Truyện ngắn, Nguyễn Quang
HÃY CƯỚI NÀNG
Nhìn đồng bằng sông Cửu Long ruộng lúa phì nhiêu, trù phú
làm ra lúa gạo đủ nuôi sống cả nước, nhưng nông dân ở đây lại rất nghèo, lắm kẻ
ngược xuôi cao chạy xa bay, con cái họ chân cẳng còn khoẻ hơn lo kiếm chồng
ngoại, đào thoát ra nước ngoài hầu thay đổi đời.
Thực trạng hàng chục ngàn cô gái đồng bằng sông Cửu Long đi
“làm dâu” xứ Hàn, Đài, Trung, Mã…Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có
việc xuất khẩu con người như vậy, riêng phụ huynh của các cô gái mới lớn đành
cắn răng cho con cái ra đi với một số phận phiêu lưu.
Gái cái tên từ miền thôn dã rời quê nhà lên thành phố theo
một đường dây lấy chồng ngoại. Chuyến xe chạy ngang qua những cánh đồng bát
ngát, sông Tiền, sông Hậu với những mùa cá linh đầy ắp mọi nhà, những bữa cơm
gia đình không có gì ngoài các món đặc sản rất đậm đà tình quê xứ với mắm cá
lóc, cá linh, cá kè kho tộ… nói chung đủ loại mắm. Và cả chiếc cầu Mỹ Thuận
đang hiện ra trước mắt mới xây, cầu Cần Thơ đang xây dù gãy nhịp, trong thâm
tâm cô gái quê mang ám ảnh không biết tấm thân mình có gãy gánh nửa chừng xuân
như chiếc cầu kia hay không. Nàng tự nhủ đừng bỏ cuộc giữa chừng nhé, người con
gái Nam Bộ này, không thể chết… Có một cái gì đó làm biến đổi thần sắc trong
Gái, người đàn bà đưa đường cho nàng đi, dường như đọc được yếu điểm này liền
nhỏ nhẹ:
- Hãy rán lên một tí đi con, sắp đến đích rồi! Vì con dù
gái quê nhưng nhan sắc đúng là trời cho, lại chân chất không biết gì nên ta mới
đích thân đưa đón như thế này, rồi con sẽ xem thấy hàng hàng lớp lớp tuổi như
con ăn chực nằm chờ để được chọn làm vợ người. Hãy cố lên…! Nơi xứ người có
nhiều cây cầu còn đẹp và cuộc sống phồn vinh hơn. Gái im lặng, thái độ nhỏ nhẹ
của nàng hàm nghĩa người nào nói người ấy nghe, đã quyết tâm rồi phải ra khỏi
cái nghèo thôi chuyện gì sẽ xảy ra rồi cũng sẽ đến, người dân chân chất trong
làng nàng thường nghe người đi trước khuyên: những gì con nghĩ ra được đều có
thể xảy ra và nhiều khi còn tệ hại hơn thế nữa… Bao ý nghĩ dồn dập lo âu trong
Gái, nàng nói một mình như thậm chí đẻ cho nó vài đứa con, mọi chi phí còn lại
gởi về cho Cha Mẹ.
Gái quê có may mắn hơn, theo lời người lái, cô được đưa đến
một khách sạn để chuẩn bị cho ngày mai – ngày tuyển chọn của các ông Hàn, Đài…
Nàng được hướng dẫn phải nhẫn nại và vâng lời, muốn được chọn phải qua một
kỳ sát hạch và “xem xét” rất kỹ để biết có bị Sida, lậu, giang mai gì hay
không? Gái không hề trả lời, sự im lặng như một thái độ bày tỏ: -Em xin vâng ạ!
Cái ngày mai ấy, người lái giàu kinh nghiệm, phốp pháp
nhanh nhẹn, trong vai như một bà mẹ Việt ngoan cường – bà bắt các em trong số
đó có cô gái quê làm vệ sinh, cho tắm xà phòng thơm cùng xịt nước hoa đặc biệt,
bà bảo là của Pháp. Mỗi người một phòng tắm riêng, bà chăm sóc từng cô em một
cách ân cần, nên gái quê thấy cũng yên tâm, tự nhiên không lấy gì làm thẹn.
Sau những thủ tục làm sạch và xức thuốc thơm, đến giờ tuyển
chọn, theo bà mụ lái Việt cho biết hôm nay có đến sáu mươi em trình làng, nhưng
chỉ chọn có hai với một ông Hàn, còn kia là ông Đài.
Cô gái quê như các chị em khác bước vào một sảnh nhỏ của
khách sạn, nghe nói nơi này thường xuyên tổ chức những buổi tuyển lựa như thế
này, nàng thấy nó không lớn như cái hội trường nơi làng xã với loa phóng thanh
muốn rách cả màng nhỉ, nó nhỏ và chung quanh kín đáo, có nhạc thật êm dịu.
Trong chiếc áo tắm mà lúc đầu mới mặc vào thật sự Gái quê rất sợ trúng gió, tuy
vậy với ánh đèn màu hồng nàng thấy ấm hẳn lên. Quả thật từ tấm bé dù lớn lên có
mặc quần ngoài không mặc quần trong, chứ chưa bao giờ dùng loại lót bé tí và
quá mỏng để che thân em như thế này… Nhưng bối cảnh chung quanh làm nàng tự tin
vì nhiều cô gái đang chờ đợi đều ăn mặc như nhau cũng không ai phản đối, có cô
trong cách ăn mặc còn muốn bỏ hết đi cho lẹ!
Gương phản chiếu hiện cả tấm thân người đang đứng trước số
phận, lần đầu tiên Gái quê nhận ra chính mình và cái gì chung quanh cũng đẹp,
sang trọng… chắc mình cũng không đến nỗi nào? Thôi đành nhắm mắt đưa chân, lão
đến gần rồi kia! Nàng nghĩ thầm trong bụng tại sao lại gọi bằng lão… mà thôi
hãy lấy lại bình tĩnh rồi sẽ hay! Như trong mơ, không có sự kháng cự, nàng có
cảm giác và biết rõ ông ta đang sờ nén trên từng bộ phận trong cơ thể của mình!
Không phải bị lột sạch nhưng ông ấy lại xem chỗ nào ấy rất thật lâu… Quả là
người nước ngoài chọn vợ có khác, kỹ lưỡng hơn đàn ông Việt Nam, chắc là vậy? Gái quê suy nghĩ. Vừa ra khỏi phiên mình, bà mụ
Việt nói liền tay cho nàng hay: mày nhờ cái mặt đẹp còn chỗ kia còn hơn rừng U
Minh Thượng…
Gái quê rất hồn nhiên: Thế cháu được chọn?
Đúng vậy, sau đó con bé được đưa đến khách sạn và ở trước
với ông ấy. Gái quê được tạm ứng một số tiền như nàng đã sẵn sàng tạm ứng và
gởi ngay về cho Cha Mẹ với sự mừng lo làm sao…
Gái lên khách sạn trong trong trắng, song như quan niệm của
một số các thương gia và cả chính trị gia Á Đông nữa, nếu gặp gái còn trinh
tiết thời hên lắm, sẽ đại phát. Thế là chưa có hôn thú, chưa có sự ràng buộc
nào ngoài mấy trăm đô, nàng được tế phần trinh nữ cho ông Hàn kiếm vận may.
Trong tuần lễ đầu tiên trong đời người con gái ở với đàn ông, đôi lúc nàng cũng
cảm thấy khoái lạc, dù không được học hành, cả hai không cùng chung ngôn ngữ,
nhưng nàng tự hỏi cái sướng xác thịt có là hạnh phúc. Người đàn ông ở tuổi hồi
xuân trên bốn mươi này ôm nàng như một con thú nhồi bông, nàng đã học hết bài
học này đến những cách khác nhau trong trò chơi xác thịt quả là gái quê không
biết gì cả, cái gì cũng là lần đầu… Nàng chỉ nói một mình: - Em xin vâng…Chỉ
mong sao mọi sự không là chuyện ảo mà là chuyện thật: đó là có chồng ngoại, nó
sẽ cưới mình, sẽ có tiền và thoát được kiếp nghèo khổ bần hàn.
Nàng đang luôn rán một tí đây… như câu nói của bà mụ Việt
Nam, một tuần lễ gái quê nằm xuống, đứng lên, rồi đi lại trong phòng… nàng cũng
đã được bà ấy hướng dẫn cho biết cười, biết cảm ơn và biết để mặc cho cái khả
năng đàn ông ở tuổi hồi xuân của lão ta muốn làm gì thì làm. Gọi là thú vui!
Gái nghĩ bụng chỉ mong làm sao giờ đây sẽ có một cuộc sống thật, chứ không
phải là một trò mua vui của thú tính. Dù bất đồng ngôn ngữ nàng không nói lên
được điều đó với y, nhưng những biểu lộ nàng đã làm cho ông ấy hiểu: Hãy cưới
nàng! Nàng đã nhận được tiền và ngày nào ông cũng cho thêm! “Rán thêm một tí
nữa đi con!”. Nàng đang cố gắng thật, nàng đang cần một cuộc sống thực có đủ ăn
đủ mặc, không cần phải giàu có, song nàng và người thân đã cố tìm nhưng vẫn mãi
không thấy trên quê hương mình dù đã rất lam lũ. Nay cái thân xác nằm phơi ra
đây của nàng bên cạnh lão Hàn say trong giấc ngủ, Gái tự hỏi: quả là có cái
không cần phải thật, cần che bớt lại phô bày quá thật… Những lời đâu đó của bạn
hữu nơi quê làng vẫn ghi lại trong tâm: người ta sẽ chán ngấy ra vì những đồ
giả, nhưng sẽ chán thật sự khi biết thật hết mọi sự. Có lẽ chỉ những người
“thấy núi là núi, thấy sông là sông”* họ mới không bao giờ biết chán.
Những tiếng ngáy dài của kẻ hồi xuân đang say sưa mua xuân
như muốn luôn nhắc nàng: hò dô, phải cố mà lên đèo! Những ngày qua sự thật về
thân xác đã dạy nàng: có khởi đầu có kết thúc, chừng ấy bài bản, mọi chuyện lập
lại chừng ấy. Nó giống như những khúc ca cải lương nơi quê của Gái. Chỉ mong
sao đời không là ảo nhưng sẽ là sự thật.
Sự thật của một con người muốn làm vợ xứ người để có một
cuộc sống khá hơn, có một người chồng tốt, con cái, một mái ấm gia đình… Nhưng
quả là khó lắm, khi Gái nhận ra, đúng là chữ ngộ như Vị Thầy ẩn dật nơi quê xứ
hay dùng, khi nào các con ngộ… mình đã khởi đi vì muốn tiền, như lời dạy dân
gian hay mách bảo tiền đi với bạc… Muốn tiền, muốn chồng, muốn hạnh phúc… Quả
là là một bài toán cộng ngay từ đầu đời khi mới vào trường và có lẽ đến mãi
cuối đời vẫn là bài toán khó nhất!
* Tư tưởng của Thiền tông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét