Nghi oan
Truyện ngắn của HOÀNG ĐẰNG
Ông Đạt nằm cạnh bà Đào – vợ ông. Ông Đạt tuổi đã 75, bà Đào
chừng 62, 63 gì đó.
Trời mùa đông lạnh. Bên ngoài, gió mùa Đông Bắc thổi từng
luồng, đẩy cây mai trồng sát cửa sổ khiến những tàn lá non quét ràn rạt vào khung
kính. Trong phòng, trái lại, hơi ấm hắt ra từ chiếc máy điều hòa nhiệt độ; cộng
thêm, giường lót nệm, chăn bông dày và đôi gối mềm.
Nhà chỉ có hai ông bà già. Con trai, con gái đã có gia đình
riêng; gia đình nào có tổ ấm ấy.
Tối nào cũng vậy, nằm vào giường, ông Đạt và bà Đào cũng sờ
mó, hôn hít, âu yếm nhau một hồi như vợ chồng đang son trẻ, sung sức. Ông ôm
nựng bà, bà ôm nựng ông “đã đời”, mệt thì ngủ; ông nằm ngửa ra, bà nghiêng mình
xoay mặt vào tường. Ông ngáy nhiều, cứ “ồ … ồ … à … à …”, còn bà thì ít ngủ,
lật qua lật về mình mẩy; có lẽ bà nhức mỏi xương xóc.
Ngay cả ban ngày, nếu không có nhà nào mời dự kỵ giỗ, hai
ông bà thường ngồi xem TV; ông tháy máy lắm, cứ xích tới gần rồi gác cẳng lên
bắp vế bà, bà kêu: “Ôi nặng, nặng!” rồi đưa tay đẩy chân ông xuống.
Đêm ấy, bà đang trằn trọc, chưa ngủ được thì nghe ông, vừa
dứt tiếng ngáy, ngâm thơ giọng khàn khàn:
“Mai ơi! Mai ơi!
Sao đi bên em mà như đất trời cách biệt.
Để đêm về anh trằn trọc ngủ không yên …
Cứ chiều chiều anh thầm gọi tên em.
Ôi cô quạnh! Không gian màu tím đục …”
Ông Đạt “mớ”. Bà Đào đập mạnh một bép vào cái mông xẹp lép
của ông. Đau, ông giật mình, tỉnh mộng. Bà Đào đưa cả 10 ngón tay cấu vào vai
ông, miệng lằm bằm trong nhịp thở nhanh:
- Mai nào! Mai nào! Ngoại tình trong tư tưởng à! Già rồi mà
mộng với mơ, thơ với thẩn.
*
* *
Năm học 1960 – 1961, Đạt 20 tuổi, người Quảng Trị, Mai 18
tuổi, người Sài Gòn; cả hai, không hẹn, đều nộp đơn thi và trúng tuyển vào viện
Hán Học Huế.
Viện Hán Học là một trường nhỏ, duy nhất trên toàn lãnh thổ
miền Nam từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu. Viện mở ra trước đó một năm – năm
1959. Mục đích là đào tạo những chuyên viên nghiên cứu văn hóa quá khứ của dân
tộc, những thầy cô giáo dạy Hán văn ở bậc trung học…
Trong khóa học ấy, ngoài Mai ra, còn có năm, bảy nữ sinh
người miền Nam. Họ sống xa nhà, buồn và lạ đất lạ người nên ít nói lắm; chỉ có
Mai thì khác, Mai nhí nhảnh, tìm cách làm quen với những đồng môn ở Huế, nam
cũng như nữ. Ngoài giờ lên lớp, cô trò chuyện, cô mỉm cười với người này, người
khác.
Cô có khuôn mặt duyên dáng, dễ gây thiện cảm - khuôn mặt
trái xoan điểm thêm cặp mắt đen nhánh mở to dưới cặp lông mày rậm đen nắn tỉa
thành hình trăng lưỡi liềm cân đối, cái sống mũi cao hơi cong như kiểu mũi con
gái phương Tây, hai má gợn hai lúm đồng tiền, cái miệng dài với đôi môi mỏng.
Chừng ấy thứ tạo nơi cô, mỗi khi cười, một nét duyên rất hấp dẫn người đối diện
.
Còn Đạt sinh ra trong một gia đình khá giả; nhờ thế, cậu ăn
mặc chải chuốt, quần áo lúc nào cũng ủi thẳng tắp, cậu thường bận cái quần màu
xám tro, cái áo sơ-mi trang trí mô-típ ca-rô xanh nhạt, mái tóc đen bồng bềnh,
chải tém thành hai mái, mái bên phải rộng hơn mái bên trái, chân mang giày loại
da “xịn” mũi nhọn vớt cong đánh xi bóng láng, đế giày đóng đinh sắt, mỗi khi
cậu bước, vang tiếng “lộp cộp”; thời ấy người ta gọi là giày Chicago, có lẽ là
mốt giày có nguồn gốc từ thành phố Chicago bên Mỹ.
Trong lớp, sinh viên mỗi người được trang bị một ghế ngồi
riêng, loại ghế này có gắn một tấm ván xoay qua về được làm bàn viết. Mới vào
học, Đạt bị hớp hồn bởi cái duyên của Mai, cậu tần ngần, đảo mắt nhìn quanh lớp
rồi bưng ghế mình tới đặt cạnh ghế Mai.
Giờ học Hán tự đầu tiên, thầy Võ Như Nguyện cho học một số
chữ đơn giản, ít nét; thầy viết hai chữ “thượng” (trên) và “hạ” (dưới) lên
bảng; mỗi chữ chỉ có 3 nét: một nét ngang, một nén sổ đứng và một nét chấm.
Sinh viên chăm chú mài mực vào nghiên, chấm bút lông vào mực, nhìn lên bảng, sổ
ngang, sổ dọc rồi đặt dấu chấm bên cạnh sổ dọc – nói tập vẽ thì đúng hơn tập
viết. Đạt vẽ xong phần của mình, cậu muốn tìm cơ hội nói chuyện với Mai. Cậu
nhìn qua phần vẽ của Mai, mừng: khám phá ra lỗi, thế là có cớ để lên tiếng:
- Mai điểm dấu chấm ở chữ “hạ” sai rồi, dấu chấm nằm bên
phải, sao Mai lại đặt bên trái?
Mai nghiêng đầu qua ghế Đạt, xem Đạt vẽ như thế nào, rồi đối
chiếu chữ của cô, chữ của Đạt với chữ của thầy trên bảng.
- Mèn đét ơi! Mai vẽ sai rồi, cảm ơn bạn đã chỉ cho. Cô nói
với cái giọng Sài Gòn dẻo như keo dính, miệng mỉm cười.
Hình như cô thẹn vì chỉ mấy chữ “nhập môn” mà do bất cẩn cô
đã vẽ không đúng. Mặt cô đỏ lên chẳng khác gì một đóa hoa hồng mới hái khiến
lòng Đạt rộn lên một cảm giác ngất ngây từ trước đến giờ chưa từng trải.
Mai thuê nhà trọ gần trường. Đạt trả lại nhà trọ chỉ mới
thuê được mấy ngày, đến thuê nhà trọ gần Mai. Hai nhà trọ nằm sâu trong hai khu
vườn rậm cây ăn trái, cách nhau một con đường.
Ngày học nào, Đạt cũng chuẩn bị tư thế sẵn sàng lên đường:
ăn mặc tươm tất, đầu chải bóng láng; chờ. Nhìn qua bên kia, thấy Mai xách cặp
đi, Đạt đi theo.
Thời gian đầu, Đạt đi cách xa xa, mỗi ngày gần Mai thêm một
chút cho đến lúc hai người bước ngang nhau. Đi bên cạnh Mai, Đạt thường hỏi
những câu bâng quơ, nào:
- Hồi hôm Mai ngủ ngon không?
Nào:
- Bài tập dùng các thì (temps) trong tiếng Pháp thầy cho về
làm ở nhà, Mai làm chưa?
Trong trường, trong lớp, Mai thích trò chuyện, vậy mà ra
đường, Mai bẽn lẽn, chỉ cười, không bao giờ trả lời. Mai thẹn với người đi
đường và nhất là sợ bạn bè đồng hương bắt gặp, xấu miệng nhắn cho ba má trong
Nam biết thì có thể nguy; việc học hành không chừng phải gián đoạn; ba má có
thể nghĩ rằng gởi Mai ra Huế để học, giờ ra đó, cặp bồ cặp bịch không lo học
hành, ba má sẽ rút Mai về Nam.
Hễ Đạt đi ngang Mai, Mai hoặc là đi chậm lại để Đạt lên
trước, hoặc là đi nhanh để Đạt lẽo đẽo theo sau. Những lúc như thế, Đạt có cảm
giác hụt hẫng. Trên đường đi, Mai cứ đưa “tay mân mê chiếc nón che khuất mày”.
Đạt nghĩ thầm: “Người ta nói gái miền Nam bộc trực, dễ tiếp
xúc, sao cô này khó dữ ri!”; Tuy nhiên, Đạt không thất vọng, vẫn đeo đuổi Mai
dù biết rằng có nhiều bạn nữ khác đang
có cảm tình với mình, mình muốn “cua” (faire la cour) dễ ẹc, lúc nào cũng được.
Cậu vừa con nhà giàu, vừa đẹp trai, vừa học giỏi, thiếu gì người đang đặt cậu
trong tầm ngắm!
Thật thế, tuy dành nhiều thì giờ cho “cua kéo”, Đạt vẫn là
sinh viên học giỏi; trong danh sách xếp hạng kỳ thi cuối mỗi năm, Đạt luôn có
chỗ đứng trong vài ba người dẫn đầu. Đạt đã từng nhận huy chương về thành tích
học tập của viện Đại Học Huế - ở bậc đại học mà cụ thể là ở đại học Huế, sinh
viên học giỏi chỉ lãnh thưởng bằng huy chương mà không lãnh thưởng bằng vật
chất như sách vở, đồ dùng học tập … giống học sinh trung học. Việc ban phát huy
chương dựa vào những tiêu chí rất khó khăn, không phải chỉ dựa vào thành tích
học tập mà còn dựa vào hạnh kiểm, tham gia sinh hoạt học đường … khó như việc chọn lựa hoa hậu vậy; không phải
chỉ đẹp ở khuôn mặt, vóc dáng mà còn phải giỏi trong ứng xử, trình độ văn hóa,
tấm lòng nhân ái đối với cộng đồng ...
Gia đình Đạt thuộc loại khá giả ở Quảng Trị - một tỉnh lẻ.
Bố Đạt là công chức cao cấp, mẹ Đạt có quầy bán thuốc Tây. Thời ấy, đi học, ai
nhà gần trường thì đi bộ, ai nhà xa thì đi xe đạp; mà xe đạp cũng ít chiếc đàng
hoàng, đa số là xe cũ, tróc nước sơn, thiếu một vài bộ phận như đèn, chuông,
garde-boue (cái chắn bùn), … vậy mà Đạt có xe gắn máy. Những ngày nghỉ học, Đạt
vi vu dạo phố trên xe gắn máy; còn đi học, Đạt đi bộ thôi, không phải Đạt sợ
hỏng xe hay tốn xăng mà vì Đạt muốn lè kè bên Mai.
Đạt lại còn có hồn thơ. Thơ của cậu bao hàm nhiều đề tài:
chuyện nước, chuyện nhà, đặc biệt là chuyện tình. Lòng đắm đuối mà cậu dành cho
Mai đã bùng phát thành những vần thơ hay, não nề; chẳng hạn như:
“Em đi bên kia đường,
Anh đi bên ni đường.
Sao em cúi mặt?
Cho tình anh vương…”
“Em đương bước về đâu!
Cho ai nặng gánh sầu?
Một trời ôi nhung nhớ!
Trằn trọc những canh thâu…”
Những tiêu chuẩn hàng đầu mà các gia đình, các chàng trai,
các cô gái dùng để kén rể, kén chồng, kén vợ là (1) con nhà giàu, (2) học giỏi.
Đạt không những đủ còn dư tâm hồn thi sĩ. Vậy mà lạ nhỉ! Mai lại hững hờ với
Đạt, Tuy vậy, Đạt không chùn bước; theo quan niệm của Đạt, làm được việc dễ đã
đành, làm được việc khó xứng danh anh hùng. Mai là gái khó “cua”, mình “cua”
được mới là giỏi; hơn nữa, nếu Mai dễ “cua” thì lúc còn ở trong Nam, Mai đã
theo ai đó rồi còn đâu ra đến Huế để đến phiên mình và nếu Mai là người dễ dãi
trong tình trường, với duyên dáng ấy, với sắc đẹp ấy, chắc chắn lắm thằng đàn
ông đã tiếp cận rồi, mình dại gì làm kẻ
đến sau mà hưởng “cơm thừa canh cặn.”
Đã 4 năm rồi, Đạt đeo đuổi Mai. Từ đầu năm học thứ I đến hết
năm học thứ IV. Việc vẫn là con số không tròn trịa. Đạt chưa tìm được dịp để tỏ
tình.
Mời Mai đi chơi các danh lam thắng cảnh ở Huế, Mai không đi,
chỉ cười. Mời Mai đi uống cà phê, Mai không đi, chỉ cười. Mời Mai tranh thủ
ngày nghỉ theo cùng về thăm nhà ở Quảng Trị, Mai không nhận lời, cũng chỉ cười.
Các bạn nam trong lớp biết chuyện. Đầu hè cuối năm học 1963
– 1964, một số bạn thân rủ Đạt đi biển Thuận An và nhắn Đạt mời Mai đi luôn
thể. Ngày đi, các bạn chỉ thấy một mình Đạt; trong vui đùa, một bạn hỏi Đạt:
- Mày đã hôn hít, sờ mó gì được nó chưa?
Đạt tự thú:
- Nó có cho mình gần đâu mà trổ những trò ấy.
Một bạn khác nói xen vô:
- Mi coi, không chừng nó không có “bộ đồ nghề” hay có nhưng
hư hỏng rồi, nên nó không muốn lấy chồng vì không thể.
Đạt gãi đầu, uể oải trả lời:
- Tao cũng không biết răng!
Hè 1964, Mai về nghỉ với gia đình trong Nam. Còn một năm học
nữa thì Mai ra trường. Một buổi tối, gia đình quây quần bên mâm cơm; nhìn đứa
con gái 23 tuổi đã qua 3 lần “hâm”, má của Mai chia xẻ tâm tư:
- Con Mai sang năm 24 tuổi rồi, cũng đã tuổi nên kiếm chồng.
Ba của Mai nói thêm:
- Sang năm nó cũng ra trường, với bằng tốt nghiệp Viện Hán
Học cộng thêm 2 chứng chỉ bên đại học văn khoa Huế mà nó tranh thủ học thêm, dù
khó khăn bao nhiêu nó cũng kiếm được việc làm. Lập gia đình là vừa rồi, nếu rày
lần mai lữa không khéo bị ế. Thời buổi chiến tranh, trai tráng chết nhiều, kiếm
được chồng không phải dễ.
Ngồi nghe ba má gợi ý, Mai cảm thấy phấn khởi. Từ trước tới
giờ, cứ ngỡ ba má chỉ bắt mình chuyên chú tâm
trí vào việc học, té ra các người cũng lo cho hạnh phúc tương lai của
mình. Mai cười rồi thưa:
- Cảm ơn ba má đã lo cho tương lai của con, sợ con “hâm” đi
“hâm” lại rồi không kiếm được chồng. Vậy thì theo ý ba má, người chồng của con
phải như thế nào?
Má của Mai đưa ra tiêu chuẩn:
- Chồng của con là người ở bên con trọn đời. Ba má già rồi
có ngày sẽ phải chết; anh chị em con mỗi người sẽ có tổ ấm riêng. Người ở với
con trọn đời phải hiểu con, đồng cảm niềm vui nỗi buồn của con, biết dung chấp
để khi con phạm lỗi lầm mà sẵn sàng tha thứ, biết hối cãi khi chính mình phạm
lỗi. Con cũng như người đó phải biết hiếu thảo với ba má hai bên, biết hòa
thuận với anh chị em hai bên.
Mai khoanh tay nghe, rồi hỏi thêm:
- Con lấy chồng ở xa, được không ba má?
Thay vì trả lời thẳng, ba của Mai liền đọc hai câu thơ :
-“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất
tương phùng.” Con học Hán văn, hiểu nghĩa nói gì chứ!
Đêm lại, Mai không ngủ được, thao thức, trằn trọc, lòng cứ
nghĩ đến Đạt. Mai bật đèn lên, kiếm tờ giấy. Vẫn nằm sấp, dài ra trên giường,
Mai viết bức thư gởi Đạt:
‘Đạt thân,
Mai mới về trong này mấy bữa mà đã nhớ Đạt. Đạt khỏe không?
Ngoài nớ có nhớ trong này không? Mai biết Đạt theo mình 4 năm nay. Giữa chúng
mình, một sợi dây vô hình đã hình thành vương vấn 2 đứa. Gần thì không dám nói
mà xa một chút thì trông mòn mỏi.
Thôi, chưa có chuyện gì để nói nhiều. Hẹn gặp lại vào ngày
khai giảng.
Mai’
Thư Mai đến theo đường hỏa tốc. Đọc thư, Đạt mừng quýnh. Sự
nghiệp vĩ đại tốn nhiều công phu sắp đến hồi kết thúc tốt đẹp. Đạt hồi âm ngay,
cũng gởi theo đường hỏa tốc; thư Đạt viết:
“Mai yêu quý,
Đạt đọc thư Mai mà như nghe tiếng Mai thỏ thẻ bên tai. Có
lẽ, đối với Đạt, cái khó nhất trên đời là mở miệng Mai. Giờ thì Đạt làm được
rồi.
Chúc Mai nghỉ hè vui vẻ, cho Đạt gởi lời thăm hai bác và tất
cả anh chị em. Hẹn gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Đạt”
Một ngày đầu tháng 9 năm 1964, Đạt lên tận sân bay Phú Bài
đón Mai. Trên xe về Huế, Đạt và Mai ngồi bên nhau. Sau mấy ngày về Nam ra, Mai
thay đổi hoàn toàn thái độ đối với Đạt. Mai nói, Mai cười, Mai đùa, thậm chí
không còn một khoảng hở thời gian nào dành cho Đạt. Đạt chỉ nghe và mỉm cười,
lòng rạo rực nỗi khát thèm trong tình yêu trai gái.
Về đến nhà trọ, Mai lục xách lấy chìa khóa mở phòng trọ. Mai
bước vào, Đạt bước vào theo; Đạt giả bộ duỗi mạnh cánh tay, cố ý làm sao cho
cánh cửa khép hờ lại.
Mai mới bỏ xách xuống thì Đạt ôm Mai ghì vào người, áp miệng
vào má Mai hôn chùn chụt. Mai cứ để cho Đạt thỏa mãn phần nào nỗi nhớ nhung,
trong tư thế thụ động, không phản ứng gì rồi cô nhìn vào cái vẻ mặt ngây ngây
của Đạt, nói thầm thì:
- Người ta thấy nơi kìa!
Từ đó, “ăn quen bén mùi”, Đạt thường tới phòng trọ của Mai.
Năm học ấy là năm chuẩn bị thi tốt nghiệp, Đạt và Mai học
chung với nhau, không những ở trường mà còn ở nhà. Tình yêu bắt rễ trong tâm
hồn mỗi người. Họ bàn chuyện hôn nhân. Họ hỏi ý kiến cha mẹ hai bên qua thư từ
và nhận được sự đồng ý một cách tích cực. Trong thư gởi về cha mẹ, mỗi người
không quên kèm theo ảnh ý trung nhân của mình. Cha mẹ có biết nhiều ít về tướng
số; “xem mặt mà bắt hình dong”, bên này thấy con dâu tương lai mình vừa đẹp vừa
ngoan, bên kia thấy con rể tương lai mình vừa phương phi vừa hiền từ.
Vì đường sá xa xôi, Mai và Đạt bàn bạc với nhau sẽ làm lễ
hỏi và lễ cưới một lần khoảng cuối tháng 5 năm 1965. Họ phải tiến hành gấp vì
có là vợ chồng, ra trường, hai người cùng xin về một nhiệm sở dễ - đó là một
trong những ưu tiên hàng đầu mà vào thời đó khi xét tuyển dụng hay thuyên
chuyển cơ quan thẩm quyền phải lưu ý. Họ muốn cưới gấp còn vì tình yêu đã
chín muồi, tình dục đã quá thôi thúc.
Nhớ một tối nọ, Đạt qua nhà Mai học chung; những hôm trước,
tầm 10:30 giờ, Đạt ôm Mai hôn vài ba cái rồi lủi thủi ra về; lần ấy đã hơn 11
giờ rồi, Đạt vẫn xẩn vẩn không chịu ra khỏi phòng; Mai nhắc, Đạt vẫn ngồi, cậu
lần đến giường ngủ của Mai và nằm xuống, thân mình trên giường, hai chân thòng xuống
nền, lấy cớ đau bụng. Mai bối rối chưa biết xử trí như thế nào, e phải gọi xe
đưa Đạt đi bác sĩ. Mai đang do dự vì khuya rồi, bác sĩ gần thì hết giờ khám còn
bác sĩ trực đêm thì không biết ở đâu. Nhìn Mai lo lắng, Đạt thấy tội, cậu bật
cười thành tiếng. Mai đến bên, đưa tay vỗ vỗ vào người Đạt như bà mẹ dỗ con:
- Anh về để em nghỉ.
Mai không xưng hô với Đạt bằng tên mà bằng hai từ thân
thương “anh em”.
Đạt nhìn Mai, cười – nụ cười đắm say thèm khát. Mai mới đưa hai tay đỡ người Đạt ngồi lên thì
bỗng Đạt vùng dậy, ôm chặt Mai vật xuống giường.
- Không, không, anh đừng làm thế. Gì rồi em cũng dâng hiến
cho anh tất cả. Chờ cưới xong, thời gian cũng không xa nữa; anh muốn gì, em sẽ
dành cho trong đêm tân hôn. Mai vừa nói nhỏ đủ cho Đạt nghe vừa vùng vẫy gượng
ngồi dậy và đẩy Đạt ra.
Thấy không được chi, Đạt cười xả xui và khi đi ra, Đạt đưa
tay quẹt vào nhũ hoa của Mai – một hành vi vớt vát cho đỡ thèm.
Một ngày đầu tháng 5 năm 1965, Mai đang ngồi trong lớp học
giờ Hán văn giảng luận của LM Nguyễn Văn Thích. Cha đang giảng: “Đại học chi
đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện” (con đường của đại học
là làm sáng thêm cái đức sáng, là đem đến cái mới mẻ cho dân, là chỉ dừng lại ở
cái tốt lành tột mức); cha nhấn mạnh tại sao là “tân dân” chứ không phải là
“thân dân” (gần gũi dân) như một số người nhầm tưởng; “tân dân” là làm mới dân,
nói cho dễ hiểu là không ngừng cải thiện đời sống người dân về vật chất cũng
như tinh thần, phải hiểu thế mới tương thích với câu: “Nhật tân, nhật nhật tân,
hựu nhật tân” (ngày mới, mỗi ngày mỗi mới, lại mỗi ngày mỗi mới). Cả lớp đang
chăm chú nghe một cách thích thú.
Thầy Trần Đình Ngân, phụ trách văn phòng xuất hiện trước
cửa, xin phép cha rồi gọi:
- Lê Tuyết Mai, con ra nhận điện tín khẩn của gia đình.
Cầm tờ điện tín với dòng chữ: “Ông nội đã mất. Về gấp”, Mai
hốt hoảng, cô xin phép cha ra khỏi lớp. Cô về phòng trọ sắp xếp vô Nam thọ
tang. Thì giờ không nhiều, Đạt đang chăm chú vào việc học, Mai chỉ thông báo sự
việc cho Đạt rồi đi liền, không rủ Đạt về theo. Có lẽ Mai không muốn Đạt bỏ
học, Đạt phải theo đầy đủ những bài giảng cuối cùng khóa học của các thầy để
hướng dẫn lại cho Mai khi Mai từ Nam trở lại.
Chuyến đi từ Huế vào Sài Gòn Mai mua được vé của Hàng Không
Việt Nam. Xong tang lễ ông nội, Mai đến văn phòng trạm vé, không có vé Sài Gòn
– Huế mà chỉ có vé Sài Gòn – Đà Nẵng. Không thể bỏ học lâu ngày, Mai phải mua
thôi; cô tính ra Đà Nẵng rồi tìm phương tiện đi Huế cũng được. Đà Nẵng – Huế
chỉ cách nhau 100 km.
Xuống phi trường Đà Nẵng, Mai chưa biết về Huế bằng cách nào
thì một anh phi công trực thăng, có lẽ bị cuốn hút bởi sắc đẹp của Mai, đến làm
quen. May ơi là may! Anh phi công sắp lái trực thăng đi công tác ở Huế. Mai xin
quá giang, anh phi công - bụng mừng thầm gặp hên có người đẹp cùng lướt gió
trên bầu trời, khỏi cô đơn - đồng ý liền.
Chiếc trực thăng đáp xuống sân bay Tây Lộc trong Thành Nội.
Từ đó về nhà trọ của Mai, đường xa khoảng 3 km. Mai cảm ơn anh phi công, ra
đường định đến bến xe bus Tây Lộc để về bến xe Đông Ba, rồi đi bộ vào nhà. Anh
phi công chưa đành rời Mai, đi theo, hỏi đi đâu.
Biết được đoạn đường của Mai khá xa, anh phi công ngỏ ý giúp
Mai “đi đến nơi về đến chốn”. Anh bảo Mai đợi chút xíu, rồi vào mượn xe jeep
của bạn lái đưa Mai về. Mai mừng lắm, uốn éo miệng lưỡi:
- Em làm phiền anh quá! Mắc ơn anh, sau này biết lấy gì mà
trả đây?
- Cho em nợ cả đời thôi! Anh phi công liếc qua Mai, nói đùa.
Hôm ấy là ngày Chủ Nhật, Đạt ở nhà. Đạt tính kỹ từ ngày Mai
đi đến giờ cũng đã một tuần lễ. Đạt đang trông ngóng Mai. Nghe tiếng xe jeep
bóp còi, Đạt nhìn ra. Một người đàn ông cao to trong bộ đồ bay bước xuống, tay
xách cái va-li to bự, Mai bước xuống sau, hai tay xách hai xắc nhỏ; Mai mở cửa
phòng, hai người cùng bước vào. Đạt ngồi bên này bấm đồng hồ; đúng nửa giờ sau,
anh phi công mới bước ra, tạm biệt Mai lên xe đi. Mai đứng nơi cổng, mắt trông
theo đến khi xe mất hút. Đạt điên cả cái đầu, lẩm bẩm:
- Chà chà! Cái con ni đem thằng cha mô vô phòng riêng, mần
chi mà lâu dữ rứa trời! Nó có bồ rồi mà đểu với mình; thằng phi công ni chắc
cùng về chịu tang ông nội nó, chừ xong việc đưa nó ra! Hèn chi việc quan trọng
rứa mà nó không rủ mình đi!.
Đạt giận
run. Cậu đóng cửa phòng lại, nằm chuồi dài, tay vắt lên trán thầm nghĩ:
- Thôi! Đếch cần con nớ!
Tháng 6 năm 1965, Đạt và Mai tốt nghiệp viện Hán Học, hai
người đi nhận nhiệm sở hai nơi.
Đạt lấy vợ, Mai lấy chồng. Hai người, từ ấy, không bao giờ
gặp nhau, không thư từ qua lại. Nhiều khi tự dưng nhớ lại mối tình đầu, Đạt nảy
ra ý định lần tìm địa chỉ Mai, nhưng rồi thôi, cái tự ái đã cản cậu lại; “Quân
tử nhất ngôn” mà! Cậu đã từng nói: “Đếch cần con nớ” mà!
*
* *
Những gì đã trải nghiệm trong cuộc đời sẽ đi vào tiềm thức,
không vất bỏ đi đâu được.
Cả ngày, trời mưa rả rích, bà Đào ra đi từ sáng, đi đâu bà
chẳng thèm nói cho ông Đạt biết. Đạt ngồi rồi nằm, buồn, nhớ nghĩ vẩn vơ.
Người bạn ở bên kia đại dương gọi về, nói chuyện cả tiếng
đồng hồ; trong trò chuyện, người bạn ấy và Đạt nhắc lại những kỷ niệm cách đây
hơn 50 năm thời học Hán Học Huế.
Đêm về, dù nằm bên vợ, ông Đạt mớ người tình cũ – cô Mai.
Nghe Đạt mớ “Mai ơi! Mai ơi!”, bà Đào tức lộn ruột, nhưng
già rồi, lại là dân thuộc hạng trí thức trong khu phố, bà không thể vì ghen
tuông mà to tiếng, ôốc dôộc với bạn bè, xóm giềng, con cháu; bà nhịn nín.
Sáng dậy, “giận cá chém thớt”, mới bước xuống khỏi giường,
bà tới ngay bếp tìm cây dao cứng. Bà ra vườn, chặt phang cây mai bên cạnh cửa
sổ phòng ngủ. Bà nghĩ bụng:
- Ông này yêu Mai nào đó, hèn chi trồng cây mai sát phòng
ông ngủ, ngày nào cũng ra sờ lá, nắn cành, lâu lâu lại bón phân, tưới nước.
Ông Đạt trồng cây mai này đã hơn 10 năm; sáu, bảy năm rồi,
năm nào, đến Tết, mai cũng trổ bông; mấy năm đầu, bông ít, mấy năm gần đây bông
nhiều.
Mùa hè vừa rồi, ông Đạt cặm cụi bố đất, vô phân thêm vào
gốc; qua thu, cây mai đang phát tán to và đẹp, ông Đạt hy vọng năm này bông sẽ
trổ đều cả cây. Ông tưởng tượng khi ấy mở cửa sổ, nhìn thì tuyệt biết mấy!
Vậy mà bây giờ không còn gì, bà Đào xấu bụng ghen bậy, đã
chặt sát gốc.
Ông Đạt ngồi yên. Mưa tháng chạp bên ngoài rả rích rơi.
08/11/2015 (27/10/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét