CẢM XÚC TRONG THƠ
Từ Môn Thể ThaoTúc Cầu
Hồi 9, 10 tuổi tôi là thằng bé thích xem đá banh và đá cũng rất khá. Tôi có khả năng đá banh mạnh, đi xa hơn các bạn cùng trang lứa. Và cũng biết lừa banh qua 1 hoặc 2 đối thủ khá dễ dàng. Xóm tôi có 5 đứa, lập thành một đội. Chiều mát thường ra bãi đấu với các xóm khác.
Trận đấu thật đơn giản. Mỗi bên 5 đứa, một đứa giữ gôn, còn 4 đứa kia thì tìm đủ mọi cách đưa banh qua hai “cột gôn” của đối phương (thường là 2 cái áo hoặc 2 nhánh cây). Có banh trong chân, mạnh đứa nào đứa nấy đá, lừa, cứ thẳng hướng cầu môn đối phương mà tiến, chẳng cần biết đồng đội mình đang làm gì, ở đâu.
Nhưng lớn lên, được sự chỉ bảo của người lớn và được đi xem đá banh nhiều hơn tôi nhận ra là tự mình dẫn banh thẳng tiến không phải là thượng sách. Chuyền cho đồng đội sẽ vượt qua sự truy cản của đối phương dễ dàng hơn, dẫn đến nhiều cơ hội hơn để ghi bàn thắng. Sau này làm trọng tài điều khiển trận đấu tôi càng thấy rõ tầm quan trọng của đấu pháp - sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cầu thủ, các tuyến trong đội. Chính đấu pháp đã giúp khả năng tấn công (hoặc phòng thủ) mạnh mẽ và hiệu quả hơn gấp bội.
Trong vòng chung kết Euro 84 có một trận đấu tôi đã xem đi xem lại nhiều lần. Đó là trận bán kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha. Trận đấu rất hấp dẫn vì những lý do sau đây:
1/ Pháp và BĐN ở thời điểm đó đều có trình độ và phong độ cao về môn túc cầu ở Châu Âu và cả thế giới.
2/ Trận bán kết là trận đấu quyết tử, không có hòa. Thắng: vào chung kết. Thua: khăn gói quả mướp về nhà.
3/ Tỷ số luôn luôn sít sao: Pháp mở tỷ số trước. BĐN gỡ hòa 1 – 1 rồi dẫn trước 2 – 1. Pháp gỡ hòa 2 – 2, phải đá thêm 2 hiệp phụ. Cuối cùng, chỉ còn vài phút là kết thúc trận đấu, Pháp ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 3 – 2.
4/ Khán giả cổ võ cuồng nhiệt: Lần đầu tiên nước Pháp được vào sâu trong một cuộc tranh tài túc cầu đỉnh cao tại Châu Âu. Trận đấu lại xảy ra ở thành phố Marseille ngay trên nước Pháp (nước chủ nhà đăng cai) nên vì danh dự quốc gia, vì niềm tự hào của dân tộc, vì được báo chí, truyền thanh, truyền hình hết lòng cổ động, người dân Pháp đến xem đông đảo và đã quên mình nồng nhiệt cổ võ.
Túc cầu ở trình độ 1 - chỉ biết phô diễn tài nghệ cá nhân - tạo nên hứng thú, khoái cảm cho khán giả tương đối ít. Lên đến trình độ 2 - đấu pháp, thế trận toàn đội được áp dụng - mức độ hứng thú, khoái cảm của khán giả được tăng lên nhiều hơn. Đấu pháp càng mới, sự phối hợp càng nhịp nhàng, đội banh đá càng hay, khán giả càng yêu thích. Dĩ nhiên, trong mọi trường hợp, tài nghệ cá nhân của cầu thủ vẫn có thể tạo khác biệt và luôn được coi trọng. Trình độ 1 và 2 còn ở mức kỹ thuật, nghĩa là có thể học hỏi, tập luyện mà lên được.
Túc cầu ở trình độ 3 là đá có hồn. Dĩ nhiên đội banh phải có sẵn giàn cầu thủ tài nghệ cá nhân vững vàng, một đấu pháp tân tiến - đã được áp dụng cả trong huấn luyện lẫn các trận đấu thực sự một cách nhuần nhuyễn. Và nếu có thêm một số điều kiện tương tự của đội Pháp trong trận Pháp - Bồ Đào Nha 1984, khán giả sẽ có nhiều cơ hội được xem một trận túc cầu hay. Năm ấy, cả hai đội, nhưng đặc biệt là đội Pháp đá xuất thần, và như một nhà bình luận đã nói “đá hay hơn, đẹp hơn khả năng thực sự của mình rất nhiều”, đã tặng khán giả trên sân cỏ và trước màn ảnh truyền hình trên toàn thế giới một bữa tiệc túc cầu thịnh soạn và đã nâng cái hay, cái đẹp của túc cầu lên hàng nghệ thuật. Nhiều năm sau này nhìn lại, những người am hiểu túc cầu cũng vẫn cho rằng đó là một trong những trận đấu hay nhất trong lịch sử của giải Vô Địch Châu Âu.
Đến Thơ
Tương tự như túc cầu, mỗi bài thơ cũng có 3 tầng cảm xúc:
1/ Cảm xúc do các đơn vị thành phần của Tứ tạo ra bằng ngữ nghĩa của riêng mình.
2/ Được tăng thêm nhờ kỹ thuật thơ ca, nhờ thế trận chữ nghĩa của tác giả.
3/ Được tăng thêm nữa với sự xuất hiện của hồn thơ. Hồn thơ có được trong trường hợp tác giả viết lúc cao hứng, lúc lên cơn điên, cơn giận, cháy bỏng yêu thương, rực lửa căm thù … , lúc tâm hồn thoát khỏi sự điều khiển của lý trí. Đây là loại cảm xúc cao cấp nhất, cho người đọc cảm giác sảng khoái nhất.
Thí dụ 1:
CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồi thất quốc,
Chết thời Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồi thất quốc,
Chết thời Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.
(Phan Bội Châu)
Đây là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng.
Tứ cũng là ý, nói về những cách chết vì dân vì nước (nên noi theo) của người quân tử.
Mỗi câu thơ là một tứ (ý) nhỏ nói đến cách chết của người quân tử, nhưng vì bài thơ được viết theo lối thủ vĩ ngâm – câu đầu và câu cuối giống nhau - nên 8 câu mà chỉ có 7 cách chết.
Chết là bài thơ chuyển tải nghĩa khí của một nam nhân, một quân tử trước cảnh nước nhà nguy biến. Các cầu thủ của cụ Phan mạnh ai nấy đá, chẳng thế trận, chẳng đấu pháp gì hết nên ở đây không có dòng thơ mà chỉ có những “vũng thơ”. Mỗi câu là một vũng thơ riêng biệt, gợi lên một chút hào khí trong lòng người đọc. Sức gợi cảm (hào khí) của cả bài thơ là tổng số lượng hào khí của 7 câu cộng lại. Thành ra cấu trúc của bài thơ hầu như không có hiệu quả gì trong việc gia tăng sức gợi cảm của toàn bài. Về mặt tổng thể, bài thơ không thành công.
Thơ nhắm vào điểm, không nhắm vào diện. Ở đây cụ Phan của chúng ta tham quá; bài thơ của cụ bao biện đến 7 kiểu cách chết mà kiểu nào – do giới hạn câu chữ của thể thơ Đường Luật - cụ cũng chỉ nói lướt qua như gió thoảng, chăng khai triển, đào sâu gì nên sức gợi cảm rất ít. Cũng may, cụ là người có lòng với quê hương dân tộc nên nhiệt tình của cụ cũng thấm vào bài thơ nhưng không nhiều.
Cảm xúc chỉ ở tầng 1; tầng 2 không có tý gì; do thiếu sức đẩy ở tầng 2, cảm xúc ở tầng 3 chỉ hơi thoang thoảng.
Thí dụ 2:
Giấc Mơ Anh Lái Đò.
1/ Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
2/ Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
"Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò."
3/ Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn...
4/ Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền, lại thôi!
Bài thơ, như cách trình bày ở trên, chia làm 4 ý nhỏ (vì không có ẩn dụ toàn bài nên tứ cũng là ý)
1/ Xác lập khung cảnh để từ đó mối tình nảy nở.
2/ Kín đáo thổ lộ với người đọc tình yêu của anh với cô gái.
3/ Lời đồn về đám cưới linh đình của cô gái với một đại gia giàu có.
4/ Kiểm lại tài sản của mình và buồn cho mối tình vô vọng.
Trong Giấc Mơ Anh Lái Đò, Nguyễn Bính đã tạo được thế trận chữ nghĩa, có phân công phân nhiệm. Đại đa số các cầu thủ không tự mình dẫn banh lên khung thành đối phương mà chỉ hỗ trợ - chuyền cho đồng đội ở tuyến trên. Cuối cùng chỉ cần một cầu thủ bất ngờ xuất hiện đúng chỗ, đúng lúc – đưa banh vào lưới. Cảm xúc của tầng 2 đầy ắp, rất mạnh, đặc biệt lúc anh lái đò:
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền lại thôi
kiểm lại toàn bộ tài sản của mình thấy chỉ bằng một phần nghìn khoản tiền cheo tiền cưới mà tình địch của mình đem cống nạp cho nhà gái. Vâng, chính lúc ấy nỗi buồn vì mối tình trở nên vô vọng đã như một dòng thác đổ xuống, bao phủ và đè nát trái tim của anh lái đò. Thủ pháp “show, not tell” thành công. Thế trận chữ nghĩa của bài thơ hoàn hảo.
Cảm xúc ở tầng 2 đầy ắp cộng với sự xuất hiện của hồn thơ - cảm xúc ở tầng 3 – khiến người đọc xúc động đến bàng hoàng (nhưng lại rất sảng khoái) vì cảm thương cho nỗi bất hạnh của anh lái đò. Nỗ lực chú tâm theo dõi lời tâm sự của anh đã được trả công hậu hĩ. Đọc một bài thơ như vậy người đọc sẽ thấy thú hơn, khoái hơn và cảm phục tài năng của thi sĩ nhiều hơn.
Thí dụ 3:
HỒ TRƯỜNG
Đại trượng phu không hay xẻ gan bẻ cột phù cương thường
hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương
trời nam nghìn dặm thẳm
non nước một màu sương
Học chưa thành, danh chưa đạt
trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
trời đất mang mang, ai người tri kỷ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
rót về đông phương, nước biển đông chảy xiết sinh cuồng lạn;
rót về tây phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan
rót về bắc phương, ngọn bắc phong vi vút, cát chạy đá giương;
rót về nam phương, trời nam mù mịt
có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
chí ta ta biết, lòng ta ta hay
nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Kẻ trượng phu sống mà không xẻ gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
rong chơi bốn biển, luân lạc tha phương
trông về nam, xa mù nghìn dặm! Non nước một mầu sương (mù mờ, ảm đạm)
Học chưa thành, danh chưa đạt, trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, đời người đã đến lúc xế chiều.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, đất trời rộng mênh mông, ai là người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn bầu rượu này.
Bầu rượu ơi! Bầu rượu ơi! Ta biết rót về đâu.
Rót về phương đông, ngọn biển đông chảy xiết tạo nên những ngọn sóng dữ.
Rót về phương tây, mưa núi tây từng trận chứa chan.
Rót về phương bắc, ngọn gió bấc vi vút cát chạy, đá bay khắp nơi.
Rót về phương nam, giữa trời nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say
chí ta ta biết, lòng ta ta hay
sự nghiệp của nam nhi là theo đuổi chí tang bồng, hồ thỉ
cớ gì mà sụt sùi sầu với cỏ cây.
Đã có nhiều bài viết giải thích, phân tích xuất xứ, ngôn ngữ, chữ nghĩa của Hồ Trường. Ở đây tôi chỉ muốn làm rõ “cái hồn” của bài thơ. Ngoài phần dẫn nhập rất ngắn, bắt đầu từ 2 câu:
Trời nam nghìn dặm thẳm
non nước một màu sương
hồn thơ đã nhẹ nhàng xuất hiện. Đến đoạn sau thì tâm sự đã đầy; tâm sự của một “đại trượng phu” trước cảnh “non nước một mầu sương” mà bản thân thì “học chưa thành, danh chưa đạt”, mái đầu đã bạc, cuộc đời đã như “bóng tà dương”, nhìn khắp 4 phương tìm người tri kỷ để cởi mở nỗi lòng. Phép điệp ngữ ở đây (phương, sương, dương, trường) đã kết chặt những mảnh tâm sự ấy với nhau, tạo thêm sức mạnh cho dòng chảy của thơ.
Hồ Trường! Hồ Trường! Ta biết rót về đâu?
nỗi lòng bị dồn nén đã bung ra, chí khí, hào khí đã “bốc”, và theo dòng thơ – cũng là dòng cảm xúc, như một dòng sông càng lúc càng chảy xiết – hào khí ở mấy câu sau càng bốc cao hơn nữa. Sau khi hào khí đã lên cao ngất, tác giả hạ giọng xuống như đang thủ thỉ với chính mình:
Nào ai tỉnh, nào ai say
chí ta ta biết, lòng ta ta hay
nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Bài thơ kết thúc ở nốt trầm sâu lắng.
Có rất nhiều người vì yêu thơ mê rượu mà thích cái thi vị hào sảng của bài thơ này. Tôi đã có vài lần ngồi chung với đám bạn bè mê rượu yêu thơ. Khi rượu ngà ngà thường có tiếng đọc thơ. Những lúc đó Hồ Trường thường hay được “tuyển chọn”. Bài thơ tự nó đã “cảm xúc tràn đầy, hồn thơ lai láng”. Trong khung cảnh - không quá đông để xô bồ, ồn ào, không quá vắng để lạc lõng tẻ nhạt - chỉ vừa đủ ấm cúng, thân tình để những lời tâm sự dễ đi vào lòng người. Ôi! Lúc ấy ai nghe cũng thấy máu nóng dồn lên mặt, tỏa ra đôi mắt, thấy hồn chơi vơi bay bổng giữa dòng thơ. Khi bài thơ chấm dứt, có ai đó lên tiếng như muốn đại diện mọi người khen thưởng: “Thật là Hào Khí Ngất Trời!” Nhiều cái đầu gật gù ra chiều đồng ý kèm mấy tiếng nói tuy không đồng nhịp, đồng tông nhưng rất đồng lòng: Hào Khí Ngất Trời! Đúng thế! Hào Khí Ngất Trời.
Hồn thơ trong Hồ Trường chính là hào khí của sĩ phu trước cảnh non nước điêu linh. Đã nói Hào Khí Ngất Trời thì, đối với thơ ca, còn lời khen nào cao hơn nữa?
MỘT CHÚT VÍ VON CHO DỄ HIỂU
Thể thơ: Con mương (kênh, dòng sông).
Ngôn ngữ thơ (chữ, câu) + kỹ thuật thơ ca: Dòng nước luân chuyển trong mương.
Tứ thơ: Con thuyền được dòng nước đưa đi.
Hồn thơ: Gió (xuôi), đẩy con thuyền tứ thơ đi nhanh hơn. Gió không được “sinh ra” từ dòng nước mà đến từ bên trên, bên ngoài dòng nước. Gió càng mạnh tứ thơ trôi càng nhanh, bài thơ càng có hồn.
Bài Thơ Không Hồn Có Cảm Xúc Hay Không?
Dù không có gió con thuyền tứ thơ theo dòng nước vẫn trôi, và có thể cũng trôi tới bến. Trường hợp là thơ, người đọc sành điệu sẽ chê bài thơ không có hồn. Xin quý vị đừng hiểu lầm bài thơ không hồn là không có cảm xúc. Dù không hồn nhưng đã gọi là thơ thì ít nhiều cũng có cảm xúc. Gặp trường hợp này, nếu tác giả yếu tay nghề, bài thơ sẽ khô khốc, đọc chán phèo. Nhưng nếu thi sĩ khéo tay, nhuần nhuyễn kỹ thuật thơ ca thì bài thơ cũng - có chữ “đắt”, câu hay, hình ảnh đẹp, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ - có thể khơi dậy một lượng cảm xúc đáng kể trong lòng người đọc. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm xúc từ ngôn ngữ thơ, từ kỹ thuật thơ mà tôi gọi là cảm xúc nội tại của bài thơ. Nó khác xa với thứ cảm xúc có được từ hồn thơ. Hồn thơ tươi mát hơn, đằm thắm hơn, gây cảm giác sảng khoái hơn.
Nếu bài thơ không có chút cảm xúc nào ở tầng 3, người ta gọi tác giả của bài thơ đó, không phải là thi sĩ, mà là thợ thơ. Bởi vì cảm xúc tạo được ở tầng 1 và tầng 2 đều do sự “khéo tay” của tác giả (hoàn toàn có tính kỹ thuật) trong việc sử dụng chữ nghĩa, sắp xếp thế trận. Nếu có chút ít cảm xúc ở tầng 3 người ta gọi là bài thơ man mác chất tình. Nhiều cảm xúc hơn chút nữa là bài thơ thắm đượm chất tình. Nhiều hơn nữa là bài thơ có hồn. Cao hơn hết là cảm xúc dâng tràn, hồn thơ lai láng.
KẾT LUẬN
Đọc thơ, ai cũng thích gặp bài thơ chan chứa chất tình, hồn thơ lai láng. Mỗi thi sĩ, đều có cách riêng của mình, réo gọi hồn thơ. Nhưng xin đừng quên kỹ thuật thơ ca - chữ, câu, các biện pháp tu từ và thế trận chữ nghĩa – cũng rất quan trọng. Không có nó thì dù có cao hứng, có “cái gì nhập” đi nữa cũng không thể có bài thơ hay. Tầng 3 chỉ có thể yên tâm phát sinh và phát triển khi nền móng của nó là tầng 1 và tầng 2 vững vàng. Nếu chuyên cần học hỏi, rèn luyện kỹ thuật thơ ca, chú ý lắng nghe tiếng xao động trong tim mình, biết kiên nhẫn đợi chờ, thì nếu may mắn, một lúc nào đó thật bất ngờ, hồn thơ sẽ ập đến.
Galveston, Texas 07/2015
Phạm Đức Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét