MÙA HÈ TRONG THƠ CỦA ANH THƠ
Nguyễn Khắc Phước
(Bài tập làm văn
chưa kịp nộp cho cô giáo)
Mùa hè đến và thành phố biến
thành chảo rang, nóng chín cả người . Hầu như tất cả công trình xây dựng phơi
dưới ánh nắng đều là những thứ hấp thụ nhiệt và phát nhiệt rất có
"công hiệu": tường bê tông, mái tôn kẻm, mặt đường rải nhựa, lề
đường,…
. Vào những đêm cúp điện thì, trời ơi, ở trong nhà giống như đang bị tra
tấn trong vạc đầu dưới địa ngục. Bờ sông cũng không khá hơn, lại thường bốc mùi
khó ngửi. Thôi thì đành ngồi trong bóng tối , để tâm hồn lang thang
ngược dòng thời gian về một miền quê thơ ấu nơi có gió đồng mát rượi phảng phất
mùi lúa chín, nơi có ao làng ngào ngạt hương sen.
Và tôi nhớ ra rồi! Có một nữ thi sĩ
có thể dẫn ta bay về quá khứ bảy mươi năm, lúc bà tuổi vừa mười chín đôi mươi,
để cùng bà dạo chơi trên miền quê Bắc Giang vào một ngày hè đượm mùi cổ tích ca
dao. Thưa các bạn, đó là nữ thi sĩ Anh Thơ, một thi sĩ, theo tôi, có nhiều bài
thơ về mùa hè nhất, và đặc biệt, ghép những bài thơ ấy lại với nhau, ta có một
bài thơ tả một ngày hè cụ thể , sáng-trưa-chiều-tối, và mở trước mắt ta một bức
tranh sống động chân thực, đầy màu sắc và âm thanh, về đời sống ở một
miền quê gần như đã đi vào quá khứ. Bạn hãy chuẩn bị sơn và giá vẽ để thử vẽ
lại phong cảnh sống động này.
Sáng hè : vẻ đẹp doạ dẫm
Một ngày hè dài đang bắt đầu với
buổi bình minh yên tĩnh và tươi mát. Bạn hãy chuẩn bị màu : tre xanh, trời hồng
, khói xám, mây hồng và nhớ vẽ con chim sẽ kêu chiêm chiếp
vừa thức giấc trên ngọn tre.
Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng
son mây.
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ
Vươn mình lên như tĩnh giấc mơ say. (Sáng hè)
Và một bài hát xưa lắc xưa lơ tự
nhiên vang lên và bạn vừa vẽ vừa nhịp chân vừa hát theo .
Trời hồng hồng sáng trong
trong / Ngàn phượng rung nắng ngoài song/ Cành mềm mềm gió ru êm /Lọc mầu mây
bích ngọc qua mầu duyên…( Hè về, Hùng Lân)
Thế nhưng đó là buổi sáng đầu hè,
còn đôi chút thời tiết của mùa xuân còn sót lại.
Chừng một tháng sau thì thời tiết đã
thay đổi. Mặt trời nhô lên đỏ rực như một hòn lửa , trời đứng gió, báo hiệu một
ngày nắng nóng, mọi thứ đều khô rang khô rốc, có thể một mùa hạn hán đang chờ .
Mới tinh sương rực góc trời mây
lửa,
Cây đứng im từng chiếc lá khô
rơị
Những ao tù nước bèo xanh cạn
nửa
Đường ra đồng, như đi trên lá áo
tơi (Nắng hanh )
Mọi người bắt đầu công việc ngay sau
khi thức dậy, từ trẻ đến già, ai cũng có việc để làm. Bọn súc vật
cũng thức dậy và đòi ăn.
Người dậy cả, bà già lần thổi
bếp
Thằng cu con rụi mắt quét quàng
sân.
Cùng trong lúc gà lồng kêu
chiếp chiếp,
Và lợn chuồng ủn ỉn giục cho
ăn. ( Sáng hè)
Khi mặt trời lên đến ngọn tre, kẻ
thì mang rơm ra phơi.
Mặt trời lên lũy tre xa cháy đỏ
Lão ông chống gậy lần ra saụ
Những đàn bà tung rơm phơi ổ,
Mũi khô dòng, bầy trẻ vắng
ruồi bâụ ( Nắng hanh)
Người thì rục rịc ra chợ, mang theo
bó rau muống hay mớ bèo hái vội để đổi lấy chút muối háy miếng
trầu.
Bên ao nước bèo chen rau muống
nổi,
Mẹ rồi con xắn váy cúi khom,
và
Người vớt bèo, người khều rau
hái vội,
Vì trên đường lên chợ đã người
qua. ( Sáng hè)
Chợ hè: mồ hôi, ruồi và quạt giấy
Muốn biết đời sống vật chất miền quê
Bắc Giang thời ấy thế nào, ta hãy ra chợ bằng cách theo chân một cô gái
quê đội chiếc khăn mỏ quạ trên đầu và đôi môi duyên trầu đỏ thắm. ( Bạn nhớ
mang theo giá vẽ nhé ).
Ngoài quán chợ với chiếc khăn
mỏ quạ
Cô gái làng ghé nón sau bồ caụ
Nhưng nắng hanh cũng làm cô đỏ
má
Cho thêm duyên trên miệng thắm
quết trầụ . (Nắng hanh)
Ngoài bó rau, mớ bèo, hàng hoá
còn là những mẹt bún, sàng dưa.
Trời lóe nắng, chợ vào đầy những
nắng
Đầy những người chen chúc
họp...mồ hôi.
Các mẹt bún bày ruồi không hở
trắng.
Các sàng dưa bán nhặng kín xanh
tươi. ( Chợ mùa hè)
Trong cái nắng gay gắt vã mồ hôi ấy,
món nước chè được gọi không ngớt, những người bán nước tranh nhau phục vụ
khách hàng.
Những hàng chè, hàng nước chạy va
nhau. (Chợ mùa hè)
Mua gì thì mua, nhưng cuối cùng ai
cũng nghĩ đến cái quạt giấy, vật chống nóng tốt nhất thời đó:
Nhưng đắt nhất có chị hàng bán quạt
Ngồi trước đình không kịp đếm tiền xâu.
( Chợ mùa hè)
Ruồi, ám ảnh trong nhiều bài thơ
Chợ quê ngày ấy sao mà lắm ruồi
thế!. Ruồi không chỉ bu kín các mẹt bún, sàng dưa ở chợ, ruồi còn theo các gánh
hàng đi rong chơi khắp nơi.
Ngoài cổng chợ từng tốp người rải
rác
Gánh hàng về gánh cả thúng ruồi
xanh. (Buổi trưa)
Ruồi về đến ngõ, ruồi nhiều đến nỗi
những thứ côn trùng khác sợ hãi phải bay xa :
Nắng đã rực, cây vườn im thở gió
Ngõ đầy ruồi vắng bóng bướm ong qua.
(Vào hè)
Ruồi vào nhà chung sống với con
người
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu. (Trưa
hè)
Và bu bất cứ chỗ nào có mùi tanh:
Những đàn bà tung rơm phơi ổ,
Mũi khô dòng, đứa trẻ vắng ruồi bâu.
(Nắng hanh)
Mặc dù Anh Thơ chẳng có từ nào “ phê
bình, kiểm điểm” bầy ruồi, nhưng việc bà nhắc đến ruồi trong nhiều bài
thơ chứng tỏ bà bị đàn ruồi ám ảnh, có lẽ bà muốn cho người đọc thấy ruồi nhặng
là thứ côn trùng đặc trưng xuất hiện và sinh sôi nẩy nở nhiều vào mùa hè, người
ta chung sống tự nhiên với ruồi, không hiểu nguy cơ truyền bệnh của ruồi.
Ít thấy con ve xuất hiện trong
thơ của bà, có lẽ vì chúng sợ ruồi quá chăng ! ?
Trưa hè, vẻ đẹp của không gian
và sự khó chịu của thời tiết
Trưa hè trong thơ của Anh Thơ là một
bức tranh thiên nhiên hoành tráng, thơ mộng, bay bổng, đầy màu sắc: trời
trong xanh, gió lộng, hoa lựu đỏ, bướm vàng bay, cánh diều bay , cánh cò bay,
tơ mây bay :
Trời trong biếc không qua mây gïợn
trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa.
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua. (
Trưa hè)
Mấy thoi cò đưa ngang trên trời vắng
Vài tơ mây uể oải vướng tre ngà. (
Buổi trưa)
Có chuồn chuồn nhởn nhơ ngoài đê
vắng
Ngoài đê thẳm, không người đi vắng
vẻ
Lũ chuồn chuồn giỡn nắng, đuổi nhau
bay. ( Trưa hè)
Bên cánh đồng lúa trĩu hạt
thóc vàng lẫn hạt nắng vàng :
Lúa trĩu nắng ngập đồng vàng những
nắng! ( Buổi trưa)
Không gian buổi trưa hè tuyệt vời
như thế nhưng con người và vật thì phải chịu đựng cái nắng nóng một
cách mệt mỏi, uể oải, đang cố làm một việc nhẹ nhàng nào đấy để cho qua
buổi trưa:
Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác
gáy,
Các bà già đưa võng hát, thiu
thiu...
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu. (
Trưa hè)
Trong quán nước bọn làm đồng biếng
nhác
Nằm nghỉ dài sau một bữa ăn nhanh. (
Buổi trưa)
Đây, góc quán bà già ngồi rũ
nóng.
Kia, cửa lều ông lão quạt khăn
tay.
Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi
đóng,
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng
giây. ( Chợ mùa hè)
Chỉ có các cô gái nhờ cái nắng
mà thêm xinh đẹp:
Nhưng nắng hanh cũng làm cô đỏ
má
Cho thêm duyên trên miệng thắm
quết trầụ ( Nắng hanh)
Chiều hè: thời khắc tuyệt vời
Nếu cái nắng nóng buổi trưa ấy
kéo dài mãi thì có lẽ chẳng còn chi tồn tại, nhưng may thay, chiều đến,
và có lẽ là thời khắc tuyệt vời nhất trong ngày hè.
Có lẽ Anh Thơ yêu chiều hè quá đỗi
đến nỗi bà không tiếc gì từ ngữ giàu màu sắc, hình ảnh, âm thanh để mô tả
cho hết vẽ đẹp của nó : đàn cò trắng, đồng lúa vàng, tiếng sáo diều véo von,
tiếng hát nhịp nhàng, mắt mơ màng, gió hiu hiu. Mọi mệt nhọc , ủê oải, vẻ ngái
ngủ của buổi trưa đã tan biến. Người ta đang làm nốt những công việc cuối
ngày trong không khí thoải mái, với ý nghĩ rằng mình sắp được về nhà nghỉ
ngơi.
Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng
đỏ,
Cò từng đàn bay trắng phía
đồng xa.
Tiếng diều sáo véo von cùng
tiếng gió
Hoà nhịp nhàng giọng ả hái dâu
ca.
Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ
chín
Những trai tơ từng bọn gặt vui
cười.
Cùng trong lúc ông già che nón
kín.
Ngồi đầu bờ hút thuốc thở
từng hơi.
Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất
gió,
Lũ cu con mê mải chạy theo diều.
Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ cỏ
Mắt mơ màng trông gió gợn hiu
hiu.
(Chiều hè)
Thật đúng là một thiên đường dành
cho những người lao động trong thành phố giữa những bức tường bê tông chứa sức
nóng và chắn gió , và dưới mái tôn kẽm hừng hực lửa.
Khi bạn ngồi trên bờ đê, ngắm quang
cảng chiều hè nầy, rất có thể một đoạn nhạc dịu dàng trong bài hát Hè Về của
Hùng Lân lại trở về trong ký ức, và bạn cất tiếng hát:
Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng
đàn chim cánh đo trời /
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền
ai biếng trôi /Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi / Thanh thanh
hương sen nồng ướp gió mát khi chiều rơi ...
Và tâm hồn các bạn trở nên nhẹ
nhàng , thanh thoát, lâng lâng như làn mây trắng bay trong nắng chiều tà.
Đêm hè, ai được nghỉ ngơi?
Anh Thơ có lẽ là người ở thị xã nên
không dành nhiều ưu ái cho quang cảnh đêm hè, mà dành hai phần ba bài thơ
để mô tả những hoạt động của người nông dân trong đêm.
Khi trăng vừa lên, đèn dầu vừa thắp
le lói sau tấm rại, thì chưa hẳn là thời gian để nghỉ ngơi. Công việc
hình như còn đeo đuổi cánh phụ nữ; trong khi cánh đàn ông thì xem đêm là thời
khắc để nghỉ ngơi, giải trí.
Đúng như vậy. Đàn ông ở nông thôn
là lao động chính trong gia đình, suốt ngày thường đảm đương công
việc nặng nhọc ngoài đồng :cày, cuốc, bừa, đào mương, phát cỏ; phụ nữ đa
số ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái và gia súc, làm việc trong nhà, trong
vườn , làm thế nào khi chồng con từ ngoài đồng về đói bụng, bỏ cái cày xuống
, hỏi cơm là phải có ngay. Khi chồng và con trai ăn xong, bắt đầu nghỉ ngơi thì
các mẹ, các chị , các cô tiếp tục công việc của mình : dệt vãi, tát nước..
Người đàn bà nông thôn ở bất cứ thời nào cũng phải chịu đựng vất vã
hơn đàn ông, tuy vậy họ không than thở, mà vừa làm vừa hát để cho quên mệt nhọc.
Vườn vắng gió,ve sầu im tiếng
hát,
Ao đầy bèo, đom đóm rủ nhau bơi.
Trời quang mây, cánh diều bay
hóng mát
Tận Ngân Hà buông giọng sáo chơi
vơi.
Nhà trong xóm đèn mờ qua tấm
rại,
Các ông già ra võng hát thơ xưa.
Những đàn bà lên khung ngồi dệt
vải
Tiếng thoi gieo cùng điệu nhịp
nhàng đưa.
Ngoài đồng lúa một vài cô tát
nước
Múc trăng lên theo tiếng hát mơ
màng.
Thấp thoáng bóng trên sông đào
phía trước.
Bọn trai làng bơi tắm nói cười
vang.
(Đêm hè)
Trong thơ hiện đại, khi viết về mùa
hè, đa số nhà thơ đều dùng hình ảnh hoa phượng thắm, tiếng ve sầu để diễn tả
những mối tình học trò lãng mạn, mới chớm hay đã qua; nỗi buồn chia ly hay hy
vọng gặp lại:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa
phượng /Em chở mùa hè của tôi đi đâu?/Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười
tám / Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu.
(Chút tình đẩu – Đỗ Trung Quân)
Mùa hè qua đi suốt năm không trở lại
/ Một thời qua đi, một thời đi...đi mãi / Ôi thiếu nữ một thời kỷ niệm / Sẽ qua
đi có trở lại bao giờ.
(Mùa hè tiếu nữ - Diệp Minh Tuyền)
Lặng lẽ chiều nay / Lặng lẽ mùa hè /
Sân trường vắng / Và lòng tôi cũng vắng / Muốn tặng em / Một chùm phượng thắm /
Tôi nhờ mùa hè / Bẻ hộ tôi
(Lặng lẽ mùa hè - Nguyễn Nhật Ánh)
Nhưng nhà thơ nữ thời thơ mới của
chúng ta không nói đến tình yêu đôi lứa mà chỉ là một người yêu thiên nhiên và
con người, yêu vẻ đẹp của bầu trời mùa hè, yêu cái tinh thần lao
động không biết mệt mỏi của người dân quê đồng thời cũng ca ngợi sự dẽo
dai và tính chịu khó của người phụ nữ. Một vài hình ảnh cũng phơi bày
được cuộc sống khó nghèo và lạc hậu của người quê qua cách diễn đạt
đôi chút châm biếm hài hước.
Tranh trong thơ
Nữ thi sĩ Anh Thơ là một hoạ sĩ,
nhưng bà không hề dùng một chút sơn nào mà bà vẽ tranh bằng thơ.
Mỗi bài thơ là một bức tranh thiên nhiên sống động mà người đọc dù không
phải là hoạ sĩ cũng có thể hình dung được, vẽ được trong trí mình
một miền quê có phong cảnh nên thơ hửu tình dù thời tiết khắc nghiệt,
cuộc sốn tuy nghèo nhưng yên ả, và người dân yêu lao động, biết tìm cho mình
những hạnh phúc nho nhỏ để vượt qua khó khăn.
Có người nói những bài thơ ấy
không hẳn là những bức tranh mà là những cuốn phim màu lịch sử sống động,
để rồi trong tương lai chúng sẽ trở thành những tài liệu quý giá cho
những nhà làm phim, những đạo diễn sân khấu, những hoạ sĩ, thậm chí cả
những nhà khảo cổ có thể dựa vào đấy để xây dựng tác phẩm hay nghiên cứu của
mình.
Để thay cho lời kết , chúng ta hãy đọc một đoạn trong bài phỏng vấn giữa phóng viên báo edu.net với nhà thơ để nghe chính bà nói về thơ của mình:
“…lúc đó tôi nghĩ là tôi sẽ vẽ tranh
bằng thơ nên tôi muốn có một xấp tranh nho nhỏ tuy hình thức giống nhau nhưng
nội dung mỗi bài một khác.”
Nguyễn Khắc Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét