•
Trung Cộng đã buộc Nhật phải tuốt gươm khỏi vỏ - XuanNam
Sự trỗi dậy về quân sự và quốc phòng của Nhật Bản đã là điều không thể ngăn cản. Và Trung Quốc đang tỏ ra là người lo ngại nhất. Vì hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ sức mạnh quân sự thực sự của Nhật Bản đáng sợ như thế nào.
Phản ứng trước chuyến công du Mỹ của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và đặc biệt là trước thỏa thuận liên minh mới giữa Nhật Bản và Mỹ, trong đó có những thỏa thuận về quân sự và quốc phòng mới, Trung Quốc như thường lệ lại đưa ra những lời phản đối. Chỉ có điều, lần này sự phản đối của Trung Quốc đã rơi vào im lặng.
Gần như không có một tiếng nói đồng tình nào với Trung Quốc về sự trỗi dậy về quân sự của Nhật Bản có thể trở thành một mối nguy hiểm với khu vực, kể cả Hàn Quốc. Sự trỗi dậy về quân sự và quốc phòng của Nhật Bản đã là điều không thể ngăn cản. Và Trung Quốc đang tỏ ra là người lo ngại nhất. Vì hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ sức mạnh quân sự thực sự của Nhật Bản đáng sợ như thế nào.
Thế chiến hai kết thúc cách đây đã được 70 năm và đưa thế giới quay trở lại quỹ đạo hòa bình. Nhưng có một quốc gia duy nhất đến tận bây giờ vẫn phải gánh chịu những hệ quả từ cuộc đại chiến thế giới đó, là Nhật Bản. Nhật gần như là nước duy nhất trên thế giới không được phép thành lập quân đội và phát triển quốc phòng sau khi thế chiến hai kết thúc, trong khi hầu hết các nước bại trận khác kể cả Đức đều không phải gánh chịu sự ràng buộc này.
Bề ngoài, lý do chính thức được đưa ra là cảm giác hối hận về những điều mà quân đội Nhật Bản đã gây ra trong thế chiến và sự khao khát hòa bình đủ để người Nhật sẽ không bao giờ tái vũ trang quân đội. Thậm chí, điều này còn được ghi vào Hiến pháp Nhật. Nhưng thực tế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên do chủ yếu nhất là trình độ phát triển công nghệ quân sự của Nhật Bản đã ở mức quá cao và gây lo ngại cho thế giới phương Tây, trực tiếp nhất là Mỹ - quốc gia đã nếm thử sức mạnh của quân đội Nhật trong thế chiến.
Nhắc đến sức mạnh quân sự của Nhật Bản trong thế chiến hai, đến giờ nhiều nhà nghiên cứu vẫn coi đó là một huyền thoại mà sẽ rất lâu nữa mới có một quốc gia châu Á khác bì kịp. Nhật Bản là một nước châu Á canh tân theo mô hình phương Tây từ nửa sau thế kỷ 19, khi hầu hết các nước phương Tây khác đã công nghiệp hóa và đi xâm chiếm thuộc địa khắp thế giới. Nhưng chỉ chưa đầy 100 năm sau, Nhật Bản đã là một cường quốc hàng đầu trên thế giới, khiến hàng loạt cường quốc phương Tây phải kính nể. Đỉnh điểm cho sức mạnh tổng hợp của người Nhật là giai đoạn trước thế chiến hai, khi Nhật cùng với Mỹ và Anh là ba quốc gia có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.
Khi mà sang thế kỷ 21, người Trung Quốc mới có chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình vốn cải tạo từ một đống phế liệu mua về và coi nó là biểu tượng cho sức mạnh quân sự quốc gia, thì cách đây 70 năm Nhật Bản đã tự sản xuất được những hạm tàu sân bay lừng danh. Sức mạnh hạm đội Nhật khi đó mạnh đến nỗi, đã có thời điểm Nhật ngang ngửa với Mỹ trong những trận chiến trên mặt biển. Và giờ đây, khi mà khoảng cách giữa hải quân Mỹ với phần còn lại của thế giới đã trở nên quá lớn, thì người ta cũng hình dung ra được phần nào sức mạnh khủng khiếp của hạm đội Nhật từ cách đây 70 năm.
Trung Quốc, hơn ai hết là người hiểu rõ sức mạnh quân sự của Nhật Bản đáng sợ như thế nào.
Trước khi xâm lược Trung Quốc vào năm 1937, Nhật đã đánh bại Trung Quốc trong cuộc đọ sức giữa hạm đội Nhật và hạm đội nhà Thanh, chiến thắng đó đã đem lại cho Nhật đảo Đài Loan, bàn đạp để xâm lược Trung Quốc sau này. Sự chênh lệch về trình độ phát triển, đặc biệt là trình độ quân sự và quốc phòng, đã khiến cho Trung Quốc dù đã vượt qua Nhật về quy mô kinh tế nhưng vẫn bị đánh giá là dưới cơ so với hải quân Nhật khá nhiều.
So với những cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, thì cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản của Trung Quốc vất vả hơn rất nhiều. Một hạm đội Nhật Bản bị giới hạn năng lực phát triển trong 70 năm qua vẫn được đánh giá là mạnh hơn hạm đội Trung Quốc, thì một khi Nhật Bản được nới dây và thoải mái phát triển công nghiệp quốc phòng, không ai có thể hình dung được khoảng cách khi đó giữa Nhật và Trung Quốc sẽ lớn như thế nào.
Sự lo ngại của Trung Quốc về một sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Nhật Bản là có lý, khi mà chỉ vừa sau khi thỏa thuận liên minh mới giữa Mỹ và Nhật được thông qua, thì Nhật Bản đã ngay lập tức hành động. Trong động thái mới nhất, Nhật được xem là nước có ưu thế lớn nhất trong việc cung cấp tàu ngầm mới cho hải quân Australia so với hai đối thủ cạnh tranh khác là Đức và Pháp. Cuộc cạnh tranh cung cấp tàu ngầm cho hải quân Australia là thương vụ đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật kể từ sau thế chiến hai, ngoại trừ những trao đổi công nghệ giữa Nhật với đồng minh là Mỹ.
Việc lớp tàu ngầm Soryu của Nhật được đánh giá cao hơn lớp tàu ngầm Type-214 Diesel của Đức và Scorpene của Pháp đang cho thấy, người Nhật đã không hề bỏ phí thời gian trong 70 năm qua. Công nghiệp quốc phòng của Nhật vẫn phát triển rất mạnh, thậm chí còn trội hơn Đức trong lĩnh vực tàu ngầm – vốn là lĩnh vực sở trường của Đức từ thế chiến hai.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, Nhật Bản một khi được cởi trói sẽ quay trở lại vị trí một trong những quốc gia có nền quốc phòng mạnh nhất thế giới. Với nền tảng vượt trội từ thế chiến hai, và được liên tục phát triển trong 70 năm với điển hình là lĩnh vực phát triển tàu ngầm, Nhật Bản sẽ nhanh chóng tạo được một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới nếu muốn. Một khi giành được chiến thắng với hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho hải quân Australia trị giá lên tới 50 tỷ USD, Nhật Bản sẽ trở thành một trong những nước cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng lớn nhất trên thế giới.
Điều này được biệt ý nghĩa khi Nhật đang được xem là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới trong khá nhiều lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, từ việc chế tạo tàu ngầm, cho tới thiết lập những hạm tàu khu trục lớn và các tàu sân bay vốn rất nổi danh trong thế chiến hai. Khá nhiều quốc gia hiện đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản, như Anh, Pháp, Ấn Độ và Indonesia. Có nguồn cung cấp từ Nhật, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ không phải phụ thuộc vào những nguồn cung cấp cố hữu như Mỹ, Nga hay Đức và Pháp.
Sự phát đạt của công nghiệp quốc phòng sẽ không chỉ tạo điều kiện để Nhật Bản tái vũ trang lại quân đội, mà còn được xem là một bàn đạp hữu dụng để giúp quá trình cải tổ nền kinh tế Nhật của thủ tướng Shinzo Abe diễn ra hiệu quả hơn.
by Nhàn Đàm (theo The Diplomat)
Trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa một cách rất nhanh, thì việc hàng năm có hàng triệu người chết sớm hoặc suy giảm sức khỏe đang thực sự là một hiểm họa khủng khiếp với đất nước và nền kinh tế.
Bắc Kinh đang trải qua những ngày bận rộn. Một mặt, Trung Quốc đang phải đối phó với việc Mỹ đang tăng cường các động thái ở châu Á Thái Bình Dương gia tăng một cách chóng mặt, với các cuộc tập trận và tăng cường liên kết các nước đồng minh trong khu vực. Mặt khác, những vấn đề về nền kinh tế cũng đang đòi hỏi những nhà lãnh đạo cao nhất của nền kinh tế thứ hai thế giới phải tìm ra một mô hình phát triển mới cho tương lai.
Nhưng về lâu dài, đó vẫn chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhất với Bắc Kinh. Đơn giản là vì đó không phải là lỗi lầm lớn nhất mà Trung Quốc đã mắc phải trong suốt hơn 30 năm phát triển kinh tế chóng mặt, sai lầm đó là: thiếu quan tâm đến chính người dân của mình.
Đặc điểm này tiếp tục diễn ra kể cả khi Trung Quốc mở cửa và đón nhận những luồng tư tưởng mới từ bên ngoài. Thế giới đã ngợi ca không tiếc lời đối với những thành tựu phát triển kinh tế to lớn của Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua, nhưng nhìn sang vấn đề điều kiện sống của người dân Trung Quốc thì đó lại là một bức tranh khác hẳn. Những nỗ lực và thành quả mà Trung Quốc đạt được trong phát triển kinh tế lớn bao nhiêu, thì nó lại ít bấy nhiêu trong việc cải thiện chất lượng sống và phát triển của người dân Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế thứ hai thế giới, với số lượng triệu phú mới nổi cao nhất thế giới, là minh chứng cho những thành quả phát triển kinh tế.
Nhưng Trung Quốc vẫn đang là một nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc loại trung bình, kém rất xa so với các nước phát triển. So với ba mươi năm trước, khi mà Trung Quốc chưa mở cửa, thì điều kiện sống của người dân rõ ràng là tốt hơn, và ngày càng nhiều người dân nước này sống ở các đô thị lớn hơn. Nhưng nó chưa tương xứng với những gì mà Trung Quốc đạt được trong phát triển kinh tế. Đơn giản là vì chính phủ Trung Quốc đang lơ là đi người dân của mình hơn bao giờ hết.
Một thực tế là, ngày càng có nhiều người Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước mình, không chỉ là những người có tiền muốn sang châu Âu hoặc Mỹ, mà còn đang lan rộng ra cả những người thu nhập thấp. Cuộc sống ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Sinh viên ra trường có tới 30% là không tìm được việc làm, mức thu nhập trung bình cũng chưa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở những đô thị, số hộ gia đình có mức thu nhập đạt 24.000 USD/năm chỉ chiếm hơn 10%, trong khi đó những vấn đề về ô nhiễm môi trường, sức khỏe đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Trung Quốc có lẽ đang là quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, khi mà hàng loạt thành phố lớn nhất trở nên quá tải và ngập trong khói bụi của các nhà máy, còn diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ô nhiễm đã lên tới 10%, chiếm cả triệu hecta. Từ cách đây cả chục năm những tổ chức môi trường đã cảnh báo Trung Quốc về nạn ô nhiễm do phát triển bừa bãi các ngành công nghiệp. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã lờ đi và tiếp tục bảo trợ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng như sắt thép, xi măng, nhiệt điện và hóa chất.
Sự thờ ơ với việc bảo vệ sự ổn định đời sống của người dân của chính phủ Trung Quốc, còn nằm ở việc sẵn sàng chấp nhận những tác hại miễn là thu được lợi ích kinh tế. Điển hình là trong hai lĩnh vực thuốc lá và sữa trẻ em. Trung Quốc đang là nước có số người hút thuốc lớn nhất thế giới, với khoảng trên 300 triệu người, và cũng không đâu mà thuốc lá lại rẻ như ở nước này. Đơn giản là vì Trung Quốc đang là nước trồng thuốc lá lớn nhất thế giới, với sản lượng vượt hơn cả tổng sản lượng của gần mười nước đứng sau cộng lại.
Phần lớn sản lượng thuốc lá do Trung Quốc trồng được là để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước, và với số người hút thuốc lớn như vậy thì dù có bán với giá rất rẻ thì lợi nhuận mà ngành công nghiệp thuốc là Trung Quốc thu được vẫn là rất lớn. Lợi nhuận trong năm 2014 của ngành này ước tính đạt khoảng 10 tỷ USD.
Câu chuyện về sữa cho trẻ em cũng tương tự. Phần lớn các loại sữa ở thị trường Trung Quốc hiện nay là nhập ngoại và được bán với cái giá cắt cổ, một phần do chính phủ Trung Quốc đánh thuế quá cao. Nhưng tình trạng của những gia đình Trung Quốc có trẻ nhỏ hiện nay vẫn bắt buộc họ phải mua và sử dụng các loại sữa đắt đỏ này, do thời gian nghỉ sinh và chăm sóc con quá ngắn, cũng như cuộc sống công nghiệp khiến cho việc sử dụng sữa nhập ngoại này là điều gần như không thể tránh khỏi.
Chính vì giá cả sữa ngoại quá đắt đỏ, đã làm nảy sinh tình trạng làm sữa giả ở Trung Quốc. Điển hình là vụ sữa có chứa chất Melamine gây nhiễm độc, đã gây ra tử vong cho hàng trăm trẻ em, và hàng chục ngàn trẻ phải nhập viện.
Việc thiếu đi sự quan tâm đến cuộc sống của người dân đang khiến Bắc Kinh phải trả một giá rất đắt. Chỉ tính riêng con số tử vong do thuốc lá gây ra, hàng năm có khoảng 1 triệu người Trung Quốc qua đời do thuốc lá. Tổng con số do các nguyên nhân về ô nhiễm môi trường, điều kiện sống khó khăn thì còn lớn hơn nữa. Trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa một cách rất nhanh, thì việc hàng năm có hàng triệu người chết sớm hoặc suy giảm sức khỏe đang thực sự là một hiểm họa khủng khiếp với đất nước và nền kinh tế.
Trong khi Bắc Kinh đang cố gắng nới lỏng chính sách sinh một con để duy trì tình trạng dân số trẻ để đảm bảo nhân lực cho nền kinh tế, thì việc thiếu quan tâm đến người dân đang khiến những nỗ lực đó trở nên vô ích. Trong cả năm 2015 chỉ có chưa đầy 100.000 cặp vợ chồng được phép sinh con thứ hai, có nghĩa là sẽ chỉ có khoảng chưa đầy 100.000 trẻ được sinh thêm, thì số người tử vong sớm đã lên tới cả triệu người.
Không khó để dự đoán được rằng tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc sẽ còn tăng cao hơn nữa. Và giờ đây, khi mà tình trạng đã ở mức báo động, thì những nỗ lực như dẹp bỏ các nhà máy gây ô nhiễm, tăng gấp đôi thuế tiêu thụ thuốc lá của Bắc Kinh có vẻ như đã là quá muộn màng.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Lợi ích quốc gia có thể khiến các giải pháp tình thế có nguy cơ phá vỡ quan hệ đã thiết lập. Sự đảm bảo tương lai gần cho Nhật chưa thể là vòng kim cô hoàn hảo để kiềm chế TQ.
Vào những ngày cuối tháng 4/2015, Hướng dẫn mới về hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật đã trở thành tâm điểm chú ý tại Đông Á. Tài liệu dài 24 trang này chủ yếu tập trung vào việc hai nước sẽ phản ứng thế nào với các quan ngại ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật.
Các hướng dẫn cũng cho phép hợp tác toàn cầu về quân sự, từ chống tên lửa đạn đạo, không gian mạng cũng như an ninh hàng hải...
Ai được – ai mất ?
Lợi ích đầu tiên mà Washington thu hoạch được chính là một liên minh mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được trao quyền để bảo vệ nước Mỹ và phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh khác của Mỹ. Hướng dẫn lần này cũng cho thấy liên minh Mỹ - Nhật đã trở nên “mở” hơn bao giờ hết: từ tính chất “khu vực” vươn ra “toàn cầu”.
Thu hoạch quan trọng mà Mỹ đạt được là Đông Bắc Á đang trở thành sân sau vững chắc. Xa hơn, cập nhật các hướng dẫn hợp tác quốc phòng với Nhật Bản là một bước tiến quan trọng trong chính sách tái cân bằng (rebalancing) của Mỹ đối với châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khẳng định, các hướng dẫn sửa đổi "cho phép chúng ta mở ra nhiều cơ hội mới để tăng cường các liên minh trong khu vực (…) bởi vì tình hình an ninh đã thay đổi".
Bước đi chiến lược này cho thấy Mỹ đã tiếp cận an ninh khu vực thông qua các liên minh hơn là hiện diện trực tiếp. Nếu trước đây người Mỹ dùng “chiến tranh uỷ nhiệm” (proxy war) thì giờ đây cách tiếp cận hoà bình và khôn ngoan vẫn là dựa vào các đồng minh truyền thống.
Về phía Nhật, thỏa thuận này sẽ giúp Tokyo thoát ra khỏi những hạn chế từ SDF và việc sử dụng vũ lực. Hướng dẫn hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Thủ tướng Shinzo Abe về việc “bình thường hóa” khả năng đảm bảo an ninh của Nhật.
Trong bối cảnh Trung Quốc “hăm he” Nhật Bản về tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư và ảnh hưởng gia tăng của Nhật tại Biển Đông, động thái của “cặp bài trùng” Obama – Abe được đánh giá là “đòn phủ đầu” đầy tinh tế của liên minh Âu – Á. Trước việc Bắc Kinh tích cực hiện đại hoá quân sự, hướng dẫn này đã trang bị cho Nhật khả năng mạnh mẽ hơn để đối trọng lại với Trung Quốc. Thông điệp mà chính quyền Obama phát đi chính là Mỹ duy trì sự hiện diện thông qua “vệ tinh khu vực” là Nhật, thay vì một Bắc Kinh hoàn toàn đơn độc.
Trong một thông điệp hướng về Bắc Kinh, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, Hoa Kỳ phản đối ý tưởng rằng tự do hàng hải là "đặc quyền được các nước lớn ban cho các quốc gia nhỏ hơn phụ thuộc vào ý muốn và sự ưa thích".
Quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á Evan Medeiros cũng nhấn mạnh, nhu cầu tự do hàng hải và xem các hoạt động cải tạo và các công trình trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông là “những mối đe doạ thật sự”. Washington cũng quan ngại về các ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Các cam kết quốc tế của Mỹ đối với Nhật cho thấy Nhật vẫn có thể đóng vai trò lớn hơn tại Biển Đông.
Hai
nguyên thủ bắt tay trong chuyến thăm lịch sử của ông Abe đến Mỹ. Ảnh: AP
Con đường dài….
Nếu so về tương quan lợi ích, Nhà trắng là nhân tố cầm trịch rõ rệt. Mặc dù hợp tác song phương được mô tả rất chi tiết, hướng dẫn mới nói rất ít về cách thức hai nước sẽ hợp tác trong các hoạt động khu vực và toàn cầu. Điều này phản ánh thực tế rằng, trong khi chính phủ Nhật đã sửa đổi việc giải thích Điều 9 của Hiến pháp về quyền tự vệ tập thể, nhưng thực hiện quyền này chỉ được cho phép ở mức độ hạn chế.
Ngoài ra, hướng dẫn mới đã chỉ ra hai lĩnh vực tiềm năng nhất cho mở rộng hợp tác song phương là không gian (space) và không gian mạng (cyber). Tuy nhiên, giữa nói và làm vẫn còn khá xa. Chi tiết về việc hướng dẫn mới sẽ được triển khai như thế nào vẫn phụ thuộc một phần vào những thay đổi pháp lý đang được xem xét bởi các nhà lập pháp Nhật Bản. Các khoản đầu tư thích hợp để có thể “sánh vai” với Mỹ trong hai lĩnh vực này là thách thức đáng kể cho Nhật.
Cũng cần chú ý rằng, đây là lần đầu tiên hợp tác về trang thiết bị quốc phòng được đề cập trong hướng dẫn mới. Với việc nới rộng chính sách xuất khẩu vũ khí, hợp tác công nghiệp quốc phòng Mỹ - Nhật có rất nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng này đòi hỏi Tokyo phải đưa ra một chính sách chặt chẽ để phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng, mà vẫn đảm bảo cạnh tranh công bằng cho thị trường quốc phòng riêng của mình.
Mặc dù được Mỹ cam kết bảo vệ, nhưng Tokyo vẫn lo lắng sự bảo đảm này sẽ không “xuôi chèo mát mái” như Mỹ đã nhấn mạnh. Khi mà Washington đang hạn chế chi tiêu quốc phòng và gắn bó sâu sắc về kinh tế với Trung Quốc, sự lo lắng của Nhật là hoàn toàn dễ hiểu. Tổng thống Obama cũng tuyên bố rằng Nhà trắng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột Trung – Nhật.
Thực tế, đòn “rung cây nhát khỉ” này của Mỹ vẫn mang tính đánh động. Lịch sử đã chứng minh sự thoả thuận và phân chia ảnh hưởng của các nước lớn vẫn thường xuyên. Lợi ích quốc gia có thể khiến các giải pháp tình thế có nguy cơ phá vỡ quan hệ đã thiết lập. Sự đảm bảo tương lai gần cho Nhật chưa thể là vòng kim cô hoàn hảo để kiềm chế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hướng dẫn không phải là "quy tắc quốc phòng song phương" (bilateral defense rules) và hoàn toàn không mang tính bắt buộc. Đây chỉ là một phác thảo về trách nhiệm và các thủ tục của các đồng minh cùng phối hợp hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu an ninh chung. Các quy tắc pháp lý và cách thức thực hiện về quy hoạch, đào tạo, và các hoạt động sẽ xác định tính chất và mức độ hợp tác thực tế.
Trong tương lai, tính minh bạch và cam kết ngoại giao chủ động là rất cần thiết. Nhật Bản cũng cần đáp ứng các kỳ vọng của Mỹ để đảm bảo Mỹ sẽ giúp đỡ Nhật Bản thật tích cực và chủ động. Thái độ của Nhật đối với “bạn và thù” ở châu Á – Thái Bình Dương và tình hình ổn định trong nước của Nhật sẽ góp phần quyết định tính thực chất từ các cam kết của Mỹ đối với Nhật.
Huỳnh Tâm Sáng
Th.Long
(PetroTimes) - Ngày 11/5, Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật điều chỉnh an ninh quốc gia. Theo đó lực lượng phòng vệ Nhật Bản được phép giúp một quốc gia đồng minh hay nước bạn khi bị tấn công. Vai trò mới của quân đội Nhật Bản sẽ tác động như thế nào đến tình hình Biển Đông hiện nay?
Từ nay quân đội Nhật sẽ được quyền trợ giúp nước đồng minh hoặc nước bạn khi bị tấn công.Ngày 11/5, liên minh cầm quyền ở Nhật Bản gồm hai đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Công Minh đã nhất trí sẽ đệ trình lên Quốc hội thông qua ngay trong khóa họp sắp tới Luật bảo đảm an ninh.
Các dự thảo luật liên quan tới bảo đảm an ninh của Nhật Bản bao gồm hai luật là Luật hỗ trợ hòa bình quốc tế và Luật sửa đổi luật an ninh, hòa bình. Nếu như Luật hỗ trợ hòa bình quốc tế với nội dung nhằm hỗ trợ hậu phương cho quân đội của các nước khác đang trong chiến tranh, thì Luật sửa đổi an ninh, hòa bình lại bao gồm 10 dự luật liên quan tới sửa đổi luật Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho phép nước này tham gia phòng vệ tập thể.
Bản Hiến pháp hòa bình năm 1947, cấm Nhật Bản có những hành vi tham chiến hoặc liên quan đến chiến tranh, do Mỹ soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới thứ II để ngăn quốc gia thất bại này bành trướng chủ nghĩa quân phiệt. Văn bản này được đại đa số người dân Nhật Bản, những người đã quá chán nản và sợ hãi chiến tranh, ủng hộ mạnh mẽ.
Kể từ khi được soạn thảo đến nay, Hiến pháp Nhật Bản chưa từng được sửa đổi. Bản Hiến pháp này được chính quyền của Thủ tướng Abe coi là “xiềng xích” khóa chặt quân đội Nhật ở bên trong đất nước. Nhưng trong tình hình quốc tế hiện nay, Chính quyền Abe muốn xét lại bản Hiến pháp này.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu chính trị Nhật Bản, với việc liên minh cầm quyền kiểm soát đa số ghế tại hai viện của quốc hội, việc chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ quốc hội đối với các điều luật trên là tương đối đơn giản.
Theo các chuyên gia, có thể dự thảo điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật sẽ được thông qua vào tháng tới nhưng quyết định thời gian áp dụng còn phụ thuộc vào khả năng thuyết phục người dân Nhật như thế nào của chính phủ Tokyo vì rất nhiều người xứ hoa anh đào vẫn còn tỏ ra hoài nghi về việc nước này cần áp dụng biện pháp phòng vệ tập thể. Tuy vậy, sớm hay muộn thì vai trò của quân đội Nhật Bản cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là một khi quân đội Nhật không còn chỉ mang tính phòng vệ như trước thì phản ứng của các nước có liên quan như thế nào và liệu tình hình tại biển Hoa Đông và Biển Đông có được cải thiện? Trong khi Nhật Bản coi sự thay đổi này là một bước đi quan trọng giúp Nhật gia tăng khả năng phòng vệ tập thể, đối phó với những mối đe dọa từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, những nước trong khu vực nhìn nhận vấn đề này khác nhau.
Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, trong chuyến thăm Nhật gần đây đã lên tiếng ủng hộ những thay đổi này. Ông Aquino nói Philippines tin là các nước có thiện chí sẽ có lợi chỉ khi nào Chính phủ Nhật được tăng cường khả năng để giúp các nước khác và được phép trợ giúp những nước cần sự giúp đỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng vệ tập thể.
Thay đổi từ phía Nhật cũng được Mỹ ủng hộ giữa lúc chính quyền Washington đang phải thực hiện những cắt giảm đáng kể trong ngân sách và dư luận trong nước không mấy mặn mà với sự can thiệp sâu về quân sự của Mỹ ở nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ, Jeff Pool nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc tái xem xét diễn dịch hiến pháp của Nhật liên quan đến phòng vệ tập thể. Ông nói Mỹ tin là điều này sẽ giúp Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác với nhau làm được nhiều điều hơn nữa vì sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Một số chuyên gia về Biển Đông nhận định, sự thay đổi này chỉ có tác dụng răn đe Trung Quốc. Sau khi nội các Nhật thông qua nghị quyết mới, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối ngay lập tức.
Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc phản đối sự bịa đặt của Nhật Bản về những đe dọa từ Trung Quốc vì mục đích chính trị nội bộ của Nhật. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng châu Á và nên xử lý các vấn đề có liên quan một cách cẩn trọng.
Nghị quyết mới của nội các Nhật Bản nói rõ Nhật Bản có thể sử dụng quan đội ở mức tối thiểu cẩn thiết trong các trường hợp khi một nước có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công và phải đáp ứng 3 điều kiện cần và đủ bao gồm: Có một đe dọa thực sự với sự tồn tại của nhà nước Nhật Bản, có mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật, và khi không còn một giải pháp thay thế nào khác.
Chuyên gia cao cấp về Nhật Bản thuộc trung tâm Stimson, Mỹ, bà Yuki Tatsumi, tỏ ra nghi ngờ về khả năng can thiệp sâu hơn của Nhật vào khu vực Đông Nam Á bởi chính những điều kiện ràng buộc này.
“Tôi hiểu là có 3 điều kiện kèm theo khi việc diễn dịch lại hiến pháp được thực hiện. Nó sẽ không cho phép Nhật Bản thực hiện một vài trò lớn hơn lắm trong thời bình. Việc diễn dịch lại chủ yếu nhắm vào việc Nhật Bản có thể làm gì trong điều kiện khẩn cấp trong các vùng gần Nhật. Cho nên tôi không chắc lắm về việc Nhật Bản sẽ tham gia tích cực vào gìn giữ hòa bình trong thời kỳ hòa bình. Tôi thực sự không rõ là chính phủ Nhật sẽ làm gì với vấn đề này”.
Cũng cần phải nói thêm là trong khi việc nới lỏng hạn chế, cho phép quân đội Nhật tham gia tích cực hơn vào các hoạt động về gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, thì Chính phủ Nhật lại không muốn quân đội Nhật thực sự tham chiến trong những cuộc chiến nhiều bên ở nước ngoài. Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi nội các thông qua nghị quyết mới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết quân đội Nhật sẽ không tham gia và các cuộc chiến có nhiều bên như cuộc chiến vùng Vịnh 1990 – 1991 hoặc cuộc chiến Iraq 2003 do Mỹ dẫn đầu.
Trong khi khả năng tham chiến của quân đội Nhật ở nước ngoài vẫn đòi hỏi nhiều điều kiện, việc Nhật Bản hợp tác với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã và sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức từ việc cung cấp vũ khí đến đào tạo nhân sự và diễn tập quân sự chung.
Nói về khả năng Nhật Bản sẽ gia tăng các hỗ trợ cho những nước như Philippines trong thời gian tới, bà Yuki Tatsumi cho biết: “Nhật Bản chắc chắn có thể sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Philippines hoặc các nước ASEAN khác không nhất thiết là phải thông qua hợp tác quân sự mà có thể qua vốn ODA để cho những nước này mượn hoặc mua một số các vũ khí đã qua sử dụng. Các lực lượng hải quân và tuần duyên của các nước này có thể sử dụng những trang thiết bị này.
Trong thời bình, Bộ Quốc phòng Nhật có thể đào tạo nhân sự cho các nước bạn ở ASEAN để sử dụng và bảo hành các trang thiết bị này. Những hoạt động này không bao gồm việc phải bắn bất cứ phát súng nào. Những hợp tác này có thể được thực hiện và mở rộng và hy vọng là với hợp tác an ninh ở mức thấp, và hậu cần, Nhật Bản có thể giúp các nước khu vực Đông Nam Á, những nước đang phải chật vật đối phó với một Trung Quốc hung hăng, xây dựng khả năng của mình để có thể đối phó với Trung Quốc”.
Theo bà YukiTatsumi, có thể chính phủ Nhật sẽ nới lỏng những hạn chế trong nguyên tắc về cung cấp vốn ODA cho nước ngoài để có thể cung cấp vũ khí cho các nước. Hiện tại ODA của Nhật không bao gồm các trợ giúp về lĩnh vực quân sự.
Chuyên gia Tatsumi cho rằng, bất kể việc diễn giải lại hiến pháp của Nhật ra sao, thì điều này cũng không ngăn cản khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng an ninh của Nhật với các nước trong khu vực vì nó chỉ có lợi cho Nhật trong việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Như vậy, chưa hết bực tức trước việc Mỹ khẳng định vai trò cường quốc châu Á-Thái Bình Dương để ngáng chân ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh vẫn coi như ao nhà của mình, nay nếu lực lượng Hải quân Nhật không còn tự giới hạn ở biển Hoa Đông, những hành động tự tung tự tác của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ bị hạn chế trong thời gian tới./
Th.Long (Năng lượng Mới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét