Bài
số 30 Tôi Đến Với
Phật
QUÀ CHO NGỪƠI RA ĐI
Tạp bút
MANG VIÊN LONG
Thưở
xưa, thời của sự tín ngưỡng đang ở vào giai đoạn phôi thai, dựa vào những niềm
tin mơ hồ, tà kiến, đa thần; từ vua quan, hoàng tộc, cho đến thứ dân - tùy theo
hoàn cảnh, khả năng tài sản, khi người thân mất đi - thường chôn theo quan tài
những gì qúy hiếm nhất, để cho người chết “được hưởng phần sung sướng” ở nơi xa.
Những món “quà cho người ra đi” như vậy, đã dần dần trở nên tục
lệ, thói quen - lưu truyền cho những thế hệ sau, một cách vô thức, mà không có
sự suy xét chính đáng!
Chúng ta đều đã biết được rằng: Tất cả
mọi người trên cõi tạm nầy, không ai có thể tránh khỏi được “chuyến ra đi cuối cùng” của dời mình!
Định luật vô thường với 4 chuyễn biến “sinh/già/bệnh/chết” không chừa riêng một
ai, cho dầu là vua chúa, chư Phật, chân nhân, tiên nhân chứng ngũ thông (…).
Chính vì ý thức rõ “chuyến ra đi ngàn năm
xa cách” nầy - mỗi người chúng ta cần phải tự chuẩn bị tư lương cho cuộc
hành trình cô độc đầy gian khó ấy. Chúng ta phải tự lo liệu cho cuộc hành trình
của mình, là chính! (chứ không ai có thể lo thế được!): Đó là cái “nghiệp” mà chúng ta đã tạo tác, tích
chứa qua bao năm tháng; cái duy nhất
mà khi rời xa cõi đời nầy, mỗi người được phép (và phải) mang theo. Không thể
đem theo món gì khác ngoài “cái nghiệp đã
tạo tác” của chính mình!
Nếu tích chứa “nghiệp thiện lành” thì sẽ dược an vui hưởng phước báo quả lành trên
chặng đường đang đi tiếp! Ngược lại, chỉ tạo tác “nghiệp xấu ác” thì chắc chắn sẽ nhận được nghiệp quả tồi tệ không
lường, trên bước đường gian nan phải trả! Đức Phật đã dạy rõ: “Chớ khinh điều
ác nhỏ cho rằng “chẳng đưa lại qủa báo
cho ta”. Phải biết giọt nước nhiễu lâu ngày cũng đầy bình. Kẻ ngu phu sở sĩ
đầy tội ác bởi chứa dồn từng khi ít mà nên” (PC121). (“Khi nghiệp ác chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật. Nhưng khi
ác nghiệp đã thành thục, họ nhất định phải chịu khổ đắng cay” – PC 69).
Tuy đã biết được rằng,“chính tự mình làm chỗ nương tựa cho mình”, nhưng những người thân yêu của
mỗi người, đều có thể gởi “quà cho người ra đi” theo lời của Đức Phật
đã dạy cho vua Ba tư nặc khi Hoàng thái hậu mẹ vua đột ngột lâm bệnh nặng, qua
đời: “(…) Là người con hiếu thảo biết
thương người đã mất, thì phải tạo phước, bồi đức; hồi hướng phước đức giúp
ngừơi ra đi, như chuẩn bị lương thực gởi cho người thân trên chuyến hành trình
xa”(Kinh Pháp Cú Thí Dụ) - đó là những gì mà những người thân yêu còn lại
có thể gởi cho người chết, và người chết được thọ nhận; chứ chẳng phải châu báu
được chôn theo áo quan, hay mọi hình thức lễ nghi hoành tráng, tốn kém! Sự than
khóc, tiếc thương, sầu khổ, chỉ là biểu hiện nhất thời, không đem lại chút lợi
lạc gì cho người chết, cả người còn sống. Nếu biết giữ lòng hiếu thảo, thì cần
thể hiện khi người còn sống: Chăm nom, săn sóc, cơm ăn thuốc uống - nhất là cần
tạo điều kiện thuận lợi cho Người được đến gần với Phật pháp; được niệm Phật,
đọc kinh, làm nhiều việc Thiện lành (…). Được như vậy, thì dù người có đi xa
cũng sẽ đến bến bờ của sự an lạc, tốt đẹp! Và người còn sống cũng sẽ nhận được
phước báu của lòng hiếu thảo, sẽ được an vui hạnh phúc…
“Qùa
cho người ra đi” vì vậy - ai ai cũng có thể làm được, không phân biệt giàu
nghèo, sang hèn! Đó là sự tích lũy điều Thiện lành, lánh xa điều xấu ác, tinh
tấn tu tập theo lời Phật dạy, luôn kính ngưỡng Tam Bảo, mỗi ngày nên “sáng cho người niềm vui/ chiều giúp người
bớt khổ”…Tất cả những việc làm ấy, chính là “lương thực gởi cho người thân trên chuyến hành trình xa”, đồng thời cũng chính là tư lương của mỗi người sẽ
mang theo, trong chuyến ra đi cuối cùng của cuộc đời hữu hạn, mong manh của
mình sau nầy vậy!
Vu Lan 2012
MANG VIÊN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét