HAI MÁI TÓC BẠC
Tâm bút : Nguyễn Phan Ngọc An
Năm 1994 trong một dịp tình cờ tôi được quen biết nhà báo Tô Ngọc, qua lời kể của bạn anh thì tôi biết anh còn một mẹ già tròn 80 tuổi – Tôi vốn mồ côi mẹ đã lâu, nghe ai còn mẹ là lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc, cứ ước gì còn mẹ để được bày tỏ sự thương yêu dành cho mẹ của mình …
Và tôi đã tìm đến thăm bác gái, mẹ anh Tô Ngọc – Bác có một khuôn mặt hiền từ nhân hậu, dù cao tuổi bác vẫn giữ được nét thanh tú với dáng dấp cao lớn, nước da trắng hồng. Tôi đã chuyện trò và thân quý bác từ lúc nào không hay, tôi rảnh giờ nào là xuống chở bác đi chùa, có một dịp Tết tôi và bác đi chùa vào sáng mồng một tại chùa Tàu trên đường Mckee – Hai bác cháu cũng diện áo quần chải chuốt bảnh bao và chụp chung với bác nhiều tấm hình tại chùa …
Ngày tháng qua đi, bác và anh Tô Ngọc sau khi lo đám cưới cho cậu Tấn, đứa con trai duy nhất của anh và là đứa cháu nội đích tôn của bác, bác và anh Ngọc dọn về Sacramento cư ngụ – Tôi cũng đã nhiều lần lên Sacto công việc và ghé thăm bác, trong tâm tôi quý trọng bác như mẹ của mình và bác cũng xem tôi như đứa con gái nuôi của bác, ở bác có rất nhiều đức tính tôi phải học, bác nói năng điềm đạm từ tốn … Tôi không thể nào quên một chuyến đi chơi du ngoạn đông người, trong đó có bác và anh Ngọc, nhìn anh chăm sóc bác mà tôi cảm phục, hai mái đầu bạc trắng của mẹ, của con, anh dẫn bác đi từng bước một, tôi đã buột miệng nói rằng : nhìn anh Ngọc nắm tay dìu bác đi ai mà nghĩ là hai mẹ con, hai mái tóc bạc phơ giống nhau, nếu nhìn phía sau
lưng sẽ tưởng là hai người cùng trang tuổi hoặc là hai chị em thôi – Bác cười và nói : Thằng Ngọc con bác nó cứ như vậy thôi, lo cho mẹ chứ chẳng màng đến thân mình cháu ạ ! Nhìn nó già trước tuổi bác đau lòng quá, nhiều lần bác bảo nó lập gia đình để nó có niềm vui thì nó cứ trả lời : không cần đâu mẹ ạ ! con sống một mình quen rồi …
Bác là mẫu người đàn bà đức hạnh, tên tộc của bác là Trần Thị Bào, bác sinh năm 1913 ( Quý Sữu), thuờng thì nam Nhâm nữ Quý nên bác rất được sự quý mến trân trọng của mọi người khi tiếp xúc với bác. Bác lập gia đình năm 17 tuổi, cái tuổi đầy mộng mơ của đời người con gái, với công dung ngôn hạnh đủ đầy bác đã phải lòng Kịch tác gia Ngô Văn Thuật năm 1930 – Bác sinh được ba người con trai, hai người đầu và út đều mất khi còn nhỏ, chỉ giữ lại được quý tử Ngô Sĩ Tô Ngọc mà thôi …
Bác sống hạnh phúc với Kịch tác gia được 28 năm thì chồng bác ngã bệnh và mất ! Bác đau buồn trong cảnh mẹ góa con côi nhưng ý chí kiên cường, bác buôn bán lặn lội vất vả nuôi anh Tô Ngọc, với lứa tuổi trung niên mặn mà nhan sắc đã có rất nhiều người đàn ông theo đuổi nhưng bác vẫn thờ ơ lãnh đạm, đời của bác chỉ một người chồng và chồng chết thì ở vậy nuôi con ăn học thành người hữu dụng – Nhà báo Tô Ngọc lớn lên là một người con hiếu thảo vô cùng, quả không phụ tấm lòng yêu thương và hy sinh của mẹ mình, trước năm 1975 dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa tại Sài Gòn chắc ít ai mà không biết tên tuổi ký giả Tô Ngọc của tờ Chính Luận nhật báo.
Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm toàn bộ Miền Nam Việt Nam và trong chiến dịch truy quét các văn nghệ sĩ thuộc chế độ VNCH , nhà báo Tô Ngọc bị CS bắt giam tại trại Gia Trung thuộc tỉnh Pleiku với tội danh “ văn nghệ sĩ chống cộng” … Bác ở nhà một mình vừa buồn vừa khóc cho thân phận đứa con duy nhất, không biết sinh mạng con mình sẽ ra sao ? đêm đêm bác đốt nhang ra sân cầu khẩn Phật Trời độ mang đứa con yêu quý, ban ngày bác buôn tảo bán tần kiếm tiền sinh nhai và để có tiền đi thăm anh Tô Ngọc đang ở tù tại một nơi rất xa thành phố Sài Gòn đến tám chín trăm cây số giữa rừng núi tây nguyên … Thời gian anh Tô Ngọc làm ký giả báo Chính Luận, anh đã yêu thương một người phụ nữ yêu kiều, có nét lai rất đẹp, hai người đã có với nhau một
đứa con trai kháu khỉnh, đặt tên bé Tấn để mong tương lai sự nghiệp một ngày một tinh tấn và hạnh phúc mỗi ngày mỗi thăng hoa – Nhưng chuyện nợ duyên là định số an bài, anh chị phải chia tay và bé Tấn từ đó sống với bà nội, hơn mười năm anh Tô Ngọc chôn mình trong lao lý, lãnh biết bao đòn thù từ CS anh vẫn sống trong niềm đau thương con, nhớ mẹ ngập tràn tim óc và đã nhiều đêm anh thầm rơi lệ cho thân phận tù đày không biết được ngày nào xum họp với mẹ già con dại !
Hơn 10 năm tại trại tù tây nguyên Pleiku, anh được thuyên chuyển về trại Z.30D của Quận lỵ Hàm Tân thuộc tỉnh Phan Thiết và hai năm sau anh được trả tự do – Mười hai năm bác sống đơn độc tần tảo vất vả kiếm tiền nuôi con ở tù nuôi cháu ăn học, bác mong mỏi cho Tấn nên người tốt dẫu rằng sống trong một xã hội đen tối chẳng tương lai ! Ngày anh Tô Ngọc về với gia đình, đôi mắt bác sáng rực niềm vui, lòng bác tràn hy vọng … và 6 năm sau bác đã được theo anh và Tấn đến miền đất tự do Hoa Kỳ theo diện HO.
Bác ơi, đêm nay con không ngủ được, ngồi viết những dòng tâm bút này cho bác, bên ngoài mùa đông cây lá xạt xào rung động như trong lòng con đang từng cơn cảm xúc dâng cao và nước mắt con đã rơi nhạt nhòa dòng chữ trước mặt rồi … Bác biết không, khi được tin bác mất từ anh Ngà cho hay, con bàng hoàng như trong giấc chiêm bao, dẫu biết rằng tuổi bác đã cao và bác đang bị bệnh từ hai tháng nay – Con lái xe mà như lão đão tay lái bác ơi, con thương con quý bác, một người phụ nữ đàm đang, một người đàn bà gương mẫu, một người mẹ hiền đã có những đức tính cao vời giống như người mẹ thân yêu của con đã khuất ! Con biết nói gì đây khi bác không còn trên cõi đời, không còn nghe con nói chuyện tâm tình, không cùng con thỉnh thoảng xiêm y đi thăm
viếng các ngôi chùa để hương nhang cầu nguyện … Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm, trong tim óc của con, còn bác thì đã yên ngủ giấc nghìn thu, bỏ lại dương trần đứa con trai yêu quý mà ngày nay đã là ông nội của một gia đình nho nhỏ là vợ chồng Tấn và hai con còn bé tí teo.
Ngày con lên viếng bác, ôi nhìn bác nằm ngủ trong tư thế an nhàn thảnh thơi, không biết lúc con đứng bên bác, con nói với bác những lời thầm thì nhắc chuyện ngày xưa, bác có nghe không nhỉ – Con tin rằng bác nghe con nói, bởi suốt cuộc đời thánh thiện thanh cao hồn bác sẽ linh thiêng mầu nhiệm để theo dõi cuộc sống trần gian, phù hộ con cháu và nhân quần xã hội và… phù hộ cho con nữa …
Gương mặt bác ốm đi nhiều so với khi bác chưa ngã bệnh, con ngậm ngùi theo đoàn người đưa tiễn bác đến lò hỏa thiêu, lửa đang cháy phừng phừng, con thương bác quá, chỉ đôi phút nửa thôi bác của con đã biến thành tro bụi, kiếp người là như thế, không ai tránh khỏi con đường sinh tử, con đứng chơ vơ không muốn dời chân khi thân xác bác đã hoà cùng tro bụi …
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi …
Giữa trưa nồng nhưng không nóng bức của miền Sacramento như có câu hát này từ không trung vọng xuống, có phải bác đang hát cho con nghe đấy không, sao tự nhiên ký ức con nhận diện rõ ràng gương mặt bác và con lặng lẽ buồn bước ra khỏi phòng hỏa thiêu để theo đoàn người xa bác mãi mãi.
Hai mái tóc bạc màu tuyết phủ
Sống êm đềm một giấc mơ chung
Con mong mẹ sống lâu trăm tuổi
Mẹ quý con thương cháu tận cùng
Gương tiết liệt thờ chồng mấy kẻ
Hy sinh đời xuân trẻ vì con
Bác đi một bước đã tròn
Xuân xanh bác đã mõi mòn chăn đơn
Công đức bác cháu con được hưởng
Cõi thiên thai mơ tưởng bác về
Đắm trong trần lụy ê chề
Chín mươi ba tuổi nặng nề châu thân
Nay bác đã mãn phần cõi tạm
Về rong chơi thanh lãm niết bàn
Bác vui và chớ lo toan
Gia đình con cháu trần gian xum vầy
Con của bác tình đầy nghĩa nặng
Sống thanh cao lòng chẳng tị hiềm
Công danh anh vẫn điềm nhiên
Phú quý anh cũng chẳng ghiền chẳng mê
Trong anh như nặng lời thề
Nên đời anh vẫn đi về cô đơn
Bảy mốt tuổi chẳng hờn chẳng giận
Tuổi hoa niên bay tận chân trời
Gửi tình theo gió chơi vơi
Niềm vui hòa với cuộc đời thế nhân
Gương sáng bác một thân nuôi trẻ
Anh quyết lòng giống mẹ nuôi con
Chữ hiếu anh đã vuông tròn
Đạo nghĩa anh đã dạy con nên người
Thiên thai bác hãy cười vui
Thảnh thơi trong chốn cõi trời thênh thang…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét