Thanh
Ngọc
Hằng năm, cứ mỗi độ hè đến
thời tiết xứ Huế nóng dần lên và tiếng ve rền vang như có giờ hẹn vào mỗi ngày:
sáng, trưa, chiều. Những cánh phượng đỏ thắm bắt đầu thi nhau nở rộ trong các
sân trường; bên dòng Hương Giang và trên những con đường trong thành phố. Học
trò vội vã viết cho nhau những dòng lưu bút chia tay kèm những cánh phượng ép
vào trang giấy. Học sinh ở các lớp cuối cấp lo tất bật ôn bài để chuẩn bị cho
các kỳ thi. Bởi thế nên Mùa hè còn được giới học sinh gọi là Mùa phượng; Mùa chia
tay; Mùa thi.
Thời ấy, để hoàn thành bậc trung học, học
sinh phải qua các cửa ải chẳng chút dễ dàng. Học xong 4 năm phải thi Trung học
đệ nhất cấp (Diphome) mới được vào học lớp Đệ Tam. Học xong Đệ Nhị (lớp 11)
phải dự kỳ thi Tú tài 1 (Part un). Trúng tuyển Tú tài 1 xong, một số nghỉ học
và với tấm bằng đó họ cũng có thể thi vào các trường chuyên môn để có việc làm
sớm. Còn ai muốn tiến xa hơn thì sẽ học tiếp Đệ Nhất (lớp 12) để cuối năm học
dự tiếp kỳ thi Tú tài 2 (Part deux). Và khi bước qua cửa ải cuối cùng đó, học
sinh mới có thể bước vào ngưỡng cửa các trường đại học.
Cùng với sự xôn xao của sĩ tử, phần lớn thầy cô giáo
sau khi hoàn tất công tác giảng dạy một năm cũng rộn ràng tham gia công tác
giám thị, giám khảo. Đây cũng là cơ hội để họ được đi đây đi đó và đôi khi cũng
có một vài kỷ niệm không bao giờ quên. Mùa thi năm 1964, hắn cũng có mặt trong
tập thể thầy cô coi thi đó.
Khi tham gia Hội đồng thi Tú tài II tại trường
Trung học Đồng Khánh - ngôi trường dành
cho nữ sinh nổi tiếng của thành phố Huế - một điều bất ngờ chợt đến với hắn và
âm thầm theo hắn suốt cuộc đời như là kỷ niệm đẹp nằm yên trong một góc ký ức
tâm tưởng. Vì là dân Huế nên hắn đã quá quen thuộc với vị trí cảnh quan ngôi
trường nầy rồi. Hơn nữa thời trung học, hắn đã từng làm thí sinh qua các kỳ thi
Trung học Đệ nhất cấp và Tú tài tại đây. Nhưng lần nầy hắn trở lại trường trên
một cương vị mới: giám thị. Nhìn hằng trăm thí sinh rộn ràng vào trường thi hắn
chợt thấy đó là bóng dáng của mình bao năm trước. Đó là một ngày trọng đại cho
bao năm đèm sách, là hướng mở hay đóng cho tương lại nên khuôn mặt nào cũng
đượm nét hồi hộp, âu lo.
Trong ba ngày thi, một buổi hắn vào phòng coi thi số
17 nằm ở tầng dưới dãy lầu phía đông của trường - nơi dành cho thí sinh ban C
(ban Văn chương). Ở vị trí coi thi, hắn làm công việc của giám thị một cách
nghiêm trang. Khi gọi thí sinh vào phòng thi, hắn kiểm tra thẻ học sinh một
cách cẩn thận. Hắn lặng lẽ dò xét đối chiếu từng khuôn mặt thí sinh với ảnh
trong thẻ. Từng người, từng người… lặng lẽ bước vào. Thí sinh phòng này toàn là
nữ có tên bắt đầu bằng vần M và N. Dãy bàn thứ nhất bắt đầu với tên Diệm My -
một cô gái con nhà khuê các xứ Huế đẹp
như tranh tố nữ. Rồi các nữ thí sinh khác, mỗi người một vẻ. Dù là nét ngây thơ
ngơ ngác đến nét đài trang yểu điệu hay mộc mạc tự nhiên thì các cô nữ sinh ấy vẫn toát ra một sức sống
thanh xuân như những đóa hoa trong nắng sớm.
Bất chợt ánh mắt đầy vẻ dò xét của giám
thị phòng thi dừng lại ở thí sinh có vị trí cuối ở dãy bàn đầu tiên có tên là
T.T. Diệu Minh. Cô bé ngẫng đầu, nghiêng mặt nhìn hắn khi được gọi tên. Cô bé
không có dáng vẻ thơ dại với làn da trắng ngà như Diệm My mà lại có làn da ngăm
đen. Cô cũng chả có mái tóc thề mượt mà thả dài ngang lưng mà là những cọng tóc
uốn dợn sóng như ngập ngừng quanh bờ vai thon thả. Nhưng trên tất cả, có lẽ
chính đôi mắt biết cười ánh lên sự tinh nghịch nửa như mời gọi, nửa như thách
đố đã khiến hắn chú ý đến. Từ bàn giám thị, đôi mắt hắn không hiểu sao cứ chiếu
tướng cô bé, rồi bỗng đôi chân như có sự điều khiển vô hình đưa hắn đến trước
bàn cô bé. Đề thi hôm đó liên quan đến sự thành lập và tổ chức cơ quan Liên
Hiệp Quốc - một đề tài mà hắn đã thuộc lòng trong môn Quốc tế Công pháp tại
trường Luật. Bỗng dưng hắn buột miệng nhắc khẽ cô bé mấy nét chính như là một sự
làm ơn đối với thí sinh. Cuối giờ thi khi nộp bài, vẫn với ánh mắt biết cười
tinh nghịch cô bé lí nhí mấy tiếng cảm ơn rồi bước ra khỏi phòng. Không dưng,
ánh mắt hắn lại hướng theo bước chân ấy. Và không dưng cái dáng đi thoăn thoắt
nhí nhảnh làm ngúng nguẩy mái tóc bồng trên bờ lưng ong ấy cứ ở lại trong đầu
hắn. Ừ! Trông cô bé cũng bình thường như các nữ sinh ở ngôi trường hắn đang dạy
đấy thôi. Vậy mà sao hình bóng ấy không chịu "dời gót" ra khỏi tâm
trí hắn nhỉ?
Ngày kế tiếp hắn không coi phòng thi ấy
nữa. Ngồi ở bàn giáo sư trong một phòng thi khác trên lầu nhìn thí sinh làm bài
mà hắn cứ lo, lo không biết cô bé có đôi mắt tinh nghịch ấy có làm bài được
không? Và trong vô thức, cây bút trên tay hắn viết những dòng chữ T.M.H.T.D.N -
những chữ cái tên cô bé và hắn - đan xen vào nhau đầy cả trang giấy. Khi hết
giờ thi, hắn xuống lầu, chân vội bước đến phòng số 17, gặp cô bé hắn hỏi thăm
làm bài được không? Thấy cô bé trả lời tỏ ý thân thiện hắn liền hỏi địa chỉ và
được biết cô đang trọ học tại đường Bến Ngự, gần lăng cụ Phan Bội Châu.
Xong ba ngày thi, hắn liền tìm thăm cô bé. Bây giờ
giữa hai người không còn là giám thị và thí sinh nữa nên họ chuyện trò tự nhiên
hơn. Cô bé cho hắn biết cô là con gái xứ Quảng, gia đình ở thị trấn Vĩnh Điện.
Vì trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng lúc ấy chưa có ban C nên phải ra Huế học.
Lần thi Tú tài I cô bé đã vượt qua nhưng cái ải Tú tài II sao mà khó thế? Niên
khóa trước, cô đã học lớp Đệ Nhất C tại trường Đồng Khánh nhưng qua lần thi
chưa vượt được vũ môn. Thời ấy đối với học sinh, ban C rất khó nên ít người
theo học, tỷ lệ thi đậu cũng thường thấp hơn so với ban B (Toán) và ban A (Khoa
học thực nghiệm). Ban C như là dành riêng cho những người có khiếu văn chương
mà thôi.
Trong thời gian cô bé chờ đợi kết quả thi, hắn thường
lui tới thăm viếng và dưới ánh mắt hắn, người con gái ấy không còn là một cô bé
thí sinh trong phòng thi mà là một cô gái trưởng thành - và hắn muốn gọi cô bé là NÀNG.
***
Nơi nàng ở trọ bên dốc Bến Ngự đối diện nhà thờ Phan
tộc. Ngôi nhà không cổ kính lắm nhưng đượm vẻ Huế. Phải bước qua mấy bậc tam
cấp mới lên được sân nhà, đó là hai ngôi nhà ba gian lợp ngói nối nhau thành
hình chữ L. Ngôi nhà chính nhìn ra mặt đường, phía trước có giàn thiên lý che
mát - thường đóng cửa là nơi thờ tự. Căn bên trái là nhà ở. Các vật dụng trong
nhà như bàn ghế, tủ, giường được bày biện theo phong cách Huế. Chủ nhà là một
góa phụ cao tuổi mộ đạo Phật cùng cô con út tên Thùy vốn là nữ sinh Đồng Khánh
cùng lớp với nàng năm trước, nay đã là sinh viên trường Luật. Nhà không có đàn
ông nên cũng tiện cho việc nàng ở trọ.
Thời gian nàng ở lại Huế để chờ công báo bảng vàng,
hắn đã có dịp mời nàng đi đây đi đó. Trong một lần đi chơi, vô tình vạt áo dài
của nàng bị cuốn vào sên xe gắn máy, thế là hắn vội vàng đưa nàng về nhà, bỏ lỡ
một chuyến dã ngoại. Hắn cũng mời nàng về thăm nơi hắn ở. Khi nhìn thấy khung
ảnh chân dung cô gái Huế thùy mị trong đồng phục trường Nữ hộ sinh Quốc gia Huế
(Sage Femmes) trên giá sách của hắn, nàng đưa mắt dò hỏi. Hắn thật thà khai
rằng đó là người hắn đang theo đuổi, tình yêu ấy lắm khó khăn và đầy trắc trở.
Im lặng một thoáng, rồi nàng trở lại thái độ tự nhiên, vui vẻ. Nàng tinh nghịch
trêu hắn là kẻ đang bắt bướm. Trong hai tuần vui chơi bên nhau, có lần hắn đùa:
"Học trò trong Quảng ra thi. Thấy thầy giám thị chân đi không rời".
Nàng đã đáo để sửa lại: " Học trò trong Quảng ra thi. Mấy thầy giám thị
chân đi không rời" và cả hai cùng nhìn nhau cười ngặt nghẽo.
"Đệ nhất buồn là cái hỏng thi".
Điều mà học trò sợ nhất ấy không mời lại ngang nhiên đến. Chuyện nàng hỏng thi
lần nữa là điều bất ngờ đối với cả hai. Buồn và hẫng hụt. Bố nàng từ Đà Nẵng lập
tức ra Huế đưa con gái về. Khi hắn đến ngôi nhà có giàn thiên lý bên dốc Bến
Ngự thì nàng không còn đó nữa. Hắn chỉ nhận được lời nhắn tạm biệt cùng cuốn
sách mượn của thư viện Việt Mỹ mà nàng nhờ hắn trả dùm. Nghe tin bố con nàng
vừa ra đi, hắn vội vã phóng xe theo. Đến bến xe An Cựu hắn thấy nàng cùng bố
đang đợi xe An Lợi. Thoáng thấy hắn, nàng vừa ra dấu từ giã vừa ra dấu đừng
tiếp cận vì bố nàng rất nghiêm khắc. Thế là hắn đánh đứng lặng lẽ chờ chuyến xe
mang nàng rời thành phố Huế khuất dạng rồi mới trở về ghé thư viện trả sách và
nhận lại tấm thẻ thư viện, trên thẻ có tấm ảnh nhỏ của nàng. Nhờ thế mà hắn có
được một hình ảnh để lưu giữ.
Những ngày sau đó hắn cứ dật dờ như người mộng du. Nếu
nàng thi đậu thì sẽ học tiếp đại học ở Huế, hắn sẽ còn có dịp gặp nàng nhưng
giờ nàng thi rớt thì có lý do gì để trở lại Huế nữa. Hắn nhớ nàng, một nỗi nhớ
cồn cào không định nghĩa được. Rồi nỗi nhớ ấy đã xui hắn đi liều một chuyến vào
Vĩnh Điện.
Dừng chân trước ngôi nhà đúng địa chỉ, hắn chắc chắn
đây là nhà nàng vì bên ngoài tiệm thuốc tây đề tên bố nàng rõ ràng. Thấy hắn,
nàng vừa hoảng hốt vừa xúc động rồi vội vội vàng vàng cho hắn địa chỉ để hẹn
gặp. Đó là nhà cô bạn cùng học Đệ Nhất C Đồng Khánh với nàng tên là N.T.L. ở
gần chùa Phật học thị xã Hội An. Giữa trưa hè xứ Quảng, nàng đến. Hắn, nàng và
cô bạn cùng chuyện trò vui vẻ như những người bạn thân, họ cùng giả vờ như
không để ý đến lý do vì sao hắn đi tìm nàng. Rồi nàng và hắn lại phải chia tay
trong lưu luyến, tần ngần.
Hết hè, hắn trở lại trường làm nhiệm vụ thầy giáo còn
nàng thì vẫn ở tại ngôi nhà đó với bố mẹ. Từ đó, hắn không có dịp gặp lại nàng
nữa dù lòng luôn mong mỏi được một lần hội ngộ - dù chỉ để nhìn nhau trong tình
bạn đơn thuần.
***
Hắn tiếp tục tình yêu với người con gái Huế hiền dịu
nết na. Thỉnh thoảng nhìn nàng qua ảnh hắn lại nghĩ không biết giờ nầy nàng làm
gì? Ở đâu?
Ba năm sau, tình cờ hắn gặp lại một
người bạn thời trung học. Qua trò chuyện, hắn biết nàng đã cùng học Sư phạm Quy
Nhơn với người này và bây giờ đang dạy học tại Dalat. Thành phố cao nguyên thơ
mộng ấy chẳng xa lạ gì với hắn vì gia đình cha mẹ, anh em của hắn đang sinh
sống ở đó. Hè nào hắn cũng về Dalat. Hắn hy vọng sẽ có ngày gặp lại nàng ở xứ
sở sương mù.
Năm sau
hắn lên Dalat, lại dò hỏi người quen, lại hăm hở đi tìm để rồi lủi thủi trở về
trong ánh chiều buông. Người ta cho biết nàng đã thuyên chuyển về Xuân Lộc
thuộc tỉnh Long Khánh để được gần chồng. Thế là cơ hội đã vuột mất, hắn bâng
quơ nghĩ nàng như cánh bướm chấp chới ngoài tầm tay.
Ngày tháng dần trôi, cuộc sống gia
đình và công việc chiếm hết thời gian của hắn. Một hôm, ngồi ở văn phòng trường
Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị, hắn viết cho nàng một lá thư nói hết tâm tình của
mình và mong được biết tin nàng. Lúc ghi địa chỉ vào bì thư, không biết nàng
dạy trường nào nên hắn ghi Ty Tiểu học Long Khánh bên dưới dòng chữ tên nàng.
Không ngờ lá thư hú hoạ ấy lại đến đúng người nhận. Và cũng không mong đợi, hắn
lại nhận một lá thư mà chỗ ghi tên người gởi là một sĩ quan cấp tá. Hắn vội mở
thư trong sự tò mò, bên trong là một lá thư viết tay nhưng trên góc trái đầu tờ
giấy lại có in tên người sĩ quan ấy. Nhưng không! Không phải người chồng mà
chính tay người vợ viết. Nàng. Nàng của hắn đã dùng giấy và bì thư của chồng để
hồi âm. Hắn chợt mỉm cười khi nhận ra ngụ ý của nàng. Vậy đó! Nàng muốn giới
thiệu với hắn nay nàng là phu nhân của một trung tá của quân lực VNCH. Hắn vừa
mừng vừa lo cho nàng. Mừng vì nàng đã có chồng danh giá, địa vị nhưng cũng lo
vì đời quân ngũ lắm bất trắc, không sớm
xanh cỏ thì sẽ đỏ vai nhưng rồi biết đâu súng đạn vô tình lại cướp đi sinh mệnh
để người vợ trẻ lại phải thành goá phụ, tội nghiệp lắm thay!
Trong thư nàng cho hắn biết những gì
xảy ra sau lần chia tay ấy. Buồn vì hỏng thi nàng vào Quy Nhơn thăm người chị.
Từ Quy Nhơn nàng đánh điện tín cho hắn nội dung là muốn gặp hắn ở đó, nhưng
trời chẳng chìu lòng người nên bức điện đã không tới tay hắn. Rồi nàng vào
trường Sư phạm Quy Nhơn; ra trường lên Dalat dạy học và lập gia đình với người
chồng hiện tại. Hắn xúc động khi nàng cho biết rằng qua liên lạc với người anh
họ của nàng làm việc tại Toà Hành chánh tỉnh Quảng Trị, nàng vẫn âm thầm theo
dõi dấu chân hắn nơi miền địa đầu giới tuyến. Thì ra nàng biết rõ cuộc sống của
hắn trong khi hắn hoàn toàn mù tịt về nàng. Vậy là nàng cao thủ hơn hắn một
bực.
Hắn tự
hào về những gì mà nàng đã biết - nhất là việc hắn đã cưới được người con gái
Huế đáng yêu mà hắn từng giới thiệu với nàng qua ảnh. Và cả danh phận hiện tại
nơi hắn đang sống và làm việc nữa. Nay mỗi người đều có khung trời riêng, chả
có gì ân hận hay vướng víu nhưng trong thâm tâm hắn vẫn muốn gặp lại nàng như
gặp lại một người thân cũ.
Khi
Quảng Trị điêu tàn vào mùa hè 1972, hắn cùng gia đình vào Đà Nẵng rồi thuyên
chuyển về dạy tại một trường trung học bên bờ đông sông Hàn. Cho dù bận rộn với
cuộc sống đầy xáo trộn, thỉnh thoảng hắn vẫn nghĩ về nàng và ngôi nhà ở Vĩnh
Điện, tin chắc rằng nàng vẫn về thăm nơi ấy nhưng hắn không tìm hỏi. Hắn chỉ
mong tình cờ được một lần gặp nhau đâu đó trong thành phố nầy - như có lần tình cờ gặp cô bạn của nàng đang
dạy học ở Đà Nẵng. Thế thôi.
Nhưng
chuyện tình cờ không đến. Rồi biến cố năm 1975 làm mọi sự xáo trộn, đổi thay.
Hắn nghĩ vợ chồng nàng cũng như hắn, nếu còn sống sót qua cơn biến loạn thì
cũng phải trải qua những tháng ngày nghiệt ngã, chẳng còn tâm trí đâu mà nhớ
nhung chuyện cũ, người xưa. Nhưng rồi cái gì cũng qua đi, thời gian sẽ cuốn
theo tuổi đời cùng bao muộn phiền, cay đắng. Sau cơn mưa trời lại sáng, chương
trình HO đã đưa bao gia đình sang đất Mỹ - trong đó có gia đình nàng.
Theo dòng thời
gian, khi cuộc sống tốt đẹp dần lên thì người ta bắt đầu tìm kiếm tin tức người
thân, bạn cũ. Hắn đã gặp lại bao bạn thân, nhiều học trò cũ sau hơn 40 năm
không liên lạc nhưng sao không một lần nghe được chút tin tức gì về nàng. Thật
là nàng như bóng chim tăm cá, biết mô mà tìm? Dù vậy hắn vẫn cầu mong và tin
tưởng rằng nàng vẫn sống khoẻ mạnh, hạnh phúc. Hắn vẫn nuôi niềm hy vọng sẽ
được gặp lại nàng một lần, cho dù cả hắn và nàng đều đã ở vào cái tuổi xưa nay
hiếm.
Và với hắn, nàng chỉ là cánh bướm thoáng
qua, chao nghiêng trên đời hắn một lần rồi mất hút vào khoảng không gian bao la.
Hắn không bắt được bướm nhưng sao chút phấn mỏng manh trên đôi cánh sắc màu rực
rỡ chấp chới ấy cứ vướng lại trong tâm tưởng của hắn. Vì thế hắn cứ mãi dõi mắt
về phía trời xa để mong một phút tình cờ
gặp gỡ.
Làm sao mà
quên được?
Dẫu dăm phút tình cờ
Vẫn theo đời
xuôi ngược
Bao năm hoài
cơn mơ...
Đà Nẵng (Hè 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét