Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Anh Le Hoang




              “ CHA MẸ SINH CON , TRỜI SINH TÁNH…”
                             Tạp bút
                        MANG VIÊN LONG


        Khi gặp  trường hợp có một đứa con không làm y như lời cha mẹ day bảo - hay có cách sống không đúng như  ý cha mẹ mong muốn - người đời thường nhắc câu : “Cha mẹ sinh con/ Trời sinh tánh!”- để nói lên sự bất lực của các bậc sinh thành - đồng thời cũng “đổ tội” cho Ông Trời mơ hồ xa lắc xa lơ nào đó cho yên!

     “Ông Trời” trong câu nói dân gian này có  ý ám chỉ cho một “đấng tối cao” nào đó, có quyền năng tối thượng quyết định mọi số phận của mỗi người - kể cả tính tình, tư cách, lối sống!. Việc trút hết mọi điều không như ý cho “Ông Trời“ là rất oan cho ông ấy! (vì Ông ấy chẳng làm gì được đâu!)
       Trách nhiệm trước tiên, thuộc về người đã sinh thành dưỡng dục nên “ con người” ấy. Ngoài yếu tố gene huyết thống, là sự uốn nắn, dạy dỗ, rèn luyện của cha mẹ, người thân chung quanh từ khi  “con người “ ấy vừa chào đời! Nhiều nhà khoa học còn khẳng định - đưa bé ấy  cần  phải được “ giáo dục/ uốn nắn” ngay khi còn trong bào thai nữa. Như vậy - việc người con “ hư”/ hay “nên” (tốt/xấu) - đều nằm từ môi trường nuôi dạy của cha mẹ mà hình thành, không ai có thể thay thế, làm khác!
       Môi trường và hòan cảnh sống cùng với “ tấm gương:” của cha mẹ hằng ngày - sẽ tác động tích cực và quyết định phần lớn nhân cách, cá tính, tài năng của các “thành viên“ trong môi trường ấy! Những gì quý bậc cha mẹ làm - dù cố che dấu hay không, cũng không thể “lọt ra“ ngoài đôi mắt, đôi tai rất nhạy cảm của con trẻ! Nhiều người “đánh giá” không chính xác về tuổi thơ - cho rằng chúng không hề biết được gì với lứa tuổi quá nhỏ ấy - nhưng, tất cả những hình ảnh của cha mẹ, (và cả những ngươi chung quanh) - luôn phản chiếu vào tấm gương tâm hồn trong trắng hồn nhiên ấy một cách sâu đậm không thể ngờ! Câu chuyện nhỏ trong sách Giáo Khoa Thư bậc tiểu học ngày nào vể chuyện người cha lấy gáo dừa gọt làm chén cho cha mẹ già ăn cơm để rồi ngày kia lại nhìn thấy đúa con mấy tuổi cũng lẽo đẽo làm y như vậy để dành cho “cha mình” sau này (!) Nói rộng ra ngoài xã hồi - xã hội nào, sẽ tạo ra mẫu người cho xã hội ấy! Đó là hệ quả đương nhiên, không thể khác! Dưới các triều nhà Lý - nhà Trần, vua lấy “ từ bi/ hỷ xả” mà chăn dắt dân, thì dân lương thiện - xã hội an bình, hạnh phúc! Dưới triều của Lê Long Đỉnh - vua bất nhân, tham đắm, thì dân bất lương, trác táng - xã hội hỗn loạn, điêu đứng!
    Cho nên sự thoái thác trách nhiệm của chính mình mà “ đổ thừa” cho Ông Trời huyễn hoặc xa xôi nào đó là điều không thể chấp nhận dược!
      Bên cạnh “tiểu kết” ấy - có một điều thật quan trọng mà chúng ta cũng nhận ra được rằng, không thể hoàn toàn “đổ trách nhiệm” lên đầu của các bậc sinh thành quá nặng nề như vậy! Cha mẹ nào chẳng thương yêu con, chẳng mong mỏi con trưởng thành nên người tốt đẹp? Vì vậy, với bản năng sẵn có, cùng với trí tuệ - kinh nghiệm qua từng năm tháng sống, người con dần dần  phải biết “nhận lấy” trách nhiệm cho chính bản thân mình chứ không thể “trông cậy/mong chờ” ở bất cứ ai khác! Kinh Pháp Cú có dạy rõ :” Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết - nhưng chính tâm niệm của mình hướng về hành vi chánh thiện làm cho mình cao thượng hơn” (Phẫm Tâm-Cittavaggo/43). Về năng lực siêu tuyệt mầu nhiêm của tự thân, Đức Phật cũng đã chỉ rõ: “Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác! Muốn thắng minh phải luôn luôn tiết chế lòng tham dục” ( Phẫm Ngàn -Sahassvaggo/104). Xem vậy, việc “Trời sanh tánh” lại không thể tin tưởng được nữa!  Bởi vì, “Chính tự mình làm chỗ nương tựa cho mình chứ người khác làm sao nương tựa được? “.( Kinh Di Giáo).
            Tục ngữ lại có câu: “ Cha mẹ cú, đẻ con Tiên
                                             Cha mẹ hiền, sinh con dữ!”
           Cha mẹ là kẻ xấu ác, đẻ con lại hiền thục xinh đẹp. Còn cha mẹ ăn ở hiền từ, nhân dức - lại sinh con hung ác, bất lương?  Để hiểu cho thật thấu đáo ý nghĩa của lời người xưa đã lưu lại, chúng ta cần biết thêm về 2 thuyết nền tảng “Nhân quả”“Nhân duyên” trong đạo Phật! Sự ra đời của một con người, đều được hình thành bởi rất nhiều “nhân quả” và “ nhân duyên” từ nhiều kiếp đối với chính người ấy! Và sự “có mặt “ của sinh linh ấy ở một nơi nào và trong một gia đình nào - cũng đã được bắt nguồn từ trùng điệp nhân duyên và nhân quả như thế! Với cái nhìn trần trụi gần gũi của người phàm - chữ “ Cú” hay “ Hiền” cũng chỉ là “tạm dùng” để đưa ra nhận xét của riêng mình mà thôi! Nó không nói lên dược tính xuyên suốt của một kiếp người ở hiện tại (chưa kể đến quá khứ/vị lai) - do vậy, kinh nghiệm ấy của dân gian (qua câu tục ngữ vừa nêu) không thể là một kết luận đáng tin cậy!
         Để tạm kết thúc đôi điều suy nghĩ cuối tuần về câu tục ngữ nêu trên ( Cha mẹ sinh con/ Trời sinh tánh) - chúng ta nhận thấy cần đòi hỏi ở sự nổ lực chuyển hóa và quan tâm tích cực của cả hai đối tượng ( Cha mẹ/ Con) - thì mới  hy vọng đạt được thành quả tốt đẹp như lòng  kỳ vọng: “Cha mẹ sinh con/ cùng con sinh tánh”! 
Quê nhà-
Cuối tuần,17 tháng 4/2010

MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét