Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Ảnh Lê Hoàng

Việc mở bậc học Đệ II Cấp
ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị

 Bài của giáo sư Hoàng Đằng
Vào năm học 1950 – 1951 ở tỉnh Quảng Trị, trong vùng Quốc Gia (1), ông Hồ Văn Hải mở một trường Trung Học Tư Thục gồm 2 lớp đệ thất và một lớp đệ lục tại tỉnh lỵ.
Qua năm học 1951 – 1952, trường trung học tư thục ấy được một nhóm nhân sĩ trong tỉnh vận động chính quyền hợp thức hóa thành trường Trung Học Tư Thục Quảng Trị.

Đến năm học 1952 – 1953, do sự vận động của Hội Phụ Huynh Học Sinh, trường được Bộ Giáo Dục công lập hóa thànhtrường Trung Học Quảng Trị.
Năm học 1953 – 1954, trường có đến lớp Đệ Tứ, thành một trường trung học đệ nhất cấp hoàn chỉnh. Cuối năm học, có lứa học sinh đầu tiên thi bằng Thành Chung và Bộ Giáo Dục ký Nghị Định 95-GD/NĐ ngày 06/5/1954 cho phép trường lấy tên trường Trung Học Nguyễn Hoàng theo đề nghị của Hội Đồng Giáo Sư. (2)
Giai đoạn hình thành trường đã được nhiều vị đề cập đến. Người viết bài này, sinh sau đẻ muộn, chỉ biết nghe mà không dám có ý kiến dù thấy có điểm này chưa hợp lý: Năm học 1950 - 1951, trường có một lớp Đệ Lục; lớp này năm học 1951 – 1952 lên Đệ Ngũ và năm học 1952 – 1953 lên Đệ Tứ; sao không nghe nói lớp này đi thi Thành Chung mà bảo rằng cuối năm học 1953 – 1954, trường mới có lứa học sinh đầu tiên thi Thành Chung!!!???

Theo thời gian, trường phát triển dần số lớp và cấp học.
Trong bài này, người viết chỉ điểm lại lịch sử mở các lớp Đệ Nhị Cấp.  Đề tài này đã được nhiều người nói qua. Tuy nhiên, chưa ai hệ thống hóa và do nhớ lầm, nhiều chỗ không đúng như sự thật. Người viết bài này lên bậc học Đệ Nhị Cấp đúng vào giai đoạn bậc học này đang hình thành ở trường Nguyễn Hoàng, tuy học Nguyễn Hoàng rất ít (chưa tới 1 tháng), thấy cần phải vừa tham khảo tài liệu vừa thu thập thông tin từ một số nhân chứng khả tín, đối chiếu, phân tích, chọn lọc để mong dựng lại chút quá khứ ấy cho đúng.
Nhu cầu mở Đệ Nhị Cấp lúc ấy, không chỉ ở trường Nguyễn Hoàng mà ở tất cả các trường trung học cấp tỉnh ở miền Trung vì đất nước hòa bình, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình đủ để gởi con đến trường hơn trước, số học sinh càng ngày càng đông, nguồn đào tạo đội ngũ giảng huấn ở miền Trung đã có – Viện Đại Học Huế mở từ năm học 1957 – 1958.

Mở lớp Đệ Tam A & B – năm 1958

Năm học 1958 – 1959 (3), trường Nguyễn Hoàng mở 2 lớp Đệ Tam ban A và B. Xin mở ngoặc, nhắc cho độc giả các thế hệ sau biết:
Dưới thời Quốc Gia Việt Nam (1948 – 1955) và sau này là Việt Nam Cộng Hòa (1955 – 1975) ở miền Nam, bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp phân ra 4 ban:
(1) Ban A – Khoa Học Thực Nghiệm (chú trọng và mở rộng chương trình các môn Vạn Vật, Vật Lý, Hóa Học),
(2) Ban B – Khoa Học Toán (chú trọng và mở rộng chương trình các môn Toán, Vật Lý, Hóa Học),
(3) Ban C – Văn Chương Sinh Ngữ (chú trọng và mở rộng chương trình các môn Việt Văn - ở lớp Đệ Nhất là Triết Học, 02 Sinh Ngữ là Anh Văn và Pháp Văn),
(4) Ban D – Văn Chương Cổ Ngữ (chú trọng và mở rộng chương trình các môn Việt Văn - ở lớp Đệ Nhất là Triết Học, Cổ Ngữ là Hán văn hay La-Tinh, Sinh Ngữ là Anh Văn hay Pháp Văn).
Lớp Đệ Tam 1958 – 1959 ấy của trường Nguyễn Hoàng, xong năm học, phải vào học lớp Đệ Nhị năm học 1959 – 1960 tại trường Quốc Học Huế, vì đội ngũ giảng huấn cho chương trình lớp Đệ Nhị chưa đủ.

Mở lớp Đệ Nhị A & B – năm 1960

Qua năm học 1960 – 1961, trường Nguyễn Hoàng mới mở Đệ Nhị, cũng chỉ ban A và ban B.
Học sinh lớp Đệ Nhị đầu tiên này đậu Tú Tài phần 1 phải vào Quốc Học học lớp Đệ Nhất năm học 1961 - 1962
Học sinh lớp Đệ Nhị kế tiếp 1961 – 1962 đậu Tú Tài phần 1 cũng phải vào Quốc Học Huế học lớp Đệ Nhất năm học 1962 - 1963, vì (1) đội ngũ giảng huấn cho chương trình lớp Đệ Nhất chưa đủ, (2) số học sinh đỗ Tú Tài phần 1 không đủ để mở lớp.

Mở lớp Đệ Nhất A & B – năm 1963

Qua năm học 1963 – 1964, trường Nguyễn Hoàng mới mở lớp Đệ Nhất, cũng chỉ ban A và ban B (4).
Như thế, từ năm học 1963 – 1964, trường Nguyễn Hoàng mới trở thành trường Trung Học Đệ Nhị Cấp, có đủ từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhất.
Tuy nhiên, đến thời điểm đó, bậc học Đệ Nhị Cấp của trường vẫn chưa hoàn chỉnh vì mới chỉ có 2 ban A & B.

Mở các lớp Đệ Nhị Cấp ban C
–  bắt đầu từ năm 1963 (5)

Năm học 1963 – 1964, trường Nguyễn Hoàng mới mở lớp Đệ Tam C đầu tiên; nghĩa là mở chậm hơn Đệ Tam A & B đến 5 năm. Lý do đơn giản là không có học sinh ghi danh hoặc ghi danh không đủ mở lớp.
Học sinh vào bậc Đệ Nhị Cấp trường Nguyễn Hoàng, tính theo số lượng từ nhiều đến ít, thường chọn ban B, rồi đến ban A và cuối cùng là ban C. Không phải vì người Quảng Trị không thích văn chương, nhưng có lẽ vì các môn học ở ban C khó đạt điểm cao. Khi chấm một bài tập văn chương, thầy giáo dựa vào chuẩn mẫu chung thì ít mà dựa vào cảm tính riêng thì nhiều; trong lúc chấm một bài tập môn khoa học ở ban A & B, thầy giáo phải dựa vào chuẩn mẫu chung. Một bài tập toán, một bài tập lý hay hóa có thể đạt điểm 9, điểm 10; một bài luận văn chương hay triết học, cao lắm, đạt điểm 6, 7 là cùng.
Học sinh lớp Đệ Tam C năm học 1963 – 1964 tiếp  tục học Đệ Nhị C năm học 1964 – 1965 ở trường Nguyễn Hoàng, thi tú tài phần 1 ban C rồi cuối cùng học đệ nhất C năm học 1965 – 1966 cũng ở trường Nguyễn Hoàng để thi Tú Tài phần 2 ban C.
Như vậy, ở trường Nguyễn Hoàng, bậc Đệ Nhị Cấp bắt đầu năm 1958 và hoàn chỉnh năm 1966 – mất đến 8 năm.

Thật ra, bậc học Đệ Nhị Cấp còn thêm ban D – Văn Chương Cổ Ngữ - nữa. Tuy nhiên, trong thập niên 1960, không còn trường nào trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa còn mở ban D. Dù vậy, trong kỳ thi Tú Tài, bộ Giáo Dục vẫn mở thi chương trình ban D cho thí sinh tự do; môn thi cổ ngữ hoặc là Hán Văn hoặc là La-Tinh, các môn khác phải thi như ban C.

Bây giờ, Nhà Nước sắp phổ cập chương trình Trung Học Phổ Thông (Trung Học Đệ Nhị Cấp ngày trước), nghĩa là hầu hết người dân đều sẽ phải có trình độ tú tài; và việc phân ban ở bậc Trung Học Phổ Thông hiện nay có khác và hình như chưa ổn định.
Tôi viết bài này để người Quảng Trị hiện nay có ý niệm về việc học cách đây trên dưới 50 năm và có cái nhìn tương đối hệ thống về các bậc học ở ngôi trường Nguyễn Hoàng ngày xưa.
26/8/2015 (13/7/Ất Mùi)


(1) Từ cuối năm 1946, quân đội Pháp tái chiếm Việt Nam; chính quyền Việt Minh rút dần ra khỏi các đô thị về vùng nông thôn và rừng núi. Từ năm 1948 đến 1955, Pháp lập lên chính quyền Quốc Gia làm đối trọng với chính quyền Việt Minh. Và trên lãnh thổ Việt Nam từ Bắc chí Nam, có đến 2 chính quyền, mỗi chính quyền quản một vùng lãnh thổ.
(2) Từ trên đến đó, tham khảo bài “Tiến Trình Thành Lập Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị” ở trang 7 ANBUM Ngày Xưa Thân Ái phát hành nhân dịp Hội Ngộ Nguyễn Hoàng Hải Ngoại Orange County ngày 03/7/2004.
(3) Thầy Nguyễn Văn Thị dạy trường Nguyễn Hoàng từ 1955 đến 1975 cho biết lớp Đệ Tam đầu tiên của trường Nguyễn Hoàng mở từ năm học 1957 – 1958. Cơ sở giúp Thầy nhớ như vậy vì phu nhân của Thầy là cô Lê Đình thị Nhạn (1937 – 2014) học xong Đệ Tứ năm học 1956 – 1957 thì trường mở liền Đệ Tam và cô có thể tiếp tục việc học ở trường, nhưng cô không học đệ tam mà thi vào khóa sư phạm cấp tốc ở Huế. Còn nhiều người khác và một số tài liệu  thì bảo Đệ Tam đầu tiên mở năm học 1958 – 1959. Tôi đã hỏi anh Chu Vương Miện và anh cho biết Đệ Tam đầu tiên mở năm học 1958 – 1959 là đúng sự thật.
(4) Các ấn phẩm liên quan đến trường Nguyễn Hoàng, do nhớ lầm, đều ghi trường Nguyễn Hoàng mở Đệ Nhất đầu tiên năm học 1962 – 1963. Các bạn của người viết bài này (như cô Nguyễn thị Lê, cô Trần thị Minh Châu …) học xong Đệ Nhị trường Nguyễn Hoàng, thi đỗ Tú Tài phần 1 hè 1962; năm học 1962 – 1963, trường không mở Đệ Nhất, phải vào Quốc Học Huế.
(5) Phần này viết dựa vào những thông tin do anh Lê Văn Trạch và anh Trần Quốc Phiệt cung cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét