “Bom”, hay “làm lựu đạn… sét”. Xã hội, người khôn thì nhiều còn dại như kẻ viết bài nầy… ít lắm!

Còn người Cha có tên thiếu “oanh liệt” may gặp thời, có chút kiến thức, có chút danh vị trong xã hội, khi họ lập gia đình, có con, thì cái tên của con cái họ chắc chắn sẽ “đơm hoa, nở nhụy” đẹp tươi như cây cỏ mùa Xuân.

Dân Tàu phù, tuy hay xâm lăng, cướp nước láng giềng, nhưng vấn đề “bói toán” qua hình thức “nghe tên, biết người” cũng… hay, vui.

Sau khi “đi tu huyền” về, nghèo không có cơn ăn, không thể nhìn đàn con chịu đói khát, tôi bỏ nhà lên Sàigòn “bán nước” ở bến xe Miền Đông, một hôm có ả bụi đời thấy ông nhà quê lên Sè-gòn mà mặc bộ Pijama màu cà phê sữa, cô ta “phán”, “Thấy mặt biết địa chỉ liền!” Ý cô ta miệt thị người dân quê đó! Nghe cô ta nói thế, người viết “ngứa miệng” bốp chát liền, “Còn tôi thì chỉ nghe cô nói, là tôi biết địa chỉ của cô ngay”. Nó liền chửi tôi, “đồ thằng cha mất dại” rồi ngoe nguẩy bỏ đi.

Có lần về Việt Nam, tôi la cà hàng trái cây phía sau chợ Sàigòn, trên đường Lê Thánh Tôn, định mua một ít trái cây đem về khách sạn. Trong khi đang lựa, thì thấy một nữ Việt Kiều trạc bốn mươi, đến sau, đứng gần tôi, chỉ trái mãng cầu ta (người Bắc gọi trái Na) hỏi cô bán hàng giọng lơ lớ, “Quách ít địt? Quách ít địt” (What is this? What is this?). Nghe cô ta phát âm, tôi nghĩ thầm, “con mẹ nầy đến Mỹ chưa lâu mà muốn “nổ” cho mọi người thấy ta là “Việt kiều hồi hộp”, “Việt gian có dòng” quên tiếng mẹ đẻ”.

Vốn chúa ghét hạng người đó, nên tôi nói với cô bán hàng, “Cháu nói với nó là trái đĩ mẹ mầy!” (Hi!) Nàng Việt kiều lập tức giận dữ, mặt đỏ như xôi gấc, quay sang tôi chửi liền, “Ông nói gì? Ông nói gì? Thằng già khốn nạn?”

Tôi cười, đáp, “À, té ra con ngựa nầy là người Việt, mà nãy giờ tao cứ tưởng mầy là con quỷ đến từ hành tinh nào chớ không phải người Việt tụi tao”. Tôi rõ là Vân Tiên thời nay, “Gặp chuyện bất bình không tha!” (Hi!)

Mấy anh chạy xe ôm đậu gần đó, nghe “chửi nhau” đến bu quanh từ trước và mấy người bán hàng nghe tôi “chửi đúng”, họ cười như ong vỡ tổ. Nàng Việt Kiều thấy quê bỏ đi mất. Tôi – kẻ viết bài nầy đúng là thứ dân trời ơi, đất hỡi! (cười). Lưu manh số một! (Hi!)

Sau cùng, xin thưa, Phiếm là thể loại văn “như thật, như đùa”, chẳng đâu vào đâu. Người viết thuộc hệ “ông lên bà xuống”, nói chuyện trên trời dưới đất, nước người nước ta, chuyện ta chuyện người,… Đúng là loại “Bà Tám” tán ra tán vào, xin quý độc giả, đọc để mua vui, đừng quan tâm bận dạ… làm chi. Nói trước, ai buồn bị cọp… rượt. Ráng chịu!

Tuy nhiên, có điều chắc chắn là người viết hy vọng. Rất hy vọng! giới trẻ bây giờ, có đọc bài nầy khi sanh con nên chọn, đặt tên đứa bé như thế nào để khi lớn lên nó hãnh diện với đời mà không ngượng ngùng khi mọi người gọi đến tên nó.

Atlanta, Jan. 6, 2015
Thái Quốc Mưu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét