CÁI “MÓC SẮT” ĐỂ CHẾ NGỰ TỘI LỖI…
Tạp bút
MANG VIÊN LONG
Nhà tôi ở ngay trước cổng chợ
- đoạn đường phía trước vẫn thường là nơi tụ họp của nhiều loại xe chở trái
cây, thực phẩm tươi sống từ nhiều vùng ngoại ô thị xã hay ngoài tỉnh về, trước khi được bán sỉ cho bạn hàng “mua đi bán lại”
trong khu chợ hoặc các chợ quê quanh vùng. Có một số “đầu nậu” thuê mặt bằng
của những ngôi nhà dọc phố chợ, để chứa hàng, cũng là nơi phân phối lẻ…
Ba giờ sáng đoạn đường nầy đã ồn ào
tiếng xe, tiếng còi, tiếng người “tranh mua - giành bán”; nên dù tôi có gắng
“nằm thêm” cũng chẳng yên. Tôi thường ra tập “dịch cân kinh” ở balcon, nhìn
xuống đoạn đường dài khoảng vài trăm mét, đủ loại đèn chiếu sáng giữa đám đông
lố nhố chen chúc đang rộn ràng, tranh cãi, để mua hay bán. Tôi để ý, cứ mươi
bữa nửa tháng là có một đám gây lộn; tiếng la hét vang động cả một góc phố chợ.
Gạ mua không bán - la ó. Bán chưa được - gây lộn. Không bán cho người nầy, bán
cho người kia - cũng ồn ào. (…). Có nhiều khi, sau khi la ó, cãi nhau không có
kết quả - đến sấn vào nhau cấu xé, rùm beng, để tranh phần thắng cho mình (cho
dầu mình có lỗi)!
Ở chợ là vậy - nhưng người bạn vong
niên của tôi đã kể lại hai trường hợp ở xóm nhà ông, thật lạ lùng: Phía trên,
người chồng thỉnh thoảng rượt đuổi cô vợ để “đòi tiền” chơi số “tự chọn” (hay
số đề), và la cà quán rượu - chị vợ im lặng chạy không dám la. Hai người quần
nhau trong sân, trong vườn mãi - cho đến khi chị vợ mệt lữ, móc túi lấy tiền, “quăng tiền” xuống đất; người chồng
mới chịu dừng lại…Phía dưới, thì cô vợ luôn cằn nhằn, để hỏi thêm tiền của anh
chồng đi ba gác trên phố chợ về mỗi chiều tối! Chị ta chỉ chịu im, khi anh
chồng vét hết “bốn túi” để đưa cho vợ!
Tôi lại được nghe kể: Ở công ty nọ -
có viên chức “chìu chuộng” sếp hơi quá mức bình thường: Anh ta thường mang
chiếc Honda SH của sếp ra phun nước kỳ cọ, rửa sạch - rồi dắt xe đến để ngay
phía dưới sân; chờ sếp hết giờ xuống lầu là có xe “luôn mới” đi ngay! Thậm chí,
sếp cần mua thức ăn đem về, anh cũng luôn nhận lãnh, phục vụ! Với sếp là vậy,
nhưng với anh em công nhân thuộc quyền, thì hách dịch, nặng lời - dù là với
người lớn tuổi hơn! Lại nghe, có một “ông chủ nhiệm” một hội nghề nghiệp, lương
chưa đến tháng đã vội đi hỏi thủ quỹ, nhưng ngày chỉ một buổi làm việc, thì sáu
buổi trong tuần nghỉ hết ba, ba buổi còn lại đến cơ quan lớ xớ chẳng biết làm
việc gì (mặc dầu nhiều công việc cấp thiết đang nằm chờ), thậm chí chỉ ghé vào
căng tin gọi café, ngồi tán gẩu với đám công nhân một lát - ngó tới ngó lui,
rồi “bốc hơi”…
Lại một hôm, đọc báo - thấy “ông
hiệu trưởng” lợi dụng chức quyền, tiền bạc - mua chuộc nữ sinh (…)! Lại có “ông
thầy & bà cô” nào đó phân biệt đối xử với học trò chỉ vì lý do không ăn
nhập gì đến việc học tập và hạnh kiểm (…)!
Tôi đã “thấy & nghe & đọc” những chuyện hằng ngày kiểu ấy (mà ở
lãnh vực nào cũng có), khiến tôi không ngớt băn khoăn, muốn tìm hiểu để biết rõ
nguyên nhân, và phương cách để “phòng
tránh” cho mình… Tôi nhận ra, căn nguyên của những việc làm sai trái ấy -
chính là “thiếu vắng đức tính tàm sỉ (sự
tự hổ thẹn)”, ngày càng phổ biến trầm trọng trong đời sống chung…
“Tàm” là “thẹn” và “sỉ” là “xấu hổ”
- “Tàm sỉ” là biết tự xấu hổ (để có “sỉ cách”: Biết xấu hổ mà sửa đổi nết hư
lại. Nếu không có đức tàm sỉ - thì chẳng bao giờ biết sai trái, tốt xấu - mà
tránh!). Có nhiều người còn cho rằng, sở dĩ vắng đức “tàm sỉ” trong đời sống - là vì căn bệnh “vô cảm” đang lan rộng trong đời sống
tình cảm, tinh thần khi con người quá tôn sùng vật chất, khoa học kỹ thuật;
sống vội, chạy theo nhiều nhu cầu, mà “bỏ quên” giá trị thiêng liêng của tâm
linh, của tinh thần - một yếu tố rất quan yếu cho sự cân bằng trong việc mưu
cầu một đời sống hạnh phúc thực sự!
Việc “tự hổ thẹn” là tự biết biết xấu hổ khi làm một điều gì sai trái,
gây tội lỗi; đã tự mình làm hạ thấp phẩm cách của chính mình! Đức “tàm sỉ” là
dức tính được coi như “tự nhiên”, rất cao quý trong mỗi con Người. Nó có, khi
con Người có. (Nếu con người mà không có “nó”
thì “không còn là con Người” nữa). Loài vật, không hề có “đức
tàm sỉ”.
Vì “tàm sỉ” là một đức tính rất quan trọng, giữ một “thiêng trách”
trọng đại cho tất cả loài Người - nên đã trên hai ngàn năm trăm năm, ngay trong
đêm nhập diệt; Đức Phật cũng đã ân cần nhắc nhở chúng đệ tử lần cuối: “(…) Lấy sự tự hổ thẹn làm trang phục, đó là bậc
nhất trong các món trang sức làm đẹp. Hổ thẹn giống như cái móc sắt, có thể
giúp chế ngự được việc làm sai trái(…)
Nếu lìa khỏi sự tự hổ thẹn, ắt phải mất
hết các công đức!“ ( Kinh Di Giáo).
Đức Phật đã kết luận: “Người biết xấu hổ thì mới làm được điều
lành. Kẻ không biết xấu hổ, chẳng khác chi loài cầm thú!”.
Xem ra, điều ta tưởng là “chuyện nhỏ”- nhưng thật ra không nhỏ
chút nào?
Tháng 9 năm 2014
MANG VIÊN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét