Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Lá Thư Úc Châu
Trang Thơ Nhạc Xuân Bính Thân
LaThuUcChau: Chúc Mừng Năm Mới Bính Thân
Đức Trí - Ngọc Hạ: Nắng Có Còn Xuân
Tình thân,
NNS
..............................................................................................................
(1) Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Ts Nguyễn Hưng Quốc: Tết Tây và Tết Ta
Cũng giống mọi người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại, mỗi năm tôi có đến hai cái tết: Tết Tây và Tết ta.
Tết Tây thì long trọng hơn hẳn. Thường, tôi được nghỉ đến hơn một tuần. Trước Tết, bạn bè, đồng nghiệp gửi thiệp chúc mừng năm mới và tặng quà cho nhau. Đêm giao thừa, người ta ùn ùn kéo đến khu vực trung tâm thành phố để xem pháo hoa. Sau Tết, trong trường có những cuộc họp để bàn về kế hoạch cho năm mới. Bởi vậy, dù không nghĩ đến, không khí Tết vẫn bàng bạc ở mọi nơi và mọi lúc. Vậy mà, lạ, đối với Tết Tây, tôi vẫn ơ hờ. Nghỉ, ừ, thì nghỉ. Chúc Tết, ừ, thì chúc Tết. Nhưng tự thâm tâm, tôi vẫn có cảm giác đó là cái Tết của người khác. Chứ không có gì liên hệ với mình.
Tết ta thì khác. Năm nay ngày mồng một Tết rơi vào thứ Hai, tôi vẫn đi làm và đi họp bình thường. Nếu không đến các khu chợ Việt Nam và không dự các buổi hội chợ Tết được tổ chức rải rác đây đó, người ta sẽ không thấy tết đâu cả. Gia đình tôi lại không có bàn thờ, không có thói quen cúng kiếng và không đến chùa hái lộc đón giao thừa nên càng không có không khí Tết. Ở nhà không có cành mai hay chậu cúc. Bà xã tôi chỉ làm một vài món ăn ngày Tết và mua một hai cái bánh chưng, bánh tét gọi là… Vậy mà, không hiểu sao, Tết ta vẫn cứ ám ảnh tôi mãi. Gần đến Tết, trong lòng vẫn xôn xao. Đến Tết, làm việc thì làm việc, nhưng sâu tận trong tâm khảm, vẫn có chút gì nao nao, bâng khuâng, và đặc biệt, có chút gì thật hiu hắt.
Tại sao lại hiu hắt?
Hiu hắt, tôi nghĩ, trước hết, là vì nhớ quê hương. Tôi tin tất cả mọi người hiện đang sống ở hải ngoại, với những mức độ khác nhau, đều nhớ quê hương, nhất là trong những ngày Tết, lúc, theo truyền thống, mọi người trở về quê quán để tụ tập với đại gia đình, bà con, hàng xóm. Theo giới nghiên cứu về Lưu vong học (Diaspora Studies), một trong những đặc điểm chung nhất và nổi bật của các cộng đồng lưu vong trên thế giới là lúc nào cũng đau đáu với một số ký ức tập thể về quê gốc để, dù thành công đến mấy, người ta vẫn thấy ít nhiều lạc lõng trên miền đất mới. Với người Việt Nam, vốn có truyền thống gắn bó với quê quán, những nỗi nhớ ấy càng phổ quát và càng da diết. Cứ mở các tờ báo xuân bằng tiếng Việt ở khắp nơi thì thấy. Ở đâu cũng tràn đầy nỗi nhớ. Nhớ những phong tục cũ. Những hình ảnh cũ. Những tâm tình cũ. Người ta nhớ cả những truyền thuyết và truyện cổ tích xa xưa về bánh dày, bánh chưng và dưa hấu.
Bản thân tôi, đã hơn mười một năm rồi, không được về lại Việt Nam, đến Tết, lại càng nhớ. Khái niệm quê hương, trong nỗi nhớ của tôi, rất cụ thể. Đó là ba tôi, anh em tôi, bạn bè tôi. Đó là không khí với những mùi hương và những tiếng động, từ tiếng cười đến tiếng nói, từ tiếng rao hàng đến tiếng động cơ qua lại trên đường phố. Nỗi nhớ, bình thường mênh mang và man mác, đến ngày Tết, trở thành nặng trĩu, có lúc dường như rưng rưng.
Hiu hắt còn là vì nhớ quá khứ. Hầu hết những nỗi nhớ ngọt ngào nhất của tôi liên quan đến ngày Tết là những kỷ niệm ngày thơ ấu. Gần Tết, tiếng heo kêu eng éc từ đầu thôn đến cuối xóm. Mang thịt về, mẹ tôi bày nấu đủ thứ, từ thịt kho, thịt hầm, thịt luộc đến các loại bánh nhân thịt như bánh tét và bánh ít. Có lẽ chỉ có ngày Tết là mọi người được ăn thịt thoả thuê. Nhưng trong các thứ bánh, không hiểu sao, đọng lại trong ký ức tôi nhiều nhất là bánh tổ. Đó là loại bánh cực giản dị, chỉ có bột nếp và đường, để được rất lâu. Lâu đến độ có khi bánh bị mốc. Nhưng không sao cả. Người ta chỉ cần lạn cắt lớp mốc ấy đi và bỏ bánh lên chão dầu chiên cho giòn. Là ăn được. Ngon vô cùng.
Mẹ tôi mất vào rằm tháng giêng. Rất gần Tết. Nên Tết nào tôi cũng nhớ mẹ. Nhớ bàn tay thoăn thoắt của bà những lúc chuẩn bị thức ăn ngày Tết. Nhớ cồn cào những món bà nấu. Sau này, tôi có dịp thưởng thức nhiều món ăn nổi tiếng trên thế giới, nhưng hình như không có món nào ngon như những món mẹ tôi nấu. Tôi biết, cách đánh giá ấy rất chủ quan. Nhưng việc ăn uống nào mà lại không chủ quan? Ăn, chúng ta đâu phải chỉ ăn thực phẩm. Trong cái ăn còn biết bao nhiêu là kỷ niệm. Kỷ niệm lúc càng nhỏ tuổi lại càng sâu đậm.
Nhưng cảm giác hiu hắt xuất phát nhiều hơn, nếu không muốn nói là nhiều nhất, từ nỗi bế tắc khi nghĩ đến tương lai của Việt Nam. Đại hội thứ XII vừa kết thúc. Thường, trong sinh hoạt chính trị Việt Nam, các đại hội mỗi năm năm ấy là một dấu mốc lớn. Nhưng đại hội vừa qua lại không có chút hứa hẹn thay đổi nào cả. Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng làm tổng bí thư năm năm; suốt năm năm ấy, ông không có chút cải cách. Thêm năm năm nữa, chắc chắn ông cũng vẫn vậy. Vẫn rất giáo điều và bảo thủ. Ông vẫn quyết tâm dẫn dắt cả nước vào cuộc phiêu lưu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà ông biết chắc, như có lần ông thừa nhận, còn rất đỗi xa vời, đến tận cuối thế kỷ, chưa chắc đã thành hiện thực. Để đánh đổi cho cuộc phiêu lưu ấy, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục trì trệ; giáo dục và đạo đức vẫn tiếp tục suy đồi; tham nhũng vẫn tiếp tục tràn lan; người dân vẫn tiếp tục khốn khổ; và, quan trọng hơn, Việt Nam vẫn đối diện với nguy cơ xâm lấn từ Trung Quốc.
Một chế độ độc tài chỉ có thể cáo chung với một trong hai nguyên nhân: tự thay đổi hoặc bị đánh đổ.
Với bộ máy lãnh đạo hiện nay, viễn ảnh thứ nhất hoàn toàn bất khả. Không hy vọng gì những người như ông Nguyễn Phú Trọng sẽ theo gót các nhà lãnh đạo ở Miến Điện để chấp nhận trao quyền lực lại cho những chính khách được dân bầu trong một cuộc bầu cử thực sự tự do và minh bạch. Mà Việt Nam cũng chưa có những nhà đối lập có tầm vóc quốc tế để có thể tập hợp lực lượng đông đảo hầu đối đầu với nhà cầm quyền.
Còn viễn tượng bị lật đổ? Tôi nghĩ khả năng này, nếu có, cũng còn xa. Lý do, giống như trên, lực lượng đối lập vẫn còn nhỏ và yếu. Dĩ nhiên, vẫn có khả năng bùng nổ cách mạng. Các cuộc cách mạng ở các nước Ả Rập vào đầu năm 2011 cũng rất bất ngờ, không ai, kể cả giới chính khách và giới tình báo Tây phương, có thể tiên đoán được.
Người Việt Nam có thói quen nuôi một số hy vọng nào đó khi đón Tết. Riêng đối với tình hình chính trị tại Việt Nam trong năm Bính Thân này, tôi chưa thấy có chút hy vọng gì cả.
Nên càng nghĩ càng thấy hiu hắt.
(ii) Nhà văn Nhã Ca: Huế Tết Mậu Thân Chết Oan – 40 năm, 3 lần bị chôn sống
Đúng vậy. Hàng ngàn người chết oan. Họ bị chôn sống tới ba lần. Lần thứ nhất chôn trong đất Huế. Lần thứ hai chôn ngay tại Hoa Kỳ. Và lần thứ ba, đang tiếp tục bị chôn tại Việt Nam. Những người chết oan nhắc tôi phải nói vậy.
Họ đã bị chôn sống lần thứ nhất tại Huế Tết Mậu Thân.
Bị chôn ở Thành Nội, ở Gia Hội, ở Bãi Dâu, ở Phú Thứ, ở khe Đá Mài… Không chỉ trong núi trong rừng, nơi họ bị chôn còn là đất chùa, đất nhà thờ, đất trường học, và ngay tại vườn nhà…Trong số những người bị chôn có (Tâm Tuý,) cô bạn trường Đồng Khánh của tôi. Khi xác được đào lên, thấy tóc mọc dài hơn, móng tay mọc dài hơn. Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống, như nhiều nạn nhân khác. Họ bị chôn ra sao, chôn bằng cách nào?
Chỉ riêng 4 khu tại Gia Hội cộng lại đã là 473 người. Chính con cháu những người bị chôn -gồm toàn các thiếu niên 14, 15, 16 tuổi, học trò trường Nguyễn Du- bị buộc phải đào hố.
Những nạn nhân bị cột trói bằng dây điện dính nhau xếp hàng bên hố. Một vài người bị đập đầu. Cả dây người đang sống bị đạp xuống hố đè lên nhau. Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc.
Rồi báng súng AK và lưỡi lê buộc các thiếu niên phải lấp đất chôn sống cha anh chúng. Mười mấy em trong toán thiếu niên sau đó bị giết hết, chỉ ba em chạy thoát.
Một trong ba thiếu niên, nay là ông Tuấn, 56 tuổi, đang sống ở Úc.
Sau 40 năm câm nín, mới đây ông Tuấn đã bật khóc khi kể về những người chết oan: Dòi bọ trong hốc mắt. Dòi trong lỗ tai. Dòi trong mũi. Và ông vừa khóc vừa la là hôm nay tụi khốn nạn cầm quyền nó ăn mừng đại thắng Mậu Thân, tôi không chịu nổi nữa. Không chịu nổi nữa…
Đúng là ông Tuấn không thể chịu nổi, khi những người chết oan tiếp tục bị chôn sống bằng nhiều hình thức khác.
Huế Tết Mậu Thân bị chôn sống lần thứ hai.
Không ở đâu xa, mà ngay trên đất Hoa Kỳ này. Họ bị chôn không phải bằng cuốc, bằng xẻng mà bằng sự im lặng đồng loã của giới truyền thông Mỹ.
Vào thời điểm ấy, truyền thông khuynh tả tại Mỹ đang cổ võ phong trào phản chiến trong dân chúng, để buộc chính phủ Hoa Kỳ phải rút quân, tháo chạy khỏi Việt Nam. Trận chiến Mậu Thân, cộng quân thảm bại, báo chí truyền hình Mỹ vẫn ca lên mây xanh. Tấm hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một đặc công cộng sản giữa trận địa liên tục bị phóng lớn để bôi bẩn, xoá nhoà mọi chiến thắng của quân dân miền Nam. Trong khi ấy, mọi tin tức hình ảnh cuộc thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân bị cố ý dẹp bỏ. Truyền thông Mỹ tiếp tay, chôn sống vụ thảm sát.
Dân Mỹ bị che mắt. Kết quả là kẻ ác không đáng thắng đã thắng.
Và rồi,..
Huế Tết Mậu Thân đang bị chôn sống lần thứ ba.
Những ngày trước tết, nhà nước cộng sản đã tổ chức đủ kiểu lễ mừng “chiến công”. Mít tinh, diễn binh ở Saigon. Rồi tổ chức ngay tại Huế cái gọi là “Hội Thảo Khoa Học về cuộc tổng tấn công – tổng nổi dậy Tết Mậu Thân”
Khoa học kiểu gì vậy?
Chỉ là thứ khoa học “khủng bố đào hố chôn người” đang được “đổi mới” để tái diễn. Mục đích là bằng mọi giá, phải đánh tráo hồ sơ thảm sát Huế Tết Mậu Thân bằng cái hồ sơ khoa học giả tưởng về chiến công Tết Mậu Thân của họ. Nói gọn là ngụy tạo một chiến công giả để lấp liếm một tội ác thật.
Tại Huế hiện nay đang có những con đường được đặt tên là đường Mậu Thân, đường 68 để mừng chiến thắng; Đài tưởng niệm nạn nhân tết Mậu Thân thời trước 75 đã bị phá bỏ. Những gia đình có thân nhân chết oan đều bị công an gọi lên, hoặc cho người đến tận nhà, ra lệnh “muốn sống yên thì im miệng.” Gia đình nào có người liên quan xa gần tới sách Giải Khăn Sô Cho Huế và Nhã Ca còn được thêm lệnh phải nói là họ bị xuyên tạc. Nhiều nhân vật cộng sản từng thú nhận là có giết oan ở Huế thời Mậu Thân đều bị bịt miệng..
Ngoài nước, đặc biệt là tại Mỹ, sách vở báo chí phim ảnh cộng sản tuyên truyền về chiến công tết Mậu Thân sẽ từng bước xâm nhập các thư viện, trường học, nhà sách, truyền hình…
Bốn mươi năm. Hai thế hệ rồi.
Chỉ ít năm nữa thôi, còn ai nhớ chuyện cũ. Nhà nước cộng sản tính vậy, và đang mở chiến dịch “chôn sống vĩnh viễn hồ sơ thảm sát Tết Mậu Thân.”
Thưa quí vị, thưa các bạn,
Hôm nay tại đây, chúng ta đang cùng nhau trân trọng tưởng niệm.
Hồn thiêng những nạn nhân bị tàn sát, đang ở cùng chúng ta.
Là một người sống sót sau trận tàn sát Tết Mậu Thân, như nhiều người Huế sống sót khác, tôi luôn cảm thấy như con mắt của những người chết oan đang nhìn theo mình, tiếng kêu lấp trong đất của người bị chôn sống vẫn âm ỉ, nhắc nhở.
Với chúng tôi, điều được nhắc nhở lúc này là không cho phép lịch sử tiếp tục bị đánh tráo. Không để con em chúng ta phải học, phải đọc những điều gian dối về cha anh của họ. Không thể để tương lai tiếp tục bị phỉnh gạt.
Muốn vậy, ngay năm nay, năm thứ 40 sau biến cố Mậu Thân, phải làm sao cùng nhau tổ chức tới nơi tới chốn việc sưu tập mọi tài liệu, hình ảnh liên quan tới hồ sơ Tết Mậu Thân, kêu gọi những nhân chứng Mậu Thân còn sống kể ra từng chi tiết sự việc, ghi chép bằng âm thanh, hình ảnh, chữ nghĩa, thành lập một thư khố về vụ thảm sát Mậu Thân. Sau đó là tổng hợp, nghiên cứu mọi yếu tố lịch sử, pháp lý, thực hiện công trình phiên dịch, biên tập và ấn loát đúng mức. Công trình ấy sẽ thành những cuốn sách đủ tầm vóc, Việt ngữ, Anh ngữ và dành lại vị trí xứng đáng cho sự thật lịch sử.
Để làm được những việc trên đây, cần mời gọi mọi người tâm huyết ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc, hoạch định, cần góp công góp của. Chính vì mục đích này, sách mới Giải Khăn Sô Cho Huế hôm nay đang trình diện quí vị tại đây. Toàn bộ số tác quyền thu được từ sách sẽ được góp vào quĩ khởi đầu cho dự án kể trên.
Cách đây 40 năm, cũng từ những nhắc nhở của Huế Tết Mậu Thân, tôi đã cầm bút viết. Và sách “Giải Khăn Sô Cho Huế” được in lần đầu tại Việt Nam năm 1969. Toàn bộ tác quyền từ sách này được góp vào việc trùng tu thư viện trường Đồng Khánh và lập giải thưởng hàng năm “Luận án Tiến Sỹ Y Khoa xuất sắc nhất” tại Đại Học Y Khoa Huế.
Ngay sau ngày Saigon bị đổi tên đổi đời, cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” đã được treo trong cái gọi là “Nhà Trưng Bầy Tội Ác Mỹ Nguỵ”. Bản thân tác giả cùng ông chồng và các bạn nhà văn Saigon thì đi tù, nhà cửa bị tịch thu, con thơ bị đuổi nhà, đuổi trường…
Số phận mỉa mai của cuốn sách sang được tới Mỹ vẫn chưa yên, mà còn bị “cắm cờ oan khiên.” Hồi tháng Năm năm 2007 vừa qua, phim “Đất Khổ” cuốn phim đặc biệt về Huế Mậu Thân, dựng theo một phần “Giải Khăn Sô Cho Huế” và do chính Nhã Ca viết đối thoại, lại được công ty sản xuất phim Mỹ ra DVD mang bán cho dân Hoa Kỳ với bao phim có nền (cờ) đỏ sao vàng. Sách mới “Giải Khăn Sô Ra Mắt” và báo xuân Việt Báo năm nay có lên tiếng than phiền vụ “cắm cờ oan khiên” này. Điều an ủi là sau khi vấn đề được nêu lên, hãng Mỹ đã nhanh chóng dẹp bỏ cái bao bìa có hình là cờ máu, để thay bằng bao bìa mới có hình cờ vàng và bản đồ Việt Nam. Có bạn bảo tôi, dù sao tư bản Mỹ sửa sai cũng nhanh hơn Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi dự án dành lại sự thật vụ thảm sát Huế Tết Mậu Thân tiến hành, chúng ta sẽ tiếp tục đòi họ sửa sai.
Sách mới “Giải Khăn Sô Cho Huế” đang được trình diện quí vị hôm nay không chỉ là một cuốn bút ký như cũ mà là cả ba cuốn sách gom lại làm một, gồm tất cả chữ nghĩa Nhã Ca viết về Huế Tết Mậu Thân gồm nhiều bút ký, truyện ngắn và thêm truyện dài Tình Ca Trong Lửa Đỏ.
Dự án này sẽ được khởi sự bàn luận chính thức trong tuần lễ triển lãm Tưởng Niệm 40 Năm Huế Tết Mậu Thân, khai mạc tại Việt Báo Gallery tại Little Saigon, vào lúc 2 giờ trưa, Chủ Nhật 24 tháng 3 sắp tới.
Bài phát biểu của nhà văn Nhã Ca Huế Tết Mậu Thân Chết Oan: 40 năm, 3 lần bị chôn sống tại Lễ tưởng niệm 40 năm các nạn nhân bị thảm sát trong tết Mậu Thân, tổ chức tại Houston ngày 24 tháng 2 năm 2008.
(iii) Bùi Công Tự: Mùa Xuân và Hy Vọng
Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử một dân tộc nói riêng ngay cả những khi bi đát nhất vẫn le lói một niềm hi vọng. Với tinh thần lạc quan sẵn có tràn trề của người Việt, chúng ta chào đón Xuân mới Bính Thân không có gì ý nghĩa hơn là những niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng của đất nước.
Chúng ta hi vọng vào sự thay đổi theo quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại, cái mới thay thế cái cũ, cái tiến bộ thay thế cái lạc hậu.
Chúng ta hi vọng vào sức sống bền bỉ mạnh mẽ truyền thống của dân tộc ta.
Chúng ta hi vọng vào các lực lượng tiến bộ của xã hội, trong hoàn cảnh đầy trở lực vẫn kiên trì nỗ lực vận động cho sự thay đổi của đất nước.
Chúng ta còn hi vọng ở cả những cá nhân cấp tiến trong hàng ngũ lãnh đạo, một khi có đủ can đảm, có khí phách thì có thể đóng vai trò chủ đạo tạo ra sự thay đổi.
Lịch sử đòi hỏi đất nước không thể dẫm chân tại chỗ vì như thế là thụt lùi. Mà một khi đã thụt lùi thì khó có thể thoát ra khỏi vũng lầy ấy.
Sự thay đổi vô cùng khó khăn vì nó phải chịu nhiều áp lực.
Áp lực từ những tư tưởng bảo thủ, cố chấp, không dám thay đổi, không nhận ra sự lạc hậu của thể chế chính trị hiện hành.
Áp lực từ nền kinh tế thấp kém, lạc hậu lại đang gánh nặng nợ nần.
Áp lực từ sự đe dọa chủ quyền biên giới hải đảo do nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra.
Áp lực từ sự phức tạp của tình hình thế giới hiện nay.
Và không kém phần gay cấn là áp lực từ chính sự hạn chế nhiều mặt trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Chúng ta không thể chấp nhận và phải cảm thấy tủi hổ khi có người gọi Việt Nam là đất nước không chịu phát triển.
Đảng CS Việt Nam nếu tiếp tục sứ mạng cầm quyền thì Đảng phải nhận thức được sự yếu kém của mình, nhận ra sai lầm khuyết điểm trong việc lãnh đạo đất nước mấy chục năm qua. Đất nước hôm nay có thể giàu có hơn về vật chất, về bộ mặt xây dựng nhưng lại mất đi bao nhiêu giá trị về văn hóa và đạo đức của dân tộc.
Vì sao những giá trị phổ quát từ hàng trăm năm trước của văn mình nhân loại về dân chủ, về pháp quyền đến nay vẫn chưa được thực thi ở Việt Nam? Câu hỏi ấy chỉ có thể trả lời nếu có sự cải cách về thể chế chính trị.
Tại đại hội XII của Đảng ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã phát biểu nêu ra sự đòi hỏi này.
Vậy thay đổi thể chế chính trị là gì?
Theo tôi cần từng bước mở rộng dân chủ, chấp nhận xã hội dân sự, tiến tới thực hiện đa đảng, tam quyền phân lập, thực hiện đầy đủ các quyền con người mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Về kinh tế thì phải bảo đảm quyền tư hữu tài sản, đất đai lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển, thực hiện cơ chế thị trường toàn diện. Phát triển nền giáo dục theo hướng phục vụ thiết thực cho nhu cầu xã hội. Chăm sóc sức khỏa cho toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng con người Việt Nam có văn hóa, có đạo đức, có đức tin, có sự gắn bó cộng đồng.
Sau đại hội Đảng XII, Đảng CS Việt Nam đã có một tập thể lãnh đạo mới. Trước mắt trong một tương lai gần, sự phát triển của đất nước phụ thuộc vào bộ máy lãnh đạo này. Chúng ta hi vọng các vị đó đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của tổ chức, sớm nhận ra sự cấp bách phải đổi mới, đáp ứng niềm hi vọng của nhân dân.
Với mỗi người chúng ta, năm 2015 đã đi qua với những vui buồn của riêng mình, với những nỗ lực có thành công có thất bại để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng mà mình gắn bó. Bước sang năm mới Bính Thân, mỗi người dù giầu hay nghèo, hạnh phúc hay bất hạnh thì trong hành trang cũng đều cần có một niềm hi vọng. Niềm hi vọng ấy sẽ cho ta niềm tin, cho ta sức mạnh, cho ta tình yêu, giúp ta vượt qua mọi khó khăn.
Xuân Bính Thân đang xôn xao ngoài cửa. Với những ai yêu đời thì mùa xuân nào cũng là mùa xuân đầu tiên. Ta nghe âm vang đâu đó tâm tình của cố nhạc sĩ Văn Cao.
"Từ nay người biết yêu người / Từ nay người biết thương người".
Xin kính chúc các bạn năm mới An khang thịnh vượng, sức khỏe, may mắn và thành đạt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
(bct - TP HCM, Xuân Bính Thìn 2016)
(iv) Trần Trung Đạo: Đêm Giao thừa đầu tiên trên đất Mỹ
Tôi xuống máy bay ở phi trường Logan, Boston khoảng 10 giờ tối, một ngày cuối tháng 11, 1981 trong cái lạnh se người. Tôi và T., một người tỵ nạn cùng chuyến và nhỏ hơn tôi vài tuổi, nhìn quanh không thấy ai. Chờ khoảng mười phút, chúng tôi tự động lần mò theo lối đi có chữ Exit để ra ngoài.
Bác Tôn Thất Ân làm việc cho Viện Quốc Tế (International Institute of Boston) có nhiệm vụ đón chúng tôi ở phi trường. Ngày đó, người đi đón có thể vào tận cửa nhưng bác ngồi chờ ở trạm lấy hành lý vì nghĩ thế nào chúng tôi cũng ra đó trước.
Tôi không có hành lý gì cả ngoài một túi nhỏ cầm trên tay, trong đó chứa vài bộ áo quần và những giấy tờ cần thiết. T. cũng thế. Bác thấy chúng tôi nên rời khỏi ghế bước lại gần. Bác Ân không lạnh lùng nhưng cũng không quá miềm nở. Bác làm việc đón đưa mỗi ngày theo phận sự một nhân viên có lương chứ không phải đón mừng một thân nhân từ bên kia trái địa cầu vừa đến.
T. có bà con ở Boston còn tôi đến một mình. Lát nữa, bác Ân sẽ đưa T. đến nhà bà con của chú ấy, và sau đó sẽ mang tôi đến nơi tạm trú đầu tiên trong hành trình tỵ nạn còn mờ mịt và chông gai của mình. Sau này gần gũi bác nhiều hơn, tôi biết bác Ân rất bao dung, rộng lượng và đầy tình nhân ái nhưng tính tình hơi nghiêm nghị. Tôi gặp lại bác Ân nhiều lần khi bác còn ở Boston và luôn nghĩ đến bác như một người ơn lớn của mình.
Cuối tháng 11, trời Boston khá lạnh. Với một người đến từ vùng nhiệt đới và cô đơn như tôi càng cảm thấy lạnh hơn nhiều.
Nhớ lại vài giờ trước đó, người đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt làm cho cơ quan thiện nguyện. Người con gái Huế có đôi mắt đẹp và giọng nói ngọt ngào, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tôi nhỏ con nên muốn một chiếc áo cỡ nhỏ. Người đẹp nhìn tôi như thương hại cho thân hình ốm yếu nhưng lắc đầu và chỉ vào thùng áo cùng một cỡ như nhau.
Nếu ở trường Luật Sài Gòn, tôi đã cám ơn đôi mắt ấy một bài thơ tả tình đầy sáo ngữ nhưng ở Chicago hồn thơ cũng đã lạnh cóng như mặt hồ Michigan gần đó. Từ Chicago, đoàn tỵ nạn từ Philippine chia tay nhau lên máy bay nội địa đi về nhiều ngã. Bầy chim xa mẹ vốn lẻ loi lại càng lẻ loi hơn.
Bác Ân lái xe đưa chúng tôi ra khỏi phi trường nhưng không đến thẳng khu nhà chúng tôi ở. Bác bảo phải ghé lại Viện Quốc Tế trên đường Commonwealth trước cho biết chỗ vì kể từ ngày mai chúng tôi sẽ phải đến đó nhận tiền ăn cho đến khi được cấp welfare (một loại tiền trợ cấp của chính phủ dành cho người nghèo khó), và cũng luôn tiện lấy thêm đồ dùng. Bác lấy một chiếc nệm mỏng và bảo đó sẽ là của tôi.
Bác đưa T. về với bà con của chú ấy trước sau đó đưa tôi đến khu nhà số 15 đường Park Vale ở Allston, cách Boston chừng 10 dặm. Khi đó căn nhà đã có nhiều người ở trước. Tôi nhập chung với một số người ở tầng hai. Tầng ba cũng có vài gia đình người Việt trong đó có gia đình anh chị Liêm mà tôi vừa gặp lại ở Atlanta đầu năm nay sau hơn ba mươi năm xa cách. Tôi rất mừng khi gặp lai anh chị. Ngày xưa chúng tôi ở chung một khu nhà nhưng ít có dịp chuyện trò vì đời sống quá tất bật khó khăn. Bây giờ khi bước qua rồi và nhìn lại chúng tôi mới thấy quý khoảng không gian và thời gian chung sống.
Tôi đến sau và được xếp nằm gần cửa sổ nhưng chắc không phải là một ưu tiên. Nằm gần cửa kính thường lạnh hơn và gió lọt vào. Sau này mới có giường nhưng mấy tháng đầu ai cũng nằm dưới sàn gỗ. Cảm giác bất an tràn ngập kín trong lòng. Tất cả đều xa lạ. Từ những người chung quanh đến cảnh vật mùa đông, không ai và không có một ngoại cảnh nào có thể gọi là cảm thông, chia sẻ với mình.
Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông đầu rét buốt. Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ.
Tôi đã băng qua nhiều ngọn núi trong đời mình nhưng những năm đầu trên đất Mỹ là ngọn núi cao nhất. Tôi phải vượt qua, nếu không, tất cả các thành tựu trong quá khứ sẽ trở thành vô nghĩa.
Đúng giao thừa, người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa.
Thấy anh chuẩn bị cúng, tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách. Không có tiếng khóc trong đêm giao thừa đầu tiên nhưng lòng ai cũng nặng trĩu ngậm ngùi.
Không nói ra, nhưng hình như người nào cũng sợ phải đối diện với nỗi cô đơn, lạc lõng trong đêm giao thừa. Chúng tôi, thay vì về lại phòng mình, ngồi quây quần nhau chung quanh chiếc bàn dài. Vài đĩa cánh gà chiên. Vài lon bia. Một bình trà. Những bầu tâm sự. Mẹ già. Người yêu. Bè bạn. Những câu chuyện vượt biên hồi hộp và gian khổ.
Có một điều không ai trong chúng tôi đã hối tiếc việc ra đi. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe chặng đường nguy hiểm của mình một cách hảnh diện. Thành quả dù lớn hay nhỏ cũng đều có giá và tự do thường phải trả giá đắt nhất, đôi khi bằng chính mạng sống của con người.
Năm 2010, nhân ngày 30 tháng 4 đài VOA có phỏng vấn tôi lý do ra đi và tôi trả lời, bởi vì “Quê hương Việt Nam sau 30-4-1975 là quê hương để nhớ để thương chứ không phải để sống”.
Và như thế, tôi đón cái Tết đầu tiên với những người xa lạ nhưng vô cùng cần thiết trong đời sống mới, những người đã gọi nhau là đồng hương và tôi cũng được hưởng thêm một tình cảm mới mà chúng tôi gọi là tình đồng hương. Giống như một gia đình, lắm khi vui và cũng có khi buồn nhưng từ những bước đầu khó khăn, nhỏ nhoi và vui buồn đó, cộng đồng Việt Nam đã được sinh ra và lớn lên vững mạnh đến hôm nay.
(2) Bài Xuân từ Bạn bè
(i) Trần Huiền Ân: Giữa mất và còn
Những ngày cuối năm… Những ngày đầu năm…
Nhiều lúc nghĩ, thôi đừng quan trọng hóa, năm cũ năm mới mà chi, cả cuộc đời ta, một kiếp hư sinh, có làm được việc gì để đánh dấu vào thời gian đâu, ngày tháng nào chẳng vậy, bận tâm làm gì!
Nhưng rồi không thể không bận tâm. Từ năm cũ sang năm mới…Thời tiết: nắng mưa sương gió có khác, đất nước: núi sông cây cỏ có khác, không biết vài bậc thiền sư cao đạo thế nào chứ mỗi cá nhân bình thường nói gì thì nói lòng vẫn ít nhiều xúc cảm, tâm trạng có khác, đó là cái phản ứng tự nhiên với ngoại cảnh.
Dân Việt chúng ta, mối tương quan Mất và Còn, giữa con người với vũ trụ, thiên nhiên, giữa con người với con người luôn luôn sẵn có, đậm đà. Tết này gợi nhớ về những tết xưa, nhất là thời thơ ấu, thời thanh niên, thời gian khó. Ngày cuối năm, ngày đầu năm, trong câu chuyện không quên nhắc lại đôi ba thoáng chốc dĩ vãng. Những nỗi buồn, nỗi khổ đều biến thành nỗi vui, dẫu cho lúc ấy nước mắt tràn đầy, bây giờ hồn nhiên tiếng cười tự tại.
Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh em… mất đi, những ngày đau khổ đi qua, hết khóc rồi mãn tang, ủ rũ mãi đâu được, phải nhìn về tương lai, tiếp tục cuộc sống, tâm nguyện rằng sống sao cho người thân, người yêu của ta nơi suối vàng được yên vui, không hổ thẹn. Cuối năm tu tảo mộ phần. Ba
ngày tết trên bàn thờ đèn không tắt, nhang không tàn. Hôm đám giỗ mời bà con bạn bè đến dự. Đó là một cách tưởng nhớ thiết thực, nếu không có thể dễ dàng quên đi giữa lúc phải tìm trăm phương ngàn kế lo cho cuộc sống.
Khi tiễn đưa linh hồn một trinh nữ, ông Nguyễn Bính viết:
Chỉ một vài ba năm thế rồi / Người ta thương nhớ có ngần thôi
Người ta nhắc đến tên nàng để / Kể chuyện nàng như một chuyện vui …
Mới nghe, tưởng như nhà thơ có ngầm ý trách người đời: chỉ thương nhớ một thời gian ngắn, sau đó khi nhắc đến hóa thành chuyện vui. Thật tình thì đây là điều đương nhiên. Nhắc đến, mà mãi mãi buồn thương thì chắc gì linh hồn người trinh nữ ấy bằng lòng. Phải vui chứ, để nếu linh thiêng, có giây phút hiện về, mỹ nhân được hòa đồng cùng bạn bè dương thế. Mỹ nhân và danh tướng, thông thường Định Mệnh không cho họ với nhân gian đến bạc đầu. Có phải vì vậy, coi sự tử như sự sinh, mà các danh tướng (kể cả các văn quan lãnh nhiệm vụ võ tướng) khi không giữ được thìchọn cái chết vinh với thành, chứ chẳng chịu sống hèn sống nhục, làm một hàng thần. Buổi trưa hè vắng lặng, bên khóm tre già nghe tiếng hát ru “ơi hời” theo nhịp võng đưa:
Ngó lên hòn tháp Cảnh Tiên / Cảm thương Ông Hậu thủ thiềng ba năm…
Với vị võ tướng lừng danh: Hậu quân Võ Tánh, giữ thành Qui Nhơn, tự thiêu trên lầu củi, lửa hồng đốt cháy tấm cô trung, thiên hạ không khóc Người nữa, mà biết bao thương cảm. Hai tiếng “Ông Hậu” trong ca dao, thật gần gũi, thân mật. Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, cùng các anh hùng vị quốc vong thân khác… sống mãi trên ngàn năm bia miệng thời gian, trải bao lần Tết đi Tết đến.
Chợt nhớ câu đối của cha tôi - một nhà nho Trung Kỳ có lúc vào sống ở Nam Kỳ. Thời ấy, Pháp đô hộ nước ta, chia lãnh thổ thành ba kỳ, ba chế độ cai trị khác nhau. Mùa xuân đến, cha tôi không bi quan như Nguyễn Bính (trong Đêm mưa đất khách), mà ngay thời điểm giao thừa tâm niệm rằng Xuân đang khắp trời Nam, Xuân toàn cả ba kỳ, với hương sắc nước non như cũ.
Xuân mãn Nam thiên phong thủy cựu
Nhơn tồn khách địa tuế thời tân
Tôi từng nhập tâm câu ấy. Mỗi lần cuối năm, đầu năm, dù hoàn cảnh có thế nào, vẫn thấy Mất và Còn cứ song song hiện diện, sáng lên một tia hi vọng, thấu hiểu Xuân mãn Nam thiên, để tìm thấy ý nghĩa sâu sắc của tuế thời tân từ phong thủy cựu.
(ii) Nhà văn Văn Quang: Vui buồn chuyện Tết năm nay ở Vietnam
Ngày Tết Nguyên Đán ở VN bao giờ cũng là ngày quan trọng nhất đối với các “đại gia” cũng như với người dân nghèo khó, dù “rách quanh năm” cũng phải có một tí gì đó gọi là Tết cho gia đình, con cháu đầm ấm vui vẻ. Dân gian có câu: “Đói ngày giỗ cha, phải lo ba ngày Tết”.
Vào dịp này một số lớn gia đình người Việt ở hải ngoại hẳn là nhớ đến cái Tết ở quê nhà. Nhiều vị bận đi làm không có nhiều thì giờ ôn lại những cái Tết ở VN. Tôi điểm lại một số phong tục của ngày Tết ở VN để bạn đọc có dịp nhớ lại và vài chuyện vui buồn gần đây nhất để bạn đọc cùng vui Xuân.
Tết của người Việt vào ngày mồng 1 tháng 1 âm lịch hằng năm. Năm nay có tháng chạp thiếu nên mới ngày 29 đã là 30 Tết và là ngày chủ nhật  07-2-2016. Dân gian quan niệm rằng trước khi đến ngày Tết chính thức, tất cả mọi thứ đều phải chuẩn bị thật đầy đủ, mong khởi đầu một năm mới may mắn và thành công. Do vậy, sau ngày 23 tháng chạp là ngày đưa “Ông Táo về trời”, bước vào bất cứ nhà nào của người Việt cũng sẽ thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, tất bật. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết người người đều trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Trên tường treo những bức tranh Tết hoặc câu đối, trong nhà thì đặt những lọ hoa đầy màu sắc, đặc biệt nhắc đến Tết thì không thể không nhắc đến hoa Đào (Miền Bắc) - Hoa Mai (miền Nam). Đôi nơi vẫn còn tục lệ múa lân nhất là ở vài Thành Phố lớn. Ở Sài Gòn năm nào cũng tổ chức “đường hoa”. Nhưng 2 năm nay tôi không bước chân tới vì cứ nghĩ năm nào cũng vậy thôi, xem mãi chán rồi. Có khác chăng năm nay là năm con khỉ nên chắc là nhiều khỉ lắm. Vả lại mỗi lần đến đây lại nhắc nhớ tới những kỷ niệm cũ với người tình, với bạn bè xưa kia, càng buồn thêm.
Nét đặc trưng của Tết Việt là mâm cỗ trên bàn thờ vào tối giao thừa, ngoài các loại bánh mứt còn có mâm ngũ quả với các loại trái cây đặc trưng của người Việt như Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm được bày lên trang trọng và đẹp mắt thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới với những điều may mắn, tốt lành. Vào ngày Tết còn có tục thờ cúng tổ tiên, hái lộc đầu xuân, xông đất đầu năm, chúc Tết, lì xì mừng tuổi. Năm 2016 là năm Bính Thân (năm con khỉ), nên các đồng tiền có in hình con vật này cũng có giá hơn. Năm nay đồng xu in hình con khỉ của Australia và tiền khỉ may mắn của Indonesia cũng được “nhập cảng” vào VN và đã bán được khá nhiều.
Bên cạnh đó người Việt rất xem trọng lễ nghĩa, nên trước Tết mọi người thường dành tặng nhau những món quà Tết thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn, tôn kính với gia đình và bạn bè. Các nhà chuyên làm quà Tết tha hồ hốt bạc. Các đại gia đua nhau kiếm món quà Tết độc đáo tặng những nơi thường giao thiệp nhất là với các cơ quan và các quan chức họ thường phải nhờ vả. Họ không ngần ngại mua quả phật thủ đẹp nhất với giá trên dưới 10 triệu đồng, nhưng những quả có giá cao như thế thường rất hiếm, hàng chục ha mới tìm được 1 quả. Hoặc có những đại gia hay đại quan chơi ngông mua chậu địa lan Trần Mộng 100 cành nở cùng lúc vào đúng dịp Tết đã được một đại gia mua với giá 70 triệu đồng. Có đại gia bỏ trăm triệu mua cây bạch đào chơi Tết. Nhiều tay chơi quan niệm, có được một gốc đào cổ thụ với dáng độc là năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, phát lộc trong làm ăn. Vì thế, dù bị “hét giá” lên tới cả trăm triệu nhưng rất nhiều người vẫn sẵn sàng móc hầu bao. Một con gà Đông Tảo cũng được trả giá tới 70 triệu đồng. Thế mới là của “hiếm quý” mua được sự hài lòng của các “đối tác”. Các đại quan cũng bận rộn không kém, chuẩn bị nhận quà Tết và tất nhiên phải chu đáo với các quan trên mình. Các công ty dù là vốn nhà nước hay của tư nhân cũng phải chuẩn bị một món quà Tết cho các nhân viên của mình.Tất cả như đã thành một thứ luật bất thành văn nhưng mọi nơi đều rộn ràng chuẩn bị cho tục lệ bất thành văn này. Dù cho công ty có thua lỗ cũng phải tìm cách “thưởng” cho nhân viên kẻo mang tiếng với các công ty bạn, như thế chẳng khác nào “tự vạch áo cho người xem lưng” công ty của mình… sắp phá sản.
Năm nay kiểu thưởng Tết ở VN cũng  có nhiều chuyện lạ. Sau một năm làm việc, cống hiến, hẳn người lao động nào cũng hào hứng chờ đợi thưởng Tết từ doanh nghiệp. Nhưng không ít người phải “ngậm ngùi” khi trông thấy phần thưởng ấy.  Mời bạn đọc hãy xem mấy kiểu thưởng Tết khá vui này.
Báo Giao thông ngày 02/1 cho biết, thay vì sử dụng tiền mặt như thông thường, nhiều doanh nghiệp sử dụng tương ớt, quần đùi... để thưởng cho nhân viên sau một năm làmviệc. Một công ty vật liệu xây dựng ở Thái Nguyên thưởng Tết cho mỗi nhân viên 200 viên gạch. Một cơ sở sản xuất hương (nhang thắp) ở Đan Phương- Hà Nội thưởng Tết bằng 100 ngàn đồng và… các loại nhang. Độc đáo không kém là một công ty dệt may quận Hoàng Mai- HN thưởng Tết mỗi nhân viên tới 70 chiếc quần đùi. Và thế là Tết này, với thời tiết giá rét đặc trưng của mùa đông Hà Nội, 70 chiếc quần đùi. Có lẽ họ… sử dụng luân phiên tận hơn hai tháng sau Tết mà không phải giặt giũ! Một độc giả đã viết: Thế là “anh mặc, em mặc, con chúng ta mặc, và biết đâu… hàng xóm cũng mặc quần đùi đi chúc Tết luôn”.
Nhưng hài hước nhất, là công ty truyền thông T.V thưởng tới 30 bịch giấy vệ sinh cho nhân viên ăn Tết. Còn một công ty ở TP. Sài Gòn lại thưởng Tết cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt. Riêng lãnh đạo thưởng lớn hơn, mỗi người hai thùng. Đúng là ăn Tết…cay hơn ớt! Không biết nên mếu hay nên cười! Quần đùi, giấy vệ sinh, gạch men tuy “kỳ cục” thật đấy nhưng xem ra còn dùng được hoặc đem cho thoải mái được, chứ công ty chuyên sản xuất… dung dịch vệ sinh phụ nữ, bao cao su mà thưởng Tết bằng sản phẩm thì người nhận chỉ có nước đem bán hoặc vứt xó (nếu bán chạy thì công ty đã không “đổ” cho nhân viên).
Tuy nhiên, bên cạnh các công ty thưởng gạch, nhang thắp, tương ớt, quần đùi, giấy vệ sinh…, thì cũng có những công ty thưởng Tết rất lớn, trong dịp Tết Âm lịch. Tỷ như có công ty tại Q. Bình Tân (Saigon) công bố mức thưởng Tết cao nhất đến 320 triệu đồng/ người (Theo báo Người Lao Động). Nhưng chưa ăn thua gì, so với mức thưởng 600 triệu đồng, thuộc về một DN tư nhân. Quả là mức thưởng Tết “khủng” ai cũng phải thèm. Nhưng thật ra số thưởng tết “khủng” này chĩ dành cho các sếp. Các ông chủ ngoài việc tôn trọng công sức mồ hôi nước mắt của người lao động còn là một sự khôn ngoan khiến người làm công, làm giàu cho mình càng phải cố sức làm việc hơn nữa.
Mới bước sang đầu năm dương lịch 2016, nghe cái tin “mười năm không phát hiện tham nhũng”, mấy anh dân đen mừng húm, thế là nước VN chúng tôi tham nhũng chết ráo cả rồi. Nhưng thật ra vừa đọc xong bản tin này, người dân lại thở dài bởi họ biết chắc rằng tham nhũng ở cái thời đại này không bao giờ hết. Nó chỉ đi trốn là tài nhất. Trốn ngay trong cơ quan nhà nước, trốn ra nước ngoài, trốn trong xó nhà bà con họ hàng nội ngoại, trốn về quê đuổi gà nhưng vẫn có hàng ngàn tỉ trong ngân hàng. Vậy mà người dân đọc số báo đầu tiên của năm mới, nhiều bạn đọc ngớ người khi “vấp” phải thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa về việc 10 năm qua tỉnh này không phát hiện cán bộ nào nhận quà. (Theo Báo Người Lao động ngày 1-1-2016). Nghe cứ như chuyện đùa chứ ai nghĩ rằng thông tin này được long trọng đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng do UBND tỉnh Khánh
Hòa tổ chức ngày 31-12 vừa qua. Không phải chỉ có tỉnh Khánh Hòa mà cả UBND Hà Nội cũng có báo cáo: 'Không có cán bộ nào nhận quà sai quy định”. Báo cáo việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng, chính quyền Hà Nội thông tin: “Năm 2015, các đơn vị báo cáo không có trường hợp nào vi phạm trong nhận, tặng quà theo quyết định 64 của Thủ tướng”.Và “Trong nhiều năm, Hà Nội không phát hiện trường hợp nào vi phạm việc tặng và nhận quà. Tương tự, không có trường hợp nào phải xác minh, kết luận về việc kê khai tài sản thu nhập không trung thực”. Nghe muốn phát sốt vì những cái báo cáo quá “sạch sẽ” ấy, người dân bèn phản ứng ngay trên các báo. Họ tức giận và thẳng thừng đưa ra nhận xét của mình.
- Bạn đọc Nguyễn Thế Tòng, một người dân của Khánh Hòa, thốt lên: “Khó tin!”. Chẳng biết bằng “phương pháp, nghiệp vụ” gì mà tỉnh này có thể theo dõi được từng cán bộ của mình để đưa ra một kết luận chủ quan như thế. Còn nếu để cán bộ tự khai thì điều này còn dị hợm hơn và một hội nghị như thế chẳng cần phải tổ chức để khỏi tốn tiền của, thời gian... Và quan trọng hơn để người dân khỏi thấy mình bị xem thường”.
Nhiều bạn đọc phản hồi qua Báo Người Lao Động rằng, xây một căn nhà cấp 4 thôi, vừa đổ đống đất là có các “anh” xuống hỏi thăm ngay. Không có quà thì chẳng yên thân. Xin giấy phép xây dựng cũng phải đủ kiểu “tình thương mến thương”, rồi kiểm tra các kiểu, môi trường, điện nước... “Chỉ có người mù mới không thấy những chuyện như thế. Mà người mù không thấy thì cũng nghe người dân ta thán hằng ngày”. Ngay những số liệu đưa ra từ hội nghị cũng đã mâu thuẫn với những gì lãnh đạo tỉnh này công bố. 10 năm qua, tỉnh thực hiện gần 1.000 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng hơn 269 tỉ đồng và gần 670 ha đất các loại. 71 bị can, bị cáo tham nhũng bị xử lý... Gần đây nhất chuyện một ông cán bộ Hải Quan TP Sài Gòn mới đi vắng vài ngày thế mà số phong bì hơn 60 cái (chưa mở) được ông gom bỏ vào một túi ny-lông xách mang ra để về nhà thì bị các trinh sát của Cục A84 ập vào bắt giữ. Số tiền này tổng cộng gần 1 tỷ đồng được các doanh nghiệp buộc phải chung chi trong 5 ngày, tương đương khoảng thời gian ông du hí bên Trung Quốc. (Tôi đã tường thuật chitiết và phân tích việc này trong bài tuần trước).
Đầu năm đã phải nghe những “báo cáo báo cầy giả” như thế thì sui cả năm. Và một nguy cơ khác là kẻ tham nhũng sẽ xử người chống tham nhũng như ông Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Sài Gòn) đưa ra cảnh báo: “Người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại …”,
Rõ ràng nguy cơ nằm ở tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước. Bọn tham nhũng rất xảo quyệt, chúng kéo bè kết cánh bảo vệ lẫn nhau, bóp chết người dân lương thiện chống tham nhũng. Vậy ai còn dại gì chống tham nhũng nữa, bỗng dưng chui đầu vào hang hùm miệng sói. Im lặng và chịu đựng, chịu đựng cho đến bao giờ?!
Vậy người VN nhìn thấy gì trong năm Con Khỉ này? Nhìn thấy khỉ nhiều hơn người  chăng?
(Văn Quang -Viết từ Sài Gòn, Ngày giáp Tết Bính Thân (2016))
(iii) Luân Hoán: Buồn như Tết
không xa nhà chỉ xa quê
xuân về tết đến không thê thảm buồn
chỉ hơi nhớ nhớ thương thương
hương hoa mùi bánh mái từ đường xa
      tuổi xuân vui tết quê nhà
      đón tết hải ngoại tuổi già hồi xuân
      không vui nhưng vẫn gắng mừng
      tham gia, tổ chức tưng bừng cuộc chơi
nhìn người vui tôi học vui
lạ kỳ xuân đến ngậm ngùi nhiều hơn
cả năm nhặt nhạnh cô đơn
ngày tết muốn tặng nhưng không ai thèm
      họa hoằn vẫn chỉ một em
(Luân Hoán - 9.53 PM-24.01.2016)

................................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét