Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Ảnh Lê Hoàng

NGÀY CỦA ĐỜI SỐNG


                              Truyện Ngắn
                        MANG VIÊN LONG

Giọng nói của Đinh rền rền, liên miên, có đôi lúc tôi tưởng như Đinh sắp sửa ngồi nhổm dậy. Tôi hé mở mắt, thấy đôi tay của Đinh lờ mờ vung lên trong khoảng không; tôi biết Đinh lúc này hết kêu buồn ngủ. Tôi cố gắng để anh ta không buồn vì việc quá buồn ngủ của mình, trong lúc anh ta đang còn nhiều điều về khoa tử vi, và địa lý để giải thích, bày tỏ. Năm năm bỏ ra, ngày nào cũng nghiên cứu, trên mười cuốn sách dầy cộm, Đinh mở miệng ra thường lấy chuyện tử vi, địa lý mà thuyết giảng.

Ngày đầu đem tôi về nhà, sau vài ba câu giới thiệu với vợ con, anh bắt đầu nói về khoa tử vi, địa lý. Tôi ngồi nghe, có cảm tưởng là đang đối diện với một cụ già, một ông thầy bói số, chứ không phải là Đinh. Nếu tôi cứ việc uống nước trà, hút thuốc, nhìn lan man ra khu vườn phía ngoài cửa sổ, thì tôi chắc không tìm thấy Đinh giống xưa chút nào. Có một lúc tôi nhìn Đinh cũng khó nhớ lại Đinh bảy tám năm về trước, với những lý giải thần diệu của tử vi, của Trần Đoàn và Ma Thị, mà anh  tán tụng như một đệ tử trung thành. Tôi ngồi im, gật gù, nghe “âm đức diên niên tăng bách phúc, chi ư hảm địa bất tao thương” và “tiên tích đức, hậu tầm long”. Hết nói sao này sao nọ, Đinh kể tới ông thánh Tả Ao. Anh  cũng hỏi ngày giờ năm sinh của tôi, bấm đốt tay, coi vận mệnh, nồng nhiệt khuyên tôi điều này điều kia. Tôi nghĩ, năm năm nghiên cứu ngày đêm của Đinh, chắc anh phải nói với tôi một tháng liền mới hết. Có lẽ lâu nay anh chưa được nói với ai, gặp lại tôi sau mấy năm lưu lạc, anh có dịp để tâm sự. Nhất là ở đây, đời sống cô đọng vắng vẻ của một miền quê, tôi nghĩ rất hợp để Đinh trở thành một ông thầy tử vi. Tưởng tượng ngày nào đó chiếc lưng cong cong của anh khòm xuống hơn, giọng nói anh rè rè hơn, và tấm bảng hiệu “Nhà Tử vi Huyền Linh Tử” được treo lên trước cửa, tôi thấy anh giống những nhà tướng số già tôi đã gặp. Đinh đã nói: “Mình phải còn nghiên cứu thêm năm năm nữa cho đủ mười năm mới xuất đầu lộ diện. Đi dạy về, còn thì giờ , hành nghề này cũng thú lắm.” Tôi thắc mắc: Liệu vợ Đinh có muốn tương lai của chồng mình sẽ là một nhà bói số khi tuổi anh chưa quá già chăng?
Tôi gặp lại Đinh do một tình cờ: tôi theo chuyến xe autobus chạy suốt Saigòn ra Trung để thăm gia đình người chị, nhưng xe phải dừng lại ở dốc Đá Trắng. Đoàn xe hàng đậu nối đuôi chờ từ một giờ chiều đến tối sẫm mà đoạn đường vẫn chưa được khai thông. Trận đánh quanh núi dốc Đá Trắng còn dữ dội. Cuối cùng đoàn xe quay trở lại Ninh Hòa. Tôi nghĩ tới một tuần lễ nghỉ phép, với dự định đã sắp xếp gọn gàng, không ngờ lại bị kẹt tại cái dốc núi có tên Đá Trắng này. Theo dự đoán có thể xe sẽ nằm lại bến vài ba hôm nữa, càng khiến tôi nản lòng. Thật là cái gì thu xếp trước khó mà được như ý. Trong đời tôi đã bao lần vậy rồi, khiến tôi phải tin rằng đời sống mỗi người đều có một cái số nào đó đã được sắp xếp sẵn rồi. Trong lúc ai cũng đinh ninh rằng tôi sẽ cưới Quỳnh bởi chúng tôi đã đến với nhau hằng ngày, gắn liền như hình với bóng, yêu thương đắm đuối nồng nàn, nhưng rồi chỉ một thời gian không lâu sau, tôi đã phải có lúc nhớ lại Quỳnh, nhớ bao kỷ niệm như một cơn mộng; một trạng thái hốt hoảng, bàng hoàng ập đến, và những cánh hoa lài trắng năm xưa cũng chỉ là hình ảnh lạ, không có chút nào của Quỳnh phảng phất ngày trước. Cây lá đẫm sương, một buổi sáng dậy sớm, cũng không còn là mùa xuân có áo màu huyết dụ của Quỳnh thấp thoáng thoáng, réo gọi nữa! Xa Quỳnh, tôi như xa lạ với đời sống, với.cảnh vật chung quanh. Về thăm chị Nguyên năm nay, hình bóng Quỳnh đã nhắc tôi da diết nhớ mùa xuân phơi phới, thong dong ba năm trước ở quê.  Sau một ngày ngơ ngác ở Saigon, sau một đêm cùng Giao chui vào con hẻm đường Cao Thắng trở về, tôi biết không hẳn  tôi về chỉ vì chị Nguyên không thôi.
Tôi đã ở lại Ninh Hòa một ngày – một ngày thấp thỏm, nghe tiếng đạn nổ, bom rền; một mình đi vất vưởng giữa quận lỵ tối đen, giữa cảnh êm ả dửng dưng trước một mùa xuân sắp tới. Chỉ có bầu trời, cây cỏ là hồn nhiên đượm sắc xuân. Thành phố hiền hòa ở bên bờ biển phía đông lấp lánh ánh sáng, mà xa. Hình ảnh con đường Nguyễn Huệ buổi sớm từ con dốc đổ xuống những tà áo trắng, từ phố tiến lên những bóng dáng Quỳnh thuở trước, thốt nhiên trở thành một kỷ niệm, an ủi, mơn man sự nản chán, đã làm thay đổi được quyết định quay trở lại Saigon của tôi.
Tôi quyết định đi tìm một phòng ngủ lúc tám giờ đêm, khi từ quán Mai Anh bước ra. Tôi hỏi thăm được biết ở đây chỉ có một phòng ngủ duy nhất, qua khỏi cầu Trạm đối diện pharmacie Ninh Hòa. Tôi đứng trước cửa hiệu thuốc, không nhìn thấy tấm bảng hiệu phòng ngủ ở đâu cả. Người đàn ông đẩy xe phở đang gõ thanh gỗ phía bên kia đường chỉ cho tôi thấy một tấm bảng, sát cạnh tấm bảng của hiệu buôn tạp hóa, đề mấy chữ đã hoen cũ “phòng ngủ Đồng Khánh”. Cửa đóng. Tối đen. Tôi lay cánh cửa sắt gọi, nhưng tiếng máy nổ từ căn nhà bênh cạnh vẫn át hẳn. Tôi đã gọi như vậy không biết bao nhiêu lần. Gã bán phở phải đứng giữa đường gọi với lên tầng lầu một chặp, mới có tiếng người trả lời. Lát sau, cửa mở, và tôi gặp một người tàu trạc bốn mươi tuổi chỉ mặc độc chiếc quần cộc, trên tay mang theo cây đèn dầu nhỏ. Ánh sáng đỏ, lờ mờ, tôi không nhìn thấy rõ chung quanh có gì. Ông ta dẫn tôi ra phía sau, băng qua một khỏang sân tối ngổn ngang đồ đạc, dừng lại trước một căn phòng. Ông ta lách cách mở cửa. Ông ta để lại trên bàn chiếc đèn, rồi quay trở ra. Tôi nhìn rõ căn phòng: chiếc giường nằm sát vách, bốn cây gỗ treo mùng ngã nghiêng, dưới sàn có vài bao thuốc lá. Bóng tối làm cho mùi ẩm ướt thêm nồng nặc. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế sắt, mặt bàn được ánh sáng soi rõ một lớp bụi dày. Nếu nghĩ đây là một gian phòng chứa đồ cũ, đã bỏ lâu năm, thì không có gì sai hết. Tôi bước ra khỏi phòng, ngó tìm người đàn ông, nhưng chỉ thấy chị vợ đang lui cui giặt đồ ở hiên sau. Tiếng máy nổ ầm ầm. Bóng tối xui tôi bỏ ý định trở ra, để tìm một chỗ ngủ khác. Nghĩ tới hai cánh cửa sắt, sợi dây xích có ống khóa thật lớn được ông ta siết chặc lại, tôi hết muốn làm phiền ông. Tôi quay trở vào : “Người Tàu có nhiều lối làm ăn kỳ cục!”
Tôi ở phòng ngủ Đồng Khánh bước ra, thì gặp ngay Đinh đi ngược chiều trở lại. Bảy năm, tôi gặp lại Đinh, anh có hơi khòm thêm đôi chút. Có lẽ hai đứa con nối đuôi nhau ra đời đã làm anh gù thêm. Đinh đã niềm nở nói: “Quý hóa quá, duyên số, định mệnh đã xuôi lũ mình gặp nhau tại đây”. Tôi cười: “tôi cũng không ngờ”. Anh lập đi lập lại câu “Cái gì cũng có cái số mạng, định mệnh đã an bài rồi mà” trên đường dẫn tôi về nhà. Tôi đi theo Đinh dầu biết anh  tin tưởng vào cái số nhiều hơn là cái tình cũ.
Chỗ Đinh dạy cách quận lỵ bảy cây số, con lộ nhỏ dẫn sâu vào một ngôi làng nằm dọc theo bờ sông, dòng sông chia làng làm hai phần. Cũng giống như tất cả các ngôi làng ở thôn quê, làng Ninh Phú có nhiều bờ tre, cây cối, hoa quả, đồng ruộng. Điểm đặc biệt tôi nhìn thấy rõ là nhà cửa ở đây đều khang trang, tươi mát sạch sẽ. Vì thế, các ngôi nhà nầy rất giống nhau, nếu nhìn vào một vài chi tiết phía ngoài, hay tượng trưng. Nhà nào cũng có vườn, vườn nào cũng có trồng cây ăn trái, hoa quả; hoa quả nào cũng sum xuê mơn mởn. Ninh Phú là quê vợ của Đinh: Anh về đây dạy học, gặp cô giáo cùng trường, kết luôn cho tiện. Lối giải quyết sự tiện lợi về việc vợ con của Đinh thực là mâu thuẫn với cái tài tử vi mà anh  đã nghiên cứu năm năm nay.
Thường thường Đinh trở về quận lỵ ngủ mỗi chiều sau bữa ăn. Vợ Đinh nói bà già của Đinh ở ngoài đó không muốn anh  ngủ lại đêm ở đây. Bà chỉ còn anh là con trai. Hũ mắm treo đầu giàn. Hũ mắm đang dần dần trở thành một nhà tử vi. Từ ngày có tôi về với gia đình Đinh, anh chìu theo ý tôi không trở về quận lỵ ngủ nữa. Lúc này tôi mới thấy cái số mà Đinh tin tưởng ban đầu gặp tôi, đã được gắn chặt với cái tình. Tôi đã sống thực ấm cúng, nhàn nhã, thong dong bên gia đình anh, với bà già vợ Đinh, mấy đứa con, bà con trong xóm nối kết dính liền như một sợi dây xích. Nhà nào tôi vào chơi, cũng là nhà bà con xa gần với vợ Đinh hết. Điều nầy bắt tôi nghĩ, cả xóm này, là của dòng họ phía vợ Đinh. Đó cũng là điều cho tôi nhiều an ủi, và thường có cảm tưởng rằng tôi cũng là một người bà con của họ đi xa về. Với ai khác, có lẽ cái cảm tưởng nầy không mấy quan trọng, nhưng riêng với tôi, tôi hạnh phúc vô cùng. Quỳnh đã ra đi, quê tôi còn lại chị Nguyên; tôi không thể yên ổn ở quê với một mình chị Nguyên cũng đang lạc lõng. Ngày tôi xa chị, tôi biết tôi không còn ham muốn trở về, dầu tôi đã hứa với chị rất nhiều một ngày nào đoàn tụ, dẫu Quỳnh đã bay mất, còn bà con họ hàng thì biền biệt, dửng dưng. Bảy năm tôi không có dịp sống với tình yêu thương của chị, không có một giấc mơ nào có dáng Quỳnh thấp thoáng. Ngày tháng không phải là ngày tháng của đời sống tôi. Quyết định trở về thăm chị trước Tết, trước hết, là để làm vui lòng chị mà thôi: tôi muốn tìm lại đời sống tôi trong đời sống của chị. Đó là một cảm tưởng chua xót nhưng còn hơn kéo dài mãi sự ngơ ngác phiền muộn.
Tôi còn nghe tiếng ông xã trưởng nói cười với mấy người nhân-dân-tự-vệ, nghĩa quân, cảnh sát phía trước sân. Hình như họ đang chờ nồi cháo lươn và mớ cá vừa bắt được đang còn làm gỏi. Thường đêm, họ vẫn đem những giỏ lươn câu được từ chiều, và xách đèn đi dọc theo bờ sông bắt cá, ốc, để có món nhậu trước khi phân tán đi ngủ. Đêm nay họ lại tụ họp ở sân nhà bà dì của Đinh. Tôi nhớ tới hình ảnh của ông xã trưởng (là người gọi mẹ vợ của Đinh bằng cô) với chiếc ghe con mỗi chiều bơi qua bên kia sông mà thương Mai thêm. Mỗi chiều tôi đón Mai đi dạy về, cùng đi dọc theo bờ sông, thấy ông xã trưởng lầm lũi chèo ghe qua bên kia bờ; Mai đã nói ước được nhìn thấy hình ảnh của tôi như vậy. Tôi hiểu là Mai sẽ là người ở bên kia sông, để tôi nhớ buổi chiều bơi ghe qua tìm nàng. Lối bày tỏ tình yêu của Mai như vậy càng khiến tôi yêu quí nàng. Lần đầu tiên, sau bảy năm, tôi có cảm tưởng về một người con gái, giống như với Quỳnh.
Bên tai tôi, tiếng nói của Đinh đã rời rạc, nặng nhọc. Tôi đoán chắc cơn buồn ngủ đã đè nặng lên sự hăng say nói về khoa tử vi của anh.



Đinh đã trở về nhà trước khi tôi thức dậy. Buổi sáng tịch mịch. Tôi nằm yên ở phản, đầu óc nhẹ nhàng, cảm thấy như tôi đã đổi khác. Sự đổi thay đột ngột như lần gặp Mai, tôi phải tự hỏi có phải tôi đang sống với đời sống của tôi chăng? Mọi biến động đã dừng lại, đột ngột, từ ngày tôi về sống với gia đình Đinh, rồi gặp Mai. Bóng dáng Quỳnh hiện ra thường xuyên trong đầu tôi nhưng không là một nhắc nhở tuyệt vọng, khổ sở nữa. Tôi có nói với Mai rằng nàng rất đỗi giống Quỳnh. Nàng rất sung sướng bởi nàng cho rằng nhờ vậy, tôi càng yêu quí nàng hơn.
Dự đoán của tôi về nàng, khi kể chuyện về Quỳnh, đã sai lạc. Tôi không ngờ sự tĩnh lặng của dòng sông, sự xanh tốt của ruộng vườn, đã tạo cho tâm hồn Mai những xúc cảm đôn hậu trầm lặng mà ở lứa tuổi nàng rất hiếm tìm thấy.
Chiều hôm qua, lúc đưa nàng đi dạo về tới ngã rẽ Phú Điền, nàng đề nghị không nên về nhà sớm. Về nhà chỉ để chọc ghẹo chị Chiến mà thôi. Chọc ghẹo chị ấy rồi nữa chị cũng sẽ có dịp chọc ghẹo lại. Nàng đưa tôi đi sâu xuống xóm, ghé lại vài nhà học trò, uống nước dừa, và hái ổi. Thấy nàng cầm theo một chùm khế chín, vừa đi vừa ăn ngon lành, tôi xin nàng một trái.
Khế chua chảy nước mắt. Tôi nói con gái mấy cô ưa ăn những thứ kỳ cục, không hiểu nổi. Nàng nhìn tôi cười. Đôi mắt nàng đã làm tôi ngây ngất.
Chúng tôi dừng lại ở bến đò qua bên kia Phú Điền Nam. Ở đó có một quán nước, có một túp lều của cô bé thợ may. Mai hỏi đùa tôi có ăn chè không. Tôi kêu ăn nhưng không có tiền, họa may cô chủ bán chịu, tôi thế thẻ lãnh lương. Cô chủ bĩu môi kêu thiếu úy mà nói chi vậy. Tôi cười, thiếu úy mới nói vậy, chớ cô giáo đây đâu có nói. Cô giáo vừa mới lãnh lương. Mai và tôi cùng ăn chè, cùng nhìn nhau cười, ly chè đậu ván ngọt hơn bất kỳ ly chè nào từ lúc xa Quỳnh.
Tôi nói:
-       Cô giáo đã may đồ Tết chưa? Mai hỏi lại:
-       Thiếu úy đã may chưa cái đã?
Tôi giải thích:
-       Lính thì không có Tết, bộ đồ nào cũng là bộ đồ của ngày Tết hết. Mấy năm đi lính, tôi đâu có sắm bộ đồ Tết nào, chẳng lẽ mặc áo quần mới rồi chui vào bờ bụi, rừng núi… khoe với cọp à? Lính có cái tiện đó.
Mai cãi:
-       Hòa bình rồi, bộ anh cứ ở trong rừng hoài hay sao? Anh không nhớ đã nói với anh Đinh, anh mong được sớm yên ổn, cởi cái bộ đồ dầy cộm mệt mỏi này ra, để được mặc tấm áo trắng?
Tôi cười:
-       Nhớ chứ sao không. Nhớ cả các lời hứa với cô giáo là ngày hòa bình, được trở về, sẽ làm việc gì trước tiên, việc gì tiếp theo, và việc gì sau cùng nữa…
Mai cúi đầu cười che giấu. Tóc nàng mềm mại chảy xuống hai bờ vai tròn. Màu áo lá chuối non của nàng lúc này rất hợp với ánh nắng chiều đang xuống. Tôi im lặng, cốt ý để cho nàng nhớ lại chiếc hôn đầu tiên ở cổng nhà, khi nàng đưa tôi về. Có lẽ đôi má nàng lúc đó cũng đỏ hồng như bây giờ.
Tôi nghĩ tới việc đầu tiên ngày tôi trở về, tưởng tượng tới hình ảnh đã tả cho Mai về ông Chín Mía, ông Giáo Năm luộm thuộm áo dài khăn đóng lễ mễ mang trầu cau rượu trà bước vào cổng nhà nàng, bỗng tôi có cảm tưởng như ngày đó rất kề cận.
Tôi cười:
-       Bây giờ đi qua đò chưa?
Nàng đứng dậy.
-       Đi, sợ qua hết buổi chiều uổng!
Cũng như Mai, tôi sợ buổi chiều qua mau. Buổi chiều êm ả gió, mặt  nước sông ngầu đục, cảnh vật dịu dàng tươi mát trong sắc nắng đầu Xuân đã quyến rũ, xoa dịu tôi như bao lời nồng nàn. Mai đã tâm sự, đã e dè ngập ngừng thỏ thẻ. “Sợ qua hết buổi chiều uổng”, liệu Mai có giữ được sự bình lặng tâm hồn, có còn ôm ấp ngày về của tôi mà vui với bọn học trò nghèo khó, như đã hứa chăng? Ý nghĩ này làm tôi buồn cho tới lúc qua bên kia sông.
Chúng tôi đi dọc theo bờ sông. Bờ sông cao cỏ mượt, đến những cồn cát, chỉ cho nhau thấy những cánh én sà thấp dưới chân. Phía xa, làng xóm rải rác những ngôi nhà quạnh quẽ, cây cối im vắng mơ hồ. Sau chúng tôi, trên con đường dẫn ra bến đò, từng tốp người đi ngủ đang lần lượt chờ qua bên kia sông. Mai kể cho tôi nghe những lần bỏ làng chạy về quận lỵ, dòng sông buồn bã, hàng xóm tiêu điều, ngôi trường đổ sập, hoang vu. Tôi nghe nàng, tưởng chính những tang thương, đau xót kia tôi đã có lần lãnh chịu. Tôi cũng thấy, bấy giờ, nàng giống một đứa em gái, đang thủ thỉ chuyện trò với một người anh lưu lạc trở về. Câu chuyện nàng kể thốt nhiên bắt tôi nghĩ tới những ngày yên lành sắp tới. Nghĩ tới chiếc đò nhỏ dọc theo bờ sông xuống Tiên Du. Nghĩ tới bữa ăn ở sân nhà dưới ánh trăng mát. Nghĩ tới những giấc ngủ mùa hè sau vườn cây, những đêm chuyện vãn cho tới khi ôm nhau ngủ quên trên chiếc ghế bố. Có một lúc nào đó, tôi đã đem những điều tôi nghĩ nói với Mai. Nàng kéo tay tôi dừng lại, ôm vào vai tôi, thật lâu. Tôi biết nàng chờ đợi một cái hôn. Tôi nói bên tai nàng “Cầu nguyện cho những ước mơ nhỏ nhắn của chúng ta được thành tựu, em yêu!”
Bận về, chúng tôi đi nhờ chiếc ghe của ông xã trưởng, vừa tới Hội Phú trở về. Nhìn ông xã chưa có vợ, nghĩ tới cảnh chiều chiều bơi ghe qua bên này sông thăm người yêu, tôi và Mai đều nhìn nhau cười cười khi từ bờ sông, đến lúc tiễn ông vào nhà. Nói về chuyện ông xã trưởng, tôi nhớ tới cuộc sống lăng nhăng chín mười bà vợ của ông xã phó hành chính, thấy càng tội nghiệp cho ông xã trưởng lẻ loi, chiếu tối sừng sững từ chỗ để ghe trở về nhà, đeo súng đi tìm chỗ ngủ. Có lẽ nào ở cung thê của ông xã phó có tới chín mười bà, trong lúc đó ông xã trưởng vẫn cứ lững thững bơi ghe qua sông hoài?
Ông dượng Đinh gọi tôi vào uống nước trà. Ông kể lại chuyện đêm hôm ông xã Ba với mấy anh em nhân dân tự vệ, ông trưởng ấp, ăn cháo lươn gỏi cá, uống hết của ông hai lít rượu thuốc để dành chờ Tết. Tôi cười nói mấy ông đó sống vui vẻ, hồn nhiên, thoải mái quá. Làng xóm mà thái bình rồi, có lẽ họ đi soi cá, nhậu nhẹt, đi chơi suốt đêm. Ông nhắc tới cái thời tuổi trẻ còn thư thả của ông, đêm đêm rủ bạn bè qua bên kia sông, hay bơi ghe xuống Tiên Du mang theo rượu và đồ gia vị, bắt cá, hàu, ăn chơi đàn địch tới trăng xế mới leo lên Hòn Chồng ngủ. Ông nói ông thương cho trai tráng bây giờ, thấy trai tráng ra đi, khổ sở, ông bắt ứa nước mắt. Ông hỏi tôi nghe nói Hòa Bình sắp có rồi, vậy có thật không. Tôi cười: “Rồi cũng phải có chớ, đánh đấm nhau hoài, cũng mệt. Cũng cầu mong cho Hòa Bình sớm, con lo cưới vợ cho rồi, năm nay kể cũng già …”
Ngồi nói chuyện với ông về thời tiết, ruộng vườn, Tết nhứt một hồi, uống hết hai bình trà có pha đường phèn, tôi xin phép ông trở về nhà Đinh. Có lẽ vợ chồng Đinh đang chờ tôi về ăn sáng, để anh chở vợ đi chợ quận. Khi hôm anh đã tính thết tôi một bữa, để sáng mai tôi lên đường. Anh có vẻ lo lắng tới bữa ăn sẽ đãi tôi, làm tôi áy náy. Khoa tử vi đã khiến anh sớm trở thành một ông già, sống mẫu mực và đạo đức. Quan niệm “đức năng thắng số” và “tận nhân lực tất tri thiên mệnh” đã dạy anh nhiều điều về lòng nhân và nhẫn nại.
Ra tới ngõ, tôi gặp một cô gái trạc hai mươi rụt rè bước vào. Cô khẽ cúi đầu chào tôi. Cười sẽ sàng. Tôi thoáng thấy đôi má cô chợt đỏ. Điều này làm tôi ngạc nhiên. Có lẽ lời Đinh nói đúng, con gái ở đây đoan thục, hiền hậu, nhưng lãng mạn, đa tình. Dòng sông, ruộng vườn xanh tốt, cảnh trí êm đềm, đã nuôi nấng tâm hồn họ dễ xúc cảm hơn. Như Mai, sự quyến luyến quấn quít của nàng bên tôi quả đã là nguyên do khiến tôi chần chừ sau hai lần quyết định ra đi. Đã thôi thúc tôi sáng sáng phải trở về thực sớm. Đã nhắc nhở tôi chiều chiều phải đi ra Mỹ Lệ đón nàng đi dạy về. Cô bé vừa bước vào cổng, chắc là cô gái đã để trên kệ gỗ chỗ giường tôi ngủ hai đóa hoa hồng nhung hôm nào? Có lẽ là Cần? Lê Thị Cần. Cô con gái thứ mười một, con gái rượu của ông. Cần đi học ở trên quận, mà ông dượng Đinh vừa mới nhắc, và bà dì Đinh vẫn thường ao ước ngày trở về, tôi sẽ ở luôn với vợ chồng bà?
Tôi nghĩ lan man về Quỳnh, Mai, Cần trên đường về nhà Đinh, như những bóng dáng hạnh phúc êm đềm.
Mai từ giếng chạy ra cổng đón tôi:
-       Sao anh về muộn quá vậy?
Tôi cười:
-       Lại ngồi uống trà, bàn chuyện hòa bình, Tết nhất với ông già.
Nàng cầm cánh tay tôi:
-       Có nhắc tới ông xã trưởng đa tình, và ông xã phó nằm dài cho mấy bà vợ cung phụng nữa không?
Tôi theo Mai vào nhà:
-       Không. Lão đó không đáng gì để nhắc lại lần thứ hai…
Mai đi pha café. Tôi ngồi ở bàn, nhà giữa, nhìn ra khoảng bầu trời bên kia sân. Sự quang đãng của mảnh trời xanh, của cây lá đơn giản, của nhà cửa tĩnh lặng, đã tạo nên một khung cảnh tươi sáng, thanh bình. Chưa bao giờ tôi có một ly café ngon như sáng nay. Tôi nói ý tưởng đó cho Mai và nàng cười im lặng.
Chị Chiến từ ngõ đon đả bước vào. Mấy ngày gần đây trông chị bận rộn, lăng xăng, ít khi ngồi yên một chỗ. Cái thời nằm vắt chân trên võng đọc truyện Võ Hồng của chị đã hết. Mai kêu lúc này coi bộ chị Chiến yêu đời quá! Cuộc đời của người con gái chỉ có được một ngày vui, một tuần lễ hạnh phúc. Chị Chiến nôn nao đón chờ cái ngày đó là đúng rồi. Sự muộn màng cũng không làm giảm bớt lòng hân hoan trong sáng trong những nụ cười chiu chắt của chị. Chỉ còn có ba hôm nữa là ngày chị lo thu xếp áo quần, xách valise, đi Nha Trang sống xa căn nhà đã hai mươi mấy năm quấn quít rồi. Mai chợt nghe lòng xao xuyến, hoang mang, khi nàng đang phải sống cho những ngày tháng đợi chờ thật ngậm ngùi sau nầy.
Tôi cười đón chị:
-       Đi đâu sớm vậy chị?
Chị trả lời:
-       Gởi ít cái thiệp cho mấy người bạn ở bên Phú Điền.
Tôi hỏi:
-       Còn cái nào gởi cho tôi không?
Mai đến gần tôi:
-       Phần anh khỏi gởi đi.
Tôi nhìn nàng:
-       Sao lạ vậy, em?
Chị Chiến trả lời, giọng buồn buồn:
-       Ngày mai anh Kham đâu có còn ở đây nữa mà nói lạ với quen?
Mai ngước lên nhìn tôi, ánh mắt như thầm nói: “Anh Kham hãy ở lại với em, thêm vài ngày nữa…”

Ninh hòa, tháng 5 năm 1973
(Tạp chí Phổ Thông – số 292/ năm 1973)
MANG VIÊN LONG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét