Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Ảnh Lê Hoàng

TÔI ĐẾN VỚI PHÂT (CVM blogs 5)
TL & TB
MVL
Bài  9 & 10



CÂU CHUYỆN VỀ HẢO TƯỚNG PHẬT

                                   Tạp bút
                       MANG VIÊN LONG



T
iên A Tư Đà là vị tiên nhân bác học,  thần thông của Ấn Độ đương thời. Khi đức Thế Tôn đản sinh làm Thái Tử, ông đã nhận lời mời của vua Tịnh Phạn, đến nội cung xem tướng Thái Tử. Xem xong, ông nói với vua Tịnh Phạn : “Đại Vương! Vị thái tử có nhiều hảo tướng hiền minh này; tương lai nhất định sẽ xuất gia học đạo, và thành tựu quả Phật. Thật đáng tiếc, nay tôi đã già quá rồi, không kịp đợi, vì lúc Ngài thành Phật, tôi đã qua đời! Tuy tôi không thể lãnh thọ giáo lý của Ngài, nhưng tôi sẽ dạy đệ tử tôi theo Ngài học đạo”.  Nói xong, ông rơi nước mắt và lui ra(1)

     Trong nhiều kinh sách đã từng đề cập tới hảo tướng của Đức Phật: Ngài có đủ 32 tướng tốt, và 80 vẻ đẹp nơi thân, mà từ ngàn xưa, chưa người nào có đủ. Chỉ vừa trông thấy hảo tướng của Phật, lòng người đã phát tâm kính ngưỡng. Giới nữ lưu vọng tộc bị hấp dẫn quy ngưỡng đã đành; mà nam giới cũng có vô số người say mê vì sắc đẹp vô song của Ngài. Tuy vậy, chuyện về chàng thanh niên Bà la môn Vakkali ở thành Xá Vệ, là một trường hợp khá đặc biệt, đáng để cho chúng ta suy gẫm:
     … Một hôm chàng thanh niên Bà la môn quyền quý Vakkali đi dạo trong thành, bỗng chàng đứng khựng lại: Trước mắt chàng, vị sa môn áo vàng đang đi khất thực. Nhìn tư thái uy nghiêm, bước đi nhẹ nhàng thanh thoát, và nhất là hảo tướng toát ra nơi vị tu sĩ này như một sức hút mãnh liệt; khiến mọi người đều phải dừng bước cung kính.
     Chàng sững sờ nhìn Vị Sa môn - lòng nghĩ thầm : “Quái lạ, không ngờ trong cõi đời này, lại có người đẹp trai lạ lùng đến thế. Ôi! ước gì ta được ở kề cận bên người để nhìn ngắm cho thỏa thích…”.

72
 
     Vakkali dọ hỏi và biết được rằng, vị Sa Môn ấy xưa kia là một ông Hoàng Vương giả, đã từ bỏ ngai vàng và đã giác ngộ. Người ta thường gọi Ngài là Sa Môn Cồ Đam, và hàng đệ tử thì cung kính gọi Ngài là Thế Tôn. Vakkali liền xin xuất gia vào Tăng đoàn, sống đời khất sĩ. Vì mục đích xuất gia của chàng không lấy gì làm cao xa cho lắm, nên hằng ngày ngoài giờ đi bát cần thiết; Tỳ kheo Vakkali luôn luôn tìm một chỗ ngồi thuận tiện để được chiêm ngưỡng từ dung đức Đạo sư cho thỏa thích. Thầy chẳng quan tâm gì đến việc học kinh ngồi thiền, hay bổn phận của một chú tiểu sơ cơ. Đấng Đạo sư biết rõ tâm niệm của Vakkali nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi - như chờ đợi ngày trăng đến Rằm thì tròn vậy. Và ngày ấy đã đến…
     Một hôm Đức Đạo sư quay lại bảo Vakkali, khi chàng đang say đắm nhìn Ngài:
     - Này Vakkali đâu có gì thích thú khi nhìn ngắm một hợp thể bất tịnh gọi là thân ta? Chỉ khi nào Vakkali nghe lời Như Lai dạy, thấy được pháp sinh diệt, thì mới được gọi là thấy Như Lai!
     Nhưng bất kể lời khuyên của Phật, Vakkali vẫn giữ nguyên tâm niệm và thái độ của chàng không thể nào buông tầm mắt khỏi Đức Đạo sư. Cuối cùng, Đức Đạo sư đành rời Xá Vệ, và cấm không cho Vakkali đi theo.
     Ba tuần trăng trôi qua, Vakkali không được thấy hình bóng và nghe pháp âm của đấng Đạo sư, lòng sầu khổ vô hạn. Chàng tự nghĩ rằng : “Mình đã từ bỏ gia  đình, đổi lớp áo cao sang của một chàng công tử danh giá để vào cuộc sống bần hàn kiết số, chỉ với một mục đích duy nhất là được gần gũi, chiêm ngưỡng đấng Đạo sư. Thế mà Ngài lại hất hủi ghét bỏ mình, trong khi Ngài rất mực từ bi dịu dàng đối với tất cả chúng sinh chí đền con sâu, cái kiến…”.
     Một hôm, quá sầu não - Vakkali nảy ra ý định quyên sinh. Chàng leo lên một đỉnh núi cao định buông mình xuống vực sâu cho rảnh nợ đời. Biết được ý định ngông cuồng của người đệ tử trẻ tuổi; Đức Đạo sư hiện thân đến gần Vakkali và cất tiếng gọi :
     - Này Vakkali hãy đến đây với Như Lai ! Vakkali reo lên vì vui mừng :
     - Có thật chăng? Có thật là Thế Tôn gọi con; Ngài không xua đuổi con nữa ư ?
     Và dưới bóng mát của một cội cây rừng bên tảng đá, Đức Đạo Sư ôn tồn bảo :
     - Này Vakkali! Tại sao con có ý định quyên sinh?
     - Bạch Thế Tôn, vì con cảm thấy quá sầu não, quá phiền muộn! Con không tìm thấy niềm vui nào trong đời sống khất sĩ đạm bạc này. Ngoài việc chiêm ngưỡng tướng mạo phi phàm của Thế Tôn!
     - Này Vakkali! Niềm vui nào rồi cũng phải úa tàn. Sắc thân của Như Lai, dù là phi phàm đi nữa rồi cũng phải chịu sự chi phối của già, bệnh, chết! Bất cứ pháp gì trên đời này có sinh đều phải có diệt. Đó là một định luật đương nhiên. Nếu biết rõ điều ấy; ta có nên đặt hết lòng hy vọng bám víu vào những pháp sinh diệt ấy, để mưu cầu một hạnh phúc vĩnh cửu không bị tàn phai chăng?
     Vakkali im lặng cúi đầu, đấng Đạo Sư giảng trạch thêm cho chàng  về tính chất phù du, tạm bợ của các hợp thể gọi là sắc thân Ngài. Sau thời Pháp, Vakkali xúc động thưa:
     - Bạch thế tôn, con đã hiểu rồi! Từ lâu con đã chạy theo những bóng dáng phù du do tâm thức con phóng chiếu ra; lấy đó làm niềm vui độc nhất của mình. Khi nguồn vui  ấy  bị  cản  trở,  con đâm ra buồn phiền sầu khổ. Con quá si mê không biết rằng, cái gì có sinh cũng phải có diệt.  Sắc thân Như Lai tuy đẹp đẽ vô song thật; nhưng trước kia không nay có, thì thế nào cũng sẽ trở về không. Nguồn vui của con cũng chỉ là một cảm xúc nhất thời, nếu không được nuôi dưỡng thì nó cũng phải lụi tàn! Con đã hiểu rồi, và con cũng xin hứa với Thế Tôn, là từ nay Vakkali chỉ thực hành những lời giáo huấn của Như Lai, thay vì chiêm ngưỡng từ dung của Ngài như dạo trước.
     - Hay lắm! Này Tỳ Kheo! Nếu lòng con đầy hỷ lạc, đầy niềm tin nơi lời dạy của Như Lai, thì chẳng bao lâu con sẽ đạt được hạnh phúc tối thượng!
     Và thế rồi, Vakkali từ giã Đức Đạo sư độc cư thiền định ngay trên đỉnh núi mà chàng định quyên sinh. Đúng như lời tiên đoán của đấng Đạo sư, chẳng bao lâu Vakkali đắc quả A La Hán. Từ đó, Thế Tôn xếp Vakkali vào hàng môn đệ có lòng tin chân thật nhất (1).
     Chàng Vakkali ở thành Xá Vệ là hiện thân cho vô số Vakkali trên trái đất này: Tâm niệm luôn chạy theo, dính mắc vào Sắc. Tưởng Sắc là thật. Là bền vững là “của ta”. Vì vậy, khi sắc không còn là “của ta” nữa; thì không ngớt khổ đau, tuyệt vọng. Chuyện tưởng đơn giản là vậy, mà đã có ai luôn tỉnh giác - không để cho tâm dính mắc vào cái sắc vô nghĩa ấy chưa?
Tập khí lâu đời của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là luôn đuổi theo sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Đó là căn bệnh trầm kha của loài người muôn kiếp. Là gốc rễ của khổ đau, sinh tử luân hồi. Bốn pháp lớn mà Thế Tôn luôn truyền đạt trong hầu hết các tạng kinh là “khổ, không, vô thường, vô ngã” cốt là để thanh tịnh sáu căn, không nhiễm ô bỡi sáu trần - đưa đến trừ diệt tham sân si - tiến đến giác ngộ, giải thoát.
     Đức Thế Tôn hiện thân là một Thái tử, giàu sang uy quyền - sẽ là vua, làm chủ thiên hạ; đó là ước mơ của bao người trên thế gian này. Lại hiện thân có tướntg hảo tuyệt trần, cũng là niềm khát khao của trăm họ. Nhưng qua cuộc đời lịch sử của Thế Tôn, hai sự kiện mà con người cho là tuyệt đỉnh của hạnh phúc ấy - lại bị khướt từ không chút luyến tiếc. Đây chính là hai bài pháp thực tế sinh động, mà đức Thế Tôn muốn tất cả hàng Phật tử hãy tỉnh giác. Chàng Vakkali được Thế Tôn khuyến dạy chỉ một lần - là giác ngộ. Lời dạy của đức Thế Tôn còn sáng mãi đến hôm nay. Tất cả chúng ta đã nhận chân được lẽ thật của vạn pháp là vô thường, sinh diệt chưa, hay mãi còn lo vọng tưởng đến sắc - để muôn kiếp điên đảo khổ đau?

( Báo Giác Ngộ-số đặc biệt Phật Đản
PL 2549)


                           



                         TÂM “ HỶ XẢ”

                     trong sinh hoẠt VHNT





P
hải nhìn nhận một điều: Trong bất kỳ sinh hoạt nào của đời sống trong xã hội, cũng đều có sự “va chạm” do nhiều nguyên nhân (chủ quan hay khách quan) đưa đến :
          Sự “va chạm” - tạm gọi như vậy, là một “phản ứng” tự nhiên, khi mà mỗi cá thể đều có tính chất riêng, suy nghĩ riêng, và hoàn cảnh, căn cơ riêng. Đó là một điều khó có thể tránh khỏi.
          Nếu nói ở một bình diện lớn hơn, đó có thể là một sự “mâu thuẫn”, “xung đột” hay “phản kháng” giữa ý thức với ý thức, giữa cảm nhận với cảm nhận; nói tóm là giữa những cái “ngã” vô cùng vi tế và phức tạp trong một cộng đồng.
          Hiểu theo một ý nghĩa tích cực, tốt đẹp là sự “mâu thuẫn, bất đồng” ấy có một giá trị xây dựng cần thiết cho sự tiến bộ và hoàn thiện. (Nếu không có sự “bất đồng, xung đột” - theo nghĩa trong sáng, thành tâm ấy, có lẽ sẽ không có sự tiến bộ, không có sự hoàn thiện trong tương lai).
          Sinh hoạt VHNT - nói hẹp trong phạm vi văn học, cũng cần có cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” ấy nếu nó được phát sinh, bắt nguồn từ tấm lòng nhiệt thành, trung thực, vì sự nghiệp chung của văn học. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.
          Tuy vậy, trong thực tế, đáng tiếc thay (và cũng đáng buồn thay) - có nhiều sự “va chạm”, “mâu thuẫn “ hay “xung đột” lại được nẩy sinh từ tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, thiển cận (!). Tôi rất ngạc nhiên, bàng hoàng (và lấy làm kỳ lạ) khi nghe một người bạn kể lại chuyện “hai ông nhà thơ” phẩm bình thơ nhau, rồi lớn tiếng “cãi cọ”, đi đến biện pháp cuối cùng là “dùng võ thuật” (chứ không dùng miệng lưỡi nữa) (!)
          Chuyện này làm tôi nhớ lại lời của nhà văn Võ Hồng đã nói với tôi như một kinh nghiệm, một lời khuyên (vào năm 1971): “(…) Nếu gặp bạn thơ văn nào có lòng kiêu mạn, biết họ sẽ không thể tiến bộ được nữa, tốt hơn là toa nên im lặng!”. Đó là một thái độ tiêu cực, thiếu xây dựng - nhưng biết làm cách nào tốt hơn trước thực trạng đáng buồn như vậy?
          Tôi không gọi những vụ “lời qua tiếng lại “ trên văn đàn, báo chí - theo nghĩa tiêu cực, là sự “xung đột, mâu thuẫn” cần thiết; mà có thể tạm gọi là “sự kèn cựa của những cái ngã”. Đó là sự bùng vỡ của những tham vọng, những toan tính cá nhân, của lòng ích kỷ!
          Nói tóm lại, dù là sự “va chạm” trong sinh hoạt VHNT có rơi vào trường hợp nào đi chăng nữa (tích cực / tiêu cực - tốt / xấu v.v…) thì chúng ta vẫn có thể có được sự an vui, thảnh thơi, hòa hợp với cái tâm “hỷ xả” của chính mình !
                               Hỷ có nghĩa là vui, vui sướng.
                               Xả có nghĩa là buông thả ra, bỏ đi.
          Hỷ xả có nghĩa là “vui vẻ mà bỏ đi, mà quên đi - không gợi chút hờn giận, chấp trước, buồn phiền gì trong tận đáy lòng. Vì thương yêu mà buông bỏ!”.
          Có “xả” được tận gốc (từ trong tâm mình), mới có niềm vui tối thượng, có sự hòa hợp cao cả, đích thực.
          Một tên đồ tể cầm giáo còn vấy máu đến xin một vị thiền sư sám hối, ăn năn hối cải, về ác nghiệp của mình; vị Thiền sư ôn tồn bảo : “Buông!”. Tên đồ tể liền thả ngọn giáo xuống sân. Vị Thiền sư lại lên tiếng : “Buông!”. Tên đồ tể tức khắc vất bỏ bao bị đang mang trên vai. Tiếng Thiền sư lại vang lên : “Buông!”. Tên đồ tể lễ phép thưa : “Bạch Hòa Thượng, con đã “buông” hết cả rồi ạ!”. Thiền sư ân cần dạy: “Ta bảo ông buông sự tham sân, si muội, độc ác trong tâm của ông kìa !” - Nghe xong, tên đồ tể hoát nhiên được ngộ.
          Chữ “xả” cũng giống như chữ “buông”: Phải “xả” ngay trong tâm mình mọi sự, mọi chuyện, mọi điều - mới đạt đến được chữ “hỷ” chân thực, bền vững, lâu dài - để có sự hòa hợp, kết thân, cảm thông tự nhiên sâu sắc với đời … Trường hợp chưa “xả” ngay được, Đức Phật cũng “thông cảm” cho ta bày tỏ thái độ, hay giận hờn; nhưng không lâu quá 24 giờ (nhưng phải là chuyện lớn kìa). Sự  “mâu thuẫn “ hay “va chạm” có hai mặt: Nếu là lời chí tình, chân xác - ta thâu nhận để tiến bộ với lòng tri ân. Nếu là lời ác tâm - ta cũng thâu nhận để “hỷ xả” cũng với lòng tri ân bởi vì đã giúp ta tu tập, rèn luyện để nên người hoàn thiện. Cả hai đều có lợi cho ta !
          Nếu chỉ “xả” (hay “buông”) ở ngoài miệng (các hình thức bên ngoài tâm) thì sẽ chẳng bao giờ có được sự an vui, có được sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia chân thật sau này. (và nhất là nó sẽ còn tiếp tục, mãi mãi đem lại bao điều phiền muộn, khổ đau cho chính bản thân ta và người khác!).
          Phẩm “An lạc” trong kinh Pháp cú có chỉ rõ.
                                         “Vui thay, chúng ta sống
                                         Không hận thù, giữa hận thù
                                         Giữa những người thù hận
                                         Ta sống, không hận thù!”
          Trong quá khứ, nếu trong sinh hoạt VHNT đã có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đáng tiếc, theo tôi - chúng ta thiếu vắng “tâm hỷ xả”. Nếu “tâm hỷ xả” được nuôi dưỡng, luôn có mặt bên cạnh đời ta, trong mọi sinh hoạt thường nhật của ta, thì chắc rằng, tất cả sẽ chẳng bao giờ ưu phiền, sân giận - mà sẽ luôn luôn mỉm cười với bao nhân duyên đến và đi - tiếp nối … mà ta chẳng hề hấn gì cả !
          Trong đạo Phật, bốn tâm lớn, cao cả của người tu, là “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Thực hành trọn vẹn được bốn tâm này (Tứ vô lượng tâm), là người đã bước vào được trong cửa Đạo. (ngộ Đạo). Tôi muốn nói thêm, trong sinh hoạt VHNT - người nào giữ được tâm “hỷ xả” là người cao thượng, đáng trân trọng, tin yêu…
          Kỳ diệu thay tâm “hỷ xả” đã có sẵn trong mỗi chúng ta, không phải mất công tìm kiếm ở đâu xa cả !

            Tháng 8.2007





(1) 10 Đại đệ tử của Phật – NXB Đà Nẵng - 2002
(1) Theo truyện cổ PG – THPG –Tp HCM 1992

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét