NGƯỜI LIỆM XÁC
Truyện Ngắn
MANG VIÊN LONG
Ông Thể nằm ngủ quên trên
võng nghe tiếng thằng Điệp từ ngõ gọi vào, thức trực dậy, mò tìm cái khăn treo ở
dây thép ngoài hiên.
- Chờ tao một chút.
- Ngủ gì thẳng cẳng
vậy cha?
Thằng Điệp vào gần, giọng ông thể nhỏ xuống:
-
Khi hôm làm xong theo thằng Rèn coi cải lương về bả rên quá trời.
-
Ông không “họp” ở nhà thằng Khê à?
Ông Thể quấn khăn vào cổ kỹ
càng, lấy cái mũ lính chụp lên đầu.
- Tiền đâu mà theo mầy?
- Mấy trăm mới lãnh bay rồi hả cha ?
- Đưa cho bả một ít, trả tiền rượu một ít, mua
thuốc một ít … còn đâu?
Những
món tiền chi dụng của ông Thể chỉ mỗi thứ một ít nhưng tính lại không còn dư xu
nào. Nguyên do của sự làm ăn không nên nỗi đó, ông thường cho là tại bà Thể hết
thảy. Và ông không thể bỏ vợ nên sự túng thiếu không thể bỏ ông. Hễ về tới nhà,
bước chân vào cửa, là bà Thể cũng bắt đầu lập lại những lời càm ràm cũ về tính bài bạc, rượu chè của
ông.
- Ông đi ngủ ở xó nào bây giờ mới về lận ? Ngồi
quá, thức quá rồi mệt có làm có ăn gì
đâu? Bài bạc nó nhiễm trong xương trong cốt ông, làm nhiều nói ít, đút dấu để
lo nuôi mấy ông tướng chớ không nuôi ai… Bài bạc với rượu chè đến mãn đời, già
cú rũ, không dư một cắc.
Đại
khái những lời trách cứ đó nhắm vào tính cờ bạc và rượu chè, dù đôi khi bà còn
dùng nhiều câu lạ hơn thế. Phần bà, bà cũng nghĩ bà không cất đầu lên được vì
ông Thể. Và bà không bỏ ông Thể được nên bà không bỏ những lời càm ràm mỗi lúc gặp ông . Hai người vì
thế coi nhau như mắc nợ nhau phải trả. Cuộc sống cả hai sở dĩ còn giữ, phải nói
là do bản tính sao cũng được của ông
Thể mà bà Thể đôi lúc vui vẻ gọi là “khùng”. Ông Thể khùng. Vì thế ông Thể, nhiều
lúc dưới mắt bà Thể còn là một người khùng nữa. Nghĩ như thế nên bà ít khi chú
ý nhiều đến những lời tỏ gây gổ với ông, bà nói như một thói quen nào đó đã ăn
nhập tự nhiên vào cuộc sống nghèo túng của mình. Còn ông Thể rất ít khi quan
tâm tới những lời đó, ông thường thốt lên:
-
Mệt quá bà ơi …
Bà
Thể như bị chặn lại bởi một phản ứng khùng của ông Thể, dừng lại một lát, lại bắt
đầu, với giọng nói nhỏ hơn trước. “Mệt quá bà ơi …”
Tiếng
thằng Điệp cười nghe vang trong khỏang đêm mờ mờ sáng. Nó nói đến sự xui xẻo của
nó trong suốt mấy sòng bạc, trong gần một tháng, và kết luận:
- Phải xả xuôi há ông? Thế nào làm xong vụ nầy
cũng đi xóm Đường…
Ông
thể đi sau, thằng Điệp dắt xe đi trước, ra khỏi ngõ. Con ngỡ còn tối có chút
ánh điện lọt ra từ những lỗ thông hơi các dãy nhà nằm dọc hai bên. Cái vắng lặng
khiến cả hai bình tâm, không nghĩ ngợi gì. Ông Thể ngồi vào xe sau thằng Điệp,
như người công chức phải ngồi vào chiếc ghế dành cho mình, trừ lúc chết đi. Có
điều ông Thể không nghĩa đến việc ngồi sau xe thằng Điệp để lên trại là một điều
đáng chán, trái lại ông còn chờ để nghe ngóng tiếng xe đi vào ngõ, tiếng thằng
Điệp vào chưa tới nơi đã cất lên inh ỏi. Ông Thể ngồi sau xe đạp của thằng Điệp
kẹp hai chân vào con ốc chuồng, nhìn lơ đãng lên nền trời xám đen vi vút gió.
-
Chà trời nổi mưa mới khổ.
Tiếng của Điệp cằn nhằn
phía trước:
- Chết rồi chôn ở đâu cũng được, cũng yên …
Cả
hai nói những câu lơ lửng, cùng bày tỏ ý kiến không trực tiếp liên quan tới
nhau, nhưng như đã thầm hiểu được nỗi khó khăn của một cuộc quật mã trong khi
trời mưa. Chiếc xe đạp nặng nề vào đường phố, đi giữa những dãy nhà, những hàng
cây rét mướt trong những cơn gió đầu đông thổi lồng lộn. Phố xá như tách rời khỏi
nếp sống của hai người, vì thế phố xa không gợi cho họ một cảm giác nào trong
cái chơ vơ thật buồn của nỗi im vắng đó. Mà thật lạ, những con đường đổ về phía
bên kia cầu, phía bên kia thành phố, đã ăn sâu trong trí nhớ. Mỗi một sự thay đổi
dù nhỏ cũng được họ chú ý bàn tán, kể cho nhau nghe những căn nhà ọp ẹp vừa được
những người tản cư dựng lên, như dựng cái chuồng bò, chuồng heo. Ở đó có thằng
cha Năm suốt ngày lẩn quẩn bên xị đế, suốt ngày chửi rủa bà con; ở đó có quán
bà Tính nổi tiếng rượu mạnh, uống xong có thể nằm y như ở nhà mình. Ở đó … dược
nói tới thật thân thiết như miền quê cũ, nghĩ lại ở trong thành phố nầy, họ
không có gì để nói đến, như đi lạc vào nơi lạ, cách biệt. Ông Thể gục đầu vào
lưng thằng Điệp tránh gió, đánh diêm hút thuốc. Điếu thuốc đốt lên, lại bắt đầu
cho những lo ngại trời mưa. Thằng Điệp chăm chú đạp vượt gió. Nó là người trẻ nhất
trong bốn người làm việc tại trại ông Mộc. Ngày vừa được giải ngũ vì vết thương
sâu ở bả vai, hắn chưa định làm gì thì gặp ông Thể. Sự có mặt của nó ở nhà cũng
chẳng đổi thay được gì đến sự nghèo túng của mẹ, nên hắn thường vắng nhà. Hai đứa
em gái có chồng rồi như buộc chặt bên đó, cũng với những nghèo khó của chồng,
con. Lúc đầu, mẹ bảo, tụi nhỏ còn chạy đi chạy về; lúc sau cả tháng không nhìn
thấy mặt đứa nào cả. Hình như thằng chồng con Hân đã đi lính, còn thằng chồng
con Hạ “me chay…”. Điệp biết thằng chồng
con Hạ chắc bê bối lắm, nhưng lúc lên thăm mới rõ hắn hiền hơn Phật. Không ngờ
mình được kính trọng quá đáng. Điệp định bụng sẽ ca tụng thằng chồng con Hạ, với
mẹ. Và Điệp thấy mừng cho em, gặp trúng thằng hiền khô, lễ độ. Điệp hơi ngạc
nhiên về thái chịu đựng khó chịu của em. Điệp trở về thuật lại mọi chuyện trong
cuộc thăm viếng của mình, bà gắt:
-
Mầy có thấy nó khúm na khúm núm không? Đàn ông con trai gì lờ đờ như cá bị suốt,
ai bảo gì cũng nghe, tệ đến mấy thằng em cũng không khiến nỗi… Thiệt khổ cho
con nhỏ…
Những
lúc nghe mẹ nói vậy nó không dám cất tiếng ca tụng, giữ yên lặng như cùng chia
sớt nỗi không may với em; nhưng trong lòng vẫn thích sự kính trọng, chìu chuộng
của thằng chồng con Hạ. Ở nhà thằng chồng con Hạ nó tự dưng thấy mình lớn hẳn,
quan trọng thêm ra. Và nó vẫn thích cái vai trò đó, lâu lâu nó đi đâu cả ngày,
cũng ghé nhà thằng chồng con Hạ. Một lần hắn trở về, khoái chí vào quán bà Tính
uống rượu thì gặp ông Thể. Lần đó ông Thể vừa đi chôn ông Lã về, và cũng lần đó
thằng Điệp vào thế chỗ làm của người vừa chết. Thế chỗ người chết để đi liệm
chôn người chết. Dù mẹ nó có ý cản ngăn, nhưng nó vẫn có ý nghĩ làm phước, nên
nó không bỏ cơ hội để kiếm tiền uống rượu, đánh bài. Nó thường lập lại một lý
luận để giữ mẹ yên lòng:
- Lũ
chết đó cũng là chỗ bạn bè của con cả, mình không lo thì ai vô ? Nó được mình
lo thế nào cũng phù hộ, chết kiểu oan ức đó linh thiêng lắm… Hơn nữa, nghề mình
lại lương thiện chớ có bóp hầu bóp họng ai na?
Thấy
mẹ ngồi yên, có tin tưởng ở tài ăn nói của mình, bà chẳng thường khen nó nhanh
miệng nhanh mồm đó sao? Bà tiếp tục yên lặng, nó tiếp tục uống rượu ở quán bà
Tính với ông Thể, mỗi khi lãnh một kỳ tiền. Kỳ tiền nhiều hay ít tùy theo số
người chết ở các trận rải rác trong tỉnh mang về. Nhiều bận làm xong một đợt được
ông Mộc chủ nhà thầu, chia cho cả ngàn. Những lúc đó tình hình trong tỉnh có vẻ
chộn rộn nhất. Nó mường tượng nhớ lại những cuộc đụng độ liên tiếp khi còn đóng
ở Phù Ly. Và nó đinh đinh rằng, những người không may được mang về nhà giữ xác,
là chỗ bạn bè của nó cả. Đôi lúc nó ngỡ như đã có lần vào quán ăn nhậu với những
người chết đó. Cảm tưởng nầy không khiến nó sợ, làm nó thương hơn. Vì vậy nó tỏ
chăm chú trong công việc tẩm liệm như sắp đặt một lần ra đi của những người bạn.
Lần ra đi nầy đối với nó rất quan trọng, nếu sơ sót sẽ bị quở trách. Ông Thể,
ông Rèn, ông Tám thường không hiểu, cho nó tẩn mẩn làm những việc vô ích với những
cái xác đã sình thối, mất đi những phần tay, chân… Nhưng tất cả phục nó vì tính
cẩn thận. Riêng với ông Thể, ông còn phục nó sát đất vì tài uống rượu nữa. Hôm
đó, ông Thể đã nốc nửa chai rượu trắng với một trái ổi. Nó cũng ực hết phần còn
lại không cần nhắm nháp gì. Sau trận say li bì ba ngày mới tỉnh trí, ông Thể
không nói tới chuyện uống rượu thi với Điệp, và gọi nó là “con thằng cha Năm ở
bên kia đầu cầu”.
Điệp
cắm cúi đạp, tiếng kêu đục thô vang ra từ chiếc xe đạp cũ, không đánh thức nổi
cơn ngủ mê của thành phố. Gió thổi riết vào những căn phố đóng mắt ngủ kỹ.
- Thân
nhân ra hồi nào mầy ?
- Lúc
sáng, bà đó khóc kể quá trời, bã kêu ác nhơn không cho bã thấy mặt chồng, đòi
đem về xứ cho được …
- Ông
Mộc nói sao?
- Ổng
nói đánh điện mấy ngày không thấy tăm dạng ai, mấy ông sĩ quan bảo chôn ngoài
nghĩa địa…
- Bà
đó nói sao?
- Bả
khóc miết, đòi đem xác chồng về xứ khui mả lên tốn bao nhiêu cũng chịu.
- Ông
Mộc nói sao?
- Ổng
đòi năm ngàn, tính luôn hòm kẽm nữa.
Ông
Thể yên lặng hút giữ từng hơi thuốc cháy sáng, chợt chặt lưỡi:
- Khổ
chết mầy ơi …
- Khổ
thì khổ chớ làm sao?
Điệp
thường không có ý kiến trước những câu về khó khăn, chỉ biết ra tay làm. Ông Thể
vì thế ít muốn nêu lên câu hỏi nào đối với nó, nhưng trước nỗi khổ, cả hai
không thể từ bỏ. Ông buông thỏng:
- Trời
mưa nghiệt thiệt …
Câu
nói bỏ lửng như một sự dồng ý đã có, cả hai cùng nhìn ánh sáng hắt ra của chiếc
đèn man-chon, trông buồn nôn. Ánh sáng của ngọn đèn vàng võ gợi trong trí ông
Thể những lần quật mả ban đêm. Trong ánh đèn đó đã nhiều lần ông nghe những tiếng
khóc ri rỉ, thảm thiết nhất là tiếng khóc của người vợ ông chuẩn úy đóng ở núi
Sầm. Tiếng khóc tự nhiên nổi lên rồi tự nhiên yên lặng. Trong cái tự nhiên của
một người điên chợt biết xúc động, chợt ngây ngô mất trí. Dần ông Thể quen sống
chung với nỗi chết, nỗi khổ đau, những tiếng khóc, ông cũng tỏ ra dửng dưng.
Cái dửng dưng mà bà Thể gọi là “khùng”. Ông Thể khùng.
Ông
Rèn, ông Tám ngồi chồm hổm, co ro trong chiếc áo mưa nhà binh chừa ló mặt, hút
liên tiếp từng hơi thuốc. Người đàn bà có chồng chết đòi thấy mặt, đòi đem về xứ,
đứng bên những chiếc hòm gỗ đang đóng giỡ. Cảnh vật chỉ có bấy nhiêu đó, giản dị
quá sức, ngoài sự tưởng tượng của người đàn bà. Ngày đi đón chồng với bốn người
đàn ông và một quan tài. Người đàn bà nhìn dài xuống cuối phố, có ý chờ ông Thể
và Điệp. Chờ hai người đàn ông nữa là bốn. bốn người xa lạ. Điệp thắng xe dừng
lại trước mặt ông Tám.
- Khi
hôm cải lương hay không ông?
- Hát
chưa mãn, chộn rộn chộn rộn chạy hét trơn.
Điệp
đem bỏ xe vào nhà chứa hòm, trở ra với một ôm bánh mì. Ông Thể lấy bánh trên
tay Điệp chia cho ông Năm, ông Rèn. Khuôn mặt hơi dài, da ngâm đen, răng hô,
tóc hớt cao phía sau chừa ở trước, ông Rèn ngồi gặm bánh mì từng miếng nhỏ kỹ
lưỡng trông giống con khỉ. Điệp chia bánh về phía người đàn bà, nói ;
- Mời
chị …
Ông
Tám nói:
- Mời
chị …
Người
đàn bà tỏ khó chịu, nhưng giọng nói dịu:
- Cám
ơn, cám ơn …
Ông
Mộc mặc áo ấm kỹ, choàng áo mưa kỹ, xách thùng dầu gazoil, gói đựng vôi bột và thuốc D.D.T dẫn đầu nhóm. Nhìn ông kềnh
càng và lặng lẽ như người quản ngục. Người quản ngục và bốn người cận vệ dẫn một
người đàn bà đi thăm chồng ngoài nghĩa địa. Ông Mộc sống làm giàu vì người chết,
nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình chết như họ. Ông thường chăm chỉ trong những
lần đi quật mả như người đi buôn. Cứ nhìn gia tài ông, nhìn cái nhà lầu mới cất,
chiếc xe Honda kiểu mới … bao thứ đó cũng đủ chứng tỏ nỗi chua chát của cuộc
chiến, của những khổ đau và những tiếng khóc ri rỉ. Trong những lần uống rượu
say, ông Thể thường chửi ông Mộc vì sự ích kỷ, vì sự lợi dụng công lao của ông.
Có lẽ do nhiều lý do khác, ông Thể không phân tích được, nhưng điều chắc là ông
không quên tiếng khóc của người vợ ông chuẩn úy đóng ở núi Sầm trong lúc ông
nói về ông Mộc.
Tất
cả đã ra khỏi thành phố, đi vào đường quốc lộ, lên dốc. Người đàn bà đi theo
chân ông Thể, tất tả. Cái vội vã của dáng đi không gợi lên nét mặt, không làm
thay đổi vẻ đờ đẫn. Đôi mắt thức to, cứng nhắc; nhưng nhìn chung biết bà đẹp và
quí phái. Ông Thể thỉnh thoảng quay lại nhìn bà ái ngại. Người đàn bà hiện ra
trong mắt ông như một sự khổ đau biết nói, biết khóc. Không có sự đau khổ nào cụ
thể bằng người đàn ông nằm dưới đất bên nghĩa địa kia và người đàn bà sau lưng.
Khi bắt đầu xuống dốc, qua cầu, nhóm người bị chặn lại. Người lính gác cầu tiến
tới.
-
Mấy người đi đâu giờ nầy?
Điệp
nhìn ra người lính quen, trảl lời gọn:
-
Đào mả.
-
Ai vậy mầy?
-
Ông thiếu úy hôm trước.
-
À, ông thiếu úy …
Điệp
dừng nói, bôm thêm hơi vào đèn. Ông Mộc qua cầu trước, toán ông Thể và người
đàn bà theo sau đèn. Những túp lều tranh, vách giấy đeo sát bên con đường đất lầy
lội của những người tản cư đã có tiếng nói. Ngang qua quán bà tính, Điệp quay lại:
- Bân
về ghé lại tìm chút rượu nghe ông Thể?
Tiếng
ông Thể gật gừ phía sau. Tất cả theo Điệp rẽ vào con đê, qua nghĩa địa; những
mô đất cao từ xa, những tấm bia từ xa trông mờ hẳn dưới nền trời sà thấp đen
hơn. Người đàn bà vén cao vạt áo tránh qua những vũng nước trắng. Vào sâu trong
cổng nghĩa địa, ông Thể kêu Điệp dừng bên một gốc cây dúi lớn tàng, gần ngôi mộ
đúc xi măng. Trời sáng mỏng. Ông Mộc đặt tất cả thuốc sát trùng trên ngôi mộ mới
còn ướt nước, móc túi lấy thuốc hút. Điệp cắm thanh sắt xuống đất. Người đàn bà
theo ông Thể đến cạnh mộ chồng. Chợt bà khóc lớn. Khuôn mặt mềm lại, mất hết vẻ
trống trải đờ đẫn cũ. Tiếng khóc bay xa chập chùng gọi dậy sự im lặng của mồ mả.
Điệp giúp người đàn bà đốt nến, thắp hương. Điệp im lặng để người đàn bà khấn
nguyện. Người đàn bà đứng đó, chắp tay như pho tượng. Tà áo trắng bay lật phật
nhắc nhở Điệp biết đó là một người đàn bà còn sống, còn sống, chờ nó khai mả để
nhìn mặt chồng; tự dưng Điệp nghĩ đến thằng chồng con Hần, thằng chồng con Hạ.
Làm nghề tẩm liệm người chết nó đã ngủ chung bên những xác chết, ôm từng xác chết
chuyển từ hòm nầy sang hòm khác, tưng tiu từng phần thân thể đứt khúc sắp lại
cho ngay, nó chưa thấy nỗi bàng hoàng khó quên như lúc nầy. Tại vì sắc đẹp của
người đàn bà quá trẻ? Tại vì bà trông giống con Hần, con Hạ ? Tại vì lúc sáng
nó chưa uống rượu ? Tại vì sau khi khóc người đàn bà thản nhiên quá? Tại vì thứ
gì? Nó không rõ lý do, không quan tâm mấy như khi nói đến những ngày sống kế tiếp.
Nó dứng trơ như một thân cây. Tiếng ông Mộc giục phía sau:
- Coi
chừng trời sáng, thôi gấp đi…
Người
đàn bà vẫn đứng đó, chắp tay như pho tượng. Ông Thể nghe lời ông Mộc dìu người
đàn bà lùi lại, nhường chỗ đứng cho ông ta. Ông Mộc đốt cháy bó nhang lớn, cầm
chụm hai tay đưa lên quá đầu, miệng lâm râm gì không nghe rõ. Hẳn là ông vái
người chết, giúp cho ông có nhiều cơ hội để phát đạt ? Hẳn là ông không làm
công việc đó vì lòng đau xót của mình ? Nhìn cái mặt ông trống không, không tỏ
dấu gì là nghĩ ngợi; nhìn cử chỉ vội vàng khi cắm nhang lên đầu mộ; nhìn những
cử động quen thuộc đó của ông Mộc, có lần ông Rèn buột miệng:
- Thằng
cha Mộc làm tuồng khéo thiệt, y như tụi bạn hát khóc…
Phần
ông Mộc không hề nghĩ đến chuyện ông làm, ông coi đó là bổn phận của mỗi chủ
nhà thầu, khi muốn được sự phù hộ để làm giàu. Nhiệm vụ của ông như đã xong, trở
lại ngồi tên ngôi mộ đúc, móc túi tìm thuốc hút. Người đàn bà nhìn ông Thể, nhìn
thằng Điệp, nhìn ông Rèn … vỡ từng vũng đất ướt còn mới như trông chồng trở lại.
Ngôi mộ được đào lên quá nửa, ông Tám đổ bột vôi một lớp chung quanh, ngồi chờ.
Điệp cầm cuốc thế ông Thể, dò xét cẩn thận từng cuốc đất, như ngại chạm đến da
thịt người chết. Ông Tám gõ trúng ván hòm, tiếng kêu vọng lên nhọn, người đàn
bà sấn tới.
- Chiếc
hòm nầy là chồng tôi sao? Các ông có lầm không?
-
Lầm sao mà lầm được, mới chôn mấy ngày mà…
- Không,
chồng tôi không phải thế nầy….
Bốn
người khai mả thoáng nhìn nhau, nhìn người đàn bà, lắc đầu. Ông Tám tiếp tục rải
bột D.D.T, ông Thể tiếp tục moi rộng chân hòm. Thằng Điệpl tiếp tục luồn sợi
dây qua dưới hai đầu để kéo hòm lên, ông Rèn chống cây ngang vai chờ … Người
đàn bà nói vu vơ một mình, nhìn bốn người nhắt chiếc hòm sơn màu đỏ còn nguyên
màu lên quá mặt đất.
- Các ông có lầm không?
- Lầm làm sao được, ông
thiếu úy …
Ông
Rèn nhìn gườm thằng Điệp có ý bảo giữ yên lặng. Điệp xoay mặt nhìn xa ra con đường
có quán bà Tính, đã có bóng người di động …
Chiếc hòm thấm ướt nước rỉ
ra ngoài được kê giữa trại trên tấm ván chưa xẻ hòm. Dù được phun thuốc ám mùi,
một mùi hôi bốc nhẹ tỏa khắp. Người đàn bà ngồi dựa lưngvào những chiếc hòm
đóng xong, sắp sẵn, mắt nhắm như ngủ quên. Ông Mộc trở ra với chiếc áo may sẵn.
- Ông thúc tụi nó làm gấp để trễ chuyến bay của nẫu…
Ông
Thể vói tay nhận chiếc áo rộng, lay gọi thằng Điệp dậy.
- Ê, dậy đi mầy. Con khỉ
ngủ như gà …
Điệp
dụi mắt nhìn bao một lượt căn trại, thoáng nhếch mép. Ông Thể đứng dậy trao ly
rượu uống giỡ cho Điệp, lấy que sắt cạy nắm hòm. Điệp uống từng hơi dài, ca lơ
lửng:
-
“Ta vì ngươi mà uống cạn, đừng ai hiểu lầm
ta say, say đắm men tình, ta uống để quên tất cả điêu linh, quên cuộc tiễn đưa
sáu năm về trước; ta muốn khóc đêm nay mềm môi say khướt, cho khỏi nghẹn ngào
khóc sướt mướt …”
Ông
Tám đổ chè ra hai thúng nhỏ khuấy đều. Ông Rèn giúp ông Thể mở nắp hồm, cạy từng
khoảng ngắn. Điệp uống xong ly rượu, mạnh nói mạnh làm. Nó ấn mạnh cây sắt vào
một góc hòm, bẩy mạnh. Chiếc hòm khẽ nghiêng, thoát mùi nồng nặc. Họ đã lấy nắp
hòm đem đốt. Xác người đàn ông phồng to từng ngón chân, từng bắp thịt. Khuôn mặt
trông lạ không phảng phất vẻ gì giống xưa. Người đàn bà được gọi dậy, chồm lên
nhìn mặt chồng. Nhìn nét mặt, tia nhìn của bà, thấy thay đổi bất thường luôn.
- Các
ông có lầm không? Người nầy là chồng tôi à? Anh Hy đây hả Nga?
Xác
người đàn ông được quấn lại với chiếc áo rộng, khiêng đặt vào chiếc hòm bọc kẽm,
giữa hai lớp chè khô. Khi nắp hòm kẽm được khiêng đến, người đàn bà lại hỏi:
- Các
ông có lầm không? Người nầy là chồng tôi à ? Ba con đây hả Minh?
Các
ông có lầm không? Điệp kéo hàn từng đường kỹ chung quanh nắp.
Điệp chở ông Thể trở lên
nhà bà Tính trong lúc trời đổ mưa dày. Qua khỏi cầu rẽ về ngả chợ. Điệp phải dừng
lại trú ở dãy lều sát đường. Chợ vắng người, những gian hàng hoa quả dọn thu
sâu ở trong cũng không có bao nhiêu mạng. Rải rác ở các lều đều có bóng những đứa
trẻ đi xin. Những thằng nhỏ, chắc còn đi học, gương mặt sáng nhưng thiếu ăn nên
trông yếu đuối. Con của những người tản cư ở miệt gần núi phải giúp gia đình lo
từng bữa ăn bằng cách đi xin ở dưới phố và chợ. Hôm mới về lên thăm con Hạ, Điệp
gặp thằng con ông Thận làm thầy thuốc bắc cũng có mặt trong đám trẻ nhỏ giành
nhau mấy lon đồ hộp của vài người lính Mỹ giữ cầu. Người lính ngồi trên thành cầu
thảy xuống từng lon bánh, tụi nhỏ đấm nhau túi bụi, vật nhau tơi bời để nhặt.
Điệp nhìn thấy thằng Kính bị xô nhào dưới ruộng ướt lớp ngớp. Cũng từ khi đó Điệp biết gia đình ông thầy Thận sa sút
nhiều. Và cái xóm trước kia nó thường dẫn Hân, Hạ đi nhổ đậu cũng chẳng còn gì.
Điệp mơ hồ thấy tiếc khúc sông xanh nước trông rõ cát trắng mọi khi nhổ xong một
ngày đậu, nhảy tùm xuống tắm. Bây giờ biết đâu con sông đó cũng có vài thây người
chết không tìm ra xác ?
- Thôi
đi đại Điệp ơi, không tối mất …
- Tối
thì ngủ lại chớ mắc mớ gì sợ?
- Mầy
thì sao cũng được, ngặt tao…
Ngặt
tao còn con khỉ ở nhà nữa, ông Thể muốn nói trọn câu nhưng thằng Điệp đã dắt xe
ra khỏi lều, không chú ý nghe, nên thôi. Lên xe ngồi cẩn thận, ông Thể nhắc:
- Dụ
mẽ uống rượu nghen mầy ?
- Ô
kê.
Từ
xa, Điệp thấy quán bà Tính đóng kín cửa, hơi nãn.
- Xui
quá cha ơi, mẽ đóng cửa đi đâu rồi kìa…
- Cứ
kéo cửa xem thử, biết đâu mẽ nằm ở trỏng.
Biết
đâu mẽ nằm ở trỏng, càng tốt. Điệp nghĩ bụng sẽ phục rượu cho mẽ say. Khi Điệp
quay xe định trở về thì bà Tính gọi giật lại, Điệp cười ròn: “Ạ, vậy là chưa hết
thời mà.”
Điệp
kéo hẳn xe để vào trong, nhìn bà Tính , cười :
- Đem
rượu cho quả nhơn đi …
Bà
Tính cười híp mắt, trông khuôn mặt hơi mập. Vẻ hồng hào của một người đàn bà bị
chồng bỏ lâu năm, không có con, khiến ông Thể nhìn đăm đăm. Không biết ai mách
lại với bà Thể về chuyện nói đùa của bọn ông Rèn, thằng Điệp, ý định cưới bà
Tính của ông Thể, nên hễ cứ mỗi lúc nói về chuyện tiền nong, bài bạc, rượu chè…
Bà Thể cũng thường nhắc tên con mẹ Tính đa tình, hấp dẫn…
- À,
cha mê con mẹ Tàu lai đó mà … làm sao bỏ rượu ? Ấy lên đó ở với bã cho yên đi.
- Mệt
quá bà ơi …
Bà
Tính rót rượu ra hai chiếc ly nhỏ, ông Thể ngồi sâu ở góc giường kêu cho một ly
lớn, bà Tính lườm:
- Uống
rồi còn về dưới đó, đừng có say như bữa trước vợ ông chửi tui, mệt lắm à …
- Ngủ
lại đây mà.
- Đồ
quỉ nà.
Điệp
thêm:
- Ngủ
thiệt mà đâu có giỡn.
Khuôn
mặt bà Tính bỗng hồng, đôi mắt hơi ướt. Những cử động của bà sau đó hơi vội, có
lẽ quá lâu mới nghe nhắc tới chuyện ngủ, bà tỏ thẹn ra mặt không giữ được. Điệp
đẩy ly rượu về phía bà Tính.
- Mời
chủ nhà ?
- Tui
thường uống ít ít cho vui chớ đâu uống nhiều vầy? Đưa tui sang bớt …
Khi
Điệp bưng ly rượu đưa lên miệng bà, bà Tính không phản đối. Điệp rót đến ly thứ
ba thì mặt bà Tính đỏ nhừ, đôi mắt như tê dại dần, phải chống tay vào vách mới
để khỏi ngã xuống. Điệp đưa bàn tay ra trước mặt bà Tính, vuốt nhè nhẹ, bà Tính
bật nằm dài trên giường …
Ông
Thể để thằng Điệp nằm ngủ lại nhà bà Tính, rón rén đẩy tấm phên tre lách mình
ra ngoài. Khung trời nhỏ hẳn vì mây. Bóng tối rơi loãng trên các chòm cây sau
khu chợ. Ông Thể nghe nóng ở bụng muốn ghé quán tìm vài lá bánh xèo, nhưng ngại
tối nên đạp thẳng.
Bà
Thể ngồi ở võng, ôm thằng Chơn trong lòng, đợi ông Thể về. Trong nhà tối om om.
Ông Thể dắt xe vào ngõ.
- Trời
ơi, ông đi bài bạc thấu giờ mới về à ? Vợ chồng tui nói ông không nghe, chớ ông
nghe ai ? Ăn một mâm ngủ một giường mà còn vậy thì hết nước …
- Mệt
quá bà ơi …
- Chà
mùi rượu thơm dữ, có bấy nhiêu cho con mẹ Tính nó ăn, cho mấy con bài nó ăn, có
nghĩ gì về vợ con đâu ?
- Mắc
làm cái hòm kẽm cho nẫu về Saigòn gấp, cứ ràm ràm miết, dai như đỉa
đói mà.
- Chắc
ông không đi đánh bài nhà ông Mộc, thằng Khê không đó?
- Sao
lại không chắc.
- Chắc
ông không đi uống rượu nhà bà Tính không đó?
- Sao
lại không chắc.
- Thôi
thôi cha ơi, tui hết tin cha rồi, từ khi cha đánh bạc cha trổ tài nói láo không
ai theo kịp … tui biểu bỏ cái nghề đó đi cho rồi, không làm ăn nên nỗi đâu.
- Bà
cứ nói chuyện trên trời dưới đất, mình làm đó cũng như làm phước.
Ông
Thể đã có lần nghe thằng Điệp kể cái lý luận của nó về chuyện làm công việc tẩm
liệm xác chết với mẹ nó, trong đó ông nhớ có câu “mình làm cũng như làm phước” và bỗng thấy thằng Điệp quả khôn ngoan. Thấy
bà Thể không thể tiếp tục nói nữa, ra chiều suy nghĩ, ông bỏ ra bếp tìm cơm ăn.
Hai người coi nhau như có nợ phải trả, nên sự gần gũi trao đổi như một bất đắc
dĩ. Thực ra thì ông Thể vẫn còn nghĩ đến thằng Chơn, nên muốn có thằng Chơn -
em. Bà Thể vì tính nói dai như đỉa, làm bà càng xấu dưới mắt chồng. Không gợi
cho ông một cảm giác nhẹ nhàng, ham thích nào như lúc nhìn bà Tính, trừ nụ cười
thoáng điểm thoáng tắt lúc ông Thể giao tiền vừa lãnh hơi khá khá một chút. Đôi
lúc rỗi, bàn đến chuyện con cái, bà Thể dậy nẫy:
- Thôi
tui ngán có con rồi, có hai đứa không nuôi nổi, ông có tới cũng miễn …
Ông
Thể nói đưa đẩy :
- Ai
mà thèm tới, bộ bà đẹp quá …Bà Tính nằm chờ tôi hòai kia mà…
- Được
mà, còn đó chớ chạy đi đâu được ông, chừng nào tới tui nhắc … Tui đạp xuống giường!
- Ông
Thể cười bâng quơ không vì lời bà Thể, vì nhớ lúc bà Thể mới về, nằm bên ông
còn khóc ung úc. Đêm đầu tiên bên bà in mãi trong trí ông thật tuyệt, thành ra
đôi lúc ông còn mò tới thực. Lúc đó ông quên hẳng những lời càm ràm của vợ, nhớ những giọt nước mắt
đêm đầu tiên. Đang nghĩ ngợi vơ vẩn trước mâm cơm, ông Thành cầm dù bước gần lại.
-
Đôi máp đôi máp đen ông lấy của lính chết, còn đôi nào không ông Thể ?
- Đôi
bốt đờ sô hả? Bốt đờ sô mà cứ
máp máp…Chi vậy?
- Bán
cho thằng Hai.
- Tui
cho ổng cảnh sát rồi. Cái võng nầy cũng lấy của ông chuẩn úy, trẻ măng…
Những
đôi bốt-đờ-sô những chiếc võng ni lon, những cái mũ, những bộ quần áo rách vì
vài lỗ đạn, những khăn tay … ông Thể lấy
về thường ám ảnh ông trong những giấc ngủ. Trong cơn mê, những thân thể nở to từng
ngón chân, bắp thịt, những thây người bê bết máu nhập nhằng, đôi lúc ông la hoảng
như điên. Cũng tại vì thế nữa, bà Thể gọi ông là “khùng” – ông Thể khùng!.
Trong
lúc ông Thể đang loay hoay trên mái hiên, căn tấm ni lông trùm những lỗ rách,
thì ông Mộc dừng xe, vẫn để máy nổ:
- Ông
Thể đâu bà?
- Trên
mái nhà kìa …
Ông
Mộc ngước lên, nói lớn:
- Lên
nhanh nghe ông Thể.
- Mấy
người?
- Hai.
- Trời,
làm gì kịp?
- Hòm
thường, ở gần đây.
Nghỉ
một lát, giọng ông Mộc lại vọng lên:
- À,
còn thằng Điệp đâu? Ở sòng nào ông biết không?
Tiếng
ông Thể cười :
-
Sòng nhà bà Tính, nó đang du dương ở trên ấy!
Gió
rạt rào trên các ngọn tre lã ngọn, mưa bay từng đợt thốc ngược vào người, ông
Thể chợt nhìn bầu trời đen đặc như đóng kín chung quanh:
- Chà
lại sắp bão …
Tuy
hòa. Tháng 11 năm 1969
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét