Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

      Bài 3 & 4
                    
       LỜI NÓI ĐỘC ÁC

      Tạp bút
     MANG VIÊN LONG
     
            
        
          Từ thuở “biết nói” và “biết đọc” - có lẽ, tất cả chúng ta đều được nghe  câu ca dao nhắn gởi của ông bà cha mẹ rằng:“Lời nói không mất tiền mua/                    Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; nhưng hầu như không phải tất cả đều “nhớ và làm” theo lời dạy đơn giản mà vô cùng cần thiết cho đời sống ấy, mà nhiều khi đã “bỏ quên” dần…

          Lời khuyến dạy không sai chút nào: Từ xưa đến nay, có ai phải bỏ tiền ra mua “lời nói” cho người khác không? Đã không tốn tiền, sao lại không chịu nói lời từ ái, khoan hòa cho nhau? Lời nói cho “vừa lòng nhau” ấy phải được nói ra từ tấm lòng thành, từ tâm từ trong sáng; khác với lời nói “đưa đẩy, lợi dụng, khách sáo” từ cái tâm không chân chính!
         Nói với người những lời “vừa lòng nhau” đã không tốn tiền, mà còn đem lại cho người, cho ta nhiều niềm vui trong cuộc sống. Đó là một điều hiển nhiên, ai ai cũng thấy, cũng biết cả! A. Lincoln đã từng xác nhận: “Lời nói ngọt ngào, chân tình, sẽ chiếm được Trái tim người khác, và do Trái tim - sẽ thắng được lý trí của họ”.
         Điều dễ làm mà không ưa làm, ngược lại - điều khó làm lại ưa thích? Nói lời độc ác, xấu xa, ty tiện (…) không dễ chút nào! Phải “gắng” mà tìm cho ra những lời cay độc nhất, hèn hạ nhất - tóm lại, những lời ghê tởm nhất, để “trả đũa” (hay gán) cho người đối diện mong thỏa mãn cơn sân giận (nhiều khi rất vô cớ); là một việc làm rất khó khăn! Có một thực tế đau buồn trong cuộc sống thường nhật là: “Sự thật hiển nhiên nhất - nhưng nghịch đời nhất, chính là những người thân yêu nhất, gần gũi nhất, mới nói với ta những lời nhỏ mọn, tục tằn, độc ác nhất!” (Dorothy Dix).
          Đã không dễ, mà còn đem lại cho chính bản thân ta, rất nhiều “hậu quả” không thể lường hết được! Bời vì, “Ở thế gian nầy, chẳng phải hận thù trừ được hận thù. Đó là định luật của ngàn thu” (Phẩm Yamakavoggo - PC 8). Đức Phật cũng đã từng dạy, người làm điều ác, nói lời ác độc, ví như kẻ vốc cát vãi người trong cơn gió ngược; cát bụi nhơ bẩn sẽ bay trở lại mặt của chính mình!
           Chuyện xưa, có kể lại rằng: “ (…) Chỉ trong một ngày mà con bò giết chết đến ba người, trong đó có Vua Phất - gia - sa vừa xuất gia, vào thành khất thực. Vua Bình - sa nghe được việc quái lạ này, liền dẫn quần thần đến tịnh xá đảnh lễ Đức Phật - chấp tay thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thật kỳ lạ, một con bò mẹ đã giết chết ba người trong một ngày. Chắc chắn sẽ có chuyện không hay xảy ra, chúng con mong được nghe lời chỉ dạy của Thế Tôn!”.
          Đức Phật bảo: “Quả báo có nhân duyên từ xưa, chẳng phải hôm nay ngẩu nhiên đưa đến cảnh tượng như vậy” - “Bạch đức Thế Tôn, chúng con xin được nghe nhân duyên nầy” (…)”. (1)
          Ngài đã kể lại câu chuyện về ba người lái buôn đến ở trọ trong ngôi nhà bà lão cô độc. Họ tỏ ra khinh thường, không muốn trả tiền. Cả ba cùng rủ nhau trốn đi khi bà lão đi vắng. Bà lão nghèo khó đã vội chạy đi tìm. Gặp bọn họ, bà liền trách và đòi tiền. Ba khách lái buôn đã không trả tiền, còn ngang ngược mắng chưởi. Bà lão thân cô sức yếu, đành chịu thua; đã thề độc với ba người khách buôn: “Nay ta đã nghèo khổ, tại sao các người còn khinh thường, gạt gẫm. Ta thề đời sau ở đâu, nếu gặp lại bọn ngươi, ta quyết sẽ giết chết không tha. Cho dù các ngươi tu hành đắc đạo ta cũng không bỏ qua mối thù nầy, chừng nào giết chết bon bay mới thôi!”.(1) Con bò già (bà lão năm xưa) và ba khách lái buôn (ba người bị bò giết chết - trong đó có một người là Vua Phất gia sa vừa xuất gia, và một người chỉ mua đầu bò đã được xẻ thịt, treo trên cành cây khi ngồi nghỉ trên đường về nhà, đầu bò rơi đúng ngay đỉnh đầu…).
           Việc làm xấu ác và những lời độc ác đều đưa đến hậu quả giống nhau, bởi ba nghiệp (thân/khẩu/ý) đều không thiện lành, thanh tịnh; chứ không thể “lời nói theo gió bay đi”, không tổn hại, vô hại - như người ta vẫn thường nghĩ.  Đôi khi, những lời nói thô ác, thù hận, còn làm cho người đau đớn hơn là gươm giáo nữa! Tục ngữ cũng đã từng khẳng định từ ngàn xưa“Lời nói là một đoại máu!” cũng không phải là lời dạy quá đáng.
            Chúng ta cũng đều đã rõ: Bệnh tật thường do “miệng” mà vào, nghiệp quả cũng sẽ do “miệng” mà sanh; nên không thể buông lung, cẩu thả, tùy tiện; mà ngược lại cần cẩn trọng trong lời nói (lời người xưa: “Uốn lưỡi ba lần mỗi khi nói”) và giữ gìn sự nhu hòa, thanh tịnh - để đời mình được vui, đời người được vui! 
            “Nhất ngôn ký xuât, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp) - xin đừng bao giờ để cho lòng ta lưu lại một niềm ân hận hối tiếc vì một lời nói độc ác!

(1)  theo “Kinh Pháp Cú Thí Dụ”
(Viện nghiên cứu Phật học VN- Trung tâm dịch thuật
Hán Nôm Huệ Quang).
Tháng 7 - 2014


          

                    TÙY HỶ ĐỂ ĐƯỢC VUI
                    
                      

                                                        Viết tặng HN & học trò…


         Tôi vẫn thường nghĩ, “mỗi ngày hãy chọn cho mình một niềm vui” (TCS) để không cảm thấy cô độc, và đời sống có thêm ý nghĩa - tức là phải “chủ động” tìm cho chính mình ít ra “một niềm vui” cho một ngày còn sống; đó là điều mà tôi tin, nếu ai quan tâm tìm, ắt sẽ có. Không khó. Niềm vui không có kích thước nhỏ lớn, không tùy thuộc vào bất cứ một điều kiện vật chất nào cả! Một ngày sống mà không hề có niềm vui nào, có lẽ  sẽ trống trải và buồn thãm biết bao?
          Có nhiều cách đơn giản để đem lại niềm vui cho mình, cho người…
          Chẳng hạn, tùy hỷ với việc làm thiện lành, tốt đẹp của người khác, để ta có niềm vui. Chẳng hạn, “cho người niềm vui” để ta có niềm vui. Hay, giữ tâm an lành trước đời sống nhiêu khê, điên đảo, để vui sống…
          Sáng hôm nay, vừa mở hộp thư, tôi đã nhận được sự chia sẻ của một “người cháu xa lạ” từ Saigon, vẫn thỉnh thoảng gởi thư thăm và chia sẻ cùng tôi những việc làm của cô với đám học trò…Nói là “học trò”, nhưng thực ra, “học trò” của cô là những em sinh viên đại học, hay ở các lớp cao học - tuổi đã trên 18. Cô đã tâm sự: “ (…) Chú ạ, đều đặn một tháng rưỡi hoặc hai tháng, cháu tổ chức tặng quà cho bệnh nhân nghèo Ung Bướu và bệnh nhân Lao ở Bv Phạm Ngọc Thạch từ nhiều năm qua, để gởi chút niềm vui và an ủi cho người… Quỹ từ thiện này do cháu sáng lập. Cháu tặng quà sáng cho bệnh nhân nghèo đã 8 năm. Những năm trước đây là cháu làm âm thầm một mình. Hai năm trở lại đây, vì đau đáu với số lượng bệnh nhân quá lớn mà khả năng của cháu thì hạn hẹp. Cháu tin mình có một phần nào đó ảnh hưởng đến học trò nên cháu quyết định vận động công khai. Và từ đó đều đặn......như chú đã biết.
          Cháu nghĩ đơn giản lắm, sống nay chết mai rồi. Đêm nay nhắm mắt ngủ, sáng biết có mở mắt ra không. Thôi thì làm được gì cho ai thì làm. Cuộc sống vốn dĩ vô thường, có đó mất đó. Hôm nay mình làm những điều mình thấy vui, thấy tử tế, về già mình có cái để hồi tưởng lại, mình sẽ có cảm giác được sống một lần nữa cuộc đời của mình - lúc đó chắc cũng vui hén chú. Chứ bây giờ sống đơn điệu, về già có gì để nhớ đâu. Huhu. (Cháu ích kỷ một chút - nghĩ cho tương lai già của mình). Và thật tình, mỗi lần làm điều gì đó cho ai, cháu thấy thật hạnh phúc vì cái cảm giác giống như mình được sống nhiều cuộc đời vậy.
       5 giờ chiều thứ bảy, các bạn học trò tập trung đến nhà cháu làm các công việc hậu cần, xắt 15 ký hành, xắt 30 ký chả lụa, xào 30 ký ruốt, lột 2.500 trứng cút, vo 250 ký nếp.....
       Các bạn làm từ 5g chiều đến 10g tối thì xong. Tắm rửa ăn cơm rồi nghỉ ngơi xíu đến....12g khuya. Một nhóm 6 bạn nam thì phụ nấu xôi, nhóm 20 bạn còn lại thì phụ múc xôi vào hộp....như trong hình chú đã thấy. Làm việc liên tục cho đến 5g sáng thì một nhóm mang 1.000 phần xôi ra bv Lao- Phạm Ngọc Thạch tặng bệnh nhân. Nhóm còn lại 6 giờ mang 1.500 phần tặng bệnh nhân Ung Bướu. Mọi việc kết thúc lúc 8:30 ngày Chủ Nhật.....
       Các bạn học trò đến phụ cháu làm mọi việc. Kinh phí thì cháu vận động từ bạn bè, học trò các lớp cao học, phần lớn các bạn học cao học đều đã đi làm nên ít nhiều các bạn đóng góp được. Mỗi đợt làm như thế khoảng 20.000.000₫.
      Các bạn tình nguyện viên rất tích cực và đến với chương trình bằng tất cả tấm lòng(…)
      Chú thấy đó, 1.500 bệnh nhân xếp hàng......chờ nhận 1 gói xôi. Thấy thương đứt ruột (.....)”
.
       Đọc thư (và được xem ảnh gởi kèm), tôi vô cùng xúc động - và nhất là rất vui trước việc làm tự nguyện cao đẹp của “cô cháu” và học trò, như chính tôi vừa được “tham gia” vào buổi sáng hôm ấy ở cả hai bệnh viện! Việc làm tuy “nhỏ” của cô và học trò, nhưng đã mang tính giáo dục và tự rèn luyện nhân cách rất cao, trong bối cảnh mà sự vô cảm ngày càng đe dọa đời sống tình cảm mọi người; đã cho tôi một niềm tin yêu vững chắc, rằng quanh ta, vẫn còn rất nhiều tấm lòng chân tình với đời…
        Khi ta không làm được (hay chưa làm được) mà thường vui vì việc làm của người khác - gọi là “Tùy Hỷ”. Người có “Tâm tùy hỷ”, luôn được an vui, bởi vì lòng đố kỵ, ganh ghét, hơn thua sẽ không còn có cơ hội phát triển được nữa! Sẽ an nhiên sống “không thù oán giữa những người thù oán; giữa những người thù oán, ta sống không thù oán” (PC 197). Vui vì những việc làm Thiện lành, và thành công của người, là chân thành chia sẻ cùng người niềm hạnh phúc, niềm an ủi, như chính ta đã làm được. Đức Phật đã khuyến dạy, “người có tâm tùy hỷ cùng việc làm của người khác không những luôn được an vui, mà còn nhận được phước báu do tâm lành đem lại - như người đã làm!”.
         Ngược lại, nếu thấy (biết) người làm điều Thiện lành (hay thành công) mà đem lòng so bì, tỵ hiềm, thù ghét, rồi nói lời xấu ác, não hại người - thì chính cái tâm diên đảo hẹp hòi ấy, sẽ làm cho ta luôn luôn sống trong ưu phiền, lo sợ! Bởi chắc chắn rằng “Người cầu yên vui cho mình mà lại lấy dao gậy não hại người khác, thì sẽ không được an vui” (PC 131).
        Trong mọi sinh hoạt của đời sống, Tâm tùy hỷ rất cần thiết để nuôi dưỡng tâm từ, nối kết tình yêu thương; và xóa tan tâm xấu ác tội lỗi gây nghiệp dữ; mà chẳng đòi hỏi một sự “tốn kém” nào!
         Sự tùy hỷ cũng cần được phân biệt rạch ròi:  “ (…) Tùy hỷ cũng chia ra tùy hỷ với việc ác và tùy hỷ với việc thiện. Người làm việc ác mà mình tùy hỷ thích thú với họ, là đã lãnh thọ tâm ác, mai kia mình sẽ làm việc ác giống họ, chắc chắn sẽ đón lấy quả báo khổ đau. Không tùy hỷ với người ác, với việc ác Phổ Hiền Bồ Tát nói rõ nên tùy hỷ với Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Như Lai để trên lộ trình tu hành đời đời kiếp kiếp, chúng ta đều có được bạn đồng hành là Như Lai, Bồ Tát, Hiền Thánh (…)”( Tâm Hoan Hỷ & Hạnh Tùy Hỷ - HT Thích Trí Quảng).
          Mỗi ngày chúng ta hãy nên nuôi dưỡng hạnh tùy hỷ, để đem lại niềm vui chân chính cho mình và cho người - mãi mãi…
      
      Ngày 20  Tháng 7 năm 2014          




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét