Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Ảnh Đặng Đức Cương

TỰ VẼ CHÂN DUNG
TRUYỆN NGẮN:  
      NGUYỄN THỊ THÚY NGÂN


Tiếng la thất thanh của bà Bảy chủ quán nhậu Bình Dân: “ Máu, máu … cứu với… vơí…” làm mọi người nhơn nhác chạy sang xem có chuyện gì xảy ra. Rồi nhiều tiếng “ Á…á...”  sợ hãi tiếp theo.  Tiếng bàn ghế bị xô đẩy rầm rầm, tiếng bát đĩa rơi vỡ loảng xoảng, tiếng người rên rỉ làm náo loạn cả một góc phố nhỏ trong khu dân cư được treo chình ình khẩu hiểu: “ Khu phố văn hóa “ đỏ chót giăng ngang đường. Những hợp âm chưa dứt, một chiếc tắc –xi  đỗ xịch ngay cổng. Một ngựời đàn ông còn khá trẻ,tay đang ôm lấy ngực cố bịp cho máu khỏi tuôn ra. Sắc mặt đầy thất thần, đau đớn.Máu nhuốm đỏ chiếc áo sơ-mi trắng được bỏ trong quần gọn ghẽ. Tiếp đến là người đàn ông nữa máu cũng đang chảy tràn trên cánh tay trái. Cả hai được đưa lên  xe  và lao đi về hướng bệnh viện tỉnh.

Mọi người xúm đông, xúm đỏ  hỏi han, chỉ chỏ. Người đi đường hiếu kỳ dừng lại làm tắc nghẽn một đoạn đường.Người có chức trách phải loay hoay một lúc đám đông mới dãn ra.
_  Chuyện gì vậy chị, vậy anh …? - Tiếng lao nhao của đám đông
-         Thằng Thu con bà Thảo không biết có thù oán gì với hai ông khách mà đương nhiên cầm dao đâm hai ông đang nhậu… -Bà Bảy chưa dứt lời đã bị đám đông chăn ngang hỏi tới.
-         Người ta có sao không? Nó là thằng nào? Công an bắt chưa?...
-         Công an dẫn đi rồi. Một ông bị đâm ở ngực .May phước. Ông kia nhẹ hơn chắc chỉ phải khâu chục mũi. Trời đất, nhìn bản mặt nó ai biết nó dữ tợn như vậy. Nó đâm người ta mà cứ như đâm vào cái bao cát không bằng. Mặt nó không có một biểu hiện gì là âu lo sợ sệt. Đâm  xong nó thản nhiên đi về như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tội nghiệp hai ông kia, còn tui thì mất trắng mấy triệu bạc – Tiếng bà Bảy chủ quán giải bày.
-         Vậy là còn may cho bà lắm đó, chứ lỡ có ai chết tại nhà bà thì còn bán buôn gì nữa – Tiếng một bà hàng xóman ủi.

-         Sao kỳ vậy. Nó có bị điên không… hay nó chơi đập đá… Hay… ???Mọi người bình luận, suy diễn theo tình hình không ngớt…
-         Điên gì, nó tỉnh như sáo. Đó, nhà nó đó… Con mẹ nó đó. Theo tay chỉ mọi người hướng về ngôi nhà đối diện có giàn hoa vàng rực rỡ. Một người đàn bà mặc chiếc váy hai dây ở nhà màu hồng với nhưng hoa văn to bản. Tay đang cầm chiếc Iphone màu trắng nói chuyện qua điện thoại vẻ bận rộn. Mắt mọi người soi mói nhìn ngang ngửa chiếu vào người đàn bà – Mẹ nó, vào ngôi nhà có một kẻ mới cầm dao không run tay. Tiếng ai đó dặn dò: “ Thấy nó thì tránh đi nhen, chứ không chừng gặp lúc nó lên cơn, nó lụi cho một dao thì mình thiệt thân trước đã và gia đình mình là người đau đớn trước… ừ, ừ...”
Câu chuyện loãng dần khi phố đã lên đèn.

Chị ta hồi trẻ có lẽ cũng là một người có chút nhan sắc.Bởi đến tuổi này mà nhìn dáng vẻ vẫn điệu đà. Mái tóc dài ngang lưng, được uốn thành những dợn sóng nhuộm màu vàng kim rất hợp với nước da trắng trẻo, cao ráo. Vợ chồng chị ta dọn về đây ở không bao lâu thì chia tay nhau. Họ có một câu con trai đã lớn.  Năm nay cũng hai mấy  tuổi gì đó.  Hai mẹ con sống tại căn nhà cũ. Còn ông chồng sau khi chia tay một thời gian nghe đâu đã có gia đình mới và cũng thường xuyên ghé lại thăm con.

Hoàng hôn bắt đầu buông.Những đám mây như khẩn trương chuẩn bị tham dự buổi tiệc hóa trang sắp tới. Ngôi nhà có giàn hoa vàng  như thêm khoe sắc.Bởi chúng cũng xôn xao, rúc rích cười theo gió đầy tình tứ. Hay tại người đàn bà lát đi ra, đi vào với dáng vẻ nôn nóng, chờ đợi. Bà cũng rực rỡ không kém so với sắc hoa Vàng anh kia. Trước sân nhà đã dọn sẵn vài bàn tiệc với những chiếc ly rượu nhỏ, bộ đồ ăn xếp theo kiểu tây phương. Chai champagne dựng trong chiếc xô inoc có đá lạnh sáng choang chỉ chờ bật nắp. Đóa hồng nhung  kiêu kỳ giữa bàn. Tất cả toát lên sự sang trọng, quý phái của gia chủ…

Tiệc tàn, đã về khuya. Màn đêm đen thăm thẳm.  Bóng một người,vẫn ngồi âm thầm trên chiếc xích đu màu trắng ngoài sân đầy suy tư, vô hồn.Tại sao? Cuộc đời như  bàn tiệc vừa diễn ra ư? Cũng những nói nói , cười cười, cũng chúc tụng hỉ hả…, “ Hừ…” Tiếng cười khuẩy như tiếng nấc.Dù cố tạo ra vui, chơi, nó vẫn không khỏa lấp được sự ngượng ngạo, giả tạo.Khoảng trống vô cùng không sao định nghĩa được bởi những cái đầu trống rỗng.Muốn tìm một sự đồng cảm trong tâm hồn sao mà khó thế nhỉ? Người đầu gối tay ấp bao năm cũng chẳng khác gì đồng sang dị mộng.  Ôi! Những ghen tuông, những trận cãi vã bất phân thắng bại.Những hờn giận kéo dài, nào sỹ diện hão huyền, kéo luôn tình yêu đến bên bờ vực.Đời chán đủ thứ. Chán đến độ cái gì cũng có thể suy diễn, so đo hơn - thua cuả cuộc đời và cả cuộc chơi. Còn trái tim đã trơ lỳ với mọi cảm xúc…“ Giờ được gì đây, còn gì đây ngoài nụ cười cửa miệng và những đêm dài cô đơn khủng khiếp. Tại sao đến nông nỗi này? Tại ai,  tại xã hội đầy biến động. Tại ngươi, hay chính sắc đẹp  đưa ngươi đến những đòi hỏi vô lối -Vô tâm. Thôi đúng rồi: “ Sắc đẹp mà làm gì?  Nhan sắc theo thời gian có còn như xưa không? Chắc chắn không. Vậy ngươi chạy theo cái gì…Chạy theo những cuộc tình ư?  Sao ngươi không sang nhà bà hàng xóm hỏi han vài câu khi con người ta bị tai nạn nhỉ. Sao ngươi không thể cho đám trẻ nghèo mấy cái bánh dư thừa trong tủ lạnh mà  chiều nào chúng chẳng tụ tập đá banh trước nhà, hoặc vài đồng phúng điếu. Ngươi như người ngoài hành đến tạm trú.Mọi người nhìn ngươi như không quen biết… còn ngươi nhìn họ chẳng phải đám hạ dân để giao du, quan tâm. Đến con ngươi , ngươi còn chẳng biết nó làm gì, nghĩ gì… thì nói chi đến…!!!

-         Giờ này mẹ vẫn chưa ngủ à. – Tiếng thằng con hỏi làm cắt ngang dòng suy nghĩ, cuộc trò chuyện không có người đối ẩm.
-         Ờ nhỉ, khuya lắm rồi – Tiếng trả lời . Rồi mọi thứ thật sự im ắng. Đêm ngủ mê.

Nó được sinh ra trong một gia đình cũng gọi là khá giả.Nó đã được cha mẹ yêu thương. Nó thích được mẹ hôn lên má mỗi khi nó tan trường như tất cả các bạn khác. Nó còn thích hơn, nếu bố nó cõng nó trên lưng chơi trò cưỡi ngựa, nói chuyện với nó như những đứa bạn. Nó thích đủ thứ cho đến khi nó thành người.. . Song tất cả quá ngắn ngủi.Nó từng chứng kiến cha mẹ nó cãi nhau ầm ĩ. Họ còn đánh nhau nữa chứ.Họ dành cho nhau những lời nói lẽ ra không nên nói trước mặt nó.Mẹ nó có lả lơi không?Có ngoại tình không?Mà ngoại tình là gì mà bố nó sỉa sói dữ vậy. Đâu phải mẹ nó mặc những bộ áo váy đẹp đẽ là ăn chơi, là bỏ bê gia đình.  Đâu phải nhìn bộ cánh, hay sắc đẹp trời phú cho mẹ để đánh giá nhân cách mẹ nó thế này thế kia. Nó yêu mẹ nó.Nó ghét ai nói xấu mẹ nó, kể cả bố nó.Càng lớn nó càng hiểu tại sao gia đình nó mỗi người mỗi ngả. Lòng tin của nó cũng đổ vỡ theo năm tháng với những người mà nó yêu thương. Mẹ nó không còn gần gũi, nói chuyện như hồi nó còn bé. Bố nó thì bận bịu với gia đình mới, với một đứa con mới. Bố chỉ đến thăm nó khi thuận lợi hay những lúc cần nộp tiền đóng góp nuôi nó ăn học.
-         Ê mày, nhà mày giàu lắm hả? Bố mẹ mày sao lại bỏ nhau vậy. Tao nghe trong xóm xì xầm mẹ mày theo ông nào đó cùng cơ quan… rồi bị kỷ luật. Nhà mày mới phải chuyển về đây…-  Thằng bạn học cùng lớp lanh chanh chưa nói hết ý đã bị nó táng cho một bạt tai ngã ngửa, máu chảy ra hai lỗ mũi.
-         Tao mà còn nghe mày nói xấu mẹ tao thì lần sau, mày phải chết … nghe rõ chưa?  Nó nghiến răng, nói xong hầm hầm bỏ đi làm thằng bạn sợ hết hồn. Trong lớp bạn bè cũng xa lánh nó từ đấy. Đó là năm lớp bảy đầy biến động.

Con đường học vấn của nó chẳng đi đến đâu. Nó ì ạch mới qua phổ thông cơ sở.Lên trung học.Học kỳ đầu nó rớt mấy môn.Cuối năm rớt thẳng tuột.Nó đòi chuyển trường. Mẹ nó chiều, xin cho nó sang bên trung tâm giáo dục thường xuyên. Nó leo lên trụt xuống mấy bận cũng không hết cấp 3. Chán đòi bỏ. Mẹ nó năn nỉ , dù thế nào cũng phải học hết cấp 3 thì mới xin được việc làm hay đi học nghề. Nó thương mẹ chấp nhận học bổ túc ban đêm. Cầm được manrnh bằng khi nó vừa tròn 22 tuổi.

            Có trong tay cái bằng cấp 3 bổ túc. Gia đình nộp đơn vào một trường nội trú tại một thành phố lớn. Tiền ăn, ở, học phí nghe đâu tháng trên 5 – 7 triệu đồng. Nó đi học mà tiền chi phí một tháng bằng cả thu nhập của mọi nguời  trong một gia đình khu phố nghèo. Có rất nhiều đứa trẻ ao ước, thèm thuồng được như nó mà không có. Còn nó-  Học hành với nó chẳng thú vị tí nào. Ngày hai buổi lên lớp cho có lệ, vì chẳng ai quan tâm nó học ra sao, kết quả ra sao. Nó nói thẳng với giáo viên chủ nhiệm là: “Nó nộp  tiền thì học là quyền của nó. Dạy là công việc của các giáo viên đừng làm phiền nó,.” Nó lạnh lùng xa cách với tất cả chúng bạn.Cá biệt hơn, nó không chơi với ai và cũng chẳng ai chơi với nó thế mới lạ chứ.Cuối cùng nhà trường phải mời cha mẹ nó rước nó về với vô số nguyên nhân.

Chiều nay nó thấy trong người bức rức khó chịu.Có một cái gì đó nóng ghê gớm đang bùng nổ.  Cộng thêm ma quỷ xui khiến sao đó, mà nó xăng xái xuống bếp vớ luôn con dao thái lan cán vàng rồi hăm hở sang quán nhậu đối diện đâm cho hai người đàn ông hai nhát chẳng biết nặng nhẹ thế nào: “ Mặc xác các người” – nó nói. Xong việc nó thản nhiên đi về.Nó nghe sau lưng tiếng la ó của mấy ông khách nhậu.Tiếng kêu đau đớn của hai kẻ bị đâm. Con dao trên tay nó máu còn nhỏ giọt trên đường. Về nhà nó tiếp tục chơi màn bắn súng “ Bùm..bùm..chíu ,.chíu …” Nó nghiêng bên này, nó né bên kia theo làn đạn trên màn hình vi tính. Miệng nó không ngớt họa theo: “ chíu …chíu…bùm,..bùm…” cho đến khi công an vào còng tay nó dẫn đi. Thấy ồn mẹ nó mới hay sự việc.

Sáng hôm sau thấy nó đi lơn tơn trong phố. Người người thắc mắc được giải thích: “ Nó mắc bệnh tâm thần, có giấy xác nhận của bệnh viện. Hơn nữa nạn nhân không khiếu nại gì cả”.Chuyện to thế mà giải quyết như đùa vậy nhỉ?Bệnh tâm thần sao không được chữa trị ở những cơ sở chức năng mà lại để ở nhà. Rồi mỗi lần lên cơn lại cầm dao đâm ai đó cho hạ hỏa… Cha mẹ nó, các nhà chức trách có thấy nguy cơ tội ác tiềm ẩn không?Không ư, nó đang bộc phát và đã diễn ra đó thôi? Nếu hai nạn nhân kia hôm nay bị lưỡi dao oan nghiệp tước đoạt sinh mạng thì ai chịu trách nhiệm. Nó, hay gia đình nó, hay xã hội. Còn gia đình nạn nhân thì sao ? Người thân của họ  có đau lòng trước mất mát này không?  Lương tâm nó. À… Nó tâm thần mà…??? Cha mẹ nó có ăn năn trước hành vi tội ác không chút ghê tay của con cái mình…?  Ôi, thật không thể hiểu nổi ?
Chị ta chiều chiều vẫn diện những chiếc đầm mặc nhà sặc sỡ đi ra đi vào. Vẫn ung dung tay cầm  điện thoại nói nói , cười cười, điệu đà. Nó, vẫn hiện diện hàng ngày.Mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp bằng cách nào đó. Chỉ tội cho những người sống xung quanh nơm nớp lo sợ lưỡi dao oan nghiệp đến với mình lúc nào không hay.
      Thúy Ngân
39/46 Từ Văn Tư – Phú Trinh - Phan thiết – Bình Thuận
ĐT: 0917 137 333   Email: nganthuybt@yahoo.com.vn














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét