TÂM “TÙY HỶ” TRONG SINH HOẠT VHNT
Tạp bút
MANG VIÊN
LONG
M
|
ột người bạn Văn viết thư
thăm tôi, trong thư anh có cho biết sơ lược về “nỗi buồn” của anh trong tháng
qua: Anh vừa được Hội đồng xét duyệt giải thưởng văn học 5 năm (2001- 2005) của
tỉnh quyết định trao cho anh giải A về Văn học Dân gian và giải B về sáng tác;
nhưng lại có sự kiện tụng, phân bì này nọ. Hội đồng phải họp đi, họp lại nhưng
kết quả vẫn như vậy! Anh kết luận “chuyện không có gì nhưng nó cũng làm ta
cảm thấy chán ngán chuyện đời!”. (Thư riêng 10.6.06)
Tôi đã được sống và làm việc gần anh trong
nhiều năm - anh vốn hiền lành, siêng năng trong sáng tác, và nhiệt tình với tất
cả bạn văn; nên gặp “trở ngại” này có thể đã khiến anh “chán ngán
chuyện đời” là điều tất nhiên. Chuyện đời đâu có mượt mà, trơn láng, đơn
giản như ta nghĩ, ta thấy. Chuyện đời cũng có bề trái xù xì, ghồ ghề, đen điu
của nó mà ta có thể chưa có dịp phát hiện (hay nó chưa có dịp lộ diện đó thôi)
Xưa nay tôi (và cả người bạn) đều có suy
nghĩ: sinh hoạt VHNT là một sinh hoạt có gì “khác” với các sinh hoạt
khác của đời sống. Nó nặng tình hơn, cao khiết hơn, và thoải mái vui vẻ hơn. Có
vậy, mới cặm cụi viết, hết lòng sống, và hy sinh (cả tinh thần, vật chất) để
gắn bó, theo đuổi như một cái “nghiệp”. Dần dà - nhất là bây giờ, cả tôi
và người bạn đã “chợt” nhận ra, sinh hoạt VHNT đã ngấm ngầm bị ô nhiễm,
bị biến thái, để trở nên là một sinh hoạt bình thường, ghồ ghề, với nhiều trắc
trở, bạc bẽo của cuộc sống!
Sau một vài lần đối diện với thực tế trong
quan hệ, gặp điều đáng nản như người bạn; tôi hiểu ra rằng, sở dĩ trong sinh
hoạt VHNT đáng lẽ ra phải trong sáng, chân tình, ấm áp tình người hơn nơi nào
hết; lại trở nên u ám, tráo trở, và bạc bẽo là vì chúng ta - những người gọi là
có tham gia viết lách, làm thơ viết văn, và các lĩnh vực nghệ thuật khác -
thiếu vắng một điều: Đó là cái “Tâm Tùy Hỷ” rất quan trọng. Tâm tùy hỷ
rất cần thiết trong mọi sinh hoạt, quan hệ của đời sống.
Trong nhiều kinh sách của Phật giáo có nói
đến cái tâm cao cả, mầu nhiệm này. Người có tâm tùy hỷ, không những luôn được
an vui, mà còn có nhiều phước đức trí tuệ nữa. Vậy “Tâm Tùy Hỷ” là một
cái tâm như thế nào mà linh diệu đến vậy? Hiểu đơn giản là: “Thuận vui cùng
người, với người”. Người có tâm tùy hỷ sẽ luôn cảm thông, chia xẻ, chan
chứa niềm vui với người được có niềm vui, vì sự thành công, hay hạnh phúc, may
mắn, đang sống quanh mình - không kể là quen hay lạ, thân hay sơ !
Người bạn đã xứng đáng được trao hai giải
thưởng vì tài năng, vì sự đóng góp tích cực trong nhiều năm - đó là một điều
tất nhiên, hợp lý. Nếu vài ba bạn văn - nhất là bạn gần gũi, thân tình đã được
anh hết lòng chăm chút, giúp đỡ kia - biết “lượng sức mình” và có tâm tùy hỷ -
thì tất cả đều vui, đều hạnh phúc !
Người không có tâm tùy hỷ sẽ luôn sống
trong khổ đau, dằn vặt, toan tính. Thấy người giàu có thì ganh ghét. Biết người
hạnh phúc thì đố kỵ. Nghe người may mắn thì khổ đau. Nếu tâm ta không có chỗ
cho “Tùy hỷ, hỷ xả” thì tam độc “tham, sân, si” sẽ nẩy sinh, phát
triển. Đó là địa ngục, là khổ nạn cho đời người.
Có người bạn thơ phát biểu rằng, ở giới văn
nghệ sĩ nói chung - nhà thơ nhà văn nói riêng - nhiều người thường cho mình là
“cái rốn của vũ trụ”. Bởi vậy nên mới có chuyện chỉ cho thơ văn của mình
là nhất. Mới có chuyện hai “ông nhà thơ” tranh luận thơ hay - chê bai nhau,
không ai chịu ai, suýt…đánh nhau nữa (!). Đã có cái tâm kiêu mạn, thì dù sinh
hoạt trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng đều thất bại, vì chẳng bao giờ tiến bộ
được (mà mọi hoạt động - nhất là hoạt động tri thức là luôn đổi mới, phát
triển).
Ý
thức rằng, VHNT là một sinh hoạt không ngừng thay đổi, có nhiều đường hướng đạt tới phong phú - thì mỗi
người (hay mỗi nhóm, tập thể) làm công việc sáng tác, có một cách thể hiện,
diễn đạt riêng - không thể trói buột vào một khuôn khổ, một ý thức nào! Do vậy,
nếu có ai “không giống ta” thì đó cũng là một điều tất nhiên. Giá trị của một
tác phẩm nằm trong chiều sâu xây dựng các giá trị “chân, thiện, mỹ” mà
nó cống hiến cho người đọc, cho đời sống chứ không phải phương tiện.
Mọi vấn đề xem ra phức tạp của sinh hoạt
VHNT - tóm lại, cũng đều tùy thuộc vào cái “Tâm Tùy Hỷ” trong sáng,
thánh thiện ấy cả!
Tháng
7.2006
(Tuần
báo Giác ngộ số 347.2006)
MANG VIÊN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét