Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Ảnh Nhà Văn Mang Viên Long

ĐẦU NĂM,

TẢN MẠN VỀ XUÂN


& ĐỌC “BÂY GIỜ MÀ CÓ VỀ QUÊ”

TẢN VĂN HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


Tạp Bút
MANG VIÊN LONG


       Tôi có thói quen, đầu năm mới - sau khi viết “cái gì đó” để khai bút cho vui, thì chọn một quyển sách để đọc! Năm nay, sau khi “khai bút” với bài thơ “Mùa Xuân Mặc Áo Đỏ”, và viết tạp bút “Học Cảm Động”; tôi lấy ở chồng sách đặt sẵn trên bàn tập tản văn “Bây Giờ Mà Có Về Quê” của Huỳnh Như Phương ra ngồi ở hiên nhà yên vắng, với bình trà…

       Người bạn - văn - nhỏ đồng hương Trần Thi Ca về quê ăn Tết, hôm 28 tháng Chạp đã ghé thăm và trao cho tôi phong thư lớn của “thầy Huỳnh Như Phương gởi cho chú!”. Mở phong thư, thấy có tác phẩm của Huỳnh Như Phương, và tấm thiệp “Chúc Mừng Năm Mới – Xuân Ất Mùi” với lời ghi chúc thân tình.
        Hai “món quà” bất ngờ đến vào ngày gần cuối năm đã cho tôi thêm niềm vui giữa bao lo toan cho một cái Tết gần kề! Sách là món quà “tâm huyết” một đời đã được chia sẻ, còn tấm thiệp Xuân chính là những tình cảm ưu ái của tác giả trao gởi cho năm mới!
         Từ nhiều năm nay, tôi ít có dịp nhận những “tấm thiệp truyền thống” chúc mừng Năm mới & Xuân mới như thế! (Nhưng lại nhận nhiều tấm thiệp qua Email). Anh Huỳnh Như Phương với tôi – tuy chưa được hân hạnh “cụng ly” với nhau lần nào, nhưng tôi đã đọc anh từ trước 75 ở các tạp chí Trình Bầy, Đối Diện qua những bài nhận định văn học sắc bén, ấn tượng. Gần đây, qua bảy tác phẩm của anh đã xuất bản từ năm 1986, nhất là những tản văn, nhận định văn học được đăng thường xuyên trên các tuần báo, tạp chí văn học – Huỳnh Như Phương đã được tất cả ghi nhận là một nhà lý luận & phê bình văn học có  cái nhìn mới, nhiều tư duy mới, chuẩn mực; có uy tín trong sinh hoạt văn học…  
          Tấm thiệp mầu đỏ & cành mai vàng – có chút mầu xanh non của các nụ búp chưa nở, với hai câu liễn “Chúc Mừng Năm Mới” & “ Xuân Ất Mùi 2015” – như bao tấm thiệp được bày bán ở các hiệu sách; nhưng với tôi – là một hình ảnh lạ, một sự gợi nhớ vừa da diết, vừa êm đềm! Nhìn tấm thiệp giây lâu, như  vừa được “gặp lại” một người ban thân thiết một thời; tôi nghĩ: “Thật là một “món quà” chơn phác, mà vô cùng ý nhị!”.
            Đọc “Bây Giờ Mà Có Về Quê” (gồm 36 bài, dày 196 trang, nhà XB Phụ Nữ ấn hành) – tôi càng tin hơn ở tình cảm đầu tiên của mình khi thoáng đọc tựa sách: “Văn anh thật bình dị, chân xác, tràn đầy nhiệt huyết”:
            “Bây giờ mà có về quê
             Cũng như Lưu Nguyễn xưa về trần gian
             Vườn xưa nhà cũ hoang tàn
             Phôi pha kỷ niệm, ngỡ ngàng bước chân
             Đâu còn bóng mẹ đầu sân
             Chờ con về Tết mỗi lần xuân sang”(1)
                     (Bây giờ mà có về quê – tr 46)
           Chỉ với tản văn nầy, tôi bắt gặp “phong cách” tản văn của Huỳnh Như Phương rất gần với tạp bút của Võ Phiến thuở nào: Chi tiết, đằm thắm, mới lạ, và rất sâu sắc! Nhưng, ở tản văn Huỳnh Như Phương hiện rõ nét phóng khoáng, và lãng mạng hơn của tuổi trẻ đang dạt dào sức sống! Chính vì “cái riêng” nầy, tản văn Huỳnh Như Phương có sức lôi cuốn mạnh; và người đọc dễ đồng cảm cùng anh bao điều được gởi gắm:
             “(…) Nhưng cũng đã qua rồi cái thời ấu trĩ, tin rằng con người có thể chinh phục thiên nhiên; “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, nghĩ rằng con người là “chúa tể của muôn loài” nên có thể sai khiến thiên nhiên theo những mệnh lệnh ngông cuồng nhất của mình (…). Mỗi con người chỉ có một đời để sống. Và con người có nhu cầu tận hưởng hạnh phúc ngay trong cuộc đời nầy” (Nhất thời & Vĩnh cửu – tr 178).
           Có lẽ, Huỳnh Như Phương đã viết “Chiếc Lá Bồ Đề” (trang 74) bằng cả tâm tình chơn thật nhất đối với Đạo Phật mà anh ngưỡng vọng: “(…) Thường mỗi đêm có gió to, lá bồ đề rơi rụng trên mặt đất, sáng tinh mơ thầy trò “người làm vườn kiêm quét chùa” nầy phải dậy thật sớm để nhặt lá, trước khi những người dân địa phương ở quanh vùng và khách hành hương đến đây tìm lá như xin một món qùa của Đức Phật.
          Mang lá về chùa, Thầy lại chọn những chiếc lá già đẹp nhất đem ngâm nước khoảng gần một tháng thì vớt ra chỉ còn lại thân lá gân mềm.Thầy ép lá thật mỏng rồi dán lên một trang giấy giới thiệu lịch sử ngôi chùa Việt ở Bồ Đề Đạo Tràng. Mỗi lần về thăm quê, thầy lại mang lá và hạt bồ đề về làm quà cho những người ở nhà. Tôi vốn không hiểu biết công việc của thầy, chỉ gặp thầy dôi lần, trong đó có một lần tình cờ đi cùng với thầy trong chuyến bay từ Saiogn ra Hà Nội; nhưng hình như là một trong trong những người đầu tiên có cơ duyên nhận lá!(…) Bây giờ, tôi trân quý chiếc lá thầy cho, đem lồng trong khung kính đặt trước bàn viết (…) Giữa hai trang viết, tôi lại tĩnh tâm nhìn thật sâu vào từng đường gân lá và thấy trên mặt lá hiện ra lúc thì như một mạng nhên tinh vi, lúc thì như một mê cung huyền bí. Có hôm tôi bừng thức tự hỏi về sự có mặt của của chiếc lá trong căn phòng của mình: con đường nào đã đưa chiếc lá đến với tôi, và tại sao chính chiếc lá này chứ không phải chiếc lá nào khác trong hàng nghìn hàng vạn chiếc lá đã mọc trên cây bồ đề mà thầy Huyền Diệu hàng ngày chứng kiến? (…)”
            Sau những suy nghiệm, tra vấn, tự nhìn lại mình, qua hình ảnh  “chiếc lá bồ đề” đơn sơ ấy; tác giả đã kết luận: “(…) Đời chúng ta cũng như chiếc lá, một ngày nào đó cũng sẽ bay đi. Chỉ tiếc không có bàn tay bao dung nào như bàn tay thầy Huyền Diệu nhặt chúng ta lên cho được tái sinh. Chính chúng ta ngay từ khi còn trên cây đời, khi chưa úa vàng, phải tự chuẩn bị cho một chuyến bay vào vô tận!”.
            Là một cư dân đã được sống ở Saigon từ năm đầu thập niên 70, đã hít thở không khí Saigon với “những khoảng xanh” trong lành và ắp đầy kỷ niệm; Huỳnh Như Phương đã có cái nhìn và cảm nhận với Saigon xưa và nay qua “Những Khoảng Xanh Saigon” (trang 155) rất chân tình, thiết thực:
            “(…) Thời đó, Saigon còn thưa người, vườn Tao Đàn buổi chiều vắng lặng, những vạt nắng ung dung trên các tàn cây cao, tiếng động cơ xe lam không làm chim chóc trong vườn sợ hãi, cũng không quấy rầy những nụ hôn e ấp của vài đôi nhân tình rụt rè trên ghế đá trong vườn. Những chiều không vội vã, tôi cũng tìm một chiếc ghế trống ngồi lặng im để lắng nghe âm thanh của khu vườn: tiếng chim ríu rít trên cành cao, tiếng lá rơi chạm khẻ trên mặt đất, tiếng trẻ con nô đùa trên bãi trống, tiếng vỗ tay theo nhịp bài hát của tốp hướng đạo sinh (…)”.
           Và Saigon với vườn Tao Đàn hôm nay:
           “(…) Nhưng từ khi hai đầu đường Trương Định bị ngăn lại để làm cổng ra vào, đất mặt tiền công viên dần dần dành chỗ cho những cửa hiệu, thì những cư dân sống xa trung tâm thành phố như tôi không có may mắn thụ hưởng khu vườn nữa. Những ai có dịp vào đây những ngày hội hoa xuân hay hội chợ hàng chất lượng cao, chắc sẽ gặp một khu vườn khác, rất khác khu vườn mà tuổi học trò tôi đã đi qua. Nghĩ mà thương cho những cụ già, một sáng mai nào đến vườn thư giãn như thường lệ, bổng bị yêu cầu phải mua vé mới được bước chân vào! (…) Những khoảng xanh qua vườn Tao Đàn (…) là những điểm nhấn trong không gian sinh thái ngày càng thu hẹp của thành phố nầy”.
            Tác giả đã kết thúc bài tản văn ngắn nhưng rất khẩn thiết nầy:
             “(…) Hãy cứu lấy những khoảng xanh, hãy cứu lấy những thãm cỏ công viên úa tàn vì bị dẫm nát chỉ sau một tuần hội chợ đầy người mua sắm. Hãy cứu lấy những hàng cây cổ thụ bị đốn ngã không thương tiếc để mở đường hay xây dựng chung cư. Đừng đành lòng làm kẻ vô tâm quá đỗi nếu còn xem thiên nhiên là bè bạn, đó là thông điệp mà những khoảng xanh kia muốn gởi đến những cư dân thành phố!”
           Với tấm chân tình rộng mở, với ý thức trách nhiệm, với nổ lực chuyển hóa những “trì trệ” trong đời sống và phát huy những điều tốt đẹp cho tương lai; Huỳnh Như Phương đã trang trải qua 36 mãnh tâm tình đau đáu trong bao tháng năm thao thức – anh đã có cùng quan niệm về sứ mệnh thơ & văn như “nhà thơ vĩ đại nhất còn sống của thế giới Á Rập” Adonis (Syria) mà tôi rất tâm đắc: “Làm cho cuộc sống trên trái đất nầy tốt đẹp hơn, bớt phù phiếm, bớt khổ đau hơn!”

(1)   Thơ của Nhà giáo Dương Hội

Quê nhà, Mồng 8 Tết Ất Mùi
MANG VIÊN LONG
       
    

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét