Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Anh Tac Gia

CÒN MỘT CHỐN NÀO

MANG VIEN LONG

          Buổi sáng mưa sương, mù khắp cánh đồng; những đọt cau vươn cao bên những lũy tre đen thẫm; phía sau hiện lờ mờ dãy núi không đậm hơn màu xám bầu trời dày mây. Lằn mức dãy núi vẽ nhẹ nhàng dưới khoảng chân trời trông tựa nét vẽ phác bằng chì mỏng. Trong cánh đồng cao gió làm bay bay những tấm áo nylon trắng, xanh, của những hình nộm giữ chim như những người con gái xõa tóc đi dạo chơi ngoài đồng mờ sương của một thời thái bình hạnh phúc. Lão Năm Lực tự dưng cảm thấy lòng mình cũng thanh thản dễ chịu, hiếm hoi. Từ cái chòi lá che tạm giữa gò, Lão Năm Lực nhìn lơ đãng khắp cánh đồng có ý tìm kiếm thêm những hình nộm. Trông những hình nộm để nhớ tưởng tới bóng người đông đảo rộn rịp trong những vụ gặt. Những mùa cày cấy, tát nước, đổ phân. Lão nhớ quá chừng những buổi sớm mai mặt trời ửng đỏ bên kia hàng tre chiếu le lói xuống cánh đồng rộn rã tiếng nói cười hò hát. Ngồi xoay mặt trông cánh đồng từng ngày trống vắng lẻ loi dần dần lão thấy thương cánh đồng như thương cho thân mình. Cánh đồng cũng trơ vơ buồn bã với những bàn tay chăm sóc vội vàng, ra đi vội vã. Cánh đồng vì thế cằn khô còi cọt như những người đã bỏ nó ra đi, cắt lìa sự sống. Nghĩ thế, Lão Năm Lực lại nhớ tới lão Mậu hôm trở về thăm làng gặp lão ở giữa mương. Lão đã chẳng nói nhớ thương đồng ruộng là gì? lão bảo cực chẳng đã phải bấm bụng mà xa lìa ruộng đất. Sống xa cánh đồng đời như buồn tẻ quá mức. Thiệt lâu không thấy mặt đám ruộng, miếng vườn, tôi bồn chồn lắm. Anh nghĩ coi, làm sao không nhớ khi chiều nào cũng đủng đỉnh ra đồng xăm soi từng gốc lúa? Tôi bây giờ chỉ mong được trở về sống lại với ruộng vườn mà dễ gì được. Anh tính thử, tôi về thế nào cũng bị kết tội bỏ làng mà đi. Trời ơi, không đi ở nhà chịu bom chịu đạn hả anh?
          Lão Năm Lực cúi xuống nhìn điếu thuốc bị ướt nước tắt lụn trong tay. Lão móc túi lấy diêm quẹt lửa, đốt lại. Đám khói lơ lửng trước mặt lão rồi bay vuột ra ngoài theo hơi gió thoảng vào, cuốn trôi. Ngoài trời mưa sương vẫn còn giăng mờ cánh đồng. Lão nhìn sững lên màn mưa bụi nghĩ mùa mưa này tới thực chậm. Và êm ả. Bấy mùa, tháng này trời đổ mưa tối tăm mày mặt. Mưa đen kịt cánh đồng trông không thấy nổi bầy vịt. Trước mặt lão, lúc này điều gì cũng đổi thay chóng mặt khiến lão càng thêm ngơ ngác. Như những bận lão sững sở giữa những mảnh giấy truyền đơn rải trắng cánh đồng. Trường hợp của lão Cửu bị bắt giam ở quận cũng chỉ vì nhặt những mảnh giấy trắng vô tích sự bỏ rải rác khắp ngõ hẻm khiến lão phân vân, sợ hãi. Sống bám riết vào đàn vịt ở mãi trong xóm này qua bao lần nhìn thấy đã dạy lão một điều: Có miệng như câm, có mắt như mù, có tai như điếc. Lão thường nói với con gái lão, con Lạc, muốn sống được yên mày phải giữ câm cái miệng mày lại. Thời này tao coi có mắt cũng như mù. Và lão đã sống với nỗi tàn tật chưa tới đó trong mấy năm nay. Lúc đầu lão thấy thật là khó phải sống với nỗi tối tăm bưng bít của đời tàn tật. Lão uất nghẹn ray rức từng ngày với cuộc sống mình. Bà Năm Lực câm lặng phiền muộn bên lão bởi nỗi bực dọc của lão thường đổ xuống cho bà và Lạc. Bà chỉ thấy chồng thay đổi kỳ quặt với nỗi trầm ngâm cô quạnh không thốt được nửa lời, rồi bà cũng không dám tìm biết; bà nghĩ, sợ chỉ khơi dậy những lo lắng buồn bã cho chồng. Một năm trôi qua với nỗi im lặng cam chịu tàn tật đó đã khiến lão dễ chịu hơn… Thân  thể lão như trơn tuột hết mọi vướng bận, rã rời hết mọi âu lo. Có lúc lão cười vu vơ với ý nghĩ rằng lão nhẹ nhàng chơi vơi lên trên hết mọi sự - lão ưng bụng với ý nghĩ đó. Lão nói thầm: « Đời mình giờ chỉ biết có đàn vịt ».
          Nghe tiếng bầy vịt con mới nở kêu ríu rít phía trong chòi, Lão đứng dậy chui sâu vào. Lão bắt bỏ từng con sang một khu lưới khác, đếm lại, chia làm hai. Những con vịt con mịn lông tơ yếu ớt rút đầu vào nhau kêu rộn ràng. Đôi chân non chưa xuống nước không đỡ nổi thân khi chúng lộn xộn chạy long tong trong khu lưới khiến chúng ngã lăn xuống nền cỏ rẫy kêu ồn ào hơn. Lão nhẹ nhàng chia chúng ra từng khu cho đỡ dẫm vào nhau mà chết. Trông bàn tay lão êm dịu như sợ đụng mạnh vào bộ lông tơ giống người tưng tiu những con vịt bằng bông gòn, chưng bán ngoài phố. Với vợ con có nhiều lúc lão cộc cằn, nóng nảy, nhưng với bầy vịt, ít khi thấy lão khó chịu bao giờ. Cái tính coi vịt trọng hơn vợ con của lão đã nhiều lần bà Năm Lực phàn nàn, giảng giải nhưng lão không bỏ. Trong đầu lão, lão nghĩ, chính những con vịt này đã nuôi sống gia đình lão vừa ở nhà giam ra xơ rơ không biết bám vào công việc gì để sống. Bà Năm Lực cũng bó tay sau gần một năm chạy lo cho lão mà bỏ hết công ăn chuyện làm. Lão ngồi nhà giam nhưng y như cả gia đình đều bị cột chân một chỗ không yên dạ để làm một việc gì. Chỉ trừ Lạc, nàng còn ngồi đạp máy được, may vá chút đỉnh. Tới lúc làng bị chộn rộn, người dần dần vắng, may vá ế ẫm, lão hối Lạc bán chiếc máy để hùn vốn nuôi vịt lại với Gượng. Lúc làm ăn khấm khá, có vịt đàn nọ đàn kia; Gượng phải bỏ con ghe, chiếc sào, rời bầy vịt để vào lính. Nhờ những bầy vịt của Gượng để lại, lão thêm nghề ấp trứng, bán con; một mình lão làm nuôi vợ nuôi con. Chính vì tin vào những bầy vịt, lão nhất quyết không để cho con Lạc lên phố xin làm trong sở Mỹ với lũ con Hiệp, con Nhiên. Lão nói với Lạc, tao đã nuôi mày từ lúc chưa biết bò, biết lật; nay nuôi mày thêm năm mười năm nữa cũng không đến nổi. Tao có chết đi, bầy vịt này mày hưởng, nhà cửa này mày ở, còn thằng Nha… Lão bỏ lửng câu nói mỗi khi lỡ nhắc tới tên đứa con đầu đã tập kết ra Bắc mười mấy năm. Lão không dám nhắc tới tên Nha, như sợ nó là mối dây buộc trói lão lúc bị giải lên quận. Tên Nha thành một cái tên kiêng cữ, chính ông đặt ra mà không dám gọi, nhắc nhở. Từ cái tên đó, khiến lão nhớ miên man những chuyện đã đi qua đời lão như một con sóng ngầm, có lúc dữ dằn, có lúc âm thầm buồn bã. Sự nhớ tưởng nào cũng gây cho lão nhiều hoang mang, bàng hoàng cay đắng. Sau ngày đình chiến Nha trở về cao lớn lạ lùng dưới mắt lão làm lão đâm ngượng ngùng với nhiều lúc nghĩ rằng Nha là một kẻ nào xa lạ, không chút dính dấp với lão và gia đình. Lão sửng sốt, xốn xang, còn bà Năm Lực thì mừng rỡ đến chảy nước mắt. Bà ôm Nha như thuở còn nhỏ, như nắm lấy giữ được một vật gì quý giá mà đời bà ít khi ước mong nổi. Được về nhà mấy hôm, Nha lại phải ra đi. Vật quý giá mà bà Năm cầm giữ đã vuột khỏi tầm tay, đôi mắt bà. Hôm lên phố, đứng trên quốc lộ trong đoàn quân trong số đó có Nha đi bộ ra bến tầu, bà ngỡ như một cơn mộng. Vừa êm ái, vừa đau xót. Trông thấy Nha trong đám quân mặc quân phục xám, đeo ba lô, đội nón lưới, tay cầm một thanh tre có cột con chim bằng giấy treo lủng lẳng; bà thẳng thốt gọi con. Bà chảy nước mắt bên lão Năm Lực và con Lạc trong tay. Đoàn quân nối tiếp di chuyển trước mặt bà con như con nước chảy, lạnh lùng là ngơ ngác. Bà đứng dõi theo bóng Nha trôi dần cuối phố, thấy dòng nước đã cuốn trôi phăng đi mất một vật quí giá của đời bà, biết đời nào theo chân giòng nước chảy ra biển cả mà gặp được con? Thôi thì coi như mấy năm nay kháng chiến nó đã chết, bà nghĩ bụng, rồi dắt tay Lạc rời đám người dọc quốc lộ tới ngồi dưới bóng gốc cây vông cổ thụ. Lão Năm Lực đứng yên, tần ngần, khi đám quân đã qua khỏi dãy phố hẹp. Con phố trở lại cái im vắng, đìu hiu, tan vỡ của những năm bị bom đạn tàn phá gần hết nhà cửa. Bóng Nha trôi qua trước mặt bà, giữa lòng phố nhỏ, như con ngựa hoang kham khổ không dừng nghỉ gót chân. Đàn ngựa vẫn miệt mài giữa cảnh trời đất mịt mù, bưng bít. Bà nghĩ thương cho thân con mà khóc…
          Bằn bặt mấy năm những giọt nước mắt của bà Năm Lực đã ngưng chảy, nỗi sửng sốt như mất hẳn trong đôi mắt lão Năm Lực thì đột ngột lão Năm Lực bị xã mời, rồi bị giải lên quận vì có tin Nha đã trở về ở bên kia dãy núi; thỉnh thoảng có mặt trong một xóm phía dưới chân đồi. Thế là bà Năm Lực và lão có dịp nhớ lại buổi đưa tiễn năm nào xa lơ nơi con phố nhỏ một buổi sáng sớm đầu hè. Bà Năm Lực cố hình dung con, nhưng trí nhớ bà đã phai mờ hình ảnh. Tình yêu thương dạt dào nơi bà không đủ khỏa lấp nỗi trống vắng tình nghĩa giữa bà và Nha. Cuối cùng, bà thất vọng với một niềm an ủi - bà vẫn còn một đứa con ở ngoài Bắc, đứa con lưu lạc giữa đời.
          Phần lão Năm Lực sau khi từ quận lên trại giam để chờ một vụ điều tra nào đó theo lời viên quận trưởng, lão càng bơ vơ hơn khi hình ảnh Nha cũng mờ mịt âm thầm trong trí nhớ. Đến khi sợi giây liên hệ tình nghĩa sắp đứt trong nỗi nghĩ ngợi mong manh, thì sợi dây trách nhiệm dai dẳng buộc chặt đôi tay lão tới rướm máu. Sinh con ra không nhờ vã con chút nào, phải khổ vì con từ lúc sống cho tới khi chết. Thằng Quí chết gọn gàng giản dị như mảnh giấy điện tín của đơn vị nó đánh về cho lão, nhưng từng hơi thở, giọt máu của nó là sự sống, và máu đào mà lão đã truyền cho nó bấy lâu. Bồn chồn quẳng hết mọi việc để đi nhận xác con tận một tỉnh lỵ tân lập miền Cao Nguyên, lão trở về nhìn chiếc hòm kẽm phủ lá cờ lớn, vòng hoa đã héo khô, tấm bảng viết bằng sơn: Binh sĩ quân dịch Nguyễn Văn Quí, số quân 923.081, tử trận ngày 12 tháng 12 năm 68 tại Dakto; thấy lúc này lão mới thực sự được gần con như mơ ước. Lão cũng thường nói với vợ, ước gì mình được sống gần gũi với thằng Nha như sống với thằng Quí. Lão chỉ mong được chôn xác hai anh em nằm gần nhau trên quả gò có dựng chiếc chòi tranh của lão. Sớm tối lão sẽ ghé lại đó thăm, cho chúng đỡ tủi thân lạnh lẽo. Lúc còn sống hai anh em xa cách nhau, thù nghịch, bắn giết nhau, chỉ có nỗi chết mới giúp lão đem chúng gần gũi nhau thắm thiết. Mọi con người mỗi khi đã chết rồi đều hiền từ và ngây thơ. Lão tin trong cõi chết âm u chúng sẽ rủ nhau lên gò bẫy én mỗi buổi chiều, nằm co rút trò chuyện bên nhau như những đêm mùa đông rét cóng. Những ngày ở trong trại giam lão vừa bồn chồn với tin sẽ đi nhận xác Nha về chôn, vừa đau xót với nỗi trông đợi qua từng ngày mỏi mắt.
          Suốt mấy đêm liền lão đã nằm mơ thấy cả Nha và Quí dắt tay nhau lên chòi tìm lão, thấp thoáng phía sau là bóng con Lạc và bà Năm. Đã gần mười năm nay, lão chẳng hề nằm thấy gì về Nha. Chỉ một lần trông thấy Quí về nhà thăm trong một cơn mơ nhưng nó khi thì vui vẻ, vồn vã; khi thì nhăn nhó, quằn quại, trong một giấc ngủ trưa giữa chòi. Vậy rồi từ đó trở đi, lão không thấy thêm gì về chúng cả. Đời sống vất vả, tối tăm, bất yên ngày đêm đã không chừa một khe hở nào cho những giấc mơ chen chân vào đời lão. Vào trại giam, lão thấy đời mình như dừng hẳn lại đột ngột từ đây. Xa lạ với kiếp sống cũ. Cũng lạ, chỉ cách cuộc đời phía ngoài bằng một bờ tường cao, những cuộn kẽm gai dày; thế mà lão thấy như cách trở nghìn trùng, tím gan đứt ruột. Bầu trời trên cao cũng là khung trời khác biệt, tê tái. Không ngờ giữa đời lại có những căn nhà địa ngục chờ đợi con người quá sớm như thế.
          Nhờ sống gần gũi với Quí và Nha trong những giấc mơ nên lão Năm Lực đỡ thấy bơ vơ, buồn thảm như những ngày đầu chui vào nằm trong một xó tối; lão sống như thế gần một năm…


          Trời quang đãng hơn ngoài cánh đồng, màu xanh đồng ruộng cỏ cây hiện rõ nét hơn trước mặt lão Năm Lực. Nhưng như còn mưa đâu trong dãy núi mù mờ. Mây sà thấp xuống núi, màu mây và màu núi không phân biệt được. Cách một khoảng xa, mảnh trời sáng hơn nổi rõ màu núi đen thẫm. Lão Năm Lực đưa tay quấn lại chiếc khăn lông ôm choàng từ cổ lên đầu. Chiếc áo dạ đen ngắn củn chật sát vào hai nách lão không che nỗi tới bụng. Quẳng mẫu tàn thuốc ra bờ cở đẫm giọt mưa, lão sắn cao hai ống quần lên quá gối. Lão quay lại bưng thúng lúa, đi ra phía đàn vịt.
Bầy vịt đan quây quần dưới một thửa ruộng ngập nước, rộn rã kêu cạc cạc nhìn thấy bóng lão lội xuống nước, chúng đua nhau kêu nhiều hơn : cạc cạc cạc cạc cạc. Chúng bơi lội như muốn bám lấy lão. Lão Năm Lực đi vòng tròn thảy từng nắm lúa vào giữa bầy vịt. Chúng kêu: cạc cạc cạc cạc cạc cạc, rồi cắm cổ rút những hạt lúa trên mặt nước. Sau, chúng lặn sâu xuống để rút những hạt lúa chìm. Lão Năm Lực đã bước lên bờ ngồi vấn thuốc hút. Trông lão cũng thoải mái sung sướng như đàn vịt được ăn no nê. Trước mắt lão đàn vịt đang lặn lội, tắm rũ lông cánh, tản mác khắp khu ruộng là nguồn hy vọng cuối cho đời lão. Lão nghĩ tới trên một muôn trứng vào mỗi cuối tháng tự dưng mỉm cười, đứng hẳn dậy…
Nhặt hai quả trứng của những con vịt ăn chậm đẻ rớt trên bờ ruộng lão đi dọc theo bờ đê cao, trở về chòi.
Từ đầu bờ đê trông xuôi theo con nước dưới mương lão đã nhận ra dáng Lạc với chiếc ghe con rẽ nước hướng về phía lão. Thường ngày, Lạc đều chống ghe lên chòi mang cơm nước cho lão. Bà Năm Lực ở nhà trông chừng tủ trứng  ấp bằng một ngọn đèn vặn vừa bốc đủ nhiệt độ đặt phía dưới lưới sắt. Bà chỉ đi thay cho Lạc khi nàng nhờ vả vì chuyện riêng, ở nhà trông coi thế mẹ.
Lạc ngồi hẳn vào lòng ghe, chèo ghe lướt đi nhẹ nhàng như được gió thổi, con mương đục nước nguồn ngập phả bờ, có đoạn thấp đã chảy ào ào vào những đám ruộng thấp phía dưới. Lạc ngước nhìn trời: mây vẫn còn ấp ủ mặt trời trông như còn sớm lắm. Gió thổi rạt xuống mặt nước se sắc tỏa nhiều hơi lạnh lâng lâng. Lạc vui tay bơi ghe lướt nhanh hơn, thấy bóng lão Năm Lực đứng ở đầu mương cao sừng sững cô đơn như một hình nộm. Với ý nghĩ đó, nhiều bận Lạc thấy xót thương cha nhưng tình thương xót đó không che chở nổi lão, kéo giữ lão phải rời cánh đồng, căn chồi tranh chênh vênh lồng lộng gió. Nỗi lo lắng của một người con gái còn sống nhờ vào sự nuôi dưỡng làm nàng rất nhiều khi mơ ước riêng rẽ về một dự định thay đổi nào đó, nhưng cuối cùng, nàng không thể làm gì hơn ngày hai buổi chèo ghe mang cơm nước lên chòi cho cha. Buổi đầu nghe nàng nói ý định thay thế cho mẹ, lão Năm Lực cười xa vắng nói lơ lửng bộ mày không sợ uống nước hay sao? Lão chê Lạc yếu tay, chèo chống dở, đã không có cơm mang lên cho lão mà còn khiến lão sợ. Nhất là mùa nước lụt, cánh đồng mênh mông, nước lênh láng chảy ào ào ra ngã sông, mày chèo ghe để chết trôi à? Lạc vừa nghĩ tới lời trêu đùa của cha, vừa nghĩ tới sự dở dang chèo chống của mình. Ngồi trong ghe do Gượng chống có lần nàng cũng đã trù trừ không dám huống hồ một mình một ghe giữa bể nước mênh mông. Lạc cười với lão Năm nói con phải uống nước vài ba bận rồi sẽ chống giỏi, chuyện gì cha sợ dữ vậy? Để con chống ghe qua sông nước lớn cho cha coi…
Lạc cặp ghe vào sát bờ mương, bước xuống ghe lẹ làng. Lão Năm Lực đưa cánh tay xuống, kéo Lạc leo lên bờ đê.
Lạc hỏi:
- Cha cho vịt ăn rồi chưa?
- Rồi…
- Vậy mà con quên không mang thêm bao lúa.
- Để đó đã, chiều nhớ mang lên cũng được. Chà mùa này chúng ăn dữ quá. Ba hột thóc sau mùa gặt, lũ vịt ông Tám vét hết. Trời khiến cũng tức cười, chúng ăn rồi chúng trả chứ bắt mình phải trả thì bán tới ruộng tới nhà, chứ đừng nói tới heo qué trâu bò…
Lạc nhìn cha, cười:
- Chỉ có con ăn mà con không trả thôi…
Đôi mắt lão bổng sáng lên một chút trong vẻ xúc động hiếm hoi nơi cuộc đời gần xế bóng của lão. Có con trai thì lo sống lo chết, con gái thì lo hư lo nhục; lão đã qua được cái lo cho những đứa con trai, còn nỗi lo về Lạc hư đốn, tủi nhục thì lão mơ hồ thấy lão cũng qua được. Con Lạc có mặt trong từng bữa ăn của lão nơi căn chòi vắng này, lùi xùi nhỏ bé như những con vịt không lẽ nào như lũ con Nhiên, con Hiệp trau chuốt chưng diện mê tiền theo Mỹ ? Lão tin như thế, và thấy đời lão như còn được một chỗ để lão quay về ẩn trú, an ủi tấm thân.
Hai cha con lão Năm Lực đã băng qua đám ruộng ngăn chia bãi gò với con mương đục nước. Bây giờ, họ đang chui vào căn chòi thấp mái tranh còn đọng những giọt mưa và nỗi rét mướt. Chung quanh căn chòi, sự vắng vẻ trống trải tới lạnh người không bao giờ mất. Ngoài xa, một chút ánh nắng đã bắt đầu nhỏ xuống giữa đồng…
Lạc vội vã đi ra mương theo lời hối thúc của lão Năm Lực vì những đám mây sắp mang cơn mưa tới hơn là bóng chiều sắp tắt. Rời cha vào buổi chiều tối, tự dưng Lạc thấy bùi ngùi như thể đưa cha ra đi một chuyến đi xa. Một chuyến đi vào một cõi nào vời vợi phiền muộn, tăm tối gian nguy. Ngó quanh, Lạc chỉ thấy một bóng lão trên gò thầm lặng, lẻ loi bên khói thuốc. Bỏ sự yên ấm của mái gia đình, lão lên gò sống cạnh người chết cũng chỉ vì sự sống cho Lạc, sự sống cho bà Năm, và cho chính lão nữa. Nằm trên những ngôi mộ lắm lúc lão nghĩ lão giống như người chết khi đêm tối về, rồi sống trở lại khi mặt trời rạng đỏ, nghe rõ tiếng gà gáy văng vẳng dưới xóm. Vì thế, nơi gương mặt lão không làm sao xóa hết nỗi lơ ngơ mất hồn của kẻ từ cõi chết lại. Lão tự khuyên lấy lão:  « Hãy gắng với nỗi khổ của sự sống để được ngơi nghỉ bù đắp trong nấm bộ bình yên ».
Mây từ đâu kéo tới lấp đầy bầu trời thực chóng, như những cơn gió vô tình thoáng chốc thốc qua mặt nước làm chòng chành chiếc ghe của Lạc. Nàng lại đều tay chèo ghe xuôi về nhà như chạy trốn những đám mây đen vần vũ đã mờ hơi nước từ góc núi trôi dần lại. Dường như đằng sau đã có mưa mờ, mưa trắng xóa, mưa đen kịt bầu trời. Nàng lại nhanh chóng bơi ghe lắc lư dồn đuổi trên mặt nước. Gió mơn man hai bên bờ mương chạy sâu xuống thấp thổi tung bay mái tóc dài của Lạc. Nàng vẫn cố sức chèo, chèo…
Gượng len vào vườn cây ra phía sau bờ rào vạch trổ nhảy qua tới trên bờ mương trông chừng Lạc vì nổi nóng ruột của mình và của bà Năm Lực khi nhìn thấy cơn mưa như chạy dần mờ mịt trên cánh đồng. Lúc Gượng xoay lưng lại trông ngược lên quả gò nơi lão Năm Lực làm chòi canh giữ vịt thì thấy chiếc ghe của Lạc chảy nhanh tới. Trông dáng lẻ loi trên mương nước giữa buổi chiều giăng giăng mưa của Lạc, Gượng thấy quả sự nhớ thương của mình không có gì quá đáng hết. Chính những hình bóng cô đơn lùi lũi này của Lạc đã làm cho Gượng khó tưởng nghĩ tới ai tương tự hay vẽ thêm những mơ ước nào riêng biệt mà không có bóng dáng Lạc thấp thoáng, nói cười. Mà không có sự tham dự âm thầm của lão Năm Lực, mà không có tiếng nói của bà Năm Lực lẽo đẽo khuyên nhủ con về chuyện tình và chuyện đời. Phải nói là Gượng đã thương thầm nhớ trộm Lạc khi nàng còn ngồi may ở quán nhỏ bên này cầu đúc, cạnh khu chợ xéo. Lúc nàng thu dọn quán may đi ngược lên chợ thì Gượng cũng lững thững vác sào trở về. Hình như Lạc vội vã ghé vào chợ trước khi chợ tan nên nàng không để ý tới Gượng. Trái lại đôi mắt Gượng không bò sót cử chỉ nào của Lạc bởi làm sao lơ đãng được khi Gượng đã chuẩn bị rất nhiều cho những lần gặp gỡ như thế ? Với Gượng, nỗi trông đợi buổi chiều trở về sao cho thấy Lạc đã trở thành một thói quen hối thúc anh như khi nghĩ tới một điều gì quyến rũ làm man man lòng dạ, làm bồi hồi tim óc. Có thể nói, con gái đừng có lo mình hiếm muộn ế ẩm, mà phải lo sao cho mình duyên dáng nết na. Có muôn nghìn cặp mắt như đôi mắt Gượng, sẽ không bỏ sót tí nào về họ. Khi những đôi mắt biết trông chờ rạo rực như đôi mắt Gượng thì khó tránh nổi một cuộc tình sẽ nở ra. Nở ra tự nhiên như lời thú thực của Gượng với lão Năm Lực: « Bác Năm, bác Năm à, sao cháu ra đi nhưng nhớ thương em Lạc quá ».
Sau lời thưa gởi giản dị như thế lão Năm Lực đã mặc nhiên coi Gượng như người con rễ trong nhà. Bà Năm Lực thì tỏ ra vui mừng hơn với những lời lẽ ân cần, săn sóc cho Gượng như bất cứ người đàn bà nào sắp gả con có chồng. Ngày anh lên phố tới tiểu khu trình diện, Gượng giao trọn bầy vịt cho lão Năm Lực coi ngó, nhận ít tiền phòng thân, ra đi như còn để lại muôn lời nhắn nhủ, hứa hẹn sẽ trở về với bầy vịt thường ngày. Lạc quen mắt trông thấy Gượng bên cha, thiếu Gượng đi, nàng thấy cha càng tách biệt, âm thầm. Từ cảm nghĩ mỏng manh này, dần dần sự thiếu vắng Gượng đã làm cho nàng rời xa những câu chê trách Gượng cũ. Lúc đầu thì Lạc chê Gượng về hình dáng, sau tới tính bài bạc. Câu chuyện do lão Nhẫn kể lại (không rõ có vô tình cố ý chi nơi lão Nhẫn) rằng Gượng hồi mới vào nghề nuôi vịt đã mê bài quá chừng. Một lần nào đó tới nhà lão giao tiền đặt cọc lấy vịt rồi đúng ngày trứng nở, con lớn; Gượng mang đôi giỏ lên thua hết trong sòng bạc. Cuối cùng, Gượng phải xin lại tiền cọc với hi vọng gỡ gạt để có tiền nhận vịt. Lão thương tình cho mượn lại, rồi cũng thua hết. Thua liểng xiểng tới đôi giỏ cũng bán cho lão nữa thì thiệt là thằng quá tay. Lão nói, với lão thì vậy, chứ như con mẹ Dậm thì đừng có hòng mẻ trẻ lại tiền cọc, dễ gì mà để mất miếng ăn đã kề sát miệng? Sau đó đàn vịt quá ngày không có mối bán sợ nó khô chân chết dần, lão phải làm khổ vợ con mấy ngày chăm sóc ngoài đồng mới bán đổ bán tháo được cho con vợ thằng Lự. Lúc lão Nhẫn chấm dứt câu chuyện, lão kết luận: « Cái thằng mê nhiễm bài bạc kiểu này có ngày nó bán luôn vợ con chứ chẳng chơi đâu ».


Sự xa vắng Gượng bên đàn vịt thường ngày với lão Năm Lực mỗi lúc một ít làm Lạc thấy ghét những lời lão Nhẫn, nhất là khi nghe lời hỏi cưới nàng cho thằng cháu nào đó còn nhỏ tuổi, nhưng làm trong sở Mỹ dư dả có thể nuôi nổi hai ba con vợ một lúc. Tiền bạc dễ dàng vơ vét cũng sẽ dễ dàng bay đi. Tới lúc nó bay đi rồi, thì không bao giờ hẹn dịp trở lại. Lúc đó hai ba con vợ của thằng cháu lão Nhẫn sẽ vác cây mà đập nó chạy rông điên cuồng như thằng An du côn thằng Thành giết mướn. Lạc sợ hãi và kinh tởm sự giàu sang do lão Nhẫn bẻm mép tô điểm cho thằng cháu lão quá chừng; với Gượng nàng thấy yên ổn như bên đàn vịt thân thiết. Có nỗi hạnh phúc nào êm đềm trong cuộc sống vồ vập, giành giựt, tham lam đâu? Lạc quay về dần với tình yêu thương của Gượng sau ngày nhận được thư Gượng gởi về với những lời lẽ nhớ thương tràn giang đại hải. Sự trống vắng do Gượng để lại đã tô điểm đậm đà cho mối tình nàng. Và đêm đêm, nàng vẫn nuôi tròn những giấc mộng một ngày nào trở về của Gượng bên đàn vịt.
Và bây giờ Gượng đã trở về dù có hơi muộn màng khi những cánh hoa đã héo dần ánh nắng của một mùa xuân chờ đợi, nhưng mãi mãi vẫn là ước mơ của Lạc nuôi nấng canh cánh bên lòng.
Trông thấy Gượng trong bộ đồ trận thẳng thốm xa lạ từ đầu bờ mương sau vườn, Lạc dừng tay chèo. Chiếc ghe lơ lững một khúc mương theo nỗi vui mừng chùng xuống trong lòng Lạc. Cho ghe xuôi dòng nước một lúc, Lạc hối hả chèo tiếp. Chiếc ghe lại chao đi vội vã như những bước chân ân cần nồng hậu chào đón. Gượng đi bộ trên bờ mương một quãng về phía Lạc. Buổi chiều không có giờ giấc của mặt trời. Từ buổi sáng sớm hình như mặt trời còn ngủ sầu trong mây.
Gượng lên tiếng đón Lạc:
- Cô Lạc lúc này chống ghe giỏi dữ há?
Lạc cười (nụ cười hiếm hoi nở tràn hai môi nàng):
- Cái gì tập mãi cũng được chứ? Anh Gượng mới về…
Gượng phân trần (như được sắp sẵn trong ruột từ trước):
- Đáng lí anh về hôm tết, về không được buồn quá trời. Mấy ngày đó nằm mãi trong rừng không biết mùi bánh chưng bánh tét.
Lạc bước ra khỏi ghe, ngước lên nhìn Gượng:
- Ở nhà ai cũng nhắc anh hết, có để giành mấy đòn bánh nhưng không chắc anh về, mới lấy ra ăn chứ đâu…
Gượng cười:
- Ăn thế anh cũng được, được về là quí rồi. Đi lính mới thấy mấy ngày nghỉ phép là quí, không có chuyện khổ nào khổ hơn làm lính cả.
Cả hai cùng quay lưng bước vào vườn, mưa rắc hột reo trên cành lá. Gió thổi bay những cành lá khô, thỉnh thoảng rơi xuống trước mặt hai người.
Lạc nói:
- Ông trời nổi khùng sao đó, mùa này còn mưa…
- Mùa này mưa trễ, bây giờ mưa thì phải rồi còn trách móc gì nữa.
- Ông trời để giành nước mưa từ mùa đông, hèn gì mùa đông thực ngắn ít mưa như mấy mùa…
Sau lời nói, Lạc nổi lên cười dài. Mưa xào xạc nặng nề trên cành là. Gượng chợt nắm tay Lạc níu chạy vào nhà…
Bà Năm Lực đã dọn sẵn mâm cơm ngồi chờ Lạc và Gượng về ăn luôn một thể. Nghe tiếng cười rúc rích của Lạc ở nhà sau bà mỉm cười quay lưng lại hỏi:
- Ai như con Lạc ở phía sau há bay?
Lạc dạ một tiếng thật tỉnh táo, nói con chứ ai vô đây nữa.
Có tiếng Gượng cười nhẹ phụ họa theo lời Lạc.
Bà Năm Lực lại nói vói xuống:
- Hai đứa lên ăn cơm rồi dọn dẹp kẽo tối…
Gượng theo lời gọi của bà Năm Lực, bước lên trước. Mâm cơm đã bày giữa nhà, Gượng ngồi xuống trên một cái đòn gỗ để sẵn chờ đợi. Lạc vuốt lại mái tóc giữ nét mặt thật bình thản sau khi bị Gượng chận giữ lại ôm hôn nóng nảy, thật lâu.
Bà Năm Lực ngước lên nhìn con, Lạc nói:
- Anh Gượng về muộn quá hết cả bánh trái…
Bà Năm thở dài:
- Thây kệ, mắm muối gì có với nhau là quí rồi.
Gượng tiếp lời:
- Đi lính nhiều bữa ở đói…
Dừng một lát, Gượng cười:
- Nhiều hôm ăn uống không hết thức ăn...
Lạc ngồi xuống cạnh Gượng bới cơm ra chén:
- Làm gì ở trong rừng mà có thức ăn, anh Gượng?
- Hành quân đi qua làng nào không có đồng bào, của bên kia kiểm soát, bắt gà…
Bà Năm Lực gắt:
- Không có đồng bào sao có được gà, mày?
Gượng phân trần:
- Gà heo của mấy người bên kia bỏ lại, bắt ăn. Mình không ăn thì họ cũng ăn, uổng quá.
Giọng bà Năm Lực lo lắng:
- Mày liệu hồn, ăn ở sao cho có đức, ăn uống kiểu đó có ngày...
Gượng cười hề hề, nhìn thoáng lên mặt Lạc:
- Nhiều bữa gặp được mấy chum cá trong trại. bắt ăn không hết. Còn cây trái trong miền Nam ăn đã đời…Nhiều bữa mới dọn cơm ra, phải chạy, bỏ lại cho mấy ổng ăn giùm...
Gượng vừa ăn cơm, vừa kể lại những bận hành quân dài mấy chục cây số, qua làng này làng nọ dù mệt cũng tranh nhau leo cây bẻ mít, hái dưa chặt chuối. Những lần gặp phải mìn, lựu đạn làm bẫy nhử của mấy người bên kia, chết và bị thương cũng nhiều. Có hôm đi mãi khát nước, gặp một chum nước mừng rỡ tới tranh nhau uống cũng bị mìn nổ. Mọi cách rình mò để giết hại nhau cũng được Gượng kể lại ngây thơ rành rọt làm bà Năm Lực ngầy ngật khó chịu. Còn Lạc thì áy náy lo lắng cho Gượng nhiều hơn. Ngồi nghe Gượng, Lạc có cảm tưởng như Gượng đã trở về từ một cõi nào xa xăm bừng bừng khói lửa, có muôn nghìn hố chông, mìn đạn chung quanh.
Gượng bỏ đũa xuống theo bà Năm Lực, nói lơ lửng :
- Ai mà muốn đánh giết nhau làm gì, thiệt khổ…
Trong lúc Lạc lui cui dọn dẹp phía sau, Gượng ngồi ở võng nói với bà Năm Lực về chuyện vịt, chuyện trứng, chuyện ruộng vườn. Với những lời nói này, bà Năm Lực thấy Gượng không có gì khác lạ cả. Nó vẫn còn nhớ tới bầy vịt, miếng ruộng, khu vườn đó chứ? Nếu không có đánh nhau, nó không đi lính, nó đâu biết chuyện súng đạn chém giết như nó kể. Mỗi lúc, bà càng thấy nó tội nghiệp thiệt thà trong những lời lẽ đã nhắc lại, Gượng tiếp tục nói với bà những mong ước của anh, ước mong nào cũng có sự trở về bên đàn vịt với cảnh gia đình yên thấm. Dường như mỗi khi nó nói tới chuyện trở về, bà trông thấy nó man mác buồn, nao nao lòng dạ.
Đột nhiên cả hai cùng yên lặng, nhìn ra ngoài khung cửa lờ mờ bóng mưa. Ngoài bờ rào, cánh đồng mù mờ, chập choạng tối. Sự vắng lặng êm ả của cánh đồng len vào ý nghĩ của cả hai người với muôn nỗi khó nghĩ trong lòng.
Bà Năm Lực chợt hỏi:
- Con không về ngoài đó sao?
Gượng trả lời quả quyết nhưng giọng ngập ngừng:
- Mưa quá, con ở lại một đêm…
Bà Năm Lực uể oải lui vào buồng ngủ thì Lạc cũng đứng dậy đóng kĩ chốt cửa, vặn thấp ngọn đèn dầu. Nàng nói mấy đêm không có anh, cả nhà ngủ sớm lắm, ngủ như gà, như vịt vậy. Cả xóm đều ngủ, thức một mình dễ sợ quá. Mấy tháng trước còn đôi ba nhà ở kế cũng vui, nay họ dọn ra ngoài quận, nhà mình còn lại buồn teo. Thiệt xui cho gia đình bà Hải, vừa dọn lên Quận chưa đầy một tuần, bị pháo kích chết cả. Ở chỗ nào lúc này cũng nghe toàn chết chóc cả há anh? Lạc tẫn mẫn nhắc kể lại những đổi thay ở xóm sau ngày Gượng ra đi, câu nhắc nào cũng làm sững sờ tới lặng hồn. Chưa tròn một năm sao lại có quá nhiều thay đổi dễ sợ đến vậy? Dù đã quen với súng đạn và nỗi chết tươi tắn xót xa, Gượng lần này thấy rõ ràng súng đạn thật tàn nhẫn. Nỗi chết thực bầm tím ruột gan. Từng lời nhắc nhở của Lạc như những mũi kim lần hồi châm chích khơi dậy ở lòng Gượng những tưởng nhớ hãi hùng của mấy tháng làm lính thú. Mấy mươi lần sống kề cận nỗi chết lẻ loi trong những đêm đi tiền đồn, nhảy xông vào vùng ngập trời khói lửa mà chẳng có chút hi vọng trở về.
Gượng cố giữ giọng nói tự nhiên khi nắm bàn tay Lạc:
- Nói chuyện khác đi, nghe chuyện chết chóc hoài ớn quá…
Lạc cười:
- Chuyện gì?
- Chuyện gì khác chuyện đó…
- Vậy anh nói đi chớ.
Suy nghĩ một lát, Gượng giật cánh tay Lạc về phía tay mình:
- Này, chuyện… bầy vịt của hai đứa mình.
Lạc cười ngặt nghẽo, Gượng cười theo nhưng chợt ra dấu chỉ vào buồng bà Năm Lực nói nhỏ, để bà già ngủ, bả dậy bả chửi hết hai đứa cho mà coi. Lạc dừng cười, nhưng nhìn Gượng với đôi mắt còn phảng phất âm thanh. Trong ánh mắt nàng, tuổi dậy thì cũng đã tràn đầy ham muốn, lơi lả. Thấy Lạc nhìn mình đăm đăm, Gượng mất hẳn tự nhiên. Dù sao, lần gặp gỡ riêng biệt này với Gượng thật là hiếm trước đây. Ít khi Gượng được ngồi nói chuyện bên Lạc mà vắng bà Năm Lực. Sự vắng mặt bà Năm gợi dậy những ước muốn đã có lần sắp đặt, nghĩ tới; nhưng lại khiến Gượng ngỡ ngàng xúc động vì sự điềm nhiên bắt đầu trổi dậy những đòi hỏi trêu ghẹo ở Lạc. Trong lúc Gượng thì lúng túng  bỡ ngỡ từng tia nhìn khó xử tránh né Lạc, nàng lại cười hồng hai má. Có lẽ Lạc đang thích thú với nỗi tưởng nghĩ ôm ấp bấy lâu trong những ngày vắng bóng Gượng sao đó. Tới lúc con gái dở chứng thực cũng dễ sợ chứ chẳng chơi.
Gượng rời tay giữ Lạc, vặn tắt ngọn đèn dầu. Tiếng gió bên ngoài thổi ào ào qua mái tranh nghe rõ từng cơn. Đêm hoang dã biền biệt nín thở chung quanh. Gượng đứng dậy, bước ra khỏi bàn, kéo tay Lạc lại giường trong lúc nàng nổi lên tiếng cười cung cúc thật trong trẻo, lơi lả.
- Anh làm gì vậy?
Lạc hỏi giọng âu yếm, ranh mãnh; Gượng trả lời, anh có làm gì đâu. Gượng dằn Lạc nằm xuống giường, ôm lấy nàng. Anh vội vã tháo mở tung những cúc áo và áp mặt lên bờ ngực Lạc nóng bỏng, dồn dập hơi thở...
Hình như có tiếng gõ cửa, Gượng nằm im nghe ngóng cố phân biệt với tiếng động của những cơn gió lay chuyển mái hiên nhà. Đúng là tiếng gõ cửa. Gượng ngồi chồm dậy, di chuyển trong tối. Tiếng gõ cửa gấp rút hơn, khi Gượng đã ra tới quãng nhà sau. Gượng nghe tiếng Lạc hỏi thảng thốt như trong giấc ngủ đê mê vừa bị lôi dậy. Ai đó? Ai gọi cửa? Tiếng trả lời cằn nhằn thôi thúc mở cửa, mở cửa không? Lạc quơ cách tay tìm Gượng, nàng biết Gượng đã bỏ trốn trước khi nàng thức dậy. Nàng nghe hơi thở dồn dập rung động trong lồng ngực tê lạnh vì để trần. Lạc mặc vội chiếc áo.
- Sao không mở cửa, cô Lạc?
Lần này Lạc nhận ra tiếng của thằng Sáng, con lão Ba Ưng. Nó đi vắng biệt lâu nay, giờ ở đâu lại trở về? Nàng chợt nhớ tới những lời chọc ghẹo của Sáng lúc trước, vững bụng một chút.
- Làm gì gấp vậy, anh Sáng?
- Mở cửa nhanh lên …
Lạc đứng thẳng dậy, nghe có nhiều tiếng chân người di động rầm rập trong sân. Lạc nhón gót tháo chốt cửa…
Tiếng hỏi ồn ào làm bà Năm Lực thức dậy. Khi bà trở ra Lạc đã thắp sáng ngọn đèn dầu trên bàn. Ngoài sân, loáng thoáng những ánh đèn pin trong màn mưa đục.
Sáng ra dấu cho một gã nông dân lực lưỡng trói cắp ké hai tay mẹ con bà Năm Lực lại, rồi quơ ánh đèn pin dò dẫm từng hóc tối. Lạc thấy thằng Sáng đêm nay không có chút gì giống thằng Sáng mỗi chiều ngoài bờ mương tát nước, theo ghẹo nàng. Giọng nói nó cũng không phảng phất những lời lẽ quê mùa hiền khô năm cũ. Có lẽ nào nó đã đổi khác nhanh chóng như vậy? Ai đã dạy cho nó những câu nói hằn học, thù hằn xa lạ như thế kia? Bà Năm Lực sửng sốt, đôi mắt trân tráo chứa đầy nước mắt cay đắng. Những giọt nước mắt mà đã có lần bà khóc khi tiễn Nha xuống tàu, lúc đưa lão Năm Lực lên quận…
Lạc nghe nhiều bước chân chạy dồn đuổi tận phía sau vườn xen với tiếng lá cây lay động trong gió. Một lúc, Gượng được hai người đàn ông để mình trần, quần cụt, bắt dẫn vào trước mặt Sáng. Gượng nhận ra Sáng - thằng bạn thân lúc tóc còn để chỏm, định reo lên gọi nhưng hắn đã vẫy tay cho lôi Gượng ra ngoài.
Vẫn để nguyên đôi tay của mẹ con bà Năm Lực bị trói cắp ké, Sáng nhịp nhịp khẩu súng:
- Phản động, mẹ con bà rồi sẽ bị treo án…
Sáng quay phắt lại, bỏ đi. Gió ùa vào thổi tắt ngọn đèn dầu trên bàn. Phía ngoài không còn nghe tiếng dấu chân, chỉ có tiếng mưa rơi và gió thổi siết. Đêm thanh vắng quái dị. Trong nhà, bóng tối mù lòa nao núng trong đôi mắt mẹ con bà Năm Lực chan hòa nước mắt. Chợt, một tiếng nổ vang lên từ mé mương sau vườn như mũi kim đâm suốt vào lòng Lạc uất nghẹn, vào lòng bà Năm Lực tê điếng. Lạc nổi khóc to lên và nghe rõ tiếng khóc mình xa lạ, thãm thiết.
Bà Năm Lực rời rã ngồi thụt xuống, toàn thân như mềm nhũn  - mơ màng nghĩ tới một chốn nào để không còn phải nghe tiếng súng…

    Tháng 2 năm 1970

MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét