Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Hoa Phượng Ảnh Lê Hoàng

THƠ 4 CÂU NĐL


                 THƠ 4 CÂU CỦA NGUYỄN ĐÌNH LƯƠNG

                    TRONG “MUỐN QUAY VỀ NÚI”
Mang Viên Long



           Tập di cảo thơ “Muốn Quay Về Núi” của Nguyễn Đình Lương được nhóm bằng hữu (Nguyễn Đình Thi - Cao Văn Tam - Trần Viết Dũng - Phan Trường Nghị) thực hiện sau ngày anh mất hai tháng (ngày 15 tháng 12, năm 2011). Tập thơ gồm 45 bài, nhiều thể loại - nhưng vẫn sâu đậm một phong cách thơ rất riêng của Nguyễn Đình Lương: Hồn nhiên, hào sãng, cởi mở, chí tình, và thắm đượm triết lý sống của đạo Phật.

           Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, và đầu những năm 2000, từ Tây Sơn - thỉnh thoảng, bất ngờ, Nguyễn Đình Lương gởi thư cho tôi qua đường bưu điện. Lần nào cũng vậy, mở phong thư ra - chỉ thấy vỏn vẹn 4 câu thơ! Lúc thì viết trên bao thuốc lá, trên tờ lịch, hay một mẫu giấy nhỏ! Nét chữ bay bướm, phóng khoáng…
           Tôi đọc thơ anh, biết được đời sống anh lúc bấy giờ: Cô độc và buồn! Đó là một nổi buồn “không tên” khi tuổi đời đang vượt qua con số 50, mà ước mơ vẫn còn mịt mờ phía trước! Dù chỉ 4 câu, anh đã ngẩu hứng viết ra trong giây phút, nhưng đó là cả một tấm chân tình muốn chia sẻ…Tôi có ấn tượng về “thơ 4 câu” của Nguyễn Đình Lương từ dạo ấy…
            Sau ngày anh mất vì biến chứng cao huyết áp (7giờ30 sáng, ngày 10 tháng 10 năm 2011), tập di cảo thơ “Muốn Quay Về Núi” của anh mới xuất bản; do người con của anh đã ký gởi tặng cho tôi, và tôi đã tìm thấy những bài thơ 4 câu mà Nguyễn Đình Lương đã lai rai gởi cho tôi trước đây, dược giữ lại trong đó. Ví dụ như bài “Xách Nước Trưa”:
             “Buổi trưa nắng khát
               Nối sợi dây gàu
               Thả xuống giếng sâu
               Xách lên đầy gió”
         “Nắng khát” nhưng gặp “giếng sâu”, dầu đã gắng “nối sợi dây gàu”, nhưng - “xách lên đầy gió”! Vậy là, “cơn khát” vẫn còn, vẫn đeo đẳng bên anh, theo bao năm tháng, khi “giếng đời” đã cạn nguồn nước mát? Cái “có” & “không” vô thường là vậy!
            Và dĩ nhiên là “Buồn” :
                 “Buồn thấp rồi lại buồn cao
                   Buồn quay buồn quắt buồn nhào vô em
                   Nhào vô lại thấy buồn thêm
                   Oải ra hụt bước chạm vào thiên thu”
            Nổi buồn “thấp/cao/quay quắt…” là một nổi buồn đã vây hãm lấy đời sống không còn lối thóat! Khi đã bị dồn đẩy vào ngõ cụt, vào sự vô vọng - thì chỉ còn một con đường là “nhào vô em” để mong giữ chút hy vọng bên đời! Nhưng, bất hạnh thay “Nhào vô lại thấy buồn thêm”; nổi buồn đã không được sẻ chia, giảm bớt, mà còn “buồn thêm”? Một chữ “Buồn” đơn giản cho đề tựa bài thơ, nhưng 4 câu đã chuyên chở cả một “cõi mênh mông buồn” của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy! Và cũng chính bị rơi vào cõi mênh mông phiền não khó thoát ấy (“Oải ra hụt bước”), mà nhà thơ đã có được sát na tỉnh giác vô vàn thiêng liêng của đời người:“chạm vào thiên thu”. Chạm vào cõi vĩnh hằng, hiểu theo triết lý Phật giáo, là chạm vào “bờ kia”, hay bước vào cửa Đạo, chạm đến “tri kiến giải thoát” vậy!
             Tôi gặp lại bài “Café Sáng” đã dược đọc rất lâu:
                 “Em đường cát trắng
                  Ta café đen
                  Hòa chung đắng ngọt
                  Uống hoài hóa quen!”
             Tôi nhận được bài thơ “bất chợt/ngẩu hứng” này của Nguyễn Đình Lương khi đang trải qua một cuộc lao đao “duyên nghiệp”; nhưng rồi đọc câu “uống hoài hóa quen”, cảm thấy được an ủi, được sẻ chia rất nhiều! Một là “đường cát”, một là “café đen” - hai bản thể tự nhiên đã vậy rồi (đắng/ngọt) - thì chỉ có sự hòa hợp, hòa quyện, tương tác (hòa chung); mới có thể tạo được cảm giác an vui cho cái “thú đau thương” trên cõi tạm nầy - không thể khác (uống hoài hóa quen). Chỉ đơn giản vậy thôi!
              Nguyễn Đình Lương tiếp tục tâm sự khi “Vợ Lại Vắng Nhà”:
                 “Em đi nhà bổng quạnh hiu
                   Đang nồng nắng sớm chợt chiều âm âm
                   Ta như trôi nổi âm thầm
                   Trong mênh mông nhớ, trong đầm đề trông”
              Vì “uống hoài hóa quen” nên không thể thiếu em bên đời. Thiếu em là dất trời rổng không. Là “nhà bổng quạnh hiu/chiều âm âm/ ta như trôi nổi/ mênh mông nhớ/ đầm đề trông” - là mọi cảnh vật đều tẻ nhạt, vô nghĩa, vô hồn. Không một lời nhắc kể đến yêu thương, hay thề nguyện sướt mướt, nhưng qua nổi buồn trống vắng rời rã cùng nổi nhớ mong da diết; đã cho thấy được tấm chân tình thủy chung, rất mực! (Cu lồng gù vô cớ/khói thuốc bay vu vơ/em đi nhà quạnh quẽ/hoa mận trắng hiên chờ - Vợ Vắng Nhà).
              Nhớ Tây Sơn, là nhớ “Bánh Cuốn”. Bánh cuốn ở đất Tây Sơn không phải chỉ đặc biệt ở “hai sống một chín”, mà còn có lắm giai thoại khó quên. Cuốn bánh “hai sống một chín” được cuốn với hai trứng, ba kẹp, hai gắp - để có một cuốn bánh to bằng bắp tay, rất dễ nể! Người bình thường xơi một cuốn là căn bụng rồi. Vậy mà có đã “lão gánh nước thuê’ đã được cô chủ “thử sức” đến hai, ba cuốn một lần, để nhận được ân huệ cùng cô ta (…)! Nguyễn Đình Lương nhắc đến “Bánh Cuốn” nhưng đã thể hiện được tấm lòng chơn chất, chắc thiệt của con người quê hương Tây Sơn:
              “Sa vào như bụi mù sa
               Hai sống một chín mặn mà nữa không?
              Ở đây chỉ một tấm lòng
              Bạc tiền trong túi long đong phương trời”
            Cũng với sự phóng khoáng có chút ưu tư; cũng với cái dí dỏm bi hài thường nhật - Nguyễn Đình Lương đã có lần “Ngỡ Nằm Với Núi”:
              “ Say nằm gốc ớt
                Vợ mang vô nhà
                 Sáng ra vã rượu
                Nhớ rừng hôm qua!”
            Tôi quen thân với Nguyễn Đình Lương khi cùng học một lớp với anh ở Trung học Cường Đễ ( nhưng khác ban) - là người đồng hương Tây Sơn; nhưng khi trưởng thành mỗi người đi một ngả. Sau 75, tôi đã trở lại quê An Nhơn, nhưng ít có dịp gặp anh để “cụng ly”, bởi hoàn cảnh khó khăn riêng. Bù vào, thỉnh thoảng anh “tiếu ngạo” đó đây, ghé tạt lại thăm - đọc vài bài thơ ngẩu hứng cho tôi nghe, rồi “lặng”!
             Hôm nay, nhận được phone của TVD mời lên Tây Sơn nhân dịp lễ cúng 100 ngày anh mất, tôi lại mở tập di cảo thơ của anh - nhớ lại những mảnh chân tình mà anh đã bao năm gởi gắm, như thắp cho anh nén tâm hương với vô vàn thương tiếc!

Quê nhà, 20 tháng 01 năm 2012
MANG VIÊN LONG



              
      
 

       

          
           

             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét