Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

ảnh Lê Hoàng Trees by Tom Schwabel

TÔI ĐẾN VỚI PHẬT (CVM Blogs - 4)
Tiểu Luận & Tạp Bút
MANG VIÊN LONG
Bài 7 & 8


          HOA MAI ĐÂU DỄ NGÁT MÙI HƯƠNG
              
                              Tạp bút
                      MANG VIÊN LONG



          Đúng chu kỳ, mùa Xuân lại đến. Cách đây mấy hôm, một người bạn văn - cũng là bạn đạo, có biếu cho tôi một cành hoàng mai. Cành mai khá lớn, hoa lá chen lẫn trên cành khúc khuỷu tạo thành một sự sắp xếp rất tinh tế, mỹ thuật của thiên nhiên.


T
ôi trang trọng đặt cành hoa vào bình sứ lớn, chưng ngay phòng nhà giữa - là bàn thờ Tổ. Hằng ngày, theo dõi từng chùm hoa vàng nở, nghe thấy một mùi hương thoang thoảng dìu dặt, tôi thầm chiêm phục và biết ơn loài hoa cao quý ấy.

42
 
     Cành hoa mai đã khiến tôi chợt nhớ tới bài “Tụng” của ngài Hoàng Bá Hy Vân (1) đã đọc trong một buổi  thượng đường, chỉ dạy đại chúng:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
               Hệ bã thằng đầu tổ nhất trường
               Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
               Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương.
     Bài dịch (2) :
               Vượt cõi trần lao việc chẳng thường
               Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
               Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
               Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
     Quả thật, cây mai đã phải trải qua cái giá lạnh, mưa bão của mùa Đông dài dặc đen tối, để chớm Xuân trổ lá, kết hoa… Hoa mai là loài hoa tượng trưng rõ nét và đầy đủ nhất cho cái đẹp và ý nghĩa của mùa Xuân. Những chùm hoa vàng tinh khiết, mầu nhiệm kia như được tích tụ từ nỗi giá lạnh, giông bão vùi dập mà không hề nao núng; để mở sáng một mùa Xuân ấm áp, hạnh phúc cho muôn loài.
               “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt”.
     Nếu cây mai không chịu được một mùa Đông với bao vùi dập tan tác của cái lạnh, của gió, của mưa dầm, thì làm sao kết tụ được những cánh hoa mới lạ tinh anh kia - và nhất là, làm thế nào mà ấp ủ một mùi hương thanh quý riêng biệt như thế?
               “Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”
     Người học Phật cũng được ví như cây mai. Như hoa mai. Như mùi hương thiêng liêng của hoa. Nghĩa là người tu cũng phải trải qua kiên tâm vững bước trên tám con đường đạo Phật (Bát chánh đạo) “mùa đông” của sự mài giũa Giới Định Tuệ; của lòng trì niệm không ngưng nghỉ bốn câu kệ trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, dũng mãnh và tinh tấn để tự thắng mọi chướng nghiệp - và luôn xả thân vì Đại Nguyện, thì “Hoa Tâm” mới sanh, mới “ngửi” được mùi hương nhiệm mầu của đạo pháp.
     Người học Phật không thể  không có “một phen xương lạnh buốt” mà có thể “ngửi thấy mùi hương” An Lạc, Giải thoát chơn chính của pháp Phật được.
     Sự nhiệm mầu vô tận “bất khả tư nghì” của Hoa Đạo đến với Tâm người tu, để “Hoa Tâm” nở ra tỏa ngát hương, càng phải cần có những “mùa- Đông- không - ngày-tháng” nhiều hơn thế nữa…
     Nhớ Tổ Huệ Khả xưa, suốt đêm dầm mình trong mưa tuyết lạnh thấu xương, chờ mặt trời rạng lên, chặt đứt một cánh tay để được Tổ Đạt Ma nhận làm đệ tử.
     Và Lục Tổ Huệ Năng:
               … Tám tháng
               Đeo đá giã gạo nhà trù
               Mười lăm năm
               Trú ẩn rừng sâu
               Ngày xuống núi tóc râu bạc thếch (3)
               …
     Những tấm gương cầu học đạo, xả thân vì đạo, vì đại nguyện của các bậc Tổ, của chư vị Pháp sư, Thiền sư, Giảng sư… luôn là nguồn sáng soi dắt người học Phật chúng ta luyện tâm, bền chí…
     Hoa Mai - Hoa Tâm - Hoa Đạo của mùa Xuân trọng đại ấy có thể sẽ rất gần, và cũng có thể sẽ rất xa. Một sát na. Hay trọn một đời. Nhiều đời. Chúng ta - những người học Phật, chỉ nên biết luôn giữ sáng Tâm mình và tinh tấn mà tiến bước…
     Hoa Tâm ắt sẽ nở hoa, đượm hương bất tuyệt trong lòng mọi người.
                                                                                                                                (Báo Giác Ngộ Xuân Bính Tý-PL 2539-1996)


    
  HÃY SUY NGHĨ GIỐNG NHƯ
      TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA




T
rong quyển “Tăng Già Thời Đức Phật” do Hòa Thượng Thích Chơn Thiện biên soạn (Viện nghiên cứu PGVN ấn hành 1991) đã có ghi lại qua một mẫu chuyện về Tôn giả Phú Lâu Na (Punna) mà trong các kinh Tạp A Hàm, Trung Bộ Kinh, Trưởng Lão Tăng Kệ đều có đề cập đến:  “… Đức Phật dạy : “Người dân ở xứ Sronàparanta nóng nảy, bạo lực, dữ dằn. Họ nói những lời dữ dằn, thô lỗ. Nếu họ nói với ông những lời dữ dằn, thô lỗ, hỗn láo thì ông nghĩ thế nào ?”. Punna : “Con sẽ nghĩ rằng người dân ở Sronàparanta quả thực là những người tốt bụng và hiền lành, vì họ không đánh con bằng tay, cũng không ném đá vào con”. Đức Phật : “Nhưng nếu họ đánh ông bằng tay hay ném đá vào ông thì ông sẽ nghĩ thế nào?. Punna: “Con sẽ nghĩ rằng họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ không đánh con bằng gậy, không đâm con bằng gươm”. Đức Phật : “Nhưng nếu họ đánh ông bằng gậy hoặc đâm ông bằng gươm thì ông sẽ nghĩ thế nào?”. Punna: “Con sẽ nghĩ họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ không giết chết con!”. Đức Phật: “Nhưng nếu họ giết ông, này Punna, ông sẽ nghĩ thế nào?”. Punna: ”Con sẽ nghĩ rằng họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ giải thoát cho con khỏi cái thân xác thối tha này môt cách dễ dàng. Con biết rằng có nhiều tu sĩ đã hổ thẹn vì cái thân xác của mình, đã bối rối, chán nản, và các vị ấy đã tự tử bằng khí giới, đã dùng thuốc độc, đã tự treo cổ bằng dây thừng hay lao mình vào vực sâu !?
          Đức Phật: “Này Punna, ông có thiện tâm, nhẫn nhục cao nhất. Hãy đi đi mà dạy cho họ làm sao để họ được giải thoát như chính ông - ông đã giải thoát”.
          Qua mẫu chuyện nhỏ thuật lại cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và Tôn giả Phú Lâu Na - một đệ tử lớn của Phật, khi Tôn giả cầu xin được đến xứ Sronàparanta để dạy đạo cho người xứ này; chúng ta vô cùng cảm phục đức hảo tâm và lòng nhẫn nhục cao cả của Tôn giả.
          Sở dĩ Phú Lâu Na có được suy nghĩ, lời nói, và việc làm chân chính, kiên cường như thế, là vì Tôn giả đã sẵn có cái tâm trong sáng, cái trí bền vững; lòng tin bất thối chuyển vào Đạo pháp; nhất là có đầy đủ thiện tâm, có cái đức mạnh nhất trong tất cả là sự “nhẫn nhục”; luôn nghĩ tốt về mọi người bằng tình thương yêu vô bờ.
          Một vị Sa môn hỏi Phật ”Cái gì là mạnh nhất?”. Đức Phật đã dạy : “Đức nhẫn nhục là mạnh nhất, nhẫn nhục thì không có ác tâm, lại có tâm yên vui, bền vững(1). Chính vì Tôn giả Phú Lâu Na có được cái “sức mạnh” vô song kia, mà ông vượt qua mọi gian nan khi đến xứ Sronàparanta để truyền bá Đạo pháp… Suy nghĩ của Tôn giả về mối quan hệ giữa ta và người, gợi nhớ lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Chớ nên biết lỗi người, hãy nên biết lỗi mình(2). Nếu cứ mãi theo dòm ngó, bới móc, chấp chặt vào lỗi của người, thì trước tiên, chúng ta lại là người có lỗi, có tâm không yên vui, có lòng oán giận, tâm địa hẹp hòi; mãi mãi tạo ra oán thù không bao giờ dứt. Cả ta và người đều khổ. Đó là đầu mối của bao bất hạnh trong gia đình, ngoài xã hội… Lời Phật dạy như một chân lý bất biến ai cũng có thể thuộc lòng, nhưng có lẽ ít khi đem ra ứng dụng, thực hành: “Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù. Đó là định luật của ngàn thu”.(Pháp cú 5 - phẩm Song yếu).
          Vậy điều gì sẽ trừ được tận gốc rễ của hận thù? Đó là tình thương, là lòng từ bi. Sở dĩ Tôn giả Phú Lâu Na truyền Đạo đạt kết quả ở xứ Sronàparanta có nhiều kẻ ác tâm - cải hóa và giáo huấn được họ - cũng chính là nhờ vào tấm lòng từ bi vô lượng của Ngài. Sở dĩ Phú Lâu Na không sợ hãi, oán phiền, thối chí, dầu cho phải nghe những lời dữ dằn, thô lỗ hỗn láo đến có thể sẽ bị giết chết bằng gươm ở xứ Sronàparanta; chỉ vì Tôn Giả đã là “người có tâm thanh tịnh, không còn các lâu hoặc, vượt trên thiện và ác”.   (P.C 39).
          Muốn suy nghĩ và hành động giống như Tôn giả Phú Lâu Na  thì chúng ta phải làm thế nào ? - Trước hết, và quan trọng hơn cả là phải có “Thiện Tâm” (hay hảo tâm), bởi vì : “Trong các pháp, tâm dẫn  đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác” (P.C 2).
          Thiện Tâm là gì ?
          Đức Phật đáp : “Hai chữ hảo tâm rất ít ai làm được. Nếu thật là hảo tâm thì làm việc lợi ích cho người không cầu mong người trả lại. Cung cấp việc cho người không cần người trả quả. Cúng dường cho người không cầu phước báo. Làm lợi ích cho người không cần người báo ơn, tự hạ tâm mình xuống cho người được thỏa lòng; cũng như khó xả mà xả được, việc khó nhẫn mà nhẫn được, việc khó làm, hay làm được; việc khó cứu hay cứu được - không phân biệt oán thân, bình đẳng tế độ; chân thật làm như thế chứ không phải nói suông” (3).
          Nhìn lại, cái Tâm của Tôn giả Phú Lâu Na như cõi đất bằng, mặc tình cho nắng mưa, giông bão - có gì có thể làm đổi thay lay động được Ngài ? Lấy việc lành để tiêu trừ việc ác; lấy tình thương để xóa bỏ hận thù; lấy không giận thắng giận; lấy bố thí thắng xam tham, lấy chơn thắng hư ngụy… đó chính là những “cái tâm” trong sáng, luôn luôn được yên vui, hạnh phúc - mà người học Phật, cần phải ghi nhớ, hành trì để được giác ngộ, cảm nhận được hương vị giải thoát ngay trong cuộc sống  hiện tại.
          Thành kính cảm phục Tôn giả Phú Lâu Na qua mẫu chuyện ngắn vừa nêu trên, chúng ta cần phải luôn làm theo lời căn dặn của Đức Từ Phụ trước lúc vào Niết Bàn : “Người nào chưa có thể vui mừng chịu nghe các điều chửi rủa tệ ác như là được uống nước cam lồ, thì chưa gọi được là người có trí tuệ nhập đạo” (4). Chúng ta hãy hoan hỉ, vui sướng, vì “chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán, giữa những người thù oán , ta sống không thù oán” (Kinh Pháp cú 197).
          Ngay từ lúc này, chúng ta hãy học tập, rèn luyện “suy nghĩ giống như Tôn giả Phú Lâu Na” để bắt đầu một đời sống mới, chuyển biến mới, để đón nhận bao nhiêu an lạc nhiệm mầu mà không thể có một niềm hoan lạc nào có thể so sánh được…

PL 2552      






(1) Ngài Hoàng Bá là đệ tử của Bá Trượng. Bá Trượng là đệ tử của Mã Tổ. Mã tổ là đệ tử Hoài Nhượng.là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng.
(2) “Luận Tối Thượng Thừa” của TT Thanh Từ – do Thiền học xuất bản, 1970.
(3) Thơ của Huệ Thành
(1)Kinh Bốn mươi hai chương
(2)Kinh pháp Bảo Đàn
(3) Phật Thuyết Đại Thừa kim cang kinh luận
(4) Kinh Di Giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét