HAI NGƯỜI BÁN VÉ
SỐ
Không hiểu vì
sao mà hầu hết những người phụ nữ bán vé số ở các thành phố miền nam, từ Đà Nẵng
đến Sài Gòn, đều xuất phát từ vùng đất nổi tiếng về đường mía. Nhưng chuyện đó
nên dành cho những nhà xã hội học. Còn câu chuyện sau đây về hai người bán vé số, cũng đến từ vùng đất ấy
nhưng không phải là phụ nữ mà là nam giới, một quá trẻ và một quá già.
Cách đây trên mười
năm, hồi đó Đà Nẵng chưa có siêu thị nên vợ tôi thường lấy hàng bánh kẹo Sài
Gòn về bỏ cho các chợ, vậy nên sáng nào tôi cũng phải chở hàng đến chợ rồi chiều
chở vợ đến để thu tiền. Nơi tôi thích đến nhất là chợ Hàn bởi khi vợ đã vào
trong, tôi thường đến quán nước dừa bên bờ sông, vừa uống nước vừa hóng mát.
Ở quán này, tôi
thấy một ông lão bán vé số tuổi chừng trên sáu mươi, người nhỏ thó nhưng còn khỏe,
bao giờ cũng đi kèm với một cháu trai chừng mười hai tuổi. Hai người cầm hai xấp
vé số. Thú thiệt là tôi ít khi mua vé và có mua cũng chẳng tin mình được trúng
số bởi tôi chưa thực sự bố thí cho ai cái gì có giá trị to lớn nên không hy vọng
mình được hưởng phước báu. Tuy nhiên, vì thấy người bán vé số chẳng mấy ai đi
chung nên tôi gọi lão để mua một vé, nhân tiện làm quen và gợi chuyện.
Cũng như bao người
khác, gia đình lão cũng hăm hở trồng mía để bán cho nhà máy mía mới xây dựng
trong tỉnh. Thế nhưng rủi thay, cũng giống, cũng phân, cũng chăm bón và tưới
tiêu như người ta, nhưng mía của lão và nhiều người trong làng không đủ độ đường
nên nhà máy không thu mua. Họ nói vì lão đã không bón đủ phân do họ cấp nhưng
thực sự là lão đã bón hết. Có người trong làng nói là do đất thiếu cái chất gì
đó, mà chuyện này thì lão không rành. Lão đành bỏ nghề trồng mía. Rồi thấy người
ta trồng dưa hấu để bán sang Trung Quốc có lời, lão cũng làm theo. Thế nhưng chỉ
được một vụ thì không có người đến mua nữa vì nghe nói bên kia ngưng nhập, xe
chở hàng nghìn tấn dưa hấu chờ ở biên giới quá lâu, dưa chín quá hóa thối,
không ai mua, phải bỏ lại bên đường hàng đống. Đấy là lão nghe người làng truyền
miệng với nhau vậy thôi chứ thực hư ra sao thì lão không rõ.
Người ta thường
nói họa vô đơn chí hoặc "tam tai", nghĩa là họa thường đến ba lần, mà
trường hợp của gia đình lão thì không sai chút nào. Sau thi thất mùa mía rồi thất
mùa dưa, con trai út mười lăm tuổi của lão bắt đầu kêu đau tai, phải đi viện,
mà nhà lão chẳng có cái gì bán được vài trăm ngàn, huống chi là đi viện thì phải
tốn tiền triệu. Cũng may có nhiều người đến làng lão mua đất để làm nhà vì làng
họ bị giải tỏa để làm nhà máy lọc dầu, thế là lão bán hết đất vườn, chỉ chừa lại
nền nhà, biểu vợ con đi làm thuê, còn lão dắt thằng con út vô Sài Gòn chữa bệnh.
Nằm chung phòng
bệnh với con trai lão có một thằng bé bị đau họng, có ông bố theo nuôi bệnh.
Nghe nói họ người miền Tây. Nghe thì nghe vậy chớ lão chẳng biết miền Tây là đâu.
Hằng ngày ông bố đi bán vé số, tối về bệnh viện ngủ với con. Chừng một tuần sau
khi con trai lão vào viện thì thằng bé đau họng có quyết định phải mổ, mà ông bố
không có đủ tiền để nộp cho bệnh viện, đành gởi con trai lại nhờ lão chăm sóc,
nói về quê ít ngày chạy tiền rồi đến. Còn một ít vé số chưa bán hết, đáng ra phải
trả cho đại lý để lấy lại tiền đã đặt cọc, lão cũng nhận bán luôn, coi như lão
thay ông bố kia vừa chăm sóc thằng bé vừa kiêm nghề bán vé số.
Một tuần trôi
qua, bố thằng nhỏ đau họng vẫn chưa trở lại, mà ngày mổ đã gần kề, lão đành bỏ
mấy triệu nộp tiền mổ họng cho thằng bé, thay bố nó ký giấy mổ luôn. May mà ông
trời đã ngó lại nên thằng con trai lão sau hai tuần nằm viện đã khỏi. Thằng bé
sau mổ cũng khỏi bệnh nhưng mất tiếng, giọng nói thành ngọng nghịu, không ai hiểu
nó nói gì. Nếu thằng con lão bị mổ thì chẳng biết lấy tiền đâu ra mà nộp.
Con lão lành rồi
nhưng lão không về được vì phải đợi ông bố miền Tây đến vừa để giao con vừa để
lấy lại tiền. Thằng bé không biết tên làng xã của nó. Cho dù nó biết thì lão cũng
chẳng còn tiền để đi tìm. Trong khi chờ đợi, cả ba cùng đi bán vé số để kiếm tiền
độ nhật và qua đêm ở hành lang bệnh viện.
Sau một tháng chờ
đợi nhưng không ai đến nhận con, lão đành phải đưa con về quê, mang theo cả thằng
bé, bây giờ xem như là con nuôi của lão. Sau một vài ngày ở quê, vì chẳng còn đất
vườn để canh tác, lão để thằng con cùng đi làm thuê với mẹ nó, còn lão dắt thằng
bé ngọng ra Đà Nẵng tiếp tục nghề bán vé số, mà bây giờ cả lão lẫn thằng bé đều
đã có nhiều kinh nghiệm.
Hai cha con thuê
một phòng nhỏ gần chợ Hàn, cùng đi bán với nhau. Mỗi lần lão về quê thăm gia đình
đều mang nó về theo bởi lão sợ nếu nó bị bắt cóc, sau này không có để giao lại
cho bố nó. Thằng bé có vẻ rất thương cha nuôi của nó. Có khi ông lão ốm nằm mấy
ngày, nó đều lo cơm cháo, thuốc thang cho ông.
Cả hai theo nghề
bán vé số nhiều năm, từ lúc thằng bé mười hai cho đến khi nó trở thành một
thanh niên chững chạc, quần jean, áo thun, giày trắng, có điện thoại cầm tay, mặc
dù chỉ để nhắn tin, còn ông lão đã già lụm khụm, đi đứng khó khăn, và hai cha
con hầu như chẳng mấy khi rời nhau. Có người khen lão đã làm được một việc có
phước đức vì đã nuôi dạy thằng bé nên người, lão chỉ cười nói có lẻ kiếp trước
mình được nó nuôi nên kiếp này mình phải nuôi nó, mình cứ nuôi nó rồi có ngày
nó sẽ nuôi mình.
Câu chuyện của
lão bán vé số về lai lịch của thằng con nuôi không chỉ có mình tôi biết mà rất
nhiều người quanh chợ Hàn đều được nghe lão kể bởi lão hy vọng có một ngày nào đó
gia đình thằng bé nghe được thông tin và đến mang nó về.
Khi các siêu thị
mọc lên, bà xã tôi bỏ nghề buôn kẹo bánh, nên tôi cũng không có việc gì phải xuống
chợ Hàn, lâu dần quên bẵng hai cha con lão bán vé số. Cho đến một hôm, một thằng
bạn từ Sài Gòn về Đà Nẵng chơi, gọi tôi tới uống nước dừa bên sông Hàn. Thấy thằng
ngọng đi bán vé số một mình, tôi gọi nó lại mua mấy tờ và hỏi thăm về bố nuôi của
nó, nó vuốt mặt, hai tay chắp lại lạy mấy lạy rồi ôm mặt khóc. Chủ quán nước dừa
nói lão bị tai nạn giao thông khi băng qua đường và mất hơn một năm rồi. Vậy là
lão chưa hoàn thành ước nguyện của mình.
Tội nghiệp thằng
ngọng chẳng biết cha mẹ, quê hương đâu mà về! Tuy nhiên, nhờ đâu mà từ một đứa
bé bệnh hoạn bị bỏ rơi ở bệnh viện đã may mắn vượt một chặng đời hết sức khó khăn
để thành một cậu thanh niên có thể sống tự lập nơi xứ lạ quê người? Rõ ràng là
nhờ sự giúp đỡ của một người không quen biết mà sau này nó nhận làm cha nuôi,
nhưng cũng có người nói rằng nhờ kiếp trước nó ăn ở phúc đức nên kiếp này nó được
một vị bồ tát đến đúng lúc để ra tay cứu độ.
NKP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét