Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Ảnh Lê Hoàng



NGÀY XUÂN, TẢN MẠN VỀ MAI

      Tạp bút
   MANG VIÊN LONG




H
oa Mai đã được người xưa xem là loài hoa quý nhất trong “tứ quý”: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Cảm nhận sâu sắc được nét đẹp thanh cao, trong sáng của hoa Mai - Cao Bá Quát đã có lần tâm sự:
               “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
               Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa!”
     (Mười năm đàm đạo giao du khó như tìm gươm cổ; một đời ta chỉ biết cúi đầu lạy trước hoa Mai).

     Thi hào Nguyễn Du trong những năm tháng gian truân, lưu lạc, cũng đã chọn Mai làm tri âm:
               “Nghêu ngao vui thú yên  hà,
               Mai là bạn cũ, Hạc là người quen”.

269
 
     Trong gần bốn trăm bài thơ - Phú còn để lại, Nguyễn Trãi cũng đã có hơn mười bài nói về Mai với tình cảm yêu quý tha thiết, và lòng trân trọng hiếm có. Vóc dáng gầy guộc mà cốt cách thanh cao của Mai, có phần nào giống với tâm hồn và cuộc đời của Nguyễn Trãi: Gian khó, cương trực, và trong sáng giữa cõi nhân sinh. Ông lấy Mai làm tri kỷ. Và đã từng “ngắm hoa tàn, xem ngọc rụng” - nhìn những cánh Mai vàng rơi như ngắm từng mảnh ngọc quý rơi rụng!
               “…Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi,
                   Yêu Mai vì tiết sạch hơn người!”
     Hoa Mai đươc yêu quý, trân trọng chẳng phải vì hương sắc (hương Mai thì sâu kín, thoang thoảng dịu dàng - hiếm người có thể cảm nhận được); mà vì cái “cốt cách” - vì cái phẩm chất, cái tinh thần nó biểu hiện, phát tiết giữa cõi đời ô trọc:
               “Càng thưở già, càng cốt cách
       Một phen gió, một tinh thần…”
     Biểu tượng hoa Mai (đi đôi với Trúc) được ghi lại nhiều nhất trong tranh thủy mạc Trung Hoa :
               “Trúc bất chỉ thiên
               Mai bất chính địa”.
     (Ngọn trúc không thể chỉ thẳng lên trời, đọt Mai không chỉ xuống đất - đó là một sự hòa hợp âm dương)
     Cành Mai bên khóm Trúc là một hình ảnh hòa điệu tuyệt đẹp, biểu trưng cho một tình yêu cao thượng - hay nghĩa phu thê sắc son, thủy chung! Trong sách “Lưỡng Ban thư vũ tùy bút” của Trung Hoa có kể lại một câu chuyện tình thơ mộng giữa nàng Hoàng Kỳ Mai kiều diễm đức hạnh và chàng Lâm Bá Trúc anh tuấn tài hoa bên đầm Long Môn để làm sáng tỏ cho biểu tượng này.
     Diễn tả tâm trạng khổ đau, buồn tủi của Kiều trước lúc theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri, thương nhớ chàng Kim ở Liêu Dương ngàn trùng xa cách, Nguyễn Du đã viết:
               “…Biết bao duyên nợ thề bồi,
               Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì!
               Tái sinh chưa dứt hương thề,
               Làm thân trâu ngựa đền nghì Trúc Mai”.
     Ca dao cũng có câu hát:
               “Trúc với Mai, Mai về với Trúc,
               Trúc trở về - Mai nhớ Trúc không?”
     Bên cạnh những phẩm chất vừa nêu, hoa Mai còn được tượng trưng cho “bản lai diện mục” - bộ mặt thật xưa nay của mỗi người. Nói cách khác, nó là cõi tâm trong sáng, vô nhiễm, thanh tĩnh vĩnh hằng mà vì vô minh nên bị che lấp, lãng quên; phải trôi lăn trong bể khổ trầm luân:
               “…Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
               Đình tiền tạc dạ nhất chi Mai!?
                                              (Mãn Giác)
     (Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết; Đêm qua sân trước một cành Mai!)
     Cùng với ý nghĩa thâm diệu ấy, muốn có được “danh thơm, tiếng tốt” như Mai; hay muốn đạt đến sự thanh cao - xuất chúng, thì cần phải có sự rèn luyện, tu dưỡng, chịu đựng mọi gian khó thử thách; giống như hoa Mai đã trải qua mùa đông giá rét, mưa bão:
                          “…Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,
                          Tranh đắc Mai hoa phốc tỷ hương!”
                                                         (Hoàng Bá)
     (Chẳng phải một phen xương buốt giá; hoa Mai đâu dễ ngát mùi hương!)
     Huyền Quang (1254 - 1334) đã từng tôn vinh Mai lên “Ngự sử đài” (Ngự sử Mai hoa hàng chầu rắp / Trượng phu Tùng mấy rặng phò quanh). Ngự sử Mai, Trượng phu Tùng và Quân tử Trúc hợp thành “Tam ích hữu” (ba người bạn có ích). Sách “Nguyệt lệnh Quảng Nghĩa” gọi bộ ba này là “Đông thiên tam hữu - Tuế hàn tam hữu” hoặc “Đông xuân tam hữu”. So với nhiều loài hoa, hoa Mai “anh hoa phát tiết” sớm nhất nên người xưa cũng phong tặng cho danh hiệu “Bách Hoa Khôi” (ưu tú, xinh đẹp nhất - đứng đầu trong trăm hoa).
     Nghĩ về Mai, tôi chợt nhớ đến giai thoại cụ Phan Bội Châu thi hương (1883). Cụ được chấm ưu hạng, nhưng phải dự kỳ sát hạch cùng sáu sĩ tử khác để xếp vị thứ cao thấp. Đích thân Hoàng giáp Phạm Như Xương - quan phủ Anh Sơn, làm chủ khảo. Các thí sinh nhận đề, mãi mê làm bài hồi lâu; cụ Phan mới kịp đến. Lúc ấy, cụ Phan chỉ vừa 16 tuổi! Quan phủ hơi bực, nhưng vẫn cho Phan vào; buộc phải làm bài với đề tài riêng. Đang tiết cuối xuân, trông thấy cây Mai bên hiên trước thềm chỉ còn thưa thớt vài đóa - quan Hoàng giáp bèn ra đề: “Hoa khai bất cập xuân” (Hoa nở không kịp mùa xuân) - Có ngụ ý cảnh cáo tội trễ tràng của chàng trai nổi tiếng có khí tiết, thông minh.
     Cụ Phan phóng bút, viết ngay mấy câu vào đề:
               “Đông hoàng tằng trước nhãn,
               Dĩ hứa Bách hoa khai…
               Chỉ vị khiêm khiêm ý,
               Phiên giao tiệm tiệm khôi!”.
     (Nhờ chúa Xuân ưu ái/ xếp đứng đầu 100 hoa/ chỉ vì lòng khiêm tốn / nên hẵng nở tà tà!).
     Liếc mắt đọc thoáng qua, quan chủ khảo không cho Phan Bội Châu làm bài nữa. Ông tuyên bố: “Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi!”.
     Mùa xuân đang đến. Hoa Mai lại đua thắm trên cành. Lòng lại dâng lên niềm xúc cảm như được đón xuân đầu tiên: “Mỗi lần xuân, đời tôi - tôi lại bắt đầu” (Tống Anh Nghị).
     Mấy năm qua, tôi đón xuân không có Mai, cảm thấy mùa xuân chưa trọn vẹn. Diễm phúc thay, xuân này - một người bạn văn ở quê lại mang lên biếu cho một cành “Bách hoa khôi” - hoa, búp chen nhau đầy cành. Dù anh không nói nhiều, tôi vẫn hiểu, anh đã chia sẻ cho tôi niềm vui quý báu từ gốc Mai trước sân nhà. Anh chỉ có “một đề nghị nhỏ”: Tặng cho anh một bài thơ nói về Mai. Tôi vốn yêu thơ, nhưng làm thơ thì dở lắm! Tôi cảm thấy đó là “một yêu cầu lớn” chứ không phải nhỏ. Dù sao, để đáp lại một tấm lòng, tôi vẫn hứa. Tôi nghĩ: Sáng Mồng Một Tết, bên tách trà đầu xuân - sau khi rót mời nàng Hoàng Mai một tách, tôi sẽ bắt chước người xưa “khai bút” bên cành “Bách Hoa Khôi” đầy nghĩa tình cao quý này!.
Quê nhà, 2003


MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét