Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Ảnh tác giả

ĐỌC LẠI NHỮNG TRANG THƠ CŨ


Tạp Bút
MANG VIÊN LONG



      Một dịp gần cuối tháng 2 /2014, tôi vào Saigon để tái khám tim, sau khi đến thắp hương cho Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh, người bạn văn cùng đi có nhã ý mời chúng tôi đến quán “Đất Phương Nam” để thư giản đôi chút, bởi lâu lâu tôi mới từ quê vào thành phố một lần. Lời mời của người bạn, khiến tôi nhớ lại lời hứa với nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh từ ba tháng trước khi cùng gặp nhau ở quán Café AQ (với các anh Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều, Sâm Thương, Nguyên Minh, và Kinh Dương Vương), là chuyến vào tái khám lần sau, sẽ gặp nhau…

      Chiều Mồng 1 Tết, Nguyên Minh đã phone cho biết, CTNM đã về lại nhà, theo lời anh “bệnh viện chê rồi, cậu ơi!”. Tôi vẫn nghĩ, ít ra, dù không cùng ngồi quán nhâm nhi tách café sáng, mà cười nói đủ chuyện vui như dạo nào, nhưng vẫn còn nhìn thấy nhau. Không ngờ (cuộc đời vẫn có những lần “không ngờ” đau lòng), CTNM đã đi về phía nghĩa trang buổi sáng Chủ Nhật, thì buổi chiều Chủ Nhật tôi mới lên tàu…Sáng sớm thứ 2, tôi và ba người bạn văn đã hẹn nhau, cùng đến thắp hương cho CTMN...Dịp nầy, tôi cũng đã xin chị Tâm thêm 2 nén hương, để thắp cho CTNM theo lời nhắn gởi của các anh Từ Vũ và Hoàng Lộc. Một hình bóng thân yêu bao năm, đã dần dần xa hút…
       Tôi rất vui nhận lời, cùng đến quán “Đất Phương Nam” để được hội ngộ anh em, sống thêm cho những kỷ niệm thân yêu, mà có lẽ - với hoàn cảnh của tôi (và hình như cũng của tất cả), thời gian được sum vầy hạnh phúc như thế rất hiếm, trong quỹ thời gian hữu hạn của đời người còn lại. Chúng tôi đã gặp nhau: Các anh Lê Nghị, Nguyên Cẩn, Võ Chân Cửu, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Văn Nhật, Trần Trung Áng, Nguyễn Hữu Duyên, Lê Phương Châu, và Hải Âu.
        Chúng tôi cùng “nâng ly & cụng ly” chúc nhau thêm được nhiều niềm vui, nhiều sáng tác mới. Trong dịp nầy, anh Lê Nghị đã gởi tặng cho riêng tôi hai ấn phẩm quý mà anh còn giữ dù đã trải qua hơn 40 năm thăng trầm của thời cuộc, của đời người! Đó là tập thơ “Hát Rừng” của anh (XB tháng 12.1972), và “Tuyển Tập Thi Ca” (số 1, mùa  thu tháng 10 năm 1971), gồm thơ của Trần Thị Tuệ Mai, Lê Nghị, Trần Xuân Kiêm, Huy Tưởng, Trụ Vũ, và Nguyễn Hữu Nhật.
          Thật là một bất ngờ rất hạnh phúc, vì với những tác giả ấy, tôi đã từng đọc nhiều, có người quen thân, nhưng đã lưu lạc từ nhiều chục năm nay chưa được gặp lại; tôi nghĩ, hôm nay, nhận được tập thơ nầy, coi như tôi đã “gặp lại” những người bạn văn ấy rồi! Tôi bổng nhớ tới nhà thơ Huy Tưởng vào mùa hè năm 1969, một lần ghé thăm tôi ở quê nhà An Nhơn, trong chuyến vào lại Saigon từ Tam Kỳ trên chiếc xe Citroen bốn chỗ ngồi, đã gởi tặng cho tập thơ “Mưa Trong Vườn Chiêm Bao”  của anh vừa xuất bản, in trên giấy satine lán rất trang nhã, mỹ thuật, cho dầu  thời điểm ấy chuyện in ấn cho mỹ thuật là rất công phu, tốn kém. Tập thơ ấy (và bao tác phẩm khác của bạn văn,  của chính tôi, đã không còn, sau 75).
          Về lại quê, những ngày tháng yên vắng, hiu quạnh - tôi đã nhâm nhi từng bài thơ cũ trong “Tuyển Tập…” mà tìm lại chút sinh khí một thời, tìm thêm niềm an ủi để có thể tiếp tục cuộc sống. Quả thật, những trang thơ cũ này đã cho tôi rất nhiều niềm vui, hạnh phúc về một thời tuổi trẻ cùng nhau say mê văn chương…
           Trần Thị Tuệ Mai với bài “Vu Quy” viết theo thể thơ bốn chữ, bốn câu – dài 11 đoạn, nhắc tôi nhớ một thời “mê” thơ của chị. Nếu không có gì ngại ngùng, phải nói, tôi đã “yêu” thơ chị: Những bài thơ trong sáng, hồn nhiên, tràn đầy cảm xúc yêu thương ấy, đã từng khiến tôi mơ tưởng. Có lẽ. Tuệ Mai viết bài “Vu Quy” nầy, trước khi (hay đang khi) bước lên xe hoa, tạm khép lại quảng đời xuân thì thơ mộng, yên ã?

           “Một lần khép nép
             chào biệt mẹ cha
             phận con là gái
             như hạt mưa sa

             Một lần e lệ
             bước lên xe hoa
             khép trang nhật ký
             thôi giòng viễn mơ”

           Tâm sự của người con gái thập niên 60 sống trong vòng lễ giáo nghiêm nhặt của thế kỷ trước, trước khi xa gia đình, rời đời sống riêng, để bước sang một trang đời mới, đã được Tuệ Mai ghi lại rất sâu sắc:

            “Thôi chăn gối lẻ
               gửi lại giường xưa
               ủ giùm cho nhé
               hương đào ngây thơ

              Thôi bàn học cũ
               sách vở từng năm
               nhớ người tóc xõa
               ôn bài dưới trăng”.

          Tất cả những kỷ niệm êm đềm của một thời con gái, một thời thơ ngây, một thời mơ mộng, một thời hé mở yêu thương đã được Tuệ Mai kín đáo “gởi khu vườn nhỏ”( bởi vì nhà thơ đâu còn biết “gửi lại” cho ai trong nếp sống vốn khép kín, lặng thầm?)

              “Gửi khu vườn nhỏ
                Ngày tháng nô đùa
                Chân chim khuyên nhảy
                Dưới tàng lá thưa

                Gửi khu vườn nhỏ
                Những sáng thường qua
                Dấu chân lưu luyến
                Giòng mắt mong chờ

                Gửi khu vườn nhỏ
                Những thoáng say mơ
                Của mùa e ấp
                Sen ngó đào tơ”

             Tuệ Mai đã rất chân thành chia sẻ cảm nghĩ về thân phận người con gái “như hạt mưa sa” của thập niên 60, mà chính nhà thơ cũng đang là “một hạt mưa sa” giữa dặm trường đời sống:

               “(…)
                 Là thôi là tắt
                 tiếng hát ngây thơ
                 từ lòng sen ngó
                 từ nụ đào tơ

                 Gót hài hôn lễ
                 đưa bước xa nhà
                 theo câu phận gái
                 như hạt mưa sa”

      Nhà thơ Lê Nghị có 3 bài trong tuyển tập: Một Sáng/ Tường Vi/ Chùa Hoang. Với hơi thơ êm nhẹ, tròn đầy; Lê Nghị của thập niên 60 xưa chẳng khác hôm nay bao nhiêu. Thơ anh luôn trong sáng, chân tình, sâu lắng như con người của anh vậy. Cách nay hơn 40 năm - Lê Nghị đã có những câu thơ 5 chữ ngọt ngào, nhẹ tênh:

                 “lụa nào xanh đỉnh biết
                  tơ nào vàng đáy khe
                  rừng khuya nào im tiếng
                  con bướm xưa vụt về…

                   thời gian nào mây đi
                   không gian nào đá ngủ
                   đầu ghềnh, cây tích trượng
                   nở một đóa tường vi”
                    (Tường Vi)

          Bài “Chùa Hoang” đã cho tôi hiểu thêm về thơ Lê Nghị: Thơ anh luôn thắm đượm đạo vi, bên cuộc nhân sinh trầm luân điên đảo. ngay từ dạo ấy. Những nét chấm phá tiêu biểu như vết cắt về một mái “chùa hoang” đã đầy ắp tâm tình người lữ khách:

                  “ mái chùa cũ
                    chút hồn xưa
                    ngói rêu cỏ mọc trên trưa nắng nồng
                    trúc đào nở
                     đỏ từng bông
                    bên khe giếng ngọc biệt dòng nhạn bay
                     mây trời trắng
                     tượng ngủ say
                     vẳng mưa dưới núi tháng ngày có, không
                     ngõ chùa vắng
                     áo sư ông
                     gió tung năm trước còn mong chi về”

         Lục bát của Trần Xuân Kiêm 40 năm trước đã sáng lên một nét sáng tạo hiện đại, đỉnh đạt; trong hồn thơ tân kỳ, tự nhiên:

                     “đưa người qua suốt rừng đông
                       đồi cao còn nở mấy bông sương mù
                       đưa người qua cuối rừng thu
                       dấu chân bổng tạc trong mù sương sa
                       đưa người đưa nửa hồn ta
                       nhìn nhau rồi cũng như tà dương kia”
                         (Đưa Người Trên Rừng Đại Ninh)

        “Về Thăm Nhà Cũ Ở Blao” đầy tâm trạng chân tình:

                      “đêm qua mưa lũ ta về
                        đứng im như tượng bên hè nhà xưa
                        một hồn rũ rượi trong mưa
                        nhớ ơi ngọc trắng ngày xưa cát lầm
                        cỏ cây vườn cũ lạnh căm
                        quỳ hòn còn thấy xa xăm dáng người”

             Còn “Tóc Thơm” thì tràn dầy cõi mộng thương yêu:

                        “người đứng hiên ngoài nghiêng mái tóc
                          vô tình để rớt một làn hương
                          trời ơi! ta thấy mây tiền kiếp
                          bay suốt hồn ta vắng lạ thường”

            Huy Tưởng với 6 bài, gồm 3 bài lục bát và 3 bài tứ tuyệt tám chữ. Đây là 2 thể thở sở trường rất đặc biệt của nhà thơ Huy Tưởng đầu thập niên 60 - nhất là lục bát của anh đã một thời sáng lên như một biểu tượng lạ trong sinh hoạt thi ca miền Nam.
            Bài “Trang Đầu Mộng” (tặng Ph. Th):

                        “Dấu sương in vết chim hồnỒ
                          Khi về dón bóng tà trông ngóng Người
                          Chiều lên muôn dặm mù khơi
                          Hai bàn tay lạnh buốt lời chiêm bao
                   
                          Tuần trăng u hiển tuôn trào
                           Nghìn trang đầu mộng bước vào đề thơ…
                           Ồ cây lá buổi nguyên sơ
                           Ồ thông ngàn réo bên bờ tử sinh

                           Nơi đây cuối nẻo biên đình
                           Đá sương âm  vọng thác ghềnh hư không
                           Ta nằm chết lục sầu đông
                           Máu khô tóc lặng môi xông hương Người…”

             Tôi còn nhớ, tập thơ “Mưa Trong Vườn Chiêm Bao” của Huy Tưởng (có lẽ XB năm 69) - có nhiều bài thơ nói đến “chiêm bao”? Giấc chiêm bao trong thơ anh thật da diết, thật đằm thắm, và đôi khi cũng thật ngậm ngùi theo anh mãi cho đến sau nầy! Tôi có cảm nghĩ, có lẽ nhà thơ đã sống thường trực trong chiêm bao giữa đời thực, nên thơ anh luôn bị ám ảnh bởi những giấc “chiêm bao” huyền hoặc cô liêu - “áo sương chùng trăng lấm bụi chiêm bao” (mà cuộc đời quả thật là một giấc chiêm bao dài) :

                         “Người rớt lại giữa chiều thu năm cũ
                           Áo sương chùng trăng lấm bụi chiêm bao
                           Trời cổ nguyệt băng hồng đau lá mỏng
                           Ta nằm nghe máu đỏ giạt phương nào?”

            Nhà thơ - nhà thư pháp Trụ Vũ cũng đã góp mặt với 5 bài thơ, trong đó có 3 bài tứ tuyệt. Trụ Vũ đến với thơ, và thư pháp rất sớm, đến nay ở tuổi trên 80 ông đã có khoảng 30 tập thơ, phần nhiều là thơ viết về Đạo. Tập thơ mới nhất của ông có tựa “Hương Cà Phê” đã được giới thiệu năm ông 80.Tôi rất ngưỡng mộ ông về mãng thơ Đạo - giản dị, thâm trầm, sâu lắng; chứa chất bao thực chứng từ đời sống ưu phiền khổ đau của kiếp nhân sinh. Trụ Vũ đã viết “Con Chim Ột Rột”cách nay gần nửa thế kỷ:

                     “Con chim ột rột vườn tôi
                       Nó đan cái tổ tuyệt vời bằng thơ
                       Tổ vàng trong gió đong đưa
                       Trời biêng biếc, tổ buồn trưa…ạ ời…

                        Xa quê mấy chục năm trời
                        Nhớ chim ột rột tưởng lời ca dao
                        Lên non cho biết non cao
                        Nuôi con cho biết công lao mẹ hiền

                        Những khi trán nặng ưu phiền
                        Nhớ rơm nhớ rạ trổ chim đan tròn
                        Chênh chênh nguyệt xế đầu non
                        Phất phơ tóc bạc sợi còn vương mây”

             Nguyễn Hữu Nhật với bài thơ “Tháng Mười Ở Đâu Em Vinh” dài 10 đoạn thơ 7 chữ 4 câu. Đây là một bài thơ tình hay trong số những bài thơ tình lãng mạng thơ mộng vào thập niên 60 đã được giới thiệu. Bên cạnh nét trữ tình cổ điển thời tiền chiến, thơ Nguyễn Hữu Nhật còn có tính hiện thực rất nhạy bén, phong phú. Xin trích chia sẻ 5 đoạn đầu:

                       “Sợ nhất lúc buông nhau mùa gió
                         bao nhiêu chăn phủ chẳng ấm đời
                         giường gỗ mộc run lên tiếng lạnh
                         nhớ hơi người đến chết mất thôi

                         Lũ bàn ghế đứng im một chỗ
                         nghe buồn tênh thớ gỗ mọt kêu
                         sắp đứt mong manh từng sợi nhỏ
                         những tơ trời nhện dở dang treo

                         Nếu thật chờ nhau mà hóa đá
                         thì xin thử đợi một lần xem
                         chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
                         ngàn năm không thấy dấu chân em

                         Cho đến lúc hào quang tan biến
                        em trườn mình như một con sâu
                        rơi thong thả trong vườn hoa chuối
                        những nắng vàng óng ánh tóc nâu

                       Tôi dại dột để chiều mang đi
                        chiếc đĩa lớn đầy lòng trứng đỏ
                        khi yêu nhau ai cần bày tỏ
                       (miệng và tai câm điếc biết gì?) (…)”
     
        Xin cảm ơn “những trang thơ cũ”, đã cho tôi phút giây sống lại một thời tuổi trẻ hào hoa, hào khí - không bao giờ quên!

Thân mến tặng anh Lê Nghị
Quê nhà, tháng 3/ 2014
MANG VIÊN LONG

  
         

            
             
    
                       
     
   
   
     
              
           
                          

    

            
          
        

    
        

  

           
   

           
   
     
     
    


 
       

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét