Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

PHIẾM CHỮ NGHĨA MÀ CHƠI

NÓI VỀ, MỘT BÀI KỆ CỦA PHẬT GIÁO

Thái Quốc Mưu

Trước hết, người viết xin nói về chữ “Kệ”. KỆ là gì? Theo Từ Điển của Thiều Chửu: trang 27, cột phải, từ dưới lên, nằm bên trên chữ chữ Vĩ. “Kệ là bài thơ của Phật”. Như vậy bài thơ nào của Phật viết, giảng hoặc nói về cách sống đạo đều gọi là Kệ.

Còn Từ Điển Tiếng Việt, ở trang 467, cột phải, dòng cuối cùng, giải nghĩa chữ Kệ: “d. Bài văn vần, giảng giải một đoạn kinh”. SAI!

Như vậy, ta tin ai? Tất nhiên dùng Hán tự phải theo giảng giải theo Từ Điển Hán Văn.

Giảng nghĩa như Từ Điển Tiếng Việt, thì trớt lớt. Chứng minh, bài Kệ sau đây không phải là bài văn vần để giảng giải một đọan kinh. Vì, đó chính là bài thơ của Đức Phật Thích Ca, khi Ngài mới chào đời, một tay chỉ Trời, một tay chỉ Đất, ứng khẫu, đọc:

“Thiên thượng, thiên hạ,
duy ngã độc tôn,
nhất thiết thế gian,
sinh lão bệnh tử”

Một em sinh viên, hỏi Tạp Chí Giác Ngộ hai câu đầu của bài Kệ trên, rồi em kết thúc: “Đức Phật có nói “câu gì” (ám chỉ câu “Duy Ngã độc tôn”) nghe có vẻ như tự cao quá!”

Và em được Ban Tư Vấn, Tạp Chí Giác Ngộ, gỉải thích như sau (trích):

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn (trên trời, dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả”(ngưng trích)

Giải như vậy, nếu đúng, thì Phật không còn là Phật nữa.

Trích tiếp: “Con người “tối linh ư vạn vật”. Bởi chỉ có con người mới có thể có đầy đủ tình cảm, trí tuệ và ý chí (Bi, Trí, Dũng). Chỉ có con người mới có khả năng siêu việt mọi ràng buộc, vượt thoát mọi thống khổ, dục vọng và khoái lạc để tự trở thành “đóa sen” bất nhiễm tinh khôi một khi quyết chí xuất trần thượng sĩ, thung dung trên bước đường tu đạo Thất Bồ đề phần. Thái tử Tất Đạt đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh những cái ta còn đang ngủ quên miên man trong giấc trần tục, hãy nhìn lại giá trị đáng tôn xưng vào bậc nhất mà ngay cả cõi trời (thiên thượng) hay súc sanh (thiên hạ), không chúng sanh nào có được.(ngưng trích)

Giảng giải lòng vòng, khó hiểu! Và trật lất, lại còn chấm phẩy sai, khiến có chỗ câu văn mất nghĩa. Cụ thể câu: “Chỉ có con người mới có khả năng siêu việt mọi ràng buộc, vượt thoát mọi thống khổ, dục vọng và khoái lạc… (Hai từ SIÊU VIỆT, dùng để chỉ tài năng vượt trên mọi tài năng bình thường khác. Dùng “siêu việt mọi ràng buộc thì không chính xác). (Và), để tự trở thành “đóa sen” bất nhiễm tinh khôi một khi quyết chí xuất trần”. (Sau hai chữ Bất Nhiễm không bỏ dấu phẩy, khiến câu văn trở thành “Chẳng nhiễm sự tinh khôi” đồng nghĩa với nhiễm hoặc giữ lấy sự xấu xa, thế thì trở thành hoặc thành “đóa sen” để làm gì? Phải viết BẤT NHIỄM, (phẩy) TINH KHÔI mới đúng! Như vậy mới không ô nhiễm bởi những thứ xấu xa tầm thường để trở thành tinh khiết, tốt đẹp (Tinh Khôi). Và, nếu nói BẤT NHIỄM thì phải nói rõ bất nhiễm thứ gì? Cái gì? Nữa chứ!

Phần khác, giảng giải TRỜI là thiên thượng, còn SÚC SANH là thiên hạ. Như vậy, xin đặt câu hỏi, “Thế thì, những vị giảng giải bài Kệ cho em sinh viên đó đều là Súc Sinh. Đúng không?”

Súc sanh là muôn thú. Thiên hạ nghĩa là DƯỚI TRỜI, tức trần gian nơi có vạn vật, muôn loài. Nếu dịch Thiên Thượng là Trời, thì phải dịch Thiên hạ là nơi có vạn vật muôn loài, mới chính xác. Còn dịch Thiên Hạ là SÚC SANH thì... Đúng là đồ điên!

Tạp chí Giác Ngộ có nghĩa là Tạp Chí Phật Giáo, có cả Ban Tư Vấn để trả lời độc giả, mà viết như thế, chẳng khác nào phá đạo, làm sai lệch ý nghĩa cao đẹp của Phật giáo.

Còn, trên trang nguoiphattu.com: Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng giải về câu “Duy ngã độc tôn”, như sau:

“Nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy, thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã.

Giảng như thế, chứng tỏ ông hòa thượng Thích Thanh Từ, chẳng biết tí xíu Hán Văn, đã giảng giải SAI mà còn LÁO!

Sai ở câu: “Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết”.

SAI vì Phật có Cha, Mẹ đàng hoàng, Ngài là một Thái tử. Ngài được SANH ra đời, cũng lớn dần lên, nghĩa sẽ già, rồi cũng chết. Ngài đã Tịch. Tịch nghĩa là chết như tất cả mọi người, mà bịa Ngài vượt khỏi sanh tử là hết sức bậy. Bậy vô cùng!

Còn LÁO thì LÁO ở câu, “Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy”. Nguyên thủy có nghĩa là khởi đầu, bắt đầu. Vậy CÁI HƠN tinh thần nguyên thủy thì HƠN tinh thần gì? Sao không nói rõ? Không nói rõ là vì BỊA và LÁO!

Khi tu sĩ Thích Hải Chánh ở chùa Viên Thông (ở Atlanta, USA), một hôm chùa có đại lễ, mời tôi đến dự - Hôm ấy, tu sĩ Hải Chánh, đem bài kệ “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn…” ra giảng cho tín đồ cùng quan khách nghe.

Thích Hải Chánh, giảng vòng do, chẳng đâu ra đâu, cứ cái ngã như thế nầy, cái ngã như thế khác,… mà không đào sâu vấn đề, lại còn ngụy biện, Ngã trong lời kệ không phải là TA.

Trong khi, chữ Ngã trong “Duy Ngã Độc Tôn”, trong Tự Điển của Triều Chửu, Khang Hy Từ Thư, Thiền Thanh Tập Cổ Tự,…) định nghĩa là “Ta”, “Chúng ta”. Ngoài ra, không còn nghĩa nào khác.

Đối với những tín đồ (hay giáo dân) kém hiểu biết, thường xem lời giảng của những vị lãnh đạo tôn giáo của họ đều là “nhả ngọc phun châu”, nghe những gì các ông ấy nói đều cho là chính xác cả. Thế nên, khi ra ngoài, họ thường dẫn lời của Thầy (hay của Cha) ra để chứng minh lời nói của mình.

Họ không biết, trên đời nầy, chẳng ai không bị sai lầm và, không ai có thể biết hết tất cả. Sự tôn vinh quý vị lãnh đạo tinh thần thái quá, vô cùng nguy hiểm, gây tác hại sai lầm không chỉ một mà rất nhiều người.

Thực ra, chữ Ngã trong câu, “Duy Ngã độc tôn” NGÃ nghĩa là TA. Nhưng chữ TA ở đây từ số ít đã chuyển thể thành số nhiều CHÚNG TA.

Trong ngôn ngữ Việt, có nhiều chữ từ số ít chuyển thể thành số nhiều. Chẳng hạn, chữ Mình, khi ai đó tự xưng “Mình” là số ít, nhưng nói cùng trong một nhóm, “Mình đi” thì Mình chuyển thể thành số nhiều, có nghĩa, “Chúng mình đi”, “Tụi mình cùng đi”.

Cho nên, cái TA trong lời Kệ không đáng ghét chút nào! Bởi, khi Đức Phật Đản sinh Ngài thấy chúng sinh thường vướng vào CÁI TÔI NGẠO MẠN, xem CÁI TA quá lớn. Ngài mới ứng khẩu, đọc lời kệ ấy. Tiếng hay Chữ NGÃ, Đức Phật không nói Cái Ta của Ngài, mà nói CHÚNG TA, đó là một cách nói vừa hòa nhập, vừa gần gũi thân thiện của Đấng Chí Tôn (nghĩ theo Phật Giáo) đối với mọi người.

Chữ hay tiếng TA tức là CHÚNG TA. Giống như TA (chúng ta) thường nói, “Ta đi”, “Ta làm” thì tất cả những người hiện hữu nơi đó cùng đi, cùng làm.

Do CÁI TA ngạo mạn, CÁI TÔI quá lớn, khiến con người bị cản trở trên đường tu tập. Cho nên, “Nhất thiết thế gian” (tất cả hay hoàn toàn, hầu hết mọi người) đều bị “Sinh Lão Bệnh Tử” (Sinh ra, lớn lên rồi già, bị bệnh tật rồi cuối cùng phải chết). Không một ai tránh khỏi! Trong đó có cả NGÀI (Đức Phật).

Vì vậy, muốn tránh được những khổ ải tự nhiên của cuộc đời, Phật khuyên mọi người (chứ không phải môn đệ, vì khi Phật mới Giáng sinh, chưa có Phật Giáo) phải tu tập, luyện mình, tạo dựng cho mình đời sống tốt đẹp, cho tinh thần sảng khoái, lương tâm không bị dằn vặt với những sai lầm trong cuộc sống để thành Phật. Và Phật chẳng ở đâu xa, mà ở ngay trong cái TÂM của mọi người.

Tác hại gây nguy hiểm nhất cho tín đồ, giáo dân, tín hữu,… của các tôn giáo ở điểm, những ông lãnh đạo tinh thần học chưa đến nơi đến chốn, không được đào luyện vững vàng, đến khi họ giảng, thường mắc phải nhiều sai lầm đáng tiếc! Buồn thay!

Cuối cùng, xin nói một câu, “Ở đời chẳng ai giỏi hơn ai, nếu chịu khó đọc, chịu khó học đến nơi đến chốn. Và, điều gì chưa nắm vững thì đừng đem ra lòe bịp, giảng dạy trước mọi người!” Nguy lắm!

Atlanta, 2015
Thái Quốc Mưu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét