Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Ảnh Tác Giả

Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long

Lật đến trang cuối cùng của tập sách mỏng 122 trang, vuốt nhẹ tay lên bìa sách mang sắc tím trang nhã, tôi như vẫn còn chìm trong nỗi buồn nhè nhẹ khi đi qua 11 truyện ngắn đẹp, mơ và lấp lánh tính nhân văn.


Ba truyện đầu của tập sách như ba chương liên hoàn của một cuốn tiểu thuyết viết dở dang – Ngã rẽ, Bóng hạnh phúc và Trở về với motip cũ mà rất mới của câu chuyện tình tay ba Diễm - Vượng - Thảo Phương. Tôi rất thích vẻ đẹp êm đềm trong ngày Trở về của Thảo Phương đến thăm thiền viện Chơn Tâm. Không hiểu sao không gian tĩnh mịch lặng lẽ bàng bạc trong truyện ngắn này lại gợi nhớ cảm giác của một lần rất xa, con nhóc 10 tuổi – là tôi ngày đó, trốn vào một xó nhà đọc trộm Dưới bóng Hoàng Lan trong tủ sách của Ba để lại.

Cảm giác trong sáng dịu dàng mà tác giả muốn gửi đến người đọc, mơ hồ tản mác trong suốt tập truyện. Vẫn là những trắc trở của câu chuyện tình rất thơ, từ Viên và Mộng trong Dáng Mộng - kết thúc bởi oan nghiệt của lão ác thần chiến tranh; đến nhân vật “tôi” và Lài trong Chim chuyền buội ớt – thủ phạm gây trắc trở là căn bệnh quái ác của cô gái, đến kết thúc lửng lơ mà dường như có hậu của mối – tình – khi – ta - không – còn - trẻ của Sáu Toại và thiếm Cửu trong Người giữ cầu bến sông.

Nhưng vẻ tuyệt vời nhất của chữ tình, theo tôi, tác giả đã xây dựng thành công nhất qua Ái Liên trong Có một tình yêu như thế.

Bối cảnh truyện ngắn này khá xa lạ với người đọc thuộc thế hệ tôi, do vậy, khi đọc, tôi có cảm giác như được nghe Mẹ thầm thì kể về một câu truyện cổ tích về tình yêu, về lòng hy sinh, về tình mẫu tử. Vẻ đẹp của Ái Liên thoắt bỗng rất dịu dàng trong sự hình dung của tôi về một Cúc Hoa bạc mệnh.

Thành công nhất của tác giả - theo tôi, chính là phác họa về ba nhân vật lớn tuổi trong các truyện ngắn không có bóng dáng của thần tình ái.
Đó là ông Ninh trong Nỗi thèm muốn nói. Tôi hình dung ông lạc lõng trong gia đình, trong xã hội, với những bức xúc rất mực con người nhưng không thể sẻ chia với con người. Dù sao, cuối cùng ông cũng được nói, được đồng cảm với một con người, không đến nỗi như nhân vật quan đại thần ngày xưa phải vào rừng trút với … gốc cây những u uất thâm cung bí sử trĩu nặng trong .. bụng ông.

Ông Ba Phải trong truyện ngắn Ông Ba Phải cũng một thân phận cô đơn nhưng là một góc khuất cô đơn âm u khác hẵn của con người, một Harpagon thời hiện đại và được Việt hóa rất thành công.

Cuối cùng, điều làm tôi rơi nước mắt chính là ở hình bóng người cha trong Quà trung thu của Ba, truyện ngắn khép lại tập truyện Người giữ cầu bến sông của nhà văn Mang Viên Long. Dường như tấm lòng nhân hậu của nhà văn đã đúc kết nên nhân vật này ? Xin được cảm ơn ông./.

21-8-2008



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét