Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Mới
 
[ Bài do nhà văn Trần Yên Hòa chuyển ]


Inline image
 
 
Vèo một cái, một năm lại qua. Chữ “vèo” tôi mượn của Tản Đà,vèo trông lá rụng đầy sân / công danh phù thế có ngần ấy thôi,để cực tả cái nhanh lẹ của thời gian. Ngày xưa các cụ ví tốc độ của thời gian với bóng câu qua cửa sổ. Vèo một cái là mất hút. Ngày nay vó ngựa coi bộ còn chậm chạp, cái nhanh được biểu thị bằng những chiếc máy bay vượt tường âm thanh, nhanh hơn tiếng động. Vậy nên thời gian mới…vèo dễ sợ. Mấy ông bạn tôi, nhớ tới những ngày còn ở trong nước, cứ thắc mắc sao hồi đó thời gian nó từ tốn hơn bi chừ nhiều. Quả có vậy. Cuộc sống mỗi ngày hối hả hơn, vèo cái đã hết một ngày, vèo cái đã qua một tuần, vèo cái một tháng đã ra đi. Và vèo cái, một năm bái bai chúng ta.

Ngày xưa, khi cuộc đời còn thênh thang trước mặt, mỗi năm chúng ta “lên” một tuổi. Ngày nay, chân trời tím đã ngay trước mắt, mấy ông bạn già của tôi bảo là cứ hết một năm là chúng ta như hụt đi một bước sống. Quả có vậy. Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi nguyền rủa bóng tối mà không thắp lên một ngọn lửa. Diêm quẹt đâu? (mốt ngày nay là không hút thuốc nên kiếm diêm quẹt không dễ!). Năm mới, dù không chờ đợi, đã tới, nói chuyện chi vui vui một chút. Chẳng có chi vui hơn những chuyện tình. Mà tình của mấy ông văn thơ là vui nhất.
Nhà văn Võ Phiến vừa bỏ chúng ta. Sự ra đi của ông còn nóng hôi hổi. Ông sống chín chục năm trên đời, biết bao là tình. Tôi mới đọc được trong cuốn “Thư Võ Phiến” một đoạn ông kể về mối tình của đời ông. Chắc phải mở một cái ngoặc tại đây. Một đời văn học rềnh rang nhưng ông Võ không viết hồi ký. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, từ đầu thập niên 1990, đã dụ ông viết thư kể chuyện đời ông. Ông nhẹ dạ nghe theo. Bây giờ, sau khi ông ra đi, những bức thư này được in phổ biến, như một thứ hồi ký viết từng kỳ, mỗi kỳ không hơn sáu trang giấy vì ông sợ nặng quá tốn tiền tem. Trong bức thư đề ngày 4/12/1991, ông kể như ri về chuyện tình của ông với bà Viễn Phố, người đi chung với ông suốt đoạn đường đời:

“Trong lá thư viết ngày 2.7.91, có câu “Làm việc đoàn thể tôi quen với nhà tôi”, khiến có thể hiểu lầm là tôi chỉ được biết nhà tôi sau 1945. Thực ra trong lá thư ngày 26.4.91 đã có đoạn nói rằng nhà chúng tôi ở gần nhau, thuở nhỏ chúng tôi cùng học một thầy v.v…Chúng tôi có duyên “tiền định”, anh ơi. Nhớ lại thì thực sự là ngay từ hồi nhà tôi 5, 6 tuổi, chúng tôi đã lưu luyến nhau. Tôi có cô em gái (con của bà cô ruột tôi). Cô em gái ấy cùng tuổi với nhà tôi. Cô em gái (tên Trúc) có độ ở hẳn với bà ngoại (tức là bà nội của tôi) trong nhiều năm. Phố (nhà tôi) và Trúc cùng tuổi, chơi với nhau. Phố đến nhà; chúng tôi mến nhau. Nhưng về sau cái tình cảm thơ ấu ấy bị gián đoạn: vì chuyện học hành mỗi đứa sống mỗi nơi, không có cơ hội gặp lại…Chúng tôi tái ngộ hồi Phố mới 15 tuổi, từ đó dính… liền cánh, gỡ không ra! Phố mất mẹ hồi còn bú, lớn lên bên cạnh bà dì. Bà dì của Phố nói về chúng tôi: “Tụi nó như hai con sam”. Ở nhà quê, chuyện như thế chắc là mới lạ, khó coi lắm!… Sau 1954, vừa ti toe cầm bút là tôi xin trước tịch những bút hiệu Võ Phiến và Hoài Vũ! Trong hơn hai mươi năm cái sự nhảm ngầm ấy được giữ bí mật, anh em ở Sài Gòn không ai khám phá ra cả…Còn chuyện sống với nhau trong gia đình cũng thiếu hẳn chân chính. Trong “Nguyên Vẹn” có cái đoạn một buổi trưa trong nhà, ăn cơm xong, anh nằm võng chị nằm divan thỉnh thoảng ngoéo tay nhau. Anh nhớ đoạn đó không? (Lúc đó, con đầu chúng tôi đã đậu bác sĩ, đã ra quân y!). Sống như sam không hẳn là hay. Tách rời nhau ra, chàng như mây trời thiếp như khói bếp, chàng đánh bạc đó đây và hát cô đầu suốt tháng, thỉnh thoảng gặp nhau tha hồ mặn nồng. Sống mà luôn luôn bên nhau thì thỉnh thoảng thế nào cũng sinh lục đục. Những lúc đó, nhà tôi than thở là vì tuổi ngọ, bả không may mắn! Cuộc sống “không may mắn” cũng gần nửa thế kỷ rồi”.
Chuyện tình của một nhà văn mà “sam” như vậy coi bộ “xoàng xĩnh” (chữ của Võ Phiến). Nó có đầu có đuôi nhưng thiếu hẳn những pha đột phá của…tiểu thuyết! Có phải vì vậy mà văn của Võ Phiến có cái nhẩn nha của một cuộc đời êm đềm, ít sóng gió. Chính Võ Phiến cũng nhận ra như vậy trong một đoạn thư khác: “Thực ra chuyện cốt cách cũng có năm bảy đường cốt cách. Có thứ cốt cách tự nhiên, bẩm sinh của mỗi người. Tùy tính tình, ai có giọng nấy. Nguyễn Công Hoan (giễu cợt vô duyên), Thạch Lam nhẹ nhàng, Hồ Dzếnh thê thiết, Lê văn Trương ồn ào huênh hoang, Nguyễn Tuân khinh bạc…Cái ấy thời nào cũng có, thời nào tính nấy, tính nào giọng nấy; không có lý thuyết văn chương nào bày vẽ ra chuyện đòi hỏi sửa đổi từng nết na cá nhân làm chi”.

Thử coi cuộc đời tình ái của cái ông nhà văn “ồn ào huênh hoang” Lê văn Trương này ra sao? Quả là đời tình của nhà văn này ồn ào thiệt! Thứ nhất là ồn ào về nhân số. Các cụ ngày xưa cãi cối cãi chày cho những người nhiều vợ bằng câu đố chữ: vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Câu này không áp dụng được cho ông Lê văn Trương: ông có ba vợ tất cả! Thứ hai là ồn ào về những cái không giống ai. Bà vợ cả Ngô Thị Hương đã đích thân mang trầu cau đi cưới vợ hai cho chồng. Vợ hai của ông là bà Nguyễn thị Đào, kém ông tới hai chục tuổi. Bà này ở Nam Định, do bị gia đình ép duyên, bỏ nhà lên Hà Nội và sa chân vào nghề gái nhảy. Hai bà vợ sống chung dưới một mái nhà và thương yêu nhau như chị em. Từ ngày có hai bà vợ êm đềm sống chung, sự nghiệp văn chương của Lê văn Trương lên như diều gặp gió. Đây là một điều mà giới cầm bút chúng ta nên suy gẫm! Bà vợ thứ ba của nhà văn là do chính văn chương của ông tác thành. Đó là bà Lan, kém ông rất nhiều tuổi. Ngay từ năm mới 17 tuổi, bà Lan đã mê văn của ông nên mặc dù là con nhà gia giáo, bà bất chấp tất cả để làm lẽ ông. Bà sống với ông được ba năm thì bỏ đi. Nguyên do khá lạ đời. Không phải vì xung khắc với hai bà vợ trước, cả ba người sống với nhau rất thuận hòa. Bà ra đi vì một nguyên tắc của ông: nhất định không có nhiều dòng con. Bởi vậy nên hai bà vợ sau đều không có dịp vào nhà hộ sanh. Khi bà Lan đòi có con, ông trả lời thẳng: “Nếu em muốn có con thì anh xin lỗi. Anh không bao giờ muốn có hai ba dòng con!”. Bà ra đi vì câu trả lời mà bà cho là “đau lòng” này! Ông đã viết cho bà vợ cả, không biết vào thời điểm nào, mấy lời sau: “Em thân yêu của anh. Em hoàng hậu của anh. Anh cúi xin em tha thứ cho cuộc đời nghệ sĩ lầm lỗi của anh. Anh chỉ có một mình em và những đứa con thân yêu thôi. Còn anh có chung sống với bao nhiêu người phụ nữ khác, chỉ là tình văn nghệ”. Văn nghệ nghe ra cũng được việc gớm!

Ông nhà văn Lê văn Trương đã phá cách một cách ngoạn mục đáng cho đám viết lách hậu sinh phải suy nghĩ. Nhưng lần giở những trang sách cũ, tôi kiếm được một ông cũng rất ngoạn mục, nhưng ngoạn mục kiểu khác. Đó là ông Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông này học giỏi nhưng rất xí trai. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi lấy 44 tiến sĩ. Ông Mạc Đĩnh Chi, văn hay chữ tốt, dư sức ẵm một cái tiến sĩ. Bài thi của ông rất xuất sắc, xứng đáng Trạng Nguyên, nhưng khi các tiến sĩ tân khoa vào bái yết vua, vua thấy “nhan sắc” của Mạc Đĩnh Chi, bèn do dự chẳng biết có nên cho ông đậu đầu và bổ làm quan không. Kể cũng lạ, triều đình mở khoa thi để chọn người tài ra giúp nước chứ đâu phải thi hoa hậu mà so bì nhan sắc. Ông vội làm bài phú “Ngọc Tỉnh Liên Phú” (Hoa Sen Trong Giếng Ngọc), đọc xong vua bèn thay đổi ý kiến chọn ông làm tiến sĩ số một của khoa thi. Tôi nhắc tới ông trạng xí trai này chẳng phải vì cái trạng nguyên mà vì một chuyện tình. Tuy nhiên cũng nên ghé chút xíu vào bài phú đã thay đổi cuộc đời của ông tân Trạng Nguyên. Ngày xưa làm thơ hay chỉ mới là người có tài, làm phú hay mới là người hay chữ. Bài phú của Mạc Đĩnh Chi viết theo thể Hán Phú (Phú đời Hán) là thể phú khó làm nhất trong văn chương chữ Hán. Nội dung bài phú giả định một cuộc gặp gỡ giữa một đạo sĩ với một người khách “mặc áo quê, đội mũ vàng, tiên phong đạo cốt”. Theo suy đoán thì tác giả muốn ám chỉ người khách này là nhà vua. Bài phú hết lời ca ngợi hoa sen:“Chẳng phải như đào trần lý tục / Chẳng phải như trúc cỗi mai gầy / Câu kỷ phòng tăng khó sánh / Mẫu đơn đất lạc nào bì / Giậu đào lệnh, cúc sao ví được / Vườn linh quân lan sá kể gì”.Nội dung vừa ca tụng phẩm chất của hoa sen, vừa trách cứ người đời không biết đến thứ hoa quý này.

Ông Mạc Đĩnh Chi sau đó được cử đi sứ bên Trung Hoa hai lần. Ông có tài hùng biện và dùng văn chương kiệt xuất đối đáp với triều đình nhà Nguyên khiến họ phải nể phục. Năm 1308, nhân có người dâng lên vua Nguyên chiếc quạt, vua cao hứng thách sứ thần hai nước Đại Việt và Triều Tiên đề thơ. Bài thơ của Mạc Đĩnh Chi rất xuất sắc, vua xem xong rất vừa ý nên phong cho ông làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên, trạng xuyên quốc gia! Sứ thần Triều Tiên tuy thua tài nhưng rất nể phục, xin kết giao với ông. Sau đó hai người trở thành tri kỷ. Sứ thần Triều Tiên mời trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi qua nước ông chơi. Mạc Đĩnh Chi nhận lời và qua ở luôn bốn tháng! Theo bài viết của Sơn Sa Lê Khắc Hòa “Ông Trạng Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly” đăng trên An Nam Tạp Chí số 4, tháng 8 năm 1926, thì ông bạn sứ thần Cao Ly đã gả cháu gái cho Mạc Đĩnh Chi. Xí trai tới vua chê, chỉ nhờ tài văn chương mà lấy được vợ…ngoại! Sau thời gian vui vầy bên Cao Ly, ông mang người thiếp về Trung Quốc và bà sinh cho ông hai người con, một trai một gái. Năm năm sau, bà này dắt hai con trở lại xứ củ sâm. Lúc từ biệt, Mạc Đĩnh Chi có dặn bà ráng nuôi con nên người. Tưởng là từ biệt là bai bai luôn, ai ngờ mười năm sau, quan trạng của chúng ta lại mò qua Cao Ly. Lúc đó bà đang ngồi khâu vá, thấy quan trọng lừng lững đi vào, quá xúc động nên lăn đùng ra! Ông ở lại chơi sáu tháng. Khi ông về Đại Việt thì bà đang có mang được ba tháng. Sau đó, bà lập bàn thờ, ngày đêm hương hoa để tỏ lòng biết ơn và kính trọng người chồng dị quốc. Bà ở với đứa con trai út một thời gian rồi vào chùa tu , thọ tới 93 tuổi!

Tôi khoái mối tình xuyên biên giới của ông trạng này. Người xấu xí như vậy mà lấy vợ Cao Ly rất hiển hách. Lúc đó chưa có phim bộ Hàn Quốc như ngày nay nên không biết bà thiếp của quan trạng của chúng ta có chân dài đẹp đẽ như các nữ tài tử phim bộ không. Nhưng đức thờ chồng nuôi con của bà thì nhất. Người con trai cả sanh được 12 con. Người con trai út sanh được bốn con. Họ không quên dòng dõi nên đã nhiều lần tìm về Việt Nam thăm quê cha đất tổ. Ngay trong bài viết năm 1926, tác giả Lê Khắc Hòa đã gặp một hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi trên một chuyến xe đò ở Hưng Yên. Sau đó có nhiều hậu duệ tìm về nhận họ hàng cả ở miền Nam trước năm 1975 và miền Bắc sau này.
Hình như sau một cuộc tình không trọn, người đàn bà thường tìm tới cửa thiền để nương thân. Tôi vừa đọc được một bài viết của Đỗ Trường về một chuyện tình kết thúc bằng sự nương náu chốn thiền môn như vậy. Đây không phải là chuyện tình của một văn nhân mà là của một nạn nhân thời đại, một sĩ quan bị đi tù cải tạo. Trong số hàng trăm ngàn quân cán chính bị Việt cộng nhốt sau cuộc chiến, có bao nhiêu mối tình nảy nở giữa chốn âm u đó? Không nhiều. Vì toàn nam nhi thì đào đâu ra tình. Đây là một trong những chuyện tình hiếm hoi đó.“Xe chạy một đoạn, chẳng hiểu sao Navi chỉ đường lại giở chứng tậm tịt, tôi buộc đi theo trí nhớ. Một lúc, trí nhớ cũng tậm tịt nốt. Lòng vòng khá lâu, xe lạc đúng vào cổng chùa Linh Thứu. Tôi phải dừng lại, để hỏi đường ra Autobahn Leipzig. Đường phố vắng và trong chùa tĩnh lặng. Tôi men theo hè phố, tìm một quán đêm để hỏi. Bất chợt tôi ngoái lại, dường như có bóng một ni cô thấp thoáng đang đi về hướng cổng chùa. Tôi quay lại, rảo bước. Đến cổng, thấy ni cô dừng lại, có lẽ chờ tôi. Tôi đang lúng túng, tìm cách xưng hô, chợt thấy ni cô hơi sững người, nhưng giọng lại chùng xuống: “Cậu Trường, đội lò mổ Leipzig phải không?”. Tôi giật thót cả người, nhìn thẳng, nhưng vẫn còn mơ hồ. Một giây im lặng. Đến khi chiếc răng khểnh của ni cô lộ ra, sau nụ cười thoáng buồn, tôi mới chợt vuột ra: “Chị Tuyên! Sao chị lại ở đây?”. Chị Tuyên sanh ra và lớn lên tại ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Năm 1972, khu này bị dội bom, gia đình chị chết hết, chị đi sơ tán trước đó nên còn sống sót. Sau đó chị gia nhập bộ đội. Chiến tranh kết thúc, chị được lệnh tới tiếp quản một kho tiếp liệu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó khu này biến thành một trại cải tạo nhốt sĩ quan cấp úy của Việt Nam Cộng Hòa. Chị Tuyên vẫn ở lại, giữ chức thủ kho. Thỉnh thoảng chị mượn tù cải tạo tới sửa chữa hoặc bốc dỡ hàng hóa. Nhờ vậy chị quen một sĩ quan tù là anh Chu Bá Trạc. Trước đây anh là giáo sư dạy toán bậc trung học. Chị nhờ anh và các sĩ quan gốc giáo sư khác hướng dẫn học tập cho nhóm của chị gồm toàn là các học sinh đang sửa soạn về học lại. Họ phải ngụy trang những buổi học ngoài rừng bằng các công tác đẵn tre, xẻ gỗ về làm giàn trồng bầu bí và sửa kho. Sau vài tháng chị đem lòng yêu anh Trạc. Trong một buổi lao động, chị quyết ngỏ tình yêu với anh Trạc:“Chị kéo Trạc vòng ra sau, đi lên phía triền đồi. Nơi có sắc vàng của hoa và của nắng như đang tan chảy vào nhau. Một loáng thôi, bóng của họ đã chìm trong cái vàng óng hòa tan ấy của trời đất. Họ lặng đứng bên nhau. Dường như có một khoảng cách rất mong manh trong lòng mỗi người. Gió… và từng cơn gió rít lên, làm chị hơi lạnh, nhưng không phải cái lạnh buốt da, cắt thịt như gió bấc nơi quê nhà. Bất chợt, Trạc xoay người nắm lấy bàn tay chị. Như viên than hồng nhóm lửa, chị hơi co người lại, có luồng khí nóng chạy dọc cơ thể… và cháy bùng lên. Ôm chặt lấy Trạc, chị ngả người, làm cả hai đổ vật xuống”.

Sau tết âm lịch 1976, một nửa trại bị chuyển trại trong đó có Trạc. Chị Tuyên quay quắt. Thuấn, một cảnh vệ người Sơn Tây vẫn thầm yêu chị, thấy chị nằm bẹp ở nhà, đã bắt chị lên bệnh xá khám bệnh. Chị thay thường phục, nhờ Thuấn chở lên thành phố, tới một phòng mạch tư. Bác sĩ cho biết chị đã cấn thai. Thai nhi đã lớn không thể trục ra được. Chị toát mồ hôi. Mối tình vụng trộm với một cải tạo viên sĩ quan “ngụy” sẽ đầy đọa chị tới địa ngục nếu bị phát giác. Rõ chuyện, Thuấn an ủi chị và tìm cách giải quyết. Anh đề nghị hai người làm đám cưới. Biết Thuấn thầm yêu mình nhưng chị Thuấn chỉ có cảm tình với một đồng đội chứ không hề yêu. Tuy nhiên, trong bước đường cùng, chị không còn con đường nào khác. Đám cưới vội vàng được tổ chức. Nhưng cái bụng của chị đã làm cấp trên nghi ngờ. Rất may, đúng lúc đó, Thuấn thi đậu vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chị cũng đủ điểm vào trường Trung Cấp Tài Chánh. Họ dọn lên Hà Nội, tránh được những con mắt chế giễu của đồng đội. Bà mẹ của Thuấn tuy thương chị hiền lành nhưng vẫn buộc chị phải gửi đứa bé cho người khác nuôi để tránh dị nghị. Đứa bé sanh ra bị bệnh đường hô hấp và sau đó bệnh ung thư ruột. Mẹ không thường xuyên thăm viếng được nên con rất xa lạ. Chị cũng không thể cho con về với cha là anh Trạc vì anh đã có gia đình trước năm 1975. Rồi chị có thai bé thứ hai. Kỳ này với người chồng…thế chấp là anh Thuấn. Dù sao chị cũng tìm liên lạc với gia đình anh Chu Bá Trạc để báo tin về đứa con. 

Nhưng người hàng xóm cho biết toàn thể gia đình anh Trạc đã chết trên đường vượt biên vào năm 1980. Vợ chồng chị sống trong thời bao cấp, rất túng thiếu. Năm 1987, để con lại cho chồng, chị đi hợp tác lao động bên Đức. Bức tường Bá Linh sụp đổ mang chị qua xứ tự do. Thằng con của chị với Thuấn, nay đã 17 tuổi, đòi sang với mẹ. Chị bảo lãnh qua nhưng nó sống cuộc đời giang hồ và bị đồng bọn bắn chết tại Berlin vào năm 1995. Con chết, năm 1998 chị về nước làm giấy ly dị với Thuấn. Anh không chịu nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận. Vài năm sau, dưới áp lực của gia đình, anh lấy vợ khác và có thêm hai con nhưng cả hai đều bị dị tật. Bây giờ Thuấn đang làm Tổng Giám Đốc một công ty lớn, rất giầu có. Chính anh đã chu cấp tiền chữa bệnh cho đứa con gái của chị và Chu Bá Trạc. Anh cho biết anh giúp cháu như vậy không chỉ vì yêu chị mà còn để trả ơn dậy học của Chu Bá Trạc từ những ngày còn trong rừng. Ni cô Tuyên thở dài: “Đời chị có Trạc để yêu và có Thuấn để trọng, như thế là đủ phải không em? Thế hệ chị đã lao vào cuộc chiến, nghiệp chướng còn nặng lắm, kiếp này không thể trả hết đâu em ạ!”.

Ngày mới, tháng mới, năm mới, tưởng vịn vào chuyện tình của các văn nhân trí giả để mua một niềm vui. Ai ngờ lại vướng vào một chuyện tình của thời nhiễu nhương giữa những người đã từng ở hai chiến tuyến. Thế là hỏng! Kiếm một niềm vui vào ngày đầu năm xem ra cũng không phải là chuyện dễ dàng. Đành mượn lời Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: cái nước mình nó thế!
 
12/2015
Song Thao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét