Y NGHĨA CỦA NHỮNG CUỘC TẬP TRẬN CHUNG
LÊ HOÀNG Chuy63n [ Sưu tầm- Tổng hợp ]
Trách nhiệm lớn nhất của chính phủ của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới là bảo vệ biên giới và bảo đảm an ninh cuộc sống cho người dân của quốc gia họ. Để làm được những công việc này, chính phủ cần phải có một quân đội. Nước càng rộng lớn bao nhiêu thì càng cần phải xây dựng một hệ thống quân đội lớn mạnh để phù hợp với trọng trách quan trọng đó.
Cuộc tập trận chung Mỹ và Nam Hàn - nguồn ibtimes.co.uk
Nhưng để duy trì một quân đội lớn mạnh thì chi phí rất cao và lấy đi một phần ngân sách khá lớn của quốc gia. Vậy, ta có thể nói quân đội là gánh nặng của quốc gia nhưng không thể không có. Để cho gánh nặng đó không quá nặng thì quốc gia cần có một nền kinh tế vững mạnh để có khả năng “nuôi” được quân đội.
Quân đội của một quốc gia vào thời chiến lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu là điều hiển nhiên và là nhiệm vụ của quân đội. Nhưng vào thời bình, quân đội không phải tham chiến, binh lính chỉ đóng quân ở một chỗ thì tinh thần chiến đấu của quân đội đó chắc chắn sẽ bị suy yếu. Thế nên, vào thời bình, quân đội của tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn luôn có những cuộc tập trận thường xuyên để nhằm giữ vững tinh thần chiến đấu và bảo đảm sự sẵn sàng của quân đội một khi phải tham chiến bất ngờ, đồng thời những cuộc tập trận cũng là dịp để quân đội của quốc gia đó thử nghiệm lại chiến lược của mình mà không cần phải thật sự giao tranh và xem lại các loại vũ khí có còn cập nhật hay đã lỗi thời.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Nam Hàn Quốc tham gia trong Command Combined Marine Component - nguồn commons.wikimedia.org
Các cuộc tập trận cũng có nhiều loại, nhưng về quy mô thì ta thường nghe nói tới những cuộc tập trận trên bộ và trên biển, vì những cuộc tập trận này luôn có sự tham dự của binh lính cùng sự điều hợp của nhiều loại quân xa và vũ khí. Tuy nhiên, cũng có những cuộc tập trận mà ta gần như không biết hay nghe ai nhắc đến.
Ví dụ như tập trận dành cho các cấp sĩ quan chỉ huy (Command Post Exercise - CPX). Những cuộc tập trận này thường diễn ra ở bộ chỉ huy và chú trọng đến sự sẵn sàng của các sĩ quan tham mưu khi chiến tranh xảy ra.
Hoặc như tập trận về chiến thuật với mô hình giả và không có binh lính tham dự (Tactical Exercise Without Troops – TEWT). Những cuộc tập trận này cũng chỉ dành cho sĩ quan và trong cuộc tập trận loại này, các sĩ quan thường đứng bao quanh một mô hình trận chiến giả, hoặc có khi chỉ là tấm bản đồ hoặc với một mô hình ảo trên hệ thống điện toán.
Và cuối cùng là những cuộc tập trận chung (Joint Military Exercise). Đây là những cuộc tập trận giữa quân đội của hai quốc gia hay nhiều quốc gia, có thể là những cuộc tập trận trên bộ hoặc trên biển. Nhất là những cuộc tập trận chung trên Biển Đông như dạo gần đây chúng ta vẫn thường nghe nói tới khi tình hình trong khu vực mỗi ngày một thêm căng thẳng.
Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin bàn sơ về những cuộc tập trận chung trên vùng biển Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng, và ý nghĩa của những cuộc tập trận này.
Một trong những cuộc tập trận chung lớn nhất và lâu đời nhất do Hoa Kỳ chủ xướng là cuộc tập trận trên biển có tên Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rim of Pacific Exercise – RIMPAC). Đây là cuộc tập trận chung được tổ chức mỗi hai năm từ căn cứ hải quân Trân Châu Cảng. Cuộc tập trận mới nhất là vào năm 2014 (RIMPAC 2014) – đây là cuộc tập trận lần thứ 24, với 25,000 binh lính tham dự, 47 tàu chiến, hơn 200 chiến đấu cơ đủ loại và 6 tiềm thủy đĩnh – được thực hiện chung từ 22 quốc gia cùng với 6 quốc gia giữ vai trò quan sát viên, trong đó được chú ý nhất gồm có: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh Quốc, Nam Hàn, Pháp, Úc, Ấn Độ, Canada, và lần đầu tiên có mời Trung Quốc.
Cuộc tập trận Keen-Sword-2010 giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản - nguồn osnetdaily.com
Theo như một số giới chức quân sự giải thích, RIMPAC chính là dịp để Hải quân Hoa Kỳ chứng tỏ được ba điều cho đồng minh và đối thủ thấy:
1. Khoe một số những loại vũ khí tối tân nhất của Hải quân Hoa Kỳ mà chưa một quốc gia nào khác có được hay chứng kiến những loại vũ khí này được đưa vào tác chiến.
2. Tạo mối quan hệ thân thiện với các sĩ quan và giới chức chỉ huy của các quốc gia đồng minh.
3. Chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Hoa Kỳ rất quan tâm đối với tình hình an ninh của Nhật Bản, Canada, Úc và Nam Hàn, là những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, cuộc tập trận chung trên biển này không chỉ dành riêng cho những quốc gia đồng minh hay những quốc gia thân thiện với Hoa Kỳ mà có đôi khi một vài quốc gia không ai nghĩ Hoa Kỳ mời nhưng cũng có mặt. Ví dụ, tại RIMPAC 2012, lần đầu tiên Hải quân Nga được mời tham dự, nhưng năm 2014 thì Hoa Kỳ cố tình không mời, thay vào đó lại mời Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên như nói ở phần trên.
Sự kiện này nói lên được hai điều: thứ nhất, những cuộc tập trận chung đó đến nay không còn chỉ dành riêng cho đồng minh mà còn mời luôn cả những quốc gia được xem như đối thủ trên bàn cờ chính trị và quân sự của thế giới đối với Hoa Kỳ, và cũng xin được nhấn mạnh ở đây, Hoa Kỳ không xem Nga và Trung Quốc là những quốc gia thù địch mà chỉ là những đối thủ cạnh tranh; thứ hai, mời Nga và Trung Quốc là để Hoa Kỳ chứng minh cho hai quốc gia này thấy được sự đoàn kết gắn bó giữa Hoa Kỳ và những quốc gia trên thuộc cả hai phương diện quân sự và chính trị, và những giao kết mà họ đã ký với nhau.
Có người ví cuộc tập trận chung giống như một trận đấu bóng giao hữu mà các bên tham dự đang đóng một màn kịch giả vờ, cũng ra tay hạ thủ đối phương, các tiềm thủy đĩnh cũng giả vờ phóng đi những phi đạn, bắn rớt các chiến đấu cơ, và đổ quân lên những hòn đảo tưởng tượng của kẻ thù. Đối với lực lượng hải quân của Canada, Nhật Bản, Úc, thì đây là cơ hội để chứng tỏ cho các quốc gia khác thấy một mối quan hệ chặt chẽ của họ với cường quốc số một trên thế giới hiện nay. Đối với Nam Hàn, đây là cơ hội chứng tỏ cho mọi người, nhất là địch thủ thích hay gây hấn là Bắc Hàn, biết rằng tuy là một quốc gia tương đối nhỏ nhưng họ có một lực lượng quân đội hùng mạnh không kém ai. Đối với Trung Quốc, đây có lẽ là cơ hội để họ do thám động tĩnh của những quốc gia trong vùng hiện đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với họ. Đối với những quốc gia khác có mặt trong cuộc tập trận chung, đây là lúc để nhắc nhở những quốc gia láng giềng rằng Hoa Kỳ cũng tôn trọng họ đấy, cho dù đó là những đối thủ có tiềm năng như Trung Quốc hay Nga, hay đó là những quốc gia đồng minh.
Cuộc tập trận RIMPAC - nguồn youtube.com
Những cuộc tập trận chung như trên với các nước cũng đánh đi tín hiệu ở một mức độ nào đó, rằng nếu chẳng may một cuộc xung đột vũ trang xảy ra trong tương lai thì rất có thể những quốc gia cùng tham dự những cuộc tập trận chung như trên sẽ cùng đứng chung một chiến tuyến. Những cuộc tập trận chung cũng là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ, nâng cao khả năng điều động liên quân và gây được niềm tin của người dân ở quê nhà.
Ngoài RIMPAC còn có rất nhiều những cuộc tập trận chung khác, tuy không quy mô bằng RIMPAC nhưng cũng khá lớn và được chú ý tới nhiều như các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và các nước như Philippines, Nam Dương, Singapore, Nam Hàn, Thái Lan tại khu vực Thái Bình Dương, hoặc vào tháng 10 mới đây trong Vịnh Bengal giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản kéo dài trong sáu ngày được Trung Quốc theo dõi rất kỹ. Nhưng được chú ý hơn cả là những cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, không chỉ trong khu vực Biển Đông mà còn kéo dài ra ngoài vùng Bắc Thái Bình Dương làm cho Trung Quốc tỏ ra bất bình không ít mặc dù đây là những cuộc tập trận hàng năm giữa hai quốc gia này.
Tại khu vực Đông Á, lực lượng hải quân của Trung Quốc và Nhật Bản có thể nói là ngang sức nhau. Về số lượng tàu chiến và vũ khí có thể nói nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, nhưng về mặt phẩm chất, hay nói rõ hơn, về khía cạnh kỹ thuật và vũ khí tối tân, ta có thể nói nghiêng về phía Nhật Bản. Thế nên, đối với Trung Quốc, về mặt thủy chiến hiện nay không một quốc gia nào trong khu vực Đông Á đáng là đối thủ của họ ngoài Nhật Bản, và ngược lại, đối thủ duy nhất của Nhật Bản cũng chỉ có Trung Quốc. Mà hai quốc gia này trong mấy năm gần đây luôn trong tình trạng căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải.
Để phản ứng lại những cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, vào tháng 8, Nga và Trung Quốc cũng đã có một cuộc tập trận trong khu vực Biển Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận khá lớn với sự tham dự của 25 tàu chiến, 15 chiến đấu cơ, 8 trực thăng và 400 lính thủy quân lục chiến. Tuy nhiên, theo giới quan sát quốc tế, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc chỉ có tính cách bề ngoài chứ không thể so sánh được với sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, lý do là vì lực lượng hải quân của Nga và Trung Quốc từ trước vẫn hoạt động độc lập, họ không phải đồng minh, không có những hiệp ước tương thân và vũ khí của họ lại không hoàn toàn giống nhau, trong khi sự liên hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản thì hoàn toàn ngược lại.
Riêng với lực lượng hải quân của Việt Nam, được xem là một trong những lực lượng hải quân yếu nhất trong vùng, đến nay vẫn chưa có một cuộc tập trận chung trên biển với Hoa Kỳ mặc dù đã có một vài cuộc tập trận chung với Trung Quốc. Hoa Kỳ và Việt Nam từng là hai nước cựu thù nhưng đã nối lại quan hệ ngoại giao từ năm 1995 và đã có những hợp tác song phương ở nhiều phương diện, nhưng tập trận chung trên biển thì chưa mặc dù đã có những cuộc trao đổi về kỹ thuật và kiến thức quân sự giữa hai bên kể từ 2010 và đã được phía Hoa Kỳ thúc giục nhiều lần là Việt Nam nên tiến hành nhanh hơn nữa trong hợp tác quân sự giữa hai bên, đặc biệt là hợp tác trên biển. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn còn chần chừ vì có lẽ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng Hoa Kỳ, và quan trọng hơn hết, họ sợ làm mất lòng người anh lớn Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét