TẢN MẠN - TỪ CHUYỆN CON BÊ RỪNG
(Trân trọng kính dâng tất cả Bà
Mẹ Việt Nam)
Thái Quốc Mưu
Trong các chương trình Truyền
hình của mấy trăm đài, tôi thích nhất hai mục: Đô Vật và Thế Giới Loài Vật.
Thích đô vật không phải vì tôi
không biết những cách chơi “cuội” của những đấu thủ. Tôi thích, bởi vì xem
chương trình nầy không phải suy nghĩ gì cả, đầu óc thanh thản hơn. Một lối xem
vô thưởng, vô phạt.
Tôi thích chương trình Thế Giới
Loài Vật, bởi nó thực sự bổ ích cho sự hiểu biết của mình về thế giới nơi rừng
sâu hoang dã, nơi biển cả mênh mông. Nếu không xem chương trình nầy, tôi không
thể nghĩ, thấy và chắc chắn không biết, không tin nếu nghe ai kể có loài chim
nước hoặc một loài cá đẻ... con. Và, tôi cũng không thể biết được các loài chim
dữ khi bắt và ăn thịt những con thú như dê rừng, man, rắn độc... như thế nào?
Nhờ chương trình Thế Giới Loài
Vật, tôi thấy và biết được có loài chim biển khi săn mồi, xếp cánh phóng xuống
biển nhanh như một mũi tên, sâu dưới lòng nước hằng năm, mười mét và lội nhanh
như cá.
Ngoài ra, nhờ xem chương trình
nầy mà tôi củng cố thêm đức tin, rằng mọi vật, mọi loài sinh ra, hiện hữu đều
có sự sắp đặt, an bày của bàn tay kỳ diệu của Đấng Siêu Nhiên, mà người có đạo
Công Giáo gọi là Thiên Chúa, còn người không cùng tín ngưỡng với tôi gọi là Ông
Trời, Đấng Tạo Hóa hay Ông Cao Xanh.
Nếu không có bàn tay của Đấng
Siêu Nhiên, không có sự sắp đặt kỳ diệu ấy, thì tại sao giống rùa biển khi đến
thời kỳ sinh sản bơi vào bãi bờ chọn nơi xa mực nước thủy triều đào hang đẻ
trứng rồi ung dung trở về biển cả. Và, những chú rùa con sau khi đã tự động nở
ra trong bến bãi, đồi cát chập chùng lại biết hướng để bò nhanh ra biển?
Nếu không, tại sao giống cá sấu,
sau khi lên bờ đẻ trứng, rồi lấp đất ủ lại biết được ngày nào sấu con nỡ để trở
lại tha con đem về sông hồ? Và nếu không có sự sắp đặt của Đấng Siêu Nhiên thì
tại sao các giống thú nhỏ mới đẻ ra vừa đứng vững vàng biết tìm đúng ngay vú mẹ
và đặc biệt nó chưa hề biết loài nào là thú dữ, nhưng khi gặp hổ, sói thì chúng
co chân chạy trối chết?
Đấng Tạo Hóa đã sinh ra và ban
cho muôn loài một bản năng sinh tồn kỳ diệu làm sao!
Một hôm, đang theo dõi chương
trình Thế Giới Loài Vật trên đài 54. Màn ảnh cho thấy trên một cao nguyên bằng
phẳng, đồng cỏ xanh rờn, xa xa có những ngọn đồi núi nhấp nhô lẩn khuất trong
những đám mây thấp lè tè. Những đàn thú ngựa vằn, nai, man, bò rừng... Xa xa
hơn chút, một con hươu cao cổ đang ngẩng đầu hái lá trên những cành cây... Nhìn
vào, tôi thấy cảnh sống thật nhàn nhã, thanh bình.
Màn ảnh hiện lớn hơn, một chú bê
con chừng tháng tuổi, đang chúi đầu vào vú mẹ. Bò mẹ ung dung gặm cỏ gần đàn.
Cảnh thanh bình êm ả trên cánh đồng cỏ xanh rì, tưởng chừng chưa hề có một tai
biến nào xảy đến... Bỗng, xuất hiện hai con sư tử. Chúng mọp mình xuống bò từng
bước thật nhẹ, thật nhẹ chậm và chắc. Hai con thú dữ mỗi lúc một gần hai mẹ con
bò rừng. Và thoắt cái, chúng vụt phóng nhanh ra!
Bấy giờ trên đồng cỏ trở nên hỗn
loạn. Những đàn thú đua nhau chạy tứ tung theo từng đàn, từng giống. Những
tiếng chân nện trên nền cỏ rầm rập, rầm rập… Cặp thú dữ phóng mình đuổi theo
hai mẹ con bò rừng. Con bò mẹ luôn chạy cản phía sau, đôi khi quay đầu lại
chống cự để án ngữ phần nguy hiểm cho con.
Một con sư tử bỗng đổi tốc độ
phóng nhanh lên, chận đầu con bò mẹ. Bò mẹ quay ngang mất thăng chao đảo muốn quỵ
xuống, con sư tử từ sau phóng tới cắn vào cổ giật mạnh, con bò mẹ ngã xuống. Xong,
chúng thi nhau xé thịt. Trong khi con bê chạy thoát.
Các đoàn thú rừng đều dừng lại,
ngơ ngác giây lâu rồi tiếp tục gặm cỏ như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Chú bê
con chạy quanh quẩn, len trong đàn bò rừng ngơ ngác tìm kiếm và cất tiếng kêu
gọi mẹ thảm thiết “Bê! Bê! Bê... bê...ê..ê...!”
Màn ảnh chiếu cảnh chiều xuống,
những đám mây ở hướng tây đỏ hồng, mặt trời thấp xuống dần. Đêm đến, ánh trăng
nhô cao. Cảnh vật thanh bình tĩnh lặng. Chú bê con vẫn chạy quanh quất, vẫn cất
tiếng kêu thảm thiết “bê! bê! Cuối cùng, nó tuyệt vọng, nằm xuống co đầu vào
hai chân trước. Màn ảnh mờ dần, mờ dần...
Cảnh tượng xảy ra khoản năm bảy
phút, nhưng đánh động lòng tôi. Tôi nghĩ đến những bà Mẹ, nhất là những bà Mẹ
Việt Nam.
Tôi không lớn lên từ quê Ngoại,
nhưng thuở nhỏ chúng tôi vẫn thường theo mẹ về Ngoại. Trong các chuyến về thăm
quê có một lần tôi chứng kiến một hình ảnh tưởng chừng không bao giờ phai mờ
trong ký ức.
Đến lúc lớn lên học hành, thi cử,
ăn chơi rồi làm công chức, rồi cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, rồi trở về công chức
thì hình ảnh quê Mẹ bị nhạt nhòa trong ký ức của tôi, rồi những tháng năm bị tù
đày, rồi ra đi… Giờ đây, tuổi đời và cuộc sống trên xứ người đã góp phần không
nhỏ làm cho những gì thuộc về dĩ vãng mờ dần, mờ dần và cuối cùng gần như trôi
vào quên lãng.
Đến khi xem chương trình Thế Giới
Loài Vật kể trên, nhìn hình ảnh con bò mẹ cứ chạy cản phía sau để bảo vệ an
toàn cho con, ký ức ngày xưa bật dậy trong tôi, khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi
nhớ...
Hồi ấy, trong chuyến về quê
Ngoại, Mẹ dẫn anh em chúng tôi đến thăm một gia đình bà con xa - mà cho đến nay
tôi chẳng biết tình máu mủ quan hệ như thế nào! Gia đình nầy nghèo lắm, ngoài
nhà cửa rách nát và ba bốn đứa con tuy rách rưới nhưng khá sạch sẽ, trong nhà
không thứ gì có giá trị. Mỗi lần đến thăm họ, Mẹ tôi thường cho họ ít tiền và
quà, thường là vài chục lít gạo...
Trưa hôm ấy, chúng tôi đến ngay
lúc cả nhà ngồi quanh trên chiếc giường tre xiêu vẹo ăn cơm. Tôi thấy, nói là
ăn cơm, nhưng thật ra chỉ là những khúc khoai lang lột vỏ, nấu có bám vài hột cơm,
chấm với muối ớt, song đám trẻ ăn vẫn ngon lành. Trong khi bà Mẹ ăn bắp chuối
và đọt mì luộc.
Trước kia, tôi nghe một tuồng cải
lương trong Radio - bây giờ tôi không nhớ nổi là tuồng gì? Có đoạn tác giả đưa
ra một giống chim, khi không tìm được mồi cho con, nó tự rỉa thịt mình nuôi con
để ví với tấm lòng hy sinh và tình yêu thương của người Mẹ dành cho con cái.
Chuyện con bò rừng, lấy mình để
che chở, bảo vệ an toàn sự sống cho con, để rồi bị chết thảm trước móng vuốt
của loài thú dữ; chuyện người Mẹ hy sinh ăn bắp chuối, đọt mì để nhường khoai
cho con và chuyện một giống chim tự lấy thịt mình nuôi con... Về hình thức không
giống nhau nhưng tất cả đều nói lên được tấm lòng cao dày, bao la của Mẹ.
Tấm lòng của Mẹ - dù là của loài
thú nơi hoang dã hay của loài người, đối với con cái đều cao cả như nhau.
Nhạc sĩ Y Vân viết bài Lòng Mẹ
thật tuyệt vời, thật cảm động. Tuy nhiên, nếu đem so sánh: “Lòng Mẹ bao la như
biển Thái Bình dạt dào”, theo ý nghĩ riêng tôi thì không chính xác. Vì, Lòng Mẹ
thì vô biên còn biển Thái Bình có giới hạn.
Lòng Mẹ, nhất là lòng Mẹ của dân
tộc Việt Nam thì không bút mực tả hết được. Hàng triệu tấm lòng người Mẹ Việt
Nam trong chiến tranh, trong nghèo khó có thiên hình vạn trạng yêu thương, lo
lắng, đùm bọc, chăm sóc con cái trong muôn nghìn hoàn cảnh khác nhau…
Có những bà Mẹ nhường cho con
từng miếng ăn, chăm sóc con từng giấc ngủ. Có những bà Mẹ sớm hôm tảo tần, buôn
gánh, bán bưng để cho con cái ăn cái mặc, được cắp sách đến trường. Có những bà
Mẹ sớm hôm lội bùn lầy, quần quật trên cánh đồng dưới ánh mặt trời thiêu đốt…
Trong chiến tranh, trên đường
chạy nạn, không thiếu những bà Mẹ lấy thân mình che đỡ bom, che đạn cho con...
Tôi đã từng xem những hình ảnh có bà Mẹ bồng con trẻ chạy bom đạn đã dùng thân
xác mình làm lá chắn cho con. Cuối cùng, người Mẹ cao cả ấy trúng đạn. Chết! Trong
khi đứa trẻ cố trườn người ra khỏi xác mẹ và bò lên tìm vú mẹ...
Càng sống trong cảnh thiếu thốn
nghèo nàn, trong đau khổ, trong khói lửa chiến tranh, trong gian nan nguy
hiểm... càng cho ta thấy những sự hy sinh cao quý từ tấm lòng Người Mẹ Việt Nam
dâng cao vô tận, rộng lớn vô ngần.
Sang Mỹ, vì cuộc sống, dù phải
tranh đua với giờ giấc, phải đương đầu với những khó khăn ở hãng xưởng, đến khi
trở lại mái ấm gia đình, dù mệt nhọc phờ người, khi về đến nhà những bà Mẹ Việt
Nam đã vội vàng lăn vào bếp, lo từng món ăn chăm sóc cho chồng, con.
Không thiếu những bà Mẹ góa sống
trên đất nước dư thừa vật chất nầy, cũng vì con mà đành phải gói kín nỗi đơn
độc trong tâm hồn băng giá đời mình!
Xem xong đọan phim trên, tôi
chạnh lòng nhớ đến Mẹ tôi, người Mẹ đã hy sinh, lo lắng, chăm sóc, dạy dỗ, cho đàn
con tám đứa ăn học, có người đến nơi đến chốn, có kẻ còn dở dở ương ương, có
đứa thì mới đậu xong Tú Tài phải lên đường nhập ngũ. Và đã đau xót khi nhìn anh
em chúng tôi - trừ hai gái, 6 trai đồng loạt vào tù...
Ở quê hương tôi, không thiếu
những bà Mẹ như Mẹ chúng tôi. Những bà Mẹ ấy đã hy sinh, cặm cụi, chăm sóc cho
con khi còn nhỏ dại, lo lắng trong chiến tranh và đau buồn, tủi nhục, cạn nước
mắt ở thời kỳ cuộc đời đen tối nhất như của anh em chúng tôi.
Ơ Mỹ, hàng năm có Ngày Mother’s
Day dành để tưởng nhớ đến công lao của những bà Mẹ. Hiện nay Mother’s Day gần
như đã hội nhập vào tinh thần của người Việt ly hương trên mảnh đất tạm dung nầy.
Tôi viết những dòng nầy để kính
dâng lên hồn thiêng của Mẹ chúng tôi và trân trọng dâng lên những bà Mẹ Việt
Nam sinh ra cùng thời và lớn lên cùng hoàn cảnh, đã chịu nhiều đau khổ như Mẹ
chúng tôi - dù còn sống hay đã ra người thiên cổ - đã sinh ra những người con
cùng thời, đồng lứa với tôi đã biết vì Quốc Gia Dân Tộc, đã đứng lên hiên ngang
bảo vệ tự do, hạnh phúc cho quê hương yêu dấu.
Sau cùng, tôi xin kết tâm tư của
mình thành muôn vạn đóa hồng để dâng lên tất cả các Bà Mẹ Việt Nam. Những bà Mẹ
tuyệt vời trong nhân loại! Và, xin được nhắn nhủ những ai may mắn có Mẹ, còn Mẹ
hãy dâng hoa, hãy luôn luôn chan chứa ý nghĩa Mother’s Day trong lòng mình mỗi
giây, mỗi phút trong cuộc đời... chớ đừng để mỗi năm chỉ có một ngày Mother’s
Day.
Thái Quốc Mưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét