KHOAN CHẾT
Ghi chú của Thái Quốc Mưu:
Tác giả Huy Phương, lấy bối cảnh
và viết từ tiểu bang Cali.
Các tiểu bang khác có thể thay
đổi giá cả. Bài viết chỉ giúp chúng ta có căn bản tham khảo.
Làm người ai cũng phải đến lúc
chết, và cái chết là nhất định, nhưng không ai muốn bàn đến chuyện chết và lo
cho chuyện chết được êm đẹp. Chúng ta đã từng sắp xếp cho những chuyến du lịch
lâu ngày như mua vé máy bay, sắp xếp hành trang, thuê nhà trọ, yêu cầu bưu điện
giữ lại thư từ.
Nhưng với chuyến ra đi vĩnh viễn, không trở về, chỉ có một số
nhỏ lo mua đất chôn, sắp xếp chuyện hỏa thiêu, mua trước phần nhà quàn, nhưng
ít người sửa soạn cho mình chuyện sau khi nằm xuống, thế tục thường gọi là
“chuyện hậu sự,” bởi vì chuyện ấy còn xa, thậm chí đôi khi người ta còn sợ hãi
mỗi lúc phải nói đến.
Chôn hay thiêu? Quàn bao lâu? Nghi thức tôn giáo? Giá cả ra sao?
Ðó là những câu hỏi phải có được
biết trước khi chết.
Từ một bình hoa đến một cuốn sổ
ký tên, cây bút đều tính bằng tiền.
Ngày xưa có câu chuyện một anh
chàng hà tiện sắp chết đuối được người ta đến cứu nhưng trả giá, thấy giá quá
đắt, anh ta nói:“Ðắt quá, thà chết còn hơn!”
Sau khi đọc phóng sự này mà các
bạn thấy cái chết quá đắt, nhiều chuyện không ngờ như bạn tưởng, thì hãy đừng
vội chết, và nói: “Ðắt quá, thà sống còn hơn!”
Nếu tang gia quàn quan tài người
mất và thiêu hay chôn cùng một nơi đương nhiên sẽ ít tốn kém hơn.
Thí dụ: Có gia đình quàn tại Peek Family nhưng lại đưa về chôn cất
ở nghĩa trang Chúa Chiên Lành Huntington Beach, Melrose Abbey Memorial Park hay
Anaheim Cemetery thì việc di chuyển quan tài rất tốn kém: $495 trong vòng 50
dặm, một dặm tính thêm $2.
Chở quan tài đi các tiểu bang khác hay về Việt Nam
Theo sự tiếp xúc của chúng tôi
với ông Ðức Nguyễn, cố vấn hậu sự ở Westminster Memorial & Peek Family, nêu
lên một ví dụ, nếu một người từ tiểu bang Florida đi du lịch hay thăm bà con ở
California, chẳng may qua đời tại đây cần tẩm liệm để đưa về quàn tại tiểu bang
nhà, chi phí là $1,585 (bao gồm việc nhận xác, tẩm liệm, đặt xác vào quan tài,
chuyển ra phi trường, giấy phép...)
Chi phí này không bao gồm giá
quan tài - theo luật định để bảo đảm cho việc di chuyển tối thiểu, xác phải đặt
trong thùng gỗ “Alternative Containers” ($145.00).
Giá quan tài dành cho người lớn
từ $695 đến $8,695, giá quan tài trẻ em (Infant or Child) từ $85 đến $1,895.
Xin nhắc lại giá ngày quàn tại
đây: Dịch vụ tối thiểu (tính chung một tang lễ) phải trả cho:
- Người phụ trách tang lễ và nhân
viên của nhà quàn: $1,075,
- Dịch vụ quàn và thăm viếng: $500
mỗi ngày (mỗi ngày thêm là $500). Quàn vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật: thêm $475
mỗi ngày,
-Tiền phục vụ của nhân viên nhà
quàn: $700 mỗi ngày.
Nếu chở quan tài về Việt Nam thì
phải có giấy tờ của lãnh sự quán ở San Francisco và thân nhân phải lo tiền máy
bay.
Theo cô Tố Nga ở nhà quàn Melrose
Abbey Anaheim (2303 S. Manchester) thì chi phí chuyển quan tài về Việt Nam giá
từ $10,000.00 đến $12,000.00. Việc liên lạc với thân nhân để thông báo ngày giờ
tiếp nhận tại Việt Nam sẽ do nhà quàn đảm trách.
Chỗ để hũ tro cốt tại chùa Liên Hoa, Garden Grove.
Ðể bổ túc cho giá đất trong kỳ
trước, giá đất của Melrose Abbey, khu bia đứng (phần đông là người Việt Nam) là
$4,075 và khu bia nằm là $5,800.
Nói chung việc chôn cất hay di
chuyển thi hài đi trong nước Mỹ hay ra ngoại quốc rất tốn kém và phiền phức,
tuy vậy theo nhu cầu của gia đình hay ước nguyện của người quá cố, hiện nay
cũng có gia đình đưa quan tài về nước để được “nằm gần với vợ hoặc chồng” hay
từ trong nước sang Hoa Kỳ để được gần gũi với gia đình. Năm 2009, tôi có dự đám
tang của một thân hữu bị bạo bệnh mất ở Việt Nam, nhưng được quàn và an táng
tại Westminster.
Ông Nguyễn Phước H., muốn về VN
thăm thân nhân lần chót. Gia đình ông có hứa với ông là ông cứ yên tâm, nếu ông
có mệnh hệ nào thì gia đình sẽ đem ông trở lại HoaKỳ.
Việc di chuyển quan tài từ Mỹ về
Việt Nam hay trở lại cũng có chi phí tốn kém như nhau.
Ông Ðức Nguyễn của Westminster
Memorial, qua cuộc tiếp xúc, cũng trả lời câu hỏi của chúng tôi về thắc mắc của
thân nhân có phải “thi hài khi tẩm liệm bị mổ lấy hết gan ruột và đóng cây sắt
trong mình” không? Ông cho biết nhân viên chuyên môn của nhà quàn chỉ chích hóa
chất vào thi thể để tránh việc hoại tử sớm, cũng như để giữ vệ sinh trong lúc
quàn. Trừ trường hợp người qua đời lúc sống đã bằng lòng hiến tặng các cơ phận
cho các cơ quan y tế, sẽ có các nhân viên chuyên môn đến làm việc, ngoài ra
theo luật pháp, không ai có thể lạm dụng đến các thi thể này.
Tốn phí cho nghi thức tôn giáo
Nhân viên phụ trách nhà quàn sẽ
thiết lập bàn thờ tùy theo tôn giáo của người qua đời, trừ lễ vật là do gia
đình cung cấp.
Ngoài ra, tang gia thường mời các
linh mục Thiên Chúa, mục sư Tin Lành hay các tu sĩ Phật Giáo đến để làm lễ cầu
siêu hay cầu hồn cho linh hồn người thân qua đời, việc này do tang gia đảm
trách. Việc này tốn kém ra sao, có lẽ chúng ta cũng phải nói tới, như một trong
những tốn phí của việc “hậu sự,” không nên tránh né.
Chủ một cơ sở thương mãi ở
Westminster, có cho chúng tôi biết, khi thân phụ bà qua đời, bà có mời một số
linh mục quen biết đến làm thánh lễ, sau đó bà có bỏ phong bì tặng cho mỗi Cha
$100 như làm quà.
Một nữ bác sĩ Việt Nam ở thành
phố Oakland, trong chỗ thân tình nói:
- “Khi chồng bà qua đời, bà có
mời một linh mục cai quản một nhà thờ đến làm lễ. Sau đó bà có viết một tấm chi
phiếu và một thiệp cám ơn, gửi đến ông. Vị linh mục này nhận tấm thiệp cám ơn
nhưng gửi trả lại cho bà tấm ngân phiếu!” (Xin nghiêng
minh trân trọng kính phục! – TQMưu)
Cách đây năm năm, có mấy cháu họ
tôi, khi mẹ chúng qua đời, có đến một ngôi chùa ở Little Saigon mời thầy trụ
trì đến tụng niệm. Thường thì nghi thức Phật Giáo có các phần cầu siêu, phục
tang, cúng cơm và tụng niệm trong lễ di quan ra lò thiêu hay phần mộ để chôn
cất. Trước đó, chùa nói với tang gia: “Tùy khả năng, tùy hoàn cảnh...”, nhưng
khi xong tang lễ, các cháu đến chùa cám ơn và gửi chi phí cho thầy $700 thì thầy nói rằng: “Thông thường, gia đình
khác đưa $2,000.” (Đ.Mẹ thằng trọc đầu bất lương nầy
“kinh doanh” cả xác chết – TQMưu)
Các cháu thưa với thầy về trình
lại mẹ các cháu, nhưng vì “tùy khả năng, tùy hoàn cảnh,” các cháu đi luôn không
trở lại!
Chúng tôi mong muốn, các cơ sở tôn giáo có hẳn một giá cả cho dịch
vụ cho tang lễ, để gia đình người quá cố dễ tính toán mà không bị mặc cảm ray
rứt, như là có lỗi với người sống lẫn người chết!
Chôn đắt, nhưng thiêu cũng không rẻ
- Thiêu rồi đem tro đi đâu?
Ðất ở Nghĩa Trang Mountain View,
Oakland, California, 10 năm trước giá mỗi huyệt là $6,000 hiện nay giá lên
$20,000 cho mỗi huyệt. Phần lớn là người di dân người Hoa mua cho gia đình từ 5
đến 10 chỗ.
Ðất dành cho người sống càng ngày
càng đắt, đất cho người chết cũng vậy! Ðất chôn quá đắt thì chúng ta phải nghĩ
đến chuyện thiêu!
Một bông hồng cho người vừa nằm xuống.
Nếu đã có dự định sau khi chết sẽ
thiêu thân xác mình, hay nếu đã có nơi chôn cất mà phút chót đổi ý muốn thiêu,
nhưng thiêu rồi, tro cốt để ở đâu?
Có người ngỏ ý muốn đem hủ tro
này bón cho những cây hoa hồng trong vườn, làm phân cho những vồng ớt (nếu là
phụ nữ) hay để trồng cây si (nếu là đàn ông,) nhưng cho đến nay chưa ai làm
việc này, vì dầu sao, khi người thân không còn, thì mớ tro cốt còn lại cũng là
những kỷ vật thiêng liêng của gia đình.
Nhiều gia đình để bình tro cốt
trên bàn thờ của gia đình.
Nhiều gia đình đem bình tro đi
theo các chùa ra biển, trong những dịp gọi là “vớt vong” thường là vào mùa Hè,
sau khi làm lễ cầu siêu,” để rải tro trên biển.
Gia đình cựu Trung Tướng Ngô
Quang Trưởng đã chuẩn bị chuyện hậu sự mua đất cho hai ông bà, nhưng cuối cùng,
theo ước nguyện của người quá cố trước khi mất, bà Ngô Quang Trưởng đã đem tro
của ông về rải trên đèo Hải Vân thuộc Vùng I Chiến Thuật, chiến trường ngày
xưa, năm 2008.
Có nhiều nơi để tro cốt của người
quá cố như ở các chùa, nơi đây có xây dựng những “bảo tháp” dành cho các hũ tro
do thân nhân mang lại “ký gửi” với lý do là muốn cho linh hồn thân nhân gần gũi
với kinh kệ.
Hiện nay chùa Liên Hoa đã hết chỗ
để tro cốt, chùa Bảo Quang đang để tạm tro cốt trong một ngôi tháp nhỏ, nay mai
sẽ xây tháp mới khang trang và di chuyển tro cốt về đó. Chúng tôi có đến gặp
hòa thượng viện chủ chùa, nhưng thầy đi vắng, thầy “Sư Nhỏ” cho chúng tôi biết
tiền gửi tro cốt vào chùa là $1,000.
Ở các nghĩa trang Công Giáo có
các nơi khang trang, xây từng ngăn nhỏ, bên ngoài có khắc tên, để tro người quá
vãng.
Tiền gửi tro, sở hữu một hộc đựng
bình tro ở:
- Nghĩa Trang Chúa
Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery, Huntington Beach): $4,000.
- Nhà Thờ Kiếng
(Crystal Cathedral): $7,750.
- Nghĩa trang Melrose
Abbey: từ $3,500.00 đến $4,800, tùy theo
vị trí.
Chúng tôi xin ghi
thêm giá hộc dựng tro ở một vài nhà thờ lớn có nhiều chi nhánh khắp California
như “Chapel of the Chimes,” giá ở Oakland năm 1992 là $4,500, chỉ 8 năm sau
(2010) giá là $15,000.
(Một hình thức “kinh doanh” BẤT LƯƠNG, PHI ĐẠO
ĐỨC – TQMưu)
Qua ba kỳ báo, chúng tôi đã sơ
lược cho các bạn những con số chi phí đáng kể và cũng đáng sợ.
Ðối với những gia đình đã mua bảo
hiểm nhân thọ (Life Insurance) hay giàu có muốn tổ chức tang lễ cho đúng với
địa vị và hoàn cảnh, nếu chúng ta không có khả năng tài chánh hay không chuẩn
bị trước, có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn bất ngờ!
Sau khi viết bài phóng sự này,
tôi chỉ có một điều mong muốn gửi đến tất cả mọi người:
“Ðừng vội chết! Xin trì hoãn được
ngày nào hay ngày đó, vì cái chết không rẻ như ta tưởng!”
Huy Phương
***************************************************************************
TRONG LÚC TANG GIA BỐI RỐI
của Tràm
Cà Mau
Trong lúc tang gia bối rối ...
Mẹ vợ ông Hàn mới chết, con cháu
từ xa đổ xô về chịu tang. Các anh chị em vợ của ông chọn một cái hòm do nhà
quàn đề nghị, với giá 12 ngàn đô. Ông Hàn chê đắt, bảo khoan quyết định, chờ
ông khảo giá đã.
Ông Hàn bình tĩnh ngồi bên máy vi
tinh, lục tìm khảo giá. Bà vợ ông thì chạy lui chạy tới trong phòng khách, dẫm
chân đành đạch trên sàn nhà, khóc bù lu bù loa, rồi đến day áo ông mà nói:
- “Giờ nầy mà anh còn ngồi đây
thong dong khảo giá? Chuyện nầy cấp bách. Có phải mua món hàng gia dụng đâu mà
chần chờ? Tốn kém bao nhiêu anh em chúng tôi cũng chung chịu. Mẹ chết có một
lần. Làm chi cái việc hà tiện xấu thế?”
Ông anh vợ cũng bối rối nói:
- “Giờ phút nầy, thì nhà quàn ra
giá bao nhiêu, mình cũng phải nhận. Có đắt hơn ít trăm bạc, cũng không sao.
Mình lựa chọn cái hòm đó, chứ họ có ép mình đâu?”
Ông Hàn quay ngoắt lại, nói với
giọng cứng rắn:
- “Ít trăm thì tôi khảo giá làm
chi? Phải ít nhất là mấy ngàn đồng. Có thể tiết kiệm được từ 40% đến 60% toàn
bộ chi phí tang lễ. Dù là tiền của ai đi nữa, tôi cũng không muốn phung phí.”
Bà vợ thét lên:
- “Rồi mua phải thứ hòm giả mạo,
không tốt. Nó đâu đem đến liền cho mình được, chờ đến bao giờ mới có? Chậm trể
việc ma chay. Mà lỡ nhà quàn không chịu nhận hòm từ nơi khác đưa tới, thì đem
cái hòm đi tặng ai, tôi nhất định không cho để trong nhà nầy.”
Ông Hàn cười hề hề, chậm rải trả
lời:
- “Giả mạo làm sao được? Cũng hòm
ấy, cùng hiệu, cùng tên, cùng nhà sản xuất. Nhà quàn cũng mua tại các nơi đó
thôi. Rồi cọng thêm chi phí, tiền lời, mà tăng giá lên. Ai dại mua thì ráng
chịu. Nhà quàn cũng không làm gì sai trái. Họ làm thương mãi, phải kiếm cho
được nhiều tiền lời càng tốt. Họ chẳng có gạt gẫm ai. Nhưng nếu mình mua được
hòm đúng giá, thì người bán sẽ chuyển ngay đến nhà quàn trong vòng 24 giở. Chắc
chắn. Theo luật liên bang Mỹ, bắt buộc nhà quàn không được từ chối quan tài và
các vật dụng cần thiết cho người chết do thân nhân mua và đem đến. Trường hợp
đó, nhà quàn chỉ lo các dịch vụ tang ma, các lễ lạc mà thôi. Tôi còn phải kêu
nhà quàn cung cấp cho mình bảng ghi giá cả của từng mục, gọi là FPL (Funeral
Price List) theo luật định. Tôi sẽ so sánh thêm giá cả của từng mục dịch vụ để
không bị hố, trả giá cao, đắt. Bà đừng lo, nếu nhà quàn không nhận hòm, thì tôi
bán lại kiếm chút lời.”
- Bây giờ không phải là lúc đùa
giỡn được. Anh có chắc hòm được giao đúng thứ mình muốn, và trong vòng 24 giờ
không. Giao cho nhà quàn, họ tráo hòm khác thì sao? Anh đã có kinh nghiệm nào
đâu?”
- “Mình có thể đòi hiện diện
trong lúc giao hàng, ai mà đánh tráo được?”
Cả nhà bực mình, xôn xao vì thái
độ kỳ cục của ông Hàn. Một bà chị vợ gay gắt:
- “Có phải vì không là mẹ ruột,
nên cậu nhẩn nhơ, và đòi làm những chuyện trái đời?”
Ông Hàn hơi giận, giọng cứng,
gằn:
- “Nầy, chị đừng nói thế. Mấy năm
nay ai chăm sóc mẹ? Ai đưa mẹ đi bệnh viện, làm đủ thứ giấy tờ, nhắc mẹ uống
thuốc hàng ngày? Thằng nầy chứ ai. Thế thì bây giờ mẹ qua đời, tôi không có
quyền phụ giúp mẹ và cả gia đình nầy, cử hành tang lễ đàng hoàng hơn, ít tốn
kém hơn hay sao?”
Ông Hàn gầm gừ bỏ đi, lục lọi tìm
tòi trong mấy chồng hồ sơ, và quăng ra một tờ bào“US News & World Report”
và nói:
- “Các anh, các chị đọc bài “Đừng
Chết Trước Khi Đọc Bài Nầy” (Don’t Die Before You Read This) đi, để biết.”
Vợ ông Hàn la lên: “Trời ơi, giờ
nầy còn bụng dạ nào mà đọc báo? Mà nó viết gì? Sao anh không tóm tắt kể cho bà
con nghe, xem có lọt tai không?”
Ông Hàn chầm chậm nói:
- “Tác giả Miriam
Horn viết về chuyện linh mục Henry Wasielewsky. Vị linh mục nầy đã vạch trần
cách làm ăn thiếu lương thiện, bóc lột quá đáng của một số nhà quàn trong lúc
tang gia bối rối. Đã bị những nhà quàn bất lương hăm dọa, nhiều lần kêu điện
thoại lúc nửa đêm đòi xin tí huyết, không những thế, ông còn bị cảnh sát địa
phương săn đuổi, và cả vị Giám Mục địa phận cũng đày ông đi xa. Bài báo viết
rất hay, kể rõ một số thủ đoạn của những nhà quàn thiếu lương thiện.” (tên Giám mục nầy thật bất lương - TQMưu)
Ngưng một lát, uống hớp nước
xong, ông Hàn nói tiếp:
- “Tác giả viết thêm rằng, người
ta không có kinh nghiệm, không có thì giờ trong thời gian cấp bách, không có đủ
bình tĩnh khi đang đau buồn, bối rối, cho nên nhà quàn và nghĩa địa làm giá rất
cao. Tang quyến mệt quá, và nghĩ rằng người chết chỉ có một lần, nên giá nào
cũng chịu. Cò kè giá cả trong lúc đau buồn nầy, thì thấy có cái gì lấn cấn
trong lòng. Trong bài báo nói, giá cái hòm chỉ 675 đô, mà nhà quàn đưa giá
3495đô, cũng gật đầu chấp nhận. Giá xe tang mỗi giờ vào thời đó chỉ 25 đô mà
tăng lên 200 đô hay cao hơn nữa. Cũng như các món khác như là hoa, bia mộ,
thiệp cám ơn vân vân, tăng gấp 3 đến 8 lần. Nếu giá chỉ tăng 100% thôi, là đã
là phước cho tang chủ lắm.”
Ông Hàn cười, và tiếp lời:
- “Bài báo viết thêm rằng, trường
hợp tang chủ kêu đắt, họ nói khéo lắm. Đề nghị bỏ xác vào thùng giấy đem chôn
sẽ được rẻ hơn nhiều, tang quyến nghe mà xót xa, đau lòng, tủi thân, nghĩ rằng
mình thương người quá cố không đủ, thế là cắn răng chịu giá cao.”
Bà Hàn hỏi thêm:
- “Còn gì nữa không?”
- “Đây, tác giả viết rằng, có một
bà đã khóc và xin bà con bạn bè trợ giúp tiền bạc để làm đám tang cho chồng.
Nhà quàn đòi 995 đô cho cái hòm. Khi có người hỏi sao đắt thế, họ bảo đó là
loại hòm đặc biệt. Có người không tin, đi khảo giá, cũng hòm đó, loại đó, thì
nơi sản xuất bảo rằng đó là loại rẻ nhất bằng ván ép.
Người ta đến phàn nàn với nhà
quàn, thì họ giảm giá xuống 50%. Có
nhà quàn gián tiếp hối lộ cho tu sĩ, giáo sĩ, tặng những vé máy bay đi chơi, du
lịch miễn phí, để họ dành cho nhà quàn sắp xếp chương trình tang lễ. (Những tên tu sĩ nào nhận hối lộ như thế nầy thì Trời không
dung, Đất không tha! – Thái Quốc Mưu) Có thế mới ra giá cao được. Có
thể tưởng tượng được không, cùng một cái hòm, mà có nơi đưa giá chỉ 1495 đô, mà
nơi khác cho giá 9910 đô. Một số nhà quàn kiếm tiền của thân nhân kẻ quá cố dễ
dàng, bằng cách bán các phụ kiện trong đám ma. Ví như gắn thêm một tượng kim
loại nhỏ, hình Đức Mẹ Maria, giá mua chỉ chừng 3 đến 5 đô, mà tính đến một hai
trăm. Người ta ngại, không dám hỏi về những biếu tượng thiêng liêng nầy.”
Ông Hàn đưa tờ báo cho mọi người
và thúc hối:
- “Đọc đi, mọi người đọc đi để
thấy việc tôi làm đây là đúng hay sai. Nếu không biết, thì để cho người khác
làm, đừng cản trở”
Vừa lúc đó, thì có bà Kim đến. Bà
nầy trước đây làm việc cho nhà quàn, bà là trưởng giám đốc tang lễ, nay đã về
hưu. Ông Hàn như bắt được của quý, xoắn lấy bà Kim, yêu cầu giúp đỡ, hướng dẫn
dể làm sao giảm thiểu được chi phí đám tang . Bà Kim ngồi cười. Vợ ông Hàn chạy
ra phân bua:
- “Giờ nầy mà ông xã em còn khảo
giá trên mạng để làm tang lễ. Ông ấy muốn giảm chi phí, vì nhiều nhà quàn
thường cho giá cao trên trời. Chị làm trong nghề, xin chị chỉ giúp tụi em với.”
Bà Kim chậm rải:
- “Không phải nhà quàn nào cũng
thiếu lương thiện, muốn nhân cơ hội tang gia bối rối mà moi tiền. Rất nhiều nhà
quàn đàng hoàng, uy tín, nhưng họ cũng thừa khôn ngoan, để tìm lợi tức tối đa
cho cơ sở kinh doanh của họ. Giá cả cũng có cao, nhưng cao vừa phải, không quá
lố. Nếu họ có đề nghị, quảng cáo khách hàng mua thêm mục nầy, mục kia, thì là
lẽ thường trong việc kinh doanh kiếm lời. Với chủ trương không gạt gẫm ai,
nhưng ai muốn có những thứ xa xỉ, đắt tiền, mà có khả năng tài chánh, thì tại
sao nhà quàn lại bỏ lỡ cơ hội ? Nhà quàn là nơi làm thương mãi, kiếm lợi tức,
chứ không phải nơi làm phước thiện.”
Ông Hàn nhỏ nhẹ:
- “Chị có nhiều kinh nghiệm trong
ngành nầy, chúng tôi xin chị vài lời vàng ngọc hướng dẫn cho, làm sao để giảm
thiểu chi phí chôn cất thân nhân, tránh những sai lầm tốn kém vô ích.”
Bà Kim cười:
- “Sai lầm lớn nhất
của tang quyến, là không chịu khảo giá năm ba nơi khác nhau. Người ta cho giá
nào, thì cũng nhận, không dám hỏi mà cũng không dám mặc cả từ quan tài, cho đến
đất chôn, và các nghi lễ tốn kém khác. Sai lầm kế tiếp là chọn lựa nhà quàn.
Thường chọn gần nhà, hoặc nơi đã có người quen làm đám tang rồi. Nếu không khảo
giá vài ba nơi, tang quyến có thể trả giá gấp 3 lần nơi khác. Ví như cùng việc
mai táng, có nơi cho giá 2500 đô mà chỗ khác đến 6500 đô. Cũng việc thiêu xác,
có nơi chỉ 395 đô, mà nơi khác đến 5600 đô.”
Bà vợ ông Hàn bẻn lẻn nói nho
nhỏ:
- “Nếu chị không nói ra điều đó
thì em tưởng ông chồng em là người khùng, gàn dỡ, chướng ách. Nhưng em hỏi chị,
thì giờ đâu mà đi khảo giá, thân nhân mình chết rồi, có nằm đó mà chờ được
không?”
Bà Kim cười nhẹ nhàng:
- “Cứ thong thả, để xác thân nhân tại bệnh viện, nơi đây có đủ phòng
lạnh để tồn trử, không ai đem xác quăng đi hoặc gởi hoá đơn xuống âm phủ đòi
tiền người chết. Khi nào tìm được nơi làm tang lễ tốt, giá cả xứng đáng, chịu
được, thì mới ký hợp đồng”
Một ông rể trong gia đình xen vào
câu chuyện:
- “Trường hợp của gia đình tôi, ông bố vừa tắt thở tại bệnh viện, thì
khoảng mười phút sau có nhân viên của nhà quàn đến tiếp xúc với gia đình, nói
là họ được kêu điện thoại để đem thi hài thân nhân quý vị về nhà quàn. Chúng
tôi vừa ngạc nhiên, vừa mừng là tự nhiên có người lo cho mình, khỏi phải đi
tìm, chạy ngược xuôi trong lúc bối rối nầy. Chị có biết tại sao nhà quàn biết
giỏi thế?”
Bà Kim cười:
- “Có gì lạ đâu? Nhiều nhà quàn
liên lạc mật thiết với các y-tá trong các khu cấp cứu, hồi sinh. Khi có người
qua đời, thì y tá báo ngay cho nhà quàn biết. Cũng là chuyện làm ăn thường
tình”
Ông Hàn hỏi:
- “Làm sao giảm thiểu được chi
phí tống táng, mà tang lễ vẫn được trang trọng, bình thường?”
Bà Kim nói:
- “Đừng gồng mình lên mua tất cả các mục không cần thiết mà nhà quàn
liệt kê và khuyến cáo. Mua tối thiểu mà thôi. Vòng hoa trên ngực, vòng hoa trên
quan tài, mình mua chỉ mấy chục đô, nhà quàn sẽ tính đắt gấp năm, gấp mười lần.
Nếu khôn ngoan, thì làm lễ tưởng niệm tại nhà, tại chùa, nhà thờ. Trang trọng
và thân mật hơn.”
Bà Hàn lo lắng hỏi: “Chỉ có mua
hòm và đất chôn thôi, là đã đủ. Còn chi phí gì khác nữa chăng?”
Bà Kim cười:
- “Có lẽ ai cũng tưởng chôn cất
là đơn giản như chị nghĩ. Không. Cả mấy chục thứ chi phí, tôi kể sơ ra đây mà
thôi, nghe chán lắm. Nầy nhé, chi phí cơ bản tại nhà quàn để bàn định việc chôn
cất, giấy phép chính quyền, khai tử, mua hòm, vải tẩm liệm, quách bao quanh hòm
dưới đất, chuyển xác từ nơi chết về nhà quàn, tẩm xác bằng cách rút hết chất
lỏng trong người ra và bơm chất hoá học vào, trang điểm cho người chết, áo quần
liệm, giữ xác trong phòng lạnh, mướn phòng viếng thăm, đem xác ra vào, lễ viếng
thăm, thức ăn, giải khát, tổ chức cử hành tang lễ, in chương trình tang lễ,
cuốn tập ghi khách viếng thăm, vòng hoa trên ngực và vòng hoa trên giá, tụng
niệm tôn giáo, ban nhạc, xe tang chuyển hòm từ nhà quàn ra huyệt mộ, xe lớn chở
thân nhân theo quan tài, xe chở các vòng hoa ra nơi chôn, đất chôn, đào và lấp
mộ, chuẩn bị mặt bằng để làm lễ hạ huyệt, căng lều, ghế ngồi, xếp đặt việc hạ
huyệt, bia mộ tạm, đăng cáo phó, bia mộ, khắc chữ, dựng bia vân vân, mỗi mục là
tính tiền riêng. Chưa kinh nghiệm thì tưởng chỉ có mua hòm và đât chôn là xong.
Cọng tất cả lại, cũng là số tiền rất lớn, tang gia không ngờ được.”
Bà Hàn hỏi:
- “Thế thì mục gì mình có thể từ
chối, không mua?”
- “Còn tùy cách lựa chọn, thường thì mục nầy kéo theo mục kia, nhưng có
nhiều mục có thể bỏ qua được. Nếu muốn tránh những chi phí linh tinh, thì tốt
nhất là giảm bớt các nghi tức rườm rà, như thăm viếng nhìn mặt, làm lễ tại nhà
quàn. Thân nhân có thể làm lễ tưởng niệm tại nhà thờ, chùa hay tại tư gia trong
khung cảnh nghiêm trang, và bà con đỡ phải cực nhọc thăm viếng. Người quá cố
được đưa từ bệnh viện đến nhà quàn, rồi thẳng ra huyệt mộ. Ngày nay, nhiều gia
đình Mỹ tổ chức tang lễ đơn giản cho người quá cố, chỉ riêng trong vòng bà con
thật gần gũi thân thiết, không tiếp bạn bè, quan khách, không vòng hoa, không
phúng điếu”
Bà Hàn cắt ngang lời:
- “Thế thì không sợ người ta nghị
dị, chê cười? Thiên hạ tưởng gia đình keo kiệt, bần tiện, không dám chi tiền,
hoặc người ta chê mình nghèo?”
Bà Kim thở dài:
- “Quan trọng nhất là ước nguyện của người
quá cố. Biết họ muốn gì, và mình làm được gì trong khả năng tài chánh của gia
đình. Nhiều người chết, muốn tang lễ đơn giản, mà gia đình sợ bạn bè bà con dèm
pha, phải gồng mình lên chi tiêu, nợ nần, mua lo âu vào thân. Cách tốt nhất, là
mỗi người, làm sẵn di chúc, viết rõ các ước muốn của mình, trong khả năng tài
chánh có thể. Chuẩn bị trước khi chết một chương trình và lối tang lễ mà mình
ưa thích, mong muốn, và hợp với khả năng tài chánh sẵn có. Đừng để gánh nặng đè
lên vai người còn sống, và đôi khi thực hiện tang lễ trái với ý muốn của mình.
Đừng có dặn miệng thôi, không có bằng chứng, con cháu nhiều người quên mà không
ai nghe. Khi đó, gia đình đỡ bối rối, vì kẻ muốn thế nầy, người muốn thế kia,
gây gổ nhau. Nếu tang lễ có đơn giản, thì cũng không ngại ai chê cười. Nếu
những người có dư tiền, muốn hoang phí đem chôn tiền xuống đất, thì cũng không
ai trách móc. Bà nội tôi ngày trước, muốn con cháu mặc áo sô, thắt lưng rơm,
dép cỏ, khóc lóc, nằm lăn lộn cản đường xe tang. Thuê thêm người khóc mướn làm
điếc tai bàng dân thiên hạ. Thấy không đẹp, thiếu văn minh. Nghe đâu ông cố nội
của tôi chết, hòm quàn trong nhà gần môt năm dài, tiếp khách viếng tang, chôn
xong thì bà cố chết vì quá mệt nhọc, và gia đình sạt nghiệp.”
Ông Hàn hỏi:
- “Trẻ như chúng tôi, có nên viết
di chúc không? Khi nào là lúc nên viết?”
- “Trên năm mươi tuổi, thì viết được rồi.
Những người bệnh nặng, nên viết ngay là tốt nhất. Tôi biết, nhiều người Mỹ giàu
hàng trăm triệu, khi chết cũng muốn làm đám tang đơn giản, tối thiểu, không cho
ai nhìn mặt, và chỉ có vài chục thân nhân tham dự. Trong nghề, tôi biết khá
nhiều gia đình Việt Nam giàu có, khi chết cũng chuyển xác từ bệnh viện thẳng
đến nhà thiêu luôn, khỏi phải qua nhiều giai đoạn, nghi thức rườm rà. Rồi bà
con bạn bè đến nhà làm lễ tưởng niệm, nhắc chuyện vui buồn liên hệ đến người
quá cố trong không khí vui vẻ, bình thường. Tôi nhấn mạnh ở điểm nầy, nếu không
muốn cho thân nhân bối rối khi mình qua đời, thì mỗi người lớn tuổi, nên viết
sẵn lời dặn dò cho gia đình”
Ông anh lớn nói:
- “Theo tôi nghĩ, người Việt mình bắt chước
Mỹ, trưng bày mặt người chết cho bạn bè thân nhân nhìn lần cuối trước khi đem
chôn là một việc làm không nên. Vì dù có trang điểm cách nào đi nữa, thì khi đã
chết, mặt mày cũng không còn dễ nhìn như khi còn sống, nếu không nói là xấu xí,
rờn rợn, hốc hác, tái mét. Cái hình ảnh cuối cùng trong trí của bạn bè rất quan
trọng. Nếu không được đẹp đẽ, thiếu sống động như xưa, uổng vô cùng. Nhiều lần
đi đám tang bà con, tôi thấy mặt mày người chết hốc hác, méo mó, miệng vẩu, mắt
sâu, mà cứbuồn và tiếc mãi, giá như tôi đừng nhìn thấy hình ảnh đó thì hơn, để
tôi còn giữ mãi trong trí cái khuôn mặt vui tươi, rắn rỏi, dễ thương ngày xưa.
Nhất là nhiều người bạn, cứ nhắc đến tên, là tôi mường tượng ra đôi mắt sáng,
nụ cười như hoa tươi, thay được bằng một hình ảnh vêu vao khó nhìn. Tôi cứ muốn
quênđi, để lấy lại hình ảnh đẹp đẽ xưa, mà không được. Tôi chắc không ai muốn
bị bạn bè nhìn họ với một nhan sắc xấu xí cả. Tuy nhiên, cũng có rất ít trường
hợp, thấy mặt người chết đẹp hơn khi còn sống. Đó là những trường hợp người
chết chưa bị bệnh lâu dài, nhan sắc chưa bị tàn phá nhiều. ”
Bà vợ ông Hàn nói:
- “Theo tôi, thì vì người trang
điểm kém, hoặc chi ít tiền trang điểm, nên người chết không được đẹp”
Bà Kim cười lớn:
- “Một chiếc xe Ford đời cũ, làm
sao mà sửa lại thành đẹp bằng chiếc xe Mercedes đời mới. Tô trát cũng có giới
hạn thôi, ngoại trừ mang cái mặt nạ khác. Theo kinh nghiệm của tôi, thì không phải đám tang nào của
người Mỹ cũng trưng bày mặt người chết cho bạn bè nhìn. Nhất là những người đã
đau yếu bệnh hoạn lâu ngày, ngay cả khi chưa chết, họ không muốn ai thấy họ đã
ốm o, hốc hác, xấu xí cùng cực.”
Ông Hàn thêm vào câu chuyện;
- “Khi làm mặt và trang điểm cho người chết,
tôi xem chiếu trong phim tài liệu, mà sợ. Ngoài việc moi hết tim gan phèo phổi,
dạ dày, ruột non ruột già, thấy người ta còn dùng mấy cây sắt dài chừng nửa
thước, to hơn chiếc đũa, xiên từ trong miệng xuống cổ, vào thân, có lẽ để giữ
cho cái đầu và xác ở vị trí thẳng. Rồi cắt trong nướu, để dùng dây kẽm may, xâu
hàm trên và hàm dưới lại với nhau trong vị trí bình thường, cho miệng khỏi há
ra, và may môi lại với nhau. Dùng chất dẻo đắp vào các nơi cần đắp. Sau đó,
dùng phấn, màu, thoa lên mặt, tạo thành một lớp giống như da thường. Cắt tóc,
cạo hay tiả râu lại cho đẹp. Nếu mình chứng kiến tận mắt khi họ làm cho thân
nhân mình, thì đau lòng lắm.”
Ông anh vợ cắt ngang:
- “Thôi, thôi, dượng đừng nói
chuyện đó, nghe mà ghê. Khuất mắt, mình không thấy thì đỡ sợ. Sao không trở lại
câu hỏi chính, là làm thế nào để chi phí tang lễ ít tốn kém nhất?”
Bà Kim cười:
- “Cách
tốt nhất là thiêu xác, và nếu thiêu liền, chuyển xác từ nơi chết, trực tiếp đến
lò thiêu, tang lể làm tại nhà, không nhìn mặt, thì đỡ được rất nhiều chi phí
khác như tẩm liệm, ướp thuốc, xem mặt, thuê phòng, xe tang. Thường phí tổn chỉ
trên 1000 đô thôi.”
Bà Kim hớp thêm ngụm trà, rồi
tiếp:
- “Có người nói sợ nóng, không
dám thiêu. Nhưng khi chết rồi, thần kinh đã tê liệt, thì đâu biết chi nữa mà
nóng hay lạnh. Nếu còn biết nóng lạnh, thì khi nằm dưới đất lạnh lẽo, tối om,
chật chội, ngộp , dòi bọ vi trùng đục khoét, mặt mày teo rúm, há hốc mồm miệng,
nhăn răng, khô đét, hoặc rữa mũn ra, thì có khó chịu hơn không? Chưa kể điều mà
chủ nghĩa địa bảo là đất ‘vĩnh viễn’, thì thường là 49 năm hay 99 năm thôi. Sau
đó thì thông cáo trên báo chí là sẽ dời xác. Con cháu có bao giờ đọc đến cái
thông cáo nầy, mà có đọc, cũng không biết đó là mộ của thân nhân mình. Bên Âu
Châu, có nhiều hầm nhà mồ, xương chất đẩy, xương của hàng trăm vạn ngôi mộ được
đào lên, gom lại, xếp đặt hàng triệu miếng xương lẫn lộn, rất mỹ thuật. Luật lệ
nhiều xứ, chỉ cho chôn 5 năm hay 10 năm, hoặc mấy chục năm thôi. Phải bốc mộ
sau thời gian đó. Ít có nơi nào là vĩnh viễn hoặc lâu vài ba trăm năm. Ngày nay
tại Mỹ, ngưòi ta càng ngày càng ưa thích việc thiêu xác. Các xứ khan hiếm đất
đai như Nhật, và cả Tàu, Ấn Độ, đều thiêu xác. Ngoại trừ những vùng xa xôi, còn
giữ lại việc chôn dưới đất. Theo thống kê năm 2009, thì mười tiểu bang sau đây,
có tỷ lệ thiêu xác cao nhất ở Mỹ: Nevada 73.93%, Washington 69.62%, Oregon
69.24%, Hawaii 68.82%, Vermont 65.67%, Arizona 65.60%, Montana 64.81%, Maine
62.75%, Colorado 62.01%, Wyoming 61.76%”
Bà Hàn xen vào: “Người theo đạo
Chúa, có thiêu xác được không?”
Bà Kim cười và tiếp lời:
- “Mãi cho đến khi Đức Giáo Hoàng
Phao Lồ Sáu tuyên bố việc hoả thiêu là không trái với Giáo Luật vào năm 1963 và
ba năm sau, các linh mục được phép làm lễ cho các đám tang hoả thiêu, thì việc
hỏa táng được phát triển rất mau. Ngày xưa giáo hữu Thiên Chuá tin rằng, phải
còn xác, để chờ ngày phán xét cuối cùng, mà sống lại trên thân xác đó. Chì còn
đạo Do Thái là cấm hỏa thiêu thôi, vì họ cho rằng, tro cốt nằm trong hủ, không
thể “đất bụi trở về lại với đất bụi được”
Ông Hàn bưng bánh ra mời bà con,
và nói:
- “Ông anh rễ tôi kể rằng, thời
mới chạy qua Mỹ mấy năm sau 1975, anh em đồng khoá Võ Bị Đà Lạt đi thăm viếng
một người bạn đang hấp hối vì bệnh ung thư trong khu chờ chết ở Viện Phục Hòi.
Khi đó, đa số đều độc thân, hoặc vợ con còn kẹt lại ở Việt Nam, bơ vơ, không bà
con thân thích. Anh em thấy ông bạn nằm thiêm thiếp, bàn nhau đóng tiền thiêu
xác. Tưởng hắn mê man không nghe được, nhưng bỗng hắn mở mắt ra và nói rõ ràng:
- “Ông cóc muốn thiêu, sợ nóng
lắm. Chôn mà thôi”
Đám bạn bè giật mình nhìn nhau.
Một ông bạn nóng tánh, gằn giọng:
- “Đưa tiền đây, tụi tao chôn
cho. Thằng nào cũng rách mướp, tiền đâu mà chôn mầy.”
Một ông bạn khác nháy mắt, rồi
nói:
- “Mầy muốn chôn cũng được, yên
tâm đi.”
Khi đi ra ngoải, anh bạn nói:
- “Cứ hứa đại, cho nó yên tâm
chết. Sau khi chết rồi, thì cóc biết chó gì nữa, thiêu hay chôn thì cũng thế.”
Thời đó, mới đến Mỹ, người nào
cũng đi làm việc lao động với đồng lương tối thiểu, lo nuôi thân chưa đủ, lại
lo gởi tiền giúp gia đình bên Viêt Nam, tiền đâu mà bỏ ra chôn cất bạn bè, đòi
việc ngoài khả năng, làm sao mà thoả mãnđược? Nầy chị Kim, chị biết tại sao
ngày nay người ta chuộng việc thiêu xác hơn là chôn không?”
Bà Kim ăn bánh, uống nước, rồi
thong thả nói:
- “Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học,
người ta chuộng thiêu hơn chôn vì càng ngày người có học thức cao càng đông đảo
hơn, việc thiêu xác được quần chúng chấp nhận xem như bình thường, đất chôn
không còn dễ dàng và rẻ như xưa, tiết kiệm đất đai cho người còn sống, giáo
luật không cấm thiêu, tiện lợi, giản dị và tiết kiệm được nhiều thì giờ, giảm
thiểu chi phí không cần thiết.”
Một người khác trong gia đình
hỏi:
- “Tôi nghe nhiều người già mua
trước toàn bộ chương trình tang lễ, từ đầu tới cuối. Khi nằm xuống thì khỏi bàn
cãi lôi thôi gì, và tiền bạc cũng đã thanh toán xong. Gia đình khỏi phải bận
tâm. Việc mua trước đó, có thất không, và có lợi hại gì không?”
Bà Kim gật gù:
- “Mua trước toàn bộ các mục cho đám tang cũng là điều hay. Nhưng
phải liệt kê rõ ràng từng danh mục cho minh bạch, đừng thiếu khoản nào. Để sau
nầy khỏi phải trả thêm, vì thiếu sót. Cũng có nhà quàn muốn kiếm chác thêm chút
chút, khi làm đám tang, nói là hòm loại nầy chưa về hoặc mới hết, phải chờ mua.
Nghe chờ mua hòm là đã hết hồn, và chấp nhận trả thêm tiền cho cái hòm đắt
hơn.”
Ông Hàn hỏi:
- “Có khi nào mình mua trước,
tiền thanh toán hết rồi, mà khi chết, họ chối từ làm tang ma hay không?”
Bà Kim cười khanh khách:
- “Chuyện gì cũng có thể xảy ra cả. Bình thường, thì không có chuyện
rắc rối đó. Ngoại trừ khi nhà quàn bị đóng cửa, hoặc đã đổi chủ. Kẹt nhất là
khi mình đổi nơi cư trú quá xa nhà quàn ký hợp đồng làm tang lễ, hoặc mình chết
ở một chốn xa xôi nào đó, mang xác về tốn kém hơn là chôn hay thiêu ởnơi chết.
Thường thường hợp đồng nầy không trả lui được, không chuyển nhượng cho người
khác được. Mua trước cũng có cái lợi, là phí tổn khòi phài tăng theo thời giá.”
Cả nhà mời bà Kim ở lại ăn cơm,
để tham dự cuộc họp gia đình và điện thoại khảo giá việc tang lễ. Cả gia đình
bàn cãi sôi nổi, kẻ muốn chôn, người muốn thiêu, bà chị lớn còn muốn làm đám
tang linh đình, đủ các nghi thức rườm rà. Cả nhà cãi nhau thành to tiếng, mãi
chưa đi đến đâu, thì cô Út lấy trong xách tay ra một là thư, nhìn mọi người và
nói với giọng run run đầy nước mắt:
- “Thưa các anh chị, em muốn cho
mẹ có được một đám tang bình thường như mọi người. Em để các anh chị quyết
định, nhà chúng ta không thiếu tiền, không cần tiết kiệm. Nhưng các anh chị
không đồng ý với nhau, có thể sinh ra bất hoà, nên em xin trình lá thư của mẹ
gởi cho em từ lâu, để anh chị xem. Đây, em xin đọc lá thư :
“...Sau này mẹ chết, thì mẹ ước mong các con
làm đám tang đơn giản. Không khăn sô, không tụng niệm, không để bà con xem mặt,
không phúng điếu, không vòng hoa, và mẹ muốn được thiêu xác. Tro cốt thì đem
thả xuống Thái Bình Dương, để mẹ hoà tan vào biển cả, may ra thấm về thấu tận
quê nhà bên kia đại dương. Đừng chôn tiền xuống đất. Tiền tiết kiệm được đem
cúng cho hội từ thiện...”
Cả nhà trách cô Út tại sao không
đưa là thư ra từ đầu, để khỏi bàn cãi lôi thôi, cô khóc mà không trả lời.
Sau khi nhờ bà Kim phối hợp, cả
nhà hoàn tất và ký khế ước hỏa thiêu. Chi phí tang lễ chôn cất do nhà quàn đề
nghị tổng cọng 34,680 đô, chỉ còn tốn 1676 đô bao gồm toàn bộ thủ tục giấy tờ,
chuyển xác, hoả thiêu và bình tro tạm.
Toàn anh chị em trong gia đình
góp thêm tiền, đem tặng hội từ thiện 35 ngàn đô. Cả nhà đều vui mừng, nhẹ nhỏm.
/.
Tràm Cà Mau
=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét