Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Hoa và Mỹ nhân – Lê Hoàng (Cali- USA)

Trông hoa nên thấy hoa nở, đón trăng nên thấy trăng tròn, viết sách nên viết cho xong, mỹ nhân nên thấy vui vẻ, đó là sung sướng, nếu không thì uổng công. Ngắm người đẹp buổi sáng nên đợi lúc phấn son xong. Có những bộ mặt xấu mà dể coi, có những bộ mặt không xấu mà khó coi, có những áng văn viết không thông nhưng khả ái, có những áng văn viết thông mà đọc chán. Điều dó không dễ gì giảng cho hạng nông cạn hiểu được. Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm ...
Hoa và Mỹ nhân – Lê Hoàng (Cali- USA)
Thông tin cá nhân:
Tác giả Lê Hoàng
Tuổi con Dê lớn (Sơn Dương)
Gốc: Quảng Trị
Nơi cư trú: Hoa Kỳ (Lưu lạc trên 30 năm)
Sở thích:  Viết truyện, phổ nhạc, thơ..
Luôn luôn nhớ về quê hương, nơi mang nhiều kỷ niệm tuổi học trò.
Email: lehoang775@gmail.com 
_____
1
HOA VÀ MỸ NHÂN
1 Lê Hoàng

    HOA- KHÔNG NÊN THẤY RỤNG; TRĂNG- KHÔNG NÊN THẤY CHÌM; MỸ NHÂN- KHÔNG NÊN THẤY CHẾT YỂU.
    Trông hoa nên thấy hoa nở, đón trăng nên thấy trăng tròn, viết sách nên viết cho xong, mỹ nhân nên thấy vui vẻ, đó là sung sướng, nếu không thì uổng công.  
    Ngắm người đẹp buổi sáng nên đợi lúc phấn son xong. Có những bộ mặt xấu mà dể coi, có những bộ mặt không xấu mà khó coi, có những áng văn viết không thông nhưng khả ái, có những áng văn viết thông mà đọc chán.
    Điều dó không dễ gì giảng cho hạng nông cạn hiểu được.
    Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu thương tiếc.
    Mỹ nhân hơn hoa ở chổ biết nói; hoa hơn mỹ nhân ở chổ tỏa hương. Nếu không được cả hai, thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường, hoa đẹp thì ít thơm hoăc không thơm có cánh nhiều tầng thì không đậu trái, Được hoàn toàn thực là khó thay. Sen kiêm cả chăng?.
    Gọi là MỸ NHÂN thì mặt đẹp như hoa, tiếng nói như chim hót, tinh thần như trăng, vẻ như liểu, xương như ngọc, da như băng tuyết, dáng như nước hồ thu, lòng như thơ, có lẻ ta không còn gì để chê được cả.
    Trong thiên hạ không có sách thì thôi, có thì phải đọc, không có rượu thì thôi, có thì phải uống, không có núi đẹp, nếu có thì phải tới. Đời không có hoa, không trăng thì thôi có thì thuởng thức không có tài tử giai nhân thì thôi, có thì phải thuơng tiếc….
    Người phụ nữ xấu, không cho gương là thù địch vì nó là vật vô tri, nếu gương mà hữu tri thì cảnh vật tan tành hết cả rồi.
    Mua được một chậu hoa, khi hoa tàn ta còn nuối tiếc, huống chi đối với một "đoá hoa biết nói”.
    Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ .v.v... không có thơ, rượu, trăng, mỹ nhân, hoa thì sơn thuỷ đó cũng vô nghĩa. Người ta thường hay cho rằng tài tử mà đẹp, người đàn bà làm thơ văn hay thường hay mệnh yểu!? Có lẽ, không phải chỉ tạo vật đố kỵ, mà còn cho là bảo vật của cổ kim vạn đại, cho nên tạo hóa không muốn cho lưu lại lâu trên cỏi thế gian nầy chăng?.
    Vật mà dễ cảm lòng người trên trời thì không có gì bằng trăng, về nhạc không gì bằng đàn cầm, trong loài động vật không gì bằng chim quyên, trong loài thực vật không gì bằng liểu.
    Vì trăng mà lo có mây, vì sách mà lo có mục, vì hoa mà lo có gió mưa, vì tài tử giai nhân mà lo mệnh bạc, đó đều là tấm lòng của BỒ TÁT cả.
    Người xưa nói: ”Nếu không có hoa, nguyệt, mỹ nhân thì xin đừng sinh ở thế gian này“. “Nếu không có bút, mực, cờ, rượu, thì cũng không nên làm người“
    Nhân tuyết mà nhớ tới cao sĩ, nhân hoa mà nhớ tới mỹ nhân, nhân rượu mà nhớ tới hiệp khách, nhân trăng mà nhớ tới bạn quý, nhân sơn thuỷ mà nhớ tới những thư, văn đắc ý.
    Có cảnh sơn thuỷ trên đất, có cảnh sơn thuỷ trên tranh, có cảnh sơn thủy trong mộng, có cảnh sơn thuỷ trong lòng. Cảnh sơn thuỷ trên đất đẹp ở chỗ gò, hang u tịch. Cảnh sơn thuỷ trên tranh đẹp ở chổ nét bút thấm thía; cảnh sơn thủy trong mộng đẹp ở chổ cảnh tượng biến ảo lạ thường. Cảnh sơn thuỷ trong lòng đẹp ở chỗ mỗi vật đều đúng vị trí của nó.
    Chúng ta hãy lắng nghe những thi sĩ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận nói về cảnh, mỹ nhân và hoa. Khi ánh nắng mặt trời ban mai chiếu sáng, muôn hoa mùa Xuân đua sắc, vạn vật vui tươi. Lúc đó dáng hoa rất nhiều thứ cho ta thưởng ngoạn và tâm hồn thi, văn sĩ đi vào tư tưởng nói về hoa và mỹ nhân. Ta đọc lại bài:
           Nụ Cười Xuân của Xuân Diệu  
          Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui
          Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời.
          Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
          Cánh hồng kết những nụ cười tươi.


          Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
          Cây vàng rung nắng, lá xôn xao;
          Gió thơm phơ phất bay vô ý
          Đem đụng cành mai sát nhánh đào.


          Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều
          Bên màu hoa mới thắm như kêu;
          Nỗi gì âu yếm qua không khí,
          Như thoảng đưa mùi hương mến yêu.


          Này lượt đầu tiên thiếu nữ nghe
          Nhạc thầm lên tiếng hát say mê;
          Mùa xuân chín ửng trên đôi má
          Xui khiến lòng ai thấy nặng nề...


          Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
          Chưa từng hẹn đến, - giữa xuân tươi
          Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy
          Thiếu nữ làm duyên đứng mỉm cười. 

                                                    (Xuân Diệu)
    Và nhà thơ Xuân Diệu cũng đã để lại cho đời một tuyệt tác về liễu, về hoa, về trăng, về thiếu nữ lung linh nét thu:
          Ðây mùa thu tới  
          Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
          Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
          Đây mùa thu tới – mùa thu tới
          Với áo mơ phai dệt lá vàng.

          Hơn một loài hoa đã rụng cành
          Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
          Những luồng run rẩy rung rinh lá…
          Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

          Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
          Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
          Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
          Đã vắng người sang những chuyến đò…

          Mây vẩn từng không chim bay đi
          Khí trờ u uất hận chia ly.
          Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
          Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
                                      (Xuân Diệu)
    Bây giờ chúng ta hãy nghe Huy Cận nói về nét đẹp núi non qua bài thơ “Đẹp xưa” viết tặng Tô Ngọc Vân:
          Ngập ngừng mép núi quanh co
          Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang...
          Vi vu gió hút nẻo vàng.
          Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.

          Dừng cương nghỉ ngựa non cao
          Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon...

          Đi rồi, khuất ngựa sau non;
          Nhỏ thưa tràng đạc, tiếng còn tịch liêu...
          Trơ vơ buồn lọt quán chiều
          Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người

                                                                     (Huy Cận)
    Đi qua đèo, lòn qua khe núi hay đứng trên cao với góc độ về chiếu tâm hồn người lử thứ buồn vô tận. Không có gì buồn bằng cô đơn giữa lưng đèo heo hút. Nghe qua dòng thơ của Xuân Diệu chúng ta thấy buồn man mác và không có gì buồn hơn khi lặng lẻ đi trong không gian đó.
    Bây giờ chúng ta nghe lại bài thơ “Áo trắng” của Huy Cận mà chắc chắn không một ai qua thời học sinh mà không biết đến:
          “Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
          Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
          Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
          Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

          Em đẹp bàn tay ngón ngón thon,
          Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
          Em lùa gió biếc vào trong tóc
          Thổi lại phòng anh cả núi non.

          Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời,
          Hồn em anh thở ở trong hơi.
          Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
          Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

          Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày,
          Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
          Dịu dàng áo trắng trong như suối
          Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.

                                                    (Huy Cận)
    Học sinh nữ ngày xưa, cũng như bây giờ, tà áo trắng là biểu tượng cho trong trắng, cho ngây thơ, cho mộng mơ. Tình yêu có đến chăng cũng chỉ là tình yêu “học trò” thật vui, đẹp dể thương và ngây thơ. Phải nói rằng tuổi trăng tròn đó người đẹp chưa hoàn tất thành một MỸ NHÂN, vì tuổi trong trắng “ăn chưa no, lo chưa tới”
    Trong thơ Huy Cận nói đến tà áo trắng với sự “ngây thơ, dịu dàng của cô nữ sinh … bao giờ cũng đẹp cả.
    Truyện “Kiều” của cụ Nguyển Du là một tuyệt tác, cho dù tả cảnh, tả người đều đi vào lòng người và áng văn bất hủ đó chính là biểu tượng cho nền văn học Việt Nam vậy. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói đến một nhà thơ khác. Đó là:
    Nhà thơ Phạm Thiên Thư.
    Đôi chút nói tới nhà thơ này: “Phạm Thiên Thư là một người tài hoa và kiên trì. về tài hoa đã thắp nguồn cảm hứng.
    Vì vậy, Phạm Thiên Thư đã viết một tập truyện thơ gọi là “Hậu đoạn trường tân thanh “lấy tên là “Đoạn trường vô thanh”
    Trước năm 1975. tập thơ đó đã được xuất bản, và n/s Phạm Duy cũng trích từ đó hoàn thành một nhạc phẩm thật thú vị và dễ đi vào lòng người.
    Sau đây qúy vị “nghe” một đoạn thơ trong “Đoạn trường vô thanh” của Phạm Thiên Thư:
    Trích đoạn từ câu: 2039 đến 2049:
          “Cuối xuân đường rụng đầy hoa,
          Cánh rơi tưởng nụ mây sa bềnh bồng.
          Kiều ra tựa cửa ngùi trông,
          Đồi cao đã trắng mấy bông lau chiều.
          Bên dòng lảnh tiếng chim kêu,
          Qua cầu vó ngựa rơi đều tà dương.
          Cổng tre mái ngói ráng hường,
          Cánh không buồn khép gió vương ơ hờ.
          Tiếng ve trong cõi sương mờ,
          Ngâm theo xác lá lơ thơ rụng vàng.”
                    (Trích Đoạn Trường Vô Thanh)
    Trong đoạn thơ này ý tác giả nói đến Ông bà Vương, Thuý Kiều đã tậu lại nhà cửa, vườn tược và đang trông ngóng.
    Vương Quan ghé thăm? .
    Chuyện “Đoạn trường vô thanh” hiện nay chưa thấy phổ biến cho lắm trong giới văn học ở nước nhà. Nhưng thật sự mà nói, Đoạn Trường Vô Thanh cũng là một áng văn vần, thơ hay, có thể có cái gì đó man mác trong lòng chúng ta khi đọc. Đọc “Đoạn trường vô thanh” chúng ta không thể quên được cụ Nguyễn Du với “Đoạn trường tân thanh”
     Cuộc đời con người sống trong trời đất, hơn các loài vật khác là có trí óc duy nghĩ, có tâm hồn mơ mộng, có ý thức sống đẹp và yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu tất cả vạn vật. …
     Theo  triết lý nhà Phật- Con người chết đi chưa phải là hết mà chỉ là chuyển qua một đoạn kiếp khác để tiếp tục trả nợ đời, tùy theo “nhân quả” duyên nghiệp để khi trở lại làm người được tốt hay xấu.
     Các nghệ sĩ: văn, thơ, họa, nhạc v.v… E rằng, con tằm nhả tơ mãi mãi vẫn tái sinh làm kiếp nhả tơ muôn vạn năm tháng của trần gian chăng? Nếu không khéo tu để trở thành BỒ TÁT thoát khỏi trần gian lắm vương mang hận tình mơ ước không bao giờ thành.
                                                                                                                                                  Lê Hoàng
    .                                                                                                                                             (Còn tiếp)
    (Tặng nhà thơ Châu Thạch để nhớ tới thời: ”Áo trắng đơn so, mông trắng trong“ ở xứ Quãng…)
---------------
Tham khảo:
Sách Lâm Ngữ Đường
Nguyễn Hiến Lê
----------------------
Lê Hoàng
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hoa Kỳ ngày 18.4.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
_________________________________________________ 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét